Saturday, February 27, 2021

DẠ TÂM THI

Nguyễn Thanh Châu
 
Tranh Trịnh Công Sơn
 
Góc khuya
 
góc khuya. bó gối cầm sinh mệnh
sao băng buốt cõi lạ tiền thân
đành thôi. con sáo buồn câm tiếng
khuất dạng người. mắt úa cơ trần…
 
 
nim khúc
 
tim se máu trong chiều xuân biệt
thảng thốt lời kinh nguyện. khói lên
trời cố xứ ủ vừng trăng khuyết
đâu lỡ tìm nhau một kiếp. quên…
 
 
cõi mù
 
nằm nghe mang máng từ muôn trước
những tinh cầu mở cuộc tuần du
buông xa xanh. những hoà âm lạc
cuối rừng đêm bật đám cháy. mù…
NTC
 

Thursday, February 25, 2021

THÁNG BA CHIM BAY VỀ NHIỀU

nguyễnxuânthiệp
 
Chim én ở San Juan Capistrano
 
Tháng ba có chút nắng ấm chim bay về nhiều
Bài này được viết từ câu thơ trên của Đinh Cường. Ôi, bạn ra đi mới đó mà đã 5 năm. Mình viết bài này cũng là để tưởng niệm bạn đây.
 
    Bây giờ là tháng ba. Buổi sáng buổi chiều nơi thành phố này chim bay về thành đàn. Chợt nhớ tới Phạm Công Thiện ra đi cũng vào độ tháng ba. Phạm Công Thiện có hai câu thơ về chim mình cũng rất thích
Ồ, chưa bao giờ tôi thương những con chim như chiều nay.
Tôi muốn xây lên một nghĩa địa chim giữa thành phố…
(Phạm Công Thiện – Mặt trời không bao giờ có thực)
    Đúng là mơ mộng của thi sĩ -thật ngây thơ và dễ thương. Những cánh chim của Đinh Cường cũng như Phạm Công Thiện gợi nhớ tới những con hải âu ngày nào đã gặp ở bãi biển Destin xanh màu ngọc thạch. Ngoài ra còn những cánh hải âu trên hồ nước gần bên nhà Nguyễn Xuân Phước ở Irving, Texas -những cánh chim hải âu thật đẹp mà Nguyễn cùng hiền nội đã cùng đứng ngắm. Giờ đây, nắng Tháng Ba rạng rỡ mặt hồ và những cánh hải âu vẫn bay lượn trên sóng nước nhưng hiền nội thì không còn nữa. Trong chuyến đi Cali hồi Tháng Tư năm 2012, cùng với Nguyễn Đình Toàn và Lưu Na dạo chơi ở Huntington Beach, có dịp trò chuyện với một chú hải âu, Nguyễn đã hỏi thăm chú dọc đường bay có bao giờ gặp thấy bóng người trăm năm của Nguyễn không, xin làm ơn chỉ đường cho mình tìm tới.
   Đúng là vớ vẩn, nhưng lúc đó lòng mình xúc động thành thật. Rồi theo một liên tưởng kiểu “vượn chuyền cành”, chợt nhớ Tháng Ba năm 1975 -ôi, vậy mà đã 45 năm rồi đó- mình ra Nha Trang tìm mẹ tìm em di tản từ Pleiku xuống. Cũng những con hải âu bay dưới trời: Hải âu bay xa về đâu / thùy dương dậy. chiều tà. hung hãn… Rồi những cánh vịt trời bên bờ nước ở gần nhà lúc chiều xuống cũng khiến lòng này thương tưởng đến những hình bóng xưa.
   Nhưng thôi. Ta trở lại với những cánh chim của buổi giao mùa. Hồi mới sang Mỹ định cư ở Oklahoma, Nguyễn đã có dịp thấy rất nhiều chim, chúng mang cho mình bao hy vọng mới.
tháng tư
tôi về lại oklahoma
ngôi nhà. trong rừng parkwoods…
sáng nghe chim hót trong cây
chim tía. chim vàng. chim hồ biếc
chim tháng tư. về theo mây
tôi theo em. về giấc mộng. của lá
hong khô nhánh buồn xưa
tôi cười. với mọi người. hoen lệ
chào buổi sáng. chào hoàng hôn. chào mái
                                       trăng thượng huyền
cuối một chặng đường. ta gặp lại
một niềm vui. một hy vọng…
 
   Bây giờ là Tháng Ba. Mùa này những con chim én có còn bay trên nóc mái nhà thờ Mission của vùng cận duyên San Juan Capistrano như hồi mình mới đến Mỹ? Câu chuyện được kể như sau: Ở tu viện Mission có một hiện tượng được thế giới biết đến là hàng năm vào khoảng cuối tuần lễ thứ ba của Tháng Ba, ngày Mùa Xuân bắt đầu ở Bắc bán cầu là hàng ngàn chim én trốn Mùa Đông từ Goya, Argentina (Á Căn Đình) cách đấy hơn 6,000 miles bay về thánh đường. Loài chim thiên di này có tên là Cliff Swallows (Petrochelidon pyrrhonota), chúng làm tổ bằng loại bùn màu xám trên tường ngay dưới mái nhà thờ bị sụp đổ. “Đất lành chim đậu”, tu viện nằm gần hai con sông nên có nhiều côn trùng làm thức ăn cho chim quanh năm và làm tổ dưới mái giáo đường thì rất kín đáo và an toàn. Linh Mục O’Sullivan theo dõi sinh hoạt của loài chim và ghi nhật ký từ Mùa Xuân cho đến Thu suốt hai thập niên ông ở đây.    
    Và ngày 13 Tháng Ba năm 1939 để loan tin chim én đã trở về, chương trình phát thanh đã trực tiếp truyền thanh từ sân nhà thờ bài nhạc “When the Swallows Come Back to Capistrano” của Leon René đã ngẫu hứng sáng tác. Bài hát đứng đầu nhiều tuần trên làn sóng phát thanh thời ấy. Ngày nay trong tu viện có gian phòng lưu giữ bản chụp bản gốc nhạc phẩm trên, cây đàn dương cầm ông dùng để sáng tác và một số đồ gỗ như bàn ghế do gia đình ông René hiến tặng. Hàng năm chính quyền thành phố San Juan Capistrano bảo trợ 2 tuần lễ hội “Fiesta de las Golondrinas” được tổ chức tại tu viện San Juan Capistrano vào khoảng 19 Tháng Ba (Lễ Thánh Joseph) để đón chim trở về và 23 Tháng Mười (Lễ Thánh John) để tiễn chim bay về Nam.
 
  Bây giờ thì Nguyễn mời người bạn nhỏ của Nguyễn hãy một lần ghé lại thăm giáo đường xưa San Juan Capistrano để thấy lòng mình lắng đọng, nghe tiếng thời gian chừng như trở lại trên từng mái ngói, tường vôi. Và bạn nhỏ hãy cầu xin những điều mình ước nguyện với tất cả niềm tin và lòng thành. Và hãy lặng nghe dư âm vang vọng đâu đây của ca khúc “When the Swallows Come Back to Capistrano” của Leon René:
Hôm xưa
khi đàn chim én lên đường
bay qua biển xa
em thì thầm bên tai tôi
lời tạm biệt
và hứa
sẽ về lại Capistrano
khi đàn chim én trở về...
   Nhưng rồi, buồn thay, kể từ năm 2009 chim én đã không trở về. Một bài báo đăng trên tờ Los Angeles Times ra ngày 22 tháng 3. 2009 ghi nhận như sau: Trong hình, Mike Gastelum đang rung chuông ở nhà thờ Mission của thành phố San Juan Capistrano. Chuông rung suốt tuần lễ mà không thấy những con chim én huyền thoại ngày nào trở về
   Chim én đã không về lại nóc nhà thờ Mission. Buồn quá, phải không bạn nhỏ? Không sao, Tim sẽ kể cho bạn nhỏ nghe một nơi nữa cũng có nhiều chim én. Đó là Đà Lạt. Những năm trẻ tuổi làm việc ở Đài phát thanh Nguyễn cũng đã được nhiều lần chuyện trò với chim én. Mỗi sáng mỗi chiều chúng đều bay lượn dưới mái lầu Hotel du Parc, chúng nhiều cho tới nỗi trẻ con có thể dùng cần câu bằng tre quơ bắt. Và em, mỗi sáng mỗi chiều đứng bên cửa sổ nhìn chim én bay, em có thương cho tuổi mình và những ngày tháng hững hờ trôi đi. Riêng anh cho tới bây giờ vẫn thấy như ngày nào dù đời đã qua biết mấy nhịp cầu chênh vênh:
Em và bầy chim én
vẫn bay trên phố xưa
những mái nâu. cao. thấp
quán sách. hương cà phê
 
Đinh Cường ơi, có còn về lại phố có Nhà Thờ Con Gà để nhìn chim én lượn bay...
NXT
 

THÁNG GIÊNG

Vũ Hoàng Thư
 
Thiếu nữ & hoa đào
 
em dáng mới tháng giêng về ngụ
giọt bích ngần thư thái vô ưu
ngày nguyên đán phô nguyên lời gió
tóc thơm mây rạng rỡ ca từ
 
tháng giêng tôi tiếng chim hót vội
gọi sương xuân chùa vắng về ngồi
hương trầm lan khi mùa xanh liễu
đại hồng chung ấm giọng nguyên khôi
 
tháng giêng em áo che hạt bụi
không dưng về đậu lấm cuộc vui
pháo sẽ nổ hồng tươi dưới gót
như xuân xa ký ức tới lui
 
tháng giêng về nhân gian trường thụy
đậm triều men nghinh chén thuận tùy
em có biết hạt sương đầu cỏ
lóng bình minh sợi nắng tà huy
 
VŨ HOÀNG THƯ

HẸN NHAU MỘT NỤ CƯỜI

Trần Lê Sơn Ý
 
Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý
 
Giữa những làn xe
Ào ạt
Nụ cười không dừng lại mà trôi
Người đi xuôi ngược
Hẹn nhau một cái gật đầu
Mỗi lần đi ngang ô cửa
Bao giờ cũng tưởng tượng
Hoa tầm xuân giăng biếc góc đường
Hẹn nhau một cơn mưa xuân
Chiếc dù đỏ chói chang chặn bao lời bất tận
Bài hát đành là giai điệu nằm yên
Đợi
hẹn nhau một điều không thể
Hôm qua, hôm nay
Terrasse và tôi chiều từ ban mai
Nụ cười thành đoá hoa bất thần
Nở giữa đi về dào dạt
Tôi cắm trong bình
tôi
Ngày mai
Mùa còn đến kịp
TLSY

Wednesday, February 24, 2021

DÒNG THƠ TIỄN BẠN

Nguyên Giác Phan Tấn Hải
 
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ. Hình Việt Báo
 
*Từ biệt nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ
  .
Đêm lặng lẽ, chờ năm uẩn
tan theo nghiệp, bạn về đâu
kêu giữa trời nghiêng cánh nhạn
nguyện qua bờ dứt thảm sầu.
.
Mở trang kinh, đọc lời Phật
vô lượng khổ ngàn kiếp xưa
chờ nến tàn theo lửa tắt
nguyện chúng sinh khắp qua bờ
.
Đêm chia ly, ngày sẽ tới
tôi trọn đời, ngồi chép kinh
làm thơ nhìn lửa ba cõi
thấy vô ngã, ngộ vô sinh
.
Mở trang kinh, nghe tin bạn
rơi tay bút, mực loang dòng
bọt sóng trôi vô cùng tận
như tia chớp, như hạt sương
.
Đêm rất lạnh, rừng ký ức
nghiệp trùng trùng mấy trận văn
bạn xông xáo đời giấy mực
bây giờ nằm, ai niệm tâm
.
hãy lặng lẽ, nghe hơi thở
thấy vô ngã, chớ suy tầm
hãy buông sạch ngàn muôn chữ
hãy buông hết trọn thân tâm.
.
Đêm trừ tịch, đêm lưu lạc
lời từ biệt muôn kiếp xưa
hướng tâm về tạ ơn Phật
tắm mặt trời nắng ban trưa
.
nhớ lời kinh, mời bạn đọc
tạ ơn Pháp, lệ vui mừng
từng dòng chữ như chuỗi ngọc
trang nghiêm tâm sáng vô cùng
.
Đêm không ngủ, đêm tu học
như lửa cháy khăn trên đầu
mắt tỉnh thức nhìn gió ngược
tâm tịch lặng dứt muôn sầu
.
mời bạn nhìn tâm sinh diệt
cái được thấy, cái được nghe
tâm không trụ xa lìa nghiệp
một pháp Như rực nắng hè.
.
Đêm trực nhận đời huyễn hóa
cái được thấy là vô thường
cái được nghe là vô ngã
tâm tỉnh thức sáng như gương
.
rời sân hận, lìa tham đắm
tâm bất động tan bóng đêm
tỉnh tỉnh tỉnh, lặng lặng lặng
giới giới giới, tâm trang nghiêm.
.
Đêm vô minh rừng quá khứ
đường giải thoát, tạ ơn Tăng
soi đèn pháp, kinh vô tự
xua mây mờ, sáng lối trăng
.
mở trang kinh, bạn có thấy
pháp duyên khởi, không cách chia
trăng Lăng già hiện trên giấy
không bờ này, không bờ kia
.
Đêm đi tìm Phật tam thế
một tiếng đàn, ngàn mối dây
một bè pháp giới định huệ
vượt muôn trùng, vạn gót giày
.
mở trang kinh, tâm không trụ
không hôm qua, không ngày mai
không hôm nay, không phương xứ
thấy ba cõi pháp Như Lai
.
Đêm vô tận rồi sẽ dứt
lìa hữu vô, ngộ Niết Bàn
tánh trong gương ai thấy được
rơi tất cả bụi ngàn năm
.
tâm vô ngã lìa giông bão
không cao hơn, không kém hơn
vui tịch lặng tâm hải đảo
không lay động giữa đại dương.
.
Bạn hãy nhớ, Phật tuyên thuyết:
tất cả nghe thấy hay biết
thân ý mũi lưỡi mắt tai
tất cả quá hiện vị lai
đều không tôi, không của tôi
đều không ta, đều không người
tất cả pháp, tận thâm sâu
không từ đâu, không về đâu
tất cả pháp như tiếng đàn
vốn rỗng lặng Tâm Niết Bàn.
.
NGUYÊN GIÁC
California, 17/2/2021
  

Tuesday, February 23, 2021

ĐỘC HÀNH

Nguyẽn Thị Khánh Minh
 
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ
 
*tặng  NGUYỄN LƯƠNG VỴ
 
Nhịp một lời. Phong ba
Nghe đất trời chĩu nặng
Nghe trần gian nhẹ bẫng
Cô liêu cõi Người Ma*
 
Nhịp một lời. Vực sâu
Trùng dương nghe. Dậy sóng
Núi cao nghe. Cúi đầu
Thâm u. Hình với bóng
 
Nhịp một nhịp máu xương
Nghe con sông nằm khóc
Nghe trời xanh vừa mọc
Thổ huyết một đêm trường…
 
Đêm nở hạt máu mầm
Trổ thơm hơi bụng mẹ
Hạt máu rền huyết âm*
Hạt máu đau huyết lệ
 
Bi thương hạt tinh cha
Trổ ngàn lời thống thiết
Cười một tiếng. Ngu ngơ
Động ngàn lau xanh biếc
 
Nhịp một nhịp hòa âm*
Lặng mấy cõi thinh không
Khóc một tiếng. Dại khờ
Đau lòng trời xanh thẳm…
 
Nén ngàn hơi tinh âm*
Òa đất trời tiếng thở
Người đi đi về đâu
Trăng tan. Và nước vỡ 
 
 
Vỡ
Bảy hạt huyền âm*
Rúng
Sợi tơ bát âm*
Trầm ơi
Lục huyền cầm*
 
Tan tan
Ngũ linh âm…*
 
NTKM
 
*Chữ thơ và tên những tập thơ của Nguyễn Lương Vỵ
 
(Trích trong tập thơ Ký Ức Của Bóng, NTKM, NXB Sống và Phố Văn, ấn hành năm 2013 tại Hoa Kỳ)
 

Monday, February 22, 2021

THƯƠNG TIỄN NGUYỄN LƯƠNG VỴ

 Trần Yên Hòa


Tác phẩm NLV

Nghe tin Nguyễn Lương Vỵ mất ngày 17-2-2021, tôi thật bàng hoàng.
Dù biết Vỵ mổ tim đã gần ba năm, một cuộc mổ tim lâu lắc đến hai lần, lần đầu 8 tiếng đồng hồ, chưa thành công, phải mổ lại 6 tiếng đồng hồ.
Lúc đó đến thăm Nguyễn Lương Vỵ tại một trung tâm săn sóc sức khỏe người bịnh, ở Santa Ana, Vỵ đã tâm sự như vậy. Từ đó Vỵ phải di chuyển và sống tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe, từ Santa An đến Garden Grove. Muốn mời Vỵ đi uống cà phê, phải tới nơi Vỵ ở, chở Vỵ đi tới tiệm cà phê gần đó, khoảng tiếng đồng hồ rồi chở Vỵ về.
Cuộc gặp Vỵ gần đây nhất là tham dự buổi Ra Mắt Sách tập thơ “Âm Tuyết đỏ thời gian" tại cà phê Hạt Ngò, 2019. Hôm đó thấy Vỵ cười, nói, dù giọng nói rất yếu, bắt tay với các bạn văn đến tham dự, tôi thấy vui vì Vỵ đã khỏe hơn những ngày trước đó.
Từ đó đến bây giờ tôi chỉ gặp Vỵ qua điện thoại hay qua email. Vỵ thường báo tin in sách mới, hay gởi bài đến trang văn học Nghệ Thuật Bạn Văn Nghệ của tôi.
Gần đây nhất là Nguyễn Lương Vỵ gởi những bài thơ, và điện thoại Chúc Tết (cùng một email gởi cho nhiều Bạn Văn), tôi đã gởi trả lời và chúc sức khỏe Vỵ như sau:
 
Hello Nguyễn Lương Vỵ!
Tết đến rổi, Vỵ khỏe không? Vẫn còn ở chỗ đường Westminster chớ?
Thấy Vỵ Chúc Tết anh em trên emails thì biết Vỵ khỏe, rất mừng.
Nhân dịp Tết sắp đến, chúc Vỵ sang năm mới sức khỏe khá hơn. Làm
thơ hay mãi nhé.
Thân mến!
 
Đó là email cuối cùng tôi gởi Vỵ. Những text trong điện thoại tôi gởi khoảng 2 tuần sau, Vỵ không trả lời, co lẽ lúc này Vỵ đã trở bịnh nặng lắm rồi.
Nghe tin thêm là Vỵ bị dính Covid 19, và nghe tin Vỵ được đưa vào phòng Cấp Cứu đặc biệt. Tôi rất lo cho Vỵ. Nay thì Vỵ đã ra đi thật rồi.
 
Đứa em cùng quê
Vỵ là đứa em cùng quê với tôi.  Nhà ông nội Vỵ và ông nội tôi cùng ở Quán Rường, Tam Kỳ, Quảng Nam. Hai nhà cách nhau mấy khoảnh vườn. Tôi biết ông nội Vỵ nguyên là chánh tổng của thời phong kiến. Ba Vỵ là nhà giáo. Một gia đình thuần về nho giáo, rất nề nếp, có tiếng tăm trong làng, trong xã.
 
Hồi nhỏ, tôi hay thả rong qua xóm An Cư, đi qua nhà ông nội Vỵ có hàng cây vú sữa trái chín trĩu cành. Tôi thường hay dùng ná cao su nhắm bắn những trái chín. Bắn trúng tôi lượm bóc vỏ ăn ngay tại chỗ. Có những lúc ông chánh biết, gọi chó ra sủa rân trời. Nghe chó sủa chạy ra, thì tôi cũng vọt, cao bay xa chạy, lúc đó Vỵ khoảng bốn, năm tuổi, theo sau ông nội...Vỵ là một đứa bé bụ bẫm dễ thương.
Sau này khi trọ học ở Tam Kỳ, tôi lại ở trọ một nhà gần nhà Vỵ. Ba Vỵ là giáo sư dạy Pháp Văn ở trường Đức Trí, Tam Kỳ, nên đã làm nhà ở đây. Vỵ hay qua nhà trọ tôi chơi, tôi hay cho Vỵ kẹo và bánh mì.
Sau đó, nghe nói Vỵ vào học ở trường Trần Cao Vân đến đệ tứ, rồi thi vào trường Kỹ Thuật Đà Nẵng (hay Quy Nhơn?) gì đó...
 
Những bài thơ Nguyễn Lương Vỵ viết từ Qui Nhơn ngày đó rất hay.  
Sau này vào Sài Gòn, Vỵ đã đậu và lấy bằng Cử Nhân Văn Khoa.
 
Khoảng năm 1965, 1966 tôi vào Sài Gòn học đại học thì nghe tin từ quê chuyền vô, ba Vỵ và 2 chú Vỵ, vì dính vào một "cụm tình báo nằm vùng", nên bị giết...Vụ án làm xôn xao dư luận quê tôi.
Tôi nghĩ vì chuyện này nên nên thơ Vỵ có những đắng cay, uất hận.
 
SỬ LỊCH
 
Chốn ta về là chốn Nhà Quê
Gắp vài đũa lùa theo nước mắt
Muối vẫn mặn âm vang mùa gặt
Gừng vẫn cay thanh sắc Ca Dao
 
Chốn ta về lục trúc chiêm bao
Hai mắt nhắm canh chừng tiếng động
Cỏ vẫn hát giọt ngần sương mỏng
Gọi ngàn thâu đau đáu bước chân
Những vòng tròn trong tiếng chuông ngân
Những tiếng khóc một trời thơ dại
Màu sử lịch là màu cây trái
Vườn ta ươm khổ lụy lâu rồi
 
Sau ngày 30-4-75, Nguyễn Lương Vỵ cũng có những bất toại trong đời sống. Qua những lần cà phê, Vỵ luôn luôn có những bất mãn với chế độ hiện tại trong nước, với lãnh tụ, với những thất vọng, mà trước đó đã xô ngã anh về "phía bên kia".
Không biết Vỵ có thành tâm khi bộc bạch lòng mình không? nhưng tôi nghĩ Nguyễn Lương Vỵ không nói quá, dù khi Vỵ qua Mỹ, anh đã bị nhiều "lời ong tiếng ve" của đồng hương, thân hữu, bạn văn, với những lời lẽ không thiện cảm.
Nhưng càng xa quê, Nguyễn Lương Vỵ vẫn luôn đáu đáu nhớ về quê một thời thơ ấu, những địa danh: Quán Rường,  Chiên Đàn, Tam Kỳ, Đà Nẵng tràn ngập trong thơ anh. Những ngày chưa bị mổ tim, năm nào Vỵ cũng về quê thăm mẹ già trên 90 tuổi và các em, cũng như "bà con chòm xóm".
 
 
NGỒI VỚI BUỔI CHIỀU Ở QUÊ NHÀ 
.....
Đỏ phong thi, khóc lá chiên đàn
Vườn xưa lót ổ, tiếng chim tràn
Hồn ai đó, sương tan ngoài ngõ
Bông dại ướt chiều, mây tím than
 
....
Nắng thương thầm, tóc bạc òa bay
Tháng năm ứng mộng, ngửa lòng tay:
Gò lau trắng, bóng hình ta đó
Tiếng hú tê nhòa, đôi mắt cay.
Quán Rường, 2.2017
 
GỞI TAM KỲ
 
Em ơi em chảy bao giờ
Nước bờ sẫm lục bến bờ về xa
Ta cầm viên sỏi phôi pha
Ném lên trời rộng vòng hoa tím chiều.
Chiên Đàn lá rụng hoang liêu
Hồn thơ dại nhớ cánh diều đứt dây
 
...
 
Sông ơi em chảy trong ngần
Khắc ghi những dấu mộ phần hoang sơ
Người thân thiết giục sang bờ
Người xa lạ bỗng không ngờ...mình thôi
Quán Rường miếu cũ bình vôi.
Bờ tre trúc dựng bến bờ thu đông... 
9.88
 
 *
Ngày Nguyễn Lương Vỵ chuyển từ Colorado về Cali, tôi được điện thoại của Vỵ. Vỵ hỏi thăm tôi về những người bạn học thân từ hồi  trung học, những người bạn cùng quê, những người bạn văn...Tôi đã cho Vỵ số điện thoại của những người đó.
Tôi được Vỵ cho biết anh đã đổ vỡ gia đình, Vỵ đã li dị với vợ, hai con gái anh còn ở với vợ tại Colorado. Vỵ về Cali một mình, nên rất cô đơn, tôi biết vậy. Tôi coi Vỵ như một đứa em cùng quê, rất thương Vỵ và thương nỗi cô đơn của Vỵ, nên mỗi lần có tiệc tùng bạn bè gặp gỡ nhau, tôi đều gọi điện thoại mời Vỵ đến chơi.
 
Vỵ luôn vui vẻ đến chơi, dù nhà anh ở đến nhà tôi hơi xa...Khi có chút "bia vô" Vỵ đọc thơ rất hay, nhất là Vỵ có "tủ" một bài hát tiếng Quảng Nam, bài hát Vỵ hát "rất tới", ai cũng cười lăn, cười bò.
 Trong thời gian dài, Vỵ "se" phòng để ở. Vỵ đi rửa chén ở nhà hàng, nhiều lúc tôi muốn hẹn Vỵ đi uống cà phê hay đến nhà tôi chơi, thì Vỵ nói đang rửa chén, nên không đến được.
 
Đến những ngày sau này, Vỵ về sống chung với nhà thơ Lê Giang Trần trong một Mobil Home...Những ngày này tôi thấy Vỵ vui hơn, mặt mày tươi tắn hơn, làm thơ nhiều hơn.
Sau này nữa, Vỵ bắt đầu ăn chay trường...tính Vỵ bớt nóng, anh chan hòa với cuộc sống...Nhưng đến một ngày anh khám bệnh, biết bị bệnh tim và bác sĩ khuyên phải mổ...Từ đó đến nay cũng gần ba năm, qua 2 cuộc giải phẩu khó khăn, Vỵ tĩnh lại...nhưng rất yếu.
Vỵ được chuyển vào ở trong những trung tâm chăm sóc sức khỏe ở Santa Ana rồi sau về trung tâm chăm sóc sức khỏe ở đường Westminster & Dawson, đến ngày Vỵ mất.
 
Ở khu này, tôi có đến thăm Vỵ một lần, chở Vỵ ra cà phê đối diện ngồi nói chuyện, Vỵ kể ở đây, tiền sở xã hội cung cấp hàng tháng cho anh nộp hết cho trung tâm cũng không đủ, hai con gái của anh phải đóng thêm...dù một phòng có 2 người, nhưng được ăn uống theo toa bác sĩ, nên tôi thấy Vỵ khỏe hơn. Nhưng điều ước của Vỵ là khỏe chút nữa, sẽ ra ngoài thuê phòng ở, cho "tự do".
 
Ở đây Vỵ in thêm sách, cuốn "Âm tuyết đỏ thời gian" và gần đây Tuyển tập "50 năm thơ Nguyễn Lương Vỵ", 2 cuốn, mỗi cuốn dày gần cả ngàn trang. Như vậy, đời Vỵ chỉ biết làm thơ, mà thơ rất hay, chứ không biết làm gì hơn ngoài thơ.
 
Bây giờ thì Nguyễn Lương Vỵ đã ra đi rồi. Trong cơn đại dịch Covid 19, tôi chỉ biết đứng xa mà nhìn.
Thương nhau chỉ viết những kỷ niệm cũ như một lời tiễn đưa.
Thôi thì cầu nguyện cho hương linh Nguyễn Lương Vỵ, đứa em cùng quê, thong dong về an cư cõi Phật.
 
*
 
Những tác phẩm thơ của Nguyễn Lương Vỵ đã in:
 
- Âm Vang Và Sắc Màu (NXB Trẻ, Sài Gòn, 1991)
- Phương Ý (NXB Thanh Niên, Sài Gòn, 2000)
- Hòa Âm Âm Âm Âm… (NXB Thư Ấn Quán, New Jersey, 2007)
- Huyết Âm (NXB Q&P Production, California, 2008)
- Tinh Âm (NXB Q&P Production, California, 2010)
- Bốn Câu Thất Huyền Âm (NXB Q&P, Production, California, 2011)
- Tám Câu Lục Huyền Âm (NXB Q&P Production, California, 2013)
- Năm Chữ Năm Câu (NXB Q&P Production, California, 01.2014)
- Năm Chữ Ngàn Câu (NXB Q&P Production, California, 12.2014)
- Tuyển Tập Thơ 45 Năm (1969 – 2014) (NXB Sống, Q&P Production, California, 2015)
- Tiếu Ngạo Giang Hồ (NXB Q&P Production & SỐNG phối hợp ấn hành tháng 11.2016)
- Âm Tuyết đỏ thời gian, (Van Hoc Express, 2019)
- Tuyển Tập Thơ Nguyễn Lương Vỵ 50 năm (Van Học Express, 2019)

TÂN XUÂN

 Huỳnh Liễu Ngạn
 
Huỳnh Liễu Ngạn. Tân xuân
 
cuối năm nhìn đám mây bay
lòng tôi con nước trôi đầy nhớ nhung
thôi em năm tận tháng cùng
mà mùa xuân đã hư không với đời
cuối năm đứng một góc trời
rồi hoài vọng cả tăm hơi thuở nào
quê người có động âm hao
mà sương khói vẫn lao đao với mình
tân xuân gởi mộng biên đình
cho sông nước được nghi tình với xuân.
 
HUỲNH LIỄU NGẠN
 

VỀ NGUYỄN THỤY ĐAN

Trần Hoài Thư
 
Thư Quán Bảo Thảo 91
 
Nguyễn Thụy Đan & sách
 
Nguyễn Thụy Đan ở New York. Tôi ở New Jersey. Trước khi có đại dịch, NTĐ đến nhà tôi vài lần. Cái sopha là chỗ nghỉ chân. Ngủ, đọc sách hay đánh laptop. Nếu không có văn chương thì chúng tôi không biết nói gì. Rõ ràng cái mẫu số chung ấy đã giúp chúng tôi gần gũi nhau hơn. Không có sự ngăn chia của bức thành niên kỷ.
 
Thường thì tôi nói nhiều hơn. Được giãi bày tâm sự, nhất là với một bạn trẻ thì càng hạnh phúc. Thế hệ chúng tôi đã bị mất mát quá nhiều, ngay cả về lãnh vực văn chương. Các tạp chí như Văn, Khởi Hành, sở dĩ sống mạnh sống vũng không phải nhờ những cây bút SG mà nhờ vào bọn trẻ chúng tôi – những người viết trẻ ngoài vòng đai, Vậy mà hễ nhắc đến văn học miền Nam, là mỗi lần chụp cho cụm từ: “văn học đô thị”.
Có lần chúng tôi trao đổi về bản chất của nền văn chương miền Nam trong thời chiến. NTĐ nhận xét văn chương miền Nam mang tính chất yếm thế hơn là phản chiến. Nhận xét ấy khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Với một người sinh sau 1975 ở Mỹ, mà có nhận định độc đáo như vậy, ngạc nhiên là phải.
 
Rồi trận đại dịch Vũ Hán đã ngăn chúng tôi cơ hội gặp nhau, nó tạo nỗi cô đơn khủng khiếp. Cách ly bạn bè, cách ly người thân. Ai cũng liên tưởng đến cái hũ sành tro cốt mà tủi cho kiếp con người. Văn chương hầu như đầy bóng tối hơn là ánh sáng,
Trong lúc này Thư quán bản thảo làm một số chủ đề Văn chương mùa đại dịch, mời NTĐ đóng góp bài vở. NTĐ sốt sắng nhận lời. Nhưng đợi rất lâu mới viết xong. Điều này chứng tỏ là NTĐ suy nghĩ nhiều khi đặt ngòi bút. Và sự suy nghĩ này đầy bị quan:
“...Trong đêm vắng, tôi ngồi trầm tư – có lẽ tôi đã từng sống khác trước đây, trước khi bóng tử thần trùm kín cả và thiên hạ, trước khi đời sống tôi trở nên như độc thoại Macbeth: một chuỗi liên miên những “ngày mai, ngày mai, và ngày mai” vừa vô cùng, vừa vô nghĩa”
 
...
 
“... Thơ tôi viết trong mùa dịch, thơ của dịch hạch, thơ của cái chết, tôi nghĩ phải như thế, tôi nghĩ sẽ như thế. Vậy xin hẹn độc giả một mai, sau cơn đại dịch, bên kia hiu quạnh.”
 
Tưởng chiến tranh mới có nỗi buồn. Không ngờ bây giờ, nỗi buồn còn khủng khiếp, để một nhà thơ trẻ 27 tuổi phải kêu lên những tiếng kêu ai oán như vậy.
*
Ngày 7 tháng 12 tôi nhận điện thư của NTĐ, cho hay Một đêm thơ Việt sẽ được tổ chức vào ngày 7 tháng 12 tại đại học Columbia, với 4 diễn giả thuyết trình về 4 đề tài:
Làm sao diễn tả nỗi vui mừng của tôi. NTĐ đã bỏ lại những bi quan đen tối, để xuống núi rồi.
Trong đêm ấy, chỉ có NTĐ là nói về văn chương thời chiến, với 3 bài thơ dịch từ Trang Châu (Xin một ngày), Nguyên Sa (Hai Mươi) và Nguyễn Xuân Thiệp (Tôi cùng gió mùa) trích từ "Thơ Miền Nam trong thời chiến" do Thư Ấn Quán sưu tập và xuất bản.
NTĐ không còn hẹn độc giả “một mai, bên kia hiu quạnh” hay “một chuỗi liên miên những “ngày mai, ngày mai, và ngày mai” vừa vô cùng, vừa vô nghĩa” mà dùng khả năng kiến thức và học vấn của mình để thay mặt chúng tôi giới thiệu đến những người quan tâm đến thi ca miền Nam.
Có ai làm điều này không, ngay cả chúng tôi những người trong cuộc.
Và TQBT số 91 này như là vòng hoa của anh em chủ trương chúng tôi trao đến NTĐ như niềm cảm tạ người bạn trẻ có lòng.
THT