Phố Văn Anthology

Đây là mục xuất hiện trên Phố Văn báo in ngày nào, nhằm mục đích giới thiệu những truyện ngắn hay của các tác giả hải ngoại để sau này in thành một tuyển tập giá trị. Thế nhưng công việc đã phải bỏ dở, nay xin tiếp tục trên Phovanblog vì đã có điều kiện. Vậy xin trân trọng thong báo.

Hà Thúc Sinh



Ở chỗ mình
      
Hà Thúc Sinh bắt đầu viết văn vào những năm 60.Từ 1967 trở đi cho tới ngày miền Nam sụp đổ, ông đã có tới 10 tác phẩm được in ra, trong đó hết 4 cuốn là thơ, còn lại là văn dịch. Ra nước ngoài, ông tiếp tục viết, và viết mạnh hơn. Bây giờ ông ít làm thơ mà chuyên về truyện ngắn. Tác phẩm (truyện, ký và thơ…) xuất bản ở hải ngoại: Đại Học Máu (tái bản nhiều lần), Thơ Viết Giữa Đường, Chị Em, Ông HO, Cố Hương, Hòa Bình Và Tôi, Dưa Cà Mắm Muối, Về, Đêm Hè, và Tống Biệt Hai Mươi… Ông lại còn làm báo, viết nhạc, hoạt động nhân quyền.
Nhà thơ Viên Linh viết trên Khởi Hành về Viên Linh: “… và từ ngày ở hải ngoại, là cây bút sung sức và sáng tạo mãnh liệt nhất, đã đưa văn xuôi hải ngoại lên một bặc cao.” Dạo sau này ông ít viết -ở ẩn.
Dưới đây, Phố Văn trích đăng hai truyện ngắn của Hà Thúc Sinh. Ở Chỗ Mình và Truyện Cũ. Tuy chưa phải là tiêu biểu nhất, nhưng qua hai truyện này độc giả cũng có thể cảm nhận  thân phận lưu vong, đồng thời thưởng thức văn Hà Thúc Sinh -sắc nét,ccô đọng và nhiều chất thơ. 
PV

      Vầng trăng sáng như quả cam tắm mưa ngó xuống con đường dài hút. Trời đỡ lạnh nhưng mùa xuân mới chỉ thoáng một âm hao hứa hẹn. Cây cối tháng ba còn vẽ lắm nét khô khốc lên bầu trời đêm vằng vặc u hoài. Có tiếng còi tàu leo dốc rúc xa xa. Tiếng còi tàu đêm cuối đông nặng nề, thấm thía; nó khiến người ta thấy cô đơn, nhưng bởi đó người ta biết mình còn sống.
     "Anh uống hết ngụm cà phê đi, còn chuyện này." Nghe tiếng khẽ giục thốt nhiên lòng Hoàng cộm một cảm giác ngao ngán khác thường, không truy nguyên được, và cũng hiểu ngay khó chia nó cho ai được.
     Hoàng mới đến đây vài tháng. Thành phố nhỏ ít quen biết qua lại. Cuối tuần chàng hay ghé Phượng như một địa chỉ khó tránh. Hơn thập niên trước hai người gặp nhau trong một lớp kế toán bên miền tây, lâu lâu ngó nhau thăm dò, xa lạ; gặp lại bên này lại hóa thân, hóa gần gũi. Nàng choàng thêm cho chàng chiếc áo ấm của nàng mỗi khi hai người ra ngồi ngoài hàng ba. Chàng thích mặt tiền ngôi nhà. Nó nhìn xuống con đường độc đạo, nhấp nhô dẫn qua một công viên, một nghĩa trang rồi đến một khu rừng xa- chỗ chàng thường hy vọng có thể giúp chàng giam mình thật lâu vào một ý tưởng. Nàng khác. Nàng cần một người nghe kể những chuyện gay go mình đã đối phó với đời sống trong tuần. Và kiêu hãnh sống sót. Có thể nàng  nghĩ trong thế giới thừa tĩnh lặng như của chàng người ta cần nghe một chút xao động, và tin chàng không  là kẻ đi ngược điều tự nhiên ấy. Chàng hiểu. Nàng vụ thực, và vì thế nhu cầu của nàng là sự yên ổn chứ không yên tĩnh. Với nàng, có lúc kẻ thù ghê sợ nhất chính là một đời sống không tiếng va chạm.
     Bỏ ngang một ý tưởng không thể tượng hình, chàng thốt hỏi, như đùa:
     "Hai niềm vui cộng lại là gì Phượng ha?"
     "...!?"
     "Niềm vui lớn?"
     Nàng khẽ cười:
     "Lại điên!"
     Mặc, chàng lại hỏi:
    "Thế còn hai cô đơn?"
     Phượng cầm hai chiếc tách đứng lên. Chàng đành lần mò trở lại với mẩu ý tưởng dang dở vừa lúc khám phá ra một điều đáng sợ: Tối nay hồn chàng giống làm sao một lòng giếng cạn thấy đáy.
     Một lát Phượng trở ra, hỏi:
     "Anh ăn bát bún thang nghe. Nước ngọt lắm."
     Chàng lừng khừng giây lát mới nói:
     "Thôi."
     "Thế để bụng đói vậy sao?"
     "Ăn hôm qua rồi.'
     Phượng nắm tay chàng kéo lên:
     "Nói cứ nhu đùa. Anh không ăn không cho anh ở lại."
     Hoàng cười thầm. Phụ nữ thương họ có lối ghì giữ kiểu tài tình như vậy.
     Ngồi vào bàn ăn, chàng thành thật:
     "Ăn xong anh về.'
     Phượng vừa đặt bát bún nóng trước mặt chàng, vừa mỉm cười:
     "Khi nãy anh hỏi gì nhỉ?"
     "Hỏi gì?"
     "Cái gì cô đơn đó."
     "À, hai..."
     "Em nhớ, giờ trả lời nghe: Thành khối nước đá!"

     Hoàng dừng xe bên công viên, tắt máy ngồi lặng giây lâu. Dưới trăng, những cây khuyển mộc biểu tượng của tiểu bang như đang âm thầm rạo rực nở. Phượng bảo nàng thích loại hoa bốn cánh có bốn màu đỏ, hồng, trắng và mỡ gà này. Nó bền, phô nhiều sức sống. Nàng có cho chàng xem một quyển sổ tay. Sổ chẳng chép gì ngoài bốn đóa hoa ép cho từng năm. "Thấy không," nàng nói. "Bốn mươi đóa là mười năm em sống chốn này." Chàng hỏi, "Năm nay sao?" Nàng cười buồn, "Năm nào cũng thế, đợi hôm lòng hớn hở nhất em mới ngắt hoa ép vào trang giấy. Năm nay hoa đã nở cả tuần."
     Xe chạy chậm qua khu nghĩa trang. Những cánh hoa tàn dần trong đầu Hoàng, thay vào là hiển hiện khuôn mặt lắm ưu tư, lắm hoài vọng của người bạn mới qua đời. Tai chàng còn thoảng câu nói, "Mình dạy thêm ba năm nữa sẽ hưu non vài năm. Hy vọng lúc ấy thay đổi, mỗi năm mình về dạy lũ trẻ bên nhà sáu tháng, dạy chùa, trở lại bên này sáu tháng, làm lai rai kiếm tiền. Còn lắm chuyện phải làm mới mong thoát cái ghê sợ của đời lưu dân cứ thao thức bởi ý tưởng bị xé đôi, và ghê hơn nữa mỗi nửa người ấy lại bị đòi hỏi phải sống trọn vẹn như một con người. Nhưng này, cạnh tớ sẽ có cậu đấy chứ?" Chàng hơi nghiêng đầu như trách nhỏ một người kế bên, "Bạn nhảm, tôi bên đó với bạn mười lăm năm bạn bền bỉ gieo hoài vọng, tôi vừa dời sang đây thì bạn bỏ đi. Bạn chơi khó tôi quá!"
     Lại có tiếng còi tàu khi xe Hoàng chạy qua cánh rừng. Tiếng còi vang dội cách hung hãn không ngờ. Chàng thốt hoảng sợ chẳng biết chuyến xe sẽ từ hướng nào lao tới, và cũng không biết mình đang đâu, không biết tiến thối thế nào. Rồi chuyến xe rầm rập lướt qua mặt chàng không xa. Nó như con quái vật đen dài bất tận, điên khùng lao dưới đêm trăng từ một nơi không rõ đến một chỗ không biết. Chàng thấy bóng người tài công đứng bất động như một kẻ chỉ trừng trừng ngó về phía trước. Những ô cửa sáng đèn soi rõ các toa xe không người. Chàng tự hỏi sao giờ này lại có chuyến xe kỳ lạ đến vậy. Chàng mở hé kính xe. Một hương thơm ngây ngất lãng đãng tràn vào--thứ hương thơm của hoa cam, hoa chanh tháng này nở sau vườn nhà bạn chàng cách đây gần hai ngàn dặm, và chàng đã biết chắc nó không hề có ở chốn này.
     Ngọn đèn hiệu của toa sau cùng đã tắt ngấm trong rừng sâu. Hoàng nhìn theo, vuốt trán; trong hơi lạng của đêm mà chàng xuất hạn đầm đìa. Đó là lần đầu, chàng nhớ ra, sau nhiều chục năm rời bỏ tuổi thơ chàng bắt gặp lại một cậu bé yếu đuối run rẩy; cậu ta đang mang mối kinh sợ mơ hồ nhưng không thể chịu đựng, quả thế, không thể chịu đựng nếu không có một người thứ hai chia xẻ.
     Xe đem Hoàng trở về lối cũ.

     Chỉ vầng trăng nghe rõ những gì ở hai kẻ thức khuya lấy chuyện lòng đem kể. Và chỉ những đốm sao hiểu được những tản mác giữa họ đôi lúc xảy ra từ những mâu thuẫn sâu kín vốn có trong bản chất. Nhưng một tâm hồn kinh mang và một tấm lòng nhân hậu tự nó có sức hút lẫn nhau, dẫu hai đối tượng có là thế nào.
     Sau cùng Hoàng khẽ thở dài:
     "Cứ làm lại cuộc đời, nhúm lại nhiệt huyết, gầy lại hy vọng. Thật là dễ sợ!"
     "Em hiểu. Đời người có thể gỡ gạc nhiều thứ, trừ ngày xanh. Nhưng Hoàng ạ, nghe dại em đi, cứ nghĩ mình vừa thoát sang tới đây hôm qua, tuần qua, mình sẽ thấy mình đầy đủ không thiếu thứ gì, kể cả sự hăm hở làm lại."
     "Phượng có phúc."
     "Chết, anh không có ý vơ sự bạc phúc vào mình đấy chứ? Nào, cho em nói thêm. Nhớ lại những năm trước coi, hồi mới sang còn lóc cóc đi học, mỗi sáng thức dậy trong ác mộng còn vây bủa, tự nhiên mình nảy được một lẽ sống và lúc đó mình đã hớn hở thừa nhận ngay nó là một thắng lợi đáng kể, phải không?"
     "Xưa khác, giờ khác."
     "Thời gian không khác, chỉ mình tự đổi khác."
     "Thôi, khuya lắm rồi, anh về đây."
     Có tiếng cười thoảng nhẹ, rồi giọng Phượng nửa giễu cợt, nửa khiêu khích:
     "Không có chiến thắng cho kẻ bỏ cuộc đâu nhá. Anh sẽ về nếu muốn, nhưng phải cho em nói hết ý em chứ."
     Nói rồi Phượng thản nhiên duỗi hai chân gác trên chiếc ghế trống, khoan khoái như kẻ vừa vượt một con đường dài. Nhưng chỉ thoáng cái nàng lại nghĩ đến chàng. Chàng như một thứ thủy tinh trong suốt dễ vỡ. Nhưng chàng lại cứng đầu. Dẫu sao nàng yên tâm vì chính đó lại là một phần của sự lôi cuốn ở chàng. Làm sao để thuyết phục chàng cuối cùng quý nhất chỉ có sự sống, sống vui. Làm sao để chàng tin rằng người bạn chàng đã qua đời trong hy vọng, và sự tuyệt vọng chỉ là ánh mắt lệch lạc nhìn theo của người còn sống. Chàng đã đứng lên rồi. Chàng dỗi, hay chàng cần thêm một đêm yên tĩnh để suy nghĩ, để quyết định về một hướng mới? Thốt nhiên Phượng cũng đứng lên theo, nói như reo vào vai chàng bằng niềm hoan lạc thật lòng:
     "Đứng chỗ này thấy trăng đẹp quá anh ơi 1"
     "Ừ."
     " Mà phải đứng ngay chỗ mình cơ, anh đồng ý không?"
     "Đồng ý gì?"
     "Đứng chỗ mình mới thấy đáng yêu nhất chỉ hôm nay, vì hôm qua trăng chưa tròn và ngày mai trăng sẽ khuyết."
     Phải lâu lắm Hoàng mới quay lại. Khuất trăng mặt chàng tôí đi nhưng nụ cười lại nở sáng như một đóa khuyển mộc trắng. Cơn gió lạnh cuối mùa từ khu rừng xa bò hết con đường xốc tới. Chàng nhẹ nắm tay nàng, và rất mau quên đi sự chừng mực cố hữu, chàng xoa xiết nó như kẻ mới tình cờ vớ được một nỗi vui.
     Giọng nhỏ mà ấm, Hoàng bảo:
    "Vào thôi, mai Phượng ngắt hoa là vưà."
Charlotte, 3-97

Truyện cũ
      Tính chàng cẩn thận, đi đâu khóa cửa trước sau, huống hồ tủ giả ngăn kéo trong nhà; vậy mà một chiều mùa đông từ tòa báo về, lười nấu, ghé quán ăn bậy tô mì, tính rút điện thoại ngủ sớm, vừa mở cửa thấy ngay nàng ngồi nơi bàn viết, mặc tấm áo vàng chàng tặng khi xưa nay thời gian đã làm ố bạc phần nào. Nàng ngồi kín đáo khép chân, tưởng như sự phát phì đã nuốt trửng phong cách khiêu khích cũ. Đàn bà, chàng nghĩ, chỉ thời gian hạ nổi sự cường dã nơi họ.
     Nàng lên tiếng trước, giọng mệt, khá mềm mỏng:
     "Ngạc nhiên?"
     Chàng cởi áo khoác móc trên giá:
     "Tài ha, vào cách nào vậy em?"
     "Anh không từng bảo em luôn sống giữa tim anh?"
     Cải lương! Chàng cười thầm, xoa tay, hỏi lảng:
     "Sao không vặn sưởi cho ấm?"
     "Thành tro lâu rồi còn biết gì lạnh!"
     Lại dỗi. Nhưng nhờ đó chàng lại hiểu hơn một điều. Thời gian chỉ làm mòn nét đẹp nàng nhưng không làm mòn được cá tính. Nàng chúa gây. Và đó là một cách gây. Nhưng thôi. Ba năm rồi ít gì. Gặp lại con mèo lạc người ta còn thương, huống hồ tình cũ. Chàng đến bên đặt khẽ tay trên vai nàng. Nàng không chống mà vói một tay chận trên tay chàng. Giữa lúc chàng bâng khuâng nhìn làn da tay nàng nhăn nhúm khác thường thì nàng đột ngột ngửa mặt cười, chàng cố cười theo, giọng đấu dịu:
     "Nhiều lúc nhớ em..."
     "Những tối không có lũ đào non quấy rầy?"
     "Đừng..."
     "Lạ gì bọn đàn ông các anh."
     "Nữa."
     "Chúa ích kỷ."
     Chàng ngả người xuống chiếc ghế kế bên, giọng giả lả:
     "Sao, ích kỷ sao, nói nghe."
     "Văn mình, vợ người. Ấy chứ đứa nào chim vợ mình không phạm tội giết người cũng toan tội tự tử."
     Thấy bất nhẫn chàng toan ôm lấy nàng thì nàng hơi dạt ra, nhẹ khoa tay, giọng thương cảm bất ngờ, "Thôi em rút lại. Em nào phải vợ anh. Mười năm sống ba năm xa." Rồi đặt hai tay trên đùi, cúi nhìn chiếc bụng đẫy đà trên đôi hông nở nang, nàng thở dài. "Em xộc xệch quá rồi anh hả. Bị quên cũng đáng đời. Nhưng chớ nghĩ em quên anh đâu đấy. Báo anh giờ hàng đầu. Chiến lắm. Hôm nay không dưng nhớ, ghé thăm, nhưng đừng lo, chẳng nhờ đăng hiếu hỉ miễn phí đâu."
     Thế là:
     "Chai nào ngon em?"
     Nàng cười:
     Người có danh rượu vanh có tuổi, chai nào quên lâu nhất sẽ đậm đà nhất."
     Căn phòng bít bùng ba năm qua lại đầy khói thuốc lá, rượu, tiếng cười, tiếng khóc, và dường như có hơn hai con người.

     Rượu nắm tay chàng dẫn đến sự ngả ngớn nhưng nàng thì không, mặt cứ sạm dần như bụi phủ.
     Nàng bảo:
     "Anh hứa mình sẽ sống với nhau tròn ba mươi năm. Ba mươi năm phải là ba mươi chương đời thấm thía."
     "Sao?"
     "Anh làm hỏng em, bôi bẩn lên tường đời một bệt và bảo đó là chữ yêu."
     "Anh..."
     Nàng thở dài:
     "Chẳng trách giận đâu, nhưng bao giờ anh bỏ được thói hư đó?"
     Chàng nốc chút cặn rượu, nói kiểu chữa ngượng:
     "Đời có những thói hư chưa kịp sửa đã già."
     "Chạy làng đấy!"
     Đột ngột nàng đứng lên lặng lẽ nhìn ra bóng đêm ngoài cửa sổ, lâu lắm mới thầm thì, "Dãy lê kia đã nhìn em với bao mùa đông trôi qua!"
     Chàng khẽ nhắm mắt, đầu nổi những chòm cây lấm tấm hoa trắng như lũ bạc đầu, bất giác nghĩ cần an ủi cho sự bẽ bàng của người đàn bà chàng quá hiểu vì đâu đâm lỡ làng.
     Chàng nói khẽ:
     "Anh xấu quá, phải không?"
     Nàng quay phắt lại, mắt có ngấn lệ, giọng cay đắng hẳn:
     "Nhưng anh là đàn ông."
     "Thà làm người đàn bà đẹp hơn làm người đàn ông xấu."
     Nàng chưng hửng:
     "Vẫn thói ngạo mạn. Nhưng tệ là anh không làm theo điều anh nghĩ. Anh phá hủy em. Đến sự hiện hữu của em anh còn chẳng thiết, nữa là đẹp."
     "Nhảm nào. Có điều..."
     "Lại biện bác."
     "Không, thật đấy. Anh thề anh muốn em sống mãi, đẹp mãi, nhưng..."
     "Trăm sự có phải vì anh tham, anh lý tưởng?"
     "Có thể, nhưng em ơi, em cần biết mọi dự tính đều thần tiên lúc khởi sự nhưng ác quỷ xuất hiện trong chi tiết."
     "Và vì thế giày chật vứt giày đi, không gọt chân mình được?"
     "Anh..."
     Chàng nói ngập ngừng như kẻ ngọng, rồi úp mặt vào lòng nàng không rõ để cầu hòa hay giấu khổ sở. Nghe giọng nàng biết. Xỉn đến nơi. Trời đêm bên ngoài bê bết màu đèn vàng lạnh. Biết có nói, có kể, thậm chí có rên siết cũng bằng thừa, nàng lặng lẽ lấy gối kê đầu chàng, đi thu dọn ly tách chai lọ, lau bàn, sắp xếp gọn ghẽ mọi thứ như một người vợ hiền. Rồi nàng ra soi trước gương, phủi nhẹ ít nếp nhăn trên tấm áo khoác vàng, thở dài ngửi thấy mùi bụi mốc. Ngủ lại với chàng chăng? Nàng tự hỏi. Trời ơi nàng chưa quên chút nào những tật xấu của chàng khi ân ái, nhưng cũng vì đó nàng say đắm chàng. Yêu xong chàng hay vói tay lấy gói thuốc chỗ đó, bật diêm, gác chân lên thành giường chỗ kia, rít sâu từng hơi, mắt đăm chiêu như cố hình dung lại một thân thể nào đó trong lũ đào non của chàng. Nhưng đêm nay rõ chàng đã già. Mới nửa chai vanh đã lăn như cái lọ thế này còn nước non gì. Nàng quyết định ra về với mối sầu chịu đựng. Lần cuối liếc qua bàn, nàng đọc trúng câu thơ chàng viết dở, ngẫm nghĩ giây lâu.
     Câu thơ viết:
     ...
     Ô hô ai tai!
     Ô hô ai tai!

     (có nhiều gạch xóa)

     Những cánh buồm xưa giờ đã rách
     không còn ủ được gió tương lai (*)
     ....
     Nghĩa là sao vậy nhỉ? Thốt nhiên nàng phát giận đùng đùng. Nàng phun vào bàn viết chàng một tràng những từ không đẹp đẽ. Rồi như phải tìm cho ra kẻ xúi giục chàng bệ rạc, bỏ bê mình, nàng nhìn quanh, khi bất lực, điên tiết nàng gạt luôn một xấp báo của chàng vào thùng rác, đẩy mạnh cửa bước ra ngoài trời sương.
     Có giọng nhừa nhựa dễ ghét nói với theo:
     "Khóa trái giùm anh, cưng nhé!"

     Gần sáng lạnh ngắt nhưng men rượu khiến chàng thèm nàng, thèm khủng khiếp. Chàng vòng tay ôm lấy nàng. mò mẫm trong ngực nàng, bất giác thất kinh. Đâu mà gầy nhanh thế. Lạnh gáu nghĩ có người đàn bà lạ vừa xâm nhập phòng mình, chàng bật đèn, ngơ ngác thấy trên giường chỉ một khối cô đơn, vài quyển sách vụn vặt, dăm tờ báo lem nhem.Nhưng lạ, không hiểu sao trên bàn viết lại nằm xộc xệch chồng bản thảo đã dày bộn chàng cất giấu trong ngăn kéo mấy năm qua; đó là bản thảo một tiểu thuyết viết dở dang, một tiểu thuyết chàng từng mơ một thời, ước một thủa.
     Ngồi xuống ghế, rà nhẹ bàn tay trên bìa sách vàng ố có những vết mực cũ loang như máu mắt, chàng lắng mãi vẫn chưa định được ngoài trời gió nổi hay lòng vừa chộn rộn một nỗi ray rứt, u hoài!

(*) thơ Trần Kiêu Bạt

Alhambra, 1-96

HTS