Phốvănblog là từ ‘Phố Văn báo in’ mà ra. Nói như thế không có nghĩa đây là một loại Phố Văn Online mà là một thứ Sổ Tay trên không gian ảo, ghi lại cái nhìn và suy nghĩ của người chủ trương cùng bè bạn xa gần. Ở đây, thỉnh thoảng bạn cũng được đọc cả những bài thơ và truyện ngắn nữa. Ngoài ra, đây cũng là nơi lưu giữ một số tài liệu để sau này có người cần đến chăng.
Phốvănblog là do Phố Văn báo in mà ra. Đúng vậy. Có nghĩa là nếu không có Phố Văn báo in thì sẽ không có Phốvănblog. Do đó cũng cần giới thiệu đôi nét về Phố Văn báo giấy.
Tạp chí Phố Văn số 1 ra mắt vào tháng 5 năm 2000,… đến số 87 phát hành vào tháng 10 năm 2008, như vậy là được hơn 9 năm. Hơn 9 năm với bao gian khó, nhưng được độc giả, văn hữu và các thân chủ quảng cáo hết lòng ủng hộ, nên chúng tôi đã phát triển được tờ báo ngày càng đẹp và phong phú hơn. Nhân đây xin cho chúng tôi bày tỏ một lời tri ân ngắn nhưng chân thành và sâu sắc: Cám ơn, cám ơn tất cả thân hữu và độc giả, các mạnh thường quân đã một lòng vì văn học giúp đỡ Phố Văn.
Hôm nay, chúng tôi xin thông báo đến văn hữu và bạn đọc khắp nơi: Phốvănblog đã thành hình. Hy vọng đây sẽ là ngôi nhà chung rộn rã tiếng nói cười của chúng ta -và đôi khi cũng có cả giọt lệ nữa.
Viết thêm: Còn nhớ, Phố Văn số 1 có đăng bài giới thiệu rất đặc sắc của nhà văn Phan Lạc Phúc. Nay xin đăng lại sau đây.
Giới thiệu Phố Văn
Phan Lạc Phúc
Hôm nay mới gặp Tần Thủy Hoàng
Bạo chúa như ông sướng hay khổ
Trời đã sang thu lá đã vàng
Ông khóc hay cười trong nấm mộ...
-Chị buông ra em còn về viễn phố
Hôm nay mấy câu thơ đầu tiên trong vở kịch Người Điên của Hoàng Cầm lại trở về trong ký ức tôi. Vở kịch này được công diễn lần đầu trước ít ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ (19 tháng 12-1946). Ngày thường thì tôi quên... nhưng vài bữa nay tôi nhớ sau 54 năm xa cách. Tôi vừa nhận được thư của bạn cũ, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp từ Texas (Hoa Kỳ) gửi sang. Ông bạn tôi đang có ý định “ra” một tờ báo thuần văn nghệ lấy tên là PHỐ VĂN. Từ chữ PHỐ lạ lẫm, bỗng nhiên tâm viên ý mã tôi nhớ lại “Chị buông ra em còn về viễn phố”. Chị ở đây là một người đàn bà điên đang đi tìm chồng và cũng muốn nhân đó xóa đi một chế độ độc tài hà khắc. Người mà người đàn bà điên (Kiều Loan) nắm lấy tay không phải là Tần Thủy Hoàng mà chỉ là một cô gái nhỏ. “Chị buông tay em ra (em đâu phải là Tần Thủy Hoàng) cho em đi về nhà -nhà em xa lắm ở một bến sông xa”. Viễn phố tức là bến sông xa -đầu mối của mọi sự liên tưởng và khơi gợi.
Trong tình yêu cũng như trong chữ nghĩa, có nhiều điều khó giải thích. “Trái tim có lý lẽ riêng của nó mà lý trí không hiểu được.” Có những chữ đối với tôi nó hoang đường huyền thoại, tôi vừa yêu vừa sợ nó -ví dụ như viễn-phố-bến-sông-xa. Sự yêu mến làm bật dậy một số câu thơ đã “yên nghỉ” trên nửa thế kỷ nay trong tiềm thức. Bến-sông-xa là một cuộc hành hương trở về kỷ niệm. Bến Trung Hà trên Quảng Oai nước sông Cái (Hồng Hà) đỏ lừ -ngày xưa gọi là ngã ba Hạc... đi sang bên kia là Việt Trì địa đầu trấn Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây-Hưng Hóa-Tuyên Quang) lịch sử. Hay là bến Ngọc Bài của nhánh sông Tích Giang nước chảy lặng lờ -lên Thạch Bích rồi ra sông Đáy qua Đồng Quan-Chợ Đại-Cống Thần đi vào Phát Diệm (Ninh Bình) rồi thẳng vô chợ Rừng Thông (Thanh Hóa) của một thời kháng chiến...
Chữ bến sông, bến đò bao giờ cũng gợi ra trong tôi một sự chia ly nào đó. Mình sợ cũng không làm sao tránh được. Ôi! ‘cảnh biệt ly sao mà buồn vậy’ cũng bắt đầu từ đấy. “Cơm nước xong, thầy mẹ tôi, anh chị em tôi, cả những kẻ ăn người ở trong nhà đều đưa tôi ra bến đò, chỗ thuyền đậu”. (1) Bến đò là chỗ chia tay. Người đi thì nhiều người về thì ít. “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/củi một cành khô lạc mấy giòng” (2) -một cảnh vừa buồn vừa đẹp, vừa tiêu sơ vừa bát ngát. Có một cảnh bến sông mà người Việt Nam thật sự là người Việt Nam nghe qua đều muốn rơi nước mắt:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Nghe câu mái đẩy trạnh lòng nước non... (3)
Nó bắt đầu từ chữ PHỐ của ông đấy -thưa ông Nguyễn Xuân Thiệp. Tôi chữ Nho yếu lắm nên phải đi hỏi một người bạn trẻ, bạn M.D. ở đây, một “sản phẩm đáng kể” của trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, ban Việt Hán. Theo ông bạn trẻ này chữ phố (bến song) là chữ phụ viết với bộ thủy. Nếu ông viết Phố Văn với bộ thủy này, chắc báo của ông nặng về hoài niệm, nhớ về chuyện xưa tích cũ, hẳn là ông đang “trạnh lòng nước non” nên ông mới mở ra một tạp chí nói về những cửa biển, cửa sông đầy chiến tích. Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng... Hay là nhắc đến những con sông đau thương đầy máu lệ... giống như một vết chém ngang lưng thân thể nước nhà... con sông Gianh, con sông Bến Hải dạo nào.
Người bạn trẻ M.D. nói tiếp: có nhiều chữ phố trong tiếng Hán, nhưng có một chữ phố có thể áp dụng được trong trường hợp này. Đó là chữ phụ viết với bộ kim -chữ phố này có nghĩa là nơi đổi trao mua bán, chữ phố trong phố phường, phố thị... hay bình dân là “36 phố phường Hà Nội”... như phố hàng Bạc, phố Hàng Đường, phố Hàng Thiếc, phố Hàng Gai v.v... Hà Nội, Đông Đô, Đông Quan, Thăng Long... với lịch sử thành lập hàng nghìn năm nên mang dấu vết của một nền văn minh thủ công nông nghiệp. Dù là kinh đô chăng nữa, các nghề thủ công vẫn tụ tập với nhau thành phường, thành phố để dễ bề tồn tại và phát triển. Nhưng hỏi trong 36 phố phường phố nào là phố văn thì cũng khó trả lời. Có một phố gần gũi với văn, đó là phố Trường Thi. Nhưng thật ra đây chỉ là nơi ngày trước có trường thi Hương cho sĩ tử... cứ ba năm mới mở một lần (không kể những năm có ân khoa kỳ thi đặc biệt). Ngoài kỳ thi, đó là một khu đất trống không người ở nên không thể gọi là Phố Văn cho được. Có người mới nêu ý kiến là phố Khâm Thiên, có thể gọi là Phố Văn. Bởi vì nơi đó cứ tối đến là đàn phách tưng bừng, hát ca réo rắt. Điệu Hát Nói, điệu Thét Nhạc, điệu Tỳ Bà không là văn chương hay sao? Nguyên tắc là như vậy nhưng thực tế người ta đến Khâm Thiên để nghe hát thì ít, để làm việc khác thì nhiều.
Xưa kia Tuyết muốn lấy ông
Ông chê Tuyết bé Tuyết không biết gì
Bây giờ Tuyết đã đến thì
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già
Hồng Hồng Tuyết Tuyết
Mới ngày nào chưa biết cái chi chi (4)
Người ta đến Khâm Thiên là để giải quyết cái “chi chi”. Nếu như vậy thì gọi là Phố Văn sao được.
Sài Gòn khác với Hà Nội là người ta không gọi phố -mà gọi là đường. Đây là thành phố mới phát triển, trong khoảng 300 năm nay nên nó lại có phong cách một thành phố công nghiệp. Thời thuộc địa, đường Bonard, đường Catinat, đường Galliéni... sau được đổi thành đường Lê Lợi, đường Tự Do, đường Trần Hưng Đạo. Những tên này là tên của mình trước 30 tháng 4-75. Sau này, mười năm đi cải tạo về tôi có nhận ra thành phố thân yêu của mình nữa đâu. Tên tuổi xa lạ, thành phố xa lạ... mình cũng trở thành “người xa lạ” (l'étranger của Camus) trong thành phố của mình. Nhưng trong cõi nhớ của bạn, của tôi, dù phong ba bão táp, dù nắng cháy mưa rơi... Sài Gòn của chúng ta vẫn là Sài Gòn. Chúng ta không còn ở Sài Gòn được nữa nhưng chúng ta vẫn mang theo Sài Gòn đi khắp cùng trái đất.
Hồi tưởng lại... ở Sài Gòn thân thương ấy, đường nào, phố nào có thể coi là đường văn, phố văn cho được? Đường Tự Do chăng? -với câu lạc bộ Văn Nghệ -với nhà hàng Cái Chùa, nghệ sĩ văn nhân ra vô tấp nập -với nhà sách Xuân Thu có đủ loại sách báo trong nước, ngoài nước. Kể ra cũng tạm thời chấp nhận được nhưng kẹt một cái là trên con đường ấy nó lại chình ình mấy cái khách sạn, mấy cái nhà nhảy đầm -nên phố văn như vậy... khó coi. Có người mới đề nghị rằng có một đường tụ họp rất đông tòa soạn, rất đông người viết, đó là đường Phạm Ngũ Lão. Gần như 80, 90 phần trăm tòa báo tiếng Việt, đều đóng trụ tại đây. Có tòa báo Văn của ông bạn già kiêm nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng với ông Trần Phong Giao trước, ông Mai Thảo sau cũng ở đường này. Đến giờ phát hành báo khu phố này thật là tấp nập. Xe hơi chở báo đi các tỉnh, xe lambretta chuyển đi các sạp báo xa, hàng hàng lớp lớp trẻ con bán báo lẻ ôm những chồng báo còn thơm mùi mực mà chạy đi khắp nẻo “Báo mới đây - Báo mới đây”. Phạm Ngũ Lão đúng là phố báo, chợ báo nhưng nếu gọi là phố văn lại hơi khiên cưỡng. Vì báo tuy rất gần gũi với văn nhưng báo khác, văn khác. Báo nhắm về thời sự - Văn hướng đến cái lâu dài. Nhà báo “ngắn hơi”, nhà văn “dài hơi”. Ấy là chưa kể câu nói đầy bỉ thử “nghề báo làm hại nghề văn”...
Đi tìm một sự đồng thuận về Phố Văn thật khó. Chúng ta có lẽ phải bắt chước một nhà nghệ sĩ Âu Châu lưu vong khi ông nói đại ý rằng: “Nơi nào có Tự Do, nơi ấy là quê hương”. Chúng ta không đi tìm được một địa chỉ phố văn cụ thể; vậy tờ báo nào, tạp chí nào, cuốn sách nào có “văn” thì nơi ấy là Phố Văn. Không chừng ông bạn làm thơ của tôi ở Texas đang chủ trương như vậy. Nhưng ý hướng là một chuyện -có thực hiện được không là chuyện khác. Cho nên thưa ông Nguyễn Xuân Thiệp... tôi vừa mừng cho ông, vừa lo cho ông?
Chú thích:
(1): Quốc Văn Giáo Khoa Thư
(2): Thơ Huy Cận
(3): Thơ Ưng Bình Thúc Giạ thị
(4): Bài hát nói của cụ nghè Dương Vân Đình.