Sunday, March 17, 2024

THỤY KHANH. BUỒN XƯA ĐÃ HẾT

Đặng Mai Lan
 
Thơ Thụy Khanh
 Tranh bìa Đinh Cường (An Tiêm 1992)
 
Buồn xưa bây giờ có còn buồn không?
Câu hỏi đã lan man trong đầu tôi khi hay tin chị mất.
Buồn Xưa Bây Giờ là tựa của một tập thơ. Bây giờ là khoảng thời gian nào? Đã qua chưa hay vẫn là hiện tại, vẫn mãi là những nỗi buồn của người tạo ra nó. Phải chăng tác giả muốn nói rằng nỗi buồn sừng sững đó, không thể phôi phai dù bất cứ lúc nào, ở đâu? Tại sao lại phải như thế?
Đã có lần tôi viết về chị. Một người tôi quen từ những ngày mới bước chân vào thế giới văn chương và thân thiết cho đến bây giờ dù tuổi tác chúng tôi cách nhau khá xa.
Đáng lý tôi sẽ viết nhiều hơn nữa, không chỉ để nói về những cuộc vui của chúng tôi. Những đêm khuya khoắt, ngồi bên nhau trong lòng xe, băng qua những con đường ngoại ô tít tắp, vắng lặng. Chúng tôi đã đuổi theo ánh sáng của vầng trăng trước mặt, hay những đám mây mù mờ chở đầy bóng tối cùng dư âm vọng lại từ một cuộc vui đầy những tiếng cười thú vị… Hay những buổi sáng ngồi bên tách cà phê trong căn bếp ngó ra khu vườn rộng. Vườn rộng, nhưng chỉ rải rác một vài chậu hoa còi cọc. Đó cũng là một nỗi buồn. Khung cảnh và những ngóc ngách của mảnh vườn nhà chị cũng là nơi ít nhiều tôi mang vào cõi viết của mình và chỉ một mình chị hiểu.
Vâng! Đáng lý tôi phải viết nhiều hơn nữa.
Nhưng điều tôi muốn viết là một cuộc đời, mà tôi nghĩ dù thế nào cũng vẫn cần ghi lại. Đời của một người con gái tài-sắc mà hồng nhan thanh xuân ngày đó đã làm say đắm biết bao người. Với tôi, cuộc đời đó như một bức tranh lập thể được lộng kiếng. Mặt kiếng không vì một nguyên nhân nào, tự nó đã có những vết trầy xướt. Có thể ví chúng như những vết thương, những thương tích định mệnh phải có nơi một đời sống thực và chúng không bao giờ giống nhau. Những hình thể, màu sắc trong tranh luôn làm tôi rung động. Nhưng tất cả những gì ẩn chứa nơi những mảng màu tối nhiều hơn sáng ấy, là những riêng tư, bất khả xâm phạm. Tôi tôn trọng không dám đến gần tìm hiểu, hỏi han vị chủ nhân của nó. Tôi chỉ đứng xa nhìn ngắm.
Nên đã bao lần tôi khuyên chị hãy viết về mình.
 
Từ lúc quen chị, tôi nhận ra cuộc sống chị là những hẹn hò, hẹn với thời gian. Chị mong muốn sẽ thực hiện điều này, điều kia khi xong việc này, việc nọ mà thời gian luôn có những bất ngờ. Tôi không tin thời gian. Thời gian có phép mầu hoán đổi những trật tự của đời sống mà con người đã sắp xếp, dàn dựng. Sự bội bạc của thời gian nhiều hơn lòng chung thủy.
Chớp mắt, tuổi trẻ của chúng tôi đã qua đi. Những nhịp đời chậm lại.
Chúng tôi gặp nhau càng ngày càng ít. Điện thoại mỗi lúc mỗi thưa thớt hơn. Nhưng có dịp tôi vẫn khuyên chị viết. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ người viết văn có lẽ ít khi làm được những bài thơ hay. Hai phạm trù văn-thơ khó cân xứng nơi một nghệ sĩ. Là một thi sĩ và chỉ xuất bản duy nhất một thi tập, tôi vẫn tin chị sẽ viết được, viết hay như những bài thơ xuôi của chị từng làm tôi rung động khi đọc.
 
Thi tập "Buồn Xưa Bây giờ" được những cây viết tên tuổi như cựu luật sư Trần Thanh Hiệp, nhà văn Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An, Ngọc Khôi, Đoàn Đức Nhân và Vĩnh Đào viết bài giới thiệu. Những bài thơ cũng đã mang bao cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ sáng tác. Nhưng tập thơ ra đời khi chưa có mạng lưới thông tin toàn cầu. Tác giả đã không nghĩ đến việc giới thiệu lại tác phẩm của mình qua những trang mạng điện tử như hiện nay. Vì vậy, ngoài những thân hữu, văn hữu yêu mến chị, tập thơ có lẽ ít được biết đến.
Hơn ba mươi năm, tập thơ dường như đã đi vào quên lãng. Bây giờ, cầm trên tay, giở từng trang đọc lại, tôi thực sự buồn-bã ăn-năn. In ấn vào thời buổi này đâu có gì khó khăn. Tại sao trước đây tôi không nghĩ chuyện khuyến khích, giúp chị tái bản, phổ biến lại tập thơ?
 
Ta mang hồn phiến cỏ
một đời hoài ăn-năn
những mùa xuân xưa đó
mù bay như khói sương
 
Đã mất về nơi đâu
những lời xưa chiêm-bao
mà hương gây nỗi nhớ
giờ ngỡ-ngàng trông nhau
 
Ôi ánh mắt thiên-thần
sáng trong niềm chờ mong
nét môi mềm vụng dại
vùng tóc là mây hoang
 
Nỗi buồn xưa trở lại
trên ngày tháng muộn phiền
tóc tơ vàng đá cũ
xanh-xao hoài dáng em
 
Trời mưa bên ấy không
xa rồi người tình chung
xưa hoàng-y rực rỡ
Sao nhung gấm bụi hồng
 
… Đó là những câu thơ trong bài Buồn Xưa, Bây Giờ mà chị đã dùng để làm tựa cho thi tập. Phải chăng bài thơ này là một bài tâm đắc của tác giả? Tôi không tin như thế. Bởi vì Thụy Khanh còn có những bài thơ mà chữ nghĩa trau chuốt, bóng bẩy hơn bài thơ này. Những con chữ vẽ lên bao hình ảnh thơ mộng trữ tình, thoảng chút hương xưa tiền chiến hay bàng bạc âm điệu cổ thi. Và phải chăng những câu chữ giản dị mới có thể lột tả được tâm tư tình cảm của tác giả?
 
Hầu như mỗi năm, chúng tôi đều đi dự văn nghệ Tết do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris tổ chức. Năm nay tôi không thấy chị, tôi nghĩ có lẽ chị bận. Tôi dặn lòng sẽ gọi điện thoại thăm chị. Tôi nào biết chị đang nằm bệnh, đang chống chọi với tử thần.
Tôi nhớ lại lần cuối chúng tôi trò chuyện qua điện thoại. Chị rất vui, chị đang chờ đợi một ngày vui trong bao số ngày đã lỡ lầm đánh mất. Còn tôi, chỉ là người được chị chia sẻ nhưng tôi cũng háo hức đợi chờ như chính tôi là chị. Tất cả cũng nằm trong một hứa hẹn tùy vào ngẫu hứng của thời gian. Tôi mong thời gian sẽ ưu đãi chị hơn bất cứ lúc nào. Lời cầu mong của tôi có đến được với chị không? Tôi tiếc là đã không còn cơ hội được biết để chia sẻ buồn-vui cùng chị.
 
Nhắc đến chị, dường như trong trí nhớ mỗi người không phải là một Thụy Khanh thi sĩ mà là hình ảnh một Thụy Khanh của âm thanh, đàn, sáo. Quả tình ngâm thơ cũng như ca hát. Chị có một giọng ngân nga luyến láy đầy cảm xúc, dễ làm rung động tâm hồn người thưởng thức.
 
Hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ lấy được những gì
về bên kia thế giới
ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi và tình ơi (1)
 
Tôi thích nghe chị hát bài này và tôi cảm thấy chị hát hay hơn những ca khúc khác, có lẽ vì chữ "Thụy" trong bài.
 
Thụy bây giờ về đâu?
 
Con đường ngắn có những ngôi nhà đóng cửa, ánh điện vàng hắt ra trong đêm.
Con đường sẽ đem ta đi xa hơn trong mịt-mùng đắm-mê, khi điệu đàn vẳng lên đâu đó, khi cánh tay anh quàng lên vai em, cho những lá me viết trang tình-sử.
Con đường là nỗi nhớ, niềm cô-đơn, một thoáng buồn như ngày mồng một Tết, là tiếng hát ăn- năn cay xé cả đời mình.(2)
 
Đừng hát nữa những lời ăn-năn cay xé! Mong chị thanh thản ra đi, về với quê nhà, đường xưa phố cũ. Về lại con đường Trần Quý Cáp thuở nào của người em phi hành (3) môi hồng mắt biếc. Nơi cõi thiên thu ấy buồn xưa sẽ quên. 
 
Từ trái sang phải: Đặng Mai Lan, nhà văn Kiệt Tấn,
nhà thơ Thụy Khanh và luật sưTrần Thanh Hiệp
(Paris tháng 5/2004)
 
(Tưởng niệm nhà thơ Thụy Khanh 1943 – 2024)
 
1/ Khúc Thụy Du (Anh Bằng – Du Tử Lê)
2/ Con Đường Lá Me Bay (Thụy Khanh)
3/ Người Em Phi Hành (Thụy Khanh)
 
ĐẶNG MAI LAN
(Paris 15/ 3/2024 - ngày tiễn đưa Thụy Khanh về cõi thiên thu)
 

Saturday, March 16, 2024

TIẾNG HÁT THU VÀNG

Huy Tưởng
 
 
Từ khi Thu Vàng xuất hiện trở lại trên một vài chương trình giao lưu hoặc của các tổ chức văn hoá của nhiều nhóm thân hữu, đã được thính giả khắp nơi đón chào nồng nhiệt như vừa tha thiết mà trân trọng những vang vọng ngọt ngào từ một dĩ vãng gấm hoa nào đó…Những gấm hoa ấy thuộc về những đàn chị như Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương,…mẫu mực & điêu luyện trong thuở sớm mai của nền Tân nhạc Việt.
Có nhiều nhận xét xa & khắt khe quyết đoán hơn, cho rằng tiếng hát Thu Vàng chỉ là cuộc tiếp nối tiếp theo các đàn chị trên !? Tôi hoàn toàn không thuận ý, & cho rằng, Thu Vàng có chất giọng tương đối gần với một vài đàn chị nhưng cảm thụ âm nhạc tươi tắn & tân kỳ hơn, Chị có nghe thật kỹ về kỹ năng luyến láy, phát âm & vẽ chữ của một ThaiThanh, hoặc sắc sảo mà sâu lắng của một KimTuoc, đến sự nền nả rất đàn bà của một MaiHuong, & nhiều hơn nữa. Và Thu Vàng hát, không phải theo một ai cả, hát để như lưu giữ những kỹ năng căn cốt của thanh nhạc, với một cảm thức & xúc cảm hoàn toàn riêng biệt, mới mẻ. Chị hát như chiết lọc những tinh hoa mà chị hằng ấp ủ, hằng chưng cất, cũng như từ rất xa xưa của truyền thống gia đình, của đam mê giằng giặc, của khát khao âm ỉ,…
Thu Vàng hát, một mình một cõi , vang vọng nỗi trầm tư trong lòng người xa vắng…
HUY TƯỞNG

  

Tuesday, March 12, 2024

NHỮNG CHIỀU ĐÔNG CUỐI NĂM

Khê Kinh Kha
 
Lá bàng mùa đông
 
những chiều đông cuối năm ngồi nhớ quê hương
nhớ vắt cơm nếp nhớ cọng rau thơm nhớ vị ớt cay
nhớ mùi trầm trên bàn thờ ngoại
nhớ mẹ cha mắt mờ theo ngày tháng
nhớ em thơ từ cay đắng lớn lên
nhớ chị hiền theo chồng ra biên giới
nhớ họ hàng bỏ làng xóm ra đi
 
những chiều đông cuối năm ngồi nhớ quê hương
nhớ bạn bè đã chết nhớ những thằng còn sống
những thằng mặc cảm những thằng còn cầm súng
 
và nhớ Tĩnh nhớ Thục nhớ Phượng nhớ Sai-gòn
nhơ’ Huế
 
những chiều đông cuối năm ngồi đốt thuốc tư lự
trên cành khô mùa thu nào đã chết
loài chim nào đã bỏ đi tình yêu nào đã vắng
nỗi hờn nào đã băng gía trong tim
kỷ niệm nào theo về trong lối gío
kỷ niệm nào vang vang lời tình xưa
kỷ niệm nào còn khua động trong hồn
 
những chiều đông cuối năm ngồi mong đợi
mà đã mong đợi hơn hai mươi năm
một cuộc tình êm dịu một ánh mắt trong
một nụ hôn một vòng tay một an ủi một sự thật
một hòa bình
 
những chiều đông cuối năm ngồi mặc niệm
những lãng phí nửa đời để lại lệ xót
và bây gìơ còn lại nỗi buồn trong mắt sâu
KKK

  

MỘT LẦN

Huỳnh Liễu Ngạn
 
Thiếu phụ bên sông. Tranh Mai Trung Thứ
 
thôi hoàng hôn một vầng trăng chưa tỏ
em đi rồi khóe hạnh có kề vai
mà mộng cũ cứ vờn qua khung cửa
một nỗi đời sự việc đã hôm mai
 
còn gì nữa mà ngồi mơ thuở nọ
thuở đường đi không mong đợi những gì
thế là hết ngã ba chia ngã bảy
ngã của đời xếp lại mấy tà huy
 
rồi cứ hẹn đường xưa chưa về kịp
bởi biết về cũng khó xử như xưa
ai ngõ đợi tơ vương mà ngân giọng
còn gì không tôi lên tiếng dạ thưa
 
thôi xin hẹn mấy lần thôi cũng hẹn
em đi hoài khóe hạnh có liêu trai
mà sự việc của hôm mai hôm mốt
hơn một lần thế sự cũng trầm phai.
 
HLN
1995
 

Sunday, March 10, 2024

RẮP TÂM ĐẰNG HẮNG MỘT PHÁT RẤT ĐIỆU!

Vương Ngọc Minh
 
Music of The woods. Vladimir Kush
 
phân biệt giới tính
chả bao giờ
có trong suy nghĩ
của tôi/vừa cắm xong bình bông
to tổ bố-thì xướng lên "mày!"
một con quạ sà xuống (tứ trụ còn vững!)
 
phải nói-tôi khá thoải mái
khi làm việc chung với phụ nữ
phụ nữ có tính cổ điển
càng thích/yah
có nhẽ
do họ ưa chăm chút các tiểu tiết
..tỉ dụ ưa hỏi "anh ăn chưa?"
 
tôi ngẩng mặt lên
thấy mẹ già
có cả em thơ
đứng cạnh cửa buồng/ba đình
nom-cực thâm u
 
mẹ già nhiếc "vì sao mày đi lâu đến vậy
mày đã làm gì
hở con?"
em thơ nói ""con đang tưởng bác đã ra ma!"
bà liền bảo em thơ "mày không được tưởng
thế nhá.." day qua tôi "hãy về con ạ
về/còn tính chuyện đào mồ
cuốc mả!"
 
"vâng ạ!
..con đi ngay giờ!" tôi đáp
cúi gằm mặt
 
-ối
còn thấy trong đôi mắt trắng
đục/gần lòa
của mẹ già
dường
vẫn dò (đoán!) chuyện hư
thực-ngay cửa miệng em thơ
còn hột cơm
 
xem những gì
thực sự đang ẩn náu nơi cuống họng
và tôi có thật không?
 
nói mãi
rồi-cạn tâm/trí
nhưng tôi vẫn tiếp tục vô giới hạn vào các mục đích
chưa giải quyết
 
..thử dùng rắn hổ mang ngâm rượu
hòng cho hai mắt sáng rực
lưng hết đau-thậm chí co
duỗi
hai chân liên tục
 
quái quỉ
dù chả kiếm ra đồng cắc
hòng thủ thân
tuy nhiên/ở đời
tôi vẫn đéo bỏ tật chơi dai!
..
VNM

Saturday, March 9, 2024

NĂM BÀI THƠ

Nguyễn Đức Nhân
 
Bông trúc đào
 
VẾT NỨT
 
Trên bức tường. chỉ có
ánh sáng biết rõ độ sâu. và. ngôn ngữ của
vết nứt
Tâm hồn bạn. không
hữu biên. không vô biên. tự chiếu sáng. không vết nứt
Bạn. hãy hân hoan tặng cho tâm hồn mình
một đóa hoa
Ô! đẹp biết bao
đóa hoa dại bên đường
cánh hoa long lanh
Không kiềm chế. bạn hét lên:
-- Ồ. mặt trời. và. đại dương!
 
 
Ở CUỐI HÀNH LANG
 
Ở cuối hành lang tâm hồn:
một khung cửa hẹp
một lọ hoa
 
Qua khung cửa hẹp
lời nói có thể trốn thoát sự truy lùng
Lọ hoa
 
không bao giờ
đứng ra làm chứng
Nó. tận hiến Cái Đẹp giữa ánh sáng
 
 
PHÁT HIỆN. SỰ THẬT
 
Lời nói của bạn
để lại dấu chân vô hình của nó. trên mặt đất. trên cát
và. trong tâm hồn đang phản ứng của đám đông
Ánh mắt của bạn
để lại dấu chân vô hình của nó. trên lá. trên hoa
và. trên gương mặt bộc lộ thái độ của tha nhân
Tuyệt nhiên
không tìm thấy đấu vết thính giác của bạn
bất cứ nơi đâu
ngay cả trên bầu trời đỉnh ngọ
Đó là sự mầu nhiệm. nội tại. vĩnh hằng
không kẻ cho. người nhận
Bình đẳng
giữa Bạn và Thượng Đế
 
 
KHÉP CỬA. MỘT NGÀY NẮNG XANH
 
nắng mai xanh -- xanh màu mắt trẻ thơ -- bắt đầu
từ hơi gió trong họng chim đang hót
búp lá non đang viết gia phả các thế hệ lá vàng rơi nhiều năm trước
đóa hoa tường vi cất giấu mối tình sơn nữ
phía sau sương mù là nụ cười và đôi môi đỉnh đạc
và câu hỏi đang thai nghén chờ sinh nở câu trả lời
 
đừng vội kết luận
đỉnh núi sẽ nứt nẻ bóng hoàng hôn
đừng vội phủ nhận
dòng nhựa nguyên đang lưu chuyển trong mệnh đề
những mẫu tự nẩy mầm trên trán bài thơ
 
lão xà ích quất roi vào mông ngựa
nắng chiều đau rát
té ngả trên sườn dốc dẫn đến đám mây sặc sỡ
chim đại bàng bay lượn tìm
bộ sưu tập ảnh những con thú nhỏ
quyển sách ấy
ai giấu trong búp lá non
bướm và ong bay tìm mùi hương lạ
nhớ về đồng lúa xanh quê cũ
quên hình bóng cánh cò năm xưa
cỏ giận dữ
 
hoàng hôn khép ngực
ngày đã cạn
hãy chờ đợi
tiếng chuông sẽ quay lại vẽ lộ trình của âm thanh
 
 
CỔ THỤ
 
Những người cao tuổi
không ai biết
nó hiện hữu từ bao giờ
Trên tán lá già cằn. tôi thấy
 
dấu chân của đôi vầng nhật nguyệt
Những chiếc rễ quái dị. ngoằn ngoèo. bò trên mặt đất. tôi thấy
giống dòng. tông chủng. tổ tiên tôi
Lớp da dày. sần sùi. bạc màu rêu mốc. bong tróc. tôi thấy
nếp nhăn lịch sử của đất nước tôi
Ánh mắt tôi no nê bóng mát
Tôi rời đi
những chiếc rễ nhỏ. vô hình. ôm lấy
trái tim tôi
NĐN
2024
 

NHỮNG KỶ NIỆM NƠI PHÒNG TRANH TRƯƠNG VŨ

Trần Thị Nguyệt Mai
 
Nhà văn, Họa sĩ Trương Vũ.
Ảnh Phạm Cao Hoàng
 
Tối thứ sáu 23/2/2024, chị Duyên gửi cho tôi link bài thơ “Tạm biệt một căn phòng” [1] của anh Phạm Cao Hoàng ghi gửi anh Trương Vũ.
 
Căn phòng này
chiếc bàn này
nơi chúng ta đã từng ngồi
nâng ly
chúc mừng một bức tranh vừa hoàn tất
chúc mừng một cuốn sách vừa in xong
chào mừng một người bạn từ phương xa đến
 
       Vâng, tôi vẫn còn nhớ căn phòng mà anh Phạm Cao Hoàng nhắc tới trong bài thơ. Biết thì biết đã lâu. Từ những bài thơ mà họa sĩ Đinh Cường gọi là “Những Đoạn Ghi” anh đã viết thay nhật ký:
 
Như vậy là một ngày Chủ Nhật hạnh phúc
gặp nhau và nói cười cùng nhau, còn chi hơn
… ngồi uống những ly rượu vang ngon, thật ngon
một bàn dài bạn bè quý mến, nhắc lại những
tờ báo đã không còn Văn Học, Hợp Lưu…
bao nhiêu cây viết đã xuất phát từ các sân chơi đó
          (Đinh Cường – Từ trưa tới chiều ở nhà Trương Vũ)
 
Một bạn nào đó nói, các buổi gặp gỡ khác
càng ngày càng ít người thì ở Trương Vũ
càng ngày lại càng đông. thật vậy. vẫn chiếc
bàn thật dài trải khăn trắng đầy thức ăn
ngoài món ăn của gia đình. mỗi người còn
đem tới vài ba món tủ. ăn làm sao hết…
              (Đinh Cường – Và một buổi gặp gỡ đông vui trưa thứ Bảy ở nhà Trương Vũ)
 
       Nhưng lần đầu tiên tôi có mặt, lại là một ngày thật buồn 13-1-2016 – tang lễ của họa sĩ Đinh Cường. Anh Trương Vũ đã mời tất cả mọi người sau buổi lễ đến nhà anh. Ở đó ngoài những người tôi đã gặp buổi tối hôm trước ở nhà anh chị Phạm Cao Hoàng, các anh Trần Hoài Thư, Lữ Quỳnh, Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Trọng Khôi, Chân Phương, Nguyễn Minh Nữu, anh chị Đỗ Thanh Tùng,  các bạn Nguyễn Thị Thanh Bình, Bạch Mai, có thêm các anh Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Nhuận, Hồ Đình Nghiêm, và các bạn Đinh Từ Bích Thúy, Quỳnh Loan, …  Nhiều lắm, tôi không thể nhớ hết tất cả tên từng người…
 
       Chúng tôi nâng cốc rượu nhớ về người đã khuất nhưng cứ ngỡ người họa sĩ thân thương vẫn quanh đây cùng thân hữu họp mặt, trong tiếng đàn hát đầy xúc động của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi khúc réquiem “Giấc mộng trên đồi thơm” [2] do chính anh sáng tác tặng anh Đinh Cường. Ôi cuộc đời quá ngắn. Ôi mộng ngoài tay với. Bạc đầu ước mơ, mỏi chồn gối chân. Còn đi đến đâu cuộc đời…  Thôi về lại bóng tối. Thôi về lại mây khói. Để sương trắng bay lạc vào giấc mơ, lạc về cõi xa, xa mù…
 
       Và lần gần nhất tôi đến nơi đây là trước đại dịch Covid-19. Anh Trương Vũ hẹn bạn bè vào lúc 1:00 giờ trưa ngày thứ bảy 29-6-2019, để cùng chia sẻ cuốn sách “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” [3] của anh mới phát hành. Buổi họp mặt đông vui có quý anh Đặng Đình Khiết, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Quang, …, quý anh chị Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Minh Nữu, Đỗ Thanh Tùng, Phạm Nhuận, chị Lãm Thúy và quý bạn Nguyễn Thị Thanh Bình, Hoàng Thị Bích Ty, Đinh Từ Bích Thúy, Quỳnh Loan, Đinh Trường Chinh, Phạm Phú Thiện Giao và cả Nguyễn Thị Hậu ở Việt Nam nhân chuyến sang thăm Hoa Kỳ. Hôm đó cùng anh chị Tùng – Duyên và anh Phạm Cao Hoàng, chúng tôi đã ở lại nhà anh Trương Vũ lan man nói chuyện văn học đến khi chiều đã hết và bóng đêm dần xuống. Tôi hỏi anh Trương Vũ về nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, người bạn học có cá tính rất đặc biệt của anh. Anh tâm sự nhà thơ Nguyễn Đức Sơn tuy bề ngoài trông rất phức tạp, nhưng là một người chơn chất, một tài năng của văn học Việt Nam. Có thể nói Nguyễn Đức Sơn là một mẫu nghệ sĩ và trí thức rất hiếm hoi, dám sống và nói thật về điều mình tin, nhất là trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam của vài chục năm qua…
 
Một buổi gặp gỡ ở phòng tranh Trương Vũ
(Vienna, Virginia, 29.6.2019 – Tư liệu Phạm Cao Hoàng)
 
      Rồi đại dịch xảy ra. Như anh Phạm Cao Hoàng đã viết trong bài thơ “Bốn năm sau ngày anh Đinh Cường ra đi”:
 
bốn năm sau ngày anh Đinh Cường ra đi
miền Đông xơ xác trong cơn đại dịch
muốn đến Studio Trương Vũ xem những bức tranh mới vẽ nhưng không thể
muốn nâng ly cùng các anh Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Tường Giang, Phạm Nhuận, Đặng Đình Khiết, Phạm Thành Châu… nhưng không thể
muốn cụng ly cùng các bạn Nguyễn Minh Nữu, Nguyễn Quang, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trần Anh Chương, Đinh Trường Chinh… nhưng không thể
các bạn tôi, nhà nào cũng đóng cửa
stay-at-home, stay-at-home, stay-at-home
bốn năm sau ngày anh Đinh Cường ra đi
miền Đông bây giờ tiêu điều trong cơn đại dịch
hàng quán im lìm phố xá hoang vu
muốn ghé Starbucks ngồi nhâm nhi một ly cà phê nhưng không thể
drive-thru only
 
 
      Buồn. Tất cả mọi người đều buồn. Chúng tôi hẹn nhau sau đại dịch sẽ là một ngày hội ngộ anh em. Nhưng đến nay dịch ấy chưa dứt hẳn vẫn còn những biến thể tiếp tục lây lan, chị Duyên và tôi lại ở xa, nên chúng tôi cũng chưa về Virginia thăm các anh chị…
 
Căn phòng này
không gian này
nơi có người họa sĩ
trầm ngâm ngồi trước giá vẽ
thả hồn vào nỗi đam mê
nhớ không Duyên?
nhớ không Nguyệt Mai?
nhớ không Cúc Hoa?
và nhớ không các bạn của tôi?
 
      Có thể nói họa sĩ Trương Vũ là người tự nguyện thực hiện những chân dung bạn bè nhiều nhất, với một danh sách rất dài: Đặng Đình Khiết, Lê Xuân Khoa, Nguyễn Ngọc Bích, Đinh Cường, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Văn Khoa, Nguyễn Xuân Thiệp, Phạm Nhuận, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Minh Nữu, Phạm Cao Hoàng, Hoàng Xuân Sơn, … Nhớ lần anh Trương Vũ hẹn chị Duyên và tôi đến để anh vẽ chân dung cho hai đứa vào khoảng giữa tháng 10/2017. Giữa trăm công ngàn việc bộn bề với quỹ thời gian không phải là bất tận mà anh vẫn dành cho chúng tôi, những đứa em ở xa, những tình cảm đặc biệt khi chọn vẽ… Anh còn đề nghị chị Duyên và tôi đến nhà anh, anh chị sẽ lo cả việc ăn ở cho chúng tôi trong thời gian này. Nhưng anh chị Phạm Cao Hoàng luôn rất dễ thương và chân tình với bạn bè, đã ngỏ lời, “anh Trương Vũ đã lo phần vẽ rất mệt rồi, Duyên và Nguyệt Mai sẽ ở tại nhà Phạm Cao Hoàng…” Anh chị và cháu Thiên Kim đã rất tận tình, chu đáo lo tất cả cho chúng tôi được thoải mái trong thời gian ở đây… Làm sao chúng tôi có thể quên được những ân tình quý giá này?
 
Căn phòng này
chiếc bàn này
không gian này
chiều nay
tôi ngậm ngùi tạm biệt.
 
      Có quá nhiều kỷ niệm. Hỏi sao anh không rưng rưng khi một mai anh chị sẽ đến một nơi khí hậu ấm áp hơn, thích hợp hơn cho sức khỏe của anh chị. Chỉ là tạm biệt nhưng sao lòng buồn quá đỗi. Không là ruột thịt và chỉ quen anh mấy năm sau này, nhưng chúng tôi rất kính quý anh. Ở anh, tôi thấy được tấm lòng nhân hậu, chung thủy, hết lòng với gia đình, bạn bè, cùng một tình yêu vô bờ bến với quê hương, đất nước. Trên trang tiểu sử ở blog Phạm Cao Hoàng, tôi được biết anh Trương Vũ tên thật Trương Hồng Sơn, tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa và học Đệ Tam Cấp Toán tại Đại Học Sài Gòn. Sang Mỹ, anh lấy thêm các bằng Thạc Sĩ Vật Lý Hạt Nhân tại University of Pennsylvania, Thạc Sĩ Kỹ Sư Điện (Truyền Thông) và Tiến Sĩ Khoa Học (Điện trong Kỹ Thuật Không Gian) tại The George Washington University. Trước năm 1975, anh xuất thân là một thầy giáo toán, được gọi nhập ngũ khi có lệnh tổng động viên lúc chiến tranh ở miền Nam trở nên tàn khốc. Sau hơn hai năm, anh được biệt phái trở về dạy Toán và đặc trách Sinh Viên Vụ tại Đại Học Duyên Hải, Nha Trang cho đến lúc vượt biển và định cư tại Hoa Kỳ từ 1976.
 
Anh là Chuyên gia nghiên cứu cho NASA tại Trung Tâm Không Gian Goddard từ 1980 cho đến khi nghỉ hưu năm 2006, đã tham dự và phụ trách nhiều công trình khác nhau, về khoa học và kỹ thuật. Đóng góp quan trọng nhất của anh thuộc lãnh vực nghiên cứu và phát triển kỹ thuật xác định quỹ đạo (Orbit Determination) và phi hành tự động cho phi thuyền (Autonomous Spacecraft Navigation). Anh đã đăng tải nhiều công trình nghiên cứu với tư cách tác giả chính về vật lý và kỹ thuật không gian.
 
Ngoài công việc chính ở NASA, anh có đóng góp vào một số sinh hoạt văn học ở hải ngoại. Đồng Chủ biên Tuyển tập Văn chương Chiến tranh The Other Side of Heaven (do Curbstone Press xuất bản năm 1995). Nguyên Đồng Chủ biên Tập san Việt Học The Vietnam Review của Đại học Yale (1996-1998). Nguyên Chủ bút Tạp chí Đối Thoại, California (1993-1994). Hợp tác, đóng góp bài vở cho một số tạp chí văn chương (giấy và mạng) như Văn Học, Hợp Lưu, Văn, Talawas, Tiền Vệ, Da Màu, Tương Tri, các blog như Phạm Cao Hoàng, Phố Văn, Trần Thị Nguyệt Mai, …
Về hội họa, ngoài các lớp học rải rác tại đại học và tư nhân, phần chính là tự học. Anh đã tham dự một số triển lãm tại Hoa Kỳ.
 
      Tôi được nghe kể vào những ngày cuối của cuộc đổi đời năm 1975, Nha Trang đang rất hỗn loạn. Khi gặp bạn là nhà văn đang trong quân ngũ thuộc một binh chủng “dữ dằn” mà nếu lọt vào tay phía bên kia chắc chắn sẽ bị tù đày và cái chết khó tránh, anh đã đưa cho bạn chiếc xe mini-truck có mui của mình – phương tiện di chuyển duy nhất của gia đình anh – hối thúc vượt thoát ngay. Hỏi anh, anh nói lúc đó chỉ nghĩ đến an sinh của bạn, không một mảy may nghĩ đến điều gì khác. Và tôi cũng được biết chính trong những ngày đó, anh đã cùng các sinh viên của Đại Học Duyên Hải lo công tác cứu trợ đồng bào chạy nạn đổ dồn về Nha Trang qua câu chuyện anh kể về người học trò Dương Thái Đức trong tạp bút Những Cơn Mưa Ngày Cũ. Tháng 3/1976, trên một chiếc ghe đánh cá nhỏ, cùng với bốn bạn đồng hành khác, anh vượt biển khi thấy “… Những tính toán về tương lai của học trò tôi, của chính tôi, bỗng trở thành ảo tưởng. Phía trước mù mịt. Lúc đó tôi mới qua tuổi ba mươi không lâu, đang rất năng nổ bỗng trở nên mất tự tin, trở nên e dè, ngỡ ngàng, lúng túng. Và, cố gắng ‘khôn ngoan’ như một người đã trải qua bao thăng trầm, bị vùi dập biết bao lần trong đời, để không dám sống thật với mình… May mắn, chúng tôi đến được Manila an toàn. Ghe chúng tôi là một trong những chiếc đầu tiên đến được Manila sau biến cố 1975.” [3]
 
      Những năm đầu ở Mỹ, anh quyết định tiếp tục con đường học vấn, lấy Thạc sĩ rồi Tiến sĩ bên cạnh năng nổ trong các sinh hoạt cộng đồng Việt Nam. Anh đã truyền lửa cho các bạn trẻ cùng sinh hoạt mà cho đến nay các bạn vẫn còn nhớ. Tác phẩm “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” đã cất giữ những tâm tư, tình cảm cũng như những bài học kinh nghiệm anh muốn trao truyền cho những thế hệ tương lai. Sau đây chỉ là vài chia sẻ.
 
       “… Nhưng, cái thảm kịch lớn nhất vẫn là cái thảm kịch của một dân tộc mà những người làm chính trị đã khiến người dân bình thường sợ họ hơn sợ nỗi chết. Đó cũng là thảm kịch của một đất nước mà quân đội luôn luôn vinh danh về sự hùng mạnh, về những chiến thắng trên trận mạc, nhưng hoặc bất lực, hoặc cố tình làm ngơ trước những cướp bóc, hãm hiếp, giết người man rợ của bọn cướp biển ngoại nhân chỉ có vũ khí thô sơ, dù rằng chiến tranh đã chấm dứt, dù rằng nạn nhân là những con người vô tội hầu hết không hề cầm súng, và họ cũng là những người được sinh ra từ trăm trứng của mẹ mình. Quan trọng hơn hết, để thực sự dấn mình vào những nỗ lực của cá nhân và tập thể cần phải có cho thế hệ này, và cho những thế hệ kế tiếp. Để xã hội nhân bản hơn, tôn trọng những quyền căn bản của con người hơn, và để người dân có tự do, có cơ hội sống một đời có phẩm cách, như trong bao nhiêu quốc gia tiến bộ khác. Chỉ có như thế, cái thảm kịch như từng xảy ra trên biển Đông sau 1975 sẽ không còn xảy ra cho dân tộc Việt Nam trong tương lai nữa.” [3]
 
       “… Và, ở Tiệp ngày nay, nếu không có chút hiểu biết về lịch sử, tôi sẽ không thể nào tin rằng dân tộc đó đã từng hơn bốn mươi năm sống cô lập sau bức màn sắt, chịu áp đặt một chủ nghĩa xã hội rất thiếu nhân bản, chịu sự kiểm soát chặt chẽ về chính trị và quân sự của Liên Xô, và chỉ mới tách rời khỏi những ảnh hưởng đó chưa tới 27 năm.
Nhìn lại một số đổi thay chính trị lớn, tôi nghiệm ra một điều: nơi nào có sự tham dự tích cực của giới trí thức và văn nghệ sĩ yêu nước, yêu sự sống, tôn trọng sự khác biệt, và can đảm đứng lên tranh đấu quyết liệt cho điều mình tin, cho những quyền căn bản của con người, thì ở nơi đó, sự đổi thay mang lại ít bạo lực nhất, những quyền căn bản được phục hồi và xã hội phát triển nhanh nhất. Hãy nhìn, như một phản đề, những gì đã xảy ra trong cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam vào thập niên 50, trong cuộc ‘cách mạng văn hóa’ ở Trung Hoa vào thập niên 60, và sự thống nhất bằng quân sự và áp đặt chủ nghĩa ở Việt Nam vào 1975. Và, như chính đề, hãy nhìn những gì đã xảy ra trong những đổi thay lớn ở Đông Âu, và đặc biệt, ở Tiệp Khắc, vào 1989.” [3]
 
       “… Lý do chính để tôi mong Việt Nam giống như Đông Âu hơn là vì, khi thẳng thắn với chính mình, tôi thực sự không tin là sức mạnh của chúng ta còn là sức mạnh ở súng đạn nữa, trong khi sức mạnh súng đạn của kẻ thù vẫn y nguyên đó. Sức mạnh của chúng ta là ở cái đầu và con tim. Chính những ý thức về văn minh, về tiến bộ, về tự do, về dân chủ, cùng với khát vọng được sống một đời có phẩm cách của một con người ở thời đại này đã đánh gục chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Âu, chứ không phải là súng đạn. Nhưng, nếu muốn đánh gục Cộng sản như ở Đông Âu thì không thể quên được tầm quan trọng của các phong trào phản kháng, bao gồm văn chương phản kháng, cùng với ý thức trách nhiệm và trình độ hiểu biết của người dân. Nếu dân trí Việt Nam thật cao, tình trạng Việt Nam sẽ gần với Tiệp Khắc. Nhưng, nếu dân trí thấp, tình trạng của Việt Nam sẽ gần với Romania hay tệ hơn. Đọc sách và tự do lựa sách để đọc là một phương cách để nâng cao dân trí. Còn hơn thế nữa, đó là một nhu cầu không thể thiếu và không nên thiếu, trong đời sống tinh thần của mỗi con người.” [3]
 
       “Giáo dục Việt Nam cần giảm bớt mô thức giảng dạy áp đặt và tăng cường mô thức gợi ý. Cần giảm thiểu sự mệt mỏi của học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học. Đặc biệt, nên giảm bớt lượng kiến thức hay thông tin trong chương trình học. Nhắm đến một hành trình lâu dài hơn của con người. Không nên để họ gục ngã sớm về đầu óc. Đặt nặng vào việc đào tạo giáo chức và dành những đãi ngộ đặc biệt cho họ. Trong trường hợp các nước đang phát triển như Việt Nam, giáo chức phải được tuyển chọn từ thành phần ưu tú nhất của đất nước. Đối với các trường đại học, ngoài việc áp dụng chương trình giảng dạy theo mô hình của các quốc gia tiên tiến tây phương, quyền tự trị đại học cần được ban hành cho đại học Việt Nam. Thiếu sự tự trị, đại học Việt Nam khó thể hoàn tất vai trò đào tạo trí thức của nó. Đề nghị sau cùng, và có lẽ là đề nghị quan trọng nhất, là nhà nước Việt Nam nên xem phát triển giáo dục toàn diện là ưu tiên hàng đầu của quốc gia, xem nguồn nhân lực được đào tạo qua giáo dục là tài nguyên quý giá nhất của đất nước. Và, khi làm chính sách giáo dục nên đặt trọng tâm vào những mục tiêu lớn như đào tạo con người trung thực, có sáng tạo, có tư duy độc lập, biết tôn trọng sự khác biệt, v.v… bên trên sự chuyển giao tri thức. Và, phải quên đi những gì thực sự không còn giá trị nữa.” [3]
 
       Kính thưa anh Trương Vũ, em rất đồng thuận với MC Nguyệt Ánh. Anh như cây táo trong The Giving Tree của Shel Silverstein mà anh dùng làm đoạn kết cho bài viết cuối cùng Về lại Sorrento của “Đuổi Bóng Hoàng Hôn”. Anh đã không ngừng cống hiến, vắt kiệt dâng cho đời tất cả. Em rất ngưỡng mộ anh. Và sẽ luôn nhớ lời anh dặn:
“Hãy đem văn chương vào đời sống. Dù có làm thơ hay viết văn hay không, hãy đến với cuộc đời bằng tâm hồn của một thi sĩ. Bạn sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn. Bạn sẽ thấy con người đẹp hơn.” [3]
 
       Mong anh chị luôn được an lành trong những ngày sắp tới. Và chúng em sẽ có dịp gặp lại anh chị cùng những anh chị khác và bạn bè rất thân quý.
TRẦN THỊ NGUYỆT MAI
3-3-2024
 
Tham khảo:
[1] Tạm biệt một căn phòng – Thơ Phạm Cao Hoàng
http://www.phamcaohoang.com/2024/02/3257-pham-cao-hoang-tam-biet-mot-can.html
[2] Giấc mộng trên đồi thơm – Nhạc và lời: Nguyễn Trọng Khôi
https://vanhocnghethuat.files.wordpress.com/2016/01/giac_mong_tren_doi_thom_nguyen_trong_khoi.pdf
[3] Đuổi Bóng Hoàng Hôn – Trương Vũ
https://www.amazon.com/%C4%90u%E1%BB%95i-B%C3%B3ng-Ho%C3%A0ng-H%C3%B4n-Vietnamese/dp/1927781760/