Wednesday, August 30, 2023

HUẾ & QUÁCH THOẠI

nguyễnxuânthiệp
 
Quách Thoại. Đinh Cường vẽ
 
Quách Thoại. bên bờ sông Hương
 
    Ở cái thời xa xưa ấy, tôi có một người bạn: Quách Thoại. Nói là bạn, nhưng anh lớn tuổi hơn tôi nhiều. Và vào cái năm ấy -trước 1954- anh đã là một người đàn ông lịch lãm và là nhà thơ nổi tiếng, còn tôi mới chỉ là cậu học sinh trung học. Thế nhưng, chúng tôi gặp nhau thân tình không giới hạn. Cho tới ngày hôm nay, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn như trông thấy hình ảnh anh đi trên đường, dưới hàng cây. Ở anh, có một vẻ gì đó rất thơ. Đúng như Thái Tuấn đã vẽ,  họa phẩm có màu tím mênh mang và chùm bóng bay. Trong niềm tưởng nhớ Quách Thoại, cũng xin chép ra đây bài đoản văn tôi đã viết về anh từ hồi còn ở trong nước.
    
    Những cây phượng nở đỏ ven bờ sông Hương, dọc theo hoàng thành. Tiếng ve kêu rợp những khu vườn, như một dàn đại hợp xướng, vừa mới lặng tiếng ở nơi này, bỗng lại bùng lên ở một góc khác, một khu vườn khác.
   Đó là mùa hè ở Huế, qua đôi nét phác thảo. Nhưng là một mùa hè đã xa, xa lắm. Hơn sáu mươi năm về trước. Tôi gặp Quách Thoại lần đầu tiên mùa hè ấy. Xa, quả là quá xa, vậy mà tưởng như vừa mới hôm qua.
   Ngày ấy, Quách Thoại từ Sài Gòn trở về lại Huế, định ẩn cư với đá và cây cùng chim muông trong vườn. Tôi gặp Thoại qua một người bạn, không nhớ rõ là ai. Thoại ăn mặc đẹp, dáng vẻ một dandy kiểu Baudelaire. Complet màu beige, mũ feutre. Tôi thì hãy còn là học sinh, đi chiếc xe đạp hiệu Saint Etienne sơn đen, có một cái chuông rất lớn, một porte- bagages rất chắc. Những bài thơ, môt vài tùy bút và truyện ngắn đầu tiên, hãy còn non dại lắm, đăng trên Đời Mới, Thẩm Mỹ...
   Thoại về Huế năm ấy, như đã nói, vào dạo hè. Mùa hè nóng như một cơn điên màu đỏ, nhưng có lúc chợt lãng đãng trong màu tím trôi trên sông. Ngồi ở đây, một thành phố ảo miền Trung Mỹ, mà tôi như còn thấy lại hình ảnh Quách Thoại. Dáng anh cao, nghiêng, chiếc mũ dạ cũng nghiêng theo chiều gió, bước đi trên đường Lê Thái Tổ, dưới hàng cây, đi qua cầu, nhìn những lá đò trôi trên sông và dãy núi xa, mờ.
   Một buổi chiều, chúng tôi họp mặt ở nhà anh Thái bên An Cựu, uống trà và nói chuyện thơ. Lần đầu tiên tôi được nghe Như Băng Trường Tình của Quách Thoại. Như Băng, một thời là người Thoại yêu, sau ẩn mình trong tu viện. Như Băng ơi, vì đâu mà lệ ứa, Ta khóc than nghĩ tủi phận đời ta... Chúng tôi kéo nhau đi ăn bánh bèo dưới chân núi Ngự. Thoại vui, nói chuyện có duyên. Anh có vẻ xanh, gầy, nhưng trong và sáng. Cuối buổi đi chơi, tôi chở Quách Thoại về miệt Bãi Dâu, trên chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ của tôi. Thoại ngồi sau xe, lật tờ Đời Mới có đăng bài tôi, nói: "Văn Châu Liêm viết như giọng văn Thạch Lam...". Thời trẻ dại ấy, được nghe lời khen đó, tôi sướng lắm. Tôi chở Thoại tới nơi anh ẩn cư. Giường anh nằm giữa hai dãy giường dài, chung quanh cũng là những người gầy xanh như Thoại. Thì ra đây là nơi cho những người bị bệnh lao dưỡng bệnh.
   Năm 1957, gặp lại Quách Thoại ở Sài Gòn. Quán cà phê hè phố Kim Sơn. Trên đường Catinat. Anh trông gầy và xơ xác đi nhiều lắm. Nhưng đôi mắt lấp lánh. Đây là thời của anh và các bạn. Thời tạp chí Sáng Tạo. Ít lâu sau, anh mất. Với tôi, hình ảnh đẹp nhất của anh không phải là trên hè phố Sài Gòn. Mà là bên bờ sông Hương ở Huế. Và trong thơ:
 
Quách Thoại đi
giữa lòng cuộc đời
còn sót
lẻ loi
một bông
thược dược.
NXT 

Friday, August 25, 2023

MẶC KHẢI

Chiêu Anh Nguyễn
 
Starry night. Tranh Van Gogh
 
Đừng nói về hành tinh kia Hãy xem ánh sáng
           chan hoà mỗi đêm trên vòm trời cao rộng
Đừng nói về mặt trời bằng ngôn từ sáo rỗng
Hãy cảm nhận giọt nắng đọng trên khoé môi cười
           Người ta chỉ có thể nhận ra gió khi cây lá tả tơi
Và tương tự với nỗi đau quặn thắt để hiểu tình yêu
                                           mang hình mũi tên tẩm độc
 
Chúng ta nói gì ở hai mảnh tinh cầu về niềm tin
Về hành trình
Về mỏng manh hi vọng
Chẳng ai có thể nói về nhau khi chưa từng một lần chạm mặt
 
Nhưng Thượng đế cao vời đâu cần phải khoác lấy nhục thân
Chúng ta sẽ nói về Thập tự là dấu chỉ hi sinh
Và nói về lòng khiêm cung hiển nhiên chỉ có thể là Maria đầy ơn phúc
 
Đức tin đâu thể đo bằng dấu đinh mà Thomas đã sai lầm đưa tay cảm nhận
 
Tình yêu đâu thể là đong đếm bằng tầm thường vụn vặt .
 
Điều duy nhất giữ chúng ta bên cạnh Thượng đế
Chắc hẳn không bao giờ là thứ được định nghĩa bằng hình hài.
hạt cải gieo vào đâu để có thể nảy mầm .
Chẳng có điều gì mắt thấy tai nghe mà không đến ngày tàn tạ
Chỉ có khát khao là đích đến vô chừng
 
Chỉ có niềm tin đẹp như một đức hi sinh . Chỉ có những thiêng liêng
                                                                     sẽ trở thành Vĩnh cửu .
C-A-N
8/2023

CÔ BÉ ĐI VỚT MẶT TRỜI

Nguyễn
 
Em Thúy. Tranh Trần Văn Cẩn
 
LI M
Trẻ thơ có nhiều ước mơ và mộng tưởng trong sáng. Chẳng hạn mơ vào rừng tìm ngọn lá thuốc về cho con mèo ốm. Mơ gặp Thạch Sanh. Mơ lên cung trăng làm bạn với chàng cuội già. Nhưng chỉ mơ để mà mơ thôi chứ không dấn thân thực hiện như cô bé Thảo An trong mẩu chuyện sau đây. NGUYỄN
 
Từ hồi bé, bé lắm, lúc chưa đi học nữa kia, mỗi buổi chiều em đều thơ thẩn trước nhà, không để làm gì cả, chỉ để ngắm mặt trời cháy đỏ và rớt xuống phía Tây. Lúc đó, ngày nào như ngày nấy, sẽ có những hồi chuông nhà thờ gióng giả đổ. Em có cảm giác tiếng chuông đưa tiễn cho linh hồn của mặt trời sang bên kia thế giới, bên kia quả đất. Những lúc ấy thời gian trôi chậm lắm, và em ngồi giữa đám cỏ may trước nhà cho đến khi bóng tối phủ đầy. Em yêu mặt trời, mặt trăng, và mây lắm. Bất cứ hình dạng nào thay đổi ở trên trời cũng làm em đầy cảm xúc. Thế là có một hôm, em tưởng tượng ra một chuyến viễn du. Em sẽ đi cứu mặt trời. Không thể để mặt trời rớt được. Vì em nghĩ nếu một ngày nào đó mặt trời sẽ cháy rụi, sẽ rớt luôn, lặn mãi mãi không còn mọc nữa. Hình ảnh đó làm em sợ và em nghĩ em sẽ lên đường đi cứu thế gian, em sẽ vớt mặt trời và để nó ở vị trí sắp lặn như thế mãi mãi. Ôi chao, thế gian này sẽ đẹp biết bao.
Thế là em chuẩn bị một túi đệm (ăn cắp túi đệm của Mẹ), hốt hết mấy bộ quần áo, leo lên mái nhà lấy cơm khô mẹ phơi dồn hết vô bị. Nhớ trong sách vẽ mấy anh chàng hành hiệp giang hồ đều có cái xỏ hành trang ngang một nhánh cây, em cũng lượm một nhành tre y như vậy và lên đường. Em nghĩ, đường chân trời xa lắm. Có thể em sẽ không có dịp quay về, không có dịp gặp mẹ nữa. Đường chân trời xa gì thì cũng phải có đích chứ, đi hoài, đi suốt đời rồi cũng sẽ gặp thôi. Và em yên trí như thế.
 
Em đi trên con đường mình theo mẹ đi chợ mỗi ngày, nhưng thông thường tới chợ là ngừng. Tới chợ là quay về. Đi ngang qua chợ rồi tự nhiên em thấy sợ, cảnh lạ lắm. Hai bên là những vườn lài, hoa lài mùa hè thơm ngát, nhưng hai bên đường trời tối âm u. Vườn lài rộng và dài lắm. Nghe mẹ nói VC thường về trốn trong đây làm lính kiếm cũng không ra. Nhưng em lấy hết can đảm để đi, qua đêm tới sáng sẽ không sợ nữa. Chưa tới sáng thì trăng non đã nhú. Mặt trăng từ từ lên cao, chưa tới đỉnh đầu mà ánh vàng đã đổ tràn như tưới khắp thế gian. Trăng đẹp quá, ánh sáng lung linh rung động lòng người. Và em chìm ngập trong cái cảm giác bàng hoàng trong ánh trăng đêm đó. Cuối cùng, em quyết định quay về. Em ngộ ra, mặt trời tắt là để chờ trăng lên.
 
Trong lúc em quảy cái túi, đứng giữa đường ngắm trăng thì chị em chạy xe tới. Chị nói, mày đi đâu làm cả nhà tung ra đi kiếm khắp nơi. Em nói dối, em đi lạc. Khi về đến nhà, mẹ lục túi đệm ra thấy quần áo, cơm khô mắng em một trận về tội bỏ nhà ra đi. Mẹ nói, sáng mai sẽ trị tội.
 
May quá, sáng hôm sau, mẹ bận bịu với chuyện cơm áo gạo tiền mà quên phứt. Còn em, từ hôm đó bắt đầu lóng ngóng chờ một buổi trăng lên.
 
KT T
Cô bé trong truyện sau trở thành nhà văn Nguyễn Thị Thảo An. Mơ mộng ngày ấy đã trở thành hiện thực. Trong những truyện cô viết, như Đỉnh Trời Tròn, Những Dòng Sông Không Chảy, Đường Ra Khỏi Basra, Lửa Bạc…, ta thấy cô quả đã vớt được mặt trời, mặt trăng. NGUYỄN

  

Thursday, August 24, 2023

GO QUIET... AFTER PHẠM CÔNG THIỆN.

Vương Ngọc Minh
 
Tranh Vương Ngọc Minh
 
câm đi-những bí quyết
bí ẩn
từng giúp tôi tồn tại trong thế giới
ngày nay
đang sà thấp
 
và
lần thứ ba trăm lẻ tám
mọi thứ có nghĩa trong mồm
luôn muốn bạo dâm tôi
tự vơi dần
những ảo vọng-theo đó cũng bớt dấm dẳng
... moves like a bass drum
 
nuôi cho lớn lại các từ "độc lập
tự do
hạnh phúc" nơi đóc họng
bắt đầu ngay ở chỗ cách mạng tháng tám
chỗ các từ bị bầm
giập-yah
 
tôi thực sự có hiểu
hết?
sự đời
chả ai biết
 
sống-giống
một điệu vũ thời tiền chiến
âm vọng cực mờ
đục
không bình luận gì cả
 
giữa chữ "biến khỏi đây!"
và bóng tối
giữa hơi thơ và xương-với mùa hạ đi
mùa thu về
và tơ trời và sự rỗng
và rồi tôi thấy nên quyết định ngậm miệng
chỉ gật đầu
 
qua đó-có thể tóc
mọi thứ
thôi bạc thêm
 
ngay trong thời khắc này
tôi nhất trí
vẫn để cửa microwave đóng
tập hợp các chữ
mở-ý muốn hình ngọn lửa/ngôi làng xưa
về lâu về dài
với hi vọng giấc ngủ sẽ sâu
 
từ hiện tại
đến tương lai
tôi sẽ không còn nhận ra ai nữa.
 
VƯƠNG NGỌC MINH.
 
 

Friday, August 18, 2023

ĐỐT NHÀ

Lê Chiều Giang
 
Tranh. Tác giả gởi

Bới tung.
Từng góc nhà
Xó bếp
Tay nâng niu những tháng ngày xưa
Có bao năm?
Mà như thiên cổ
Nhà ơi.
Giữ lại dùm ta những gió mưa
 
Giữ lại dùm ta
Ngàn tiếng nói
Âm vang nào chôn dấu, đã lâu
Tiếng thét to, đôi lần tuyệt vọng
Những cười khan.
Những khóc dấu.
Những đêm dài.
 
Ra đi,
Đốt lửa căn nhà trống
Vung vãi tàn tro
Khắp đất trời. Và
Xóa bàn đi làm lại hết
Ta thả đời ta,
giữa…gió bay.
 
LÊ CHIỀU GIANG
 

 

NÓI GÌ ĐI, DÃ QUỲ!

Châu Liêm
 
Sunflowers. By Van Gogh
 
   Mỗi buổi sáng đi bộ chuyện trò với người, CL vẫn thường gặp cây hoa quỳ ở gần thùng thư của một nhà trong xóm. Ở đây, xin phép nói rõ thêm một tí vì sợ bạn bè trong nước hay bên châu Âu không hình dung được. Trong xóm CL ở, ven đường trước mỗi nhà có một cái thùng thư bằng gạch xây. Bên cạnh thùng thư là một bồn nhỏ để trồng hoa. Tùy thích, mỗi nhà trồng bất cứ thứ hoa gì. Iris, day-lily hay thủy tiên, tulip... Riêng nhà nọ trồng một cây hoa quỳ mùa này đang nở hoa. Mỗi sáng CL thường đi qua cây dã quỳ này. Và nó bắt CL dừng lại nghĩ ngợi, mơ tưởng. Những đóa quỳ vàng của tôi ơi, các bạn nhắc với tôi nhiều điều lắm.
   Này hoa quỳ! Trước hết, các bạn nhắc tôi nhớ tới bông hoa quỳ trong thơ Ý Nhi. Nó nở trong vườn nhà ai ở Đà Lạt. Có lúc nó là ánh mắt nhìn chờ đợi một ánh mắt hoặc một lời nhắn gởi chờ ai đón nhận. Có lúc nó như ngọn đèn ai thắp trong chiều mong bước chân về. Ôi chiều nay, ta cũng như đóa quỳ vàng kia, chờ một ánh mắt nhìn, một tiếng nói, một tiếng chân trên thềm nhà. Và, như đáp lại, tiếng hát -hình như của Mỹ Linh- từ chiếc radio văng vẳng, cũng trong chiều nay, những bước chân ai trên hè phố trở về trong ánh đèn đường. Này hoa quỳ! Hoa quỳ cũng nhắc ta nhớ đến câu chuyện tình ở tận bên vùng Provence miền Nam nước Pháp. Ở đó, trong một chung cư, có hai người trẻ tuổi yêu nhau rồi chia xa. Khi người con trai lên đường nhập ngũ, chàng hái tặng cô gái đóa quỳ vàng, hẹn rằng khi mùa hoa quỳ nở chàng sẽ trở về. Thế rồi bao mùa hoa quỳ đã qua, chàng trai vẫn không trở về cho đến một hôm người con gái nhận được tin người yêu tử trận. Từ đó, cứ mỗi mùa hoa quỳ nở, cô gái lại hái những bông quỳ vàng rắc đầy lối đi, để tưởng nhớ... Nói tới vùng Provence miền Nam nước Pháp, CL lại nhớ những bông hoa quỳ trong tranh của Van Gogh. Hình như có tất cả là 12 bông, vàng rực rỡ và đau đớn. Ấy là những năm cuối cùng trong cuộc đời nhà danh họa.
  Này hoa quỳ! Hoa quỳ thân yêu. Mi còn đưa ta trở về với con đường Hàm Nghi ở Đà Lạt -con đường từ khu Hòa Bình lên chùa Linh Sơn rồi nối liền với đường Võ Tánh nơi có Quán Nhạc nổi tiếng. Ở đó, một thời cũng đã có một mối tình thật đẹp. Hoa quỳ nở suốt dọc đường đã làm chứng cho hai người. Và tiếng hát của những bông hoa quỳ, vừa rực rỡ vừa đau đớn, sẽ còn mãi mãi ngân vang. Cho dù về sau tình tan vỡ thì cũng đã có một thời nơi đây tình đẹp với hoa quỳ. Từ những bông hoa quỳ ở Đà Lạt, tôi đi. Qua những thành phố, thị trấn, thôn làng. Trong mưa, nắng cháy và dưới trời hoa tuyết bay. Đi để rồi gặp lại. Gặp lại người, gặp lại mình, gặp lại hoa quỳ. Trong một truyện ngắn viết cách đây nhiều năm, lấy khung cảnh những ruộng dã quỳ trên đường từ Oklahoma đi Kansas, cũng do định mệnh, nhân vật chính của tôi đi tìm người yêu xưa đã lạc vào không gian màu vàng của dã quỳ và không về nữa.      
   A, trí óc của CL lại như vượn chuyền cành, nhảy từ nơi này sang nơi khác. Xin bạn đọc hiểu giùm và tha thứ cho. Chỉ còn một thắc mắc cuối cùng xin gởi đến hoa quỳ. Này dã quỳ ơi, tôi đã đi từ ngày xưa những con đường của Đà Lạt để tới thành phố Garland này, trải qua bao biến dịch có tiếng cười tiếng khóc, cả cái sống và cái chết, để gặp lại hoa quỳ nơi đây. Vậy phải chăng hoa quỳ bây giờ cũng là hoa quỳ ngày xưa, và tôi bây giờ cũng là tôi bao năm trước. Hoa quỳ ơi, xin nói giùm tôi!
(trích Phố Văn số 76)
CL
 

Thursday, August 17, 2023

VỀ ĐÔI MẮT CỦA MỘT NGƯỜI NỮ VĂN KHOA

Huỳnh Liều Ngạn
 
Tranh Đinh Cường
 
mưa ngàn năm lạnh vai gầy
mưa qua phố cũ buồn vây kín hồn
em đi tóc rối cả nguồn
tình sông nước đó vỡ cuồng hoang sơ
ta thằng đãng tử làm thơ
về đôi mắt biếc tình cờ thoáng trông
mưa và mưa cũng ngập lòng
em thuyền quyên đẹp vô cùng dã man
thương nhau ngậm một trời tàn
ô hay mắt động xuôi ngàn tịch liêu
mưa trong ánh mắt về chiều
tình trăm năm để lạnh nhiều trang thơ
tặng em ngôn ngữ vỡ bờ
cùng đôi mắt - có hững hờ - không em.
 
Huế 1973
 
HUỲNH LIỄU NGẠN
 

Wednesday, August 16, 2023

THƠ & TRANH LÊ THÁNH THƯ

Nguyễn & bạn hữu
 
Nhà thơ / họa sĩ Lê Thánh Thư
 
Gần đây đọc trên Facebook Thận Nhiên thấy nhắc tới Lê Thánh Thư, nhà thơ/họa sĩ mà tôi yêu mến. Anh mất ngày 16 tháng 7. 2021 tại Sài Gòn.
 
Vốn là một nhà thơ, tranh của Thư đầy chất thơ ngay cả với những bức tranh mang tính thời sự nhất. Một cách nhất quán, thơ và tranh của Thư thơ mộng đến mơ màng, đồng thời quằn quại nỗi đau nhân thế. Tuy nhiên, người ta có thể tìm thấy trong thơ Lê Thánh Thư đâu đó cái châm biếm cay đắng, nhưng hội họa của Lê Thánh Thư thì tuyệt đối không. Lê Thánh Thư không muốn cái đẹp bị hoen ố.
 
Nhiều nghệ sĩ thương tiếc trước sự ra đi của ông, nhưng ai cũng hiểu cuộc đời Lê Thánh Thư đã luôn sống trọn vẹn với nghệ thuật như thể mỗi ngày đều là đích đến.
Bạn bè ghi nhận:
Lê Thánh Thư đến với hội họa bằng sự chủ đích. Dù đã làm thân với nghệ thuật từ những bài thơ đăng báo, tạp chí, ông vẫn quyết định rẽ ngang sang con đường hội họa năm 26 tuổi.
Anh đã từng tự sự: "Trước hết, tôi là một nhà thơ. Cái nhìn hội họa của tôi hoàn toàn khác biệt so với cái nhìn của họa sĩ. Đó là cái nhìn của thi sĩ làm hội họa. Tôi quan tâm nhiều đến cấu trúc được tạo thành bởi sự lặp lại các yếu tố đơn giản và tạo dựng nên các nhịp điệu trong bố cục. Tranh của tôi nhiều tính chất tượng trưng, thường dùng màu đơn sắc, độ dày mỏng khác nhau trong nhiều tranh sơn dầu".
Lê Thánh Thư mất đi, chúng ta mt một họa sĩ mang hồn thơ và vẻ đẹp của cuộc đời. NGUYỄN &BẠN HỮU
 
"Gieo vần" với màu
Ước muốn điên cuồng được kể chuyện bằng màu sắc, hình ảnh đã cuốn Lê Thánh Thư vào nghiệp vẽ. "Ngôn ngữ chữ viết nhiều khi lại không chuyển tải hết những biểu cảm cần diễn đạt. Hội họa đã cho tôi niềm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật" - ông nói về quyết định của mình.
Ngày đầu tự học vẽ, ông đã sống trong căn gác thuê vỏn vẹn 2m2. "Nơi đó tôi sống như một tù nhân với màu sắc, không tiền bạc, không nghề nghiệp, chỉ có vẽ và vẽ trong đơn độc. Đấy là thời kỳ tôi sống tận đáy của cuộc đời" - Lê Thánh Thư từng kể. MAI THỤY
 
Ngày được tin Lê Thánh Thư ra đi, nhà văn TRẦN DZẠ LỮ đã viết lời vĩnh biệt như sau
“…Tôi và Thư quen nhau từ thập niên 90 khi chàng bỏ Quy Nhơn vào kiếm sống ở Sài Gòn. Thư thuê một căn gác trọ nhỏ ở gần nhà thờ Vườn Xoài để sống và làm việc. Lúc này, tôi thì ra ngồi chợ ở Trần Hữu Trang, phường 10, quận Phú Nhuận. Có hồi Thư lên thăm tôi. Có lúc tôi xuống căn gác của Thư không ngoài các cuộc cà phê, chuyện trò về anh em văn nghệ sĩ.
Thư rất chịu khó làm việc trên căn gác hẹp có mái tole nóng nực như lò nướng bánh mì. Chàng đánh trần để vẽ. Trên sàn la liệt sách báo về thi ca, hội hoạ. Thư tự học với sự đam mê ngùn ngụt. Tôi nhớ một câu nói của ai đó: “Đam mê nhất định sẽ thành công.”
Tình cảnh Thư lúc này là thường xuyên gặm bánh mì để vẽ. Tôi cũng không khá hơn chàng, vì sau 75 ngơ ngác trong tan hàng… Xót xa lắm, nhưng tôi suy nghĩ: “Cực đam mê như Thư nhất định sẽ được đền bù…”
Thư lây lất sống như thế đến mấy năm. Qua thập niên 2000, chàng gặp được một hồng nhan tri kỷ, tri âm. Cô là con một trong một gia đình khá giả và họ đã thành chồng vợ.
Chấm dứt những tháng năm cô đơn, cô độc lăn xả vào con đường nghệ thuật là chàng trú ngụ trong một căn nhà lầu ba tầng khang trang ở đường Lê Văn Sỹ. Vợ Thư giành hết tầng ba để Thư bày tranh và vẽ. Nơi môi trường mới này, chàng càng say mê hơn trong công việc sáng tạo. Lúc này, chàng bắt đầu bán được tranh cho người ngoại quốc. Nhiều nhất là người Nhật. Tôi rất mừng cho Thư. Tuy bận rộn với cơm áo, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng ghé thăm Thư vì tình anh em đã gắn bó lâu năm.
 
Trước khi bước qua hội hoạ, Thư là một nhà thơ. Chàng có nhiều sáng tác đăng trên các báo và trang mạng trong và ngoài nước. Phần nhiều là thơ tự do, nhưng Thư cũng có những bài lục bát đầy tư duy nhưng không kém mượt mà.
 
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là năm 1995 tôi in tập thơ đầu tay “Hát dạo bên trời.” Hình bìa là của Thư chụp tặng. Bức tranh sơn dầu này cỡ trung, sau này vì cô láng giềng LTNQ mê quá, Thư đã tặng cho cô ấy treo ở nhà.
 
Năm 2015 khi tôi có nhà mới, Thư đã tặng tôi bức tranh Phố Thị (cỡ 40×40) màu xanh dương và trắng (cho tôi hy vọng chăng? Vì gam màu chủ đạo trong tranh của Thư là đen, trắng và đỏ). Tôi mang theo bên mình đến giờ.
Thư qua đời là một mất mát lớn của chị và cháu gái, vì không còn chỗ dựa tinh thần. Nhưng tôi tin chị và cháu sẽ thực hiện được những gì Thư mong mỏi mà chưa làm được. Thư qua đời lúc đang đại dịch và thành phố Sài Gòn đang cách ly, cho nên nhất định thiếu những bạn bè, anh em văn nghệ tiễn biệt lần cuối.
Cầu mong chàng sớm an nhiên nơi cõi vĩnh hằng.” Trần Dzạ Lữ
 
 
DƯỚI ĐÂY LÀ TIỂU SỬ CỦA LÊ THÁNH THƯ
Họa sĩ nhà thơ Lê Thánh Thư sinh năm 1956 tại Quy Nhơn, Bình Định. Mười hai tuổi, ông được gửi vào trường Dòng (Séminary) tại Quy Nhơn. Năm 1975, ông rời nhà dòng để ra đời (xuất tu ra đời), lập gia đình tại Sài Gòn và có một cô con gái.
Là họa sĩ nổi tiếng, nhưng ông xuất thân là tự học. Bắt đầu vẽ từ năm 1982, từng đoạt giải thưởng lớn Mỹ thuật Việt Nam – Phillip Morris (năm 1996,) giải thưởng Mỹ thuật ASEAN (năm 1998), giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam – Phillip Morris (năm 1998,) giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (năm 2005.)
 
Thơ Lê Thánh Thư
 
BP LA QUÊ NHÀ
 
Bếp lửa quê nhà
quạnh quẽ
mùi lá khô cây khô cỏ khô da khô máu khô thôi thúc cháy
chữ nghĩa cong khô vặn vẹo nằm phơi nắng cả
bút mực cũ càng chỏng chơ bụi bặm góc nhà
thân phận lưng cơm
chén cháo
trầy trật lưng người
đủng đỉnh
chiều chim hót
đủng đỉnh
đêm chó tru
đủng đỉnh
mọi giấc mơ hẩm hút xâu thành chuỗi gác trên chái bếp
mọi chữ nghĩa vo tròn rạc rời ném vào lửa cháy thành tro
 
Bếp lửa nằm co
kẻ về người đi
bí ẩn bờ ao nẻo đường rập rình ngọn đèn ám hiệu
giấu lửa chuyền tay hẻm tối quán vắng
năm tháng phận bạc
ao tù
mọi giấc mơ đành mượn gió đi rong
mọi chữ nghĩa đành tẩm quất phận mình
ngày tháng khan khan
tiếng nói khàn khàn
nằm nghe
đứng nghe
đi nghe
ngồi nghe
chạy nghe
rình nghe
nấp nghe
im nghe
lặng nghe
người ngây   quần quật   điêu đứng...
 
VAN GOGH
 
Chỉ có cái chết mới cứu vãn được
Không còn cách nào khác
Phút cuối đời
Ít thuốc hút và chiếc píp
Chỉ còn hơi thở đuối
Và cái nhìn cuối…chậm rãi dịu dàng
Vẽ kín mặt chiều không sắc
Vẽ kín mặt đất thiếu ân cần
Vẽ kín mặt người không chút máu
Chặng đàng thánh giá
Cắm xuống cánh đồng lúa héo
Cắm xuống bầy quạ đen háu đói
Tiếng súng
Xé`toạc phận người…
Không hoa
Không lời ai điếu
Âm bản đời ông
Không tiếng động
Không thở than
Không thì thầm…
Người hành đạo bằng màu
Người của nắng gió
Của đất và hoa
Người mẫu mực đến tận cùng cái chết
Van Gogh
 
… và tranh



  

Tuesday, August 15, 2023

C À N K H Ô N

Hoàng Xuân Sơn
 
Chim và sen. Hình tác giả gởi
 
chim và sen lung linh
trên mấu nhọn đóa tình
ta bơi trong niềm ngọc
hân hoan một bình minh
,
 
có lúc đời thả nổi
hoan di khúc tình tang
hương sen nào khép mở
càn khôn một liếp nàng
 
)(
 
H O À N G X U Â N S Ơ N
9.8.23 

Sunday, August 6, 2023

KCNguyễn
 
Tranh Ngọc Dũng
 
rừng cháy phía đông, tôi phía tây
mùi khói chưa sang tới bên này
mưa trên tôi, mưa một chút
đuổi mặt trời và đuổi nắng cay
 
giữ lại cho tôi bảy tầng mây
một rơi khi giấc ngủ chưa đầy
nằm nướng trong giường tôi đếm
giọt ngắn giọt dài giọt mới bay
 
một rơi khi tôi ngồi tĩnh lặng
chào ngày chủ nhật vắng tiếng xe
đồng hồ ngủ, không báo động
để khúc mưa tôi mặc tình nghe
 
một rơi thứ hai lười khôn tả
tôi bước đi lên đoạn đầu đài
những giấc mơ ngày êm dịu
chúng cứ chết vào mỗi sáng mai
 
một rơi khi guồng máy thất thanh
cuốn tôi mải miết thế giới này
giọt nhỏ giọt êm giọt chậm
tôi nhớ là mình không phải quay
 
một rơi tất cả thành khuôn khổ
tất cả như thành một thói quen
không nghĩ không thương không nhớ
thúc nhẹ dùm tôi trái tim hiền
 
một rơi khi vẫn còn đâu đó
niềm tin vào những sự bất ngờ
đều đều buồn thiu chán ngắt
nổi bão lên, cuộc sống và mưa
còn một tầng mây xin giữ lại
cất thứ tình khờ không có tên
không tiếc không chờ không đợi
chỉ muốn đôi khi kéo xuống nhìn
KC NGUYỄN 

MỘT CHÚT HỒN TÔI NHƯ TƠ VƯƠNG

Huỳnh Liễu Ngạn

Vườn xưa. Hình Internet
 
không hẹn rồi em có về qua
xóm vắng hoang liêu mấy nếp nhà
em đi giêng hai mưa đổ lại
tôi chờ hôm nay qua hôm mai
chờ đêm xuống vội ngoài khung cửa
chờ ánh đèn lên tỏ mặt đường
chờ tiếng chân người qua ngã phố
một chút hồn tôi như tơ vương
chẳng hẹn hò sao mà nhớ thương
mùa mưa tóc ướt rũ qua đường
em về rẽ bước vô trong xóm
cho nhớ nhung tràn ngập đại dương
rồi thôi rồi thôi em xa xôi
tìm chi ước vọng của cuộc đời
trăm năm thôi thế trăm năm chỉ
người đi người đi như mây trôi.
 
HLN
 

Friday, August 4, 2023

CHIỀU QUA.

Vương Ngọc Minh
 
Crow tree colored sky.
By Barbara Griffin
 
   .. tặng anh hoàng xuân sơn.
 
lui lại
có một con trốt nhỏ
bốc
xoáy-ngang mặt
phát lá trong rừng u minh kêu
giật giọng
xao xác trong hồn
 
trên đầu
khuôn mặt thơ cứ lặng lẽ
lúc ẩn
lúc hiện
tôi luôn luôn đi ngoài rìa dòng chính
con đường có bệnh viện tâm thần/tháng tám có thứ văn chương
cho người đang chán
 
với khuôn mặt thơ
khi lộ diện
trước mắt tôi
nom bao giờ cũng thất thần/lẫn tính cách như thế
tôi nghĩ giá-cũng có thứ văn chương dành cho kẻ muốn tự tử
 
ô kìa-nguyên
cánh rừng u minh nhằm đỉnh đầu tôi
nó chực đổ
.. e bị đập vỡ sọ
tôi lấy ví dụ không có những rắc rối
chết..
thời biến thành cái gì? rồi
về đâu(!)
 
quả thực
chẳng ai biết
tôi đã từng thấy hai mắt thơ
lóe là hai đốm lửa
(lập lòe
hệt lửa lựu !) trong thơ nguyễn du/khi đấy
không muốn xúc phạm ai
lấy thơ-chả đùa
một cách vô thức bưng lấy mồm
 
tôi nói "ta đến đây
làm gì
đéo biết!"
 
và nghe thơ bảo "mày
sẽ biến thành con nhái bầu
khi mưa trút
.. nhái bầu rút vô hang
ca
giọng rầu rĩ
đầy thổn thức!"
 
năm 1972, chiến dịch lam sơn 719 được bộ tổng tham mưu
triển khai, dưới sự điều động, chỉ huy, của tướng hoàng xuân lãm,
quân lực việt nam cộng hòa, bộ binh cùng với đại pháo, thiết giáp,
không quân yểm trợ, ùn ùn khí thế tiến qua đất lào, ở hạ lào, đại binh
phá hủy hầu hết các cơ sở hậu cần của quân cộng sản bắc việt. con
đường bộ được mở qua lào, từ bấy.
 
ngay lúc này giữa lòng tôi nổi
bụm máu bầm cằn cỗi mơ mòng
tợ cái cồn nước chảy nóng
nom con nhái bầu đứng bóng bất động
 
nhưng miệng ba đào hết sức rộng
tôi ngậm mồm nuốt trộng viển vông
tiếng thét văng lên tử móng
cầu vồng-cho tay chụp phóng qua thét
 
xởi lởi lời riết róng chây trét
quả tình chẳng xét nét lòng nào
nghĩ đến con trốt nhỏ-máu
càng không lý tới tiết tháo kẻ sĩ !
..
VƯƠNG NGỌC MINH.