Monday, April 30, 2012


Giã từ đường Sơn Cúc 

Lưu Na




Ông ạ,
Cuối cùng em đã về lại đường Sơn Cúc.
Mấy mươi năm rồi em vẫn không nguôi nhớ con đường ấy, con đường hẹp nhìn ra cả một không gian bát ngát hương trời.  Ông có biết nơi em ở cũng có con đường Sơn Cúc.  Em đã nhất quyết về ở nơi đây vì con đường hẹp theo triền đồi với đầy hoa cúc ấy.  Mỗi sáng em cũng lần dò lên đồi, đi dọc theo con đường hẹp giữa muôn hoa vàng đang từ từ bừng nở.  Nơi đó em cũng có thể nhìn xuống biển xa dưới chân đồi, với luồng xe cộ uốn quanh bãi cát.  Không đâu ông ạ, nơi đây dù thanh vắng nhưng thật là rực rỡ, không đơn sơ nghèo nàn và cũng không có được mùi hương cũ.  Em không sao tìm lại được cái mùi nắng khan trong gió ấm, chút bụi chút hương chút hơi đất mờ mờ trong nắng vàng khô.

Ngày hôm ấy cũng là một ngày nắng vàng khô.  Em thơ thẩn trên đường, ghé thăm từng bông hoa nhỏ trước khi vào lớp học.  Không khí như đặc lại, mà em chả biết vì sao.  Học mới nửa buổi thôi ông ạ, rồi mọi người kéo nhau túa về nhà.  Không ai nói với em tại sao. Em nằn nì chị cho được ghé qua con đường ấy trước khi chạy về với Mạ đang chờ em ở cuối khúc quanh.  Ông có biết em đã hy vọng sẽ thấy ông dù biết đó là chuyện không bao giờ đến.   Em nhìn từng bụi cây, thật buồn cười, như thể ông có thể núp sau bụi cây nào đó để hù em !!!  Em thẩn tha rồi nhớ ra Mạ chờ, em bỏ chạy vội vã.  Chiếc áo lạnh móc vào một bụi cây, em ngần ngừ rồi không biết sao vuột tay ra khỏi áo.  Em bỏ chạy về với Mạ, rồi lại bị lùa đi mà chả biết đi đâu.  Nhưng em không thắc mắc nữa.  Em biết ông sẽ nhận ra chiếc áo của em. 

Ông đã về thăm em?  Ông có tìm thấy chiếc áo ấy, chiếc áo trắng với hàng nút bẹt lóng lánh như hạt trai?  Em đã tự hỏi không biết bao nhiêu ngày tháng.  Bây giờ, em phải về tìm lại tấm áo len vướng đầu bụi cây lúc em vội vã bỏ đi ấy.  Em phải về, vì biết đâu ông đã về thăm em, biết đâu ông vẫn chờ em.  Em lo nhỡ ông về thăm mà em đã vắng, và nỗi lo gặm nhắm em từng chút mỗi ngày. 

Gần hai mươi tiếng trên máy bay em cứ tưởng mình lại lạc vào cõi mù sương của chuyến bay năm xưa, dường như mây đã ngừng trôi?  Nhưng mặt đất còn xa lạ hãi hùng hơn cả trời rộng bao la.  Còn xa lạ hơn cả mảnh đất mà em đã đến những ngày khô ran ấy.  Em cứ chực đâm vào xe ông ạ.  Chị đón em, huyên thuyên thăm hỏi, vẽ bày mọi điều.  Mà em, em chỉ muốn biết con đường Sơn Cúc của em còn hay đã mất.  Trong tiếng ồn ào náo nhiệt của xóm làng của muôn cái tên quen mà lạ hoắc đến mừng gọi, em chỉ nghe tiếng gió rì rào rung rinh những bông cúc dại.  Em có tìm được ông không?

Sáng tinh mơ em đã thức, em đã sẵn sàng.  Nhưng chị phải dắt em đến đầu con đường dốc ấy vì em đâu còn nhận được lối quen.  Chị nhắc em đừng ở quá lâu, phải trở ra vì chị chờ em, ông ạ. Em không sợ dù chị bảo bây giờ có sói rừng.  Những bông sơn cúc đang chờ em.  Ông có chờ em?  Bước chân lên đường khô rạn, em ứa nước mắt.  Cỏ dại lấp gần hết lối mòn, sơn cúc của em chỉ còn thỏn mỏn vài bụi bị chen lấn dập vùi.  Mắt em rảo nhìn tai em lắng nghe tiếng gió.  Con đường Sơn Cúc của em nay chỉ còn một màu đất khô ảm đạm, và tiếng chim ríu rít những sáng tinh mơ những chiều gió mát đùa trên những cánh hoa cụp lại đã không còn.  Con đường im vắng đục mờ như chịu đựng với ánh nắng gắt gay và làn gió mỏng mảnh thờ ơ.  Em mừng nghe lại cái mùi nắng khô ẩm bụi, dần dần em nhận ra được nơi em hằng đứng thật lâu mỗi sáng khi đến trường.  Bụi cây ấy rất may còn đó, nhưng chiếc áo của em, thì em cũng mơ biết đâu còn đó như ước mong.  Bụi xum xuê chen cùng cỏ dại, mà chả mấy nhánh bông.  Em vạch tìm dưới gốc.  Còn được gì đâu, thất vọng lắm ông ạ.  Em muốn khóc nơi này, bây giờ, nhưng kìa, có cái gì óng ánh dưới lớp đất cát.  Ồ, ông không tưởng được đâu, chiếc nút áo hạt trai, của em, của em, ông ạ.  Ông có nhìn thấy chiếc cúc áo ấy?  Ông có tìm đến bụi cây này?

Chị đã trở lại tìm em, em phải về ông ạ. 

Loay hoay suốt đêm, em muốn viết cho ông nhiều hơn nữa, những gì đã đến với em trong chừng đó năm qua.  Nhưng không có gì hơn là niềm thương và lòng hoài vọng, ông có biết vậy không?  Em muốn gửi cho ông mà không biết ông ở nơi đâu.  Ngày mai em sẽ trở lại đường Sơn Cúc, em sẽ cài lá thư này lên bụi cây ấy, nơi chiếc áo len vướng lại năm nào.  Hạt cúc áo ấy, em sẽ để lại, để ông biết là em đã về đây.  Ngày mai, dù sao em cũng phải đến để giã từ con đường Sơn Cúc, mấy mươi năm trước em đã không có dịp giã từ.  Ông có biết em đã muốn quay lui khi sắp bước lên máy bay.  Mơ hồ một điều gì đó bảo với em, rằng em về là để mất, để giã từ, dẫu em chỉ muốn đứng hoài nơi đó, để đợi thư ông để đợi ông ghé thăm.  Em muốn mãi đi trên con đường Sơn Cúc, thăm những đóa hoa nhỏ nở bừng theo với mặt trời lên, rượt theo tiếng chim và chạy đua với làn gió thoảng.  Em mãi muốn được ôm cặp sách có lá thư ông trong ngăn.  Nhưng bây giờ…

Đã mất rồi  đường Sơn Cúc. 


Ồ, cô nhỏ. Rồi tôi đã thấy lại em.  Em có biết đất tung bụi reo cười khi em bước chân lên lối mòn năm cũ?  Em có biết gió rì rào mừng đón em về, và em có nghe tiếng tôi gọi em lồng trong làn gió nhẹ.  Tôi đã đợi em rất lâu, tôi vẫn đợi em, em nhỏ. 
Em có biết hình ảnh của em, những hàng chữ mỏng manh vụng dại của em đã là sức sống giúp tôi trở về sau những tháng ngày vùi dập ở một chốn không có trong cõi chúng ta?  Bước chân về, tôi đã về lại con đường Sơn Cúc.  Tôi đã không dám ước mong gì hơn là thấy lại em.  Con đường Sơn Cúc, điểm đến cuối cùng của một gã phiêu bạt, em có biết tôi đã ở lại đây chỉ để chờ em, chỉ mong một ngày thấy lại hình bóng mỏng manh gầy guộc, nghe lại tiếng cười trong trẻo, và nhìn xuyên qua đáy mắt thơ ngây. 

Những ngày tháng đợi chờ nơi đây tôi đã tìm thấy mảnh áo len vàng ố mất một chiếc cúc.  Tôi giữ hoài manh áo đất bụi ấy, vì biết đâu đó không là kỷ vật sau cùng của em, em nhỏ?  Những sáng âm u tím hồng tôi đã ra đứng nơi đầu lối hẹp, và mãi đến khi ánh cam vàng lịm tắt tôi vẫn chờ em. Ngày tháng rộng quá, dài quá.  Những bụi cây ấy dần héo hắt khô cằn.  Chúng quắt queo đi dưới nắng, nhưng chúng vẫn cùng tôi đong đưa theo gió, sẵn một tiếng reo mừng để đón bước em.  Khi gió bão từ biển xa dưới kia tràn đến, tôi vẫn thường ôm chặt mảnh áo ấy vào lòng, tưởng như tôi đang có tiếng cười dòn của em thách đố lại với mưa giông.

Nhưng em, ngày tháng đã thờ ơ với tôi, đã không đưa em về lại nơi này.  Tôi đã đến lúc phải đi.  Tôi đã hết hạn kỳ lưu luyến. Tôi vẫn còn lời hứa về thăm em, và nếu không gặp lại em, lời hứa ấy không bao giờ hoàn tất, dẫu tôi đứng nơi đây muôn kiếp. Em nhỏ, tôi đã tới cái hạn kỳ muôn kiếp đó.  Nơi em ở có xa không?  Đất trời có ấm áp nồng hương hay chỉ một màu trong nhạt nhẽo?  Em có bắt gặp con chim nào lạ, có thấy được chú hươu sao ngơ ngác sau gốc thông nào?  Ôi, tôi thèm biết bao nghe lại tiếng em, đọc được những lời ngây thơ êm ả.  Tôi lắng mãi nơi bụi cây khô chỗ tìm thấy mảnh áo, mong tìm được chút hương nắng còn sót lại mong nghe một tiếng dội mỏng manh…

Và bây giờ em đã về, tôi đã thấy lại em.  Em có biết tôi đã đứng bên em nhìn sợi tóc bay bay trong gió nhẹ.  Em có biết tôi đã ấp ủ bàn tay gầy guộc của em run khi nhặt chiếc nút hạt trai.  Tôi đã thấy nó từ lâu, và tôi hằng đến để canh chừng chiếc cúc áo ấy.  Tôi biết sẽ có lúc em về tìm lại, và tôi hằng muốn em tìm lại được chiếc cúc áo long lanh.  Em nhỏ, tôi vẫn chờ em.

Sớm mai này khi em bước lại con đường hẹp ấy, tôi biết em phải đi và tôi phải giã từ em.  Tôi đã mở lá thư em cài trên nhánh cây với chiếc nút hạt trai đính nơi góc thư.  Bài thơ em chép lại cho tôi thật lạ, và nó in lên ngực tôi lên làn da tôi thành tấm áo diệu kỳ.  Neruda là ai?  Bài thơ đó, em nhỏ, tôi chắc em cũng như tôi, chỉ thấm hiểu nó tận đáy tâm hồn mà không nói lại được bằng lời.  Tôi đã thuộc nó rồi, em nhỏ.  Đây em.

I do not love you except because I love you;
I go from loving to not loving you
From waiting to not waiting for you
My heart moves from cold to fire.

I love you only because it's you the one I love;
I hate you deeply, and hating you
Bend to you, and the measure of my changing love for you
Is that I do not see you but love you blindly.

Maybe January light will consume
My heart with its cruel
Ray, stealing my key to true calm.
In this part of the story I am the one who

Dies, the only one, and I will die of love because I love you,
Because I love you, Love, in fire and blood.

Với bài thơ đó, tôi đã cùng đi bên em đỗi đường khúc khuỷu cũ, em có biết tôi đã cùng em hít lại mùi nắng nồng khan và hứng lại chút gió thoảng hương núi đồi.  Khi em quay lại nhìn dốc núi, tôi cũng đã cùng em vẫy tay chào giã biệt, và tôi đã ôm em thật chặt, em có cảm thấy làn gió rung trên vạt áo quấn quyện bờ vai.  Em nhỏ, em sẽ bốc lên trời cao về lại miền xa lạ.  Và tôi, tôi cũng phải đến nơi vùng ánh sáng đang mở rộng đón chờ. 

Giã từ em.  Giã từ đường Sơn Cúc. 

Lưu Na
04/25/2012

thơ nguyễn xuân thiệp 

chiều qua ngõ blues



chiều
georgetown
chiều của mây biển. và những cánh bướm monarch. bay về trong trí nhớ
cùng với đinh cường
đi qua ngõ blues & jazz alley. gõ nhịp tim trên đá
tôi muốn nói. tôi muốn nói. với người nhạc công da đen. đến từ new orleans
hãy thổi lên
trên chiếc kèn đồng
một tấu khúc
cho quê hương tôi một ngày của tháng tư
của đọa đày
nước mắt
của bông hướng dương tàn phai
người không dám nói với người
tiếng hàng cây kêu. bóng quạ
rạng đông. mặt trời bị treo cổ. trên bức tường nhà hát lớn
người ca sỹ bỏ đi
người thi sĩ bỏ đi
vỉa hè đầy lá rụng
hãy tấu lên
khúc biệt ly
cho những người không về
giờ này
khóc trong quán cà phê la ruche
trên cầu longfellow
ở quảng trường times square
điệu kèn. của khúc elegy
cho tôi. cho nhiều người

chiều qua ngõ blues. xanh xao 

Viết trong một ngày của Tháng Tư 2012,
cảm xúc từ sự gợi ý của Nguyễn Thị Thanh Bình.
NXT

Cảm Tưởng về 30-4-1975 

Nguyễn Thị Thanh Bình




Tháng 4/1975 với quá lắm những cuộc đời mất mát thương đau. Hơn 3 triệu những người con từ hai phía anh em có chung một Mẹ Việt Nam đã bỏ mình lãng phí hiến dâng. Trên 600 ngàn chết không một nấm mồ vùi sâu dưới biển đông và hải tặc, cho những khát vọng không cùng của tự do. Cả 300 ngàn người thất trận trong chớp nhoáng một tháng đã lãnh đòn thù, cho những cấm cố tù đày hoặc biền biệt rừng sâu.
Danh sách giết người vẫn còn dài dài, mà chúng ta vẫn chưa sắm nổi cái quan tài để đậy nắp bè lũ “trời không tha, đất không dung” này. Vâng, vẫn còn dài, vượt xa cả những con số tàn độc của một Tần Thủy Hoàng và có một không hai của phát-xít Hitler. Cứ thử mở lại lịch sử 4000 năm... dựng nước, đã phải đụng ngay con số cả trăm ngàn oan khiên rớt xuống trong cuộc đấu tố Cải Cách Ruộng Đất, rồi thì trên dưới 5000 những cái đầu già trẻ lớn bé, đàn bà đàn ông bị chôn sống thảm sát trong Tết Mậu Thân...
Ờ nhỉ, không lẽ những cái Đầu của chúng ta cứ tiếp tục mất đi, để cho sự gian ác chễm chệ ngự trị “Còn đảng còn Mình”, khi Tứ Chi của hình hài chữ S đã lăn lóc tận phương Bắc thống lĩnh là bởi đâu? Như thế này rồi chúng ta ai cũng sẽ phải bước ra khỏi cuộc đời. Có lập đàn giải oan cho đời này thì đời sau con cháu mới thoát nổi oan khiên chăng.
Tháng 4 đến. Niềm hoài cổ nhớ nước cũng đến và càng sâu đậm hơn. Mây tím bay. Lạc dấu chim di trở về. Nỗi nhớ niềm thương hoài đời là những vết thương chưa thể lấp miệng. Có dịp khuấy động thì mưng mủ xót xa vậy thôi.
30/4/75 vẫn không thiếu những giọt lệ thầm lặng bên lề đường Sài Gòn. Dương Thu Hương đã mang nghiệp văn thực sự khi những giọt nước mắt vỡ òa ở vỉa hè Sài Gòn lúc ấy, khi vừa biết tiếc thương chén thanh xuân bỗng vơi cho những đánh tráo hy sinh hoang đường (hay Thiên Đường Mù). Một thứ lý tưởng lãng mạn không hề có thật. Tôi khóc khi biết mình phải đoạn lìa thành phố hoa lệ Sài Gòn, nơi có con đường mang tên Tự Do và sách vở cũng ê hề tự do bị kết án “đồi trụy”. Chúng ta khóc vì không biết đời sống sẽ trôi nổi long đong đến đâu. Ôi những phương trời đi mãi về những bến bờ lưu lạc.
Đã có cả ngàn trang viết về ngày cuối tháng tư bảy lăm. Nhắc hoài một tan rã, một từ biệt vẫn chưa yên nguôi. Trong suốt 37 năm lữ thứ, hay 37 năm chợt làm du thủ, du thực, du khách trên chính quê hương mình.
Thôi được, giờ đây có người muốn biết giới cầm bút chúng ta nghĩ gì về 30-4-1975? Họ có sẽ đi biểu tình trước sứ quán V.C, làm đêm không ngủ thắp nến nguyện cầu, hát nhạc đấu tranh, hay ăn vận toàn trắng để gởi thông điệp khăn tang hay chim trắng hòa bình? Với tấm lòng của một nhà thơ thì cuối cùng có lẽ chúng ta cũng chỉ muốn như Cao Tần có dịp được lùa cả nước đi cải tạo yêu thương.
Nghĩ gì hay nhớ về là những nghĩ tưởng, hồi tưởng không tài nào bôi xóa. Nhất là một khi chúng ta chưa thể yên lòng xếp lại mớ lịch sử nhàu nát mỗi ngảy một tội tình hơn. Chí ít đây là cảm nhận của riêng tôi. Nói vậy nhưng tôi vẫn chắc như bắp, là những đồng hương trong đợt di tản đầu tiên cùng tôi, thì trong số khoảng 100.000 người cũng sẽ không thiếu 100.000 vọng tưởng ngút ngàn cho ngày đời ly biệt 30/4/75.
37 năm xin bạn một lần gầy lại mùi hương của những tàn y cũ dĩ vãng. Dù thế nào, dù có ném chúng vào ngăn kéo ký ức thì cũng phải giữ mãi nguyên vẹn. Có phải?
Ơi, nghĩ mà tủi thân tủi phận nước mình. Sau 37 năm cho cái gọi là đất nước thống nhất, chúng ta lại tha hồ “đội sổ” về nhiều thứ, ngay cả quyền căn bản làm người cũng đã hụt hẫng trầm trọng, nói chi đến những chi tiêu phát triển kinh tế này nọ. Tôi chịu không thể mường tượng nổi bức dư đồ chữ S sẽ bị những “đầy tớ nhân dân” này vênh váo đổ thêm bao nhiêu mực tàu nữa. Ô, phải nói là những chủ nhân ông quá giỏi điêu ngoa, đã đưa đất nước vào tình trạng lỏng tay lái không phanh nổi.
37 năm nhìn lại với tôi là một chặng đường tuột dốc thê thảm: tước đoạt của mọi tước đoạt, tham tàn trên cả tham tàn, lừa mỵ phản trắc không diễn tả nổi.
Những chiếc bánh vẽ to tướng mà đến cuối đời nhà thơ Chế Lan Viên mới tuồng như thấu hiểu, thì người ta vẫn thay phiên nhau tọng vô họng nhân dân. Coi như dân trí bị dìm thấp, để họ dễ nắm đầu cai quản, nhưng liệu họ có lấy được vải thưa che mắt thánh trong nội bộ về những con số xếp hạng bệ rạc so với láng giềng quốc tế? Sự kiện đau lòng của Văn Giang mới đây nhất hay hàng loạt xâm chiếm, cưỡng chế, lật lọng luật đất đai mà bản chất lừa bịp vẫn trơ tráo, lại còn giả mời mọc cái bánh vẽ định hướng công nghiệp hóa hầm bà lằng. Thú thật, tôi muốn bạn nghĩ ngợi thêm điều này, vì càng ngày càng thấy những viễn tượng quá đen tối cho quê hương mà sợ mà lo.
30/4, chúng ta cũng đã quẩn quanh những tháng tư cắt dán vụng về 37 mảng ước mơ. Vẫn chưa làm được một điều gì cho ra hồn ra vía. Những nhà văn nhà báo nhà dân chủ tự do vẫn lãnh đủ những bản án dàn dựng, phi lý. Điếu Cày có bị diễn trò bịp bợm chặt tay hay không hòng dò đo phản ứng răn đe, thì lồng ngực chúng ta vẫn chỉ biết nổ tung những bất kham, và Điếu Cày rồi cũng phải ôm ấp những dòng viết dở dang nơi chốn lao tù.
Cuối cùng vẫn là những tiếng hú của bầy ngựa hoang. Không còn nơi đâu một cánh thảo nguyên mà bắt đầu vó nhịp, mà trở về thật sao?
NTTB

Sunday, April 29, 2012

NƯỚC MẮT NỢ NẦN

Lưu Na


                                           Tranh Hoang Dang Nhuan

Năm đầu tiên Sài Gòn sập, tôi không nhớ được TV, Radio, và báo chí, có những gì nói những gì.  Cả ngày quần quật, hết cái loa phường thét vào tai lại đến học tập chính trị ở trường, hội họp ở tổ dân phố và đi mít tinh (là cái gì cũng chưa hiểu hết).  Ngoài đường thì vù vù xe Honda với băng đỏ trên cánh tay của bọn cách mạng 30, và cờ đỏ bán tràn lan tứ phía.  Đêm về, cả nhà nhìn nhau lặng lẽ.

Năm sau đã quen, cũng có lúc tôi xem TV. Tôi tình cờ ghé mắt vào một phim tài liệu cũ để phải khóc. Đó là cảnh bom đạn đổ xuống miền Bắc khiến nhà cửa nát tan, trẻ thơ lập tức mồ côi, và sau đó là sự đói kém. Tôi khóc trước những ánh mắt thơ dại. Tang thương của chiến tranh đâu phân kẻ thắng người thua. Trở lại trường học, tôi thấy đằng sau những nghi kỵ e dè của chúng tôi hình như cũng có mặc cảm bối rối của những bạn thanh niên đoàn viên của phe chiến thắng.  Bạn Vũ thị Phát Minh mang cho tôi một phát minh mới.   Đó là dù liệt kê đủ thứ, Cộng Sản, Vô Sản, Bần cố nông, vân vân, tiểu tư sản Hà nội vẫn là tiểu tư sản. Bạn mặc quần bộ đội áo sơ mi trắng tóc thắt bím và môi mím lại mỗi khi chúng tôi hỏi một điều gì về miền Bắc; không giống chúng tôi tí nào nhưng bạn vẫn rất đẹp và ý tứ gọn gàng.  Da bạn trắng hồng, mắt trong sáng tinh anh, và bạn không thể không lễ phép, cái lễ phép của tiên học lễ hậu học văn thuở Tràng An.  Như có cái gì conflict, bạn, người của vô giai cấp, luôn trả lời với thầy cô rằng “em thưa thầy/cô rằng…” mỗi khi được gọi, khác với bạn Hồng Vân thường nói lí nhí cái gì đó không rõ tiếng rõ lời bộc lộ cái gốc quê mùa mộc mạc.  Tôi bắt đầu thương những mái đầu xanh cùng trang lứa với mình.  Tôi lại phải khóc, khi một trong những bạn học bị trúng tuyển đi chiến trường miền Tây, như xưa tôi đã phải khóc lính tử trận trong gia đình.

Sang Mỹ, tôi càng ngậm ngùi khi đọc lá thư anh bộ đội gửi đến cô em, “em đi rồi để lại trong anh chỉ còn ảo vọng…”  Nước mắt ai cũng mặn.  Là người, chúng ta khóc cho nhau, với nhau.

Nhưng những giọt nước mắt của tôi cho người lính Cộng Hòa dường như thêm nhiều thêm đậm, theo với tuổi đời.  Cuộc chiến đã xa, mất mát thôi đã thành sẹo, sao tôi phải khóc hằng năm?  Radio lại đọc những bài tưởng niệm, phát thanh những lời chứng.  Xướng ngôn viên ngày thường cười cợt lung tung vẫn nghẹn giọng.  Và tôi cùng những bạn đồng nghiệp vẫn chảy nước mắt.  Tôi khóc khi Phan Nhật Nam, đã từng lao vào lửa đạn chiến tranh không cầm được sống chết của mình, lại phải thấy guilty vì còn sống.  Tôi khóc, vì biết có những người đàn bà thà chết hơn là bỏ đất bỏ quê bỏ công sự chiến đấu dang dở của người chồng vừa ngã xuống.  Tôi khóc, vì lời nhẹ như gió thoảng, “phải mười lăm năm sau cô mới gặp lại chú.”  Tôi khóc vì những cái chết vô danh.  Họ không biết tôi là ai nhưng đã chết cho tôi.  Họ không biết tôi có yêu quê hương của tôi  hay không, nhưng họ chết để bảo vệ quê hương ấy, và khi chết họ thốt câu vĩnh quyết tôn vinh quê hương ấy.  Tôi không những nợ họ một mạng sống một chuỗi đời, tôi còn nợ họ niềm hãnh diện dẫu là người bại trận, niềm hãnh diện là công dân nước Việt Nam Cộng Hòa mến yêu.  Họ chỉ là những con người dung tục như tôi, nhưng họ nhắc tôi nhớ chén thuốc độc của Phan Thanh Giản, cái chết của Hoàng Diệu, của Bùi thị Xuân, của Nguyễn thái Học.  Tôi đã khóc, chắc là vẫn khóc mãi dẫu khi qua kiếp khác.  Mai mốt đầu thai, biết tôi có nhớ vì sao mình khóc.

Lưu Na
04/27/2012

Saturday, April 28, 2012


Những Mảng Bám  

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh




1
Ông dừng xe lại trước một con đường nhỏ rẽ vào một khu dân cư. Phong cảnh này… ồ, trông quen quá! Ông cố moi óc xem mình đã thấy nó ở đâu. Một con đường đầy những cây phượng tím trồng hai bên. Ông quẹo vào, và đậu lại bên lề. Ông bước ra khỏi xe. Màu tím của những bông hoa này ông không thể nói rằng gợi cho ông cảnh ở Việt Nam được. Việt Nam không có phượng tím. Nhưng cái dáng cây, hai hàng cây tăm tắp, những hạt nước mưa còn đọng trên lá như những giọt lệ, lại đang khiến một cái gì bật ra từ trong trí ông, như thể lâu nay nó đã nằm nghỉ thật sâu.

A! Ông như thấy lại những chuyến xe tất bật ra vào con đường này. Những chiếc xe lấm lem bùn đất. Những chiếc xe mang dấu hồng thập tự. Có những người tài xế mặc đồ “xi-vin”, và cũng có những người tài xế, những nhân viên mặc đồ lính. Ông thấy mình đang nằm trên một chiếc “băng-ca”. Ông không cần ngước lên mà cũng đã thấy được trời xanh mây trắng. Ông nghe được cảm giác đau đớn đến như tê dại ở cánh tay. Ông ngửi được mùi thuốc mê. Và ông hết ý thức…

Tiếng chuông từ chiếc cell phone trong túi áo vang lên. Ông giật mình. Những cảnh trong trí vụt biến mất hết. Ông bắt máy, nói theo phản xạ:
-          Hello!
-          Ông! Ông ở đâu, sao chưa thấy về ăn cơm?
-          Hả???
-          Ông! Tôi đây nè! Ông đi đâu vậy?
-          Ơ….
-          Ông!
Ông ngơ ngác. Ông định thần một giây nữa, và đã nhận ra tiếng của bà. Ông đáp vội:
-          Tôi đang ở… ở…
-          Ở đâu?
-          Tôi… - Ông ngó quanh-  Tôi đang ở…
Giọng nói bên kia nghe rất sốt ruột:
-          Ông nói nhanh lên! Có chuyện gì?
-          Ơ… không… Tôi không biết… ở đâu…
-          Ông nói gì kỳ vậy? Ông lái xe phải không?
-          Phải.
-          Xe.. có bị mất không?
-          Không. Xe vẫn đang ở cạnh tôi đây.
-          Vậy ông làm gì? Ông đang ở đâu? Ông… ông dòm cái tên đường, nói cho tôi biết đi!
-          À… à, - Ông tiến đến dòm bảng tên đường – Dalton Drive.
-          Ông tới đường đó làm gì?
-          Tôi… tôi không biết.
-          Làm sao ông tới đó?
-          Tôi lái xe… nhưng … tôi không biết làm sao tôi tới đó.
-          Thôi ông ơi, để tôi nhờ mấy đứa nhỏ giúp. Ông đứng đó, đừng đi đâu hết nhé!

2

Đường Dalton. Đường phượng tím. Con đường đẹp đến quen thuộc… Ủa, mà làm cách nào mình đã đến đó? Mình lái xe mà!.. Ông chơi vơi trước câu hỏi của gia đình và của chính ông. Ông bắt gặp vẻ mặt lo lắng của bà, và ánh nhìn nghi ngại của thằng con. Trong bữa cơm chiều, ông gắp và đưa đẩy thức ăn vào miệng như lấy lệ. Ông cũng còn hoang mang lắm. Ông từ từ nhớ ra là mình đã ngồi vào xe và lái đi như có ai dẫn dắt. Nhớ ra được rồi thì ông lại càng hoang mang hơn. Ôi! Ông đã làm cái gì vậy???

Ông đến trước tủ lạnh, toan mở tủ lấy đĩa trái cây, nhưng ông dừng lại. Ông thấy trên mặt cửa tủ lạnh, gắn đầy những tờ “sticky notes” trên đó ghi những câu nhắc nhở: “Nhớ uống thuốc bổ lúc 6 giờ tối”, “Nhớ gọi điện thoại cho bác sĩ ngày thứ ba”, “Nhớ ghi địa chỉ nhà bác Châu”… Ông thấy bần thần quá! Ông trở lại bàn, ngồi lặng thinh.

Bà trở lại sau khi ra phòng ngoài nghe điện thoại. Bà hơi nghiêng đầu, hỏi ông:
-          Ông không sao chứ?
-          Tôi OK.
-          Ông xem mà đi nghỉ sớm đi nhé!
-          Ừ. Mà … bà này! Tự nhiên tôi muốn mình đi thăm bác Châu. Lâu quá không thăm bác. Chắc bác cũng bận đi đâu nên không thấy bác ghé mình.
Bà kêu lên thảng thốt:
-          Kìa! Ông!
-          Hả? Chuyện gì?
-          Ông nói gì vậy? Hôm qua, nhà mình mới đi… phúng bác Châu. Bác ấy mất rồi! Ông quên rồi sao?
-          Hả???
Bà im lặng. Ông cũng im lặng. Không biết được bao lâu, rồi ông nghe bà nói khẽ:
-          Ông đi nghỉ sớm nhé! Tôi đi tụng kinh đây!
-          Ừ, đi… tụng kinh.
Ông cười nhẹ như để làm bà yên tâm.
Bà quay đi rồi, ông thơ thẩn ra sân. Ông đã nhớ lại, hôm qua cả nhà vừa mới đi đám bác Châu.

3


Ông cầm cây đàn lên. Đã lâu ông không đàn. Cây đàn guitar này là của thằng cháu nội. Ông nhớ một đoạn nhạc của Glen Campbell và ông khe khẽ hát. Bỗng nhiên trong tâm tưởng của ông, như một đợt sóng, những hình ảnh từ thuở xa xưa nào lần lượt sắp hàng trước mắt. Ông thấy mình và một bạn đồng đội đến trước căn nhà của bác Châu, ở một khu ngoại ô Sài Gòn. Hai bác cùng xuất hiện ở cửa, mời họ vào. Hai người lính, áo còn khét mùi chiến trận, vào nhà, và không dám ngồi. Trong một nghi thức tự lập ra, họ đứng nghiêm chào hai bác Châu, và báo tin con trai của họ đã tử trận. Ông thấy ông và bạn mình đứng thẳng, đông cứng như hai pho tượng bằng nước đá. Ông nghe tiếng kêu khô khan của bác Châu trai và tiếng nấc của bác Châu gái. Một hình ảnh khác tiến lên che mờ khuôn mặt của hai bác. Đó là gương mặt của người chiến hữu đang ngã xuống giữa khói đạn mịt mù. Ông thấy mình đang vuốt mắt cho bạn. Rồi ông thấy mình đang băng qua một hào sâu, tiếp tục cuộc chiến. Ông nghe một cái gì nhọn và nhỏ xoáy vào da, rồi cắm vào thịt rất nhanh, rất sâu, đi qua mạch máu. Ông ôm cánh tay, lết vào một chỗ nấp. Máu chảy quá nhiều. Ông nhắm mắt, nghiến răng chịu đau. Người lính cứu thương chạy đến gần. Ông như lịm đi…

Những cảnh gián đoạn trôi qua như trong một cuốn phim bị đứt. Ông thấy lại cảnh bệnh viện bên một con đường trồng đầy cây còng. Phải rồi! Cây còng. Ông nhớ như in. Hoa màu hồng nhưng sau những cơn mưa trông sao buồn quá! Ông hiểu vì sao nhìn cây phượng tím ông lại liên tưởng đến những con đường cây còng. Ông mỉm cười. Có một chút gì vui vui, như thể ông đang được xem một cuốn truyện cũ mà mình từng rất thích.

Bà đến ngồi bên ông. Ông nhìn qua, cười nhẹ:
-          Bà muốn nghe hát không?
-          Có.
-          Bà muốn nghe nhạc gì?
-          Gì cũng được. Ông đang chơi nhạc của Glen Campbell?
-          Ừ. Tôi chơi tiếp nhé! Mà bà này, hình như Glen cũng bị…
-          Bị gì? Ông hát đi! Bị gì… kệ người ta – Bà nói như át lời ông.
-          Được. Bà không muốn tôi nói thì thôi. Tôi hát mà có quên lời thì bà nhắc nhé!
-          OK.
Ông cười xòa. Rồi ông hát. Ông không quên một chữ.

“Galveston”. Gương mặt Glen Campbell thời trai trẻ hiện ra như đang song ca với ông. Ca sĩ thần tượng của ông, cùng tuổi với ông đấy! Ông thường nói với bà: “Tay này sướng hơn tôi nhiều, đâu có ra chiến trường như tôi, nhưng tôi cám ơn ổng vì ổng cho tuổi trẻ của mình những bản nhạc hay”.

Galveston, oh, Galveston
I am so afraid of dying
Before I dry the tears she's crying
Before I watch the sea birds flying in the sun…

Ông dừng lại đột ngột. Bà nghĩ rằng ông quên lời. Bà nhắc:
-          at Galveston.
Ông nhìn bà. Ông như người mê. Tôi sợ tôi chết trước khi tôi lau khô nước mắt của nàng, trước khi tôi được nhìn ngắm những cánh chim hải âu bay trong nắng… Ôi! Ông sợ ông sẽ quên trước khi ông nhớ được hết mọi điều. Bảy mươi mấy năm là một đoạn đời dài. Phải nói là những đoạn đời rất dài, nối với nhau ở những ngã rẽ. Ông đã để những đoạn đời lắng chìm. Đôi khi ông nhớ lại, nhớ rất rõ. Nhiều khi ông quên mất.

-          Bà này! Tôi muốn nói với bà chuyện này, mà bà đừng có la tôi đấy!
-          Ông nói đi. Về chuyện gì?
-          Về Glen Campbell.
Bà như kêu lên:
-          Lại nữa!
-          Bà nghe này, Glen sẽ làm một “tour” hay một buổi “chia tay”, thấy cũng hay hay…
Bà ngập ngừng:
-          Ông … ông muốn nói…?
Ông cười to:
-          Bà khoan hiểu lầm đã. Tôi thì không. Hãy để cái gì đến sẽ đến. Tôi không muốn rùm beng đâu! Hơn nữa, mình không phải là nhân vật nổi tiếng gì cho lắm. Tôi muốn yên tĩnh.
-          Nhưng nói cho mọi người, chia sẻ cho mọi người, thì cũng là một điều hay. Mà… ông ơi, nghe nói bệnh này có xác suất cao ở phụ nữ, sao ông lại…
-          Bà lẩm cẩm chưa! Nam cũng bị vậy! Mà đúng ra nam là phải bị nhiều hơn chứ! Nam hút thuốc, nam uống rượu, nam ít vận động hơn nữ. Có gì đáng ngạc nhiên đâu! Có điều nữ bị nhiều hơn nam là ông Trời hơi bất công rồi đó!
-          Tôi… tôi rồi… có sẽ bị không hở ông?
-          Tôi tin là không. Bà kinh kệ hàng ngày, bà thông minh lắm đó, yên tâm đi!
Hai người cười vang, và lại trêu nhau vui vẻ. Ông như cất đi bớt chút gánh nặng. Nỗi ám ảnh đè lên tâm tư ông hàng ngày. Từ hôm lái xe đi như người mộng du đến khi vào bệnh viện để chẩn bệnh kỹ lưỡng, ông biết đã có một thay đổi rất lớn, như thể cuộc đời lại qua một ngã rẽ khác nữa. Nhưng ông vốn đã tập tính chấp nhận từ hồi còn trẻ, cho nên ông cố gắng bình tĩnh để đón nhận. Ông xin ngồi lại nói chuyện với bác sĩ. Bệnh ông chưa nặng, nhưng không thể coi thường. Bác sĩ cho ông xem hình chụp bộ não của ông, giải thích cho ông nghe về những chỗ có “vật lạ”. Những mảng bám! Người trong chuyên môn gọi đó là “amyloid plaque”. Vị nữ bác sĩ dễ thương lại còn lấy giấy bút ra vẽ và giải thích đơn giản cho ông biết đó là một loại chất đạm “cứng đầu”, bình thường nó tan rã, nhưng ở ông và những người đồng bệnh, chúng tích tụ lại và bám dính giữa những tế bào thần kinh, ngăn cản hoạt động của não. Cô lại vẽ thêm những “mớ tóc rối”  nằm trong tế bào thần kinh, nói rằng đó là thủ phạm gây nên sự hủy hoại của các tế bào này. Đương nhiên là ông nhận được những loại thuốc đặc trị, rồi lời khuyên về một chế độ ăn uống và tập thể dục để “làm chậm tiến trình của bệnh”, ông chăm chú nghe theo.

“Làm chậm tiến trình của bệnh”, ông lẩm bẩm.

4

“Cho tôi lại trí nhớ!” – Ông thét vang trong giấc ngủ. Ông choàng tỉnh, thấy bốn bề yên lặng. Người bên cạnh ông vẫn đang ngủ say. Ông nhìn kỹ gương mặt này, nhờ ánh đèn mờ mờ của chiếc đèn ngủ. Trong giấc mơ ông đã thấy lại gương mặt của từng đồng đội. Ông nhớ rất rõ tên của từng người cùng những thói quen tốt hay xấu của họ. Cả những bản nhạc mà anh em cùng đàn hát với nhau khi về hậu cứ. Rồi đến những con sông, những ngọn núi, những khu rừng… tất cả sáng ngời trong một góc trí nhớ như người ta xem một phần sân khấu sáng choang nhờ ánh đèn chiếu tối đa vào. Bên ngoài khoảng sáng đó là một vùng đen thăm thẳm. Ông thức dậy thấy mình ở trong vũng đen ấy. Người bên cạnh ông vẫn ngủ say. Ông moi óc, tự hỏi: “Ai đây?..”


5

Ông đón cái cốc từ tay bà. Ông mỉm cười, nói:
-          Cám ơn.
Bà nhìn ông hớp từng ngụm nóng hổi. Bà hỏi:
-          Vừa uống không ông?
Ông gật gù:
-          Ngon lắm, cháo ngon lắm!
Bà kêu lên:
-          Ông nói sao?
-          Cháo… cháo ngon lắm!
-          Ông nè, ông hãy nhìn kỹ tôi pha cho ông cái gì đây!
Ông nhìn vào cốc, rồi bỗng như tắc hết ý, ông lắc đầu, ngơ ngác. Bà nói nhẹ nhàng:
-          Cà phê, ông ạ! Ông muốn ghẹo tôi phải không?
-          Ơ! Cà phê! Cà… phê!
Bà cười rồi quay đi như coi việc vừa rồi là chuyện ông cố ý trêu bà.

Nhưng ông thì không. Ông không đùa, không trêu. Mấy ngày nay ông đã thấy triệu chứng nhầm lẫn và quên tên những đồ vật thông thường nổi lên rõ ràng. Và đặc biệt hơn cả, đáng sợ hơn cả, là sự việc đêm hôm qua ông thức dậy không nhận ra bà bên cạnh. Ông biết đó là người rất quen nhưng không nhớ là ai, phải gọi là gì. Ông cảm thấy hoảng sợ với chính mình. Nhưng sáng ra thì mọi việc lại không có gì khác lạ. Ông đã mỉm cười chào bà khi bà ra sân, nơi ông đang ngồi sưởi nắng.

Ông đến bên bàn. Ông định thần một lát, nhìn vào cái vật quen thuộc hàng ngày mình vẫn dùng. Nó tên là gì nhỉ? Ông lại chơi vơi trong cái vũng tối. Bà đến bên cạnh, đoán ý:
-          Ông định gọi cho ai?
-          À… cho cái cô xinh đẹp hôm trước…
-          Cô bác sĩ?
-          Ồ đúng, đúng, cô bác sĩ. Cô bác sĩ có dặn khi nào muốn hỏi gì thì cứ gọi, không cần phải gặp.
-          Vậy ông gọi cho cô ấy đi!
Ông cầm điện thoại lên, tần ngần một lát, rồi đưa cho bà:
-          Bà … bà coi số rồi gọi giùm cho tôi. Nhiều số quá!...
Và ông nói chuyện với cô bác sĩ. Ông kể cho cô nghe về những giấc mơ, những hồi ức chính xác ông tìm về, cùng những điều lạ lùng xảy ra như quên tên các đồ vật, quên cách gọi người thân, nhầm lẫn và quên những việc vừa mới xảy ra, sự khó khăn với những con số… Rồi ông nghe cô bác sĩ khuyên nhủ ông hãy bình tĩnh, và cô giải thích về “trí nhớ ngắn hạn”, “trí nhớ dài hạn” bị ảnh hưởng ra sao trong căn bệnh của ông. Ông nghe thì ông hiểu. Nhưng ông e rằng sau đó ông sẽ quên hết. Chắc là cô bác sĩ hiểu điều này hơn nhiều, nên cô xin nói chuyện với bà. Ông trao điện thoại cho bà. Ông ngồi bên cạnh. Bà cũng nói chuyện rất lâu với bác sĩ. Khi bà chấm dứt câu chuyện, ông thấy đôi mắt bà đã đỏ hoe.

-          Bà này, tôi không có làm sao đâu!
Bà cười gượng:
-          Vâng, ông không có làm sao. Bác sĩ bảo ông ráng uống thuốc theo đúng toa. Ông sẽ khỏi bệnh. Có tôi chăm sóc cho ông, ông vui chứ?
-          Vui lắm, tôi sẽ vui lắm! Cám ơn bà.
-          Ông cám ơn tôi? Khách sáo vậy?
Ông cười to như để lây sự vui vẻ cho bà. Bà soạn trong tủ ra mấy cuốn album, đặt ngay ngắn trên bàn. Bà lẩm bẩm:
-          Mình sẽ coi lại mấy cuốn album này nghen ông! Hy vọng những chuyện cũ ông không quên.
-          Phải. Chuyện cũ tôi không quên.
-          Vậy ông có nhớ lần đầu tiên hẹn tôi, ông thấy tôi mặc áo màu gì không?
-          Không phải màu, mà là áo hoa. Bà mặc chiếc áo dài hoa vàng nền xanh rất nhã. Đúng không?
Bà cười trong nước mắt:
-          Ông giỏi!
-          Bà ơi, tôi xin bà một điều…
-          Ông nói đi!
-          Lỡ chăng… đến một ngày nào đó, khi tôi không còn nhớ bà là ai, xin bà đừng giận tôi nhé!
-          Sao mà tôi giận ông được? Ông bệnh mà! Nhưng ông hãy vui lên, ông sẽ khỏi bệnh.
-          Mình có thể làm chậm căn bệnh lại bà ạ, bác sĩ nói vậy. Làm chậm lại. Còn nếu mình muốn chậm lại mà nó không chậm, thì mình ráng chấp nhận nghen! Tôi cám ơn bà trước, vì lúc đó bà sẽ rất cực với tôi đấy! Bà và các con có thể gửi tôi vào viện dưỡng lão.
Bà ôm chặt lấy ông:
-          Tôi sẽ chăm sóc cho ông, nếu trời không bắt tôi bị bệnh như ông.


6

Những mảng bám ngày càng nhiều trên óc. Ông có một thế giới khác. Một thế giới của riêng ông. Bà và các con, cùng với một người được thuê để phụ giúp, đã khá vất vả khi chăm sóc cho ông, bởi ông càng ngày càng khó khăn khi tự làm những công việc đơn giản cho chính mình. Cũng khá đau khổ, khi bà nhận thấy mình không còn quen thuộc với ông nữa. Nhưng ông tỏ vẻ vui thích khi nói về chuyện quá khứ. Ông chăm chú xem những cuốn album và nhận ra hết những người trong đó. Bà vui lây. Bà cũng đi vào cái thế giới đó với ông. Chỉ bằng cách đó. Đôi khi bà đứng lại phía ngoài. Bà để cho ông tự mình hồi tưởng, đắm chìm trong những kỷ niệm của đời người. Mỗi ngày hầu như ông chỉ sống cho hiện tại một vài khoảnh khắc ngắn ngủi. Còn với tương lai, ông không thể hoạch định.

Bà không có gì để than trách. Vì ông đã nói hết những lời “cám ơn, xin lỗi” với bà khi ông còn nhận ra bà. Ông chẳng đã hát “Tôi sợ tôi chết trước khi tôi lau khô nước mắt của nàng, trước khi tôi được nhìn ngắm những cánh chim hải âu bay trong nắng” rồi đó ư? Vậy thì hãy để ông sống với những ký ức cháy bỏng một thời của ông, những đoạn đời đáng sống mà ông luôn hoài niệm. Ít ra, trong giai đoạn này, “trí nhớ dài hạn” của ông vẫn còn nguyên vẹn, não của ông vẫn còn những vùng chưa bị tàn phá, đúng theo lời bác sĩ nói “Người bị bệnh Alzheimer vẫn có một điều hạnh phúc, đó là được sống với những ký ức tuyệt vời”.

Có một ngày, bà mở ti-vi cho ông xem. Ông không còn nhận ra Glen Campbell trên màn ảnh. Vì trên đó là một Glen Campbell bảy mươi mấy tuổi, bằng với ông hiện tại. Ông chỉ nhớ một Glen thời trai trẻ. Ông thấy chán, ông lim dim mắt. Ông nghe tiếng đàn guitar của chính mình. Ông nghe tiếng hát của đồng đội vang trong cánh rừng âm u sau một trận thắng. Rồi như lật qua một trang khác, ông thấy gương mặt của anh con bác Châu từ từ nhòa nhạt. Anh đã ngã xuống. Ông nghe lại tiếng đạn chui vào da thịt, vào đến mạch máu trong cánh tay mình.

Bà đem đến cho ông một ly nước gì không biết. Ông mở mắt, đón cái ly, uống mà không hiểu đó là gì. Rồi ông lại nhắm mắt, tiếp tục phiêu du vào cõi xưa, nơi ông thức dậy trong một bệnh viện. Người lính trẻ sức sống còn tràn đầy. Cánh tay bị thương đã được băng bó. Một gương mặt cúi xuống. Một mái tóc dài được bới gọn sau chiếc mũ trắng. Ông đón ly nước từ đôi bàn tay của người con gái. Nước! Nước ngon quá! Ông nhìn người đối diện. Một đôi mắt đen nhánh đầy tình yêu đang nhìn ông.

Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh

Tháng 10/2011







Thursday, April 26, 2012


Tháng tư buồn hồi chuông đổ

Đinh Cường

                                                     Hộp nước biển. Tranh Ann Phong

                               tặng Ann Phong
Và những ngày mưa cuối tháng tư
chim bay đen những notes nhạc buồn

bao oan khiên vẫn còn như nặng
tảng đá âm thầm đứng chịu tang

Người có bao giờ nghe sám hối
biển đen sâu ám ảnh Ann Phong *   
màu xanh ôi một màu xanh ấy
như cuộn linh hồn ai biệt tăm

Tháng tư qua mấy thành phố cổ
quán bên đường đậm đắng cà phê
mà sao cứ như là giọt lệ
như sóng xô vỗ nhẹ bên bờ

Ôi chiều San Juan Capistrano
bầy chim én về trên nhà thờ cổ
sao em không về em ở đâu xa
tháng tư tháng tư buồn hồi chuông đổ

Virginia, 25 Apr 2012
ĐC

* Ghé studio Ann Phong ở Cerritos, Cali xem những tranh mới khổ lớn của chị
   vừa triển lãm ở Thái Lan về vẫn một màu xanh và những ám ảnh của biển
   Ann Phong sinh tại Sài Gòn, vượt biển năm 1981, hiện là giáo sư hội họa tại Cal Poly             
   Pomona University.

Hộp nước biển
Acrylic trên bố 48 x 48 in
Ann Phong