Saturday, September 24, 2011



Nhà Soạn Nhạc và Con Két

Tác giả Cáp Kim

Người dịch Nguyễn thị Hải Hà



    Trước khi cùng với đoàn quay phim đi Thái Lan, Supriya gửi Fanlin con két, quà người ta tặng cho nàng, nhờ trông nom dùm. Fanlin không hỏi người yêu con két này là của ai tặng, nhưng chàng tin là chủ trước của Bori, tên con két, là một người đàn ông. Supriya chắc chắn đã có hàng tá bạn trai trước khi yêu chàng. Là một nữ diễn viên Ấn Độ xinh đẹp, đi đến đâu nàng cũng được người ta quay đầu ngắm nhìn. Cứ mỗi lần nàng rời New York, Fanlin không khỏi lo lắng là nàng sẽ rơi vào vòng tay của người khác.
   Chàng ngụ ý nhiều lần là chàng muốn hỏi cưới nàng, nhưng nếu nàng không lảng tránh vấn đề thì cũng nói rằng sự nghiệp điện ảnh của nàng sẽ chấm dứt trước khi nàng ba mươi bốn tuổi, vì thế nàng cần phải tận dụng năm năm còn lại để đóng thêm nhiều phim. Nói cho đúng, nàng chưa bao giờ được đóng vai chính, luôn luôn đóng vai phụ. Nếu như nàng chẳng nhận được vai đóng phim nào cả, thì may ra nàng sẽ chấp nhận vai trò làm vợ và sau đó là làm mẹ.
   Fanlin không mấy quen thuộc với Bori, con két nhỏ màu hồng có cái đuôi trắng, và chàng chưa bao giờ cho phép nó vào phòng soạn nhạc của chàng. Supriya thường gửi Bori ở trại nuôi chim khi nàng phải đi xa; và nếu chuyến đi chừng hai hay ba ngày, nàng chỉ cần nhốt nó vào trong lồng cho đầy đủ thức ăn và nước uống. Nhưng lần này nàng phải ở ngoại quốc đến ba tháng, vì thế nàng nhờ Fanlin săn sóc con két.
   Không giống những con két khác, Bori không biết nói; nó thầm lặng đến độ Fanlin tự hỏi không biết con két này có thuộc loại ngu không. Suốt đêm con két ngủ gần cửa sổ, trong lồng để trên một cái trụ như một cái chân đèn to tướng cắm trên nền nhà. Ban ngày nó đậu ở khung cửa sổ hay trên chóp của cái lồng, phơi mình trong nắng đến độ có vẻ như phai màu bộ lông màu hồng của nó.
   Fanlin biết Bori thích hạt kê. Vì không biết nơi nào trong Flushing có tiệm bán thú vật, chàng đến siêu thị Hồng Kông ở cuối góc đường và mua một bao. Đôi khi chàng cho con két những món chàng đang ăn như cơm, bánh mì, táo, dưa hấu, và nho. Chàng thấy Bori ăn một cách thích thú. Bất cứ lúc nào, hễ thấy chàng đặt thức ăn lên bàn ăn là con két lại bay chập chờn bên cạnh chàng, chờ được thưởng cho một miếng.  Vì Supriya không có ở nhà, Fanlin có thể ăn thức ăn Tàu tự do – điều thuận lợi duy nhất khi nàng vắng mặt.
    “Mày cũng muốn ăn Cheerios nữa sao?” Fanlin hỏi Bori vào một buổi sáng lúc chàng đang ăn điểm tâm.
   Con chim ngắm nghía chàng với đôi mắt có viền trắng. Fanlin chọn một cái đĩa con cho một nhúm cereal vào, và đặt trước mặt Bori. Chàng nói tiếp “Mẹ của mày đã bỏ rơi mày và mày phải ở với bố.” Bori mổ vài hạt Cheerios, đôi mắt nhấp nháy. Fanlin đâm ra “phải lòng” con két từ ngày hôm ấy vì thế chàng tìm một cái ly uống rượu vang nhỏ xíu và rót vào ít sữa cho Bori.
   Ăn sáng xong, chàng để Bori ở lại phòng soạn nhạc lần đầu tiên. Fanlin sáng tác nhạc trên một cái đàn piano điện bởi vì chàng không có chỗ để đặt cái dương cầm. Con chim đậu yên lặng ở cạnh bàn làm việc, ngắm nhìn chàng, như thể nó có khả năng hiểu được những nốt nhạc chàng đang viết ra. Sau đó Fanlin thử một khúc nhạc trên phím đàn điện, Bori bắt đầu vỗ cánh và đầu gục gặc ngó nghiêng.    “Con có thích nhạc của bố không?”   Fanlin hỏi Bori.
   Con két không trả lời.
   Khi Fanlin sửa chữa lại các nốt nhạc chàng đã viết. Bori đáp nhẹ nhàng lên phím đàn và nhấn phím tạo lên những nốt nhạc yếu ớt làm cho nó hứng chí chơi thêm vài nốt nữa. “Đi chỗ khác chơi đi!” Fanlin nói. “Đừng làm choán chỗ của bố.”
   Con két bay trở lại bàn, ngồi bất động nhìn nhà soạn nhạc viết nguệch ngoạc những nốt màu đen trên giấy.
   Vào khoảng mười một giờ, khi Fanlin duỗi tay và dựa lưng vào ghế chàng thấy có hai đốm trắng bên cạnh Bori, một đốm to hơn đốm kia. “Đồ quỷ, đừng có ị lên bàn của tao!” chàng quát mắng.
   Nghe tiếng quát, con chim bay vụt ra khỏi phòng. Sự vắng mặt của con két làm Fanlin nguôi cơn giận. Chàng tự nhủ mình phải kiên nhẫn với Bori, nó cũng như đứa bé chưa biết tự kềm chế chuyện bài tiết. Chàng đứng dậy dùng giấy lau chùi chỗ bẩn.
   Một tuần ba ngày chàng dạy nhạc cho năm học sinh. Học phí là nguồn thu nhập thường xuyên của chàng. Những học sinh này đến căn hộ của chàng trên đường thứ Ba Mươi Bảy vào buổi tối học hai giờ. Một trong năm người học sinh này là một cô gái xương xẩu chừng hai mươi hai tuổi, rất quyến luyến Bori và thường xuyên chìa ngón tay trỏ ra, nói rằng, “Đến đây nào, cưng ơi.” Con két chẳng bao giờ hưởng ứng lời dụ dỗ của cô gái, trái lại nó ngồi chễm chệ trong lòng của Fanlin như thể nó cũng đang ngồi học. Wona có lần nhấc con két kên và để nó lên đầu của mình, nhưng Bori quay trở lại với Fanlin ngay lập tức. Cô gái lẩm bẩm, “đồ két ngu, chỉ giỏi tài nịnh chủ của mày thôi.”

   Fanlin đang hợp tác với một nhóm nhạc kịch địa phương dựa vào huyền thoại dân gian của Trung quốc để viết một vở nhạc kịch, nhân vật chính là nhạc sĩ Ah Bing. Lúc còn trẻ, cũng như bố, Bing là một vị sư. Về sau Bing bị mù và đuổi ra khỏi chùa. Ông bắt đầu sáng tác nhạc, trình diễn trên đường phố, để kiếm sống.
   Fanlin không thích phần libretto, lời trong vở nhạc kịch có chỉ cách diễn xuất, vì nó nhấn mạnh đến cách diễn tùy hứng. Nhân vật chính của vở nhạc kịch, Ah Bing, bảo rằng,    “Nghệ thuật đạt đến mức tuyệt hảo, thật ra, chỉ là sự tình cờ.” Đối với Fanlin, cái lý luận ấy đã không giải thích được lý do thành công của những bản giao hưởng vĩ đại của Beethoven hay là Tchaikovsky. Những bản giao hưởng này không thể hiện diện nếu không có lý thuyết về thẩm mỹ, quan điểm hay mục đích. Không có nghệ thuật nào hoàn toàn dựa vào sự ngẫu nhiên.
   Tuy thế, Fanlin rất chăm chỉ soạn thảo phần nhạc của vở nhạc kịch Nhạc Sĩ Mù. Thể theo bản hợp đồng đã ký, chàng sẽ được trả công sáu ngàn Mỹ kim, trả thành hai lần cộng thêm 12 phần trăm tiền hoa hồng trên thu nhập của vở nhạc kịch. Lúc này chàng quá bận rộn với vở nhạc nên ít khi nấu ăn. Chàng soạn nhạc từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều, rồi đi ăn trưa, thường khi mang Bori theo. Con chim đậu trên vai chàng, và Fanlin cảm thấy móng của nó bấu lên da chàng trên mỗi bước đi.
   Một buổi chiều ở quán cà phê Đài Loan trên đường Roosevelt, sau khi trả tiền thức ăn ở quầy, Fanlin trở lại chỗ ngồi uống nốt ly trà. Chàng đặt một đồng đô la lên bàn thì Bori nhặt nó lên và đặt vào tay của Fanlin.
   “Úi chà, hắn biết giá trị của tiền đấy!” cô hầu bàn có đôi mắt ốc nhồi kêu lên. “Đừng có lấy trộm tiền của tao, tên trộm nhóc tì!”
   Đêm ấy nói chuyện điện thoại với Supriya, Fanlin kể nàng nghe chiến công của Bori. Nàng trả lời. “Em không dè anh yêu mến nó đến thế. Nó chẳng bao giờ nhặt tiền cho em, chắc chắn thế.”
   “Anh chỉ là người trông chừng nó.” Fanlin nói. “Nó là của em.” Chàng cứ ngỡ là nàng sẽ thích thú lắm, nhưng giọng nàng vẫn giữ vẻ bình thường – giọng nữ cao trung với một chút ngái ngủ. Chàng tự kềm chế, không nói là chàng nhớ nàng, rất thường xuyên chàng vân vê quần áo của nàng trong tủ.




   Buổi sáng hôm ấy trời mưa. Ngoài trời, những sợi mưa uốn éo trong gió như hằng hà vô số sợi chỉ đan rối vào nhau; ở hướng Tây có tiếng xe chuyển động nhẹ nhàng. Nằm trên giường với một tờ giấy soạn nhạc vo tròn nhăn nhúm trên bụng, Fanlin nghĩ về Supriya. Nàng luôn mơ ước có con và bố mẹ nàng ở Calcutta đã thúc giục nàng kết hôn.    Tuy nhiên, Fanlin có cảm giác chàng chỉ là cái lưới an toàn của nàng – một người dự trữ phòng khi nàng không thể tìm được ý trung nhân. Chàng cố gắng để không bị ám ảnh bởi những điều đen tối và hồi tưởng những đêm hai người đã ái ân đến tuyệt đỉnh của đam mê và kiệt sức ngất ngư. Chàng nhớ nàng, nhớ ghê lắm, nhưng chàng hiểu rằng tình yêu cũng như một ân huệ của người khác ban cho mình, nó có thể bị chấm dứt bất cứ lúc nào.
   Bất thình lình, một nốt nhạc chói lói vang lên từ phòng soạn nhạc – Bori đang dậm chân trên cái đàn điện. “Ngừng lại!” Fanlin quát con két. Nhưng tiếng nốt nhạc cứ tiếp tục vang lên inh ỏi. Chàng bước vội ra khỏi giường và tiến về phòng soạn nhạc.
   Đi ngang qua phòng khách, chàng thấy cửa sổ không hiểu tại sao lại mở toang hoác và nền nhà vương vãi những tờ giấy có dòng kẻ nhạc bay phất phơ theo gió lùa qua cửa. Chàng lại nghe có tiếng động khác lạ, và nhìn thấy một thằng nhóc đang bò ra khỏi cửa sổ. Fanlin, không đủ nhanh nhẹn để bắt hắn, tựa người vào cửa sổ và hét vói theo tên trộm đang bỏ chạy trên cầu thang dùng để thoát khi hỏa hoạn, “Nếu mà mày còn đến đây nữa, tao sẽ gọi cảnh sát bắt mày. Đồ chó chết!”
   Thằng bé nhảy xuống lề đường bên dưới, chân nó quỵ xuống, nhưng nó gượng dậy. Đũng quần jean của nó đẫm ướt. Nhoáng một cái nó đã chạy thoát ra đường phố và mất hút.
   Khi Fanlin trở lại phòng khách, Bori bay vèo đến thở hổn hển đậu trên ngực chàng. Con chim có vẻ sợ hãi, cánh nó run rẩy. Hai tay Fanlin ôm lấy con két, bế nó lên rồi hôn nó. “Cám ơn con,” chàng thì thầm. “Con có sợ không?”
   Bori thường khi bài tiết ngay ở trong lồng, cánh cửa lồng để mở cả ngày lẫn đêm. Cứ hai ba ngày Fanlin lại thay tờ giấy báo lót dưới đáy lồng để giữ cho nó được sạch sẽ. Nói cho đúng, cả căn hộ đã biến thành cái lồng chim bởi vì Bori được phép đậu khắp nơi, kể cả phòng soạn nhạc. Khi không ngủ, con két ít khi ở trong lồng, bên trong lồng có một thanh ngang bằng nhựa cho nó đậu. Ngay cả ban đêm, nó cũng lảng tránh thanh ngang này, mà đeo bấu vào cạnh của lồng, thân hình nó treo lủng lẳng. Không lẽ nó ngủ như thế mà không biết mệt sao? Fanlin nghĩ. Chẳng trách sao mà nó có vẻ mệt mỏi cả ngày.
    Có một buổi chiều, khi con két dúi đầu vào khuỷu tay anh tìm hơi ấm, Fanlin thấy một bên bàn chân của Fanlin dày hơn bên kia. Chàng lật ngửa con két lên và ngạc nhiên thấy bàn chân trái của nó có một chỗ bị phồng to cỡ chừng nửa hạt đậu nành. Chàng tự hỏi có phải vì cái thanh ngang dùng làm chỗ cho chim đậu bằng nhựa nhẵn quá con két không bám vào được nên nó phải bám lủng lẳng trên những thanh que của cái lồng chim lúc ngủ và vì thế sinh ra bị phồng chân. Có lẽ chàng nên mua một cái lồng mới cho Bori. Chàng mở cuốn điện thoại niên giám để tìm một cửa tiệm bán chim và đồ dùng để nuôi chim.

Buổi tối ấy chàng thong thả đi dạo các cửa tiệm ở khu Vườn Bách Thảo ở Queen và tình cờ gặp Elbert Chang, Giám đốc dự án vở nhạc kịch Fanlin đang sáng tác. Elbert đang chạy thể dục và khi ông ngừng lại để trò chuyện với Fanlin, Bori bay vụt lên ngọn của một cây bách rất to, chui ra chui vào những chùm lá lòe xòe mãi rồi mới đậu yên lên một   nhánh.
   “Xuống đây,” Fanlin gọi, nhưng con két chẳng buồn nhúc nhích, chỉ đeo lấy cành cây đang sà nhẹ xuống và nhìn hai gã đàn ông.
   “Con két nhỏ ấy trông xoàng xĩnh quá,” Elbert nhận xét. Ông ta hỉ mũi, chùi ngón tay vào cái quần thể thao bằng vải dầy và mềm, rồi chạy đi, miếng mỡ thừa phía sau cổ của ông ta núng nính. Xa hơn nữa, phía trước mặt ông ta là một cặp trai gái trẻ tuổi đang dẫn một con chó dachshund được xích bằng một sợi dây rất dài.
   Fanlin quay người bỏ đi, và Bori bay sà xuống đáp nhẹ nhàng lên đầu chàng, Fanlin đặt con két lên cánh tay. “Sợ bố bỏ con lại hả?” chàng hỏi. “Nếu con không nghe lời, bố sẽ không cho con đi ra ngoài với bố nữa, hiểu chưa?” Chàng vỗ nhè nhẹ lên đầu của Bori.
   Con két nhấp nháy mắt nhìn chàng.
   Fanlin nhận ra rằng Bori thích đậu trên nhánh cây thật. Chàng nhìn quanh thấy một nhánh cây nhỏ rơi dưới gốc cây sồi rất cao và mang nó về nhà. Chàng tháo rời thanh chắn ngang lồng cho chim, và lắp cái nhánh cây thật vào, sau khi chuốt cho nhẵn và cắt rãnh ở hai đầu của thanh cây. Sau đó Bori đậu trên cành cây thật ngủ hằng đêm.
    Rất tự hào, Fanlin khoe với Supriya về cành cây chàng mới làm cho chim đậu, nhưng nàng suy nghĩ đâu đâu nên không chú ý. Nàng có vẻ mệt mỏi chỉ nói, “Em rất mừng là đã để nó ở lại với anh.” Nàng chẳng buồn cám ơn. Chàng đã định hỏi thăm về chuyện phim ảnh tiến triển đến đâu, nhưng kềm lại.

   Công việc sáng tác vở nhạc kịch tiến triển tốt đẹp. Khi Fanlin đưa phân nửa đầu của vở nhạc – tất cả là 132 trang – Elbert Chang có vẻ vui mừng, nói rằng ông lo ngại không biết Fanlin đã bắt tay vào việc chưa. Bây giờ Elbert có thể bớt lo lắng – mọi chuyện tiến triển trôi chảy. Một vài ca sĩ đã tham gia. Xem chừng vở kịch có thể được mang lên sân khấu vào mùa hè sang năm.
   Phì phà điếu xì gà trong văn phòng, Elbert nở một nụ cười đầy vẻ gượng gạo và nói với Fanlin, “Tôi e rằng tôi không thể trả trước cho cậu phân nửa số tiền công soạn nhạc lúc này.”
  “Tại sao thế? Hợp đồng nói ông phải trả bây giờ.”
   “Tôi biết thế, nhưng tôi không có sẵn tiền mặt. Tôi sẽ trả cho cậu vào đầu tháng tới khi tôi nhận được tiền.”
   Fanlin xụ mặt, đôi chân mày hình cánh bướm của chàng nhướng lên. Chàng đã dính líu quá sâu đậm với dự án này nên không thể rút lui; tuy thế chàng lo ngại về sau chuyện lương hướng không được thuận tiện. Đây là lần đầu tiên chàng làm việc với Elbert Chang.
   “Con két này hôm nay trông càng xấu xí hơn,” Elbert nói, tay cầm điếu xì gà trỏ về hướng Bori đang đậu trên bàn, giữa hai bàn tay của Fanlin.
   Nghe câu nói của ông ta xong, con két vụt cánh bay đảo một vòng và đậu lên vai của Elbert. “Hay lắm, hay lắm, thế là nó thích tôi đấy!” ông Giám đốc kêu lên. Ông ta hất tay đuổi và Bori hoảng sợ bay đi.
   Fanlin thấy một vệt xanh xanh dính lên áo khoác của Elbert, ở trên vai. Chàng cố trấn áp cơn cười đang dâng lên trong cổ.
   “Đừng lo lắng về chuyện trả lương,” Elbert trấn an chàng, ngón tay ông ta nhịp như đánh trống trên bàn. “Cậu có hợp đồng và có thể kiện tôi nếu tôi không trả tiền sòng phẳng. Trường hợp này là ngoại lệ. Tiền đã được các vị Mạnh Thường Quân dành riêng cho vở nhạc kịch này rồi. Tôi hứa với cậu là chuyện này sẽ không xảy ra như thế nữa.
    Thấy an tâm hơn, Fanlin bắt tay ông Giám đốc và bước ra khỏi văn phòng.
   Lúc ký hợp đồng soạn nhạc cho vở nhạc kịch Nhạc Sĩ Mù ba tháng trước, người viết vở kịch, một nhà thơ lưu vong hiện đang sống ở Staten Island, đã cương quyết không cho ai thay đổi một lời một chữ nào trong vở nhạc kịch. Nhà thơ, Benyong, chẳng hiểu rằng, nhạc kịch, không giống như thơ, là một nghệ thuật trình diễn cho công chúng thưởng thức, đòi hỏi sự nỗ lực hợp tác của nhiều người. Elbert Chang thích vở kịch này quá nên chấp thuận những điều kiện tác giả đòi hỏi và đưa vào hợp đồng. Chuyện này gây khó khăn cho Fanlin, chàng đã hình thành trong tư tưởng một cấu trúc âm nhạc nhưng không thể hoàn toàn thích hợp với từng lời từng chữ trong thơ. Thêm vào đó, có những chữ không thể hát được vì cách phát âm của nó. Chàng cần phải thay bằng những chữ kết thúc là nguyên âm mở vành môi.

   Một buổi sáng, Fanlin đi đến Staten Island để gặp Benyong, với dụng ý xin phép được thay đổi vài chữ trong vở kịch. Chàng không định mang Bori theo, nhưng ngay lúc chàng bước ra khỏi căn hộ, chàng nghe con két cứ bay va vào cửa nhiều lần liên tiếp. Móng chân của nó cào lên cửa. Chàng mở cửa và hỏi, “Có muốn đi với bố không nào?” Con két lao ngay vào trong ngực chàng bấu lấy cái áo thun của chàng và kêu chiêm chiếp. Chàng vuốt ve Bori và hai bố con cùng đi đến trạm xe điện ngầm.
   Hôm ấy là một ngày mùa hè rất đẹp, bầu trời được rửa sạch nhờ trận mưa đêm trước.  Trên phà, Fanlin ngồi tầng trên, nhìn những con chim biển bay chung quanh. Một vài con chim biển đi đủng đỉnh hay chạy lăng quăng ở mũi tàu, nơi có hai cô bé đang ném ra những mẩu bánh mì cho chim ăn. Bori cũng tham gia những con chim khác, nhặt thức ăn nhưng chẳng ăn miếng nào. Fanlin biết con két chỉ làm thế cho vui, tuy thế cho dù chàng gọi cách nào đi nữa, con chim này vẫn không trở về chỗ của chàng. Chàng đứng gần đấy, nhìn Bori đi một cách sung sướng giữa những con hải âu, ó biển, và nhạn biển. Chàng rất ngạc nhiên vì thấy Bori chẳng sợ hãi những con chim to hơn và tự nhủ có lẽ con két cảm thấy buồn vì cô độc ở nhà.
   Benyong đón tiếp Fanlin một cách thân mật, như thể hai người là bạn của nhau. Thật ra hai người chỉ gặp nhau một đôi lần, mà lần nào cũng chỉ vì công việc. Fanlin thích người đàn ông này, đã bốn mươi ba tuổi, mà tính tình vẫn còn rất trẻ thơ thường ngửa đầu ra phía sau cười khanh khách.
   Ngồi trong phòng khách, Fanlin hát vài câu để chứng tỏ sự khó khăn trong việc phát âm của những chữ nhà thơ đã dùng. Chàng chỉ có giọng hát bình thường, hơi khản; tuy nhiên khi chàng hát những bài hát do chính tay chàng biên soạn chàng rất tự tin và biết cách biểu diễn, với khuôn mặt sống động và cử chỉ diễn tả thích hợp, dường như chàng không còn biết đến sự hiện diện những người chung quanh.
    Khi Fanlin đang hát, Bori chơi đùa chung quanh cái bàn ở bộ ghế sa lông, vỗ cánh và gật gù đầu, cái mỏ quặm của nó mở ra và khép lại kêu lên những tiếng chẳng có nghĩa gì nhưng lại rất vui vẻ. Rồi con chim ngừng lại nhịp nhịp bàn chân như đánh nhịp, làm nhà thơ vô cùng thích thú.
   “Nó có biết nói không?” Benyong hỏi Fanlin
   “Không, nó không nói được, nhưng nó rất khôn và biết nhận ra tiền.”
   “Cậu nên dạy nó nói. Đến đây nào, chú bạn nhỏ.” Benyong ra dấu gọi con két, nhưng nó chẳng thèm dể ý đến bàn tay mời gọi của nhà thơ.
   Không khó khăn chút nào, Fanlin thuyết phục nhà thơ đồng ý cho anh sửa chữa những chữ không hát được, với điều kiện là hai người sẽ thảo luận trước khi Fanlin muốn thay đổi bằng chữ khác. Đến giờ ăn trưa cả hai cùng đến một nhà hàng nhỏ ở gần đấy và mỗi người gọi một miếng pizza loại cá nhân chứa trong cái chảo con. Dùng khăn giấy màu đỏ, thấm chung quanh khóe môi, Benyong nói. “Tôi thích chỗ này và ăn trưa ở đây một tuần năm ngày. Đôi khi tôi cũng sáng tác hay sửa chữa các bài thơ của tôi ở đây. Xin chúc mừng.” Nhà thơ nâng ly bia và cụng với ly nước của Fanlin.
   Fanlin rất ngạc nhiên vì lời nói của nhà thơ. Benyong không đi làm lãnh lương bình thường như mọi người và chuyện sáng tác thơ của ông chẳng kiếm được nhiều tiền; không có mấy người ở trong trường hợp của ông ta có thể đi ăn tiệm năm ngày một tuần. Thêm vào đó nhà thơ lại yêu thích phim ảnh và âm nhạc. Hai cái kệ cao ngất trong căn hộ của ông ta chứa đầy những CD và càng nhiều DVD hơn. Rõ ràng là nhà thơ được bà vợ, làm nghề y tá, săn sóc chu đáo. Fanlin thấy cảm động trước sự rộng lượng của một người phụ nữ.

   Ăn trưa xong hai người thả bộ dọc theo bờ biển cát trắng, cả hai cùng tháo giày đi chân không. Không khí đầy mùi cá, và điểm một chút mùi khắm thối của rong biển bị vướng cạn trên bờ. Bori thích biển và cứ tiếp tục bay xa, nhảy dọc theo những ngọn sóng liếm bờ hay mổ trên mặt cát.
   “Aaa, ngọn gió biển này làm tôi khỏe hẳn ra,” Benyong nói lúc ông ngắm Bori. “Khi nào tôi đi bộ ở đây, cảnh trí của biển làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Trước sự hùng vĩ bao la của biển, ngay cả những chuyện sinh và tử cũng trở nên nhỏ bé, không quan trọng.”
    “Thế đối với ông điều gì thật sự quan trọng?”
   “Nghệ thuật, chỉ có nghệ thuật mới bất tử.”
   “Đó là lý do ông dâng hiến tất cả thì giờ vào công việc viết?”
   “Vâng, tôi chỉ thích làm nghệ sĩ tự do.”
   Fanlin không nói gì thêm, không thể nào che lấp hình ảnh người vợ đầy lòng hy sinh của Benyong. Bức hình trong phòng làm việc cho thấy bà là một người khá xinh, gương mặt hơi rộng nhưng có nét. Gió thổi mạnh hơn và mây đen đang kéo về từ ngoài biển xa.
   Khi chuyến phà nhổ neo, mây đen đang bao trùm Brooklyn, những sợi chớp im lặng chạy ngoằn ngoèo trên nền trời. Trên boong phà, có một người đàn ông gầy gò râu bạc, đang nói ra rả về những hành động tội lỗi của các công ty lớn. Mắt nhắm tít, lão kêu gào,   “Anh chị em, hãy nghĩ đến những kẻ đã cướp đoạt tất cả tiền bạc đáng lẽ thuộc về anh chị em, hãy nghĩ đến những kẻ đã mang các thứ ma túy ra đường phố để giết chết con em của chúng ta. Tôi biết bọn người này. Tôi thấy bọn chúng làm những điều tội lỗi chống lại Chúa hằng ngày. Cái mà quốc gia này đang cần là một cuộc cách mạng để chúng ta có thể nhốt chúng vào tù hay chở chúng qua Cuba. . .”  Fanlin bị hấp dẫn bởi những con chữ tuôn trào ra khỏi mồm của lão, như thể lão bị quỷ ám, mắt lão lấp lánh ánh sáng lạnh như thép. Những người hành khách khác chẳng ai lý gì đến lão.
   Trong khi Fanlin tập trung chú ý vào lão già, Bori rời khỏi vai của Fanlin và chập chờn bay về các lượn sóng. “Quay lại đây, quay lại đây,” Fanlin gọi, nhưng con két bay dọc theo chiếc phà.
   Bất thình lình một cơn gió mạnh tóm được Bori và cuốn nó vào trong những lọn sóng đang nhào lộn. “Bori! Bori!” Fanlin kêu lên, chạy vội về cuối phà, đôi mắt chàng dán chặt vào con chim đang hụp lặn trong cơn hỗn loạn.
   Chàng đá tung đôi săng đan, nhảy vào trong nước và bơi về phía Bori, vẫn còn gọi tên con két. Một lọn sóng tạt vào mặt của Fanlin và mồm anh ngập tràn nước biển. Anh ho sặc sụa và mất dấu của con két. “Bori, Bori, con đâu rồi?” chàng gọi, nhìn chung quanh cuống cuồng. Rồi chàng nhìn thấy con két đang nằm trên một lọn sóng cách chàng chừng mười mét. Với tất cả sức lực, Fanlin nhào về hướng con két.
   Phía sau chàng, chiếc phà chạy chậm dần và một đám người tụ họp lại trên boong phà. Một người đàn ông xuất hiện với một ống loa. “Đừng lo sợ! Chúng tôi sẽ giúp ông!”
   Cuối cùng Fanlin nắm được Bori, nhưng nó đã trở nên bất động, mỏ há hốc. Nước mắt tràn lên mi của Fanlin đang cay xè vì nước biển lúc chàng đang cầm con két lên nhìn vào mặt nó, dốc ngược nó xuống để giũ cho ráo nước ra khỏi bầu diều của nó. Lúc ấy thì chiếc phà đang quay đầu lại đón Fanlin.
   Người ta thả một chiếc thang xuống. Ngậm Bori trong mồm, Fanlin trèo lên khỏi mặt nước. Khi anh lên sàn tàu, lão râu bạc bước đến chìa cho anh đôi săng đan mà không nói một lời. Người ta tụ tập chung quanh khi Fanlin đặt con chim lên sàn phà làm bằng thép và nhẹ nhàng dùng hai ngón tay nhấn vào bầu diều của con két để đẩy nước ra khỏi thân hình đã mất sinh khí của con két.
   Sấm vang dội từ xa xa và chớp như bẻ đôi vòm trời, tuy nhiên vẫn còn một vạt nắng ở chân trời nơi giáp biển. Khi chiếc tàu lấy lại tốc độ chạy về hướng Bắc, hai bàn chân co quắm của con chim mở ra, và bơi quào trong không khí. “Nó đã tỉnh lại rồi,” có một người đàn ông nào đó kêu lên.
    Đầy vẻ mệt mỏi, Bori mở mắt. Chung quanh mọi người kêu lên những tiếng kêu mừng rỡ trong khi Fanlin khóc nức lên vì mừng và tri ân. Một người đàn bà đứng tuổi chụp hai tấm ành của Fanlin và con két, nói rằng, “Đây là một chuyện phi thường.”

      Hai ngày sau, một bản tin ngắn xuất hiện trong phần Metro của tờ The New York Times, kể lại chuyện cứu con két. Bài báo miêu tả Fanlin đã lao vào trong biển không chút ngại ngần và kiên nhẫn cứu sống Bori. Bài viết rất ngắn không đầy hai trăm chữ nhưng gây tiếng vang trong cộng đồng địa phương. Chỉ trong vòng một tuần một tờ báo Trung hoa, The North American Tribune, in một bài dài về Fanlin và con két có cả hình của cả hai kèm theo.
   Elbert Chang đến vào một buổi chiều đưa nốt phần còn lại số tiền của tác phẩm như đã hứa. Ông ta đã đọc bài báo về việc cứu con két và nói với Fanlin, “chú két nhỏ này thật là không vừa. Trông nó không mấy khôn ngoan tuy thế lại rất nhiều trò quỷ quyệt.” Ông ta đưa tay ra cho Bori, ngón tay ông ta vẫy mời, “Đến đây,” ông dụ dỗ, “Chú mày đã quên việc chú mày ị lên áo tao sao?”
   Fanlin cười to. Bori chẳng muồn nhúc nhích, đôi mắt khép hờ như thể đang buồn ngủ.
   Elbert lại hỏi về tiến triển của vở nhạc kịch, Fanlin chẳng có dịp viết lách gì thêm kể từ khi có tai nạn của con két. Vị Giám đốc trấn an Fanlin là vở nhạc kịch sẽ được trình diễn theo đúng thời điểm ấn định. Fanlin hứa sẽ trở lại với công việc và nỗ lực gấp đôi.
   Mặc dù được mọi người chú ý, sức khỏe của Bori giảm dần đi. Nó không ăn nhiều hay di chuyển chung quanh như trước. Ban ngày nó ngồi ở bậc cửa sổ, thường xuyên nấc. Fanlin cho là có lẽ nó bị cảm hay chỉ bởi vì tuổi già. Chàng hỏi Supriya về tuổi của con két. Nàng không biết nhưng trả lời, “Có thể nó đã bị lẫn đấy.”
   “Em nói thế có nghĩa là thế nào? Bộ nó tương đương với người bảy mươi hay tám mươi tuổi?”
    “Em không biết rõ lắm.”
   “Em có thể hỏi chủ của nó không?”
   “Làm sao em làm được chuyện này khi em đang ở Thái lan?”
   Chàng không hạch hỏi thêm nhưng không vui bởi vì nàng chẳng quan tâm đến Bori. Có lẽ nàng thật sự không còn liên lạc với chủ cũ của con két tuy nhiên Fanlin nghi ngờ chuyện không phải thế.
   Một buổi sáng, Fanlin nhìn vào lồng của Bori, và chàng hoảng hốt, nhìn thấy con két đang nằm bất động. Chàng nhặt Bori lên, cái thân hình gầy gò, không còn sinh khí nhưng vẫn còn hơi ấm. Fanlin không thể ngăn nước mắt khi chàng vuốt lông con két, chàng không thể cứu người bạn của chàng.
   Chàng để cái thi hài nhỏ bé của con két trên bàn ăn và quan sát nó một thời gian rất lâu. Con két nhìn có vẻ yên tĩnh và có lẽ chết trong lúc ngủ. Fanlin tự an ủi là Bori đã không phải hứng chịu tuổi già khốn khổ.
   Chàng chôn con chim dưới gốc cây hạnh nhân sau vườn. Cả ngày chàng chẳng thể làm việc gì nhưng ngồi như người mất hồn trong phòng làm việc. Học trò đến buổi tối ấy nhưng chàng không thể dạy được gì. Sau khi họ ra về chàng gọi điện thoại cho Supriya, nàng có vẻ mơ màng ngáy ngủ. Với tiếng nấc nghẹn trong cổ chàng bảo với nàng, “Bori đã chết sáng nay.”
   “Trời ơi, anh làm như thể anh em của anh qua đời vậy.”
   “Anh buồn quá!”
   “Em xin chia buồn, nhưng mà đừng có làm trò kỳ cục như thế, anh không nên khó khăn với mình.     Nếu anh nhớ con két nhỏ ấy quá anh có thể mua một con khác ở tiệm bán chim.”
   “Nó là con két của em.”
   “Em biết. Em đâu có trách anh. Em không nói chuyện được nữa, cưng ạ. Em cần phải đi.”
   Fanlin không ngủ được mãi cho đến gần sáng đêm ấy. Chàng ôn lại cuộc đàm thoại với Supriya, cảm thấy giận ghét nàng như thể nàng chịu trách nhiệm cho cái chết của Bori. Điều làm chàng tức giận là thái độ thản nhiên của nàng. Có lẽ nàng đã gạt con chim ra khỏi tư tưởng của nàng từ lâu lắm rồi. Chàng tự hỏi không biết mình có nên tình nguyện dứt tình yêu với nàng khi tháng sau nàng về, bởi vì chuyện chia tay chàng biết trước sau gì cũng sẽ xảy ra.

   Rất nhiều ngày Fanlin bỏ dạy học và dồn hết tâm trí vào việc soạn vở nhạc kịch. Dòng nhạc chảy ra từ ngòi bút của chàng khá dễ dàng, giai điệu rất uyển chuyển và tươi mát đến độ chàng phải ngưng lại để tự hỏi mình có vô ý thức sao chép lại nhạc của các nhà soạn nhạc vĩ đại tiền bối hay không. Không, tất cả mọi nốt nhạc chàng chép xuống đều là của chàng.
   Chàng bỏ bê việc dạy nhạc đến độ các học sinh lo ngại. Một buổi chiều họ đến mang theo một cái lồng trong đó có một con két màu vàng tươi. “Chúng tôi mang cái này đến tặng cho thầy,” Wona bảo Fanlin.
   Tuy không có con két nào có thể thay thế Bori, Fanlin rất quí cử chỉ này vì thế chàng đồng ý để con két mới được ở trong lồng của Bori. Chàng bảo họ trở lại học tối hôm ấy.
   Con két đã có tên: Devin. Mỗi ngày Fanlin bỏ mặc nó, không nói lời nào với con két mặc dù nó nói được nhiều chữ, kể cả những tiếng chửi thề nói tục. Đến giờ ăn Fanlin cũng cho một ít thức ăn chàng đang ăn lên đĩa của Bori đưa cho Devin, tuy thế chàng thường để cửa lồng mở toang, hy vọng là con chim sẽ bay đi.
   Phần hai của vở nhạc kịch hoàn tất. Khi Elbert Chang đọc vở nhạc kịch, ông ta gọi Fanlin muốn được gặp chàng. Sáng hôm sau Fanlin đến văn phòng của Elbert, không biết ông ta muốn thảo luận việc gì.
   Ngay sau khi Fanlin ngồi xuống, Elbert lắc đầu và mỉm cười. “Tôi hơi thắc mắc, tại sao phân nửa này rất khác phân nửa trước.”
   “ Ông muốn nói là hay hơn hay dở hơn?”
   “Tôi không thể nói điều ấy, nhưng phần hai có vẻ có nhiều cảm xúc hơn. Cậu thử hát một hai đoạn xem sao.”
   Fanlin hát hết đoạn này đến đoạn kia với một niềm thương tiếc, như thể nhạc đang tuôn trào ra từ đáy lòng chàng. Chàng cảm thương cho người nhạc sĩ mù, nhân vật chính trong vở nhạc kịch, cảm thán qua tấm lòng của nhân vật, nỗi mất mát người ông yêu, một cô gái rất đẹp trong làng bị cưỡng ép kết hôn với vị đại tướng để làm vợ lẽ của ông ta. Giọng của Fanlin  run rẩy, điều này chưa bao giờ xảy ra khi chàng biểu diễn trước đây.
   “A, bài hát buồn quá,” người phụ tá của Elbert kêu lên. “Nó làm tôi muốn khóc.”
    Lời nói của cô gái xoa dịu tâm hồn của Fanlin. Rồi chàng hát thêm vài đoạn từ phân nửa đầu tiên, nó có vẻ thanh lịch và nhẹ nhàng, đặc biệt là những điệp khúc xảy ra suốt vở nhạc kịch.
   Elbẻt nói, “Tôi biết chắc là phân nửa sau diễn tả tình cảm rất đạt. Nó có tâm hồn hơn – một nỗi tưởng tiếc mà không oán hận, âu yếm mà không ủy mị. Tôi phục lắm.”
    “Rất đúng,” cô gái phụ tá nói góp vào.
    “Tôi phải làm gì đây?” Fanlin thở dài.
   “Làm cho cả vở kịch phù hợp với nhau,” Elbert đề nghị.
   “Chuyện này phải vài tuần mới xong.”
   “Chúng ta có đủ thì giờ.”
   Fanlin chuẩn bị sửa lại phần nhạc của vở kịch, đặc biệt là phần đầu. Chàng làm việc chăm chỉ quá nên sau một tuần chàng ngã bệnh và phải nằm tịnh dưỡng trên giường. Ngay cả khi nhắm mắt chàng cũng không thể trấn áp được tiếng nhạc vang vọng trong đầu. Ngày hôm sau chàng trở lại công việc soạn nhạc. Mặc dù mệt mỏi, chàng cảm thấy sung sướng, có thể nói ngây ngất đến xuất thần, trong công việc sáng tác này. Chàng bỏ lơ Devin hoàn toàn, ngoại trừ việc cho nó ăn. Con két thỉnh thoảng mon men đến cạnh chàng nhưng chàng quá bận nên không để ý đến nó.

   Một chiều, sau khi làm việc nhiều giờ, chàng nằm nghỉ ngơi trên giường. Devin đậu xuống bên cạnh chàng. Con két ngúng nguẩy cái đuôi chim dài màu xanh ở ngọn, rồi nhảy lên ngực của Fanlin, nghiêng đôi mắt hạt cườm nhìn chàng. “An khẻ khan?” con két kêu quang quác. Đầu tiên, Fanlin không hiểu những chữ phát âm không rõ này, nó nói như một người đứt hơi. “An khẻ khan?” Con chim lập lại.
   “Khỏe, tôi khỏe lắm.” Fanlin mỉm cười, nước mắt dâng lên.
   Devin bay đi và đậu lên cánh cửa sổ mở hé. Cái màn trắng bay phất phơ trong gió nhẹ như thể bắt đầu khiêu vũ; bên ngoài lá cây tiêu huyền rì rào. “Quay lại đây,” Fanlin gọi. 

NTHH



Ha Jin, tên thật là Xuefei Jin sinh ngày 15 tháng Hai năm 1956. Chữ Ha lấy từ tên thành phố Harbin Ha Jin rất yêu mến. Ông sinh ra ở Liaoning Trung Hoa đến Hoa Kỳ năm 1984 bắt đầu viết về Trung Hoa bằng Anh Ngữ. Ông được giải thưởng National Book Award, PEN/Faulkner Award cho quyển Waiting (Đợi Chờ) năm 1999. Ông ba lần được giải thưởng Pushcart. Nhiều truyện ngắn của ông được xuất bản trong tuyển tập The Best American Short Stories (Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Hoa Kỳ). Tác phẩm War Trash (Rác Rến của Chiến Tranh) năm 2004 được giải thưởng PEN/Faulkner lần thứ nhì đưa ông lên cùng vị trí với John Updike và John Edgar Wideman. Tác phẩm này cũng vào vòng chung kết giải Pulitzer. Ông hiện đang dạy ở Đại học Boston.

thơ đinh cường


Bài nhớ thân trọng điền trang và đỗ tư nghĩa



                                             Pho Nui. Tranh Dinh Cuong


Người một mình trên đà lạt
tháng này hay mưa chiều không
mưa chiều qua rừng thông xanh
qua hàng hiên nhà dưới dốc

dốc rất sâu đi bước chậm
mấy hòn đá xanh lởm chởm
cửa mở nhìn ra vực sâu
ám ảnh nào hơn hố thẳm

người ở một mình ốm teo
cứ ngồi dịch từng trang chữ
và bài ngợi ca tình yêu
người ở bên đồi gió hú

đà lạt mưa chiều buồn không
tháng chín nơi này lá đổ
mùa thu về mùa thu về
đỗ thư nghĩa ơi rất nhớ

Virginia, 21 Sept 2011

ĐINH CƯỜNG

Huế, ngày cách mạng mùa thu



Anthony Grey - Nguyễn Ước



Trăng Huyết là bộ trường thiên lịch sử tiểu thuyết lấy bối cảnh Việt Nam từ năm 1925 tới đêm 29.4.1975. Bản gốc là Saigon của Anthony Grey, viết bằng tiếng Anh, xuất bản năm 1982. Hai mươi năm sau, Nguyễn Ước phóng tác thành Trăng Huyết, và được A. Grey chấp thuận cùng đứng tên đồng tác giả bản tiếng Việt. Từ năm 2004 tới nay, Trăng Huyết đã in tới lần thứ ba, đồng thời được tải trên hàng chục trang web trong và ngoài nước với hàng triệu lượt vào đọc (có thể truy cập qua google.com).
Hôm nay, trong không khí se lạnh của mùa thu, với những cuộc xuống đường trong mưa ở quê nhà, trong dự cảm những gì to lớn  sắp xảy ra trên dòng lịch sử biến động không ngừng, chúng tôi mời các bạn sống lại mùa thu ở Huế cách đây hơn nửa thế kỷ, qua một vài trích đoạn của Trăng Huyết của Anthony Grey và Nguyễn Ước.

CHƯƠNG 12
...    Hôm đó là ngày 29 tháng Tám. Cuộc nổi dậy cướp chính quyền bùng lên từ huyện Phong Điền mười một ngày trước, tới nay đã lan khắp các huyện trong tỉnh. Khí thế cách mạng đêm ngày cuồn cuộn như nước nguồn từ dãy Trường Sơn hằng năm đổ về. Tên Hồ Chí Minh xuất hiện và mang đầy vẻ bí ẩn trên cửa miệng thì thầm của những người có hoạt động quốc sự, làm lòng họ thêm nôn nao hy vọng. Tuy thế, nhiều người vẫn tự hỏi có quả thật ông ấy là Nguyễn Ái Quốc, một người chống Pháp đòi độc lập tự do cho dân tộc, mà tên tuổi đã đi vào truyền thuyết. Hầu như không người nào trong họ biết rõ “cách mạng” là gì nhưng không hiểu sao âm thanh của hai tiếng ấy làm tim họ đập rộn ràng. Nó như hiệu lệnh thúc họ đứng lên chiến đấu, để chấm dứt những ngày dài nô lệ đói rét, để mọi người được ăn no mặc ấm, và để đất nước từ nay sạch bóng bọn tây đô hộ cùng đám tham quan ô lại và cường hào ác bá. 
    Trong lúc lâng lâng với những ý nghĩ đó, họ cảm thấy rùng mình, như có linh cảm mơ hồ về những gian nan sắp tới. Là người sống bằng mồ hôi của chính mình, họ biết việc gì trên đời cũng có cái giá của nó. Cách mạng, nếu như thế, cũng có thể đưa tới chiến địa, tù ngục và huyệt mộ dành cho con cái họ, thậm chí bản thân họ. Riêng với thanh niên, hai tiếng “cách mạng” nghe rất nôn nao, như thể sắp có một cuộc đổi đời, say sưa và tích cực. Đầu họ ngẩng cao thách thức. Chân đi trên thửa ruộng còn đầy gốc đay mới đây bị trồng thay lúa, mà máu huyết cứ rần rật sôi trong người. Sợi gân sau cổ chân cứ co giật, muốn bung lên về phía trước, xung phong lao tới một đối phương đang đợi sẵn. Cách mạng, nghe rất quốc sự và đầy ước vọng, như thể cuộc đời họ sắp được kéo lên từ chốn hiện tại mịt mù nhất, đem họ đi thật xa, ra khỏi nơi thôn làng tù túng và cơ cực. Họ sẵn sàng hiến dâng tâm hồn, thể xác và tuổi xuân cho cách mạng. Họ hân hoan chấp nhận cuối con đường quang vinh đó có thể là huyệt mộ. Nhưng được chết ngửa mặt với vũ khí trong tay còn hơn chết bằn bặt tù đày hoặc sống đày đọa với sưu cao thuế nặng. Và họ tin tưởng, như đinh đóng cột, rằng những kẻ đang kêu gọi họ đứng lên đấu tranh kia là người cùng chung thân phận, cùng da vàng máu đỏ, và hơn nữa, đồng một bào thai dân tộc, nên sẽ không bao giờ lường gạt hoặc phản bội họ. 
….
    Qua cửa Chánh Tây rồi cửa Hữu, dưới hàng ngàn dây cờ đỏ sao vàng bay phất phới và các biểu ngữ có cùng nội dung với các khẩu hiệu, đoàn người dừng chân gần cầu Bạch Hổ. Tại đây, họ nhập chung một đoàn hàng ngàn người dân khác cũng đang tưng bừng khí thế, từ Văn Thánh Kim Long kéo xuống. Thay vì chọn con đường ngắn nhất qua cầu Bạch Hổ, đoàn người rẽ về hướng đông, tiến bước trên con đường rộng thênh thang giữa sông Hương và hoàng thành, dẫn tới cầu Tràng Tiền.
    Tiếng hô khẩu hiệu lại tràn lên tường thành và dội xuống, lan xa mặt nước khiến dòng sông Hương thường ngày trầm lặng hôm nay bỗng như rùng mình, nghiêm trọng chứng kiến những giờ phút đổi thay của lịch sử. Ngang Phú Văn Lâu, các thanh niên thiếu nữ phấn chấn hô khẩu hiệu to hơn khi thấy trên kỳ đài đã phất phới lá cờ đỏ sao vàng thay cho cờ vàng của nhà vua và chính phủ. Từ mấy ngày nay, Ủy ban Khởi nghĩa đã hạ cờ vàng xuống, kéo cờ đỏ lên trước khí thế dũng mãnh của dân chúng kinh đô và sự hoang mang co rút của nhà vua cùng nội các. Lính Nhật đang đóng cửa trại chờ quân Trung Hoa tới giải giới. Lính Pháp vẫn bị cầm giữ trong Mang Cá từ ngày Nhật đảo chánh. Lính khố đỏ rã ngũ từ năm tháng trước. Lính khố xanh, khố vàng và lính hộ thành đã ngã theo cách mạng. 
    Phố xá Huế hôm nay không mua bán nhưng nhộn nhịp khác thường với cờ xí đỏ rợp trời. Nhà nhà đua nhau may cờ, may biểu ngữ. Đường phố tấp nập người đi lai. Có kẻ cầm trên tay thanh đại đao sáng quắc. Có kẻ cầm khẩu súng mút-cơ-tông dài thòng thường bị dân địa phương gọi đùa là “đùi giữ vịt”. Không một ai ra đường hôm nay với thẻ ngà đeo trước ngực. Cầu Tràng Tiền rung lên theo nhịp chân đi. Hai bên thành cầu, những bức tranh cổ động trên đó vẽ cánh tay cầm búa vung lên đập tan xiềng xích cũng rung theo như có hàng chục chiếc búa quật mạnh trong nắng mai dập dờn sóng nước.
    Vừa qua khỏi cầu đoàn người đã thấy rộn rịp từ xa thêm ba đoàn người nữa cũng đang rầm rập kéo đến như họ. Một từ Hương Thủy tập trung ở cánh đồng Dạ Lê kéo ra, qua cầu An Cựu. Một từ Nam Giao và Long Thọ tập trung ở Ga Huế kéo xuống. Một từ Phú Vang tập trung ở cánh đồng Nam Phổ kéo lên qua ngả Đập Đá; đoàn thứ tư này khí thế oai mãnh nhất. Đi đầu đoàn là cả trăm nam nữ thanh niên tay cầm dao phay hoặc trường côn, chân bước rầm rập như tiêu biểu cho khí thế và tinh thần chuộng võ của thanh niên xứ thần kinh. Họ là môn sinh võ phái gốc Việt chính tông Bạch Hổ Sơn Quân của dòng họ Nguyễn Hữu từng sản sinh nhiều danh tướng bảo vệ xứ Đàng Trong. Về sau, một môn sinh ưu tú là Giáo Hiến đã mang vào dạy cho anh em Tây Sơn, làm thành võ Bình Định. Nó cũng theo chân Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và đoàn lưu dân vào nam lập nên võ học Tân Khánh Đồng Nai.
   Bốn đoàn nông dân gồm trên bốn vạn người, như bốn dòng nước nguồn chảy cuồn cuộn về Sân Vận Động. Ở đó, cả bốn nhập làm một trong tiếng loa, tiếng máy phóng thanh oang oang giọng của chủ tịch Ủy ban Khởi Nghĩa, đồng thời cũng là Ủy ban Nhân dân Cách mạng, một thanh niên thi sĩ mới ngoài hai mươi tuổi. Anh say sưa báo tin từng giờ từng phút bước chân của phái đoàn đại diện Việt Minh đang theo con đường cái quan vào gần tới Huế.


    Hai giờ chiều hôm đó, tại Thế Miếu thờ vua Gia Long và các tiên đế, tọa lạc bên hữu điện Thái Hòa, sau nửa giờ chờ đợi “văn võ bá quan” nhưng cuối cùng chỉ có mặt bốn cận thần nội cung, hoàng đế Bảo Đại ra hiệu cho quan nghi lễ đại thần đốt trầm rồi thắp nhang đưa cho mình. Ông cầm lên nắm nhang, vái ba vái và quì xuống, lâm râm cáo yết liệt tiên đế về dự tính thoái vị. Sau khi đê đầu xuống chiếu bốn lần, ông đứng dậy và vái ba vái. Thay vì trao nắm nhang cho quan chấp sự, ông đích thân lần lượt cắm từng cây nhang vào lư hương trên bảy án thờ. Rơm rớm nước mắt, không biết vì xúc động hay vì không quen nhang khói, ông đưa lưng bàn tay lên chà xát đôi mắt. Lòng âm thầm tự hỏi phải chăng đây là lần cuối được làm lễ tại tôn miếu của các đấng tiên vương. 
   Bước ra khỏi Thế Miếu, nhà vua tần ngần đứng nhìn chín cái đỉnh đồng chạm hình mặt trời, mặt trăng, núi sông hoa cỏ, các giống động vật, thực vật và đồ binh khí, xe thuyền của nước Việt. Mỗi cái đỉnh lấy chữ trong miếu hiệu của một tiên vương. Cửu đỉnh tượng trưng cho tính chính thống của thiên mệnh. Sức nặng của chúng tượng trưng cho trường trị. Đưa tay rà theo lưng chiếc đỉnh chạm hình núi sông, nhà vua hít vào thật sâu và tự hỏi, lúc này câu “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” chẳng còn linh nghiệm, liệu rằng Ất Dậu năm nay có ứng với câu “Thân Dậu niên lai kiến thái bình” không, hay lời sấm ấy mãi mãi chỉ là nỗi hoài mong để làm nguôi ngoai những điêu linh của một dân tộc mấy trăm năm nay sống trong chia lìa, loạn lạc?
   Hoàn tất lễ cáo yết, Bảo Đại quay về lầu Kiến Trung trong Tử cấm thành. Ở đó cùng hoàng hậu Nam Phương và thái tử Bảo Long, ông ngồi cho bốn cận thần làm lễ cáo biệt như một thể thức bày tỏ lòng trung quân sau cùng, thay mặt “văn võ bá quan” lúc này hoang mang lo sợ tới độ không dám đặt chân vào Đại Nội. Hoàng đế cố giữ nét mặt thản nhiên trong khi hoàng hậu có vẻ cảm động rơm rớm nước mắt. Nhìn viên Tổng lý ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe cúi mình vái thật thấp Ngài Ngự rồi Ngài Hoàng trong khi Nam Phương không muốn ngó thẳng mặt kẻ vái biệt mình, Bảo Đại tự hỏi không biết họ Phạm kia là người thành tâm với vận nước hay chỉ là kẻ đón gió. 
   Qua những lần đi lại như thoi đưa với Việt Minh, suốt mười ngày nay họ Phạm dai dẵng thúc giục đức vua thoái vị, trao quyền cho Mặt trận Việt Minh. Dẫn chứng câu sấm bảo là của Trạng Trình cách đây 300 năm: “Đụn Sơn phân giái, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh”, nghĩa là: “Khi nào núi Đụn Sơn tự tách ra, khe Bò Đái mất tiếng kêu, thì có thánh nhân ra đời tại huyện Nam Đàn”, họ Phạm thuyết phục rằng chính Hồ Chí Minh, người Nam Đàn, là vị thánh nhân đó. 
   Khi thấy họ Phạm đích thân kiểm tra từng chút một tài sản trong Đại Nội, Bảo Đại đã hỏi thấp giọng:
   - Thầy nói cho Trẩm biết việc tái kiểm kê các thứ tài sản để chuẩn bị giao cho chính quyền cách mạng tới đâu rồi?
   - Tâu đã hoàn tất. Chỉ là xác nhận bản kiểm kê lập mỗi dịp lễ Phất thức hằng năm. Quí giá nhất vẫn là các đồ vật bằng vàng bạc ngọc ngà châu báu của liệt tiên vương, hiện cất trong hầm lớn dưới mái sau của điện Càn Thành. Chờ tới lúc Ngài Ngự ban xong Chiếu Thoái vị là trao ngay danh sách cho đoàn đại biểu chính phủ Việt Minh.
   Lưỡng lự đôi chút rồi đức vua hỏi bâng quơ:
   - Không biết những bảo vật này rồi sẽ ra sao nhỉ?
   Phạm Khắc Hòe trả lời tươi tỉnh:
   - Tâu, đại diện Việt Minh đã cam kết với thần rằng chúng là tài sản văn hóa của dân tộc. Chúng sẽ dược chính quyền cộng hòa bảo quản nghiêm minh và đưa hết vào viện bảo tàng.

* * *
   Thụ lễ cáo biệt xong, Bảo Đại ra lệnh bí thư họ Phạm ở lại để cùng ông duyệt lần chót Chiếu Thoái vị. Nam Phương hoàng hậu rời lầu Kiến Trung, bắt đầu dạo Ngự Viên như mọi ngày. Bà đi thơ thẩn ngắm các hòn giả sơn. Ánh nắng xiên khoai buổi chiều mùa thu không chói chang nhưng cũng đủ làm lấm tấm mấy giọt mồ hôi hai bên thái dương dưới mái tóc búi. Hoàng hậu thở dài, đặt chân xuống con đường sạn dẫn tới chiếc cầu nhỏ bắc qua Tiểu Ngự hà. Những hạt sỏi trên mặt đường cồm cộm dưới đế giày cườm như nhắc nhở Nam Phương rằng đây hẳn là lần cuối cùng còn bước đi giữa khu vườn xinh đẹp này. Chỉ ngày kia thôi, hoàng gia sẽ dời sang cung An Định, bên bờ sông An Cựu. 
    Trong nắng chiều vàng nhạt, màu trắng của chiếc quần sa tanh và màu đỏ của chiếc áo vóc làm bà nổi bật lên giữa màu tía của Tử cấm thành, màu vàng của Đại nội và màu của ngàn hoa vẫn khoe sắc trong Ngự Uyển.  Bỗng dưng hoàng hậu lắc lắc đầu như muốn xua đi giấc mơ đêm qua. Ở một nơi rất xa, trong trời tờ mờ sáng tại một làng nhỏ vùng bắc nước Pháp, và từ một góc thật sâu đâu đó, hình như bà hoặc linh hồn của bà thấy người ta khiêng chiếc quan tài màu đen vào ngôi nhà thờ nhỏ. Những ngọn nến đỏ lung linh. Cha sở mặc áo đen. Bài kinh Requiem đã cũ được ca đoàn áo đen, khăn quàng cổ trắng, hát lên bằng tiếng la-tin nghe thật luyến tiếc. Chung quanh di thể bà chỉ có mặt mấy người con, hai người hầu và các phụ nữ Pháp. Phải chăng đó là viễn tượng ngày lìa đời của một người không thật sự muốn làm hoàng hậu. Bà không biết. Nhưng trong nắng quái chiều nay, những chiếc áo đen và điệu nhạc cầu hồn ấy nhắc bà nhớ tới chiếc áo thiên thanh và điệu nhạc khiêu vũ mười hai năm trước.






   Khi Marie Thérèse Nguyễn Hữu thị Lan cùng người cậu ruột vượt qua mấy đoạn tầng cấp hai bên xếp dọc những chậu cây thiên tuế, đặt chân lên thềm Khách sạn Langbian Palace, buổi dạ vũ đã bắt đầu từ lâu; tua vũ nhạc vừa sang vòng thứ hai. Gió hồ Xuân Hương thổi lên lành lạnh, tỏa vào sương đêm mùi hương hoa cỏ Đà Lạt lan xa từ vườn hoa thành phố dưới chân đồi cù, mé bên kia mặt hồ. Viên đốc lý người Pháp  – thị trưởng Đà Lạt  – mừng rỡ chạy ra đón hai cậu cháu và vội vàng dẫn vào trình diện nhà vua trẻ đang ngồi hờ hửng trong chiếc ghế bành-tô một đầu sảnh đường.
    Đó là một đêm mùa hạ năm 1933, thời khắc mở đầu cho cuộc hôn nhân vương giả. Nguyễn Hữu thị Lan khép nép quì một gối, cúi đầu sát sàn nhà, vái chào nhà vua chỉ hơn mình một tuổi. Bảo Đại xao xuyến nhìn vị tiểu thư miền nam với vẻ đẹp sắc sảo phương tây và nét đơn sơ trong chiếc áo dài màu xanh da trời mộc mạc. Cách đây một năm, hai người chung chuyến tàu hồi hương nhưng không có cơ hội quen nhau. Một đằng là quốc chủ một nước. Một đằng là tiểu thư vừa tốt nghiệp trường nữ trung học Couvent des Oiseaux nổi tiếng của Paris, thích thể thao và cuộc sống ngoài trời. Nàng lại thuộc một dòng họ giàu sang nhất miền nam, cháu ngoại vị huyện quan từng bỏ tiền xây một thánh đường tuy không lớn nhưng thuộc loại đẹp nhất Sài Gòn. Cô tiểu thư ấy không bao giờ có ý nghĩ mình sẽ là hoàng hậu. Tối nay, nể lời người cậu lỡ hứa với thị trưởng, nàng dự tính chỉ ghé qua cuộc dạ vũ, vái chào đức vua rồi ra về. Vừa lúc người cậu nâng Marie Thérèse đứng lên và nhạc trổi tango, nhà vua trẻ hào hoa đưa tay mời ra sàn nhảy. Từ đó, tiếng nhạc dập dìu ấy đi vào cuộc đời của hai người, và mãi mấy năm sau hoàng hậu mới biết tất cả đều do sự dàn dựng của Toàn quyền Đông Dương và triều đình. 
   Qua năm sau, Nguyễn Hữu thị Lan nhận lời cầu hôn với điều kiện đám cưới cử hành theo nghi lễ Công giáo, được phong làm hoàng hậu, để ràng buộc nhà vua sống đời một vợ một chồng. Bảo Đại hân hoan đồng ý và ban tặng danh hiệu Nam Phương, bà hoàng miền nam có nhan sắc phương tây.
   Về với hoàng triều khi vừa hai mươi tuổi, khoác áo chim trĩ lên người để làm nữ chủ nhân Tử cấm thành, bà dần dà thu phục được lòng mến cảm của tôn nhân phủ vốn sùng bái đạo Phật cùng đạo Tổ tiên, đa nghi đạo Công giáo, và cảm thấy “điềm gở” của hai tiếng “hoàng hậu.” Từ thời Minh Mạng, các tiên vương đã tuân theo di ngôn ngũ bất lập: không lập hoàng hậu, không lập đông cung, không lập tể tướng, không lập trạng nguyên và không phong tước vương. Chỉ tới triều Khải Định, nhà vua mới phong cho hoàng tử Vĩnh Thụy làm đông cung. Và sang triều này, Nam Phương mới được phong hoàng hậu.
   Mười một năm làm hoàng hậu, Nam Phương sinh cho đức vua hai hoàng tử và ba công chúa. Thường ngày, ngoài việc giáo dưỡng các con bà thỉnh thoảng phải cùng quan chức bộ Lễ bàn thảo các lễ lạc trong cung đình, lo việc cúng giổ liệt tiên đế, vấn an các bà Tiên cung và mẹ chồng, bà Từ Cung Hoàng thái hậu. Dần dà, dáng đi uyển chuyển, khuôn mặt thùy mị và giọng nói miền nam mềm mại như chim hót của bà chinh phục được hầu hết triều thần, đặc biệt khi họ thấy bà tuyển cho nhà vua những cận thần chính trực để làm quan nghi lễ hay quan ngự tiền. Họ hiểu ra rằng hoàng hậu muốn nhà vua hành xử đúng với đế hiệu Bảo Đại là xây dựng một “triều đại huy hoàng vĩ đại.” 
    Nhưng rồi khi thấy những khích lệ của mình không củng cố nổi người chồng thiếu bản lãnh quân vương, bà bắt đầu can thiệp tích cực hơn và có những hoạt động riêng của mình. Bà hiện diện nhiều hơn trong các buổi đón tiếp quốc khách, tham dự công tác xã hội, thăm các trường học, hội nam nữ hướng đạo,v.v. Bà vận động đưa môn nữ công gia chánh vào học đường và khích lệ các nữ sinh sánh vai với nam giới. Bà cổ vũ tinh thần yêu nước, xem ba miền đất nước cũng chỉ thuộc về một dân tộc. Bà là hoàng hậu đầu tiên của nhà Nguyễn có những hoạt động văn hóa xã hội bên ngoài hoàng thành và tạo được sự trọng nể của đám tây thuộc địa kiểu cách. Khi học giả Trần Trọng Kim thành lập nội các, chính Nam Phương là người gợi ý cho ông đưa nhiều phụ nữ vào các hội đồng chính phủ.
   Hai ngày sau khi Nhật đảo chánh chính quyền Pháp ở Đông Dương và muốn Bảo Đại thành lập thể chế quân chủ lập hiến theo kiểu Thiên Hoàng, đức vua đã cùng các thượng thư trong nội các Nam triều đồng ký Bản Tuyên ngôn Độc lập do Phạm Quỳnh soạn; tuyên bố nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp; thống nhất nam trung bắc; và hủy bỏ tất cả các hiệp ước Pháp Việt trước đây. Nhà vua trao cho nhà giáo kiêm học giả Trần Trọng Kim chức thủ tướng và quyền lập chính phủ của Việt Nam. Đây là một chính phủ đa nguyên, với thành phần bộ trưởng hầu hết là trí thức, chuyên gia yêu nước, phát xuất từ các địa phương và các khuynh hướng chính trị khác nhau. Ngày trình diện nội các ở điện Cần Chánh, vị thủ tướng đầu tiên của Việt Nam mừng rỡ khi nghe nhà vua nhắc đi nhắc lại ba chữ “Dân Vi Quí” kèm theo lời hứa từ nay Trẫm đích thân lo việc nước. Chỉ một tháng sau, lời hứa ấy chìm dần vào những cuộc đi săn và những trò tiêu khiển phóng túng quen thuộc của nhà vua. 
   Nội các của họ Trần bề ngoài gồm những người đủ tài đức nhưng sâu bên trong họ là những trí thức theo chủ nghĩa dân tộc, không làm chính trị theo lối thủ đoạn và họ thật bụng tin người đồng chủng. Trong bốn tháng chấp chánh ngắn ngủi, họ gây được mầm hứng khởi cho trí thức, thanh niên và dân chúng. Họ làm được khá nhiều việc, như phóng thích tất cả chính trị phạm, cải tổ và Việt hóa giáo dục, cổ động và tiến hành bài trừ quan lại tham ô, phát động phong trào thanh niên dấn thân và phục vụ, cổ vũ nữ quyền, xóa nạn mù chữ, v.v. Nhưng đó chỉ là một nội các thời bình, không biết tới hai chữ thời cơ. Họ chưa có kinh nghiệm để có những cái nhìn chính trị thực tế và sâu sắc cùng những biện pháp uyển chuyển trước một Hồ Chí Minh đầy quyền biến mưu lược và là kẻ tự động chọn họ làm đối thủ. 
   Chỉ mới nghe Mặt trận Việt Minh cam kết đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc và dù chưa biết rõ Hồ Chí Minh là ai, nhưng khi thấy quần chúng tưng bừng ủng hộ cờ đỏ sao vàng họ đã cảm thấy mình ở thế yếu. Chưa đầy một tuần sau vụ cướp diễn đàn của Việt Minh tại Nhà Hát lớn Hà Nội, họ phần vì e ngại viễn ảnh một cuộc nội chiến Bắc Nam, phần vì mặc cảm có xuất xứ từ ảnh hưởng của Nhật, đã vội vàng chuẩn bị từ chức. Họ vừa thụ động vừa yên chí chờ Hồ Chí Minh vào Huế lập chính phủ để bàn giao, cũng trong khuôn khổ thể chế quân chủ lập hiến với Bảo Đại tiếp tục làm hoàng đế. 
   Sau đó, không khí Tử cấm thành chết lặng khi biết ra Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, một phái viên quốc tế bôn-sê-vich, và thể chế sắp tới sẽ là Dân chủ Cộng hòa. Bảo Đại và hoàng gia lo lắng chờ đợi cái chết chắc chắn sẽ xảy tới như của gia đình Nga Hoàng Nicholas II sau năm 1917 hoặc vua Louis XVI cùng hoàng hậu sau cuộc cách mạng Pháp 1789. Cách đây bốn ngày, sau khi đánh điện cho hai Khâm sai Bắc Việt Phan Kế Toại và Nam Việt Nguyễn Văn Sâm bàn giao chính quyền cho Việt Minh, nội các Trần Trọng Kim từ chức. Và mãi tới sáng nay, tại lầu Kiến Trung, nhà vua mới thở ra nhẹ nhỏm khi nhận được sự bảo đảm chính thức của chính quyền cách mạng địa phương rằng sẽ không xâm phạm tính mệnh và tài sản của hoàng gia, giữ gìn lăng tẩm, cung điện, đền miếu của các vua nhà Nguyễn. Như vậy có nghĩa, ngay sau khi làm lễ thoái vị, ông phải ra khỏi Đại Nội; những của cải thật sự của cá nhân ông, hoàng hậu và hoàng thái hậu thì được mang theo và tự do sử dụng; còn tất cả các tài sản của Hoàng đế và Triều đình đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước Cách mạng.

* * *

   Dưới mái lầu Ngũ Phụng lợp ngói thanh lưu ly im mát, chạy dài năm cánh suốt chiều ngang bên trên Ngọ Môn đang mở rộng cửa, Hoàng đế Bảo Đại đứng bên cạnh chiếc long kỷ đặt nơi chính giữa, bồn chồn ngóng đợi. Ông đưa mắt nhìn ra khi hai chiếc xe cắm đầy cờ đỏ chở Trần Văn Kim và phái đoàn Việt Minh vừa xuất hiện khỏi vòm cửa Thượng Tứ trong tiếng hoan hô nhiệt liệt của đồng bào và chạy giữa một rừng cờ đỏ sao vàng vẫy phất phới. Khắp các ngả đường, dân chúng kéo về đây từ lúc hai giờ chiều ngày 30 tháng Tám. Họ đến càng lúc càng đông, lúc này lên tới khoảng một vạn người, đứng chen nhau trên bãi đất thênh thang giữa Ngọ Môn và Kỳ đài. 
   Từ trên cao nhìn xuống, người ta thấy cả một biển người với đầy đủ màu sắc. Những tà áo tím áo xanh thướt tha giữa những thầy giáo quần đen áo trắng. Những nông dân mặc bộ bà ba sờn mòn năm ba miếng vá đứng giữa những kẻ cổ cồn cà vạt mới toanh và những người khăn đóng áo dài tề chỉnh. Những nam nữ học sinh tuổi xuân mơn mởn sát cánh các cụ già bà lão tóc bạc phơ và râu cũng bạc phơ... Rõ ràng mọi tầng lớp xã hội đều có mặt đầy đủ. Đàn ông chọn bộ quần áo mới giặt và tươm tất nhất. Phụ nữ giữ đúng phong tục xứ thần kinh, hễ ra đường là mặc áo dài, dù đi gồng gánh bán buôn. Người nào mặt cũng tươi, mắt phấn khởi long lanh như say men, tắm mình trong bầu không khí cách mạng.
   Cột cao ba khúc kỳ đài không còn treo cờ đỏ sao vàng. Sáng nay, Ủy ban Khởi nghĩa đồng ý cho treo lại lá cờ trước đó, để làm lễ thoái vị của nhà vua. Lá cờ vàng này ở giữa có ba vạch đỏ: hai vạch bên ngoài liền lạc còn vạch ở giữa bị ngắt đều thành hai, theo hình quẻ Li, và theo cái nhìn dân giả, nó đứt đoạn như một điềm gỡ. Màu vàng biểu hiệu cho dân tộc.  Màu đỏ và quẻ Li biểu hiệu cho phương nam, thuộc Hỏa. Đây là lá cờ mới xuất hiện từ tháng Tư năm nay, sản phẩm của chính phủ Trần Trọng Kim và được công nhận là quốc kỳ, thay cho lá cờ long tinh của nhà vua. Cùng với lá quốc kỳ mới là bản quốc ca mới, trưng dụng đoàn ca của Tổng Hội Sinh viên Hà Nội, bài “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước, một nhạc sĩ người miền nam có tinh thần chống Pháp.
   Khi Trần Văn Kim và phái đoàn tới trước cửa Ngọ Môn, đồng hồ điểm bốn giờ. Hai chiếc xe chạy thẳng vào cửa chính giữa của Ngọ Môn rồi dừng lại dưới chân tường thành Đại Nội, sát mé ngoài của cầu Trung Đạo. Phái đoàn vừa xuống xe, một hoàng thân đứng tuổi cùng Tổng lý ngự tiền họ Phạm trịnh trọng bước tới, dẫn đường lên lầu. Bảo Đại ra tận đầu cầu thang đón Trần Văn Kim. Ông đứng trong khi nói mấy câu chào hỏi và suốt buổi lễ, ông vẫn đứng cạnh long kỷ. Trái ngược với y phục thứ dân của phái đoàn Việt Minh, vị quốc chủ mặc áo bào vàng thêu kim tuyến, quần trắng, đầu chít khăn đóng màu vàng và chân đi hài vàng có thêu rồng.
   Bên cạnh ông, một thượng quan lanh lợi, phụ trách nghi lễ cung đình, vận hết hơi sức bê chiếc gối nhung bên trên đặt sẵn các báu vật tiêu biểu cho sức mạnh của vương quyền phát tích từ thời cổ đại: quốc ấn bằng vàng nặng mười ki-lô, và quốc kiếm cắm trong vỏ bằng vàng nạm ngọc. Ông đặt chiếc gối lên một mặt bàn phủ khăn đỏ rồi lui ra. Còn Trần VănKim, khi đưa mắt nhìn và bắt gặp vẻ căng thẳng trên bộ mặt của nhà vua cùng ánh lấp lánh của quốc kiếm, anh cảm thấy tim mình đập rộn ràng. 
   Phái đoàn Việt Minh đến Sân Vận Động Huế lúc hai giờ chiều hôm qua trong cờ xí rợp trời và tiếng reo hò của bốn chục ngàn đồng bào. Sau đó, phái đoàn về nghỉ tại Trụ sở Ủy Ban Cách Mạng Tỉnh tại toà nhà trước đây là Toà Khâm Sứ Pháp, ở mạn nam sông Hương. Từ lúc rời Hà Nội trên chiếc xe tải nhà binh trưng dụng của quân Nhật và vội vã vượt đường trường xuôi nam để vào Huế, tâm trí Kim cứ triền miên ngẫm nghĩ đến giây phút trọng đại này. Con người tượng trưng cho sự hợp tác lâu dài với bè lũ thực dân Pháp, con người tiêu biểu sự sỉ nhục tám chục năm nay tổ quốc gánh chịu, con người đó sắp sửa đầu hàng ngay trước mặt anh và đích thân chuyển giao quyền cai trị. Nhân dân Việt Nam, những kẻ trong thâm tâm bén rễ sâu xa lòng kính ngưỡng  “Mệnh Trời” của hoàng đế, chẳng bao lâu nữa sẽ biết rõ rằng chính đức vua đã nhường cái “thiên mệnh” ấy cho Mặt Trận Việt Minh, nghĩa là giao truyền tính chính thống cho chính phủ của Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
   Riêng Kim, bản thân anh hẳn vô cùng mãn nguyện khi thấy rõ rằng rốt cuộc, trận cải vã dữ dội với thân phụ đã đi đến một kết luận dứt khoát: anh đúng và cha anh sai! Các biến cố đã chứng minh điều đó. Giá như lúc này cha anh được phép tham dự để tận mắt chứng kiến sự kiện hoàng đế đầu hàng đứa con trai của ông, kẻ chín năm trước bị ông khinh miệt hạ lệnh đuổi cổ ra khỏi nhà!
   Dù quyết định thoái vị dễ dàng của Bảo Đại nhằm nghênh đón việc Việt Minh nắm chính quyền ở Hà Nội được dân chúng ca ngợi nhưng nó vẫn làm sửng sốt Trần Văn Kim và các thành phần lãnh đạo khác của Mặt Trận. Sự việc ấy bắt đầu khi một chiến dịch tuyên truyền được dàn dựng kỹ lưỡng bằng những cuộc biểu tình tuy nhỏ nhưng rất ồn ào. Chúng được tổ chức chặt chẽ, tuần hành qua các ngả đường treo đầy cờ Việt Minh với các khẩu hiệu vừa được may vội vã. Từ đó, chúng lẹ làng bùng nổ thành cuộc liên hoan của nhân dân với số người tham dự càng ngày càng đông đảo thêm lên tại các thị thành và làng mạc suốt chiều dài đất nước. 
   Những đám đông tưng bừng ấy không quan tâm tới màu sắc và lập trường chính trị của những kẻ có vẻ như thể trong cùng một lúc, giải phóng nhân dân thoát khỏi tay cả Nhật lẫn Pháp. Họ chỉ biết lòng mình đang rộn ràng phơi phới với độc lập dân tộc, và họ rũ nhau hàng triệu người tuôn ra đường. Còn Bảo Đại, trong cuộc gặp gỡ riêng với đại diện của Ủy ban Khởi nghĩa địa phương tại lầu Kiến Trung vào ngày 25 tháng Tám, ông đã tuyên bố từ bỏ ngai vàng, ngay khi Hà Nội chưa kịp thành lập chính phủ lâm thời. Kết quả, Kim được chỉ định khẩn cấp dẫn đầu một phái đoàn đi Huế để tiếp nhận sự thoái vị của nhà vua.
   Trần Văn Kim cân nhắc rất kỹ lưỡng. Anh ra lệnh cho các thành viên trong phái đoàn khi tới hội kiến phải mặc quần soóc, áo sơ-mi, đi xăng-đan theo kiểu họ thường mặc trong rừng. Khi xe lăn bánh qua cửa Ngọ Môn, Kim thấy lòng mình rung động mãnh liệt. Cửa chính giữa của Ngọ Môn nguyên thủy chỉ dành riêng cho một mình Hoàng đế. Sáu mươi năm trước, việc một Thống tướng người Pháp đòi đi qua cửa này bị triều đình xem là hành động sỉ nhục quốc thể, và đó là một trong các lý do gây ra cuộc đụng độ quân sự tại Huế, đưa tới cuộc thất thủ kinh thành năm 1885.
   Các thành viên của phái đoàn, trong đó hơn một nửa là đảng viên Cộng sản, cùng theo Kim chân bước ung dung, đầu ngẩng cao, quyết tâm chứng tỏ mình không lệ thuộc vương quyền. Nhưng khi vừa bước lên lầu Ngũ Phụng, nhìn qua bên kia sân Đại Triều Nghi và bất chợt bắt gặp quang cảnh uy nghi của điện Thái Hoà, Kim kinh ngạc nhận thấy trong lòng mình bỗng trổi lên một cảm giác e sợ, có tính phản xạ và tiềm ẩn. Anh đã lớn lên trong đức tin vào sự bí nhiệm của “Mệnh Trời”, được biểu thị trong con người đức vua, đấng cai trị từ Điện Thái Hoà ấy, nơi cọp trắng và rồng xanh cùng trú ngụ trong một trạng thái hoà hợp hoàn hảo. 
   Lần đầu tiên Kim được lên lầu Ngũ Phụng thuở còn là một cậu bé tuổi rất nhỏ, hồi hộp bíu chặt tay cha khi thấy khuôn mặt xanh xao bồn chồn của Ngài Ngự Khải Định trên bộ y bào lộng lẫy trong lúc cha anh hãnh diện và cung kính vì được nhà vua hạ cố hỏi han. Mười ba năm sau, anh xỉ vả người con của vị hoàng đế ấy là hình nộm mạ vàng – khi anh càng ngày càng tin tưởng tuyệt đối rằng chỉ có Chủ nghĩa Cộng sản Lê-ni-nít mới cứu nổi quê hương thoát khỏi bàn tay của thực dân Pháp. Nhưng lúc này, khi Kim đứng trước mặt Bảo Đại, những bản năng thời thơ ấu đó dường như chiếu dội trong anh; anh phải cố giữ tỉnh táo để ngăn không cho mình nghiêng đầu trước một hoàng đế. 
    Kim có mang theo trong túi quần soóc một huy hiệu Việt Minh nhỏ màu đỏ chính giữa có ngôi sao vàng, với dự tính sẽ gắn lên áo bào của nhà vua như một cử chỉ tối hậu nhằm xác định quyền tối thượng của Việt Minh. Thế nhưng khi nhìn thẳng vào mặt Bảo Đại, anh vẫn giữ thái độ im lặng có tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng, cố ý đẩy nhà vua lâm vào tình trạng cực kỳ bức xúc và khắc khoải.
   Mở đầu, phụ tá phó trưởng phái đoàn của Kim bước tới mi-crô tuyên bố với dân chúng ý nghĩa của cuộc lễ, loan báo việc Hồ Chí Minh cùng chính phủ sắp ra mắt tại Hà Nội và đọc danh sách chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong tiếng vỗ tay và hô khẩu hiệu kéo dài tới mấy phút của dân chúng, hoàng đế Bảo Đại căng thẳng đưa mắt trống rỗng nhìn người trưởng phái đoàn. Sau khi liếc mắt bồn chồn về phía vị thượng quan mặc áo the đen đứng gần đó, ông tắng hắng rụt rè. Kế đó, ông mở ra một cuộn giấy và bắt đầu đọc với giọng thật trầm:
“Vì hạnh phúc của dân tộc Việt-Nam,
Vì nền độc lập của Việt-Nam,
Để đạt hai mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả, và ước mong rằng sự hy sinh của Trẫm đem lại lợi ích cho Tổ quốc.
Nhận định rằng sự đoàn kết toàn thể đồng bào chúng ta vào giờ phút nầy là một sự cần thiết cho tổ quốc chúng ta, ngày 23 tháng 8, Trẫm đã nhắc lại cho toàn thể nhân dân là: Ở giờ phút quyết định  nầy của lịch sử, đoàn kết có nghĩa là sống, mà chia rẽ là chết.
Chiếu đà tiến dân chủ đang đẩy mạnh ở miền Bắc nước ta, Trẫm e ngại rằng sự tranh chấp giữa miền Bắc với miền Nam khó tránh được, nếu Trẫm đợi sau cuộc trưng cầu dân ý, để quyết định thoái vị. Trẫm hiểu rằng, nếu có cuộc tranh chấp đó, đưa cả nước vào sâu hỗn loạn đau thương, thì chỉ có lợi cho kẻ xâm lăng.
Trẫm không thể không ngậm ngùi khi nghĩ đến các tiên đế đã chiến đấu trên bốn trăm năm để mở mang bờ cõi từ Thuận Hóa đến Hà Tiên. Trẫm không khỏi tiếc hận là trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm không thể làm gì đem lại lợi ích đáng kể cho đất nước.
Mặc dầu vậy, và vững mạnh trong sự tin tưởng của mình, Trẫm đã quyết định thoái vị, và Trẫm trao quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa.”
Nhà vua ngừng lại một chút, đưa mắt nhìn thẳng Trần Văn Kim rồi nhìn từng người trong phái đoàn Việt Minh, giọng ông điềm tĩnh và đầy âm sắc:
“Trước khi từ giã ngai vàng, Trẫm chỉ có ba điều muốn nói:
Thứ nhứt: Trẫm yêu cầu tân chính phủ phải giữ gìn lăng tẩm và miếu mạo của hoàng gia.
Thứ hai: Trẫm yêu cầu tân chính phủ lấy tình huynh đệ đối xử với các đảng phái, các phe nhóm, các đoàn thể đã chiến đấu cho nền độc lập của đất nước, mặc dù không theo cùng đường hướng dân chủ của mặt trận, như vậy có thể giúp cho họ được tham gia vào sự kiến thiết đất nước, và chứng tỏ rằng tân chế độ đã được xây dựng trên tình đoàn kết dứt khoát của toàn thể nhân dân.
Thứ ba: Trẫm yêu cầu tất cả các đảng phái, phe nhóm, tất cả các tầng lớp xã hội cũng như toàn thể hoàng gia phải đoàn kết chặt chẽ để hậu thuẩn vô điều kiện cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa, hầu củng cố nền độc lập quốc gia.” 

   Tới đây, giọng nhà vua bỗng run run nhưng trong khi phát biểu ông cố giữ vẻ điềm tĩnh và đỉnh đạc. Tự nhiên Kim chợt cảm thấy xót xa cho tình thế bẻ bàng của ông. Bảo Đại tiếp tục đọc, giọng ông dần dần lấy lại vẻ quả quyết: 
“Riêng về phần Trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao điều cay đắng. Trẫm muốn làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay, Trẫm lấy làm sung sướng được là dân tự do, trong một nước độc lập. Trẫm không để cho bất cứ ai lợi dụng danh nghĩa Trẫm, hay danh nghĩa hoàng gia để gieo rắc sự chia rẽ trong đồng bào của chúng ta.” 

  Bảo Đại kết thúc với giọng lớn hơn một chút:
   - Việt Nam độc lập muôn năm!
   Rồi cuối cùng, với giọng nghẹn ngào và căng thẳng, ông thêm:
   -Việt Nam dân chủ cộng hoà muôn năm!
   Bảo Đại vừa đọc xong Chiếu thoái vị, trên kỳ đài, lá cờ vàng cũ bị hạ xuống. Lá cờ mới tươi như máu đỏ, long lanh năm cánh sao vàng được một đảng viên Cộng sản trong Mặt trận Việt Minh kéo lên, giữa những tràng khẩu hiệu gào lên như sấm sét và tiếng vỗ tay rào rào như mưa bão. Kế đó, đám động lặng yên nghe 21 phát súng lệnh vang lên, như chào từ giã một quá khứ quân chủ và đón tiếp một kỷ nguyên cách mạng. Tiếng súng lệnh vừa dứt, không nhìn Trần Văn Kim, Bảo Đại bê chiếc gối trên tay vị thượng quan. Bước tới, ông đặt những vật biểu tượng vương quyền xưa cổ đó lên đôi tay của nhà cách mạng trưởng phái đoàn. 
   Bất giác Kim sửng sốt khi thấy hai bàn tay mình bắt đầu run rẩy dưới sức nặng của quốc ấn; cây quốc kiếm nạm ngọc gần như tuột khỏi chiếc gối, sắp rớt xuống sàn điện. Anh gay cấn xoay khuỷu tay ép thanh kiếm lại, rồi vội vàng chuyền chiếc gối nhung cho người phó trưởng phái đoàn. Bước tới sát micrô, Kim bắt đầu đáp từ. Cố ý giữ giọng sang sảng để che giấu những cảm xúc rối loạn trong lòng mình:
   - Công dân Vĩnh Thụy, thay mặt chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chúng tôi rất vui lòng chấp nhận quyết định và ba điều thỉnh cầu của ông. Sự thoái vị của ông giải thoát cho nhân dân Việt Nam khỏi những sợi dây nô lệ ràng buộc nhân dân với thực dân Pháp suốt tám mươi năm dài và mới đây thôi, với phát xít Nhật. Sự thoái vị của ông cũng giải thoát cho nhân dân khỏi một hệ thống chính quyền sâu mọt mà từ lâu đã ngăn chận bước tiến hóa của lịch sử. 

   Nhìn xuống đám đông đang đứng lan ra tới nhà trưng bày súng thần công gần cửa Thượng Tứ, rồi nhìn lại Cựu hoàng Bảo Đại, Kim cất cao giọng hơn:
   - Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám này là kết quả của hàng chục năm tranh đấu anh dũng, kiên cường và bền bĩ của nhân dân cả nước. Nhân danh chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tôi tuyên bố chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ, và thêm lần nữa, nhấn mạnh chính sách của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là đại đoàn kết mọi tầng lớp quốc dân để giữ nước và dựng nước.  Việt Nam độc lập và dân chủ muôn năm!
   Bước tới gần nhà vua, Kim thò tay vào túi quần soóc móc ra cái huy hiệu nhỏ. Bảo Đại lặng lẽ ngước nhìn quá trên vai Kim khi anh thọc cây kim vào chiếc áo bào thêu lộng lẫy. Còn Kim tay run rẩy dữ dội tới độ anh phải mím môi móc lui móc tới mấy lần mới cài được huy hiệu. Và sau cùng, khi Kim lùi lại, huy hiệu lá cờ đỏ có ngôi sao vàng ở giữa lại sút đầu gài, nằm dính lỏng khỏng và lệch lạc trên ngực áo nhà vua.
   Trước sự ngạc nhiên của Kim, Bảo Đại đưa bàn tay về phía anh. Trong một thoáng, anh đứng yên ngó bàn tay ấy chằm chặp, sửng sờ. Rõ ràng là nó được chìa ra cho một cái bắt tay nhưng Kim biết rằng trong lịch sử từ xưa tới nay, chưa hề có vị hoàng đế nước nam nào bắt tay thần dân của mình! Thấy Kim hoang mang, Bảo Đại mỉm miệng cười. Và Kim cảm thấy hai má nóng bừng bối rối, lật đật túm bàn tay đang chìa thẳng đó. Khi Kim bắt bàn tay ấy, trong lòng anh những bản năng thời thơ ấu cuối cùng lại thắng thế. Anh chợt bàng hoàng thấy mình cúi thấp đầu về phía đức vua trong một cử chỉ thủy chung và tôn phục.
   Sau đó, Kim đứng bên cạnh Cựu Hoàng, trò chuyện và nhìn xuống cả vạn người dân đang hân hoan ngó lên kỳ đài có lá cờ đỏ thắm lượn sóng trong ánh nắng buổi chiều chiếu đỏ rực gạch đá kinh thành. Các cán bộ Việt Minh đang đứng chung với quần chúng lại bắt đầu hô khẩu hiệu cho dân chúng hô theo:
   - Hoan hô tinh thần dân chủ của Vĩnh Thụy!
   - Hoan hô các đại biểu của Chính phủ Lâm thời!
   Kim đưa tay lên quá đầu mình hưởng ứng, mặt nở nụ cười thật tươi tỉnh vì trong lòng đang ngây ngất cảm giác mãn nguyện sâu xa. Khi ngước mắt nhìn lá cờ đỏ như máu tung bay trên đỉnh kỳ đài, anh vẫn không thể rứt mình ra khỏi những cảm xúc trái ngược nhau, vừa buồn bã vừa bâng khuâng ngậm ngùi khi nghĩ tới thế giới quen thuộc của cha mình, nơi anh lớn lên. Thế giới đó đã bị hủy diệt mãi mãi. 
   Chờ tiếng hoan hô tưng bừng của dân chúng lắng xuống một nhịp, Trần Văn Kim chuyển đến Bảo Đại lời của Hồ Chí Minh mời công dân Vĩnh Thụy ra bắc làm cố vấn tối cao cho chính phủ. Khi nghe Kim dặn dò chuẩn bị ngày đi Hà Nội để ở bên cạnh chính quyền mới, Cựu Hoàng cảm thấy cay cay nơi góc mắt và khắp người lâng lâng một nỗi niềm khó tả. Cuộc đời ông sắp đi vào một khúc quặt mới, và xem ra đoạn đời trước mặt, bên kia ngả rẽ đó, cũng chẳng có chút nào chủ động, tuy ông vừa thực hiện nghĩa cử quan trọng bậc nhất và đầu tiên trong đời làm vua. Đó là đặt quyền lợi của bản thân và hoàng triều phong kiến dưới quyền lợi của dân tộc đang thời sục sôi cách mạng. Nhưng, thay vì chính thức gởi lời mời đến ông bằng văn bản, vị chủ tịch tự phong ngoài Hà Nội kia chỉ chuyển đến ông một lời mời qua miệng viên phụ tá trưởng phái đoàn. Trần Văn Kim lại không để cho ông kịp trả lời, cũng không mất thời gian trình bày với ông chủ trương đường lối của chính phủ Việt Minh. Anh ta chỉ tự động ấn định ngày đưa ông lên đường. Bỗng dưng Cựu Hoàng mỉm cười buồn bã khi mường tượng mình trong khúc quặït mới ấy: lại đóng vai trò nghi lễ và đem bản thân làm yếu tố chứng minh tính chính thống của một chế độ!
   Bảo Đại đưa mắt hiền lành nhìn xuống những “công dân cựu thần dân” đang đứng vẫy cờ và hô khẩu hiệu trên bãi cỏ giữa Kỳ đài và Ngọ môn. Rồi ông liếc thật nhanh viên cựu quan ngự tiền họ Phạm lúc này đang hít mạnh, ưỡn ngực và không còn nhìn ông bằng ánh mắt tôn kính. Cựu Hoàng nhìn lên trời và chợt bâng khuâng tiếc nuối giấc mộng điền viên chốn đồn điền trà Blao. Ông nén tiếng thở dài khi nghĩ rằng kinh kỳ Hà Nội ba mươi sáu phố phường kia rồi cũng chẳng khác gì Cố đô Huế. Mọi con đường là những lằn ngang vệt dọc đan ô thành một bàn cờ, cờ tây hay cờ ta cũng thế thôi, vì loanh quanh trên đó ông chỉ là quân cờ. Dù quốc chủ hay cố vấn, dù thông minh nhạy cảm và vô hại tới bao nhiêu đi nữa, cũng mang thân phận một quân cờ, bị tay người đặt lên hay đẩy tới, để sống cho hết một đời thụ động./.
(trích Trăng Huyết)
A.G. & N.U


Friday, September 23, 2011


Thơ Hoàng Xuân Sơn


Đ  Ê  M     T  H  U



                                           Autumn Night - Gerabenoit.com
                    
một . 

Tiết tấu thu ngan ngát
ca khúc thổi rượi kèn đồng
đêm thả dài tóc biếng
ôm chân rượu lên đỉnh phong
bầu đêm sao đóm tóe
tĩnh vật trên bàn những nhành hoa trạm khổ đau
nhìn suốt tâm thể vành vạnh
vũ điệu kim châm lướt kề huơng xa một nhúm
thời không việc thả rong

Nấc lên một tấc lòng xa vắng
tay nắm vòng múa quanh đèn giăng
nghiêng tuổi thơ vời vợi
con cá chép lên bờ
những chiếc vảy long lanh óng bạc
me cười ngấn cổ cao che kín khuy hàn ngự
tháng chưa già đã lạnh
mắt nội lim dim hương trà mạn tiết
bé như hạt cườm chuỗi đeo
bé tèo teo con giống


hai .

Tiếng cồng đánh khựng môi hôn
sáng ướt sẫm đáy thủy
cơn mơ nửa đường hoa tán
ngủ mê đồng lúa sạ
cầm tay cánh quạt xòe
bện vào con mắt hóa hiện bù nhìn
láo liêng ngó chiều quang tạnh
thời thượng phiêu diêu mặt nước
mắt ngờ ngợ kéo trăng lên
trắng quê mùa yếm thắm
chen lục hồng nhấp nhô đường trẩy
ca xoang vẳng cuối làng
vụng về giấc chiêm
ôi vụng về không nắm lấy
vết theo xe quỳnh hạnh mơ hồ
hương đãng núng na tiền kiếp
áo thư sinh chùng vạt bướm bay


ba .

Nằm giấc thiếp sâu
ngao du không toan tính
đêm ấy tiếng kèn .


HOÀNG XUÂN SƠN
tháng ba chín tám

bút ký trà nguyễn


Thăm Bảo Tàng Viện Không Gian


   Ngày 11 tháng 7
   Theo chương trình hôm nay chúng tôi sẽ đi bốn địa điểm: Smithsonian National Air & Space Museum, Hạ Nghị Viện, điện Capitol, và Thư Viện Quốc Hội HK, nơi có quyển Hồi Ký Vượt Ngục của Trà Nguyễn.

   Khoảng 12 giờ trưa, tài xế Edward đổ khách xuống một bải đất rộng để chúng tôi đi bộ đến Viện Bảo Tàng. Ông bà John Terlaje, vừa chống gậy đi vừa giải thích.
   Là ”phó nhòm” bận chạy tới, chạy lui, nên tôi nghe chỗ đặng chỗ mất. Nhưng khi nhìn mặt bà Lisa lúc nào cũng tươi cười, tôi tin rằng bà sẽ trả lời những điều tôi chưa rõ.
   Trên đường đi có nhiều cây Anh Đào thuộc vào hàng cỗ thụ, tàng rộng, bóng mát; nhưng trời thì quá nóng. Vào trong BTV, tôi biết sẽ không đủ thời gian quan sát và tìm hiểu vô số thành tích khoa học của đất nước Hoa Kỳ.
   Vậy chỉ có chụp ảnh là thượng sách. Để tranh thủ thời gian, ngay từ khi mới vào, tôi đã bấm máy lia liạ. Tôi chụp ảnh chiếc đầu đã tháo rời của một chiếc Air Bus, phân nửa trước của một chiếc Boeing, cảnh ông John Terlaje giải thích cho các cháu, bên cạnh một module của phi thuyền và rất nhiều nơi khác...
   Ở tầng dưới, tôi bị cuốn hút theo dòng người đến càng lúc càng đông nên không vào hết các phòng để xem đuợc nhiều thành quả khoa học. Lên tầng trên, tôi bị lạc nhóm vì phải chen chúc với rừng người sắp hàng vào xem phòng lái của một chiếc Boeing, và vì bận chụp hình nhiều chiếc máy bay lạ mắt, nhất là chiếc của NASA đang treo lơ lửng dưới trần.
   Xuống lầu, tôi đang loay hoay với chiếc máy ảnh nặng trĩu thì nhận được cú phone của Chi bảo ra ngoài để đi đến nơi kế tiếp.
   Tôi càm ràm: “Đi xem triển lãm gì gấp còn hơn chạy giặc! Vào Viện Bảo Tàng làm như cưỡi ngựa xem hoa ngoài chợ!”
    Rồi tôi nghĩ mình xem hết 2 ngày cũng chưa chắc nắm vững lịch sử và sự tiến bộ của khoa học không gian. Tôi muốn xem phi thuyền con thoi Discovery về hưu, nhưng chưa thấy người ta trưng bày trong BTV Smithsonian như tin tức đã loan báo. Mong có dịp sẽ trở lại.
    Hình dưới, bên phải, chụp 2 mẹ con với bức tuợng anh em Wright - Orville and Wilbur Wright - là hai người đã thực hiện chuyến bay đầu tiên tại Kitty Hawk, NC, ngày 17 tháng 12, 1903.



Vào Hạ Nghị Viện

   Khoảng hai giờ chiều, chúng tôi rời Viện Bảo Tàng để vào Hạ Nghị Viện thăm xã giao bà Madeleine Z. Bordallo, Dân Biểu đảo Guam.
   Sau những phút tiếp đón, trò chuyện thân mật, bà niềm nỡ mời mọi người qua bên văn phòng làm việc chụp ảnh kỷ niệm.
    Một nhân viên in ảnh vừa chụp để bà ký tặng “Tra Family” và “Pereira Family”. Sau đó bà cho hai người hướng dẫn chúng tôi chia làm 2 nhóm nhỏ, đi thăm một vài nơi trong Quốc Hội. Đây đó, tên các Dân Biểu cùng số phòng hiện ra trên một hành lang rộng. Trên đường đi, tôi định hỏi số phòng Dân Biểu Cao Quang Ánh nhưng trực nhớ ông không còn làm Dân Biểu nữa nên thôi. Qua một day  hành lang khác sâu hun hút, chúng tôi dùng thang máy và đi bộ xuống tầng dưới theo một đường dốc, nơi có hàng trăm bức tranh của họa sĩ nổi tiếng khắp các tiểu bang treo dọc trên tường.
   Hướng dẫn viên vui vẻ cho biết, du khách, nếu không được nhân viên Quốc hội dẫn giắt, sẽ phải đi bộ trên đất liền để qua điện Capitol.
   Cám ơn hai bạn trẻ đã đưa chúng tôi đi đường hầm, tránh được cái nắng nung người trên kia.
    Đến chỗ đông người, hướng dẫn viên bàn giao chúng tôi cho người khác rồi vẫy tay từ giã. Sau khi nhập bọn vào những người mới, chúng tôi được trao mỗi người một bộ headphone để nghe giải thích lịch sử điện Capitol cùng nhiều tác phẩm của những nhà kiến trúc và họa sĩ nổi tiếng trên thế giới.
   Đứng giữa tháp Rotunda nhìn lên, tôi cảm thấy mình nhỏ nhoi, lạc lõng giừa khu rừng già nghệ thuật: Chung quanh tôi là những pho tượng các vị Tổng thống Mỹ và phi hành gia. Trên tường, dưới vòm là những tuyệt tác phẩm sáng tác bởi những nghệ nhân lừng danh trên thế giới.
   Dường như mỗi lần thuyết trình cho du khách, người hướng dẫn lịch sử thăng trầm của điện    Capitol đặt hết tâm hồn vào cái đẹp của nghệ thuật nên họ không biết mệt. Tội nghiệp bà hướng dẫn nhóm chúng tôi khàn tiếng vì nói liên tục cả giờ!
    Từ khoa học đến kỹ thuật, từ nghệ thuật đến văn chương, HK là biểu tượng cho sự kết hợp tuyệt vời của một nước mới lập quốc 300  năm.
    Capitol không chỉ rộng lớn với 540 phòng ốc mà rộng lớn với công trình xây dựng đất nước của các bậc tiền nhân để Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ có được niềm tự hào ngày hôm nay. 

Thăm Thư viện Quốc hội

   Thấy đã xế trưa, chúng tôi vội kéo nhau đi ăn để còn vào thư  viện, nơi tôi mong đến hổm rày. Vừa bước vào, tôi bị hút hồn ngay bởi cảnh ngoạn mục do ánh sáng đủ màu sắc chiếu từ các cửa sổ tầng trên lẫn tầng dưới. Tôi phải thốt lên: Thật là một đại sảnh nguy nga tráng lệ!
  Trong lúc du khách ngắm nghía những trụ cột to lớn chạm khắc tinh vi hoặc đang thưởng lãm cái đẹp của những tác phẩm nghệ thuật chung quanh, tôi âm thầm đến máy computer đặt trong một góc phòng cặm cụi dò tìm quyễn Hồi Ký Vượt Ngục mà thư viện quốc hội đã lưu trữ từ 4 năm qua. Chẳng may, trong mấy năm trước, có lúc computer của tôi bị hư, làm mất hết các dữ kiện chứa trong máy, kể cả số lưu chiểu của quyễn sách.
   Tìm hoài không thấy, thư viện lại sắp tới giờ đóng cửa, nhưng tôi không thất vọng và tự nhủ sau nầy, nếu có thì giờ, tôi sẽ đến tận nơi để nhìn thấy tác phẩm của mình dù chỉ một lần.
   Bà Lisa Terlaje nghe chuyện, hứa giúp tôi tìm quyễn sách. Ba ngày sau bà email cho Edward thông báo đã có kết quả.
  Được tin vui, tôi lập tức mở website www.loc.gov/rr/askalib/askmemory.html  và sau khi trao đổi, đã được nhân viên thư viện thuộc Asian Division trả lời  người Việt muốn đọc Hồi Ký Vượt Ngục, hãy vào Asian Reading Room # 150, Building Jefferson.
   Tôi rất vui mừng biết được quyễn sách của mình đã có trong Thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ*, là thư viện lớn nhất thế giới với 28 triệu cuốn sách, (British Library, Anh quốc, đứng thứ nhì với 18 triệu cuốn, thứ ba là Russian State Library với 11,750.000 cuốn), và hy vọng trong các thế hệ mai sau sẽ có người vào thư viện đọc Hồi Ký Vượt Ngục để hiểu rõ lý do vì sao ông bà cha mẹ họ phải rời bỏ đất nước chạy trốn cộng sản để con cháu được hưởng một nền giáo dục nhân bản, bình đẳng, có cơ hội phát triển mọi mặt, quan trọng hơn là cuộc sống tự do.
* Địa chỉ Library of Congress: 101 Independence Ave., S.E. Washington, D.C. 20540-4810
(Sách Hồi Ký Vượt Ngục dày 368 trang, do Tuần Báo  Chánh Đạo xuất bản năm 2002, hiện tác giả chỉ còn khoảng 20 cuốn để dành cho con cháu).  

Vào Tòa Bạch Ốc

    Ngày 12 tháng 7.
   11 giờ trưa, tài xế đổ chúng tôi trước The White House Hotel, nơi hẹn với người hướng dẫn, rồi tìm chỗ đậu xe. Ngay lúc gặp, bà Lisa đã nhắc nhỡ mọi người không được mang theo máy ảnh, phone tay thì được, nhưng phải off khi đến cổng Toà Bạch Ốc.
   Chúng tôi chờ hơn một giờ sau tài xế Edward mới đến. Hắn kể sau khi lái vòng vòng không tìm được chỗ, hắn bèn chạy đậu ngay trước cửa khách sạn, giao chìa khóa xe cho nhân viên lái đi giữ. Thằng có sáng kiến hay, nhưng làm tôi hồi hộp sợ... mất đồ nghề là cái máy ảnh sắm khá bộn bạc! Sau khoảng 10 phút đi bộ, chúng tôi nhập vào đuôi hàng người dài dưới ánh nắng gay gắt. Khi đến gần cổng, chúng tôi mới được che mát bởi tàng cây sồi (oak) và cây du (elm) cổ thụ. Bà Lisa bảo mỗi người cầm tay passport rồi đi trước đến bàn làm việc của cảnh sát chờ chúng tôi đến. Sau khi trình giấy, chúng tôi phải qua một bàn khác rà soát danh sách kỷ lưỡng. Thì ra tên họ chúng tôi đã có trong danh sách những du khách đã đăng ký trước nhiều tháng.  
   Đoàn người đi trong trật tự và im lặng. Người ta dặn chúng tôi không được sờ mó đồ vật gì trong Tòa Bạch Ốc. Lên lầu, dòng người đọng lại khoảng năm phút khi nhường chỗ một cho lực lượng đặc nhiệm đi qua; rồi tiến chậm vào từng phòng.
   Phòng đầu tiên là Vermail Room có hai người mặc đồng phục trắng đứng nghiêm bất động như hai pho tượng.  
   Phòng kế bên nổi bật với tủ chưng bày chén dĩa Trung Quốc.  China Room ước luợng rộng khoảng 30 ft, thảm và bàn ghế đều màu đỏ. Qua cửa sổ, nhìn xa xa bên ngoài là một khung cảnh ngoạn mục với tháp tròn của điện Capitol, nhìn gần bên dưới là bải đáp trực thăng của Tổng thống… Theo dòng người đi tới, chúng tôi vào Blueroom nằm ở trung tâm Tòa Bạch Ốc, là một trong những nơi Tổng Thống Hoa Kỳ tiếp khách. Rồi đến Greenroom màu xanh lá cây, Redroom màu đỏ.. Đây cũng là những reception room của Tòa Bạch Ốc.
   Diplomatic Reception Room là phòng tiếp các phái đoàn ngoại giao. State Dinning Room là nơi khỏan đãi các vị quốc khách, chứa được 140 người. Trong phòng, một người mặc đồng phục trắng đang trả lời các câu hỏi của du khách…
   Những tiệc lớn được tổ chức trong Eastroom. Ngoài ra còn có Thư viện (Library), Phòng Bản Đồ (Maproom). Còn Phòng Bầu Dục (Oval Room), Phòng Nội Cát (Cabinet Room) và... phòng ngủ của Tổng thống thì… du khách không được vào! 
   Ra đến đại sảnh Toà Bạch Ốc, chúng tôi chỉ kịp nhìn lên, nhìn xuống, và nhìn chung quanh, rồi đi xuống chớ không có thì giờ chiêm ngưỡng như những khách nhàn du. Theo tài liệu, mỗi ngày có trên 6.000 người đến viếng nên thời gian rất hạn chế.
   Tính ra tour viếng thăm Tòa Bạch Ốc ngắn chưa tới một giờ nhưng rất lý thú và bổ ích.   

(trích bút ký Trà Nguyễn)