Thursday, March 24, 2016

ĐINH CƯỜNG, MỘT NGƯỜI THƯƠNG HUẾ

Cao Huy Khanh

Cao Huy Khanh

            Nghe tin anh qua đời nơi đất khách quê người, lòng tôi bồi hồi thương cảm tiếc là anh không được yên nghỉ nơi quê nhà Huế, giống hệt trường hợp người bạn thân Trịnh Công Sơn đã ra đi trước.

            Đình Cường (1939, Bình Dương – 2016, Mỹ) đích thực là dân Miền Nam nhưng số phận như đã định đặt anh rất có duyên với xứ Huế nên lớn lên đã ra Huế học trường Mỹ thuật rồi ở lại luôn dạy trường Đònh Khánh, lấy vợ Huế. Ngay cả sau 1975 vẫn còn nấn ná với Huế cùng họ Trịnh trong những ngày khốn khó nhất từng bị cố nhạc sĩ Trần Hoàn “Sơn nữ ca” giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin đưa ra kiểm thảo công khai trước giới trí thức – nghệ sĩ trong tỉnh (đại diện họa sĩ bên cạnh Trịnh đại diện nhạc sĩ và Ngụy Ngữ đại diện nhà văn). Mãi sau này cùng Trịnh mới tìm đường vào TPHCM sống “dễ thở” hơn. Rồi đến năm 1989 cùng gia đinh qua Mỹ.

            Tôi gặp anh lần đầu tiên tại nhà thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường (dạy tôi môn văn – triết năm 1964-1966 ở trường Quốc Học) mà lúc đó hai người là bạn thân (vợ anh Cường là bạn học với thầy Tường) cho nên xem như anh Cường cũng vào bậc thầy tôi vậy. Lúc đó nhân dịp Tết  tôi được giao làm tờ đặc san Quốc Học giống như báo Tết mà thầy Tường là giáo viên cố vấn ban báo chí nên mới nhờ bạn Đinh Cường vẽ bìa và trình bày tờ báo này luôn. Từ đó tờ báo ra đời mang tên là “Con Đường”, chính từ đây mà “sự nghiệp” viết báo, làm báo của tôi bắt đầu.

            Sau đó tôi vào Sài Gòn học đại học rồi ra trường về Miền Tây dạy, qua năm 1972 thì chuyển về trường Nữ Trung học Huyền Trân tại Nha Trang. Thời gian này gián đoạn thông tin về anh mãi cho đến sau ngày 30.4.75. Rồi ngẫu nhiên sao tôi gặp lại anh ở báo Tin Sáng khoảng năm 1978 khi tôi đi nông trường về được nhận vào làm phóng viên ban văn hóa văn nghệ dưới quyền Trưởng ban Hoàng Ngọc Biên (nay cũng ở Mỹ), còn anh lo phần trình bày báo. Nhưng chẳng được bao lâu, báo Tin Sáng được cho “hoàn thành nhiệm vụ” trong thời ông Võ Văn Kiệt làm bí thư thành ủy.


Đinh Cường và Hoàng Ngọc Biên
trong Garage Sách của HNB ở San Jose
           
           Thế là tan đàn xẻ nghé, mỗi người một ngã chạy vạy theo chuyện kiếm sống qua ngày. Có lần tôi chở trên xe đạp một đống… băng vệ sinh đi bán (!) ngất ngơ ra chợ Tân Định thì tình cờ lại gặp anh đứng đó, thì ra anh ra phụ vợ bán thuốc lá lẻ vỉa hè! Rồi thôi, năm 1989 anh cùng gia đình đi Mỹ lúc nào tôi cũng chẳng hay. Có vài lần anh về lại triển lãm tranh ở Sài Gòn và Huế thì tôi lo chạy theo mấy cái “Tin Nhanh” World Cup & Euro tất bật tối tăm mặt mày, mất ngủ và mất cả bộ nhớ đâu có thì giờ đi kiếm anh. Chưa kể hồi đó đối với tôi đề tài hội họa giống như chuyện… trên trời vậy! Bây giờ mới thấy hối tiếc rằng có lúc nào đó mình cũng chỉ là một thằng vô tình vô nghĩa vô duyên quá tệ!

            Không thể nào bằng anh Cường, một “người hiền” ít nói song có tấm lòng bao dung, tha thiết với Huế biết chừng nào như thể đã nhận dòng sông Hương làm quê hương thứ hai của mình. Đã lấy một cô vợ Huế, đã đưa hình tượng cô gái Huế “mong manh như sương khói” vào tranh bất hủ, đã luôn tìm mọi cách giúp đỡ bạn bè Huế những ai sa cơ thất thế (như nhà thơ Mường Mán đi học tập cải tạo về vào Sài Gòn tìm đường xuống Cần Thơ tá túc nhà ông anh)… Từ Mỹ vẫn thường tìm cách về Huế vài năm một lần, nghe nói trong chuyến đi cuối cùng gần đây đã đưa trọn số tiền triển lãm bán tranh được khoảng 40 triệu tặng cho cơ sở “Gác Trịnh” ở Huế. Qua năm nay đã định về lại đưa tranh Trịnh Công Sơn ra triển lãm thì quá đau không còn kịp nữa …

            Đúng như Bứu Ý – người còn lại trong bộ ba “tài tử” trứ danh Huế thập niên 60 – đã nói: “Đinh Cường đâu, Huế đó”!

Một minh họa của Đinh Cường 2.1995.

CHK
Tháng 3.2016     

No comments:

Post a Comment