Tuesday, May 30, 2023

VỀ BÀI THƠ ‘TRÊN NHỮNG CÁNH ĐỒNG FLANDERS’

nguyễnxuânthiệp
 

Tác giả và bài thơ
 
Trong không khí tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh vì đất nước, lòng này chợt bồi hồi nhớ đến bài thơ In Flanders Fields-Trên Những Cánh Đồng Flanders.
Có nhiều mẩu chuyện chung quanh bài thơ ‘Trên Những Cánh Đồng Flanders’ của Trung Tá Quân Y John McCrae thộc quân đội Canada trong Thế Chiến I có mặt trên chiến trường nước Bỉ. Nay xin nhắc lại ở đây để chúng ta cùng tưởng nhớ.
 
Trước hết, xin hãy đọc lại những lời của Dough McKay ở Massachussetts, nơi bạn của Nguyễn đang cư ngụ: “Mùa Xuân vừa qua (đã lâu lắm lắm rồi, nhưng cứ xem như vừa mới xảy ra – Ng.), mẹ tôi đưa cho tôi một cái hộp đựng các kỷ vật của gia đình. Trong một phong bì, tôi tìm thấy những thư từ của người ông chúng tôi đã chết ở nước Pháp trong những tháng cuối cùng của Thế Chiến I. Một cách cẩn thận, tôi mở trang thư đã úa vàng có bài In Flanders Fields-Trên Những Cánh Đồng Flanders.”
 
  Bài thơ đầy xúc cảm này mở đầu bằng một dòng nói về những bông hoa poppy nở rộ trên những cánh đồng trận địa nước Bỉ. Bông hoa poppy từ đó trở thành biểu tượng tưởng nhớ những chiến sĩ đã nằm xuống vì lý tưởng tự do. Và kể từ năm 1922, những bó hoa poppy bằng giấy màu đỏ được các cựu chiến binh bày bán trên đường phố trong ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong Memorial Day.
   Tới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bài thơ và tác giả của nó, cũng như từ đâu mà có tục lệ mang hoa poppy trong thời gian tưởng niệm những người chiến binh đã chết trên các chiến trường qua hàng chục năm nay. Bài thơ Trên Những Cánh Đồng Flanders có nội dung như sau:
 
Trên cánh đồng Flanders
Giữa những hàng hàng bia mộ
Hoa poppies. nở
Dập dờn
Đánh dấu nơi chúng tôi yên nghỉ
Trên trời
Những con sơn ca vẫn can đảm hót
Tiếng hót chợt vang lên đôi lúc
Giữa tiếng đại pháo rền dưới kia
Chúng tôi là những người
vừa mới chết
chỉ mấy ngày trước đây
Nhưng chúng tôi vẫn sống
để cảm nhận bình minh
Thấy được ánh hoàng hôn
Yêu và được thương yêu
Và giờ đây
Chúng tôi nằm yên nghỉ
Trên những cánh đồng Flanders
Hãy tiếp nhận cuộc chiến đấu của chúng tôi chống kẻ thù
Từ những bàn tay buông xuôi
Chúng tôi trao lại bó đuốc
Để các bạn giương cao
Ôi, nếu vì lẽ gì bạn quên lời thề, đập vỡ niềm tin
Với chúng tôi những người đã chết
Chúng tôi sẽ không bao giờ nhắm mắt
Dẫu hoa poppies vẫn nở dập dờn
Trên những cánh đồng Flanders
 
  Như bạn biết đấy, bài thơ In Flanders Fields của Trung tá Quân Y John McCrae, thuộc quân đội Gia Nã Đại, là một trong những bài thơ viết về chiến tranh được truyền tụng nhất. Nó là di sản của trận chiến khốc liệt ở tuyến đầu Ypres thuộc nước Bỉ vào mùa Xuân năm 1915. Sau đây là hoàn cảnh ra ra đời của bài thơ:
  Mặc dầu là bác sĩ trong nhiều năm, đã từng phục vụ ở chiến trường Nam Phi, Trung tá John McCrae vẫn không thể nào làm quen được với những cơn đau, những tiếng kêu thét và máu và nước mắt ở quân y viện này. Tại đây, ông là bác sĩ giải phẫu đã trải qua mười bảy ngày đêm liên tục chăm sóc vết thương cho các thương binh thuộc đủ mọi quốc tịch -Gia Nã Đại, Anh, Ấn Độ, Pháp và Đức. Quả thật là một thử thách kinh hoàng mà ông nghĩ mình không thể nào chịu đựng nổi. McCrae ghi lại như sau: “Tôi ước mong có thể ghi lại trên trang giấy một số cảm nhận về mười bảy ngày ấy… Quả là mười bảy ngày trong Cõi A Tỳ. Nếu cuối ngày thứ nhất ở đây có ai bảo rằng chúng tôi phải trải qua mười bảy ngày như thế thì tôi sẽ chắp tay cúi đầu nói không, không thể nào chịu đựng nổi.”
 
  Thế rồi một cái chết xảy ra đã gây ấn tượng mạnh ở McCrae. Một người bạn trẻ, Trung úy Alexis Helmer quê ở Ottawa, đã bị giết vì bom nổ trong ngày 2 tháng Năm 1915. Trung tá McCrae đã làm lễ an táng và cầu hồn cho Helmer ở một nghĩa trang nhỏ cạnh quân y viện, mặc dầu nơi đây không có nhà nguyện. Ngày hôm sau, ngồi ở băng sau xe cứu thương gần quân y viện, John McCrae bắt đầu viết. Đây không phải là việc xa lạ với McCrae, ông đã từng viết nhiều bài cho báo y học. Nơi ông viết nằm bên cạnh nghĩa trang và ông có thể nhìn thấy những bông poppies vươn lên từ bờ các chiến hào của vùng trận địa Bắc Âu này. Một người lính trẻ nhìn thấy McCrae làm việc. Anh ta tên Cyril Allison, một Trung sĩ nhất 21 tuổi, hôm ấy lãnh nhiệm vụ đưa thư đến cho quân y viện. Trung tá McCrae ngẩng lên nhìn Allison rồi cúi xuống im lặng tiếp tục viết. “Khuôn mặt ông lộ vẻ mệt mỏi nhưng yên tĩnh trong khi viết. Thỉnh thoảng ông lại nhìn ra ngôi mộ Alexis Helmer.”
  Viên trung sĩ quân bưu vẫn đứng ở đó. Hai mươi phút sau thì xong bài thơ, McCrae ngừng viết, nhận thư  từ Allison mà không nói gì hết, và trao cho Allison những thư từ văn kiện trong đó có cả bài thơ mới viết để người đưa thư đọc. Allison hết sức cảm động khi đọc nó. “Bài thơ tả đúng y khung cảnh trước mắt chúng tôi. Ông ấy dùng từ blow (gió thổi dập dờn) rất chính xác vì sáng hôm ấy ngọn gió đông không ngớt thổi qua nghĩa trang, làm lay động những bông hoa poppies. Lúc ấy tôi không nghĩ rằng bài thơ sẽ được in ra.” Quả thật bài thơ suýt nữa đã không được phổ biến. Không vừa ý với nó, McCrae vứt bỏ bài thơ, nhưng một người bạn sĩ quan nhặt lại và gởi cho các báo ở Anh. Tờ The Spectator ở Luân Đôn không chịu đăng, nhưng tờ Punch đã in bài thơ trong số báo ra ngày 8 tháng 12 năm 1915. Riêng Trung tá thi sĩ John McCrae không được may mắn, ông chết vì bệnh sưng phổi năm 1918 lúc đang ở Pháp.
 
  Bài thơ ‘Trên Những Cánh Đồng Flanders’ từ đó được truyền tụng rộng rãi. Năm 1918 Moina Michael, làm việc cho một tổ chức thanh niên thiện nguyện phục vụ các chiến binh Hoa Kỳ trên các chiến trường. Ngày 9 tháng 11 năm 1918, xúc động khi đọc bài thơ In Flanders Fields, Michael đã tự nguyện mang một bông poppy màu đỏ trên ngực áo như một biểu tượng tưởng nhớ những chiến sĩ đã nằm xuống trong khi thực hiện niềm tin. Sau ngày ấy, trong một buổi hội của tổ chức, Michael bày những bông hoa poppies màu đỏ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tính mạng cho niềm tin. Và Michael bắt đầu bán những bông poppies đỏ để gây quỹ hỗ trợ các thương binh và chiến sĩ ngoài mặt trận. Chẳng bao lâu hoa poppy đỏ được biết đến và chấp nhận là biểu tượng quốc gia tưởng nhớ những người con thân yêu của mình đã hy sinh trong lúc thi hành nhiệm vụ ngoài tiền tuyến.
 
  Chúng ta không thể nào quên những người đã hy sinh xương máu cho mảnh đất tự do này. Kể từ Thế Chiến I đến nay, đã hơn 100 năm trôi qua, bao lần mặt trời mọc mặt trời lặn, bao tang thương dâu biển, biến cố dồn dập, nhiều cuộc chiến tranh đã nổ ra cuốn theo nỗi đau, nước mắt và máu của những người lính. Họ đã chiến đấu trên đất liền, trên sông trên biển, giữa bầu trời xanh không giới hạn. Họ chiến đấu trên khắp các vùng trận địa và lục địa châu Á, châu Âu, châu Phi, để thắp sáng một niềm tin, một lý tưởng, vì tự do của loài người, vì hạnh phúc của đồng bào đồng loại. Những bông hoa poppies màu đỏ nhắc mọi người nhớ tới họ, tri ân các chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh cho ngày hôm nay.
   Riêng với người Việt chúng ta trên nước Mỹ, chúng ta cũng nên cùng nhau xin chọn một bông poppy màu đỏ cho anh em bạn bè, những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến 20 năm trên đất nước mình. Xin các bạn hãy yên nghỉ trong màu đỏ của hoa poppy tháng Năm và lòng tưởng nhớ của mọi người…
(Tổng hợp)
NXT

  

Monday, May 29, 2023

CÁC NHÀ THƠ HỒI GIÁO SUFI ĐIỂN HÌNH

Phan Tấn Hải
 
Sufism. The British Library
 
 Chúng ta hàng ngày đọc tin thời sự, dễ dàng nhìn về thế giới Hồi giáo như dường đầy những bạo lực, và nhìn về một quốc gia Iran như một tuyến đầu tua tủa những dàn phóng phi đạn hướng về thế giới tự do. Chúng ta cũng từng thấy các chính phủ Hồi giáo theo các hệ phái khác nhau đã kình nhau, thậm chí trong một nước, như Iraq, cùng từng sinh khởi nội chiến. Tuy nhiên, vẫn có một Hồi giáo khác, một Hồi giáo rất mực hòa bình, một hệ phái ít được báo chí hàng ngày tường thuật chỉ vì họ không gây ra các biến cố hung hăng nào. Đó là Hồi giáo Sufi, một khuynh hướng rất mực thần bí có từ nhiều thế kỷ qua, và là nơi rất mực thơ mộng của Hồi giáo: một nơi của những dòng chữ về vẻ đẹp của sa mạc, của tịch lặng, của yêu thương…
 Các tác phẩm văn học Sufi ghi trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, có nội dung tư tưởng thần bí của Hồi giáo Sufi. Khuynh hướng này trong tiếng Anh gọi tắt là Sufism, một kho tàng văn học về sau có ảnh hưởng tới nhiều nền văn học thời trung cổ, đặc biệt là thơ, được viết bằng tiếng Ả Rập, tiếng Ba Tư, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Urdu. Có một yếu tố nổi bật: sự cởi mở của các nhà thần bí Sufi đã cho nhiều tự do hơn cho văn học so với thơ ca cung đình Hồi giáo thời kỳ đó.
 Văn học Sufi cũng gần với đời sống hơn, mượn các yếu tố văn hóa dân gian để đưa vào văn học, cụ thể hóa cho người bình dân dễ hiểu, thí dụ, sự kết hợp giữa Trời và Người, của Nguyên Lý Tối Cao và người dân bình thường được mô tả như là người tình nhân trong đời, và do vậy Thượng đế trở thành một người tình không được thấy mặt nhưng vẫn không xa tầm mắt của nhà thơ. Một số bài thơ cũng chệch ra ngoài vòng chính thống, có chủ đề phản đối sự áp bức, nhấn mạnh vào công lý thiêng liêng, chỉ trích những kẻ thống trị độc ác, cuồng tín tôn giáo, tham lam và đạo đức giả của các giáo sĩ Hồi giáo chính thống. Khi viết chủ đề như thế, chữ nghĩa ẩn hình như ngụ ngôn và truyện cổ tích.
 Tuy nhiên hầu hết tác phẩm của các nhà thơ Sufi là văn học sùng đạo Hồi giáo thần bí, có chủ đề như tình yêu thiêng liêng và sự kết hợp thần bí giữa con người và Thượng đế, thường thông qua các phép ẩn dụ của thơ tình thế tục. Và như thế đã ảnh hưởng lớn tới sự mơ hồ thần bí-thế tục trong các nền văn học nói tiếng Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Urdu (tiếng nói của Pakistan, pha trộn tiếng Ba Tư, Ấn Độ, Ả rập).
 
 Trong khi thế giới hiện nay của chúng ta nhìn thấy phụ nữ không có tiếng nói trong thế giới Hồi giáo, cụ thể như nữ giới bị cấm đi học ở Afghanistan, nền văn học Sufi cho thấy hình ảnh phụ nữ Hồi giáo khác rất nhiều trong hơn một thiên niên kỷ trước. Như trường hợp nhà thơ nữ Rabia of Basra, một nhà thần bí của thế kỷ thứ 8 trong văn học Sufi, nổi bật như một đỉnh cao văn học thời xa xưa đó, không bị kỳ thị, không bị dìm hàng… khi nữ thi sĩ đổi khái niệm sợ hãi Thượng đế của Hồi giáo truyền thống trở thành khái niệm yêu thương, và như thế đổi hình ảnh các giáo sĩ Hồi giáo chinh phục thế gian bằng gươm đao và truyền giáo ồn ào để trở thành một hình ảnh bình đẳng, hòa bình, yêu thương và tịch lặng. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khái niệm “tình yêu trọn vẹn” này trong Hồi giáo Sufi có thể được rút ra từ các cội nguồn Ba Tư hoặc Ấn Độ giáo (và có thể một phần của Phật giáo), và không hề có ý tưởng thần bí tương đương như thế từ Cơ đốc giáo hay Do Thái giáo trong thế kỷ thứ chín. Trong tình yêu thần bí đó, nổi bật trong thơ Rumi (1207 – 1273), một nhà thơ Sufi có lẽ nổi tiếng và có ảnh hưởng hàng đầu, đã phát triển khái niệm tình yêu như một biểu hiện trực tiếp của ý muốn của Nguyên lý tối thượng, cũng như đưa ra khái niệm về sự thống nhất và đồng nhất của nhân loại. Trong thơ của các nhà thơ Hồi giáo Sufi xa xưa đó, Trời và Người có vẻ ngang hàng nhau, hội nhập vào nhau, và tư tưởng này về sau có thấy trong một số nhà thần bí Ky tô --- điển hình tư tưởng của Linh mục dòng Đa minh Đức Master Eckhart (1260 – 1328) từng bị Giáo hoàng Pope John XXII kết luận là lạc giáo, rối đạo. Tình hình như thế, cho thấy tư tưởng Sufi cũng là thiểu số, không bao giờ trở thành dòng chính trong thế giới Hồi giáo, và dĩ nhiên không bao giờ có quyền lực tương đương với các hệ phái Hồi giáo khác…
 
NHÀ THƠ RUMI
 Nổi tiếng nhất trong các nhà thơ Hồi giáo Sufi là Rumi (1207-1273).  Đôi khi được gọi đầy đủ là Jalal ad-Din Muhammad Rumi, có nghĩa là Bậc thầy của chúng ta, là một trong những nhà thơ lớn nhất của thế giới Hồi giáo. Thế giới văn học Anh gọi ông đơn giản là Rumi. Là một nhà thần bí Sufi, và là một triết gia, Rumi nêu bật trong thơ một tình yêu nhân loại. Nhánh Sufi chịu ảnh hưởng của Rumi đã hình thành một phái thần bí để tôn vinh những lời dạy của Rumi — nhánh Sufi này được nhiều người phương Tây gọi là 'Whirling Dervishes', tên riêng của họ là trật tự Mevlevi, với hình ảnh thường gặp trong phim ảnh là điệu múa xoay vòng Sufi.
 
Bìa sách tuyển tập thơ Rumi, bản dịch của Coleman Barks.
Tranh vẽ Rumi do Hossein Behzad (1957), một họa sĩ Iran, từ mạng Wikipedia.
 
 Rumi sinh năm 1207 tại Balkh, Ba Tư, ngày nay là Afghanistan. Cha của ông, Bahāʼ al-Dīn Valad, là một giáo viên tôn giáo và nhà thần bí nổi tiếng đã nhận một vị trí tại trường đại học ở Balkh. Khi quân Mông Cổ xâm lược Ba Tư, Rumi rời Ba Tư đến Konya, lúc đó thuộc đế chế Ba Tư. Rumi đã sớm được giáo dục tâm linh dưới sự dạy dỗ của cha mình là Bahauddin và sau đó là dưới sự dạy dỗ của người bạn thân Sayyid Burhaneddin của cha mình ở Balkh. Rumi đã trưởng thành cả về kiến thức lẫn ý thức về đạo qua nhiều năm. Cuối cùng Sayyid Burhaneddin nói với Rumi rằng giờ đây anh đã sẵn sàng và là một học giả Sufi trưởng thành và rằng 'giai đoạn tiếp theo' trong quá trình phát triển tâm linh của anh sẽ sớm xảy ra. Và theo truyền thuyết, Sayyid đã dự đoán sự xuất hiện của Shams of Tabriz, sẽ làm thay đổi cuộc đời Rumi.
 Ở tuổi 37, Rumi gặp Shams, một người lang thang tâm linh và được xem là một thánh nhân. Chính cuộc gặp gỡ của ông với người tu sĩ này vào năm 1244 đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Trước cuộc gặp gỡ này, Rumi đã từng là một giáo sư tôn giáo nổi tiếng và là một nhà thần bí có nhiều kinh nghiệm sâu thẳm; sau đó Rumi trở thành một nhà thơ đầy cảm hứng và một người yêu nhân loại vĩ đại. Sự đồng hành của Shams với Rumi rất ngắn ngủi. Mặc dù thực tế là mỗi người là một tấm gương hoàn hảo cho người kia, nhưng Shams đã biến mất không chỉ một mà hai lần. Lần đầu tiên, con trai của Rumi, Sultan Veled, đã tìm kiếm Shams và tìm thấy Shams ở Damascus. Tuy nhiên, lần mất tích thứ hai đã được chứng minh là cuối cùng và người ta tin rằng Shams có thể đã bị sát hại bởi một số giáo sĩ Hồi giáo chính thống và những người khác của Konya, những người phẫn nộ với ảnh hưởng của mình đối với Rumi.
 Shams thuyết phục Rumi rằng tại một số thời điểm nhất định, chúng ta có thể giao tiếp trực tiếp với Đấng tối cao: các tín đồ thay vì chỉ đơn giản là người phiên dịch lời Đấng tối cao, trên thực tế, họ có thể trực tiếp trải nghiệm sự hiện diện của Đấng tối cao. Tác dụng đối với Rumi là ngay lập tức: từ bỏ trách nhiệm gia đình và học thuật, Rumi dành toàn bộ thời gian để học hỏi càng nhiều càng tốt từ Shams. Tuy nhiên, nhà thần bí Shams ra đi không lời giải thích, và biến mất vĩnh viễn vào năm 1248. Kể từ đó, Rumi cống hiến hết mình cho thơ ca, và ông chủ yếu viết về chủ đề tình yêu. Những câu thơ của ông, lấy cảm hứng từ Shams— được tính là hơn 30.000 câu trong tất cả—được thu thập trong một tác phẩm mà ông gọi là Diwan-i Shams-i-Tabriz ('The Divan of Shams of Tabriz'). Về mặt phong cách, Rumi ưa chuộng ghazal, một thể thơ truyền thống của Ba Tư có tới mười hai dòng có vần; và ở mức độ đơn giản hơn, dạng thơ tứ tuyệt Rubai.
 Mặc dù đã có một truyền thống thần bí Hồi giáo xuất hiện trước Rumi, nhưng thơ của Rumi đã biến đổi cả tư duy và nghi lễ về mặt này. Ví dụ, điệu nhảy hướng tâm nổi tiếng của các dervishe - nghi lễ sema - được cho là lấy cảm hứng từ các chuyển động của chính Rumi quanh một cây cột trong khu vườn của Rumi khi Rumi thương tiếc cho người bạn đồng hành của mình là Shams. Theo thời gian, những hành động này đã được Rumi điều chỉnh thành một pháp chiêm nghiệm Sufi và sau đó được truyền lại cho các đệ tử được ông ưu ái, những người đã soạn lại thành các hoạt động của Dòng Mevlevi mà họ đã thành lập để vinh danh Hồi giáo Sufi và nhà thơ Rumi. Rumi qua đời vào ngày 17/12/1273 sau Công nguyên và Urs (Lễ kỷ niệm / lễ hội tâm linh) tưởng nhớ Rumi được tổ chức hàng năm vào ngày 8 tháng 12 tại Turbe (đền thờ) của ông ở Konya (Thổ Nhĩ Kỳ).
 Nhiều nhà phê bình văn học nhận ra rằng, trong thơ của mình, Rumi thường sử dụng những hình ảnh có thể gây bất ngờ. Ví dụ, mặc dù Hồi giáo cấm uống rượu, nhưng Rumi thường mô tả cảm giác 'say và say như ngây ngất vì người mình yêu'. Ở đây say ngụ ý niềm hạnh phúc của tâm thức thiêng liêng. Tình yêu là chủ đề thường xuyên trong các bài thơ của Rumi, những mô tả về tình yêu lãng mạn dường như chỉ là ảo ảnh đối với tình yêu thiêng liêng, thuần khiết bao trùm tất cả. Những phép ẩn dụ như thế này về sau là phổ biến đối với nhiều nhà thơ Sufi khác.
 Giáo sư người Ấn độ Hazrat Inayat Khan (1882-1927), chuyên ngành triết học và âm nhạc, sinh trong một gia đình có truyền thống Hồi giáo thần bí, nhận định về thơ Rumi: "Những chữ nguyên gốc độc đáo của Rumi rất là sâu sắc, rất mực hoàn hảo, cực kỳ cảm động, đến nỗi khi một người đàn ông lặp lại các chữ đó, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người rơi nước mắt. Những chữ đó ngấm vào trái tim. Điều này cho thấy bản thân Rumi đã xúc động đến mức nào khi có thể thốt ra những lời sống động như vậy.”
 Sau đây là vài bài thơ tiêu biểu của Rumi. Chữ “you” dịch là “bạn” hay “em” hay cũng có thể hiểu là “tôi” khi tự nhủ, hay người đọc, người đối diện, người tình, người bạn, hay thượng đế, hay cái không có tên.
 
ÁC MỘNG
Một hôm, bạn sẽ nhìn lại, và cười chính mình.
Bạn sẽ nói, 'Tôi không thể tin rằng mình đã ngủ say như vậy!
Làm thế nào tôi đã từng quên sự thật?
Thật kỳ dị để tin rằng nỗi buồn và cơn bệnh
Không gì khác hơn là những giấc mơ xấu.
---- Rumi
.
YÊU THƯƠNG
Yêu thương làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào.
Yêu thương làm cho đồng thành vàng.
Với yêu thương, cặn lóng xuống thành trong veo.
Với yêu thương, khổ đau chấm dứt.
Yêu thương làm người chết sống lại.
Yêu thương biến quốc vương thành nô lệ.
Yêu thương là sự hoàn thành của Ngộ đạo.
Làm sao một tên ngốc có thể ngồi trên một ngai vàng như thế?
---- Rumi
.
TÌNH YÊU LÀ THUỐC CHỮA LÀNH
Tình yêu là thuốc chữa lành
vì nỗi đau của bạn sẽ cứ mãi sinh ra thêm nhiều nỗi đau
cho đến khi mắt bạn liên tục thở ra tình yêu
tự nhiên như thân bạn toát ra mùi hương.
---- Rumi
.
TÔI QUĂNG TẤT CẢ ĐI
Bạn chơi với thế giới hợp nhất vĩ đại,
bạn nhìn thấy mọi người rất rõ ràng
và bạn không thể được nhìn thấy. Ngay cả
  
trí tuệ thông minh cũng mờ nhạt khi nghĩ rằng
bạn có thể đã rời xa. Bạn đã đến đây một mình,
nhưng đã tạo ra hàng trăm thế giới mới.
  
Mùa xuân là một con công đùa giỡn với
khải thị. Những vườn hồng rực lửa.
Đại dương đã tràn vào thuyền. Tôi quăng
tất cả đi, ngoại trừ yêu thương này cho Shams.
--- Rumi
.
SỨC MẠNH KHÔNG ĐƯỢC THẤY
Chúng ta là ống sáo, tiếng nhạc của chúng ta đều là Ngài;
Chúng ta là những ngọn núi âm vang chỉ là Ngài;
Và chuyển động để bại hay thắng;
Những con sư tử giương cao lá cờ mở ra
theo gió vô hình quét chúng ta đi qua thế giới.
---- Rumi
.
NHÀ THƠ AL HALLAJ
 Nhà thơ Al Hallaj là một vị thầy Sufi huyền thoại người Iran, sống trong khoảng các năm 858 – 922 theo Tây lịch. Khi còn trẻ, Al Hallaj đã thuộc lòng Kinh Qur'an và thường xa lìa thế gian trần tục để theo học các nhà thần bí khác. Ông dành cả cuộc đời mình để chiêm nghiệm và trở thành một nhà thơ thần bí Sufi nổi tiếng. Nhà thơ bị đóng đinh và bị tra tấn tới chết vì bị cho là dị giáo, niềm tin không chính thống.
 Al-Hallaj kết hôn trễ và đã có một chuyến hành hương đến Mecca. Sau chuyến đi đến thành phố được Hồi giáo tin là linh thiêng đó, ông đã đi du lịch nhiều nơi. Trong thời gian này, ông bắt đầu viết và dạy các ý tưởng Sufi cho nhiều người. Sau một thời gian đi tới Ấn Độ và nhiều vùng khác của Trung Á, ông định cư tại thủ đô Baghdad của triều đại Abbasid. Al Hallaj đã dành cả cuộc đời của mình để suy ngẫm và thường rơi vào trạng thái xuất thần. Trong những trạng thái tâm linh cao độ này, nhà thơ cảm thấy hoàn toàn đồng nhất với tất cả tạo vật và với Thượng đế.  
 
Nhà thơ al Hallaj bị xử tử, hình từ Wikipedia, theo một cổ bản thơ năm 1600.
 
 Qua những trải nghiệm trực tiếp về chiêm nghiệm sự đồng nhất của tạo hóa, ông từng nói “Ana al-haqq” (“Tôi là Sự thật”– hiểu là Thượng đế). Vào thời đó, nói như thế bị coi là rất báng bổ, mọi người không thể hiểu được quan điểm của nhà thần bí này. Do vậy, Al Hallaj đã bị bức hại và bị kết tội dị giáo. Sau 11 năm ngồi tù, Al Hallaq bị nhà cầm quyền Abbasid tra tấn và đóng đinh. Có nhiều lời kể rằng Al Hallaj luôn luôn bình tĩnh, và bày tỏ thái độ tha thứ cho những kẻ đã tra tấn ông. Trước khi bị xử tử, ông nói mấy dòng thơ:
 
Bây giờ không còn gì giữa Sự thật và tôi
Hay là sự hiển lộ hợp lý,
Hay là chứng cớ khải thị;
Bây giờ, rực rỡ chiếu sáng tràn đầy, ánh sáng của Sự thật
Từng tia sáng chập chờn, mờ dần.
  
Dưới đây là vài bài thơ tiêu biểu của Al Hallaj.
 
ĐỂ ĐẾN VỚI THƯỢNG ĐẾ
Vì bạn, tôi vội vã đi qua đất và nước:
Vì bạn, tôi vượt qua sa mạc và xẻ đôi ngọn núi,
Và tôi quay mặt xa mọi thứ,
Cho đến khi tôi đến nơi
Nơi tôi ở đơn độc với Bạn.
---- Al  Hallaj
.
THEO SÓNG
Tôi không ngừng bơi trong biển yêu thương
sóng dâng lên rồi hạ xuống;
bây giờ sóng nâng đỡ tôi, và rồi tôi chìm dưới sóng
yêu thương mang tôi đi, nơi không còn bến bờ.
---- Al  Hallaj
.
TÔI LÀ NGƯỜI TÔI YÊU THƯƠNG
Tôi là người tôi yêu thương,
và người tôi yêu thương là chính tôi.
Chúng ta là hai linh hồn nhập thể trong một cơ thể;
nếu bạn thấy tôi, bạn thấy Ngài,
nếu bạn thấy Ngài, bạn nhìn thấy chúng tôi.
---- Al Hallaj
.
HÃY GIẾT TÔI, HỠI NHỮNG NGƯỜI BẠN TRUNG THÀNH CỦA TÔI
Hãy giết tôi, hỡi những người bạn trung thành của tôi
Vì thân tôi bị giết là cuộc đời của tôi.
Yêu thương là bạn vẫn đang đứng
Trước mặt người được yêu của bạn
Khi bạn bị tước bỏ hết những gì là bạn
Lúc đó, những gì là Ngài trở thành chính bạn.
Giữa tôi và bạn, chỉ có duy nhất tôi.
Hãy tước bỏ đi cái tôi, để chỉ còn lại Bạn.
---- Al Hallaj
  
NHÀ THƠ HAFIZ
 Nhà thơ thần bí Hafiz (1325 –1389) được nhiều nhà phê bình gọi một cách vinh danh là “Tiếng nói của Đấng vô hình” và chính nhà thơ Hoa Kỳ Ralph Waldo Emerson đã nhận xét rằng “Hafiz là nhà thơ của các nhà thơ.” Thơ của Hafiz có vẻ đẹp và chất nhạc, thể hiện tính hồn nhiên tự phát thơ mộng. Tương tự nhiều nhà thơ Sufi khác, Hafiz đan xen các chủ đề về sự mơ hồ vào các bài thơ, qua những hình ảnh thế tục như rượu, say và tình yêu nhân gian. Hafiz sinh ra ở thành phố Shiraz ở Ba Tư (nay là Iran). Khi còn nhỏ, ông được gọi là Shams 'ud-din Mohammed. Khi còn nhỏ, Hafiz đã học thuộc Kinh Qur'an, và đó là lý do tại sao ông lấy bút danh là 'Hafiz'. Chữ Hafiz có nghĩa là người đã thuộc lòng toàn bộ Kinh Qur'an. Bên cạnh nghiên cứu Kinh Qur'an, Hafiz cũng nghiên cứu về các nhà thơ Sufi lớn, như Rumi…
 Một câu chuyện nổi tiếng về Hafiz kể về chuyện anh yêu thương một thiếu nữ. Anh đã nhìn thấy cô ở một nơi khi anh đang giao bánh mì. Anh say mê nàng đến nỗi không thể nghĩ đến điều gì khác. Hafiz bắt đầu viết những bài thơ tình để tặng cho nàng, và những bài thơ này đã trở nên nổi tiếng khắp Shiraz. Không thể sống thiếu nàng, Hafiz quyết định thực hiện 40 đêm canh thức tại lăng mộ của Baba Kuhi. Theo truyền thuyết, Babu Kuhi là một nhà thơ nổi tiếng, người đã hứa sẽ thực hiện 3 điều ước cho bất kỳ ai có thể thức suốt 40 đêm bên lăng mộ của ông.

Hai bìa sách 2 tuyển tập thơ Hafiz.
 
 Trong đêm đầu tiên, Hafiz đã nhìn thấy Thiên thần Gabriel, hiện ra như một thiếu nữ xinh đẹp, và anh say mê vẻ đẹp này ngay, nên quyết tâm chỉ tìm kiếm Thượng đế, về bản chất sẽ đẹp hơn bất kỳ hình dạng con người nào. Thiên thần Gabriel sau đó tiết lộ cho Hafiz nơi có thể tìm thấy một bậc thầy tâm linh, người có thể dẫn anh đến với Thượng đế. Vị thầy này là Muhammed Attar, đang sống một cuộc đời khiêm tốn ở Shiraz.
 Từ đó trở đi, Hafiz trở thành một nhà thơ phi thường với hàng trăm bài thơ thể hiện niềm khao khát được kết hợp linh thiêng. Thơ đã làm cho Hafiz trở nên nổi tiếng và ông đã nhận được sự tôn trọng và yêu mến của nhiều cư dân địa phương. Tuy nhiên, chất thơ ngây ngất và phi chính thống của Hafiz đã gây ra chống đối từ những người Hồi giáo chính thống đang cầm quyền. Do vậy, Hafiz đã hai lần phải chạy trốn khỏi thành phố Shiraz. Trong nhiều trường hợp bị truy bức, Hafiz chỉ thoát được nhờ sự thông minh nhạy bén của mình. Truyền thuyết kể rằng Hafiz đã sáng tác khoảng 5.000 bài thơ, mặc dù nhiều bài không được viết xuống, và do đó có một số tranh cãi trong giới học giả về tính xác thực của một số bài thơ. Truyền thuyết ghi rằng Hafiz đã từng tuyên bố, “Không ai có thể vẽ một bức tranh quá tuyệt vời của trái tim tôi hoặc Thượng đế.” Dưới đây là vài bài thơ tiêu biểu của Hafiz.
   
NHỮNG NGÀY XUÂN
Những ngày Xuân đã tới. Hoa Eglantine,
Hoa hồng, hoa uất kim hương từ bụi đất đã trồi dậy –
Và bạn, vì sao bạn nằm dưới bụi?
Như những đám mây mùa xuân, đôi mắt này của tôi
Sẽ rơi nước mắt trên ngôi mộ nhà tù của bạn,
Cho đến khi bạn cũng từ bụi đất trồi ra.
---- Hafiz
   .
MỘT BÉ SƠ SINH TRONG VÒNG TAY BẠN
Thủy triều của tình yêu của tôi
Đã lên quá cao để ngập tràn tôi
Bạn.
  
Hãy nhắm mắt bạn trong một khoảnh khắc
Và có thể tất cả những
sợ hãi và hoang tưởng của bạn
Sẽ kết thúc.
  
Nếu điều đó xảy ra
Thượng đế sẽ trở thành một bé sơ sinh trong
Vòng tay bạn
  
Và rồi bạn
Sẽ phải chăm sóc tất cả
Tạo vật này.
---- Hafiz
  .
HÃY NGƯNG QUÁ MỘ ĐẠO
Hãy ngưng quá mộ đạo
Cái gì những người buồn thảm
có chung nhau?
.
Như dường như
Tất cả họ đã xây lên một ngôi đền
về quá khứ và thường đến đó
nơi họ than khóc kỳ lạ
Thờ phượng.
.
Khởi đầu của
Hạnh phúc là gì?
Đó là khi bạn ngưng mộ đạo
Như Thế.
---- Hafiz
.
ĐIỆU MÚA VĨNH CỬU
Tôi hạnh phúc ngay cả trước khi tôi có lý do.
Tôi tràn đầy ánh sáng ngay cả trước khi bầu trời
Có thể chào mặt trời hay mặt trăng.
 
Các bạn đồng hành thân mến,
Chúng ta trong tình yêu Thượng đế
Đã từ rất xa xưa, rất xa xưa
 
Bây giờ Hafiz có thể làm gì chỉ trừ Vĩnh Cửu
Vào Điệu Múa!
---- Hafiz
  
NHÀ THƠ KABIR
 
Nhà thơ Kabir (1440 – 1518) của dòng văn học Sufi là người Ấn Độ, nổi tiếng với câu, “Dòng sông chảy trong bạn cũng chảy trong tôi.” Có rất nhiều truyền thuyết, dị bản về sự ra đời, cuộc sống và cái chết của Kabir, một trong những nhà thơ và nhà thần bí được trích dẫn nhiều nhất ở Ấn Độ. Bản thân sự ra đời của ông cũng là một điều bí ẩn, một số người nói rằng anh ta là con trai của một góa phụ Bà la môn, những người khác cho rằng anh ta được sinh ra từ một trinh nữ, mặc dù điều mọi người cùng đồng ý là Kabir lớn lên trong một gia đình thợ dệt Hồi giáo. Anh ta chưa bao giờ được học hành chính quy và có truyền thuyết nói Kabir gần như mù chữ hoàn toàn. Theo truyền thuyết này, chữ duy nhất mà anh từng học cách viết là "Rama."
 
Ba bìa sách 3 tuyển tập thơ Kabir.
 
Có truyền thuyết nói rằng ông đã từ trần năm 120 tuổi. Có một truyền thuyết nổi tiếng về cái chết của ông. Khi Kabir qua đời, những người theo đạo Hindu và đạo Hồi của ông bắt đầu giành nhau làm những nghi thức cuối cùng. Khi họ vén tấm vải che xác Kabir lên, họ thấy xác biến mất và chỉ còn là những bông hoa. Những người theo Hồi giáo chôn cất một nửa số hoa theo nghi thức của họ và những người theo đạo Hindu hỏa táng một nửa hoa còn lại. Kabir được đạo Hindu phong là một vị thánh trong hệ phái Bhakti. Thơ của Kabir cũng được xuất hiện trong Kinh thánh đạo Sikh. Có ít nhất một bài thơ của Kabir mang phong cách Phật giáo, với câu hỏi làm thế nào từ bỏ Maya (bức màn hư ảo) và nhà thơ tự trả lời là khi rời được Tham, Sân và Si; chữ “brother” trong bài sẽ được dịch dưới đây là “sư huynh.”
 
Kabir sống trong thời kỳ có nhiều biến động chính trị ở Ấn Độ. Cuộc sống của Kabir xoay quanh Kashi, còn được gọi là Banaras (Varanasi). Truyền thuyết kể rằng Kabir thực sự là con trai bị bỏ rơi của một góa phụ Bà la môn, và được tìm thấy bởi một thợ dệt Hồi giáo tên là Niru, người này đã nhận nuôi cậu bé và dạy cậu ta nghề thợ dệt. Kabir thông qua những câu thơ mang tư tưởng thần bí phần lớn nêu lên sự thờ phượng và tưởng nhớ đến Đấng tối cao trong nội tâm. Đối với ông, sự thờ phượng đích thực chỉ ở bên trong. Dưới đây là vài bài thơ tiêu biểu.
  
CÓ MỘT MẶT TRĂNG TRONG THÂN TÔI
Có một mặt trăng trong thân tôi,
nhưng tôi không thể nhìn thấy trăng
Một mặt trăng và một mặt trời.
Một cái trống chưa bao giờ được tay chạm vào
để đánh lên, và tôi không thể nghe thấy nó!
.
Khi nào anh còn lo lắng về chuyện sẽ chết khi nào,
và về những gì anh sở hữu có là của anh,
tất cả những gì anh làm đều là không.
Khi lòng yêu thương “cái tôi” và “cái của tôi” chết đi
khi đó công việc của Bậc Thầy hoàn tất.
.
Mục đích làm việc là để học
khi bạn biết điều đó, việc làm đã kết thúc.
Hoa táo hiện ra để làm thành quả táo, khi thời điểm
đó đến, cánh hoa sẽ rơi.
.
Mùi xạ hương ở bên trong con nai,
nhưng nai không tìm xạ hương:
nai lang thang tìm cỏ.
---- Kabir
   .
HÃY NÓI CHO TÔI BIẾT, SƯ HUYNH ƠI
Hãy nói cho tôi biết, sư huynh ơi
làm thế nào tôi có thể từ bỏ Maya?
Khi tôi từ bỏ việc buộc ruy băng,
tôi vẫn buộc áo quanh mình.
Khi tôi từ bỏ việc buộc áo,
Tôi vẫn che thân trong những nếp gấp của nó.
 
Vì vậy, khi tôi từ bỏ đam mê,
Tôi thấy rằng sân giận vẫn còn;
 
Và khi tôi từ bỏ sân hận,
lòng tham vẫn ở với tôi;
 
Và khi lòng tham bị khuất phục,
niềm tự hào và vinh quang vẫn còn;
 
Khi tâm được tách rời và ném Maya đi,
nó vẫn bám vào chữ nghĩa.
 
Kabir nói, 'Hãy nghe tôi, Sadhu thân mến!
Con đường chân thực hiếm khi được tìm thấy.'
– Kabir
          .
KHI NGÀY ĐẾN
Khi Ngày đến -
Ngày mà tôi đã sống và chết vì đó —
Ngày không có trong bất kỳ lịch nào —
Mây nặng trĩu yêu thương
Tắm cho tôi với tràn ngập hoang dã.
Trong tôi, hồn tôi ướt đẫm.
Quanh tôi, ngay cả sa mạc cũng xanh tươi.  
---- Kabir
     .
NHÀ THƠ RABIA AL BASRI
 Đại sư tỷ của làng thơ Sufi thần bí là Rabia al Basri (717–801), cũng là một nhà thơ tiên phong đã để lại những lời dạy phong phú về tình yêu Thần thánh. Không có nhiều thông tin về Rabia al Basri, ngoại trừ việc cô sống ở thành phố Basra ở Iraq, vào nửa sau của thế kỷ thứ 8 theo Tây lịch. Cô sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó. Nhiều chuyện kể tâm linh gắn liền với cô là những thực tế kết hợp với truyền thuyết. Bản thân nhà thơ Rabia đã không để lại bất kỳ tác phẩm chữ viết nào. Tuy nhiên, những bài thơ truyền miệng của cô sau này được viết ra, chúng thường thể hiện chủ đề về Tình yêu thiêng liêng mãnh liệt. Thí dụ như mấy dòng trích từ một bài thơ của Basri:
Không có Ngài — Đời con, Tình yêu của con —
Tôi sẽ không bao giờ lang thang qua những đất nước vô tận này.
Ngài đã tuôn đổ biết bao hồng ân cho con,
Đã cho con rất nhiều ưu đãi, cho con quá nhiều quà tặng -
Con tìm khắp mọi nơi cho tình yêu của Ngài -
Rồi đột nhiên tràn ngập lòng con.
---- Rabia al Basri (trích từ bài, My Joy)
 
Sau cái chết của cha cô, nạn đói xảy ra ở Basra, và trong thời gian đó, cô bị chia cắt khỏi gia đình. Không rõ bằng cách nào mà cô lại đi trong một đoàn lữ hành bị bọn cướp bắt giữ. Cô bị bọn cướp bắt và bán làm nô lệ. Chủ nhân đã giao việc, và cô làm rất chăm chỉ, nhưng vào ban đêm, sau khi xong việc, cô Rabia cầu nguyện. Đôi khi, cô dành cả đêm để cầu nguyện và thường nhịn ăn vào ban ngày. Một ngày nọ, người chủ nhà theo dõi sự sùng kính của cô. Có một ánh sáng thiêng liêng bao phủ cô khi cô cầu nguyện. Bị sốc khi bắt giữ một người ngoan đạo như vậy làm nô lệ, ông đã trả tự do cho cô.
 
Thơ của Basri, một nhà thơ nữ thần bí Hồi giáo Sufi,
được nhiều học giả dịch ra Anh văn.
 
Thế rồi Rabia đi vào sa mạc để cầu nguyện và trở thành một nhà khổ hạnh. Không giống như nhiều nhà thần bí Sufi, cô không học trực tiếp từ một người thầy, mà chỉ hướng về chính Thượng đế. Suốt đời cô, nổi bật là mối tình của cô hướng về Thượng đế. Sống nghèo và khổ hạnh là những người bạn đồng hành không ngừng của cô. Cô không có gì nhiều ngoài một cái bình vỡ, một chiếc chiếu cói và một viên gạch mà cô dùng làm gối. Khi danh tiếng của cô tăng lên, nhiều người tới xin làm đệ tử. Mặc dù cô có nhiều lời đề nghị xin kết hôn, và có một lời xin cầu hôn từ vị Thị trưởng Basra (Amir of Basra), cô đều đã từ chối – nói rằng vì cô không có thời gian trong đời cho bất cứ điều gì khác ngoài Thượng đế.
 Tuy nhiên, một điểm rất cách mạng trong thần học Hồi giáo của thế kỷ thứ 8 là, nhà thơ Rabia là người đầu tiên đưa ra ý tưởng rằng Thượng đế nên được yêu thương vì chính Thượng đế chứ không phải vì sợ hãi. Nhà thơ nữ này dạy rằng sự sám hối là một món quà từ Thượng Đế bởi vì không ai có thể sám hối trừ khi Thượng Đế đã chấp nhận người ấy và ban cho người ấy món quà sám hối này. Đối với bản thân, cô hướng đến một lý tưởng cao cả hơn, tôn thờ Thượng đế không phải vì sợ Địa ngục hay hy vọng vào Thiên đường, vì cô coi tư lợi như vậy là không xứng đáng với tư cách là tôi tớ của Thượng đế. Sau đây là hai bài thơ điển hình của nhà thơ Rabia al Basri.
  
NẾU CON TÔN THỜ NGÀI
Nếu con tôn thờ Ngài vì sợ Hỏa Ngục,
xin hãy thiêu con trong Hỏa Ngục!
Nếu con tôn thờ Ngài vì khao khát Thiên đường,
xin hãy khóa cổng Thiên đường ngăn con.
Nhưng nếu con tôn thờ ngài vì chính riêng Ngài
xin đừng từ chối con Vẻ đẹp vĩnh cửu của Ngài.
---- Rabia al Basri
    .
THỰC TẠI
Trong tình yêu, không có gì hiện hữu giữa trái tim và trái tim.
Lời nói được sinh ra từ khao khát,
Mô tả thực là từ hương vị thực.
Người nào nếm, người đó biết;
Người nào giải thích, chỉ là lời nói dối.
Làm thế nào bạn có thể mô tả hình thức thực của Một cái gì
Mà trong hiện hữu đó, bạn đã bị biến mất?
Và trong hiện hữu đó, bạn vẫn còn hiện hữu?
Và ai sống như một dấu hiệu cho cuộc hành trình của bạn?
---- Rabia al Basri
 
PHAN TẤN HẢI 

GIẤC MƠ CỦA BALAKIREV

nguyễnxuânthiệp
 
Chân dung Balakirev. Nguồn: Internet
 
Trong những dòng viết cho Nguyễn Xuân Hoàng ngày nọ, tôi nói tới cuộc hành trình của Balakirev trong mùa đông băng giá trên một chiếc xe ngựa thời cổ. Mily Balakirev (1837- 1910), là pianist, nhạc trưởng và là nhà soạn nhạc danh tiếng của Nga, người đã ảnh hưởng đến nhiều nhạc sĩ đương thời trong đó có Tchaikovsky (1840-1893) trong vở nhạc kịch Romeo and Juliet và bản giao hưởng Manfred Symphony. Bài thơ của tôi gởi Nguyễn Xuân Hoàng được viết lại từ bài Giấc Mơ Của Balakirev (Balakirev’s Dream), thơ Tomas Transtromer, theo bản tiếng Anh và bản dịch của Cao Thu Cúc trên Văn Chương Việt.
 
balakirev đang dự một cuộc hòa nhạc
và rồi ông ngủ thiếp đi
chợt ông mơ thấy mình đang đi trên cỗ xe ngựa thời nga hoàng
chiếc xe ngựa lăn bánh trên con đường lát đá
chạy thẳng vào vùng bóng tối của tiếng quạ kêu
balakirev ngồi một mình trong xe. nhìn ra ngoài
có khi ông bước xuống chạy cùng với những chú ngựa
mảnh trăng mùa đông cũng chạy theo cỗ xe. qua những hàng
bạch dương. dưới trời khuya. cuộc hành trình dường như đã dài lâu
trên ngôi nhà thờ cổ. chiếc kim đồng hồ bây giờ chỉ năm. thay vì chỉ giờ
và trên cánh đồng có một chiếc cày bỏ quên
chiếc cày là con chim gãy cánh
trong vịnh. giờ này. một chiếc tàu đang neo đậu
chung quanh tuyết phủ. không một ánh đèn
thủy thủ lên đứng hết trên boong tàu
chiếc xe ngựa chạy qua vùng băng tuyết. bốn bánh quay. quay. tiếng lụa xé
balakirev tới gần một chiếc tàu chiến nhỏ
chiếc sebastopol
giờ đây ông đang ở trên tàu. các thủy thủ vây quanh
một người trao ông cây đàn cổ:
“ông sẽ không chết nếu ông chơi đàn”
 
Như thế đó, cuộc hành trình của Balakirev kết thúc. Như đời tôi, đời bạn... sẽ kết thúc. Nó kết thúc với một hy vọng (hay ảo vọng?) rằng “ông sẽ không chết nếu ông chơi đàn”, có nghĩa là nhà nghệ sĩ, người sáng tạo đã ca hát trước cuộc đời và hiến dâng cho đời sẽ sống mãi với thời gian.
NXT

 

  

Friday, May 26, 2023

Ở C A L I . C H E Z T H Ư P H Ư Ợ N G

Hoàng Xuân Sơn
 
HXSơn & bạn hữu
 
giờ muốn la cà cũng hết sức
sao nghe bạn hú lại vui mừng
trăm năm trong xứ thần tiên ấy
nỗi đời riêng mà lại rất chung
 
mấy ngày ăn nhậu quên làm thơ
ăn quá.  ăn luôn cả bụi bờ
tới khi buồn ngủ ôm cọng gió
lại kê đầu lên chỗ ngu ngơ
 
ngơ ngơ.  thiệt chỗ nào chẳng nhớ
cứ quơ tay là đụng bạn mình
bạn bè như hội đông như kiến
xúm nhau vào khiêng cái lềnh khênh
 
vậy mà bỗng chốc mềm hương rượu
trận vàng trận đỏ loạn sắc màu
có ai nhìn xuống cái ly vỡ
mảnh thủy tinh già như tóc râu. 
 
khiến những lời thơ từng câu hát
ơi ới gọi nhau vào cuộc vui
lắng nghe kỷ niệm từ xa ngái
góp lại vang vang một trận cười
 
H O À N G X U Â N S Ơ N
@sanjose.24mai23 

Wednesday, May 24, 2023

VỚI NGƯỜI THƠ HOÀNG XUÂN SƠN...

Vũ Hoàng Thư

 
Hôm nay tưởng là ngày nắng nhưng không, mây đại dương sà thấp xuống thành phố như một trời thu giữa tháng 5. Chút gây gây lạnh này có lẽ từ người Montréal mang xuống cho thêm thơ mộng chăng? Khí hậu như gọi mời, bạn hữu kéo hết ra ngoài vườn, bàn nhỏ xếp dài nối đuôi như quán cốc bên đường. Rượu rót và cứ thế bạn ta bừng bừng náo nhiệt chuyện trò. Đủ thứ chuyện, chuyện 10 năm chưa gặp lại, chuyện mới 4, 5 năm trước đây mà tưởng như đà lâu lắm, chuyện người còn, người mất,... lý thú vô bờ làm sao! Tâm điểm là nhà thơ Hoàng Xuân Sơn cùng với phu nhân, chị Kim Lân, mọi người mừng chào đã lâu không gặp, lại có vị chưa từng gặp. Tay bắt siết mạnh. Vòng rộng ôm ghì. Vui thiệt vui! Bằng hữu tấp nập khiến Phượng và Thư tôi cứ lo lắng, chỉ sợ không chăm sóc đầy đủ được cho mọi người, thôi cứ nhờ vào lòng thương mến của quý anh chị mà bỏ qua cho vậy. Xin được kể tên khách quý theo trí nhớ [vốn đã bắt đầu còm cõi]: Anh Chị Trúc Chi – Đoan Thư, Anh Chị Cung Tích Biền – Kim Mai, Anh Chị Phan Chánh Khánh – Trang Nghi, Anh Chị Phan Tấn Hải – Dung, Anh Chị Nguyễn Nhật Cường – Ái Phương; quý Anh, Chị: Lê Thành Tôn, Phạm Quốc Bảo, Đoàn Minh Đạo, Nguyễn Đình Thuần, Trịnh Y Thư, Nguyễn Thị Khánh Minh, Thu Vàng, Thanh Lương, Lê Chiều Giang, Lê Lạc Giao, Tô Đăng Khoa, Nina Hòa Bình, Lê Giang Trần, Nguyễn Hoàng Nam, Thái Hoàng, Huỳnh Thuận, Ka Lăng, Phương Lan, Thân Trọng Mẫn, Yến Tuyết, Vũ Thùy Hạnh, chị Minh (Cao Xuân Huy), Công tử Đính, Trần Hùng,...
 
Sau màn ẩm thực, mọi người quây quần ngồi lại nghe ca sĩ Thu Vàng, giọng hát thính phòng đệ nhất hiện nay, và nhà thơ Hoàng Xuân Sơn hát, anh không chỉ làm thơ hay mà hát cũng hay ác liệt chứ chẳng chơi. Hai vị này đơn ca, song ca có đủ. Lâu rồi được nghe lại Hoa Rụng Ven Sông, gọi về những cơn mộng đã không còn, “lòng anh tan hoang thôi vỗ tình ơi / ngày như theo sông bóng xế tàn rơi…”. Đặc biệt nghe anh Hoàng Xuân Sơn hát tặng bản “Lời của dòng sông” của TCS, một bản nhạc không ai hát hơn nửa thế kỷ nay. Cảm động quá chừng! Một dòng sông lơ lửng thiếu thời, sựng bóng không chờ đợi... “Ôi hư vô phong kín tuổi thơ ngây mong manh/Rồi dòng sông cũng miên man đưa người về mộ phần…”
 
Nhà thơ Lê Chiều Giang lặn lội từ San Diego lên bằng xe lửa và Uber để gặp gỡ bạn bè, thật quý hóa và cảm động. Lần đầu tiên được nghe chị hát và đọc thơ, giọng trong veo cao vút khi hát và đầm ấm gọi mời khi đọc thơ.
 
Nếu chẳng thấy ta thành phố này
Cũng đừng
gắng tìm ở nơi khác
Thôi,
Hãy đăng:
“Bố cáo thất tung”
Cứ nghĩ như ta vừa
Mất tích.
(Bố cáo thất tung, thơ Lê Chiều Giang)
Anh Đoàn Minh Đạo tuy chân có đôi phần yếu hơn trước vẫn cố gắng đến tìm gặp bạn bè, thật đẹp quá sức. Hấp dẫn nhất là giọng đọc thơ sang cả, trầm ấm Bắc hà của anh qua hai khúc ngắn, thơ Thanh Tâm Tuyền.
Và vui nhộn hẳn lên là những giai thoại về làng nhạc xưa qua lối kể chuyện duyên dáng của anh Trúc Chi Tôn Thất Kỳ.
Có một chàng trẻ tuổi thật dễ thương, chàng mang đến một chai rượu rồi khi mọi người đã uống cạn chai, chàng yêu cầu mọi người ký tên lên chai để giữ lại làm kỷ niệm. Chàng tâm sự: “Đứa em nhỏ xin “được gìn giữ vỏ chai rượu “Nước mắt của những người cầm bút” có chữ ký của các anh chị trong bữa hội ngộ.” Chàng ấy là Huỳnh Thuận, vốn giòng hào kiệt, bố là HQ Đại úy CK Huỳnh Duy Thạch, Cơ Khí Trưởng HQ 10 đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa.
 
Và không quên Phương Lan, đồng hương Nhatrang của tôi, hát tặng chị Phượng bản “Cô đơn” của Nguyễn Ánh 9. Lúc này chị Ka Lăng đã về rồi, không được nghe, tiếc chưa?
 
Hình ảnh và một số video clips links đính kèm dưới đây.
Rồi đêm lên dù đêm còn trẻ, đưa nhà văn Trịnh Y Thư ra cửa, anh đội mũ bánh tiêu, lưng đeo cây đàn, anh bước vào bóng tối như một kẻ lãng tử, tôi ước có máy hình lúc đó để ghi lại một hình ảnh thật đẹp.
Nhà thơ Lê Giang Trần là người khách cuối cùng rời nhà lúc nửa đêm khi bông bưởi đã tỏa thơm vườn. Hơi men đã đậm, anh bắt tôi ngoéo ngón tay từ nay làm bạn nhen, nhen... Vui và thương anh vô cùng.
 
Cuối cùng, xin được cám ơn tất cả bằng hữu đã tụ họp, chỉ có tình bạn mới đem chúng ta đến gần nhau. Nói như nhà văn Tuấn Huy, ngày vui qua mau, và quỹ thời gian thì đã khá vơi dần, bởi vậy... [còn chờ gì nữa mà không gặp nhau?]
VHT & PHƯỢNG
19/5/2023

 
Hình ảnh ngày họp mặt:
https://photos.app.goo.gl/6dUHG59xxZpW41pV7

  

GIÀ RỒI, GIÀ THÊM NỮA, ĐÂU CÓ SAO!

Tạp bút của Khuất Đẩu
 
Nhà văn Khuất Đẩu
 
Tôi có người bạn vừa làm thơ, viết văn, lại tốt nghiệp trường y, một hôm soi gương thấy tóc trên đầu đã chớm bạc, thay vì kêu thầm: già rồi!, lại nói với các nữ độc giả ái mộ rằng, tuổi này là tuổi gió heo may.! Khéo làm sao, duyên làm sao! Cứ như ngoài trời vàng rơi vàng rơi thu mênh mông (Bích khê) và rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
 Mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm và cũng là tuổi đẹp nhất của một đời người. Mùa thu lúa chín vàng rực, con người cũng chín, không chín như đu đủ hườm hườm, mà là chín chắn. Chín từ cách ăn cách ở, cách nói cách năng. Chín từ cách đối nhân xử thế trong cuộc đời. Còn tình yêu thì chín nồng nàn, thơm hơn cả sầu riêng.
Nhưng đây cũng là lúc nhiều ông chán cơm thèm phở, thấy vợ anh hàng xóm bỗng đẹp hơn vợ mình. Chị vợ thì thấy chồng mình cục mịch, thiếu ga lăng, ưa quát nạt, rất chi là gia trưởng. Dù trong bụng không muốn cắm sừng, nhưng cũng thử kiếm một ai đó, giả vờ thân mật rồi lẳng lơ một chút, để chọc giận cho bõ ghét.
Đáng ngại rằng, chơi mà thành thiệt, đến nỗi anh đi đường anh tôi đường tôi, thì thật tội nghiệp cho đám con nheo nhít. Đây là lúc nhiều bà có thể phải ăn dao và nhiều ông bị mất của quý. Gia đình thành địa ngục, và nghĩa phu thê trở thành nghĩa …địa.
 Một người không thể lấy vợ sinh con dù yêu và được yêu rất nhiều là Hàn Mặc Tử, lại là người quý trọng tình nghĩa phu thê nhất. Trong bài Tình quê, ông tưởng tượng mình là người chồng đang đợi vợ đi xa trở về, tình nghĩa thật thắm thiết. Xin dẫn một đoạn nhỏ.
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông  nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Dòng nước luôn trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Nhớ nhau dường đê mê…
 Kiệt Tấn nổi tiếng là người kể chuyện tình mà Nguyễn Mộng Giác, chỉ nghe kể thôi đã mệt ná thở. Ông có nhiều bồ, từ đông sang tây, từ tóc đen đến tóc vàng, lúc tỉnh đương nhiên là yêu nhiều rồi mà khi điên cũng vẫn yêu, cứ tưởng bỏ bê vợ nhà, không ngờ lại là người yêu vợ rất chơn chất thật thà. Tôi xin trích đoạn cuối trong bài thơ Em Về:
Ngày phai ngày phai màu
Chiều xanh chiều xanh xao
Trời mưa trời mưa nặng
Em về em về mau
Trời mưa trời mưa nặng
Em về em về mau
Em về em về mau!
 Về tình thì đã rõ, ông sợ vợ bị mưa ướt. Còn về kỹ thuật ông lập lại 2 chữ đầu để biến thơ 3 chữ thành thơ 5 chữ, em về em về mau nhắc lại mãi, tỏ ra ông rất bối rối, sốt ruột.
Tuổi chớm già phải nói đẹp thì thật đẹp, nhưng cũng có rất nhiều cạm bẩy. Câu chuyện “chán cơm thèm phở” và thử “cắm sừng” là cái bẫy chết người. Đi cầu treo cáp dây văng còn rớt xuống sông, huống hồ là cầu tre lắc lẻo.
Nhưng đã là đàn ông thì phải biết vượt qua những chuyện tầm thường nếu muốn làm nên những kỳ tích phi thường. Như zelensky từ một diễn viên tầm tầm trong phim hài Đầy tớ nhân dân, bỗng mạnh mẽ trở thành một tổng thống can trường có mặt ở những nơi chiến sự tàn khốc nhất được ví như cối xay thịt, khiến cả thế giới phải xúc động, nể phục. Như một phép mầu! Nhưng không phải của Chúa, cũng không phải của NATO, mà là của nhân dân, một nhân dân bị Nga hoàng bóc lột, bị Stalin bỏ chết đói, bị Đức quốc xã tàn sát, bị Liên xô đồng hóa… tất cả biến ông thành Ukraine, một Ukraine dũng cảm đứng hẳn về phía tự do.  Còn Putin, nếu không mắc sai lầm khi định đánh chiếm Kyiv chỉ trong 3 ngày, thì dù không ưa vì từng là một tay KGB nham hiểm, người ta vẫn phải phục ông vì đã đưa nước Nga tan nát sau khi Liên xô sụp đổ thành một nước Nga hùng mạnh chẳng kém gì Mỹ.
Giờ cả hai trở nên khác nhau một trời một vực. Zelinsky càng ngày càng tỏ ra bản lĩnh, là một chính trị gia khôn ngoan, một tổng tư lệnh xuất sắc được ví như Churchil. Trong khi Putin, ngày càng tuột dốc thảm hại. Nước Nga từ một trong top 3 về quân sự và kinh tế, giờ bị cấm vận đến nỗi một con chip cũng không mua được, lính chết như cánh đồng lúa mì vừa gặt xong, phải đem cả tù nhân cướp của hãm hiếp giết người ra trận, lại bị truy nã vì tội mẹ mìn bắt cóc trẻ con…Còn đâu những lúc cởi trần ưỡn ngực cưỡi ngựa, còn đâu khoe bụng 6 múi láng o, còn đâu du thuyền bạc tỷ…Còn đâu? Còn đâu? Khi chỉ còn là một gã hề!
Thôi thì bỏ qua, vì thời gian chẳng đợi ai bao giờ. Đã đến lúc mùa thu đẹp đến mấy cũng phải chết, không tin hãy nghe Lệ thu hát: mùa thu đã chết, đã chết, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi, đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa. Và mùa đông lại đến. Không còn rừng phong lá đỏ, không còn sương thu giá lạnh và những đám mây bàng bạc trôi, chỉ có những hàng cây trơ trụi lá, băng tuyết phủ đầy.
 Ngày ở Huế, tôi thấy các ông già co ro ngồi ôm cái lồng ấp, tội nghiệp làm sao! Nhưng giờ, trong những ngày đông giá rét, tôi thèm biết bao cái lồng ấp ấy với vài cục than hồng ủ trong đó. Già thật rồi, thấy rõ nhất là cái bộ tam, dù có hò dô ta kéo pháo, thì nó cũng nằm ì ra đó chứ chẳng chịu bắn phát nào.
Thì thôi, xắc xiếc mà làm gì. Biết vậy nên quý bà để mặc các ông muốn đi đâu thì đi, chẳng thèm đờn quyển nỉ non tra hỏi. Đành an ủi, dẫu sao cũng được tự do vui với tuổi già! Nhưng khổ nỗi, tuổi già thì vui cái nỗi gì, thuốc uống nhiều hơn cơm ăn. Lịch uống thuốc của cụ nào cũng dài như lá sớ, suốt ngày vợ con nhắc nhở thì ít mà rầy la thì nhiều. Có đứa còn càm ràm, già mà sao hổng chịu chết!
 Thế nhưng, vẫn có những cụ còn thòm thèm, rất thòm thèm. Như cụ Vũ Khiêu khả kính, trong lễ mừng đại thọ 100 tuổi của mình. Cụ mang hàm giáo sư, được coi là tinh hoa “iu tú” của cả nước, đã hôn nữ hoa hậu Kỳ Duyên (không phải MC Kỳ Duyên) khi cô mang hoa lên tặng. Gọi hôn cho nó có vẻ văn minh, chứ thật ra là hun và hít, quê một cục. Trước ống  kính truyền hình, cụ đã “hun” vào má cô bằng đôi môi nứt nẻ thâm xịt, và “hít” thịt da tươi trẻ của cô với cái mũi thò ra mấy sợi lông, trông rất ớn chè đậu. Già đến tuổi 100 mà còn ham như thế, nên đã bị cả nước mắng cho té tát: “già mà ham”! là không sai một li ông cụ nào
Lại còn có nhiều cụ hai tay cứ rọ rạy sờ mó như thầy bói mù sờ mu rùa, gặp chỗ nào cũng sờ, nhất là những chỗ nhạy cảm của các cô các bà còn trẻ khi đi tàu hay đi xe. Dĩ nhiên bị mắng là già dịch, già dê, già mất nết, tệ hơn nữa là già mất dạy!
Đến đây có người nhắc khéo: còn ông thì sao?
 Thưa rằng, tôi không nằm trong đám ôn dịch đó. Tôi quá nghèo, tôi đau tim, tôi yếu phổi, tôi già cúp bình thiếc rồi. Cúp bình thiếc không phải cúp đá banh, đó là cái vỏ bình thủy mới do thợ thiếc làm để thay cho vỏ cũ đã rỉ sét, trông rất xấu xí, dị hợm. Cái này ở miền Nam, không hiểu sao lại dùng để chỉ những lão già như tôi. Có lẽ nó cũng giống tôi, sắp liệng vào thùng rác.
 Đừng tưởng càng già càng dẻo càng dai, không dám đâu, một khi nó tới là sụm bà chè ngay. Như Putin, giờ yếu đến nỗi khi ngồi phải nắm chặt tay vào thành ghế hay thành bàn, đi đứng rất khó khăn, Còn Biden thì lên cầu thang máy bay mà té lên té xuống. Già khú đế như vậy thì đánh đấm được gì!
 Nhưng nghĩ cho kỹ thì già cũng có cái hay của già. Như được thấy thái tử Charles lên ngôi vua, sau khi đã chờ dài cổ, đến những 70 năm vì mẫu hậu không chịu xê ra cho ông lên ngồi. Rồi còn được xem Trumph tái tranh cử tổng thống với nhiều tuyên bố dóc phách động trời. Như chỉ cần một ngày là sẽ đem laị hòa bình cho Ukraine, mặc dù ông sắp ra tòa vì tội ăn bánh không trả tiền, tức là chơi quịt. Ông có thể bị tòa kêu án vài năm, nhưng cũng may, còn có chủ tịch hạ viện Mac Cathy, bảo cứ dể ổng mần, bốn năm sau ngồi tù vẫn chưa muộn.
Vậy thì già nữa đi, còn được ngày nào thì già ngày đó, hết cúp bính thiếc thì cúp bình nhôm, hết cúp bình nhôm thì cúp bình nhựa, vân vân và vân vân. Đến khi già lỗ cốt thì thôi. Chừng đó nằm trong áo quan, nghe vợ con thầm thì: thôi cũng xong một đời của ổng.
 Viết đến đây tôi bỗng nhớ tới truyện Tiếng sáo người em út của Dương Nghiễm Mậu: Cậu ta giải thích với ông anh cả về chuyện cha chết mà không lo ma chay cứ ngồi thổi sáo. Cậu nói, cha dặn: “một đời cha không làm gì ác, cha vui mà chết, con hãy thổi sáo cho cha nghe”. Và suốt đêm cậu đã thổi sáo, khi chôn cha xong, cậu cắm cây sáo lên mộ, rồi về.
Tôi cũng chỉ mong được vậy, thế thôi!
Khuất Đẩu
5/2023