Sunday, October 31, 2021

THƠ THẬN NHIÊN

Tranh Marc Chagall

trò chơi mới
 
để được sống lại
trong cái thế giới khi chưa ra đời
trong bào thai bụng mẹ
anh sẽ dán kín mắt lại
đeo kính đen lên như kẻ mù
rồi em nắm tay dắt đi
suốt buổi chiều này
kể anh nghe 
phố xá hàng cây cột đèn cống rãnh
nhắc anh khi qua cầu
khi leo dốc
khi xuống cầu thang
khi sắp hàng mua pizza
khi dừng lại chờ đèn hiệu qua đường
rồi ngồi nghỉ chân ở công viên
cho anh tuỳ thuộc và lười biếng
cho ngón tay anh trổ rễ
trong lòng tay mềm mại của em

 
vào nhà Chúa
 
không hiểu người ta yêu kính Chúa đến như thế nào
mà xây nhà Ngài tráng lệ đến vậy
mình vào thánh đường St. Patrick
làm dấu, đọc kinh, cầu nguyện
thành kính lắm rồi
 
sao Chúa chưa ban phép
được cùng em
bay lượn
trên những vòm nhà
như trong tranh Marc Chagall ?
 
THẬN NHIÊN
NYC, 30/10/2019
 

Friday, October 29, 2021

VỀ BÀI DẠ QUỲNH HƯƠNG

Phạm Anh Dũng
 
Hoa quỳnh một đóa. Tranh Đinh Cường
 
Dạ Quỳnh Hương là một bài thơ của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, bút hiệu của Hoàng Ngọc Quỳnh.
Quỳnh là một cô gái cũng cùng nghề Y Khoa mà tôi biết và quen qua những tác phẩm của cô trên các báo chí Y Khoa Việt Nam trên thế giới.
Quỳnh ở Bỉ và tôi ở Hoa Kỳ.
Chúng tôi hay viết thơ qua lại chia xẻ các vấn đề thơ văn nhạc.
Quỳnh cũng có gọi điện thoại cho tôi vài lần, nhưng chúng tôi chưa có gặp nhau bao giờ.
Tôi xem lại trong bài nhạc Dạ Quỳnh Hương thấy thời gian viết bản nhạc này là 1998.
Một ngày, năm 1998, tôi nhận được bài thơ Dạ Quỳnh Hương của Quỳnh gửi qua bưu điện.
Vài tuần sau, khi Quỳnh có gọi điện thoại hỏi, tôi chợt nhớ ra vì bận quá chưa kịp xem và xin lỗi.
Đêm hôm đó, đem thơ ra đọc, tôi thấy bài thơ như có tiếng nhạc trong đó.
Tôi đem đàn guitar ra gẩy theo tiếng nhạc của bài thơ.
Hình ảnh người con gái và đóa hoa Quỳnh như lẫn lộn trong tâm tưởng.
Đêm đó thức trắng đêm viết xong bài nhạc.
Vài ngày sau tôi gửi bài nhạc cho Quỳnh ...
Vài năm sau nghe nói Quỳnh ốm nặng.
Tôi đem bài Dạ Quỳnh Hương ra đàn hát, thu vào tape cassette và gửi cho Quỳnh.
Quỳnh có viết lại và hứa sẽ đàn dương cầm gửi cho tôi nghe sau khi sức khỏe hồi phục! Chỉ ít lâu sau, tôi được tin Quỳnh qua đời.
Tôi chưa được nghe tiếng đàn của Quỳnh.Tôi cũng chưa gặp Quỳnh bao giờ cả!
 
PHẠM ANH DŨNG
Santa Maria, California USA
2009
 
Dạ Quỳnh Hương
Tác giả: Phạm Anh Dũng
 
Em ơi, đêm thơm một đóa quỳnh
Cùng em hương vương không gian
Cho ta mơ say mộng ngát tình
Quyện màu sắc thắm môi em
 
Rồi tình ta như trăng sáng ngát trên cao
Bầy chim uyên lao xao theo gió đêm về
Ngàn vì sao đua nhau thắp nến lung linh
Dòng sông đêm dâng lên tiếng hát long lanh
 
Là la lá la la
Là la lá la la
Là là la
 
Đêm khuya trăng sao vàng dáng quỳnh
Hồn ta ngây say tơ duyên
Môi em dâng thơm một chút tình
Ngạt ngào sắc đóa trinh nguyên
 
Nồng nàn quỳnh hương thơm giữa cánh môi xinh
Lòng ta nghe xôn xao cây lá xanh tình
Màu thời gian như ngưng khép thoáng mong manh
Trần gian đêm hân hoan tiếng hát reo vang
 
Dạ Quỳnh Hương, hoa ơi!
Dạ Quỳnh Hương, em ơi!
DẠ ... QUỲNH ... HƯƠNG ...
 

Trần Thái Hòa hát DQH

https://www.youtube.com/watch?v=0PPH6sEd7U8 

Bảo Yến

https://www.youtube.com/watch?v=wk_SPLotXYk

 

Thursday, October 28, 2021

NGOÀI HƯ KHÔNG CÓ DẤU CHIM BAY?

Đỗ Hồng Ngọc
 
(Nhân đọc sách Tổng Quan Về Nghiệp của thầy Tuệ Sỹ) (i)
 
Sách của thầy Tuệ Sỹ
 
Có hay không có Nghiệp? Có hay không có Tự ngã? Có hay không có Thời gian? Có hay không có một Linh hồn? Thật là những câu hỏi choáng váng đặt ra trong cuốn sách “Tổng Quan Về Nghiệp” của Thầy Tuệ Sỹ do Hội Đồng Hoằng Pháp xuất bản năm 2021.
 
Nghiệp, là kinh nghiệm được tích lũy và tồn tại trong nhiều đời sống. Không có thời gian, không có ký ức thì lấy đâu cho nghiệp vận hành, tạo tác, lưu trữ, lưu xuất, dị thục, nhân quả? (ii)
Có thực không có nhiều đời sống? Một đời trước và đời sau - những đời sau- để cho ký ức gợi lại, nhân quả. Bằng chứng đâu?
Nhưng, nếu hỏi tôi tin không? Tôi tin. Tại sao tin? Không biết! Phải chăng, thỉnh thoảng ta gặp một người nào đó thấy như đã từng hẹn nhau từ muôn kiếp trước, hay một nơi chốn thấy như về mái nhà xưa?
Ký ức được lưu trữ ở đâu để tạo thành Nghiệp?
Khoa học não bộ trả lời: ở hippocampus (hồi hải mã) trong não, cùng với thể viền, lưu giữ ký ức, chịu trách nhiệm cả cảm xúc lẫn hành vi, nhờ nhu nhuyến của các synapse (điểm tiếp hợp thần kinh).  Thế nhưng, khi thân này tan rã, hippocampus và toàn bộ thể viền của não bộ cũng không còn, ký ức được tàng trữ trong thân vật lý này cũng biến mất theo. Phải chăng “ngoài cơ chế vật lý của ký ức, còn có sự tham gia của một yếu tố phi vật chất, không nhất thiết là ý thức, để lấy đó làm cơ sở tiếp cận đến vấn đề nghiệp tích lũy, cho đến trong đời sau được xử lý để cho quả dị thục của nó”?
 
Có Tự ngã không?
Đức Phật dạy: Có nghiệp được tạo tác, có quả dị thục được lãnh thọ, nhưng không có người tạo tác, không có người lãnh thọ. Phật giáo không cho có cái gọi là Tự ngã, tiểu ngã, đại ngã, linh hồn, nhưng tin có “Nghiệp mang theo” để “trả quả”. Cái gì mang Nghiệp theo? Thần thức tái sinh, luân hồi?
Nhà khoa học bảo: “Có design nhưng không có designer”. Não bộ là một hệ thống được phân bố rất cao trong đó nhiều chức năng xuất hiện đồng thời và không có điều phối viên.
Không có designer, không có điều phối viên? Nhưng sao chim bồ câu thì cứ bay ngàn dặm về đưa thư, cá hồi cứ bốn năm lại quay về chốn cũ để sinh đẻ rồi chết? Ngày nay, sinh vật từ hạt đậu đến chuột bọ, khỉ vượn… cũng được can thiệp vào gène để tạo ra những “dị thục” những “quả” bất ngờ, gọi là transgenic.
 
“Je pense, donc je suis – Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” (Descartes). Vậy tôi không tư duy, thì không… có tôi? Phải chăng “vô niệm” thì vô ngã?
Ta cũng có thể nói đơn giản hơn: “Tôi thở, vậy có tôi”. Nghĩa là nếu tôi không thở thì không có tôi. Nhưng cái thời tôi còn trong bụng mẹ, tôi cũng không thở mà vẫn có tôi đó thôi. Từ đó, suy ra rằng cái thời tôi… hết thở, ngừng thở, thì tôi vẫn còn đó chứ, sao không?  Tôi lúc đó cũng lại ở trong bào thai Mẹ (bào thai Như Lai) chứ? Tôi mới phải mang nghiệp theo để trả quả chứ? “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh” ở đây chứ không chỉ Vô thường, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh…
Rồi có cái gọi là Thời gian để cho Nghiệp vận hành không? Tính thể của thời gian là gì? Thời gian được tri giác bằng giác quan nào?
Câu trả lời là chính ta đã tạo ra thời gian cho mình. Thành ngữ kālaṃ karoti, “nó tạo tác thời gian”, nghĩa là nó chết. Thời gian được biết đến từ tri giác về sự sinh thành và hủy diệt của một đời người. Thời kinh nói: “Thời gian đến, chúng sinh chín muồi; thời gian đi, chúng sinh bị hối thúc. Đây là tri giác về thời gian theo chu kỳ sống chết của sinh loại”. Tri giác về thời gian cũng là tri giác về sự chết. Kāla cũng được hiểu là do gốc động từ kal (kalayati) thúc giục, hối thúc, thường trực, sự chết đang hối thúc ta.
Tồn tại trong quá khứ và vị lai là những thực thể vi tế, ẩn áo, không phải tri giác thường nghiệm mà có thể bắt nắm được.
Nhưng với “Thuyết Tương Đối Rộng” ngày nay, ta biết thời gian sẽ chảy chậm trong con tàu vũ trụ chạy nhanh. Với một vận tốc nào đó thời gian đứng lại. Cho nên Từ Thức lạc động Thiên thai là chuyện có thực.
 
Có một sự gọi là Luân hồi không để nghiệp vận hành? Câu trả lời là có một “nguyên lý tồn tại” mà không phải hồn jīva hay ātman. Nguyên lý đó nói: có nghiệp, có dị thục của nghiệp, nhưng không có tác giả và thọ giảĐây là một nguyên lý cực kỳ nghịch lý.
Nhưng may thay, các nhà Duy thức chứng minh được sự tồn tại của thức a-lại-da, hy vọng giải quyết được vấn đề nghiệp-dị thục và chủ thể luân hồi.
“Trong kinh Tăng nhất của Thuyết nhất hữu bộ cũng mật ý nói đến thức này với tên gọi là a-lại-da. Kinh nói: “yêu a-lại-da, vui a-lại-da, mừng a-lại-da, thích a-lại-da.”.
 
Trong bài “Ký Ức và Nghiệp” của Thầy Tuệ Sỹ ở sách “Tổng Quan Về Nghiệp” này nêu ra những câu hỏi có thể làm ta chới với mà lại cảm thấy vui, mừng, yêu, thích. Vì chính trong ta đôi khi cũng gợi lên những câu hỏi như vậy mà không dám trả lời. May thay có Thầy Tuệ Sỹ, à không, có nhà thơ Tuệ Sỹ hóa giải giùm, bởi như Thầy đã nói trong sách nói trên, chỉ có “Thơ dẫn kinh nghiệm vượt ra ngoài kinh nghiệm”.

Ta hỏi kiến nơi nào Cõi Tịnh,
Ngoài hư không có dấu chim bay?
Từ tiếng gọi màu đen đất khổ,
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời. (iii)

ĐHN
 
(I) Tuệ Sỹ: Tổng Quan Về Nghiệp. Hội Đồng Hoằng Pháp xuất bản qua mạng Amazon, 2021.
(II) Chú thích: Tất cả các câu in nghiêng (italic) trong bài này là những câu trích từ sách “Tổng Quan Về Nghiệp”.
(III) Tuệ Sỹ: bài thơ Phương Nào Cõi Tịnh, trong tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn. Hương Tích Phật Việt, 2020. Trích trong bài viết của thầy Tuệ Sỹ “Nhân đọc tác phẩm ‘Cõi Phật Đâu Xa’ của Đỗ Hồng Ngọc.”
 

Wednesday, October 27, 2021

NHÀ SƯ JUNG-KWANG: MỘT HỌA SĨ ĐỘC ĐÁO

Nguyên Giác
 
Nhà sư Jung-kwang (trái), bé gái ngồi thiền (giữa), và Bồ Đề Đạt Ma (phải).
 
Ông là một nhà sư dị thường, và cũng là một họa sĩ dị thường. Giới văn nghệ sĩ Hàn quốc gọi Jung-kwang -- cũng được phiên âm theo cách đọc là Junggwang (1935–2003) --- vì kiểu cách dị thường là một nhà sư khùng, hay nhà sư điên.
Một sách tiếng Anh của nhà sư này cũng tự gọi là the mad monk-dù vậy, các họa phẩm của nhà sư từ lâu đã được các hãng đấu giá và nhiều bảo tàng viện ưa chuộng.
 
Jung-kwang sinh ngày 5 tháng 3/1935 với tên khai sanh là Go Chang-ryul, tại đảo Jeju Island, đảo lớn nhất của Hàn quốc, nơi thường được quốc tế gọi là “South Korea’s Hawaii” (Hawaii của Nam Hàn) – mệnh danh là thiên đường đảo quốc, nơi thu hút du khách quốc tế. Và nhà sư Jung-kwang từ trần ngày 5 tháng 1/2003, trụ thế 68 tuổi, an táng tại tỉnh South Gyeongsang.
Jung-kwang nổi tiếng về các họa phẩm có nét vẽ khác thường. Ông có một đời sống rất nghệ sĩ, như dường cửa Thiền là nơi ông chỉ ghé tạm thôi. Jung-kwang xuất gia từ năm 25 tuổi, rồi bị dòng tu trục xuất năm 1979, tức là có 19 năm trong tu viện.
Vào mùa thu năm 1977, Giáo sư Lewis Lancaster của Đại học University of California cùng đi với nhà sư họa sĩ Jung-kwang du hành qua nhiều nơi tại Hàn quốc, từ đó một cuốn sách dựa theo chuyến đi này đã được xuất bản. Tác phẩm đó có tên là “The Mad Monk: Paintings Of Unlimited Action” (Nhà Sư Khùng: Họa Phẩm của Hành Động Vô Hạn) của tác giả Jung-Kwang, với Lời Giới Thiệu của GS Lewis R. Lancaster, xuất bản năm 1979.
 
Tranh của Jung Kwang: 2 tranh về Đức Phật, và 2 tranh về phố thị.
 
Nhà sư được mời sang Hoa Kỳ triển lãm nhiều lần. Năm 1979, sư Jung-kwang biểu diễn vẽ trước một lớp học về hội họa trong 1 trường trung học Hoa Kỳ, hoàn tất 1 bức tranh trong chớp nhoáng, như lời kể giai thoại này là ông vẽ chỉ trong vài giây đồng hồ. Dĩ nhiên, “vài giây” chỉ là một kiểu nói. Nghĩa là, vẽ nhanh.
 
Năm 1980, Jung-kwang được mời tới thuyết trình tại các đại học University of California at Berkeley và Stanford University.
 
Các họa phẩm của Jung-kwang được nhiều bảo tàng viện mua sưu tập, trong đó có bảo tàng Asian Art Museum tại San Francisco), phòng triển lãm Asia Society Gallery của hội Rockfeller Foundation tại New York, bảo tàng Anh quốc The British Museum.
Năm 1983, một tác phẩm tiếng Anh của sư được xuất bản với nhan đề “The Dirty Mop: Unlimited Action Paintings And Poems” (Giẻ Lau Bẩn: Hội Họa Và Thi Ca Của Hành Động Vô Hạn).
 
Nhà nghiên cứu về tôn giáo Vincent Biondo giải thích khi viết tác phẩm “Religion and Everyday Life and Culture” (Tôn Giáo và Đời Sống Hàng Ngày và Văn Hóa) rằng nhà sư Jung-kwang “tự mô tả chính ông là một “giẻ lau sàn nhà của Phật Giáo” và giẻ lau này tự làm bẩn nó nhưng làm cho mọi thứ nó chạm tới trở nên sạch bóng.
Tự làm bẩn mình để làm cho thế giới sạch hơn? Chính nhà sư Jung-kwang đã tự gọi như thế trong vài bài thơ. Nhưng lẽ nào các nhà sư lại tự xem mình là như hình ảnh cây giẻ chùi sàn nhà? Do vậy, cộng đồng các nhà sư không hài lòng. Thêm nữa, nhà sư họa sĩ này lại uống rượu makkeolli, một loại rượu truyền thống làm từ gạo. Thêm nữa, nhà sư này cũng hút thuốc lá. Đó là lý do vị họa sĩ tăng sĩ này phải rời cửa Thiền năm 1979.
 
Họa sĩ Jung-kwang từ trần một ngày sau sinh nhật thứ 68. Sức khỏe của ông đã suy yếu trong khoảng 5 năm trước khi lìa đời. Ông được hỏa thiêu ở thị trấn Yangsan, tỉnh South Gyeongsang, Nam Hàn.
 
Bên trái là chân dung Bồ Đề Đạt Ma do Jung-kwang vẽ trình diễn trong 1 lớp hội họa
ở trường trung học Berkeley High School (Bắc California, USA) năm 1979. Bên phải là tranh “Untitled”
(Không đề) của ông.
 
Báo Korea Herald trong bài viết nhan đề “How a ‘mad monk’ captured Zen” (Làm thế nào một nhà sư khùng đã nắm được Thiền) trong ấn bản ngày 7/8/2011, kể rằng nếu ông không phải một nhà sư, người ta có thể nhầm ông với một người khùng.
 
Jung Kwang là pháp danh sau khi Go Chang-ryul xuất gia và trở thành một nhà sư tại tu viện Tongdo Temple ở thị trấn Yangsan City, tỉnh South Gyeongsang.
Theo báo Korea Herald, Giáo sư Lewis R. Lancaster, Giám đốc viện nghiên cứu Institute of East Asian Studies tại đại học Berkeley University, đã gọi nhà sư Jung Kwang là “the Picasso of Korea” (họa sĩ Picasso của Nam Hàn) khi giới thiệu họa sĩ nhà sư này với thế giới phương Tây.
 
Các nhà nghiên cứu hội họa Hàn quốc có cách gọi lịch sự hơn, tránh cách gọi “nhà sư khùng” hay “nhà sư giẻ lau bẩn,” và cũng tránh cách gọi “họa sĩ Picasso của Hàn quốc” vì cũng có tự hào dân tộc, chẳng cần dựa vào bất kỳ ai ở ngoài. Khi tưởng niệm 10 năm họa sĩ Jung Kwang từ trần, trung tâm Seoul Arts Center tại thị trấn Seocho-dong, ở phía nam thủ đô Seoul, tổ chức cuộc triển lãm có tên là “Jung Kwang: The Way of Wandering Monks” (Jung Kwang: Lối đi của các nhà sư lang thang). Nhà sư lang thang? Có lẽ, đây là cách dùng chữ rất nhã, chỉ có ý nói các nhà sư đã lang thang ra khỏi cửa nhà chùa.  Trong cuộc triển lãm tưởng niệm, có khoảng 150 tác phẩm thư pháp, có một số các tác phẩm gốm làm bằng loại đất sét terra-cotta, phóng ảnh các bài thơ viết tay, ảnh và phim…
 
Hầu hết các tác phẩm của ông triển lãm là sau khi cởi áo nhà sư để ra đời. Các tác phẩm nghệ thuật của ông thuộc nhiều lĩnh vực và thể loại sáng tác khác nhau. Vẽ, làm thơ, làm đồ gốm… và uống rượu, hút thuốc lá. Nhưng phong thái hội họa của Jung Kwang hiển nhiên là có dấu ấn Thiền học trong nét vẽ.
 
Trái: nhà sư họa sĩ Jung-kwang; phải: họa phẩm Hạc Thiền (Zen Crane)
 
Tuy là nhà chùa không phải là nơi thích nghi với ông, họa sĩ Jung Kwang được chính quyền đảo Jeju nhìn ông như một tự hào về văn hóa. Chính quyền Jeju đã tìm cách mua lại nhiều tranh của Jung Kwang, tính ra viện bảo tàng của Jeju đã sưu tập được 432 họa phẩm của ông, trong đó có vài tấm ảnh được ghi là “thô tục” – nghĩa là, không thanh nhã như hầu hết các tranh Thiền của ông. Trong bộ sưu tập đó, có nhiều tấm tranh được người sưu tập tặng lại cho chính quyền đảo Jeju, khi chính quyền cho biết sẽ lập một bảo tàng viện cho nhà sư họa sĩ Jung Kwang tại ngôi làng nghệ sĩ Artists' Village tại thị trấn Hangyeong, một nơi ở đầu phía tây đảo Jeju.
 
Hình trái là Jung Kwang tự họa, hình phải có nhan đề là Ngựa.
 
Trong một buổi được giới thiệu các họa phẩm với tổ chức British Royal Asiatic Society năm 1977, nhà sư Jung Kwang (lúc đó, còn là nhà sư) đã đọc bài thơ của sư:
“Nửa như là điên, nửa như không
Đó là đời sống
Ba Cõi Trời bể vụn ra
Và tôi đơn độc chơn thực
Nhảy múa trôi nổi
Tôi là cây giẻ chùi nhà.”
 
Bản Anh dịch: “Half as if mad, half as if not./ That is life./ The Three Heavens crumble to pieces./ And I in true solitude./ Dance floating./ I am a mop."
 
Từ đó trở đi, người dân Hàn quốc gọi sư Jung Kwang là “Reverend Mop” (Đại Đức Giẻ Lau Sàn Nhà). Đó là tiếng gọi thân mật, không hàm ý xấu.
 
Bìa tác phẩm “The Mad Monk: Paintings Of Unlimited Action”
 
Dù vậy, cách sống của nhà sư Jung Kwang càng lúc càng khó thích ứng với tu viện. Một điển hình là, một lần vào năm 1979, nhà sư này tự làm lễ cúng giỗ gia tiên cho chính ông, trong khi ông vẫn còn đang sống tỉnh táo. Những chuyện như thế làm cho Dòng Lâm Tế (Buddhist Chogye Order) từ từ lạnh nhạt với ông. Nhiều năm về sau, Dòng này mời ông vào tu trở lại, nhưng ông từ chối, nói là ông ưa thích sống cuộc đời lang thang.
Và vì là một nghệ sĩ kỳ dị, cho nên những người bạn nghệ sĩ giao du với ông cũng kỳ dị. Một giai thoại kể rằng, họa sĩ Jang Wook-jin từng nói với Jung Kwang rằng trang phục của ông “khá là tuyệt vời cho một nhà sư.”
Nghe thế, nhà sư Jung Kwang liền trả lời về tài năng vẽ nhanh của sư: “Tôi có thể sáng tạo một bức tranh ngay cả nếu tôi quăng cây cọ bất cứ hướng nào.”
 
Tuy là bệnh trong vài năm cuối đời, nhà sư Jung Kwang đã từ trần trong một giấc ngủ bình an. Thi thể được hỏa thiêu ở chùa Tongdosa, thị trấn Yangsan, tỉnh South Gyeongsang.
NG

Sunday, October 24, 2021

NHƯ LÀ...

Nguyễn Thanh Châu
 
Thorn Bird. Source: Internet
 
như chim nhào xuống bụi gai
máu rưng rưng. tiếng hót dài thiên thâu
như đêm hun hút vực sâu
tình hoang mang lũ lụt sầu. hồn tôi
như mây đùn khắp xa xôi
niềm cô đơn. thẩm thấu đời vị vong
như người trần trụi giấc nồng
nằm miên man thở hương đồng cỏ. quên...
NTC
 
 

Friday, October 22, 2021

ĐỌC ‘TẬP SÁCH CÁI CƯỜI VÀ SỰ LÃNG QUÊN’ CỦA MILAN KUNDERA DO TRỊNH Y THƯ DỊCH.

Tô Đăng Khoa

Tp sách ‘Cái Cưi và s Lãng Quên’

        Mt tiu thuyết tư tưởng thâm sâu vi by biến tu, hai ch đề, mt ln ranh.

Độc giả Việt Nam đam mê tiểu thuyết hiện đại của nước ngoài có lẽ không xa lạ gì với Milan Kundera. Tôi được biết đến Kundera qua tác phẩm dịch thuật nổi tiếng của Trịnh Y Thư “Đời Nhẹ Khôn Kham” khoảng hơn một thập kỷ trước.  Tôi còn nhớ lúc đó, tuy chưa quen thân với Trịnh Y Thư nhưng tôi rất khâm phục cách dịch rất tài tình tựa của quyển sách này.  Từ “The Unbearable Lightness of Being” đến “Đời Nhẹ Khôn Kham” đối với tôi lúc ấy là một “cú nhảy” xuất thần trong dịch thuật.  Theo lời tâm sự của Trịnh Y Thư (TYT) về việc dịch Milan Kundera thì giữa dịch giả và tác giả đã có một mối quan hệ “phi vật thể” gắn bó trên 30 năm. Theo tôi đó là một khoảng thời gian đủ dài để phần tinh túy của tư tưng tác giả và dịch giả hòa nhập thành một.  Đó chính là nền tảng của tác phẩm dịch thuật lần này của Trịnh Y Thư, trong đó sự giao thoa của tư tưởng được phơi bày qua tiểu thuyết “Tập Sách Cái Cười và Sự Lãng Quên”, một tác phẩm mà Trịnh Y Thư tâm sự với tôi rằng anh tâm đắc nhất khi dịch.
Và quả thật tiểu thuyết tư tưởng này, “Tập Sách Cái Cười và Sự Lãng Quên” đã không hề làm tôi thất vọng. Sau khi gấp lại trang sách cuối cùng, tôi chiêm nghiệm lại và càng phục cách mà Milan Kundera đặt tựa cho quyển sách: “The Book of Laughter and Forgetting” và cách mà ông phối trí cấu trúc tập sách.  Xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, (cha ông là cầm thủ piano kiêm nhà âm nhạc học), Milan Kundera đã sắp xếp tác phẩm của mình gồm bảy phần như là những  biến tấu âm nhạc nối tiếp nhau. Trong lời tựa của tác phẩm này ông viết:
Sách này là cuốn tiểu thuyết viết theo dạng thức biến tấu. Những phần của sách nối tiếp nhau như những chặng đường chuyến du hành dẫn đến cái nội tại của chủ đề... Nó là cuốn tiểu thuyết về cái cười và sự lãng quên...”
Bảy phần, bảy biến tấu về hai chủ đề về cái cười và sự lãng quên, được Milan Kundera phối trí theo thứ tự như sau:

Phần 1. Những cánh thư thất lạc
Phần 2. Mama
Phần 3. Thiên Sứ
Phần 4. Những cánh thư thất lạc
Phần 5. Litost
Phần 6. Thiên Thần
Phần 7. Biên Thùy
 
Theo lời của Milan Kundera, cách phối trí các biến tấu này là nhắm tới việc: “dẫn đến cái nội tại của chủ đề”.  Ở đây một câu hỏi rất quan trọng cn được nêu ra để làm cho sáng tỏ: Chủ đề của tác phẩm là “cái cười và sự lãng quên”, như vậy “cái nội tại” của “cái cười” và “sự lãng quên” là gì? Vì sao gọi là “nội tại”?
Nếu chúng ta cẩn thận đối chiếu lại một lần nữa lời giới thiệu sách của Kundera với cách thức mà ông phối trí tập sách theo bảy phần, chúng ta nhận ra sáu phần đầu chính là những biến tấu, mà theo Kundera: “chúng nối tiếp nhau như những chặng đường của chuyến du hành dẫn đến cái nội tại của chủ đề”- tức là phần 7- Biên Thùy.  Vì thế theo tôi hiểu cái “nội tại của chủ đề” trong tập sách này là khái niệm về “biên thùy” hay là một lằn ranh.
 
Biên thùy theo nghĩa đen là nơi xác định một ranh giới, một lằn ranh, nó mở ra trước mặt kẻ du hành một sự lựa chọn rất quan trọng: Đó là sự chọn lựa vượt qua, hay không vượt qua lằn ranh này!
Giá trị tư tưởng và triết học của tác phẩm Kundera nằm ở đây: tức là việc ông khéo léo phối trí các biến tấu như những cuộc du hành dẫn độc giả đến “biên thùy” (lằn ranh) của cái “cái cười” và “sự lãng quên”.  
Khi ý thức được lằn ranh của cái cười và sự lãng quên cùng với những “hệ quả khôn kham” của sự vượt qua hay không vượt qua lằn ranh này, chúng ta sẽ có quyết định sáng suốt nhất cho đời sống của chính chúng ta.
 
Bản thân Kundera cũng lựa chọn cho chính mình “sự vượt qua” một “biên thùy” địa lý khi ông tị nạn chính trị tại Pháp.  Sự lựa chọn này cho ông một môi trường tự do cần thiết cho tư duy và sáng tác của ông. Có lẽ vì thế chăng mà trong tư tưởng của Kundera, khái niệm “biên thùy” và “lằn ranh” là những khái niệm quan trọng nhất luôn luôn ám ảnh ông?
Nhưng Kundera còn muốn đi sâu hơn nữa. Ông thiết trí các biến tấu của tiểu thuyết để dẫn độc giả tới một biên thùy (lằn ranh) của nội tâm: Tại đây chỉ một “cái cười” hay là “một sự lãng quên” thì mọi sự đều sẽ hoàn toàn đổi khác!!!
Trong biến tấu số 2 của tập sách (Phần 2-Mama) “cái cười” của Karel chính là “lằn ranh” mà vợ anh vượt qua về mặt nội tâm:  Trong khi làm tình cùng lúc với hai người đàn bà hiện tại (Marketa và Eva) và một hình ảnh của bà vú nuôi Nora hiện về trong tâm thức, anh chàng Karel bỗng phá lên cười sằng sặc, chỉ vì một tư tưởng thoáng qua trong đầu anh. Chính cái cười, vừa vô duyên, vừa không hợp thời hợp lúc này của Karel đã xô vợ anh Marketa vượt qua một lằn ranh của nội tâm: sau khi tự cho mình như một cái xác không hồn, không quá khứ, không tương lai, Marketa tưởng tượng ra anh chồng mình Karel cũng như một kẻ không có cái đầu, và cả ba người (Karel, Marketa, và Eva) đang dự một ngày hội hóa trang. Sau khi tự cho là như vậy Marketa được giải phóng và cảm giác sung sướng bất tận khi vượt qua được lằn ranh nội tâm của chính mình:
“Nhưng đến đây cái thân thể không đầu bỗng ngưng chuyển động, và tiếng hét vô nghĩa nghe ngu ngốc không thể nào tưởng tượng nổi thốt ra từ miệng Karel: “Ta là Bobby Fishcher! Ta là Bobby Fishcher!” đã khiến mọi hưng phấn đột ngột biến mất trong lòng cô”- trích Phần 2-Mama
Ở đây trong biến tấu số 2 này, cái cười sằng sặc của Karel và sự quên lãng của Marketa dẫn độc giả tới lằn ranh nội tâm của Marketa và làm nhân chứng cho “sự vượt qua” một lằn ranh của nàng Marketa. Cùng với “sự vượt qua” này, độc giả chúng ta cũng hiểu rằng tình yêu của Marketa dành cho Karel cũng kết thúc.  Nhưng ranh giới không phải chỉ là nơi một cái gì đó kết khúc, nó cũng đồng thời là nơi mà một cái gì đó khác bắt đầu.
“Cái cười” ở Phần 7-Biên Thùy về câu chuyện của một người đàn ông và cái mũ bên huyệt mộ trong một đám tang cũng dẫn độc giả tới lằn ranh của “cái tinh túy nhất của sự kiện” tức là “có ý nghĩa” hay “vô nghĩa”, “nghiêm trang” hay “đùa cợt”.
 
Ở đây chỉ đơn cử hai cái cười trong tập truyện, tuy nhiên độc giả có thể tự mình chiêm nghiệm về “cái cười” dẫn tới một lằn ranh qua nhiều kinh nghiệm khác, chẳng hạn như trong bộ phim The Joker (Oscar 2019).  Trong the Joker, nhân vật chính mắc bệnh phá lên cười sằng sặc mỗi khi anh bị căng thẳng thần kinh. Cuộc đời Joker trải qua nhiều khó khăn đau khổ, tuy nhiên anh vẫn duy trì tính Thiện. Nhưng khi bị dồn tới chân tường, ở nơi mà đa số mọi người chúng ta phải khóc, thì chỉ trong một tư tưởng bất chợt xẹt qua trong đầu, anh chàng Joker lại cười. Và chúng ta hiểu rằng trong tình trạng đáng lẽ ra phải khóc, chính “cái cười” của anh dẫn anh tới “biên thùy” của Thiện và Ác. Chính sau cái cười đó, Joker vượt qua lằn ranh của Thiện Ác và có thể làm bất cứ điều gì mà trước “cái cười” đó, anh hoàn toàn không thể!
Tập sách còn là biến tấu của “Sự Lãng Quên”, ở biên độ nhẹ, có thể là sự cố ý làm cho lãng quên đi một mối tình thời thơ ấu của anh chàng Mirek với cô nàng Zdena. Chàng Mirek cất công lái xe một đoạn đường rất xa mạo hiểm vì bị mật vụ theo dõi chỉ với một mục đích: thâu hồi những lá thư thất lạc của Mirek gửi cho Zdena thời trẻ dại. Tựa đề “Những lá thư thất lạc” này được Kundera sử dụng tới hai lần, có lẽ là để nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ văn bản (văn viết) trong việc quyết định lằn ranh giữa “Nhớ” và “Quên”. Chúng ta cũng nhận thấy “Sự Lãng Quên” cũng được thực hiện ở mức độ cả một cộng đồng qua việc báo chí Bohemia “viết lại lịch sử” bằng cách xóa Clementis ra khỏi bức hình chụp với lãnh tụ Gottwald. Cái còn lại của Clementis chỉ là một chiếc mũ!  (Tôi thấy chi tiết này cũng thú vị: Kundera mở đầu các biến tấu của ông bằng chiếc mũ trên balcony tại quảng trường Praha trong buổi ăn mừng chiến thắng đảng cộng sản Bohemia, và kết thúc các biến tấu cũng bằng một chiếc mũ trong huyệt mộ.)
Khi khép lại tập sách “Cái Cười và Sự Lãng Quên”, tôi có một cảm giác thật hài lòng với những gì tôi được hứa hẹn sẽ nhận được trong lời giới thiệu của chính Kundera: “Sách này là cuốn tiểu thuyết viết theo dạng thức biến tấu. Những phần của sách nối tiếp nhau như những chặng đường chuyến du hành dẫn đến cái nội tại của chủ đề... Nó là cuốn tiểu thuyết về cái cười và sự lãng quên...”
Cái nội tại của chủ đề chính là cái “Biên Thùy” mà cái cười và sự lãng quên sẽ dẫn chúng ta tới. Một cái cười có thể xóa tan tất cả cô đơn, làm cho chúng ta hạnh phúc, nhưng cũng có thể xô chúng ta vượt qua một lằn ranh nào đó: Lằn ranh Thiện-Ác chẳng hạn, và từ đó mở ra một loạt những gì khả-dĩ và bất-khả-dĩ. Mặt khác, sự-lãng-quên và cái đối nghịch lại với nó là sự-nhớ, hay sự-khắc-cốt-ghi-tâm chính là cái quyết định cái gì “Hữu” cái gì “Vô” cái gì xảy ra và cái gì không xảy ra trong cuộc đời này.
 
Tôi xin chân thành cảm ơn Kundera, nhà thiết kế các biến tấu rất ma mị và tài tình, và đặc biệt là nhà thơ, nhà văn, dịch giả Trịnh Y Thư, một người anh mà tôi rất quý mến đã “ăn nằm” với tư tưởng Kundera trên dưới 30 năm để tạo nhịp cầu nối giữa Kundera và độc giả Việt Nam khởi đi từ “Đời Nhẹ Khôn Kham”, và lần này là “Tập Sách Cái Cười và Sự Lãng Quên”.
TDK
2021
  

B I Ề N. T Í C H T Ụ

 Hoàng Xuân Sơn
 
Nhà văn Cung Tích Biền ra mắt sách
 
[mừng hội sách Cung Tích Biền]
 
thao thao ừ*
viết
thaothao
viết bất tuyệt.  viết
mời chào thế nhân
thập bát sung mãn như thần
dư vài tuổi lẻ
nắn gân cho đời
 
H O À N G  X U Â N  S Ơ N
tháng mười, 2021
*Thao: tên thật của tác giả CTB, và nhà xuất bản tên Thao Thao
                      

CHÚC MỪNG THƯ QUÁN BẢN THẢO HAI MƯƠI TUỔI

Trần Thị Nguyệt Mai
 
Thư Quán Bản Thảo số 1 - Tháng 10-2001
 
Thời gian như ngựa chạy tên bay. Thoáng chốc, TQBT đã hai mươi tuổi. Chẳng thể ngờ! Những người chủ trương dù lúc ban đầu đang ngấp nghé ở tuổi hưu xứ Mỹ nhưng vẫn còn mạnh tay khỏe chân, đầu óc, trái tim còn nồng nàn chữ nghĩa. Nay cộng thêm hai mươi năm, nghĩa là hai mươi lần sức lực đã giảm, đi đứng đã phải cần đến cái chân thứ ba, cộng thêm bệnh tật thời “máy móc rệu rạo” hoành hành. Họ chỉ còn lại trái tim mạnh mẽ với tình yêu văn chương và một tình bạn keo sơn, gắn bó. Văn chương thật diệu kỳ và thật đẹp biết bao!
 
       Điển hình trong suốt ba ngày của tháng 7 năm nay, từ ngày 14 đến ngày 16, “nhóm Doãn Dân” gồm mười người từ những tiểu bang xa xôi đã cùng tụ họp đến nhà anh Trần Hoài Thư mang thêm sinh khí, tiếng nói cười nồng ấm cho ngôi nhà đã từ lâu hiu quạnh vì vắng bóng hiền nội của anh hiện trú ngụ trong nursing home. Họ đã giúp vệ sinh nhà cửa, vừa nói chuyện văn thơ: về nhà văn Doãn Dân, về những lần làm báo, đi sưu tập ở thư viện các Đại học Cornell và Yale của Hoa Kỳ, ... Ba ngày ấy đã được chị Doãn Cẩm Liên – con gái nhà văn Doãn Quốc Sỹ – ghi lại trong bài Thư Quán Bản Thảo và Trần Hoài Thư “Lì” đi trên số TQBT 94, tháng 8/2021:
... ba ngày dường như dài vô tận, với tràn trề âm thanh vui, với dư thừa màu xanh tưng bừng. Chúng tôi nói cười ròn tan, đọc thơ nói thơ, kẻ tung người hứng. Ai nấy đều vui vì có nhau.
 
Ba ngày khó quên
 
Cháu hỏi số 46
Chủ đề về Doãn Dân
Chú nói chú không còn
Nhưng sẽ in cho cháu
Thế rồi hai chú cháu
Cùng nhau xuống căn hầm
Cháu xếp giấy xếp trang
Chú dán bìa dán gáy…
    
       Cũng từ chuyến viếng thăm này, anh Nguyễn Đình Hiếu, một kiến trúc sư – con rể của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đã giúp anh thực hiện cuốn “Trần Hoài Thư - Thơ Tuyển Toàn Tập” [1] lộng lẫy và sang trọng từ nội dung đến hình thức đi kèm một bookmark do chính anh Hiếu sáng tác cũng thật tuyệt vời.
 
       Nhà văn Phạm Văn Nhàn, người bạn đồng hành với anh trong bao nhiêu năm nay, là người giới thiệu với thân hữu về cuốn thơ này. Chi phiếu giúp trang trải in ấn và bưu phí sẽ gửi thẳng đến anh Trần Hoài Thư. Email gửi đi, ai cũng muốn sở hữu một cuốn. Anh Hai Trầu Lương Thư Trung lên tiếng trước: “Và để cho tiện và đỡ tốn công, anh Thư có thể gởi sách chung với địa chỉ anh Nhàn, tôi sẽ ghé anh Nhàn nhận sách luôn cũng được”. Tiếp đến, anh Trần Bang Thạch nảy ra ý kiến ăn mừng rất hay: “Tui cũng vậy nhen. Gởi chung về nhà PVN. Tụi tui ghé lấy. Sẵn nói với anh Hai Trầu, PVN & các bạn Houston: Sao mình không nhân ngày nhận sách tại nhà PVN rồi mình đi cà phê cụng ly xây chừng mừng thơ THT luôn. Đáng ăn mừng lắm chớ?”
 
       Sách về. Thế là hôm qua, thứ bảy 18/9/2021, hai anh Phạm Văn Nhàn và Tô Thẩm Huy cùng các anh chị Phan Xuân Sinh, Phạm Quang Tân, Túy Hà, các anh Lương Thư Trung, Trần Bang Thạch, Cái Trọng Ty, Bùi Hữu Vừa, Phạm Tương Như, anh Lãm – phu quân của chị Lê Thị Hoài Niệm, Đặng Toản... đã hẹn nhau ra quán cà phê La Madeleine (Houston, Texas) để nhận và chúc mừng tác phẩm mới này của anh Trần Hoài Thư. Những hình ảnh do anh Hai Trầu chụp gửi cho xem thật cảm động. Có cà phê và cả face-time với anh Trần Hoài Thư từ New Jersey và anh Nguyễn Lệ Uyên từ Tuy Hòa. (Cũng nói thêm, những ngày gần đây, anh THT đã không được khỏe lắm, có lúc mệt thở không ra hơi, giọng nói rất nhỏ thì thào... nhưng vì đang rất vui, nên anh đã face-time được với các anh chị ở Houston). Và có cả rượu champagne chúc mừng cuốn “Trần Hoài Thư - Thơ Tuyển Toàn Tập” nữa. Thật vui hết biết!
 
      Anh Trần Hoài Thư như “người đi trên mây”: Tôi cảm thấy tôi là người hạnh phúc hơn ai hết. Lan can gỗ giúp tôi vịn lên xuống thang hầm, nhưng lan can tình bằng hữu văn chương giúp đôi chân tôi mạnh hơn, vững chắc hơn... 
 
Cùng nâng ly chúc mừng Thơ Tuyển Toàn Tập Trần Hoài Thư
(Ảnh: Hai Trầu, 18.9.2021)
 
       Điều làm tôi khâm phục và ngưỡng mộ anh hơn hết là ý chí và niềm đam mê văn chương của anh rất mạnh mẽ. Stroke thì mặc stroke, anh ráng tự tập luyện bàn tay và trí óc bằng cách gõ những bài văn thơ trên phím chữ của máy vi tính thay vì những cách tập therapy thông thường mà các bác sĩ và y tá ở bệnh viện yêu cầu. Tôi đã rất mừng vui khi cuốn sách “Hôm nay đi chùa Hương” của Mai Thảo do anh tự sưu tập và đánh máy đã có rất ít lỗi so với trước đây. Cũng nên ghi điểm ở chỗ này cho Bác sĩ Trần Quí Thoại, con trai anh, người đã luôn khuyến khích, nâng đỡ tinh thần cho anh đặc biệt trong thời gian này. Tôi chưa từng được gặp hay liên lạc, nhưng luôn nghĩ đây là một bác sĩ rất giỏi. Vì sau cơn stroke quật anh từ tháng 6/2020, những tưởng TQBT phải chấm dứt cuộc hành trình sau 18 năm liên tục bên bạn đọc, anh đã định rao bán tất cả máy móc dành cho việc in ấn. Nhưng Thoại không cho. “Ba cứ để đó, chừng nào khỏe, Ba lại tiếp tục làm...” Và còn đi mua thêm mấy thùng giấy “để Ba in sách”. Bác sĩ bệnh viện khuyên không nên lái xe, nhưng anh vẫn tự tập để khi cần có thể lái gần trong thành phố như đi chợ, ra tiệm lấy thuốc, hoặc đi bưu điện gởi báo hay đến nursing home thăm chị Yến... khỏi phải lệ thuộc vào con quá nhiều:
 
Nửa năm, xe ụ driveway
Không đột quỵ mà nằm ngày nằm đêm
Nửa năm không tiếng máy êm
Buồn người trong vách buồn lên cõi ngoài
 
Nửa năm thời gian quá dài
Tôi xa xe, xe xa người, cả hai
Giờ đây, tôi liều mạng cùi
Không cho, tôi tự cho tôi một lần 
(Lái xe trong thời hậu stroke – Trần Hoài Thư - Thơ Tuyển Toàn Tập)
 
       Sức làm việc của anh thật đáng nể. Sau số TQBT 86 phát hành vào tháng 10/2019, trong bài viết “Chúc Mừng Thư Quán Bản Thảo 18 năm cùng bạn đọc” [2], tôi đã ghi lại tất cả các số TQBT từ đầu. Nay lấy dấu mốc đó, tôi xin kê tiếp ra đây, đặc biệt để thấy thời kỳ hậu stroke, TQBT phát hành liên tục, hầu như hai hoặc ba tháng một lần, và lại còn thêm những ấn bản đặc biệt:
 
- số 87 – tháng 12/2019
Chủ đề: ĐINH CƯỜNG và BÍCH KHÊ
Giới thiệu tạp chí VĂN HÓA Á CHÂU
 
- số 88 – tháng 2/2020
Chủ đề: TƯỞNG NHỚ NGUYỄN NAM CHÂU (1929 – 2005)
 
- số 89 – tháng 6/2020
Chủ đề: THƠ VĂN MÙA ĐẠI DỊCH
 
- số 90 – tháng 10/2020
CẢM TẠ VĂN CHƯƠNG
Hồi ức của TRẦN HOÀI THƯ
 
- số 91 – tháng 1/2021
Chủ đề: ĐẦU XUÂN LỘC MỚI
giới thiệu Việt Thạch Nguyễn Thụy Đan
 
- số 92 – tháng 3/2021
Chủ đề: TUYỂN TẬP THƠ VĂN
 
- số 93 – tháng 6/2021
Chủ đề: HẠNH PHÚC và KHỔ NẠN
 
- số 94 – tháng 8/2021
Chủ đề: VIẾT VỀ VĂN CHƯƠNG THỜI CHIẾN
Văn liệu sưu tập đặc biệt: Phan Trước Viên và những viên đạn oan nghiệt
 
- số 95 – tháng 10/2021
Chủ đề: TẠP CHÍ CHÍNH VĂN
 
     Và những ấn bản đặc biệt:
 
1. BÃO – tháng 6/2020
Hợp tuyển thơ văn của Trần Hoài Thư
Tuyển chọn những bài đã đăng trên blog Trần Hoài Thư
 
2. MAI THẢO – BÀI VIẾT Ở TRANG CUỐI - tháng 5/2021
Sưu tập 32 bài tùy bút của Mai Thảo
trên tuần báo Khởi Hành từ năm 1969 đến 1971
 
3. MƯỜI TÁC GIẢ: RONG CHƠI CHỮ NGHĨA CÙNG PHẠM VĂN NHÀN – tháng 6/2021
 
4. HÔM NAY ĐI CHÙA HƯƠNG – tháng 9/2021
Góp nhặt những Hạt Vàng của Mai Thảo
trên tạp chí Nghệ Thuật & Vấn Đề
 
       Chưa kể anh đã sưu tầm và thực hiện flipbook đưa lên blog phần lớn các tạp chí phát hành tại miền Nam trước năm 1975. Gần đây là nguyệt san Tiền Phong (do Cục Tâm Lý Chiến QLVNCH ấn hành được phổ biến sâu rộng trong hàng ngũ sĩ quan QLVNCH) và các tạp chí Chính Văn, Văn Hữu...
 
Như một kẻ tật nguyền còn yêu cuộc đời
Vào những ngày của tuổi già còn lại
Tôi trì cán dao
Tôi dán keo vào gáy sách
Tôi layout từng bài
Tôi xếp trang
Làm bìa
insert bốn phụ bản màu
Bởi tôi yêu chữ nghĩa
Bởi đó là linh dược giúp tôi quên đi
Nếu không tôi sẽ điên
Vâng, đời tôi bây giờ đã khánh tận
Tôi không còn cách để đút từng muỗng cơm vào miệng em
Tôi cũng không còn cách để làm em vui mỗi ngày
Tôi nói bao lần vĩnh biệt
Nhưng ước ao lái xe về nhà dưỡng lão
để thấy một người thân yêu khổ nạn
Thêm một số báo nữa ra đời
chứng tỏ rằng tôi không bỏ cuộc
Tuần đến là Spring Break rồi
Tôi đón chào mùa xuân
bằng một đứa con lộng lẫy 
(Đã phát hành TQBT số 92, tháng 3/2021 - Trần Hoài Thư)
 
       Nhân dịp Thư Quán Bản Thảo tròn 20 tuổi và đang bước vào năm thứ 21, em cầu chúc hai anh Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn được luôn mọi điều lành, sức khỏe khá hơn. Để tiếp tục là người nối nhịp cầu cho thế hệ chúng em và những thế hệ sau biết được văn chương miền Nam đã có một thời kỳ vàng son rất đẹp, rất nhân bản. Nhờ vậy, lớp trẻ hiểu được thêm về cuộc chiến đã qua để từ đó họ sẽ có cái nhìn đúng đắn, chân xác hơn, nhất là trong tình trạng thông tin một chiều dễ bị bóp méo và bôi nhọ. Để TQBT vẫn còn là mái nhà ấm cúng sẻ chia cùng anh em những văn chương và những tình bằng hữu rất hiếm quý mà không tiền bạc nào có thể mua được.
 
Trần Thị Nguyệt Mai
11.9.2021 – 20.9.2021 
 
Tham khảo:
[1] https://tranhoaithu42.com/2021/09/10/tran-hoai-thu-tho-tuyen-toan-tap/ 
[2]https://www.dutule.com/a9402/tran-thi-nguyet-mai-chuc-mung-thu-quan-ban-thao-18-nam-cung-ban-doc