Friday, June 28, 2019

HAI BÀI THƠ TỪ HỒNG KÔNG


Phan Tấn Hải

Hong Kong 2019

Những cuộc biểu tình diễn ra tại Hồng Kông từ cuối tháng 4/2019 tới bây giờ vẫn thực hiện trong những ngày cuối tuần. Mục tiêu các cuộc biểu tình là chống lại dự luật dẫn độ Hồng Kông 2019 – dự kiến, theo dự luật, nhằm để Hồng Kông dẫn độ các nghi can từ Hồng Kông về Hoa Lục để xét xử.
Có nghĩa là, hệ thống pháp lý Hồng Kông trở thành một trung tâm tạm giam để chuyển nghi can về cho một hệ thống pháp lý khắc nghiệt hơn trong đại lục, nơi báo chí bị siết chặt hơn ở Hồng Kông và là nơi các quan sát viên quốc tế sẽ bó tay, bị bịt mắt.
Nhiều cuộc biểu tình lớn đã thực hiện ở Hồng Kông, trong đó cuộc biểu tình ngày 9 tháng 6/2019 thu hút  hơn 1 triệu  người tham dự, cuộc biểu tình ngày 16/6/2019 với hơn 2 triệu người tham dự. Đó là những cons ố kỷ lục. Hình ảnh đường phố chen chúc người biểu tình, như dường không kẽ hỡ để đi lại. Toàn dân Hồng Kông đồng thuận rằng, phản đối dự luật dẫn độ nghi can từ Hồng Kông vào Hoa Lục, nghĩa là, dân Hồng Kông phải bị xét xử bởi tòa án Hồng Kông, không để cho hệ thống tòa án Bắc Kinh xét xử.
Ngày 15 tháng 6/2019, trước tình hình Hồng Kông tê liệt vì biểu tình, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ. Tuy nhiên, bà cũng nói rõ rằng dự luật chỉ bị trì hoãn, chứ không bị rút lại. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn.

Các nhà thơ Hồng Kông ở đâu trong cuộc chiến này? Trong cuộc biểu tình? Hay đã và đang xuống đường cùng với thi ca?
Trang báo The Dissident Blog (Người Bất Đồng Chính Kiến) trong ấn bản số 30, lên mạng ngày 13 tháng 6/2019, có chủ đề đặc biệt về Hồng Kông. Trang The Dissident Blog thực hiện bởi Trung Tâm Văn Bút Thụy Điển (Swedish PEN), khi đăng các tác phẩm văn học thường là bằng bản ngữ, và kèm theo sẽ chọn một số tác phẩm văn học dịch ra tiếng Anh và tiếng Thụy Điển. Đó cũng là trang báo ghi phương châm là nơi ấn hành những gì các nhà cầm quyền muốn xóa đi.
Số đặc biệt về Hồng Kông có thể đọc ở đây: https://www.dissidentblog.org/en/articles/writing-despite-inarticulateness
Chủ đề ấn bản này là “Writing Despite Inarticulateness” (Viết Bất Kể Nghẹn Lời).
 “Họ làm mọi thứ để làm chúng tôi ngủ đi,” đó là một dòng trong một bài thơ của Tammy Ho Lai-Ming, nhà văn và là Chủ tịch PEN Hong Kong. Thơ của bà là nỗi lo bà cảm thấy về tương lai Hồng Kông và trách nhiệm nằm trên vai thế hệ của bà. Trong ba bài thơ buồn mang một chút bi hài đen, bà mô tả về một Hồng Kông trở thành xa lạ với bà.
Tammy Ho Lai-Ming là khách mời cho ấn bản The Dissident Blog này. Bà là nhà thơ, dịch giả và nhà biên tập. Bà cũng là một phó giáo sư tại đại học Hong Kong Baptist University nơi bà dạy sáng tác văn học, thi ca, và kịch nghệ hiện đại. Từ tháng 3/2019, bà nhận nhiệm vụ Chủ tịch PEN Hong Kong (Văn Bút Hồng Kông).
Tammy Ho Lai-Ming chào đời ở Hồng Kông, có nhiều tác phẩm dịch và sáng tác văn học. Bà được trao giải thưởng trong lĩnh vực văn học năm 2015 (the 2015 Young Artist Award in Literary Arts).  Sau đây là hai bài thơ của Tammy Ho Lai-Ming, dịch theo bản Anh văn trên The Dissident Blog. Trong bài đầu, có nói về hai thập niên, thực ra Hồng Kông do Anh quốc bàn giao về nhà nước Bắc Kinh từ ngày 1 tháng7/1997, tức là gần tròn 22 năm.
.
Tammy Ho Lai-Ming

NHỮNG VIÊN NGỌC TRÍ TUỆ

Làm sau bạn biết một trái dưa hấu
đã chín? Bạn tát vào nó và nghe
nó dội ra tiếng vang.
.
Bất kỳ ai tới thành phố này
giúp đưa nó vào tình thế bây giờ
có thể nhận nó và có tiếng nói.
.
Thật nhanh chóng khi người ta quên
ông ta, người xin lỗi, không
xứng đáng được bạn yêu quý.
.
Một tờ báo cũ viết về
những bản tin mới cứ mỗi
hai thập niên.
.
Các nhà độc tài sẽ không chết hết.
Nhưng một dân tộc, đôi khi
có thể thực sự chú ý.

 .
VIẾT BẤT KỂ NGHẸN LỜI

Không phải vì kiểm duyệt. Tôi không
sợ tiếng gõ cửa trước khi trời sáng,
cũng không sợ những bày tỏ nỗi lo
từ các bạn hữu. Nhưng thay vi những
đêm mất ngủ để suy nghĩ về điều phải làm,
những gì thế hệ của tôi có thể làm
và thế hệ kế tiếp, và thế hệ tiếp nữa.
.
Những cây được trồng lên
sẽ không chết trừ bị bị bứng rễ.
Các ca khúc chim hót về tự do
tiếp tục xuất hiện, ở vài hình thức,
trong vũ trụ này. Nhưng thời gian lấy đi
từ những người bị giam sai trái
đã giết chết điều gì trong tất cả chúng ta.
.
Chúng ta, có thể chăng, ngừng lại và suy nghĩ
và không chỉ nghĩ về giày, về bữa ăn sushi
về thuốc là điện tử. Về thức uống,
về hàng thủ công hay về thứ khác. Hãy nghĩ:
thành phố này có ý nghĩa gì hôm nay,
và sẽ ra sao trong gần 30 năm tới
nó có thể không là nó nữa. Không là nó nữa.

Tammy Ho Lai-Ming

.

Tuesday, June 25, 2019

TƯƠNG TƯ Ở LẠI


Khê Kinh Kha

Bỏ tôi đứng bên đời kia.
Tranh Đinh Cường

ai đi
để lại vầng trăng
để tôi ngơ ngác bên giòng sông xưa
như mùa thu
            lá vàng khô
như lòng người mãi
            hoang vu giữa đời
ai đi
để lại nụ cười
hư vô ở lại
 gió trời cuốn bay

như sương
 lạnh giữa đôi tay
như hoàng hôn xuống
 tháng ngày nhạt phai
như đêm
 ở lại trong ai
em đi   
để lại ngậm ngùi
trong tôi

ai đi
 để lại đời tôi
một con đường vắng   
 núi đồi cô liêu
bao nhiêu
lòng phố buồn thiu
hoang vu ở lại
 hắt hiu nỗi lòng

ai đi
để lại cuộc tình
tương tư ở lại
muộn phiền ở riêng
trăm năm
 về giữa lênh đênh
em đi
để lại con tim
 tội tình

KHÊ KINH KHA

Monday, June 24, 2019

TIẾNG MÁU


Hà Thúc Sinh


Trầm dưới lá phong rơi
Lá say màu rượu đỏ
Lòng anh khẽ bồi hồi
Một mối buồn nho nhỏ

Anh nằm anh nhẹ thở
Lắng một tiếng chim vui
Lắng một lòng hoa nở
Lắng một tiếng chân đời

Vẫn tiếng lá phong rơi
Lá say màu rượu đỏ
Anh với lá dập vùi
Dưới vũng buồn ghê sợ

Và cứ thế anh ngủ
Vào một chỗ không nơi
Vào những lời không tiếng
Vào một cõi không đời

Và cứ thế em ơi
Rượu tràn lan giọt đỏ
Và cứ thế em ơi
Mối buồn nguyên đóa nở
HTS

Sunday, June 23, 2019

CHUYẾN ĐI XA


Nguyên Yên

Ann Phong, Dark Ocean, mixed media, 2014
(Collection of David Hai Goetz)

Đừng đứng trước mộ tôi mà than khóc.
Tôi không ở đó, tôi không ngủ,
tôi là ngàn cơn gió vỗ,
là hạt kim cương óng ánh trong tuyết,
là mặt trời lấp lánh ngọn lúa vàng,
hạt mưa thu nhẹ nhàng lời ru.

Khi người thức giấc trong ban mai tĩnh lặng
tôi xôn xao, xào xạc không trung
nơi bầy chim lặng lẽ nối đuôi khoanh tròn.
Tôi là vì sao dịu ngọt,
tỏa sáng màn trời đêm.

Đừng đứng trước mộ tôi mà giàn giụa.
Tôi không ở đó, tôi không chết.
                         – Mary Elizabeth Frye

Kể từ ngày nghe tin em, tôi chưa một lần tìm đến thắp nén hương cho Kim Yến. Có lẽ với tôi, em không thật sự ra đi. Hôm nay tình cờ đọc bài thơ này, tôi như nghe tiếng em nói, em cười. Đâu đó trong cuộc đời này, em vẫn hiện diện trong mọi vật thể, và nếu chúng ta có một điều gì đó để tin tưởng, tôi tin rằng em đã không chết.

*

Chúng tôi lái xe dọc theo Pacific Highway đến một điểm hẹn nơi hai chị em lần đầu gặp nhau. Trời vàng óng, nắng chiều đậu trên mái tóc ngắn bướng bỉnh soi rõ một nửa khuôn mặt em cương nghị với cặp mắt sáng, đen nháy luôn mở lớn quan sát cuộc đời. Đưa tay vặn âm thanh xuống khi Khánh Ly hát đến đoạn “Tại sao ta sống chốn này, quay cuồng mãi hoài có gì vui” em hạ giọng nghiêm chỉnh: “Cảm ơn chị bỏ thì giờ đi với em. Nhất là vào một buổi chiều trời đẹp như hôm nay.” Tôi nhìn mắt em long lanh, có niềm vui pha lẫn nỗi buồn, tôi liên tưởng đến vẻ đẹp buổi chiều trước giờ tắt nắng.

Quán nước nằm cao ngót trên triền đá, xung quanh là biển trời mênh mông. Em kéo tôi vào ngồi ở bàn khuất trong góc phòng nơi có tấm thảm màu xanh mạ lót dưới bộ sofa da bò màu nâu đất cũ kỹ, một bên là kệ sách gỗ cao ngút tận trần nhà, một bên là cửa sổ mở tung vào bầu trời vần vũ những đám mây hồng tía. Mặt trời hệt cái mâm tròn sà thấp sát mặt nước, đỏ ửng như cục than hừng hực trước khi tắt. Chúng tôi ngồi xoay hướng về phía chân trời, hoàng hôn tĩnh lặng tưởng chừng thanh bình, yên ả. Có tiếng chim kêu từ xa vọng lại não nề. Trong thoáng chốc, biển hồ mới đó xanh thẳm chuyển sang đen ngòm. Vệt sáng cuối cùng tự bao giờ bị nuốt chửng vào lòng biển không còn vết tích. Tôi nghe em lầm bầm với chính mình, “Cái gì dù đẹp và mạnh mẽ tột cùng cũng không để lại gì. Mọi thứ đều như thế, đều bị nuốt chửng vào bóng tối.” Tôi nói với em: “Không hẳn, có những thứ đi rồi mà vẫn lì lợm ở lại với chúng ta, chẳng hạn như hình ảnh người tình chia tay chưa thỏa lời biệt ly.” Em nheo mắt: “Thứ còn lại chỉ là kỷ niệm. Và theo thời gian kỷ niệm cũng tan biến vào bóng đêm.

Kim Yến là một người bạn trẻ hơn mà tôi thường gọi đùa là “bệnh nhân” đặc biệt của tôi. Thời gian mới quen biết nhau, chúng tôi gặp nhau cách tuần, có khi ở quán, có khi ở nhà, có khi ở khuôn viên, đôi khi chỉ gặp nhau ở một bãi đậu xe. Vào những lúc em ở tình trạng “trầm trọng”, tôi đem chai rượu sang nhà em và hai chị em nói chuyện đến khi mặt trời lên. Có những buổi ngồi với nhau cả buổi chiều, chúng tôi chỉ ậm ừ vài câu, để sự yên lặng làm chất xúc tố hòa quyện tình cảm và sự thông hiểu giữa hai trái tim mệt nhoài. Có những ngày em nói chuyện huyên thuyên, nói về những việc không đâu vào đâu, nhắc về một khoảnh khắc kỷ niệm thơ ấu, về một người thân, một cuốn sách, một bản nhạc. Dù em nói chuyện gì đi nữa, tôi ngày càng hài lòng hơn về tiến triển tinh thần của em. So với một Kim Yến im lìm và khép kín, em giờ đây biểu lộ cảm xúc, đôi khi còn có vẻ nhạy cảm.

Vào những buổi chiều trời nhiều sắc màu biến đổi như chiều nay, hai chị em thường ngồi im lặng bên nhau chờ cho cảnh vật lắng đọng.  Hôm nay, trông em có vẻ bồn chồn bất an, tôi sốt ruột đi thẳng vào đề: “Có gì không ổn? ” Cúi sát đầu vào tôi, em nói như thì thầm: “Đã hơn vài tuần nay, họ không về nữa.” Giọng em hạ thấp: “Em đã cố gắng đến kiệt sức. Đã làm mọi cách. Nhưng lần này, họ thật sự biến mất.” Có chút gì đó tắt nghẽn trong giọng nói, như âm hưởng của sự tuyệt vọng. Tôi cố gắng nói với em một câu gì đó, lúng túng tìm một câu trích thích hợp nhưng rồi im bặt trước cặp mắt em xa vắng, trống rỗng, như thể em đang trân trân nhìn vào một hố đen trước mặt.

Tôi nắm tay em bóp chặt: “Đã nhiều năm qua rồi, có lẽ mẹ và em đã siêu thoát...” Em vẫn đăm đăm nhìn vào hố sâu. Tôi không biết làm gì hơn ngoài việc ngồi im cùng em phóng mắt vào màn đêm. Ngoài kia những đợt sóng từng lớp xô vào bờ, thỉnh thoảng đập mạnh vào những mỏm đá làm bọt sóng tung cao gây cảm giác tan vỡ.

Đó là đêm cuối cùng tôi gặp em.

*

Sinh ra đời,
               chứ không phải cái chết,
là sự mất mát nặng nề nhất.
                              – Louise Gluck

Mẹ sinh ra em vào mùa xuân năm 1972 tại Nha Trang, vừa chào đời em khóc oa oa mẹ dỗ mãi không nín. Một lát sau, em bỗng dưng im bặt. Mẹ nhìn ra cửa sổ nghe có tiếng chim trời hót vang. Mẹ đặt tên em là Nguyễn Kim Yến. Một năm sau khi em chào đời, mẹ sinh thêm một bé gái đặt tên là Nguyễn Kim Vân. Vài năm sau miền Nam thất thủ, gia đình ly tán, cha em chết trong trại tù cải tạo, mẹ buôn bán tảo tần sáng tối cố gắng sống còn trong những ngày cả nước khốn khó, nuôi dạy hai chị em lớn khôn trên bãi biển Nha Trang. Hai chị em ngày đêm không rời nhau như hình với bóng cho đến cái ngày định mệnh ấy.

Cơn bão đã tan và mặt trời trên cao chói chang khi em tỉnh dậy trên một bờ biển. Mở mắt ra, em thấy hàng trăm cặp mắt xung quanh chăm chăm nhìn vào mình như thể họ đang chờ đợi một phép mầu. Cảm giác người nóng ran, thân thể tím bầm, nặng trịch như bị cột chặt vào tảng đá đang từ từ chìm xuống, em ú ớ gọi mẹ, cố nhớ lại chuyện xảy ra đêm qua, khi đám hải tặc tràn lên tàu. Một cảm giác đau buốt truyền từ hai chân lên tới đầu, em đưa tay lên ngực cố giữ chặt trái tim đang co thắt hoảng loạn.

Mặt đất bồng bềnh. Bầu trời sà xuống thấp như muốn bóp nghẹt khoảng không gian ngột ngạt.  Tiếng người bàn tán xôn xao, ai đó với khuôn mặt thần chết đang cố gắng giải thích sự việc. Em nhắm chặt mắt lại, hiểu rằng từ nay trở đi khi mở mắt, mình sẽ chẳng bao giờ còn nhìn thấy mẹ và em gái thương yêu nữa.

Những năm tháng trung học ở Mỹ sau đó em trở thành một cô bé câm. Con chim trời không còn tiếng hót, nhốt mình vào lồng kín. Có lẽ với em, thế giới càng nhỏ càng thu hẹp, hình ảnh mẹ và em gái càng không bị lu mờ. Thông thường, người ta phải tập quên đi và đóng chặt cánh cửa nhìn vào quá khứ để vượt qua và tiếp tục bước đi trong cuộc sống. Riêng em, quá khứ dù là những vết cắt ngoài sức chịu đựng, nhưng lại là chiếc cầu nối duy nhất đưa em trở về.

Em nuôi dưỡng những vết thương trong lòng mình, bám víu vào cơn ác mộng hằng đêm níu giữ lại khuôn mặt người thân yêu.

*

Cái chết
     được ấp ủ
     từ những vết thương.
            Federico García-Lorca

Mùa đông năm 2013, trong khi tôi đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng tình cảm tưởng chừng như không vực dậy nổi, tôi tình cờ gặp lại Kim Yến và hoàn toàn bị em thu hút. Tuy em luôn im lặng và khép kín đến vô cảm, tôi vẫn có cảm giác như tận cùng trong con người bằng da bằng thịt đó ẩn náu một linh hồn đang vùng vẫy cố thoát ra khỏi thân xác. Điều gì đó trong ánh mắt em khiến tim tôi đau nhức, hệt như hồi còn bé nhìn con chim bị bắn gãy cánh vùng vẫy gắng sức lết theo đàn.

Có lẽ khi đã mệt nhoài, người ta không còn đủ sức chống chõi, che đậy nữa, mà để yên cho người ngoài soi thấu vào tâm can mình. Thoạt nhìn vào, Kim Yến là một cô gái mạnh mẽ, thông minh, ngăn nắp, sống một đời sống độc lập, lý tưởng. Nhưng hệt như những vết thẹo hằn sâu trên thân thể, trái tim em chằng chịt những vết thương. Em yếu đuối và mỏng manh. Em đau đớn, sợ hãi. Tôi có cảm tưởng chúng tôi gần gũi nhau bằng sự cô đơn và tuyệt vọng, với hy vọng tình thân yêu sẽ giúp nhau vượt qua những đêm tối của cuộc đời.

Tình yêu, dù ở dưới dạng nào, cũng là hạt mầm hy vọng. Tình bạn với em giúp tôi phần nào tìm lại được thăng bằng. Còn em, có khi tôi thấy em như tạm quên những oan khiên trong đời, tung cánh bay cao. Tiếng chim hót dường như cũng thánh thót hơn. Tôi để ý thấy những chuyến bay thường xuyên trở lại Thái Lan tìm mẹ và em cũng dần dà thưa dần. Có thể nào những vết thương đã liền lặn, và cuối cùng trong một góc sâu thẳm nào đó, em đã cho phép đứa con gái sống sót duy nhất trong gia đình được quyền sống, được quyền hiện hữu.

Hồi đó tôi thường tự cho rằng mình có một giác quan thứ sáu, nhạy cảm với mọi sự việc, nhất là với những người mình thương yêu. Vậy mà chiều hôm đó, tôi đã không mảy may linh cảm được điều gì, kể cả khi đưa em về nhà, em chỉ chồng sách đặt sẵn trên bàn: “Chị đem về nhé. Ba trong những cuốn sách này là sách em trả lại chị. Những cuốn còn lại em cho chị mượn đọc. Là những cuốn favorite của em.” Đặt chồng sách vào xe, cuốn The Birth of Tragedy đập vào mắt tôi vì màu giấy ngà cũ kỹ, tôi cầm cuốn sách lên, hàng chữ First Edition đã phai màu nhạt thếch và mùi giấy cũ gây cho tôi một cảm giác rờn rợn.

*

Chị, chị đâu rồi. Em không nhìn thấy chị.
Chị đây. Sát bên em nè.
Không, em không thấy chị. Chị đâu.
Chị đây. Chị đang ôm em đây nè. Tay chị nè.
Không. Em không cảm giác được gì hết.
Chị. Chị ơi. Tay chị đâu. Tay em đâu.
Người ta đè lên em tê cứng. Tay em đâu rồi. Chị, chị ơi.
Suỵt. Đừng sợ. Chị đây.
Chị. Chị ơi. Chị đâu. Đừng buông em ra.
Hẳn nhiên rồi.

Thụp, một tiếng động mạnh, hệt như một con thú vừa hạ bàn chân khổng lồ giậm mạnh xuống boong tàu, mọi thứ rung chuyển. Những tiếng la ó thất thanh nổi lên khi những bóng đen từ trong bóng tối nhảy vọt lên tàu. Trong muôn vàn âm thanh hỗn loạn, con bé nghe tiếng em gái ré lên từng hồi. Nó ôm chặt em nó, cảm giác bàn tay ai đó đang lôi nó xềnh xệch. Nó nhắm chặt mắt lại. Chặt đến nỗi mọi cảnh diễn ra sau đó không thể nào lọt vào mắt nó.

Năm, mười, mười lăm, hai mươi. Nhắm mắt. Năm, mười, mười lăm, hai mươi. Nhắm mắt. Nhắm mắt. Bầu trời chằng chịt những ngôi sao, hai chị em leo thoăn thoắt lên những hốc đá chơi trò trốn tìm. Nhắm mắt. Bãi cát Nha Trang sớm mai êm ả hiền hòa, hai chị em chân đất nắm thay nhau chạy ra đón những chiếc tàu đánh cá vào bờ. Chỉ cần nó nhắm mắt. Nhắm mắt và cầu nguyện. Những bàn tay thô bạo. Cái thân nặng ngàn cân trên người nó. Cái cảm giác đau nhói liên hồi giữa hai chân nó. Tất cả rồi sẽ biến mất. Chỉ cần nó nhắm mắt. Cầu nguyện. Khi mở mắt, mọi thứ sẽ biến mất.

Và như thế, mọi thứ biến mất. Em nó, mẹ nó, tuổi thơ nó, tâm hồn nó, niềm tin tình yêu của nó, tất cả những gì tốt đẹp gắn bó hình thành nó đã vĩnh viễn biến mất – đêm hôm đó.

Thứ còn lại là nỗi dày vò, bứt rứt khôn nguôi của người sống sót ở lại, cùng những hồn ma trong lòng.

*

Chúng tôi thường hẹn nhau vào cuối ngày trước giờ tắt nắng. Có lẽ màu sắc của bầu trời và sự tĩnh lặng của không gian đem đến sự bình yên tạm thời. Cũng có lẽ sự trở lại đều đặn, bền bỉ mỗi ngày của thứ sắp tan biến xoa dịu nỗi bất an vô hình.

Đêm đầu tiên khi giấc mơ hằng đêm không về, em thức dậy hụt hẫng. Người không toát mồ hôi, máu cũng không dồn về tim, nhìn ra ngoài mặt trời đã lên cao, em nằm yên không chuyển động chờ cho đêm trở lại. Con người một khi đã quen tiếp xúc với điều gì đó, dù là nỗi đau, sự hành hạ, thậm chí sự đục khoét lở loét vào vết thương, nhưng nếu thiếu nó, người ta sẽ không còn cảm giác mình đang sống, đang hiện hữu.

Khi những bóng ma quá khứ vĩnh viễn không trở về nữa, em thấy mình như kẻ thất tình, cảm giác một lần nữa bị bỏ rơi giữa dòng không một liên hệ nào sót lại trên đời. Cuộc sống. Mọi hệ lụy. Giấc mơ. Hy vọng. Thế giới. Tất cả. Một sự vắng bóng.

Điều cuối cùng con người phải làm là tan biến. Như bóng chiều – mất biến vào đêm tối.

*

Ngày được tin em ra đi ở Thái Lan, tôi hình dung đến cảnh hoàng hôn sà thấp xuống một chuyến tàu. Trên cao, từng đàn chim yến nối đuôi nhau soãi cánh về hướng mặt trời. Người phụ nữ đứng dựa lan can tàu thản nhiên đưa chân bước vào khoảng không trước mặt.

Tiếng chim trời ngoài khơi kêu vang, như tiếng kèn hiệu hồi kết. Cũng có thể là kèn hiệu bắt đầu. Biết đâu khi người ta đi hết quãng đường thế gian, có một chốn nào đó nơi khổ đau không hiện hữu, và đàn chim có thể tự do lượn cánh không sợ bị bắn rơi nửa đường.

Bất kể nơi nào, tôi tin rằng có một nơi chốn tốt đẹp hơn cho em, xa hẳn thế giới này.
NY

– Viết tưởng nhớ Kim Yến [1972-2017]
S

S