Thursday, March 31, 2016

HỒI ÂM



Thành Tôn

 Bến thuyền. Tranh Tôn Thất Đào

Ngày anh đi, tôi vẫn còn bé dại
chỉ biết cười thôi, dù buổi chia ly
nhưng vẫn nhớ khi thuyền nan quay lái
dòng sông xanh dậy sóng tiễn người đi

anh say hải hồ, tôi mê học hỏi
tình cảm chúng mình nào đã…tàn phai
lời tiếc thương anh nhắn về thăm hỏi
bắt trí tôi ôn lại tháng năm dài

ừ nhỉ, ngày xưa, cái gì lưu luyến
dòng sông xanh. Trăng thắm. Lũy tre làng
bến nước đò ngoan, núi chờ mây quyện
pháo đỏ, rượu nồng…Giỗ, Tết xênh xang

tất cả ngày xưa, chừ là kỷ niệm
bến Trâu Dầm, cầu Bà Đội…tang thương
vì bởi thời gian một lòng quyết chiếm
cả chúng mình, cả bướm, cả chim muông

nào Bích, nào Ngân, nào Hà, nào Tố
đã không còn vết tích của ngày xanh
mà lại Ngọc Bích, Thu Hà..rất ngộ
đang bôn ba trên mấy nẻo kinh thành

và những Đào tong, Thi gầy, Hải móm
cũng lên đường dẹp loạn giữ quê hương
như anh biết tre tàn măng sẽ nhóm
câu hát: à ơi...vẫn quyện trong sương

chưa rượu tao phùng đã nhiều ngây ngất
khi ngày xưa sống dậy ở trong tôi
tiếng hát ru con, ru tình thứ nhất
tiếng quê hương hay tiếng nói cuộc đời

tôi phục tài anh, ngày xưa, còn nhớ
và mối tình gắn bó với quê làng
muốn ngỏ đôi lời, nhưng sao vẫn ngại
anh có buồn khi người ấy sang ngang

Thành Tôn
1969


Hồi âm. Thơ Thành Tôn. Nhạc Nhật Ngân. Bảo Yến hát:



RUỘNG ĐẤT VÀ TÌNH NGƯỜI



Nguyễn Âu Hồng


 Hoa gạo tháng ba

Một nhà thơ (xin lỗi không nhớ tên) đã viết, khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Xem ra, đất đai và con người luôn có sự gắn bó. Mà đây mới chỉ là đất và người nói chung chung, riêng với nông dân thì ruộng đất đối với họ có sự gắn bó đặc biệt keo sơn. Ruộng đất và nông dân là một. Vợ chồng có thể lìa xa, quốc gia có thể bị chia cắt, song ruộng đất và nông dân thì không thể tách rời. Tách người nông dân ra khỏi ruộng đất, chẳng khác nào cắt đứt núm ruột (của họ), cuốn rún chia lìa. Khi một người nông dân bị mất đất, có nghĩa là (anh ta) đã mất tất cả. Mất cả niềm tin và hy vọng, mất luôn lẽ phải và tình người.

Một nông dân Ukraine sống sót sau nạn đói 1932-1933, viết về hậu quả của việc mất đất:
- Trung Ương Xô-Viết huấn luyện một đội ngũ 25.000 cán bộ rồi cử về các làng quê để vận động hợp tác hóa nông nghiệp. Cán bộ của “Đội hai mươi lăm ngàn” được cử về làng tôi là đồng chí Zeitlin. Chẳng cần phải đợi lâu. Ngay rạng sáng hôm sau, một buổi sáng lạnh giá của tháng Giêng năm 1930, khi mọi người còn đang ngủ, 15 dân làng đã bị bắt. Mật vụ KGB cùng công an và quân đội đã đến làng vào lúc nửa đêm. Ông trưởng làng cũng bị bắt dẫn đi và không bao giờ quay trở lại.
Sau cú đánh “dằn mặt” là màn tra tấn cực hình. Đồng chí Zeitlin cho công an và du kích dẫn những nông dân “cứng đầu” đi bộ trong tuyết từ làng này sang làng khác và nếu vẫn từ chối không chịu “đăng ký” vào hợp tác xã thì sẽ bị tốp công an, du kích khác luân phiên dẫn đi đến những làng xa hơn nữa. Người nông dân hoặc là chết vì kiệt sức hoặc phải chấp nhận vào hợp tác xã. Lúc bấy giờ đồng chí Zeitlin mới vươn vai khỏe khoắn viết báo cáo gởi về Trung ương Xô Viết là “lòng dân đã thuận theo ý Đảng”, một đôi khi còn huê dạng: “ý Đảng và lòng dân đã hòa làm một”. Nhưng đồng chí Zeitlin đã lạc quan hão. Trước khi đăng ký vào hợp tác xã, cánh nông dân đã kịp chôn giấu lương thực, giống má, lẻ tẻ có người còn lén lút giết bò, giết ngựa để ăn thịt. Chỉ có ruộng đất, không xè xẻo gì được thì đành phải để nguyên đấy mà ứa nước mắt xung công. Người nông dân bị mất ruộng, mất đất, như người bị mất hồn, cứ trơ ra, ù lì. Công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp, cứ è ạch giậm chân tại chỗ. Để thoát khỏi tình trạng đó, Stalin và Trung ương Đảng đã có sáng kiến về “con dê tế thần” tức tìm ra kẻ phải gánh chịu mọi tội lỗi:  bọn Kulaks. Nhưng Kulaks là ai mới được chứ? – Kulaks là những người giàu có ở nông thôn, mà theo chủ nghĩa Marxist, bọn địa chủ cường hào giàu có là những kẻ bóc lột, hút máu nhân dân. Bất kể người nào có ruộng đất, bò ngựa, nhà xây đều có nguy cơ bị quy chụp là Kulaks và bị đày vào trại khổ sai ở địa phương hay tận bên Nga. Ở làng tôi, ai mà chẳng có ruộng đất, bò ngựa, đa số nhà ở của dân làng là nhà xây nhưng chẳng có giai cấp đặc biệt nào gọi là địa chủ bóc lột cả. Thế nhưng khi Đảng đã muốn thì phải tìm ra thôi. Chỉ cần một thư nặc danh nói ai đó đã thuê mướn bóc lột thì liền bị quy là Kulak. Như trên đã nói, một khi người nông dân bị mất ruộng đất thì coi như họ đã mất tất cả. Họ sống trong vô vọng, thiết gì đến lẽ phải và tình người. Tình làng nghĩa xóm bị xé nát. Xóm giềng thay vì quạt nồng ấm lạnh khi tối lửa tắt đèn lại đi soi mói, đâm thọc.  Sự tị hiềm, thù ghét làm cho bầu không khí trở nên ngột ngạt, khó thở.
(Execution by Hunger - Miron Dolot)

Ở Việt Nam, sau năm 1975, nhà nước cho tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Nam: ruộng đất, trâu bò đều đăng ký vào hợp tác xã. Một cụ già ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình, Tuy Hòa có làm một bài vè:
Nam mô cung vận tiên linh
Cao tằng hiển khảo chứng minh rõ ràng
Tôi cúng bát nước cây nhang
Và xin kể chuyện thế gian trên này
Từ đường hương hỏa hôm nay
Đăng ký hợp tác, hai tay sạch quào
Vườn ở chỉ có một sào
Với một cái giếng nẫu giao cho mình
Tới ngày kỵ lạp tiên linh
Ta ra giếng mình múc bát nước trong
Con cháu nội ngoại về đông
Ra giếng uống nước cành hông rồi về.

Người Việt coi việc thờ phượng ông bà, cúng giỗ (kỵ lạp) là thiêng liêng, coi mảnh đất có mồ mả ông bà là thiêng liêng, vậy mà ruộng từ đường - đất hương hỏa đều đăng ký đưa vào hợp tác thì người nông dân trắng tay (hai tay sạch quào) đã đành mà những giá trị truyền thống lâu đời cũng bị bứng tận gốc, khiến nó sút sổ, long ra, tình đất - tình người theo đó mà mai một…
 Một nông dân (không tiện nêu tên) ở đồng bằng sông Cửu Long, trước năm 1975 từng vào bưng, sau năm 1975 từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh nói về đất đai và nông dân, tình người như sau:
 “Bản chất của nông dân là gắn bó với đất đai, cả ngàn đời nay là vậy, bây giờ cũng vậy.
Một khi ruộng đất không còn thuộc về nông dân thì họ chẳng còn gắn bó máu thịt với đất đai như xưa. Không còn gắn bó thì cũng không còn gìn giữ, bồi đắp vào cho đất. Nhiều cái xấu ra đời từ đây: chính vì không gắn bó với đất, không nặng lòng với đất mà lương tâm, tình làng nghĩa xóm, tình quê hương bị tha hóa. Cái tình của nông dân với đất phôi phai đi cũng làm cho cái tình với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn không còn thiêng liêng. Những giềng mối gìn giữ đạo đức, lương tri, tình người tức những giá trị nhân bản chân chất nhất cũng từ đấy mà sút sổ, long ra…”
Dec. 2014
NAH

THƠ QUỲNH 19



Hoàng Xuân Sơn



trong nỗi nhớ mù

ở đó không nhìn cây vú sữa
những trái tròn căng ngực xuân tình
những tàng cao vút trưa thơ dại
những lối đi mòn đất cỏ nghinh

bước xuống cầu ao gót lấm bùn
gội đầu trên bến tóc dài mun
bồ kết hay là hương chanh bưởi
giọt nước trên tay có gợi giùm

gợi vào trong trí nhớ qua loa
mù mờ lẫn lộn người và ta
cây cỏ rừng chiều xơ xác lắm
ngọn nắng trên sân cũng thật là . . .


giọt trân châu sa

ví như có hạt cát
thổi vào mắt nhặm chơi
mắt xót cùng hoan lạc
rụng xuống giọt châu ngời

ô đời trên vai nhỏ
môi chúm cho hoa cười
trên cành xuân ngộ ngộ
mùa thơm ngát hương khơi

già hơn trí tưởng tượng
chiều đông thân bút gầy
người không làm quỳnh nở
tóc sẻ buồn chân mây

ôi nếu lòng còn trẻ
một cách để buồn phiền [*]
cứ là tên thất chí
lội giữa tình vô biên

xin nhau đừng tội nghiệp
mai đi con ngựa già
những móng đời oan nghiệt
gõ nhịp sầu phương xa

[*] Tựa truyện Lê Văn Thiện       



tấn cầm khúc


cây đàn
không biết nằm đâu
đánh lên một đoạn tơ sầu
nghe chơi
đã lâu
hồn ẩm bụi đời
cây đàn cũng lụy
vào nơi
tục
trần



hương lửa


ôm con
dỗ thử giấc mình
hay rằng thơ dại
bấy tình xôn xao
biển xanh xanh
sóng bạc đầu
mai sau tái hội
chút mầu ba sinh



lời quê


ôi dăm đường tửu không hừng chí
sớm dậy buông nhau cuộc chiến tàn
những điều xung kỵ đêm hôm trước
cũng loảng tan vào hệ nước non

bằng hữu đôi ba lần gặp mặt
trông đợi gì nhau bụi dọc đường
người vù đi mãi chân hoang thú
ta ngấm buồn hư nỗi bệnh cuồng

có gác chân lên nhau nằm ngủ
xưa người trường mộng cũng thế thôi
sông núi đâu mà ly cách mãi
khinh khoái đời say những trận vùi

càn khôn dẫu rót thêm huyền vận
chén dài chén ngắn trút vào nhau
sao cho cạn hết sầu vô lượng
như biển sông dâng nước ngập đầu

bạn dở lần ra nhung y cũ
hương thời gian nào có mòn hơi
hỡi ơi bày trận không gươm súng
kỵ mã không yên có ngậm ngùi?

mắt sáng sao tuồng như đã dại
tai nghe.  buồn nhỉ chuyện xu thời
hào kiệt trên sa bàn nông nổi
sông vạch cơ đồ mấy dặm khơi

hát hỏng vài năm nhớ được gì
ca cuồng cũng lắng dạ sầu bi
hà cứ thương vời trong kỷ niệm
tháng năm hoài cố buổi đương thì

ta biết lửa ngùn không dễ tắt
trường giang nuôi mãi sóng khuynh thành
mốt mai về lại nơi biên trấn
sống thuở di hành áo trận xanh

là khi đứng giữa đất trời mẹ
mái điểm tóc sương cũng khứng tình
xuống bờ đê nhỏ qua sông ngát
cây cỏ tươi màu như đản sinh

ngân một lời quê lòng chí thiết
đêm nay trăng lửng chốn quê người
ngẩn gì trong chớm hơi thu ấy
nhớ bạn đường xa.  một mảnh đời


. . . đọc tiếp . . .