nguyễn xuân thiệp
Tranh Bồ Đề Đạt Ma
Trần Vàng Sao vẽ. ký tên Nguyễn Đính
Trên là tựa đề một bài thơ của Trần Vàng Sao. Bài thơ nói về
con diều của tuổi thơ bay lượn trên cánh đồng mà sao câu chuyện quá buồn. Buồn
và oan khốc như cuộc đời của chính tác giả.
Buồn và oan khốc. Đúng vậy. Buồn từ lúc tuổi còn thơ. Vì gia
đình nghèo, cha chết sớm, mẹ tần tảo đầu sông cuối chợ. Mơ mộng của tuổi thơ
chết theo cánh diều trên cánh đồng đầy những mồ mả… Nhưng thôi, xin hãy gượm
nói về cánh diều và tuổi thơ của Trần Vàng Sao. Ta hãy nhìn lại toàn bộ cuộc
đời của nhà thơ.
Trần Vàng Sao là người cùng xóm Vương Phủ với Nguyễn. Ngày
xưa, cái xóm nhỏ bé này có ba người làm
thơ: Võ Ngọc Trác nổi tiếng là nhà thơ
siêu thực với thi phẩm Thượng Thẩm,
cùng kẻ này và Trần Vàng Sao. Trần Vàng Sao, tên thật là Nguyễn Đính sinh năm
1941, sống từ thuở ấu thời đến bây giờ tại phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Năm
1961 ông thi đỗ tú tài rồi vào Đại học Huế, tham gia các phong trào đấu tranh
của sinh viên cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha.
Từ 1965 đến 1970, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy
Huế, viết báo với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao. Năm 1970 ông
được đưa ra miền Bắc an dưỡng, chữa bệnh. Ở nơi đây, ông có viết nhật ký ghi
lại những suy nghĩ của ông về cái gọi là ‘hậu phương xã hội chủ nghĩa’. Sau đó
bị tố cáo, đấu tố và cô lập đến nỗi ông có cảm giác ông không còn được coi là
con người mà đã thành ‘một con vật, một con chó’, theo như Hồi ký ‘Tôi bị bắt’
ông viết sau này.
Điểm qua như vậy ta thấy được Trần Vàng Sao là người yêu
nước với tâm hồn ngây thơ trong sáng và nhiệt tình của tuổi trẻ nhưng rồi ông
bị vỡ mộng khi nhìn thấy bộ mặt thật của Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa và sự tham
lam, tàn ác và dã tâm của những người Cộng Sản. Những tác phẩm của ông như Hồi ký Tôi bị bắt (1976), Cương lĩnh chính
trị diễn ca, Bài thơ của một người yêu nước mình (19-12-1967), Người đàn ông 43
tuổi nói về mình (1984), Buổi trưa giữa đường tôi ngồi núp mưa (1990), Tau
chửi… là những bức tranh màu xám của xã hội đồng thời là bản cáo trạng lên án
chế độ với “những con người bằng máy / đầy gân thiếu trái tim”.
Trở lại với bài thơ “Đứa Bé Thả Diều Trên Đồng…” Cũng như Trần Vàng Sao, Nguyễn thích ngắm
những cánh diều bay và mê thả diều. Ngày nhỏ lang thang theo đàn bò trong khu
rừng thưa gần bên thị trấn. Nhân lúc bò gặm cỏ, mình tìm một thân cây đổ, trèo
lên nằm ngả lưng, miệng ngậm một cọng cỏ, nghe tiếng chuông trên cổ bò vang qua
rừng cây, ngắm cánh diều ai thả bay lượn trên bầu trời. Và Nguyễn cũng có cánh
diều của tuổi thơ mình. Ôi, biết bao nhớ tưởng, tiếc thương. Và chính lúc này
đây, Nguyễn đang nghĩ tới cánh diều đầu tiên mình có trong đời. Đó là những
ngày đã xa, quá xa, chìm lẫn trong màu xanh thời gian. Những ngày Nguyễn còn
“áo vắt vai đi qua rừng sim / lội trong cỏ may ngập đầu gối”... Cánh diều đầu
tiên được làm bằng những thanh tre mỏng manh, dùng giấy từ tập vở cũ cắt ra rồi
dán lên. Dây diều thì xin những cuộn dây bố dùng dư của chú Từ, chắp nối lại
cho dài ra. Khi diều đã làm xong, Nguyễn cùng thằng Sao trong xóm chạy ra quãng
đồng không ở làng Lại Thế, đợi gió lên để thả diều. Một thằng cầm đầu sợi dây
chạy đằng trước, thằng kia nâng con diều chạy theo và phóng lên. Lúc đầu, con
diều la đà trên mặt ruộng rồi rớt xuống. Thế nhưng, cuối cùng rồi nó cũng bay
lên được. Hai đứa cười sung sướng. Nhưng nụ cười không đậu được bao lâu đã vội
tắt. Diều đứt dây, băng đi theo cơn gió lớn, rồi nằm run rẩy trên đầu ngọn tre.
Đó là cánh diều đầu tiên của tuổi thơ. Sau này lớn lên
Nguyễn có thêm nhiều cánh diều nữa trên cánh đồng người. Ngay những năm lưu
thân nơi xứ này, mình cũng được ngắm những đứa bạn của tuổi thơ ấy. Nguyễn rất
hạnh phúc khi gặp lại cánh diều trên vùng cát trắng nước xanh màu ngọc bích của
bãi biển Destin ở Florida. Cũng như ngày nào trên bãi biển Galveston, Texas,
Nguyễn được nhìn thấy hai cánh diều sặc sỡ lượn bay dưới sợi dây căng của hai
cậu bé. Ngày ấy, có hai gia đình Việt Nam gồm vợ chồng con cái cùng đi tắm biển
Galveston. Chắc hẳn hai ông bố hồi nhỏ cũng mê thả diều nên muốn các con mình
biết niềm vui trong sáng của ấu thời. Và họ đã làm hai con diều thật đẹp, theo
kiểu diều Đông phương, màu cánh sen pha nâu và biếc, như màu của một chiếc chăn
thêu. Như vậy là hai ông bố này đã mang theo quê hương trong hình ảnh con diều
giấy. Nguyễn tìm tới làm quen, thì được anh Hải người Huế cho biết, ngày xưa
anh từng thả diều trên cánh đồng làng Lại Thế, Phú Vang, là nơi quê nhà của
Nguyễn. Và trước khi sang Mỹ định cư, anh Hải từng có chân trong Câu Lạc Bộ
Diều của Huế. Đôi lần, anh đoạt giải thưởng thả diều của thành phố. Tới nay,
anh vẫn còn tương tư những cánh diều trên bầu trời quê cũ. Nhìn những con diều
giấy của hai anh, bây giờ được trao tay lại cho các con nhỏ, Nguyễn chợt thấy
nhớ thiết tha bầu trời mình từng lớn lên, biết hờn giận và yêu thương, khi còn
nơi quê cũ. Em ơi, làm sao quên được.
Với Trần Vàng Sao, hình ảnh con diều bay trên cánh đồng,
thương thay, không còn là hạnh phúc của tuổi thơ nữa. Bởi bên nó lởn vởn sự
nghèo đói và những nấm mộ trên cồn đất cao. Cậu bé thả diều trong bài thơ nằm
trên cỏ mà nhớ tới những miếng sắn khô luộc chấm với muối sống. Cậu đang đói.
Muốn chợp mắt ngủ cho quên cơn dày vò của cái dạ dày nhưng không được. Cậu vẫn
mở mắt nhìn con diều bay trên bầu trời. Nằm một lát thấy chán cậu đứng dậy đi
lên cồn cao ngồi nhìn người ta đi cúng viếng mộ. Có cả trẻ con nữa. Chúng cũng
nhìn theo cánh diều của Trần Vàng Sao. Bao nhiêu hình ảnh chập chờn trên cánh
đồng tha ma. Và, vắt cơm cúng mả mới… Xin mời đọc bài thơ để cảm thương cho một
tâm hồn.
“không có ai đi ngang qua đây để thấy con diều
của tôi
buổi trưa đứng bóng trên trời rất nhiều gió
tôi nằm ngửa nhai mấy cọng cỏ gà
nước cỏ non mát trong cổ
tôi đói bụng và muốn nhắm thật lâu hai con mắt lại
rồi ngủ quên
gió rớt lào rào trong lá tre trên đầu
tôi không thấy mặt trời đâu hết
chỉ có mấy con châu chấu nhảy trong tóc
và mùi trú ngún trong bếp ở xa
tôi nhớ những miếng sắn khô luộc chấm với muối sống
bây giờ thì không còn gì nữa
tôi nằm nghiêng co người lại nhìn con diều
buồn quá nằm lâu không được
tôi đi lên cồn mả ngồi cho cao
nhiều người đứng đông đang cúng lạy
những đứa con nít bằng tuổi tôi bịt khăn đỏ khăn
vàng
đi giày dép
đưa tay che mắt nhìn con diều giấy của tôi trên
trời”...
Em thả diều và lơ đãng chờ người ta ra về để ăn
chén cơm cúng và bần thần tự hỏi không biết khi nhà mình có người chết có cơm
để cúng hay không?
tôi không nói gì hết
tôi cầm một cục đất ném vào bụi dứa
gió nhiều thêm
con diều của tôi quạt hai cánh bay giật lên rồi
đứng yên
tôi đợi lâu cho mọi người đi hết
cho mấy cái khăn vàng khăn đỏ hết ngoái lại nhìn
tôi
con ai dại trời nắng không có mũ nón trên đầu
mấy cây hương còn cháy cắm lên vắt cơm để trên
miếng lá chuối hơ vừa héo
“tôi ngồi xuống đất
những hột cơm trắng và khô
tôi ăn cả tàn hương phẩm đỏ vào bụng
liệu ai ở nhà tôi chết có được một vắt cơm to
trắng thế này để trên mả không
tôi phủi hai bàn tay vào nhau
đến chiều gió rất to
hai cái đuôi con diều muốn đứt
nhưng tôi không còn dây nữa”
Rời khỏi cái không gian của tuổi thơ nghèo đói cô đơn, Trần
Vàng Sao đi vào thời trung niên bão tố và bầu khí quyển ngột ngạt một thời sau
khi đất nước chuyển mình đỏ rực.
NXT
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete