Sunday, November 26, 2023

ARNAUD: TỪ TƯỢNG PHẬT TỚI ĐIÊU KHẮC CHO ĐỜI

Phan Tấn Hải


Nhà điêu khắc Arnaud Nazare-Aga.
 
Bạn có thể gọi Arnaud Nazare-Aga là một nhà điêu khắc, hay một lạt ma vào đời, hay đơn giản, là một nghệ sĩ và là một cư sĩ. Một thời anh đã ngồi trong tu viện để tạc các pho tượng Phật, tượng Bồ Tát, các trụ điêu khắc, và rồi anh rời tu viện để bước vào đời, trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng trong thế giới tượng hình. Nói kiểu tóm gọn theo văn phong báo chí thường gặp là: một nghệ sĩ Phật tử người Pháp. Nhưng cuộc đời anh đầy những cơ duyên kỳ lạ. Bài viết này tổng hợp từ nhiều báo, trong đó có Forbes, Time Out, Thai PBS World, The Phuket News…
 
Lời tự giới thiệu của nhà điêu khắc Arnaud Nazare-Aga chỉ đơn giản vài đoạn trên trang nhà riêng. Sinh năm 1965 tại Paris, Arnaud Nazare-Aga đã sinh khởi niềm đam mê với kiến trúc và điêu khắc hiện đại từ khi còn thơ ấu. Anh thường xuyên đi thăm viện bảo tàng cùng ba mẹ. Anh được giáo dục trong một cộng đồng Phật giáo Tây Tạng ở vùng Burgundy, miền Đông nước Pháp, và học nghề đúc tượng thạch cao nơi đây. Arnaud đã thiết kế và thực hiện nhiều tượng trang trí, chạm khắc cho các ngôi chùa Phật giáo ở phương Tây, như chùa Temple of a Thousand Buddha (Chùa Ngàn Vị Phật) gần thị trấn Autun (Pháp) và Paris. Nơi đây, anh đã cùng các nghệ sĩ đến từ Bhutan thực hiện ba tác phẩm điêu khắc khổng lồ về Đức Phật bên trong ngôi chùa này.
 
Sau nhiều trải nghiệm sáng tác nghệ thuật khác nhau ở Châu Âu và Châu Á, anh đã thành lập PAJ’Art Studio vào tháng 1/2011 tại Bangkok, thủ đô Thái Lan, nơi anh bây giờ đang sinh sống. Vào năm 2012, Arnaud đã tạo ra một số bộ sưu tập với sự cộng tác của vợ cũ, dưới tên chung của hai người là Artheline. Các bộ sưu tập được biết đến với các tác phẩm điêu khắc Sumo, Hippop’Art, Whale Pop, Goril’Pop và déesse vui nhộn, màu sắc rực rỡ và gợi cảm mang lại niềm vui như trẻ thơ cho người xem. Vào năm 2015, triển lãm Hippop’Art tại khu Fullerton ở Singapore, nơi hơn 40 tượng con hà mã chiếm đầy các khu vườn, sảnh đợi và bến cảng bên ngoài của khách sạn.
 
Dự án nghệ thuật quan trọng nhất của anh là tạo ra những tượng nghệ thuật chủ đề "Hoàng Tử Bé" (Le Petit Prince) lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Pháp nổi tiếng của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry, một tác phẩm thơ mộng, mang ý nghĩa thi ca và triết học, có vẻ như viết cho những người muôn đời giữ được tâm hồn thơ trẻ. Anh tự giải thích về một số tượng làm đặc biệt trong dự án Hoàng Tử Bé, rằng thông qua xúc giác, người khiếm thị có thể "nhìn thấy" các tác phẩm điêu khắc của mình như một kiểu cảm nhận về thế giới nghệ thuật.
 
Thành quả nghệ thuật của Arnaud Nazare-Aga đã được trưng bày tại Singapore như một phần của lễ hội văn hóa Pháp, Voilah! Sau đó, cuộc triển lãm này được tổ chức tại Hồng Kông, nơi bộ sưu tập dành cho người khiếm thị đã thu hút 124.000 lượt khách tham quan trong 38 ngày. Và rồi, vào tháng 5/2016, hai cuộc triển lãm Hoàng Tử Bé đã được trưng bày tại bảo tàng quốc gia ở Nam Hàn, Bảo tàng tỉnh Kyunggi trong gần 5 tháng. Các tác phẩm điêu khắc đã được trưng bày tại Bảo tàng Singapore Philatelic Museum trong 10 tháng, bắt đầu từ ngày 7 tháng 6/2018 cho đến tháng 3/2019.
 
Một trong những tác phẩm mới nhất của anh là Sumo Totem: ba tượng Sumo khác nhau được đặt chồng lên nhau. Biểu tượng là sự ổn định và an toàn cho cái thứ nhất, cái thứ hai là tâm hồn cởi mở và cái thứ ba là trên hết, tượng trưng cho sự phiêu lưu của cuộc đời.
 
Arnaud gần đây đã hoàn thành việc tạo ra Bộ sưu tập B’Pop, được trưng bày tại khách sạn U-Sathorn Bangkok dưới dạng bản xem trước, trước khi được trưng bày tại Fullerton Singapore vào tháng 9 cùng năm. Bộ sưu tập B’Pop bao gồm ba mẫu tượng gấu ở các tư thế khác nhau: Dancing B, Sitting B & Lazy B. Mỗi mẫu có năm kích cỡ và nhiều kiểu dáng.
 
Tác phẩm của Arnaud Nazare-Aga đã được trưng bày tại nhiều hội chợ và phòng trưng bày quốc tế ở Châu Á và Châu Âu trong nhiều năm qua. Các cuộc triển lãm chính của anh trong năm 2018 là Art Stage Singapore, nơi anh trưng bày Totem Sumo cao 3,4m dưới dạng Tác phẩm nghệ thuật công cộng, AAF Milan và “Phía sau hoàng tử bé” tại Bảo tàng Singapore Philatelic Museum.
 
Anh cũng đã triển lãm hồi năm 2019 trong Venice Art Biennale, nơi anh đã trưng bày một tượng Totem Sumo cao 4,5m hiện đang được trưng bày ở Brescia. Anh cũng đã tham gia hội chợ nghệ thuật đương đại Art3f ở Brussels, Paris và Luxembourg.
 
Bạn còn nhớ tới truyện Hoàng Tử Bé? Có một câu nói của con cáo nói với Hoàng Tử Bé, "Người ta nhìn thấy rõ ràng chỉ bằng trái tim. Bất cứ những gì tinh yếu nhất thì không thể thấy bằng mắt được." Những dòng chữ đó được nhà văn Antoine de Saint-Exupéry viết năm 1943, và bây giờ ẩn tàng trong các pho tượng nghệ thuật của Arnaud Nazare-Aga, nơi các pho tượng trở thành những khát vọng thơ mộng rực rỡ của đời người.
 
Câu chuyện kỳ lạ bắt đầu vào năm 2013 khi chàng nghệ sĩ Nazare-Aga nhớ lại một thế giới của Hoàng Tử Bé. Nicolas Delsalle, tổng thư ký của Quỹ Antoine de Saint-Exupéry Youth Foundation, đã đến xưởng vẽ của nghệ sĩ và sau đó yêu cầu anh tạo ra các tác phẩm điêu khắc như một phần của dự án tiên phong để tái tạo những bức tranh minh họa màu nước trong tiểu thuyết Hoàng Tử Bé thành các khối điêu khắc để cho người mù có thể cảm nhận được với cuộc sống ở dạng ba chiều xúc giác. Đây có thể là một trong những cuốn sách đầu tiên Nazare-Aga đọc khi còn nhỏ, nhưng anh không chắc liệu mình có nên nhận nhiệm vụ hay không. Câu trả lời trở nên rõ ràng khi bố của anh tình cờ tiết lộ với anh rằng ông nội là Djibrail Nazare-Aga, đã quen biết tác giả cuốn sách, phi công Thế chiến II Antoine de Saint-Exupéry, và thậm chí còn bay cùng nhà văn quá cố trên chiếc máy bay Breguet XIV huyền thoại vào đầu thế kỷ 20. Thế rồi, anh quyết định nhiệm vụ của mình là phải tái hiện một cách trung thực chính xác những gì Saint-Exupéry mong muốn thể hiện khi viết cuốn tiểu thuyết thơ mộng này.
 
Thế đó, những pho tượng mô tả lại cuốn tiểu thuyết Hoàng Tử Bé xuất hiện. Triển lãm đầu tiên là tại Khách sạn Fullerton năm 2015, Bộ sưu tập nghệ thuật Hoàng Tử Bé, trưng bày 14 tác phẩm điêu khắc bằng nhựa sợi thủy tinh tái hiện màu sắc của các nhân vật và các hành tinh khác nhau trong Hoàng Tử Bé đã được đúc khuôn sau đó lắp ráp, sơn và đánh vecni nhiều lần để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật cao cấp, tất cả đều làm bằng tay. Buổi trình diễn cá nhân kết hợp với những bản thảo quý giá từ di sản Antoine de Saint-Exupéry – d’Agay Estate chưa từng thấy ở Singapore và một loạt ảnh lịch sử có nguồn gốc từ kho lưu trữ của Latécoère (một công ty vận tải hàng không của Pháp được thành lập năm 1918 bởi Pierre-Georges Latécoère), nơi nhà văn Saint-Exupéry từng làm phi công.
 

Triển lãm Hoàng Tử Bé ở Singapore năm 2015.
 
Kéo dài đến ngày 20 tháng 6/2015, cuộc triển lãm thứ hai, Hoàng Tử Bé Trong Bóng Tối (Le Petit Prince dans le noir / The Little Prince in the Dark), diễn ra tại Alliance Française de Singapour, trưng bày các tác phẩm điêu khắc tương tự, nhưng lần này được sơn màu trắng huỳnh quang và đặt trong phòng tối. Được chiếu sáng bằng đèn UV màu đen, chúng dường như phát sáng trong bóng tối và kèm theo mô tả âm thanh kích hoạt chuyển động. Là một cuộc triển lãm nhằm nâng cao nhận thức về người khiếm thị, những du khách sáng mắt có cơ hội được bịt mắt và được khuyến khích chạm vào các tác phẩm nghệ thuật. Mỗi tác phẩm điêu khắc (cả phiên bản màu và phiên bản trắng) đều có sẵn trong một phiên bản giới hạn gồm tám bản sao để bán ra, lợi tức sẽ dùng cho các dự án giáo dục của Quỹ nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn trên thế giới.
Hoàng Tử Bé được nhà văn Bùi Giáng, khi dịch ra tiếng Việt, đã gọi đây là "tác phẩm thơ mộng nhất và u uẩn nhất trong những tác phẩm của Saint Exupéry." Tiểu thuyết này được nhiều người dịch ra tiếng Việt, trong đó có các dịch giả: Trần Thiện Đạo, Bùi Giáng, Vĩnh Lạc, Nguyễn Thành Long, Trịnh Nhất Định, Nguyễn Tấn Đại, Thuận Thiên, Châu Diên, Nguyễn Trường Tân, Trác Phong, Bùi Đại Dũng, Đỗ Lan Hương. Nghĩa là, có 12 ấn bản Việt dịch khác nhau[*]. Ghi như thế để thấy sức lôi cuốn của tiểu thuyết Hoàng Tử Bé.
Trong truyện Hoàng Tử Bé, Saint-Exupéry kể nửa thật nửa hư, rằng nhà văn rơi phi cơ vào sa mạc, đói và khát, sống với ảo giác. Sự thật ông đã từng rơi phi cơ vào sa mạc năm 1935. Thế rồi, tác giả gặp một cậu bé từ hành tinh xa tới. Cậu bé kể về tiểu tinh cầu B 612, nơi cậu ở chung với một con cáo và một cây hoa. Cũng như tất cả những cô gái trên trần gian này, bông hồng thì dễ thương, nhưng đầy kiêu căng và ngớ ngẩn. Thế rồi khi cậu quyết định lang thang sang các tinh cầu khác, bông hồng mới ngậm ngùi xin lỗi cậu. Câu đã tới sáu hành tinh trước khi tới địa cầu, mỗi hành tinh là một người ngự trị: Một vị vua không có thần dân, một kẻ khoác lác, một tên bợm nhậu, một doanh nhân chỉ ưa vơ vét, một người thắp đèn trên một hành tinh nhỏ đến nỗi một ngày chỉ dài bằng một phút, và một nhà địa lý lớn tuổi nhưng chưa bao giờ đi bất cứ nơi đâu để kiểm chứng những gì ông viết xuống. Và rồi cậu bé tới địa cầu, gặp nhà văn rơi phi cơ nơi sa mạc. Truyện khởi đầu như thế, rồi từ đây càng lúc càng thơ mộng và lôi cuốn. Truyện này trong mặc định đã có tư tưởng Phật giáo, vì hầu hết các tôn giáo khác nói rằng cõi người trên địa cầu là duy nhất và độc đáo.
 
Từng theo học Phật giáo và ngôn ngữ Tây Tạng khi còn niên thiếu, chàng nghệ sĩ có niềm tin tôn giáo sâu sắc, đồng thời anh cũng là một Lạt ma, nói: “Trong hành trình tâm linh bắt đầu từ khi còn trẻ, tôi đã tìm kiếm một thời gian dài để truyền tải các giá trị Phật giáo, mà tôi cho là phổ quát, mà không cần đề cập đến tôn giáo. Bí quyết thành công của Hoàng Tử Bé là mọi người không phân biệt tuổi tác, truyền thống, tôn giáo, quê hương, văn hóa hay trình độ học vấn đều có thể hiểu được nhờ ngôn ngữ rất đơn giản. Ngày nay, trong thời điểm gặp khó khăn bởi bạo lực và chiến tranh do phân biệt chủng tộc, kỳ thị và bất khoan dung, việc trưng bày các triển lãm nghệ thuật lấy cảm hứng từ cuốn sách là một cách đặc biệt và bổ ích để truyền tải thông điệp mà tác giả đã để lại cho nhân loại.”
 
Không gian triển lãm Hoàng Tử Bé.
Nazare-Aga làm việc tại một xưởng điêu khắc bốn tầng rộng 1.000 m2, PAJ’Art Studio, ở phía Bắc Bangkok và một nhóm gồm 25 người, một nửa trong số họ là người Thái và phần còn lại là người Miến Điện gốc Karen. Anh đã thuê gần như tất cả nhân viên ngoài đường phố và đào tạo họ từ đầu về các phương pháp nghệ thuật khác nhau mà giờ đây họ đã trở thành chuyên gia: làm khuôn, sơn, chà nhám và đánh bóng. Nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc sumo, hà mã và nữ thần vui nhộn, màu sắc rực rỡ và khêu gợi, mang lại niềm vui trẻ thơ cho người xem, anh từng tổ chức triển lãm Hippop’Art tại Swissotel ở Bangkok, nơi hơn 40 con hà mã chiếm trọn khu vườn và tiền sảnh của khách sạn. Các dự án tiếp theo là cá voi khổng lồ từ bộ sưu tập Whale’Pop – dài tới 2 m và cao 1,20 m – và khỉ đột từ bộ sưu tập Goril’Pop. Nazare-Aga nhận xét, “Tất cả những sáng tạo mới phải là một thách thức mới về mặt kỹ thuật, đôi khi mang tính nghệ thuật. Tôi thích thêm sự hài hước và bất ngờ. Tôi thích làm việc với sự cân bằng, ấn tượng về trọng lượng và ánh sáng, đó là yếu tố thiết yếu của công việc. Các bề mặt được bao phủ bởi nhiều lớp sơn mài liên tiếp và được đánh bóng ở các giai đoạn khác nhau là nơi chứa ánh sáng giúp tăng mật độ và độ sống động của màu sắc.”

Các tác phẩm khác của Arnaud Nazare-Aga.
 
Sinh năm 1965 tại Paris, Nazare-Aga học điêu khắc từ một nhà điêu khắc mù từ năm 13 tuổi, nhưng mơ ước trở thành phi công chiến đấu vì anh có cha dượng là sĩ quan quân đội, người điều hành một cơ xưởng kỹ thuật quân sự. Việc phát hiện ra dị tật thị giác ở mắt trái đã tiêu tan giấc mơ của anh và năm sau đó, anh rời nhà để vào một tu viện Phật giáo Tây Tạng ở Burgundy, nơi anh đã ở đó 13 năm. Trong thời gian ở đó, anh được giao thêm công việc chế tạo các điêu khắc nhỏ để xây dựng ngôi đền Himalaya đầu tiên ở phương Tây, vì vậy anh đã học cách đúc khuôn, lắp ráp và sản xuất các yếu tố kiến trúc điêu khắc từ các thợ thủ công giàu kinh nghiệm ở Paris cũng như các nghệ thuật truyền thống của châu Á. Công việc của anh tại ngôi chùa kéo dài sáu năm, trong đó anh tìm học chuyên môn của các nghệ sĩ người Bhutan, những người đã tạo ra các tác phẩm điêu khắc bằng đất sét sơn trên các công trình kiến trúc mà anh xây dựng bằng phương pháp của Pháp. Sau khi rời tu viện, anh thấy khó đạt được điều gì lớn lao hơn chùa nên đã chuyển sang làm nghề khác, chưa bao giờ nghĩ đến việc theo đuổi nghệ thuật.
 
Bước ngoặt đến là năm 2010, như Nazare-Aga nhớ lại, “Chỉ ở tuổi 45, tôi mới nhận thức được tầm quan trọng của việc tạo ra những tác phẩm điêu khắc đẹp trong cuộc đời mình và tôi phải tiếp tục hoạt động này. Tôi tự nhủ nếu không làm bây giờ thì sau này tôi sẽ không còn sức lực và can đảm để làm. Tôi có một mong muốn sâu sắc là được tìm lại chính mình trong một cơ xưởng với cơ hội sáng tạo nghệ thuật mỗi ngày.”
 
Ban đầu, anh làm việc trong lĩnh vực đắp giấy bồi làm tượng (papier-mâché) được sơn và đánh vecni trước khi chuyển sang làm bằng nhựa thông. Hình dạng vui tươi, tròn trịa, mượt mà, gợi cảm, hài hòa và quá khổ, với tầm quan trọng lớn được đặt vào sức hấp dẫn thị giác và xúc giác của tác phẩm, xuất phát từ kinh nghiệm làm việc với vật liệu và cảm giác mà chúng có thể gợi lên thông qua thị giác và xúc giác. Cuối cùng, các tác phẩm điêu khắc của anh không chỉ phản ánh khả năng cảm thụ nghệ thuật mà còn phản ánh sự gắn bó thơ mộng của anh đối với nhân loại.
 
Nazare-Aga tiết lộ khi mô tả vai trò của nghệ sĩ: “Mục đích công việc của chúng tôi là làm cho mọi người hạnh phúc thông qua thị giác và xúc giác ít nhất trong chốc lát, giống như chúng tôi đang tạo ra hoặc trình bày tác phẩm của mình. Không biết bạn có thể nói tôi là một nghệ sĩ hay một nghệ nhân hết lòng yêu nghề. Tôi nghĩ rằng các nghệ nhân rất gắn bó với chất lượng của một tác phẩm hơn là khía cạnh nghệ thuật của nó. Bằng cách này, tôi là một nghệ nhân, nhưng khi tác phẩm được hoàn thiện, đôi khi nó sẽ trao ra năng lượng một cách tự nhiên, điều này mang lại cho nó một chiều hướng nghệ thuật. Một số người coi tôi là một nghệ sĩ nên tôi có trách nhiệm với xã hội để đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội. Nghệ thuật đôi khi cũng có thể mang lại nhiều hạnh phúc và an lạc. Trong mọi trường hợp, đối với nàng Adeline và tôi, mục tiêu của chúng tôi là đóng góp những sáng tạo của mình nhằm cải thiện xã hội và hòa hợp giữa mọi người. Chúng tôi thường tham gia các sự kiện từ thiện để quyên góp tiền giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nhiệm vụ của các nghệ sĩ là quyên góp vì chúng tôi có quyền cung cấp những viện trợ quan trọng thông qua những sáng tạo của mình.”
 
Arnaud kể với đài Thai PBS World về thời mới lớn có vẻ như tiền định của anh, rằng khi còn trẻ, Arnaud không đi theo con đường điển hình của hầu hết thanh thiếu niên, chẳng hạn như đi học. Thay vào đó, năm 14 tuổi, anh đến chùa Phật giáo Tây Tạng ở Burgundy, nằm ở phía đông miền trung nước Pháp và ở đó cho đến năm 28 tuổi. Trong thời gian đó, anh được các nghệ sĩ Bhutan và Tây Tạng đào tạo nghệ thuật trong khi đi sâu vào nghiên cứu Phật pháp, dẫn tới niềm tin sâu vào luật nhân quả.
 
Arnaud nói với thông tấn Thái Lan này: “Khi còn trẻ, bạn thường cảm nhận được sự bất công trên thế giới, mọi thứ dường như thật bất công. Một số người sinh ra đã có đặc quyền, trong khi những người khác phải đối mặt với nghèo đói cùng cực và những thách thức to lớn. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu biết sâu sắc về nghiệp báo, bạn sẽ nhận ra rằng các sự kiện xảy ra là kết quả của hành động trong đời người.”
 
Anh coi nghiệp báo như một quy luật nhân quả, tin rằng cuộc sống không thể được coi là sự bắt đầu và kết thúc đơn giản. Anh dần dần tin rằng những gì con người làm hôm nay sẽ gây ra hậu quả, có lẽ không phải ở đời này mà ở những đời sau. Mỗi hành động của một người trong cuộc đời này đều mang lại hậu quả, và người ta đang sống với kết quả của những hành động mình đã làm trong quá khứ.
 
Hơn nữa, hiểu biết về nghiệp có thể mang lại sự an tâm. Arnaud nói rằng tin vào nhân quả là đánh dấu sự khởi đầu tìm thấy bình an trong mọi hoàn cảnh bất công: “Ngay cả khi bạn vào tù vì điều gì đó mà bạn không làm, nếu bạn không tin vào nghiệp quả thì đó là nguồn gốc của đau khổ. Tuy nhiên, nếu bạn tin vào nghiệp quả, bạn có thể cảm thấy như mình đang trả nợ cho điều gì đó bạn đã làm trong quá khứ, ngay cả khi bạn không biết đó là gì. Vì vậy, bạn chấp nhận nó và nỗi đau sẽ nguôi ngoai.”
PTH 

TIỄN THẦY TUỆ SỸ THỂ NHẬP VÀO BẢN THỂ TÁNH KHÔNG

Nguyễn Đức Nhân
 
Thầy Tuệ Sỹ
 
Thầy đi nhé. bỏ khung trời hội cũ
Áo mầu xanh gởi lại cỏ đồi xanh
Tiễn thầy đi. trăng vô ưu thanh tú
Thầy ra đi. tự tại gió mây lành
Thân năm uẫn đọa đày trời cố xứ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Hạt muối mặn. mặn phương trời viễn mộng(*)
Mặn ngàn sau. ngược nước xuôi ngàn (**)
Khung trờ cũ vẫn hoa tàn lá rụng
Vẫn trăng sao vẫn mây trắng nắng hồng
Thầy đi nhé. Chào đáy mùa Sinh Diệt
Thể nhập vào Bản thể Tánh Không (***)
NDN
Thứ 6, 24/11/2023
 
(*) Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng. Tác phẩm của thầy Tuệ Sỹ
(**) Chữ in nghiêng là các cụm từ trong bài thơ KHUNG TRỜI CŨ của thầy Tuệ Sỹ.
(***) Triết Học Tánh Không. tác phẩm triết học Phật Gáo của thầy Tuệ Sỹ

  

Friday, November 24, 2023

NHỮNG ĐOẠN TÌNH RỜI NGŨ NGÔN

Nguyễn Thanh Châu
 
Ngọn nến cháy
 
. khi em xa
 
nụ xương rồng đã nhú
khuya. vệt đỏ sừng trăng
thiên lũng cuồng gió hú
em xa. lòng giá băng
em xa. niềm khốn quẩn
lụn đời những cuộc say…
 
 
. đêm thp nến
 
thắp lên em ngọn nến
soi lấy duyên nghiệp ta
đã buông theo lưới nhện
trùng trùng. nỗi xót xa
thầm thầm. những chân bước
rong ruổi thềm nguyệt phai…
 
 
. du tình phai
 
như từng sợi sắc. không
tóc em dài mấy thủa
ta ngồi đợi bến sông
ráng chiều phơi áo lụa
dấu tình phai mắt úa
thương những hồn thu. xa…
 
 
. bóng trăng lu
 
trăng lu cài bóng cửa
biết em về. hay chưa
điếu thuốc châm chút lửa
phả ấm hơi hướm xưa
thở ấm đời lạnh bạc
lần nữa thôi. cũng đành…
 
 
. bài vô đề
 
em như trời nguyệt thực
ụp xuống đời ta. đêm
những lọn tóc nhung mềm
siết dần vòng oan nghiệt
đắm rồi lòng sinh diệt
tình như có. mà không
NTC

  

KÍNH TIỄN THẦY TUỆ SỸ

Hoàng Xuân Sơn
 
Thích Tuệ Sỹ
 
Người về vui với tánh không
Vầng trăng thiên đỉnh rọi hồng tây phương
Con đường dẫn triệu con đường
Nghìn năm vô úy tỏ tường nghiệp duyên
Người về viễn mộng thùy nhiên
Một chương khép lại trường thiên phụng bồi
 
)(
 
H O À N G X U Â N S Ơ N
24 tháng 11 năm 2023 

Monday, November 20, 2023

NGÀY ĐÔNG NHỚ BẠN

Đặng Mai Lan
 
Nhà văn Đặng Mai Lan.

Bạn thân,
Miệt mài cùng chữ nghĩa, nhưng tôi không phải là người viết nhanh, kịp theo những chuyển biến thời sự hay những tình cảm nhạy bén cá biệt. Viết như bút ký, tường thuật lại không phải là điều tôi thích. Nếu viết được như thế, có lẽ tôi đã trở thành một nhà báo. Tôi chỉ viết khi những cảm xúc chìm xuống. Như những lớp bột cà phê, phải cần có thời gian thẩm thấu nước đúng độ sôi mới tuôn ra được những giọt tinh tuyền.
Bây giờ là mùa đông, cái lạnh khiến tôi thèm những ánh nắng và tôi đang nhớ đến bạn, một đêm vui của chúng ta, trong những ngày hè đã qua.
Bạn, những khuôn mặt quen và lạ. Không hẳn là bạn văn nghệ để có thể dễ dàng "đồng thanh tương ứng" khi bất ngờ gặp ở một nơi nào đó.
 
Đêm nguyệt hạnh
   Trải qua những tháng ngày đen tối của đất nước, mặt trời nơi đất mới dẫu chiếu muôn vàn tia nắng ấm áp xuống đời, vẫn còn những góc quạnh hiu trong tâm tưởng mà không một thứ ánh sáng nào có thể rọi đến. Tôi tìm về quá khứ, không chỉ là những bóng dáng hạnh phúc mà ngay cả những đãi bôi, phụ phàng của cuộc sống. Thèm được cười lại với bạn bè những ngày hồn nhiên phố xá, khóc lại những giọt lệ tang tóc chia lìa.
Sống nơi tỉnh nhỏ, ra đường nhác trông thấy một mái tóc đen là ngoái lại nhìn theo. Lắng nghe những lời nói phát ra từ một nhóm người có khuôn mặt, màu da từa tựa như mình khi vô tình nhìn thấy. Tôi thèm sách vở, âm nhạc. Và gia tài văn hóa tôi có được chỉ là một cuộn băng cassette của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Cuốn băng được thu lại từ băng gốc, được một người thân ở Hoa Kỳ gửi tặng. Một món quà quý hơn cơm áo.
Tôi chỉ cầm được trên tay, trong tim những thứ mà cả gần hai thập niên dài khao khát khi có được bằng lái xe, vững vàng để có thể vượt đường xa đến Paris, nơi có những tiệm sách vở, băng nhạc.
"Quê Hương Là Người Đó" là tên của một cuộn băng nhạc. Quê hương chạm vào mắt, vào hồn. Như tiếng nói gõ lên tim những nhịp đập thiết tha, mãnh liệt khi cất lên môi câu hát: Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời". (1) Tôi mua cuộn băng không một đắn đo, và bị cuốn hút bởi ca từ, âm điệu của bài "Khúc Tháng Hai" qua giọng hát của ca sĩ Ý Lan và Vũ Khanh. Khi đọc tựa đề trên bìa mới biết đó là một bài thơ của thi sĩ Du Tử Lê do nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ nhạc.
Trần Duy Đức là ai? Tôi hoàn toàn không biết. Còn Du Tử Lê là tên tác giả một cuốn sách tôi đọc ké của bà chị ngày mới lớn. Và có lẽ không hiểu gì nhiều nên đã quên tựa, quên cả nội dung. Chỉ nhớ khi đọc xong tâm hồn của một cô gái tuổi đôi tám bỗng buồn bã, bâng khuâng. Chuyện này, tôi đã thổ lộ cùng cố thi sĩ bằng một bài viết có tựa là "nỗi buồn của lá" trong tuyển tập đặc biệt viết về ông.
Sau lần nghe "khúc tháng hai", tôi quay lại Paris tìm Du Tử Lê. Tập thơ "Đi với về, cũng một nghĩa như nhau" và một hai cuốn tùy bút khác đã có mặt trong tủ sách nhà tôi từ buổi ấy. Có phải từ Trần Duy Đức tôi mới biết đến thi ca Du Tử Lê?
Nếu quả thật nghệ thuật luôn mang đến niềm ủi an tuyệt diu cho đời sống nội tâm của con người, thì hai tâm hồn nghệ sĩ này là một kết hợp hài hòa mang đến cho tôi những khoảnh khắc hạnh phúc.
Nhờ mạng xã hội, chúng tôi quen nhau. Và tôi đã đến nhà anh vào một buổi tối rất đặc biệt, điều tôi không hề nghĩ đến. Đặc biệt vì tôi được phép mời tất cả những người bạn của mình. Ngoài những người bạn chung-riêng của tôi và anh, đêm đó còn có sự hiện diện của ca sĩ Lê Uyên Phương. Một hiện tượng âm nhạc làm rung động bao con tim của giới trẻ Sài Gòn vào những thập niên 70 của thế kỷ trước. Tiếng hát và dung nhan chị chưa bị tàn phá bởi thời gian.
Đây là lần thứ hai tôi nhắc đến Trần Duy Đức. Lần đầu là một bài viết thay lời tựa cho một tuyển tập. Có thừa lắm không? Nhưng nếu không nhắc đến anh có lẽ sẽ không có bài viết này, sẽ không có một người kề cận bên anh như bóng với hình mà tôi muốn tỏ lòng quý mến cùng chị. Đó là người phụ nữ tên Nguyệt Hạnh, người thực sự mang đến cho chúng tôi một buổi tối ấm áp rộn rã tiếng cười. Đêm đó, tôi không có dịp ngồi chuyện trò riêng tư để được hiểu thêm về chị. Nhưng những câu nói của chị sẽ chẳng bao giờ tôi quên: nhờ có khách, nhà cửa mới được hút bụi, lau chùi sạch sẽ. Đêm ngủ còn mơ thấy nấu ăn!
Sau đêm tưng bừng vui, không biết chị mơ gì nhưng hẳn là chị mệt lắm, bởi vì tôi không hề thấy chị ngồi. Chị chỉ đứng bếp, loay hoay với những món ăn đãi khách.
Ngoài cõi viết, tôi được cho là một người khá nhiều nam tính, mạnh mẽ linh hoạt trong những giao tiếp. Nhưng khi gia chủ giới thiệu tôi với những bằng hữu, tôi nghẹn. Tôi cố chặn những cảm xúc của mình. Như thế đó, có những câu nói không văn chương hoa mỹ nhưng chất chứa bao tình. Và có biết bao nhiêu tình lại chỉ là những phút lặng, không lời. Phải không chị Nguyệt Hạnh?
 
Ở hai bờ tâm thức
   Chưa gặp nhau lần nào, nhưng chúng tôi đã có nhiều tương giao mật thiết qua bóng hình của một người đã mất. Trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp là những năm đời tươi đẹp mà người ra đi để lại, đã chia thanh xuân của mình thành hai phần đều đặn cho Minh Tâm và tôi.
Nhật, tóc demi garçon, mái tóc ngắn tạo nên sự mạnh mẽ che chắn vóc gầy, mỏng manh như hạc trắng. Hạc trắng đã cùng tôi lượn lờ trên chiếc xe gắn máy PC dưới những con đường xanh lá, gió mát trên cao. Dưới những giọt mưa chỉ đủ làm tóc ướt và mát mềm môi má. Mười lăm-mười sáu của tôi và Nhật ngây thơ, hồn nhiên nơi trường lớp, trên những con đường học trò, và những cánh thư qua lại khi phải chia tay, vì không chọn cùng một ban học.
 Mười bảy, mười tám và vài năm sau nữa, hẳn là những lối đi đã khác.
Với Tâm, Nhật đã đi đâu và làm gì? Nhật yêu ai lúc đó, Nhật có mối tình nào chưa? Tôi không thể hình dung vì Nhật không lãng mạn như tôi. Mười lăm, mười sáu Nhật đã có óc quan sát, nhìn những anh con trai bao quanh bằng cặp mắt trưởng thành của một cô gái hai mươi, hoặc hơn nữa. Từ Nhật, ít nhiều, hai chúng tôi đã có lúc phải nghe lại nhịp đập của trái tim mình.
Khoảng thời gian đầu khi mới đặt chân đến Pháp, ly hương là một nỗi buồn mênh mông, ôm ấp trọn vẹn một đời đã sống nơi quê hương cũ. Tôi không nhớ Nhật vì bạn đã chìm khuất trong cái bao la ấy. Nhưng một đêm tôi mơ thấy bạn, giấc mơ nhạt nhẽo vì không rõ rệt nơi chốn, thời gian. Thời gian trôi nhanh, trí nhớ hao mòn, bao nhiêu kỷ niệm bị lãng quên theo cuộc sống. Tôi đã quên rất nhiều điều hiện hữu trong đời thật thì nhớ chi đến một giấc mơ! Nhưng giấc mơ lãng đãng ngày nào bỗng quay về trong tâm trí mồn một, tưởng như chỉ mới đêm qua.
Tôi đi tìm Nhật. Thời này, người ta tìm nhau dễ dàng qua những mạng lưới thông tin. Tôi tìm được Nhật nhanh hơn tôi nghĩ vì tôi có một tấm hình của bạn. Nhật đứng giữa trời mây dưới ngọn tháp cao vời vợi, bên hồ nước long lanh, có con rùa mang trên lưng từng dấu ấn tương giao của những quốc gia đã góp phần gầy dựng ngọn tháp. Tin nhanh là tin buồn. Nhật không sống một nơi nào ngoài quê hương như tôi nghĩ. Nhật ở lại Sài Gòn, đời cô được thu gọn trong một hũ tro và được cất giữ ở một ngôi chùa. Di ảnh của Nhật vẫn là mái tóc ngắn, đôi mắt đen linh động. Đêm tôi mơ thấy Nhật là khoảng thời gian Nhật rời khỏi cuộc  đời.
Nhà Nhật ở Đa-Kao, căn nhà nằm ngay mặt đường lớn. Phòng ngoài mặt tiền được cho thuê và trở thành một tiệm hớt tóc. Nhưng bước qua cái khoảng vuông vắn này là một không gian ấm áp, vừa là phòng khách, vừa là nhà bếp. Có thêm một chiếc giường nhỏ, là nơi nằm để ngả lưng nghỉ ngơi nếu không muốn lên gác. Tôi đã ngồi đó trò chuyện rôm rả với Nhật mỗi khi mẹ Nhật đi chùa. Và chúng tôi lén lút thầm thì trao đổi bằng ánh mắt, đôi khi dùng cả Anh ngữ nói với nhau mỗi khi có bà cụ. Thời đồng minh Hoa Kỳ đến Việt Nam, Anh ngữ là một nhu cầu cần thiết cho cuộc sống xã hội và thường là sinh ngữ chính mà học trò trung học chọn học. Bốn năm trung học, hai đứa đã có vốn liếng, đủ dùng thứ ngoại ngữ này khi cần bày tỏ ngắn gọn.
Nhật là đứa con gái cứng đầu nhất trong ba anh em. Mẹ Nhật, một bà cụ khó khăn với con cái nhưng tôi vẫn thương đôi mắt hóm hỉnh nhìn chúng tôi, cố nghe xem hai con nhãi toan tính chuyện gì? Ngày đó, tôi chưa hề thấy Nhật cãi mẹ, chỉ tìm cách qua mắt bà cụ để theo tôi đi đâu đó. Chúng tôi còn bé, có rong chơi thì cũng chỉ đi ăn quà vặt, la cà góc đường này, con phố kia.
Những năm sau, Nhật đã dám cầm kéo tự cắt phăng những lọn tóc ngắn vì giận mẹ. Đã đạp xe đưa Tâm về bằng chiếc xe đạp cũ kỹ khi chiếc PC đi học hàng ngày của cô bị khóa cổ, một cách người mẹ đối đầu với sự bướng bỉnh của cô con gái. Suốt quãng đường đưa bạn về Nhật thản nhiên đạp xe, đọc thơ Vũ Hoàng Chương cho Tâm nghe. Khoảng thời gian đó tôi đang làm gì? Tôi cũng đã lớn nhưng có lẽ chưa chín chắn như Nhật và Tâm. Hai cô học trò đã vào quán "La Pagode" ngồi bên tách cà phê băn khoăn về thời cuộc, về từng phần đất quê hương đang mất dần vào tay quân Bắc Việt.
Minh Tâm đột ngột phải rời khỏi Sài Gòn, một tuần trước ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản. Cô đã cởi chiếc đồng hồ đeo tay, sợi dây chuyền trên cổ và nhờ người thân gửi lại cho Nhật. Đôi bạn đã vĩnh viễn xa nhau từ đó.
Đó là một trong những kỷ niệm được chúng tôi nhắc nhớ trên những con phố Cali, sóng nước của Laguna Beach, với hoàng hôn và bóng tối. Chúng tôi quay về tháng ngày tuổi trẻ, bay nhảy trên những niềm vui hạnh ngộ, như một ân sủng nhiệm mầu được cuộc đời trao tặng. Bởi vì khi đăng tin tìm Nhật trên mạng xã hội, tôi nhận được tin nhắn của một người đàn ông, sau đó anh gọi điện thoại và cho tôi email của Tâm. Xem chừng anh biết rõ Tâm và cả gia đình của Nhật. Hãy liên lạc với cô Tâm này để hiểu rõ bạn chị đã mất như thế nào! Sau buổi điện đàm, người đàn ông đã biến mất và cố tình không lưu lại một vết tích nào. Tâm không thể suy đoán được người đàn ông ấy là ai? Nhưng chúng tôi cám ơn anh đã giúp cho một tình bạn được nẩy sinh.
Cả ba đều mang gốc Bắc. Song giữa cái sôi nổi của tôi và Nhật, Tâm là một hình ảnh dịu dàng, đằm thắm. Giọng nói cô đã từng truyền qua những làn sóng điện của một đài phát thanh ở Cali. Hội nhập vào đời sống, văn hóa Mỹ khi còn rất trẻ và là người thành đạt, sự nghiệp vững vàng. Nhưng điều làm tôi nể phục Tâm hơn khi nhìn thấy cách cô đối xử rất nhẹ nhàng thân thiện với những nhân viên làm việc cho mình.
 Tâm kể tôi nghe về những vở kịch trên sân khấu Mỹ cô từng xem, đưa tôi đến những phòng tranh, giải thích về những bức họa độc đáo cá biệt của những họa sĩ bản xứ. Có thể nói Tâm là một người rất Mỹ, nhưng cô không dùng một từ Anh ngữ nào khi trò chuyện với tôi. Những bữa ăn của chúng tôi cũng không hề có tô phở, tô mì. Tâm đưa tôi đi ăn cơm Mỹ. Văn hóa của một đất nước nằm trong những món ăn bản xứ. Điều này không sai. Kiến thức tôi được mở mang rất nhiều từ người bạn xinh đẹp, khả ái này. Đôi mắt lúc nào cũng long lanh, ẩn giấu những nụ cười.
Tâm nói nhìn tôi cô nhớ Nhật. Ngược lại, hình ảnh Nhật rỡ ràng trên môi cười, ánh mắt của Tâm khi tôi trò chuyện với cô. Những câu chuyện cũ-mới dường như luôn có đôi mắt đen lay láy của người bạn vắn số lắng nghe.
Tôi là Nhật hay Tâm là Nhật?
Phải chăng linh hồn Nhật như cánh bướm lãng đãng đậu trên đôi bờ tâm thức của hai người bạn cũ?
 
Thơ
   Thơ trong đoản văn này không phải là những con chữ đẹp được gạn lọc, viết lên thành những văn bản. Thơ là một người có đôi mắt to tròn tinh tế, hồn nhiên lẫn nghịch ngợm. Ba yếu tố này đủ làm nên một chân dung dễ gần gũi, thân thiện khi đối diện. Đó là một trong những người bạn văn thuở đầu tôi quen khi bước vào sinh hoạt văn chương.
Người con gái mang tên Thơ, không chỉ một mà có đến hai chữ Thơ. Đặng Thơ Thơ, nghe thơ quá đi chứ! Cô có làm thơ không? Có thể có mà tôi chưa được đọc.
Đã nhiều năm gắn bó thân tình. Thời gian với những đổi thay, nhưng khi nghĩ về cô trong tôi vẫn là hình ảnh một cô sinh viên trẻ trung trong chiếc áo thun trắng và quần jeans salopette, loại quần có yếm và dây quàng vắt qua vai. Thơ Thơ hồn nhiên tóc ngắn, một phần tóc được vén sau vành tai bằng một chiếc kẹp hoa. Thơ Thơ với giọng Bắc nhỏ nhẹ, thanh cao, quyến rũ người đối thoại. Tả về cô như thế tưởng chừng "thơ" tràn đầy trên dáng dấp của người con gái này. Không hẳn đâu! Nhưng thế nào thì trong tôi vẫn là một câu hỏi để trống.
Thơ Thơ lái xe đưa tôi đi nơi này, chốn nọ, điều không thể thiếu mỗi dịp tôi đến Cali. Trên những con đường, thỉnh thoảng cô cho xe chậm lại và đập nhẹ vào tay lái khi nghe một suy nghĩ nào đó của tôi hạp lòng cô. Và hai bàn tay vỗ vào nhau những nhịp giòn tan khi những ngón đang thảnh thơi buông thả. Những nhịp vỗ vui như giọng cười tinh nghịch, đắc ý của cô.
Sau một buổi rong chơi nhiều nơi trong thành phố. Chúng tôi ngồi bên nhau ở một nhà hàng sát ven biển, dưới ánh mặt trời của San Diego. Cụng với nhau từng ly bia lạnh, với khoai rán và mực tẩm bột chiên giòn. Tôi uống rượu không nhiều, nhưng tôi thích ngồi trò chuyện với người uống rượu, lại là một nhà văn nữa thì còn gì bằng. Hình như chúng tôi hiểu nhau qua những ánh mắt, những ly vàng, ly đỏ. Tôi luôn biết rõ những mong muốn của cô khi cả hai ngồi đối ẩm cùng những người bạn khác.
Mùa hè này Thơ Thơ vẫn khoác trên người một màu Jeans bạc, nhưng là một chiếc áo do cô tự vẽ kiểu và may thành áo bằng cách cắt từ một chiếc quần jeans kích cỡ to nhất. Tài tình đấy chứ! Làm trong ngành thời trang nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ được sáng kiến này.
Thơ có là thơ không? Chẳng những thơ mà còn là nhạc. Tôi đã từng thấy hình cô cầm đàn guitar, nhưng đây là lần đầu được nghe cô hát. Và phần bỏ trống của một câu hỏi trong tôi đã được điền vào.
Cúi xuống dịu dàng, hôn xuống nhẹ nhàng thôi
chết xuống dịu dàng, thăm xuống nhẹ nhàng thôi
giết xuống nhẹ nhàng, đâm xuống dịu dàng
nhắc tới dịu dàng, day dứt nhẹ nhàng
Bấu người, cắn người, quấn người, miết người
Khóc người, nhớ người, giết người
á.... à!
Day dứt nhẹ nhàng thôi...
Té xuống dịu dàng, say xuống nhẹ nhàng thôi
riết xuống dịu dàng, ghen xuống nhẹ nhàng
viết xuống dịu dàng, điên xuống nhẹ nhàng
nhắc tới dịu dàng, day dứt nhẹ nhàng... (2)
 
Những lời hát trong ca khúc chưa có tên này là một bài thơ, không thể khác. 
Thơ đó! Dịu dàng, nhẹ nhàng, mạnh mẽ với những cảm xúc cuồng điên. Sự mạnh mẽ và những phản kháng quyết liệt tôi chỉ nhìn thấy nơi những bài văn, những đề tài cô viết sau này. Bây giờ là thơ, là nhạc. Tất cả nằm trong con người ấy. Mọi thứ đều êm, dịu.
Hình ảnh cô ngồi bấm những nốt nhạc, giọng hát cất lên cũng mềm như tiếng nói, khiến tôi liên tưởng đến một ly rượu cô đang cầm trong tay và uống từng ngụm nhỏ. Từng giọt trôi vào thân thể chầm chậm, mê say theo từng cảm xúc hờn, ghen, điên đảo đến độ bấu người, quấn người, miết người, ngay cả giết (người)... Dữ dội quá! Ấy vậy mà cô vẫn tỉnh táo vỗ về nỗi cuồng si, áp chế từng cơn thịnh nộ phải ngã xuống, rơi xuống êm đềm và dường như tất cả đã trở thành một thú đau thương đúng nghĩa. Cái tỉnh táo hiển hiện nơi đôi mắt tinh tế thông minh, ẩn giấu chút gì đó táo bạo, ngang bướng mà hình như tôi chỉ vừa nhìn thấy.
Tôi không phải là người làm thơ để nói về thơ. Nhưng Đặng Thơ Thơ và những té ngã mê muội đã là thơ, là nhạc như thế đó!
 
Nguyệt Mai
   Trước khi gặp Nguyệt Mai, nhà văn Hoàng Thị Bích Ti có nói với tôi là cô cảm thấy mắc cỡ đã gọi Nguyệt Mai bằng em vì không biết Nguyệt Mai lớn tuổi hơn cô. Nghe, nhưng tôi vẫn chưa mường tượng được sự trẻ trung của người bạn này.
Qua những trao đổi bằng E.mail và đọc những bài tùy bút NM viết về những năm tháng còn ngồi ở ghế nhà trường, tôi biết chúng tôi cùng trang lứa.
Tôi khác Bích Ti, nhưng hành động của hai chúng tôi thì nào có khác, chỉ là mỗi người mỗi cách. Tôi đã ôm chầm Nguyệt Mai ngay lúc đầu gặp gỡ và đẩy cô ra ngắm nghía như gặp lại một cô em lâu ngày xa cách. Ảnh hưởng văn hóa Pháp, với tôi, chuyện ôm chầm lấy nhau tỏ tình thân ái là một điều rất thường. Nhưng việc này khá hiếm hoi trong những giao tiếp của tôi. Người đâu mà trẻ trung, dễ thương quá! Cái trẻ tôi nói với bạn không phải là câu khen ngợi dành cho một người phụ nữ được thời gian ưu đãi. Nét trẻ trung dễ thương đó là sự hồn nhiên trên gương mặt không phấn son, qua những nụ cười, dáng vẻ còn rất học trò. Thực lòng, ngồi với cô có lúc tôi nghĩ nếu ở gần nhau tôi sẽ tỉa lông mày cho cô, tô thêm một đường viền cho thêm phần long lanh nơi đôi mắt. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy mình bậy bạ hết sức! Cái dung nhan "mộc mạc" ấy làm nên con người Nguyệt Mai. Và tôi hiểu tại sao ngoài những người bạn văn nghệ đồng trang lứa, bạn còn được những người anh lớn trong ngôi nhà văn học trân quý, mến thương. Son phấn đôi khi chỉ là những điều xa xỉ!
Cách nào thì trong văn chương thi ca cũng thấp thoáng phần đời của người sáng tác. Hạnh phúc hay buồn bã chính là những giọt máu muôn màu được chắt lọc, nhỏ xuống từ một ngăn tim. Nguyệt Mai không sáng tác, cô chỉ viết tạp ghi, điểm sách và làm thơ. Những bài thơ rất hiền, những con chữ còn thướt tha bóng dáng tuổi ngọc. Lớp tuổi chúng tôi, mấy ai còn giữ được trong tâm hồn những ngọc ngà thiếu nữ. Tôi nghĩ, những giọt máu trong tim cô luôn nồng ấm, ấm đủ nhiệt tình cho cô thư thả ngồi giúp những vị chủ bút làm báo, phổ biến những tác phẩm hay.
Nguyệt Mai, bông hoa đơn giản khiêm nhường không chỉ nở vào mùa xuân. Giữa bao nhộn nhịp trong một đêm hè oi bức, hoa cười hồn nhiên dưới đèn trăng, nụ cười dành cho bạn và tôi những thứ tình không nghi ngại.
 
Chân dung dòng sông
   Tôi đã cố gắng mường tượng đến khuôn mặt bạn khi nhận được bức điện thư đầu tiên của cô. Nhưng trong tôi, chỉ mơ hồ một mái tóc dài, một tà áo giữa bao tà áo nơi hành lang cửa lớp. Nơi mà bầy con gái chia ra từng nhóm nhỏ chuyện trò trong những giờ ra chơi. Chúng tôi đã không cùng nhóm nên thật khó khăn khi bảo trí nhớ phải tìm lại cho mình những thứ đã qua đi gần nửa thế kỷ. Tôi không nhớ cả tên cô, nhưng cái tên đã hiện rõ mồn một trong đầu khi cô nhắc về một người khác.
Một người bạn cùng lớp và rất thân với cô đã thầm thì với tôi: con nhỏ này đang yêu một ông họa sĩ lớn tuổi tên Nghiêu Đề. Tên chi nghe lạ lùng và có lẽ vì lạ nên mới còn trong trí nhớ. Thuở đó đang là "người yêu của lính", tôi nào quan tâm đến hội họa thi ca của những bậc đàn anh. Nhưng dù đã có người yêu hay chưa? Tình yêu của cô với người họa sĩ tên tuổi chói sáng vì anh đã từng được tặng thưởng huy chương của nền hội họa nước nhà khi chúng tôi chỉ là những đứa trẻ lên tám, lên mười. Quả tình đôi cánh thanh xuân của cô đã bay cao, bay xa hơn những người bạn cùng lớp rất nhiều.
Xưa, cô chỉ là Giang yểu điệu với mái tóc dài thả xuống lưng mềm nơi hành lang lớp học. Bây giờ là Lê Chiều Giang sáng ngời chữ nghĩa trên văn đàn. Tôi đang nhìn ngắm cô, không phải là chân dung được vẽ ra từ người họa sĩ tài hoa đã mang những mảng màu của anh biền biệt vào cõi thiên thu. Mà là chân dung rực rỡ tóc tang của một góa phụ tự vẽ cho mình.
Đỏ rất đỏ
ta tung màu lên tóc
và, xám xanh
lấp đầy hai con mắt
ta vẽ ai đây giữa đêm tàn
thắp sáng trong tranh trăm ngọn nến
réo hồn ai bằng tiếng thở khan
Phải rất trắng
như lòng ta thanh khiết
vẽ như điên những ai oán muôn trùng
Vẽ như điên
tiếng khóc ta rất nhỏ
bằng chút màu
như của đất chôn (3)
 
Cùng chúng tôi, người góa phụ đang ngồi ngắm lại bức tranh, những sắc màu loang theo tiếng hát. Tiếng hát với những luyến láy bay bổng, dẫn người nghe vào những cung bậc tràn đầy cảm xúc.
Tiếng hát của ca sĩ Thu Vàng! Tiếng hát cuốn hút đôi tai người nhạc sĩ ngay lần đầu khi nghe giọng chị cất lên. Nên khi gặp lại, dẫu là một người trầm tính, kiệm lời, anh đã lên tiếng mời chị hát cho anh đàn. Dường như đó là niềm vui, hạnh phúc của những người nhạc sĩ. Cái hạnh phúc đang hiện hữu đâu phải chỉ riêng cho người đàn, người hát. Người viết xuống những con chữ góp lại như câu kinh cầu hồn và người kết nối thành giai điệu cũng rất đỗi hân hoan.
 
 Lắng lòng theo bản nhạc, nhưng tôi vẫn kín đáo ngắm nhìn người bạn đã có cùng mình một khoảng đời hoa niên xưa cũ. Chùm ánh sáng lung linh tỏa xuống từ ngọn đèn trên trần cao thay cho trăm ngọn nến. Nhưng tôi không thấy màu xám, màu xanh nơi chân dung như bạn đã vẽ ra. Chỉ là một màu đỏ sóng sánh trong ly rượu cô đang cầm trên tay. Màu đen nơi đôi mắt chất chứa bao nỗi niềm ẩn mật, và một chút màu không rõ sắc, thứ màu ngầy ngật.
Cô nghĩ gì khi nhìn lại chân dung mình? Buồn quá! Cô còn thích vẽ nữa không và sẽ vẽ gì trong những ngày sắp tới?
 
Ngọc nhỏ
   Đàm Thúy Ngọc, tên đẹp như tên của giai nhân trong thơ cổ. Nhưng tôi thích gọi em là Ngọc nhỏ. Nhỏ nhít, út ít là cụm từ đầy yêu thương mà người ta thường dùng khi nhắc đến một thành viên nhỏ nhất trong gia đình. Ngọc là người bạn tôi vừa mới quen, chữ nhỏ tôi muốn nói không xa những suy nghĩ đó.
Theo những sánh ví thời thượng của người trong nước thì Ngọc là một "tay lái lụa". Đường ngắn-đường dài, em đã đưa tôi đi khá nhiều nơi. Từ Orange County đến San Diego, rồi về Los Angeles. Quanh quẩn từ ngôi nhà ở Santa Ana, ra thương xá Phúc Lộc Thọ, tới những quán hàng ở Garden Grove mua sắm, ngay cả nhà bưu điện để tôi gửi sách tặng những thân hữu ở xa. Ngọc luôn đáp ứng những gì tôi cần mà tôi đã đùa: em là chiếu manh của chị!
Ngoài những gặp gỡ chung, hai chị em đã ngồi hàng giờ bên nhau vào những buổi trưa ngập nắng, ở một nơi thênh thang vắng lặng. Ngồi với nhau riêng một góc nhà, mặc chung quanh rộn ràng chén chú, chén anh vào những buổi tối vui vầy của đám cháu tôi, sau một ngày làm việc. Những câu chuyện của hai chị em chẳng bao giờ nhàm chán.
Tôi không lạ khi nghe những dự định tương lai của Ngọc. Một cuộc sống khá là phiêu bạc, nghệ sĩ vì tự thân cô là một họa sĩ. Chúng tôi cũng không hề bàn đến chuyện văn nghệ "vẽ và viết" của nhau. Nhưng tôi vô cùng kinh ngạc khi đến thăm nhà văn TV, nhìn thấy bức tranh cô vẽ chân dung người phụ nữ chủ nhà, được trân trọng treo nơi phòng khách. Khuôn mặt hiển hiện với những đường cọ sắc nét, nhưng những hình thù lạ lẫm, những mảng màu quanh chân dung trừu tượng ấy mới là điều làm tâm tư tôi xao động. Ngọc đơn giản, bình dị. Em nghĩ gì khi cầm cọ phác họa lên khung bố những hình thể đó?
Ngọc nhỏ,
Em từng nói em quý mến chị, đơn giản chỉ vì chị đã dành cho Đặng Thơ Thơ một chỗ ngồi, một nơi đi-về những ngày rong chơi, dù TT lỗi hẹn. Riêng chị, chúng ta đã có biết bao niềm vui trong những ngày rất ngắn, nhưng chị không bao giờ quên được buổi chiều dài lê thê ở Winnetka. Em ngồi cùng chị và những người thân của chị một cách thản nhiên không bồn chồn nao núng với những sắc màu của ánh nắng bên ngoài song cửa, từ chói chang rực rỡ đến xám lặng đìu hiu. Với em, chỉ một lý do duy nhất là nán lại để tránh kẹt xe. Nhưng chị hiểu, em muốn kéo dài khoảng thời gian quý báu cho chị với gia đình, trước khi chị lên máy bay về lại Pháp.
Ngọc nhỏ! Cách nào chị có thể quên em? 
 
1- Việt Nam-Việt Nam ( Nhạc sĩ Phạm Duy)
2- ... Đặng Thơ Thơ
3- Chân dung (Thơ Lê Chiều Giang, nhạc Trần Duy Đức)
 
ĐẶNG MAI LAN
(Paris, décembre / 2022)
 
 
 
 

Sunday, November 19, 2023

NĂM BÀI THƠ NGẮN

Nguyễn Đức Nhân
 
Tranh Mai Trung Thứ
 
TẠI EM SOI MẶT VÀO SÔNG
 
em và mây mảnh khảnh
soi mặt vào sông
tóc em xanh dập dờn
nước sông xanh cảm xúc
gió chiều xanh ngẫn ngơ
tại em soi mặt vào sông
bầu trời xanh kỳ lạ
xanh. xanh. xanh như đang mơ
 
 
MÀU HỔ PHÁCH
 
em ở xa. rất xa
xa tận cùng trăng sáng
gởi tặng hộp trái cây
trái nhỏ màu hổ phách
mở. ăn thử. ta
nhìn quanh đất trời
rực hồng màu hổ phách
trong hộp giấy
những trái nhỏ thì thầm: chúng ta biến
anh chàng
thành tượng người hổ phách
những trái nhỏ khúc khích
hình như nắng reo
 
 
AI GỌI TÊN TÔI
 
đứng ngắm ánh trăng rằm
dường như có ai gọi
dường như. ai gọi tôi
nghe tiếng gọi thân thương
mường tượng. như tiếng em
gọi từ mùa thu cũ
đi tìm. tìm
ồ. thì ra hạt sạn
gọi trong giấc mơ
hạt sạn ngủ dưới bụi dạ lan hương. cả vườn
trăng thơm ngát
hạt sạn.
hạt sạn tròn. ngọc bích
em lúng túng tặng tôi
vào một chiều tan học
tôi đánh rơi
đã nhiều năm thờ thẫn
 
 
SOI BÓNG
 
em ca sỹ bé nhỏ
bước ra từ họng chim
hát dân ca xứ Nghệ
khiến dòng Lam thổn thức
dòng nước đi
không chảy ngược về
những con chim. một thời xa cũ
có con bỏ bầu trời
 
vội hiện về vổ cánh
soi bóng vào sông quê
 
 
CŨNG MỘT VỪNG TRĂNG ẤY
 
Năm xưa ta bên bạn
Trong vườn trăng cùng ngồi
Đêm nay dưới trăng sáng
Lăng lẽ mình ta thôi!
Bạn đi theo mây trắng
Bốn phương trời thơ bay
Đêm có còn chỗ rộng
Gởi nỗi buồn không khuây?
Đêm nay cũng trăng ấy
Vịn ánh trăng ta ngồi
Chẳng còn ai tâm sự
Trải lòng với trăng thôi!
2023
NĐN