Monday, January 29, 2024

QUÊ NHÀ

Đỗ Hồng Ngọc
 
Tranh Đỗ Hồng Ngọc
 
Mùa xuân mừng tuổi thơm tho áo
Nắng cũng vàng phai ngày cũng xa
Anh thương nhớ quá làm sao nói
Gọi tên em vang động gốc cây già
 
Hái đóa hoa màu biển biếc
Chợt thương khung trời xa
Núi mờ trong mây trắng
Em mở trong dáng hoa
 
Gió bấc mùa thơm ngát
Bâng khuâng một mái nhà.
Biển xanh lùa sóng bạc
Cát vàng hoàng hôn xưa…
 
Tiếc em về chốn cũ
Tình vương đến bao giờ
Tiếc đời phơ tóc bạc
Thương mãi núi mây xa
 
Nụ mai vàng trước ngõ
Góc phố bờ quạnh hiu
Con đường xưa đứng đợi
Ta làm chi đời ta
 
Thương em còn thương mãi
Nắng vàng thơm quê nhà…
 
ĐỖ HỒNG NGỌC
 

VÀI CẢM NGHĨ KHI XEM PHIM ‘MÊ THẢO. THỜI VANG BÓNG’

Huyền Chiêu
 
Cảnh trong phim

Phim Mê Thảo – Thời Vang Bóng phỏng theo tiểu thuyết Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, biên kịch Việt Linh, Phạm Thùy Nhân, do Việt Linh đạo diễn thực hiện xong năm 2002 nhưng mãi đến nay tôi mới được xem do tò mò sau khi đọc hai bài viết: “Chùa Đàn và Mê Thảo Thế Giới Của Hồn Oan”, “Lời Yêu Ngôn” tác giả Nguyễn Xuân Thiệp đăng trên Phố Văn Blog.
Tiếc nuối đầu tiên là phim không mang tên “Chùa Đàn”. Bởi theo tôi nhân vật chính của cuốn phim phải là cây đàn và câu chuyện về một cái chùa không thờ Phật mà thờ một cây đàn là một câu chuyện lạ kỳ gây ấn tượng. Nếu tôi là đạo diễn thì phim sẽ không mở đầu bằng một chiếc xe lửa của thời hiện đại đưa khán giả đi lui về bối cảnh nước Việt năm 1920 mà là hình ảnh của một cái chùa và cô Tơ ni cô ngồi tụng niệm trầm mặc trước bàn thờ có cây đàn gợi mở trí tò mò của khán giả.
Hãy nhìn Nguyễn Tuân cho kỹ. Ông là nhà văn rất lạ. Đó là một nhà văn hiếm hoi chuyên vẽ tĩnh vật. Ông luôn bắt độc giả nhìn thấu linh hồn của những món đồ vô tri vô giác. Những “Chiếc Lư Đồng Mắt Cua”, “Những Chiếc Ấm Đất”, một “Ngôi Mả cũ”, “Một chén Trà Trong Sương Sớm”, một cây “Đèn Dầu Lạc” qua tay ông bỗng trở nên biết nhảy múa, hát ca nh ư trong phim của Walt Disney.
Người tử tù đối với Nguyễn Tuân không quan trọng bằng “Chữ Của Ngƣời Tử Tù”, Chị Hoài không làm ông say đắm bằng “Tóc Chị Hoài”
 
Cho nên hình ảnh Chùa Đàn không hiện diện trong bộ phim đối với tôi là một điều không thể được. Và tất nhiên, Chùa Đàn phải có người xây nó. Cho nên ông chủ ấp Mê Thảo phải sống, sống trong đau đớn dằn vặt, sống trong chiêm nghiệm lẽ đời, sống trùng tu bản ngã ích kỷ để cái chết bi tráng của Tam, người “tử vì đàn” có ý nghĩa.
Tôi cũng dị ứng với cảnh để mua vui cho ông chủ Mê thảo, đám hát được mời về có màn ông lão cõng vợ trẻ đi chơi.
Màn này đã vô cùng nhàm chán trên sân khấu nước Việt.
Và nó chỉ có thể mua vui cho đám dân quê. Trước nỗi đau khổ của một ông chủ cao sang như ông Nguyễn, người sâu sắc như Tam không thể giải khuây cho chủ mình bằng một trò kệch cỡm như thế. Trong vở kịch Hamlet của Shakespear, để thử dò xét trạng thái của người chú đã giết vua cha, Hamlet cho mời một đoàn kịch có cảnh đôi gian phu dâm phụ âm mưu giết vua về diễn trong cung. Kịch
tính này thật đắt.
Chi tiết Tam và Tơ có tình ý với nhau là thừa. Đối với hai nhân vật này, tình yêu âm nhạc là giá trị của họ. Ngoài ra họ cũng là những người nghĩa khí. Tam là người trọng ơn cứu mạng. Tơ vì yêu chồng mà không hát cho ai nghe từ ngày vắng tiếng đàn của chồng.
Dù sao phim cũng được dựng bởi những ngƣời hết lòng mê say ngôn ngữ điện ảnh.
 
Tôi khâm phục một ngƣời miền Nam như Việt Linh lại có thể tốn rất nhiều thời gian và công sức cho bộ phim có bối cảnh ở miền Bắc thời cô chưa sinh ra. Việt Linh rất dũng cảm khi chọn một tiểu thuyết không rõ ràng về tính tư tưởng cho đến nỗi Nguyễn Tuân, tác giả của nó, phải viết những lời phân bua ở lời dựng dẫn đầu và Mưỡu Cuối khi tái bản Chùa Đàn với tên “Câu Chuyện của Nước Độc” .
Và cô đã phải tốn 10 năm để xin phép, để tìm kinh phí, để chuẩn bị một núi công việc cho bộ phim ra đời. Chưa hết khổ. Phim xong năm 2002, đến 2004 phim mới được ra rạp bởi diễn viên chính Đơn Dƣơng trốn ra nước ngoài.
Ngoài phần dựng cảnh, phục trang rất có hồn. Việt Linh khá cao tay khi chọn các diễn viên nữ không phải là những giai nhân có nét đẹp búp bê. Cô Tơ, cô Cam đều mang nét mặt nặng nề, khắc khổ nhưng góc cạnh rất xi nê.
Rất mong một ngày nào các nhà làm phim Việt thực hiện đ ược những phim có vóc dáng như Đèn Lồng Đỏ Treo Cao (The Red Lantern) của Trương Nghệ M ưu hay Bá Vương Biệt Cơ (Farewell my concubine) của Trần Khải Ca.
Trong thời đại sách in bị các trò vui trên internet lấn lướt, phim ảnh vẫn không bị xuống ngôi và vẫn là những bí ẩn quyến rũ.
Đầu đông 2018
HC
Tác phẩm của Huyền Chiêu

Thursday, January 25, 2024

THƠ HUỲNH LIỄU NGẠN

Bóng quê xưa. Hình internet
 
 
MẸ
 
thương một đời dâu bể
mẹ vẫn mòn mắt trông
quê nhà giờ xa lắm
con suốt đời lao lung.
 
 
TRỜI XANH
 
mười năm qua ngõ vắng
lạnh một màu thiên thanh
tóc em cài hoa trắng
ướt rụng cả trời xanh.
 
 
MUÔN TRÙNG
 
vẫn một đời lữ thứ
gánh mộng đổ đầy sông
đò ngang và bến dọc
chỉ muôn trùng hư không.
 
 
GIỌT MƯA
 
khuya ngang nhà lối xóm
hiu hắt giọt mưa ngâu
em bên phương trời loạn
ngồi chong ngọn đèn thâu.
 
 
TRÔI
 
sao không là sông nước
để chẳng còn tiếc thương
cứ trôi hoài trôi mãi
trôi cho thành đại dương.
 
HUỲNH LIỄU NGẠN 

Wednesday, January 24, 2024

KING DAVID

Tố Nghi
 

Vua David
I-
David thuộc bộ tộc Juda, lên ngôi vua, đóng đô ở Hebron, cai trị con dân... 12 họ. Vua David chinh đông dẹp tây, đè bẹp kẻ thù quấy phá, mở mang biên cương từ nam lên bắc, rồi xây dựng kinh đô tại Jerusalem 7 năm sau đó. Dưới triều đại David, đất nước Do thái phát triển, thoạt tiên ngang cơ các vương quốc lân bang, sau dần dà vượt trội để trở thành một đế chế hùng mạnh và trù phú.
 
Vương triều David lừng lẫy nên cổ sử do thái tỉnh bơ coi David là “khai quốc hoàng đế”, mà không lý chi tới tiên vương Saul. Tài chỉ huy, giỏi lãnh đạo, David còn cầm kỳ thi hoạ văn chương thơ nhạc bao gồm, và ... một lòng tuân phục Trời. Ông là tác giả 73 bài thánh vịnh của bộ Thi Thiên bất hủ trong cựu ước, được đọc rất thường chẳng những ở synagogue mà cả trong thánh đường thiên chúa giáo. Hồi giáo cũng coi David là một tiên tri trong số các tiên tri, dưới tên gọi Daud hay Dawud (giáo chủ Mahomed của Islam là vị tiên tri cuối cùng).
 
David tràn đầy ân sủng Trời, lại chăm chỉ vâng lời nên Trời rất đẹp dạ. Rồi Trời mới sấm trạng trình qua cửa miệng các tiên tri, rằng sẽ có một ngôi sao cứu độ phát sanh từ dòng dõi David.
Vua David sanh được 6 hoàng nam với 6 bà vợ khác nhau - nhứt dạ lục giao sanh lục tử hổng chừng. Ná bắn chim của ông vốn tốt, cỡ Goliath mà còn chết thảm thì nhằm nhò chi 6 mụ đờn bà - Chuyện hậu cung hoàng triều David hổng nghe sử sách bàn tán chi nhiều, mãi cho tới khi... teng teng teng tèng... người đẹp Bathsheba xuất hiện.
 
Bathsheba yêu kiều lộng lẫy, là vợ trẻ của Uriah xứ Hittite. Hittite thoạt tiên là sắc dân riêng sau từ từ bị do thái đồng hóa. Người Hittite nếu thần phục Do Thái, được trọng dụng y chang. Uriah và Joab theo phò chủ tướng từ thuở David còn hàn vi, trung thành rất mực. Khi nắm vương quyền, David chọn Joah làm nguyên soái và Uriah làm phó soái. Cả hai do đó đều là khai quốc công thần thứ thiệt. Uriah vâng lệnh thánh hoàng mang quân vây hãm Rabbah, có Joab binh đoàn phía sau hậu ứng. Thành Rabbah vốn là thủ phủ của hàng xóm Ammonite, trước kia với Israel thỉnh thoảng vẫn thường đụng gươm đụng giáo.
Một bữa... David du hành lang bang, tình cờ thấy Bathsheba đang tắm. (tính lẩy kiều cho xôm cái thinh không tịt ngòi... chi mà “... sẵn đúc một toà thiên nhiên”; đó, ai nhớ nhắc dùm tui mang ơn). Hồi loan rồi tương tư tức cả dạ, David truyền lịnh vời mỹ nhơn vào cung mần màn ban phát ơn mưa móc. Mưa hẳn phải dầy hạt nên Bathsheba hoài thai ngay tắp lự. Khi được “hung tin”; t0âm thần David bấn loạn, ông mới gời chiếu chỉ ra trận tiền vời Uriah về chầu, tương kế tựu kế để thủ hạ kịp thời... đổ dùm đống vỏ ốc.
Uriah tức tốc về Jerusalem triều kiến thánh chúa. David biểu Uriah “Trẫm thấy khanh cực nhọc trăm bề, thôi khanh hãy dzìa thăm vợ nhà một đôi bữa rồi vào gặp trẫm sau”;. Nhưng... Uriah cứ đực ra, hổng muốn gặp vợ trẻ... cà phê cà pháo sao đành lòng khi binh sĩ dưới trướng đang dầm sương dãi nắng ngoài chiến địa kia chớ... Cả Đẫn Uriah làm thinh, tỉnh bơ đứng gác hầu ngoài cửa cung phòng. Hai ba bữa như rứa, David sanh sốt ruột, bèn để Uriah về lại Rabbah kèm theo một phong thư gởi cho nguyên soái Joab, hạ lịnh Joab phải lui binh dzìa, thây kệ phó soái Uriah xoay sở với kẻ thù, sống chết mặc bây. Uriah vô tình lận trong người bản án tử hình của chính mình. Và Uriah chết thảm dưới gươm giáo địch. “Hỉ tín”; bay về, David nước mắt cá sấu thương tiếc thủ hạ. Còn Bathheba hù hụ vật vả khóc than, rồi lau lệ điểm trang, lẹ làng khăn gói vào ở hẳn trong cung, trở thành đệ thất phòng của David.
 
II -
Chuyện David ở trên vẫn do Samuel kể. Khi này y hình (tui đoán vậy ha) hoặc Samuel đã có tuổi nên tiên tri ít lợi, hoặc Samuel buồn phiền nên giả bộ lơ là hổng chen lấn vào đời tư của vua nữa.
Nhưng... tinh thần hẳn vẫn minh mẫn như xưa, nên vẫn chăm chỉ viết sách cho ta đọc. Bị dzậy, dzì thế cho nên ... tội lỗi của David được cụ thong thả tường thuật tiếp.... David phạm tội quá lớn. Trời sai tiên tri Nathan tìm gặp, công dân giáo dục David như sau: “Ở phố văn kia, có 2 trự đực dzựa. Trự giàu là chủ, cưng vợ, sắm cho cỏn một lần sáu chú chó kiểng nuôi chơi, tốn kém chi kể. Trự nghèo là tớ, thương vợ y chang nhưng hổng cách chi mua nổi tặng nàng con vàng con vện, đành phải cho vợ chơi chim đỡ - nuôi chim hổng tốn tiền như nuôi chó - Ngày nọ nhà ông chủ có khách qúi viếng thăm, khách xin bữa cơm nấu với thịt gia thú nuôi trong nhà. Ông chủ hổng muốn giết chó nên hối bồi bếp mang chim của tớ ra vặt lông mần món sáo măng đãi khách...”
Nghe tới đây David đập bàn giận dữ: “Trẫm thề cùng đất trời, nếu vụ ni có thiệt sẽ trừng trị tên nhà giàu nớ đích đáng. Bắt nó đền 4-5 con chim khác chưa chắc đã đủ, trẫm dám còn bắt nó đền luôn mạng mới công bình. Những đứa nớ ta hổng nên thương xót”.
Nathan nói với David : “Bệ hạ ôi, người đó chính là ngài hổng khác. Vậy nên sau đây là lịnh Trời, phán cùng bệ hạ : Hỡi David, kể từ đây gia đạo ngươi sẽ xào xáo không dứt vì ngươi đã coi thường Trời mà lơ là chánh đạo, đã cướp vợ của thiên hạ về làm vợ mình. Ngươi sẽ phải chết và Trời sẽ gieo rắc hiểm họa trong nhà ngươi, trên đầu ngươi. Vợ con ngươi sẽ bị họ hàng cướp mất . Ngươi đã hành động vụng trộm trong bóng tối, nhưng Trời sẽ hành động giữa thanh thiên bạch nhựt cho tất cả con dân đất nước tỏ tường.
Vừa dứt thì David quì xụp đấm ngực ăn năn: “Thôi dzồi, tui đã phạm lỗi cùng Trời, huhu.. huhu ... Nathan trả lời : Qua tội lỗi, ngươi đã xúc phạm đến Trời, nhưng Trời tha thứ kẻ có lòng thống hối. Ngươi sẽ không bị trừng trị, nhưng đứa trẻ được sanh ra trong tội lỗi ấy rồi sẽ chết. Nói xong Nathan quay gót về nhà. Bathsheba vừa hạ sanh một bé trai bụ bẫm xong thì hài nhi trở bịnh ngặt nghèo. Để khấn xin lòng Trời thương xót. David vào đền thờ phủ phục, ăn chay nằm đất liên tục nguyện cầu, triều thần cảm thương can ngăn hết sức. Nhưng rồi hài nhi vẫn qua đời ở ngày thứ bảy, không sao cứu đặng.
 
III -
Vua David ở ngôi tổng cộng 40 năm. Triều cương luật lệ trong ngoài vững vàng, nhưng tới cuối đời gặp nhiều sầu não, Một trong sáu hoàng tử thinh không tạo phản, tỉnh rụi đòi tiếm ngôi xưng đế và chết trong cuộc đụng binh với quân của phụ hoàng. Một hoàng tử khác nổi cơn điên, hãm hiếp công chúa cùng cha khác mẹ, rồi bị anh cùng cha cùng mẹ của con bé giết chết... Trong sáu hoàng nam với sáu bà vợ đầu tiên, chỉ duy nhứt còn đứa thứ tư sống sót, trở thành hoàng thái tử, quyền kế thừa ngai vàng được coi là đương nhiên. Tưởng dzậy mà thiệt là hổng dzậy...
Bathsheba, bà hoàng cuối cùng được David sủng ái rất mực, đã rặn thêm cho đấng quân vương một hoàng nam khác nữa, đặt tên là Solomon. Bathsheba lúc này liên minh với tiên tri Nathan để tranh dành quyền lực. Khi vua cha David đã già, triều thần còn tiến vào cung cho cụ một cô gái rất trẻ để babysit, bầu bạn hầu hạ dẫn cụ đi chơi (hổng cà phê cà pháo chi dzáo heng). Rồi hoàng thái tử cũng hằm hè tính xưng đế...
Viện lý do rất có thể họ sẽ bị ám hại, Bathsheba và tiên tri Nathan cùng vào giường bịnh ỷ ôi với David, xin David viết di chúc nhường ngôi lại cho Solomon - David bằng lòng kèm với một điều kiện : Solomon phải tìm cách diệt hết các cừu nhơn của vương phụ, trong đó có nguyên soái Joab (về tội đã giết hai vị tướng của David) và một thày tư tế đã tham dự việc chống lại triều đình - Solomon lên ngôi, có phụ hoàng ngồi bên nhiếp chánh. 3 năm sau David mới băng hà, thọ 80 tuổi.
Solomon tuy tha tội cho hoàng huynh, nhưng bắt anh phải thề thốt khi mô cũng đạo đức đàng hoàng. Sau khi cha chết, hoàng huynh của Solomon lại đem lòng thương yêu cô babysitter của phụ hoàng, tính lấy nàng về làm vợ. Solomon viện lẽ đây là nàng hầu của tiên đế, ghép anh vào tội loạn luân rồi mang ra chém quách để trừ hậu hoạn.
Triều đại Solomon trị vì, đất nước phát triển tài nguyên và kinh tế. Solomon thần trí hơn người, nổi tiếng minh quân khôn ngoan rất mực. Nhưng dần dà về sau, Solomon đổ đốn ra, gây dựng cái harem to đùng với 1 ngàn bà cả thảy (700 vợ và 300 nàng hầu). Kỷ cương triều đình tuột dốc từ từ. Salomon mải mê vui chơi hưởng thụ, xa lánh chối bỏ Trời. Rồi cũng bị Trời quở phạt ...
 
Sao David.
Sao David có 6 cánh, tạo thành từ hai tam giác đều chồng ngược lên nhau.
Nhắc chuyện gần (nhắc hoài bị cứ quên hoài, chán quá xá chán) :
- Jacob và Isaul là con song sanh của Isaac, cháu nội của Abraham. Isaul mất quyền trưởng nam vào tay Jacob vì tham ăn tham uống. Theo luật trời khi ấy, nhánh trưởng chánh thức kế thừa nên được giữ của hương hoả, và do đó là truyền nhơn thứ thiệt của con cháu Adam tức hết thảy nhơn loại (theo bible)
- Con cháu nhánh Jacob là dân do thái trước kia và bây giờ hén.
- Con cháu nhánh Isaul, một số thành dân Amalekite, cứ hục hặc hoài với dân Do Thái, rồi bị vua Saul mang binh chinh phạt.
 
Nhắc chuyện xa :
- Abraham sanh Ismael với vợ thứ Agai. 13 năm sau mới sanh Isaac với vợ chánh Sarah.
- Isaac do đó là nhánh trưởng.
- Isamel là nhánh thứ, là bàng tổ của sắc dân ả rập.
- Các xứ ả rập hồi giáo vẫn đọc chung cựu ước với do thái giáo và thiên chúa giáo, ít nhứt cho tới khi giáo chủ Mahomed của Ả rập saoudite được Trời mặc khải để khai sáng đạo hồi trong thế kỷ thứ 6 (hổng biết Trời này có giống Trời kia không nữa lận)
Với ba tôn giáo lớn cùng đặt nền tảng trên cựu ước...
- Ki tô giáo tin đấng cứu thế đã được sanh ra cùng ánh sao Bethlehem.
- Do thái giáo tới nay vẫn còn chờ miết ánh sáng cuối đường hầm, tín đồ judaism vẫn còn về (hay hướng về) Jerusalem, vịn tay vào bức tường than khóc mà trông chờ đấng cứu chuộc.
- Hồi giáo thì tui hổng rõ ràng lắm về tín điều cứu chuộc của họ. Thủng thẳng học tới sẽ báo cáo sau.
 
Bài bản mở đầu vậy để nói tới ngôi sao David.
Sao David lấy ý từ 2 điều tiên tri, một về ngôi sao xuất phát từ nhà Jacob (sao chủ mệnh của David), và một về ngôi sao cứu chuộc từ dòng dõi (tức con cháu) David sau này.
Tất cả loài người thuở hồng hoang nớ - và một số ít bây giờ - tin tưởng sao là linh hồn người trần, bao nhiêu người thì bấy nhiêu sao. Chiêm tinh gia xúm nhau ngó dòm tinh tú đoán điềm trời giải mộng để tìm hiểu số mệnh loài người. Sao băng đồng nghĩa với... giã từ võ khí.
Chuyện sao do đó ăn khách quá chời. Là biểu tượng thiêng liêng vô hình huyền bí xa xăm, nên rồi... a lê hấp... sao trở thành vật trang sức.
Hình dạng ngôi sao 6 cánh tìm thấy trong trang sức thời cổ đại tại vùng trung đông tiểu á, khi ấy, có vẻ mới chỉ tượng trưng tinh tú bầu trời, chớ chưa mang ý niệm rõ rệt về tôn giáo hoặc chánh trị nhơn văn như hiện nay.
Cho mãi tới thế kỷ thứ tư thứ năm trước công nguyên, ngôi sao sáu cánh mới có tên gọi là sao David, biểu tượng cho lời giao ước mới, được ghi trong cựu ước giữa Trời và nhơn loại. Thành ra rồi sao David được xài thong thả, sắm ngôi sao David đeo tòng teng cái cho đúng... fashion.
Sao David còn có tên gọi khác là ấn Solomon (Solomon's seal). Sao của tía, ấn của con... tía với
con tuy hai mà một. Sao ấn ấy được nhơn loại xài chung, cái kiểu càng đông càng dzui. Dân Do Thái ngó sao đóng ấn, dân ả rập đóng ấn ngó sao, vui vẻ cả làng... Mãi cho tới khi đám do thái từ từ lấn đất dành dân, mang cựu ước ra diễn giải tùm lum mần màn... độc quyền đại lý.
Nay thì... Cứ nghe ngôi sao David là y phép người ta nghĩ tới do thái ngay tắp lự.
Dân do thái cẩn thận ịn nó thẳng dzô quốc kỳ, dùng nó làm biểu tượng riêng cho do thái giáo.
Riết rồi... bàn dân thiên hạ quên khuấy luôn việc xưa kia và ngay cả bây giờ, nó vẫn là đồ công cộng.
 
Sao David hay ấn Solomon vẫn thấy khắp mọi nơi, chỉ tại ta ít để ý nên hổng biết. Rõ ràng nhứt là.. nó đứng chình ình trên lá cờ Maroc, một xứ hồi giáo ả rập, nó được chọn làm biểu tượng của ngành rượu bia, và thậm chí còn là tên đặt cho một loại thảo mộc có dược tánh, cùng họ bông huệ với “muguet - lily of the field”, mọc hoang (có thể...) khắp nơi trên thên thế giới.
Trong thế chiến thứ hai, sao David đã được đức quốc xã dùng để nhận diện “giống nòi nhơ nhớp”;. Hitler bắt dân Do Thái ịn vào áo quần một ngôi sao David màu vàng. Màu vàng không biết ở đây mang ý nghĩa chi hay do tình cờ được chọn.
Trên thế giới hiện nay, dùng sao David làm vật trang sức là chuyện thường tình. Đeo sao David không có nghỉa là người do thái đâu nha, bé cái lầm chết đó.
Ý nghĩa của ngôi sao David thì thiệt tùm lum, mỗi người giảng một cách. Đại khái kể ra như sau :
- Là hai chữ delta úp ngược lên nhau. Delta là mẫu tự đầu tiên của tên David.
- Là hai mũi tên đối nghịch, một hường lên một hướng xuống, là đất và trời, ying và yang, nước và lửa, xấu và tốt, tinh thần và thể chất, người và Trời..v.v. cái list đối ni dài thòong kể ra mệt xỉu.
- Là thời gian của một tuần lễ theo lịch sáng thế ký. 6 cánh sao chỉ 6 ngày trong tuần, Trời (và người) mần việc cật lực. Ngày thứ bảy là ngày nghỉ ngơi - Trời nghỉ để giải lao, còn người nghỉ đặng đi chùa đi nhà thờ mần màn thanh tẩy hồn xác (tạ ơn tế lễ cầu nguyện xám hối) -
- Là hai tam giác chồng ngược, một ở trên chỉ trinity của Trời, một ở dưới chỉ trinity của người.
Trời luôn luôn ngự trên đầu người đặng chở che và... kiểm soát.
(Khúc ni đọc trong google hén. trinity của trời thì biết chớ trinity của người thì không, google nói vậy mà hổng thèm giải thích nên tui... bí lù)
- v.v và v.v.
Dzậy chớ dân Do Thái nói gì về sao David ?
Thưa họ nghiêm và buồn, thành khẩn tới táo bón khi nói về biểu tượng thiêng liêng của tôn giáo dân tộc. Biểu tượng ấy chia ra làm 2 nhóm, mỗi nhóm gồm 3 điều, ứng với 3 cánh của “trinity”;
- Nhóm thứ nhứt : Trời - Người - Bible (torah theo chữ do thái)
- Nhóm thứ nhì : Sáng tạo - Mặc khải - Cứu độ (dịch từ creation, revelation và redemption)
Sáu biểu tượng ấy xoay quanh sáu cánh sao để chỉ ra từ khởi đầu đến sau hết, từ Alpha tới Omega, cái mối tương giao giữa Trời với người. Người ở đây là dân do thái nói riêng và toàn thể nhơn loại nói chung. Vì rằng... dân do thái là cội nguồn tất cả các dân tộc (theo sách sáng thế ký)
TN

Tuesday, January 23, 2024

T À N D Ư

Hoàng Xuân Sơn
 
Shar Coulson
 
Sáng trôi yến mạch mơ mòng
Nghe trong vinh sử màu sông đã buồn
Hệ người trầm mịch tai ương
Một mai gợn sóng tỏ tường bến giăng
Về đâu vết nước hằng hằng
Miền xuôi cũng giạt phương ngàn xứ lưu
Oanh ca đâu tạnh oán cừu
Mà mưa mưa mãi thư cưu lạnh vàng
Tuổi đời lạc dấu hoang mang
Trên tay nhành khổ điêu tàn pháp hoa
Biết đâu môi muối mặn mà
Hôn chia tử biệt trường sa ngọn ngành
Con thuyền vẽ bóng mây xanh
Vô vàn huyết nhục đã thành máu xương
Giờ thì giải giáp biên cương
Về ôm cột sống đau dường tạng thư
Mai kia hồn thạch mỏi nhừ
Cùng phi tuyến tính tàn dư nỗi niềm
 
)(
H O À N G X U Â N S Ơ N
19 janvier 2024

 


Monday, January 22, 2024

EM BÉ MẶC ÁO ĐỎ

nguyễnxuânthiệp
 
Em bé Lộc Hưng
 
bé gái ơi
một năm đã qua
tôi thấy em vẫn còn ngồi đó
bên trong hàng rào
chống tay lên má
em vẫn mặc áo đỏ
túi sách còn nằm trên lưng
em ngồi. bên cây bàng. nghiêng nắng. lá xôn xao
chim én liệng bay
sao em không đi học
sao em không chạy chơi
kìa. con bướm vàng. giỡn nắng. trên hàng dậu thưa
tiếng cu gáy
mùa xuân đang trở về
hạ tới
em vẫn ngồi
chống tay lên má
chờ đợi gì hở em?
NXT
2020

  

LỘC HƯNG. CÔ BÉ ÁO ĐỎ

Từ Thức
 
Cô bé áo đỏ Lộc Hưng
 
Hai hình ảnh lởn vởn trong đầu, mỗi lần nghĩ tới Lộc Hưng.
Thứ nhất, video quay cảnh một người cha trèo trên đống nhà sập, té lên té xuống, đi tìm những mảnh đồ chơi của con bị nghiền nát.
Thứ hai, hình một cháu gái áo đỏ buốn bã ngồi nhìn nhà mình bị kéo sập. Cái gì diễn ra trong đầu một đứa bé ngồi nhìn cả thế giới của mình sụp đổ.
Trong một xã hội bất nhân, tình cảm là một xa xỉ phẩm, ai bận tâm tới cái gì diễn ra trong đầu một đứa nhỏ?
Căn nhà là cả thế giới của đứa trẻ, là tổ ấm, là tình nghĩa gia đình, là tình yêu của mẹ, là kỷ niệm với cha, là những tiếng cười đùa với anh chị em. Tất cả thành mây khói.
Cái sụp đổ, mất mát, tan vỡ ấy sẽ lưu lại suốt đời đứa nhỏ, không có gì gột rửa được trong tâm não. Không có gì sống lâu, vĩnh viễn, hơn những kỷ niệm thời thơ ấu
TT

Sunday, January 21, 2024

NHỮNG BUỔI SÁNG TRÔI TRÊN DÒNG THƠ CHÍNH KHÍ

Nguyễn Thị Khánh Minh
 
Trận Bạch Đằng Giang. Tranh Lê Năng Hiển
 
          (Một bài viết xưa nay tôi xin đăng lại,
          như một nén tâm hương kỷ niệm 50 năm
          ngày mất Hoàng Sa (19.1. 1974 - 19.1.2024)
 
Vào những ngày giữa tháng 3.2015 trên TV lại nhắc đến trận hải chiến Gạc Ma 14.3.1988 giữa Hải Quân Việt Nam và Trung Cộng tại Biển Đông hậu quả là 64 binh sĩ Việt Nam đã hy sinh và Gạc Ma mất từ bấy đến nay, theo tài liệu quân sự họ đã gọi sự kiện này là CQ-88 (Chủ quyền-88). Thật ngậm ngùi cho một tên gọi… Cũng không thể không nhớ đến ngày 20.1.1974, Hạm Trưởng Nguỵ Văn Thà cùng 74 binh sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hoà đã hy sinh trong trận hải chiến với Trung Cộng tại Hoàng Sa. Và còn bao nhiêu nữa, không thống kê được chính xác, số ngư dân đã bỏ mình tức tưởi ngoài vùng biển thuộc quê hương của mình? Vừa mới đây, trên kênh TV 57.4 tại Nam Calif., trong một cuốn phim tài liệu về biển đảo Việt Nam, do Nhạc Sĩ Trúc Hồ sản xuất, tôi xem được thoáng qua chưa tới một phút, thuyền đánh cá VN bị tàu Trung Cộng áp giải. Cảnh ngư dân mình bị vây côi cút một góc thuyền và một ngư phủ đã chắp tay vái họ lia lịa. Tôi nổi gai ốc và bật khóc.
Tôi nhớ đến một bài viết của mình, tôi muốn nó như một gửi gắm niềm kính ngưỡng đến hương hồn các liệt sĩ, ngư dân đã hy sinh ở Biển Đông. Một hạt cát xin cùng mặn với những con sóng máu biển Đông… Một bàn tay xin cùng nắm với nhau, chia sẻ và, có thể nào, vực lên thân phận bấp bênh của một quê hương…(Tháng 3.2015)
NHỮNG BUỔI SÁNG TRÔI TRÊN DÒNG THƠ CHÍNH KHÍ
    Buổi sáng vào những ngày cuối hạ, Nam Calif. nóng, có những cơn gió khô rất khát cổ. Thành phố nơi tôi ở, thỉnh thoảng tôi bắt được mùi biển trong gió, lập tức nó rủ rê hương thành phố biển xa xôi tuổi nhỏ của tôi đi về. Hương biển của hai bờ một đại dương, cùng rưng rức một lúc, thì có phải là tôi đáng bị ngất ngây không!
Tôi làm việc trong một căn phòng nhỏ, hai phía tường được dát bằng những kệ sách. Nắng đi vào bằng ánh phản chiếu từ chiếc gương đặt ngoài cửa lớn, và mùi cà phê, đó là hương tôi vẫn thích mỗi buổi sáng, lại được quyện với hương quá khứ bay lên từ trang sách cũ.
Những sự việc thăng trầm một thời lặn vào những dòng chữ in, đơn giản, chỉ như cuốn lịch chép một cách bình thản theo con số lạnh lùng của thời gian. Tôi muốn bằng một giọng kể cảm xúc trên việc và trên những ra đi của người xưa, sao cho người ta ý thức đó là mất mát của một đi không trở lại. Sao cho nó không chỉ là tin tức của một ngày này năm cũ. Tôi đã nghĩ thế, khi nhận việc sao lục tài liệu và chọn lọc ghi chép lại, trong một mục tên là Ký Ức Thiên Thu. Chỉ tựa mục thôi nó đã mang đầy cảm xúc tính… Trăm năm là một đời người. Trăm năm là thiên thu cho những sự việc mà người xưa để lại. Tôi có cảm giác như đang viết nhật ký thời gian, hoài niệm trên bước lần theo sợi chỉ từ điểm Hôm Nay.
Ví dụ với cái tin tìm thấy cổ vật từ ngàn năm trước thì sẽ dùng chữ như thế nào để mang được hồn của cổ vật đang ngủ trong bóng tối lên dòng chữ của hiện tại, sao cho, ngoài tin khảo cổ còn như thấy được lung linh cuộc sống sau một màn sương được ánh ngày hé lộ. Cho nên, tôi hay dùng đôi ba chữ có vẻ như để trong ấy chút tâm tư của mình, ngoài mục đích nhắc lại người thật việc thật, nó còn mang chút khí văn chương, khơi gợi tình cảm người đọc…, được hay không tôi chẳng biết, nhưng rõ là, vì thế mà tôi đã bị quá khứ cuốn đi.
   Mỗi ngày như kẻ lang thang trên bãi cát thời gian nhặt nhạnh những viên sỏi đẹp rồi say sưa bỏ nó vào túi đựng… Quá khứ, người ta có thể quên bởi phải đối diện với vô vàn những cấp bách của hiện tại, nhưng quên thì, quả là đắc tội với những trung trinh tiết liệt, với những hy sinh mà bây giờ nghĩ đến thật đáng cho ta khấu đầu đẫm lệ. Và tôi muốn, Ký Ức Thiên Thu này, đáp đền trong muôn một, Người Xưa.
   Thời gian tôi muốn nói là lúc này đây. Vào những tháng 5, 6, 7, 8 năm 2011 này, trên đường phố khắp nơi đang có những cuộc biểu tình của người Việt Nam chống Trung Cộng về chủ quyền Hoàng Sa ở Biển Đông. Nối nhịp với sự kiện ấy, báo chí cũng như trên TV nhắc lại những trang lịch sử chống Tầu lừng lẫy cùng những bài thơ chính khí của tiền nhân. Không lúc này thì bao giờ nữa để tỏ sự tri ân với người xưa, và nhắc nhớ cho người sau?
Mỗi buổi sáng tôi miệt mài với tài liệu và đánh máy những bài thơ, những trang sử. Dần dà tôi đâm nảy sinh một tình thương lẫn khính phục những danh tướng làm thơ yêu nước. Lời thơ gắn với thân phận bi hùng luôn đẩy tôi đến câu hỏi, sao thế, những người như thế, những thơ như thế mà không được nhắc nhớ, ngưỡng mộ cho đúng tầm vóc của nó? Nhất là, lúc này, trong hoàn cảnh đất nước đang đứng chênh vênh trên bờ miệng đang há mõm của một tham vọng, không biết lúc nào thì cái quang gánh ốm o hình cong chữ S bị nó ngoạm và nhai nghiến ngấu.
   Cái bóng tối Bắc Thuộc và những vùng vẫy thế cô oanh liệt của anh hùng xưa như bao trùm lên hơi thở của căn phòng làm việc, cũng nhỏ nhoi, cô đơn, nhưng, tôi nghe được, nhịp tim sử thi đang phập phồng trên từng phím gõ…
Những buổi sáng làm việc của tôi cứ thế trôi, trên dòng thơ Chính Khí.
… Và. Tôi sẽ không quên chút nào, cho dù sau này có bao nhiêu nắng của mùa xuân tháng 5 đi nữa, tôi sẽ mãi nhớ buổi sáng tháng 5 của ngày mà tôi cảm như ẩn hiện màu áo trắng khói sương Lý Đông A, trong câu nói đầy hoài niệm của người bạn, “Thơ Đông A toàn là về nước nhà, dân tộc, như Huyết Hoa, Đạo Trường Ngâm… thế này, mà ngày trước không được đem vào chương trình giảng dạy ở trường học. Chết năm 26 tuổi.” Người bạn đọc nhỏ, buổi Sát Thát chàm vai thề đầu mất / ngày Bình Ngô nổi cờ không khuất tất / khi Cần Vương nhổ mặt lũ gian hùng…(Thơ Lý Đông A)
   Tôi thấy hơi mắc cỡ về một thiếu sót trong vốn hiểu biết của mình – Lý Đông A (1921-1947) – Theo Wikipedia, ông là một nhà triết học, một học giả, một nhà cách mạng và chính trị gia. Và là một nhân vật còn nhiều tranh cãi trong lịch sử, văn sử Việt Nam, cũng như cái chết bí ẩn của ông tại Bến Chương thuộc xã Hiền Lương, tỉnh Hòa Bình. Các tác phẩm của ông được nhà xuất bản Gió Đáy phát hành tại miền Nam Việt Nam từ năm 1969. Tôi có người bạn ở Canada, một giọng ngâm thơ tài hoa, Tôn Nữ Lệ Ba, chị tặng tôi một CD ngâm toàn thơ chính khí, trong đó có bài thơ của Lý Đông A. Trên youtube.com /watch?v=IONID8mUAf0, tôi thấy dòng comment “Tổ quốc đang bị ngoại xâm, xin lắng nghe Chính Khí Việt.”
Từng phím chữ như lời nghẹn,
… nước Mê Linh trăng thu còn vằng vặc / sông Bạch Đằng sóng vỗ thuyền cắc cắc / non Chi Lăng gió cuốn rừng cung đao / đồng Đống Đa xương người phơi man mác /… Chính khí Việt suốt đất trời bàng bạc / Chính khí Việt trong máu người Hồng Lạc / gió thê thê quất dậy hồn phục hưng / gươm Vạn Thắng cứu nước nòi giết giặc /… Vượt đau nhục lên sống còn hùng tráng… (Chính Khí Việt, tập thơ Đạo Trường Ngâm)
 
   Nắng sáng tháng 5 hôm ấy là màu áo trắng huyền thọai của một nhà lý thuyết, nhà thơ, cũng là một chiến sĩ xông pha giữa trận đánh Pháp trên đồi Nga Mi – Lý Đông A
 
   Một buổi sáng đầu hạ, cái nóng như hun đến tận cả tâm tư, tôi đọc Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên, trong đó, truyện huyền thọai Trương Hống, Trương Hát, có ghi một bài thơ được xem là một bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của Việt Nam. Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà. Thuở trước được học tác giả là danh tướng Lý Thường Kiệt. Theo Wikipedia thì, bài thơ được cho là của thần, giúp Lê Hoàn chống quân Tống năm 981 và giúp Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 1077. Đa số các nhà nghiên cứu đồng quan điểm ghi khuyết danh tác giả bài thơ. Học giả Lê Mạnh Thát trong bài “Pháp Thuận và Bài Thơ Thần Nước Nam Sông Núi” cho rằng tác giả bài thơ là Đỗ Pháp Thuận. Theo các nghiên cứu gần đây thì bài thơ này xuất hiện dưới thời Lê Đại Hành.
-Trong kháng chiến chống Tống lần thứ nhất, năm 981, Lê Hoàn đã cho đọc bài thơ trên để khích nhuệ khí tướng sĩ và áp đảo tinh thần quân Tống. Và đã thắng Tống tại trận thủy chiến Bạch Đằng.
-Trong kháng chiến chống Tống lần thứ hai, năm 1077, Thái Hậu Ỷ Lan cùng Thái Uý Lý Thường Kiệt đã hòa hợp được các phe phái để cùng nhau chống giặc. Trong trận quyết tử ở gần sông Như Nguyệt (Sông Cầu), Lý Thường Kiệt đã sai người tới đền Thánh Tam Giang (Trương Hống Trương Hát) gần bản doanh của tướng Tống, đọc vang bài thơ Nam Quốc Sơn Hà để phân tán tinh thần giặc. Ngày nay nơi đó vẫn còn một ngôi chùa Xác, nơi năm xưa cầu siêu cho oan hồn tử sĩ. Chắc hẳn từ chiến thắng vang dội đó mà bài thơ này gắn bó với danh tướng Lý Thường Kiệt hơn cả?
   Đầu tôi cứ ong ong, Nam Quốc sơn hà nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Lê Thước – Nam Trân dịch: Sông núi nước Nam vua Nam ở / Vằng vặc sách trời chia xứ sở / Giặc dữ cớ sao phạm đến đây / Chúng bay nhất định phải tan vỡ.
Âm Hán Việt đọc lên nghe thật hùng tráng, dõng dạc. Đúng là sức mạnh của nhạc thơ.
Nam Quốc Sơn Hà ấy, bỗng một ngày biến mất cái ải nơi xưa Nguyễn Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi trước khi bước qua mảnh đất lưu đầy, ải Nam Quan. Bỗng một ngày dòng thác Bản Giốc bùi ngùi reo nỗi ly hương. Trong một bài báo không ký tên tác giả ở baomoi.com, tôi đọc được mấy dòng này, “Sinh ra trong binh lửa, bất tử cùng chủ quyền non sông, lời thơ “Thần” -Nam quốc sơn hà- chỉ với 28 từ (thất ngôn tứ tuyệt) mà nội dung ý tứ sâu xa. Để bảo vệ đất nước, tất thảy người dân Việt quyết đánh tan ngoại xâm dù chúng có mạnh đến mức nào. Ngày nay, lời thơ “Thần” khắc trên bia trong am thờ ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc vẫn ngày đêm vọng vang cùng sóng nước.”
 
   Một buổi sáng tháng 7, tôi được xem một tấm bản đồ Việt Nam cũ, in từ năm 1838, có tên đảo Cát Vàng, thế đó, nó lại được đổi tên là Hoàng Sa, bây giờ đó là nơi mà ngư dân mình muốn tới để đánh cá phải trả giá bằng sinh mạng của mình. Như mơ màng bên tai giọng mẹ tôi ru cháu, … Ai lên xứ Lạng cùng anh, bõ công bác mẹ sinh thành ra em…, bây giờ thì thế nào, phải xin phép ai để đi đến một nơi đã là đất nước của mình? Cái im lặng sau câu tự hỏi ấy như vị mặn trên môi. Hơn lúc nào hết, dân mình đang cần sức mạnh “Thần” của Tuyên Ngôn Độc Lập ngàn xưa kia.
… Sáng nay, tôi ghi vào Ký Ức Thiên Thu sự kiện tìm thấy hai bãi cọc Bạch Đằng. Một được tìm thấy vào năm 1953, trong một đầm nước giáp đê sông Chanh, thuộc Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, gồm hàng trăm cọc bằng gỗ lim, đầu dưới vát nhọn, đầu trên đã bị gãy, cắm theo hình chữ “chi” trong đó có 42 cọc gần như nguyên vẹn khi phát hiện.
Một tìm thấy vào năm 2005 tại cánh đồng Vạn Muối thuộc Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Như từ giấc mơ quá khứ, nhô lên hàng chục cây cọc “được cắm xiên 45° theo hướng ngược với dòng nước vì vậy khi đâm vào thuyền địch đang rút lui sẽ tạo thành lực đâm lớn hơn. Phát hiện này khiến các nhà khoa học đã bất ngờ về kích thước bãi thủy chiến xưa, dài khoảng 5km, rộng từ 2-4 km. Và làm thế nào để người xưa đóng một số lớn cọc gỗ xuống lòng sông Bạch Đằng vẫn còn là một bí ẩn…” Chỉ biết một điều, nó là những ngửng cao đầu trong lịch sử nước ta, “cọc Bạch Đằng tượng trưng cho ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam trước âm mưu bành trướng của các thế lực phong kiến phương Bắc.” (Hà Dũng / soha.com)
   Bạch Đằng, một dòng sông như một bài thơ chính khí hùng tráng, trong đó những chiếc cọc là tiết tấu quyết liệt đòi độc lập tự chủ, vỗ hoài vào bến bờ sử Việt Nam ba chiến công:
– Trận Bạch Đằng năm 938: Ngô Quyền thắng quân xâm lược Nam Hán, chấm dứt hơn nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc.
– Trận Bạch Đằng năm 981: Hoàng đế Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược.
– Trận Bạch Đằng năm 1288: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng Nguyên-Mông, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba.
Dạt dào trong nắng sớm Little Saigon âm thanh tiếng sóng Bạch Đằng, một Ngô Quyền lừng lững trên chiến thuyền, và, mơ hồ hơi lạnh những cọc sắt bẫy quân Hán nằm bao năm dưới lòng sông sâu phả vào căn phòng đầy ánh nắng tự do, nơi, có tôi, một người vừa để lại quê nhà phía xa, có những bạn, mà bao nhiêu năm đất nước thay chủ là bấy nhiêu năm xa xứ… Khi gõ từng phím chữ những bài viết về cuộc đời những danh tướng, những trận chiến lưu danh thiên cổ, những lời thơ bất khuất, tôi đã có cảm giác như đang góp thêm bước mình vào những bước chân của anh em khắp nơi đang biểu tình trên đường phố…
 
… Cũng vẫn là buổi mai…, tôi không biết tình yêu nước trong tôi rưng rức lên bởi cái hùng khí thơ xưa, hay cả bầu không khí làm việc đang sôi câu thơ non nước ấy nghìn thu, câu dịch quá hay! Tôi thốt lên sảng khoái khi đang gõ chữ. Cùng lúc cảm thấy lạnh bàng hoàng, trạng thái ưng ức của sắp vỡ, Non nước ấy nghìn thu, chỉ Trần Trọng Kim dịch mới ra được hết cái thần mênh mang của câu nguyên tác, Vạn cổ thử giang san.
Rồi là những phút giây, tôi lặn vào thời gian của một Tướng Quốc trẻ trung văn võ song toàn, Trần Quang Khải, nổi tiếng trận thắng Chương Dương với quân Nguyên Mông, bài thơ Tướng viết lúc theo vua xa giá ca khúc khải hoàn.
Bài Tòng Giá Hoàn Kinh: Đoạt sáo Chương Dương độ / Cầm hồ Hàm Tử quan / Thái bình tu trí lực / Vạn cổ thử giang san
Trần Trọng Kim dịch: Chương Dương cướp giáo giặc / Hàm Tử bắt quân thù / Thái bình nên gắng sức / Non nước ấy nghìn thu.
Non nước ấy nghìn thu, trầm hùng mênh mang của bao nhiêu sông bao nhiêu núi bao dặm dặm đường dài, mà mỗi ngọn cỏ, mỗi tấc đất đều mặn máu và nước mắt. Dường như nối dài, nắng nơi miền nam Calif. này đang là một dải nắng máu thịt trong cái nghìn thu của giang san kia.
Non nước ấy nghìn thu, không hiểu sao lời và âm của nó làm tôi rưng rưng. Đêm hôm ấy, tôi nằm mơ thấy Trần Quang Khải, đứng trên chiến thuyền, đẹp hùng vĩ của một pho tượng. Hôm sau, tôi đọc lại tiểu sử và sử có ghi, ngài là một vị tướng rất đẹp trai. Trời!
Cứ thế, mỗi ngày nơi căn phòng nhỏ, nắng sáng được phản chiếu bởi gương nên nó long lanh như ánh nước nhẩy múa trên những kệ sách, để rồi một vạt tôi, chìm nổi với dòng thơ chính khí…
 
   Một buổi sáng tháng 8, tôi đi làm việc mang theo một cuốn sách để trả lại thư viện, tập thơ Hồn Việt của Đằng Phương. Ông là một giáo sư Chính Trị Học tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Saigon, một nhà chính trị, một nhà thơ, tiêu biểu là thi phẩm Hồn Việt, xuất bản 1950, trong đó có bài thơ Anh Hùng Vô Danh: 
Họ là những anh hùng không tên tuổi / sống âm thầm trong bóng tối mông mênh… / … Họ là kẻ khi quê hương chuyển động / Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng / Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân / Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc…
 
Anh Hùng Vô Danh, là chiều mênh mông tím, là cánh chim bay vút lên không, là ngọn núi cao vòng hoa tuyết phủ, là cánh bướm khuya đập vọng âm đêm, là hạt sương mai chứa cả bình minh… Hình ảnh những chiếc lá khô hiu hắt trên nấm mộ loang lổ gạch vỡ trong một nghĩa trang hoang phế, làm tôi bi phẫn. Nhìn xem, sau cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ, tử sĩ của cả hai miền Nam Bắc đều được vinh danh. Không có cái chết nào vì đất nước mà phải bị quên lãng. Họ đã là Anh Linh. Máu thịt dân hai miền đều đã thấm hòa vào mảnh đất quê hương, để cho triệu con dân Việt đang bước đi, ngày hôm nay…
 
… Một ngày tháng 9, khí trong nắng sớm đã váng vất hơi thu, đó là mùa tôi thích vì cái mềm mại của nắng y như chiếc khăn lụa tôi quàng trên vai, đựng đầy nỗi nhớ, thắc thỏm mắc vào những con gió đi qua, gió, hình như đã nhẹ thơm mùi lá đã muốn đổi mầu.
Tháng 9, tôi ghi vào Ký Ức Thiên Thu cái chết của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, … Đỏ thẫm bản án tru di / Ngậm oan nghìn năm mây trắng / Ngậm đau nghìn thu sử thi… (NTKM)
Bản án tru di ấy xảy ra vào ngày 19.9.1442, dưới triều Lê, gọi là Án Lệ Chi Viên. Một vết chàm trong lịch sử Việt Nam về giết hại Khai Quốc Công Thần Nguyễn Trãi và vợ là Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ.
Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, một thiên cổ hùng văn, được xem là bản Tuyên Ngôn Độc Lập thứ hai của nước ta. Người viết vào năm 1427, thay lời Vua Lê Lợi, tuyên cáo chấm dứt kháng chiến chống Minh, và tuyên bố Đại Việt độc lập.
Tôi tưởng tượng, Người quắc thước giơ ngón tay trỏ lên mà rằng:
… Duy ngã Đại Việt chi quốc.Thực vi văn hiến chi bang. Sơn xuyên chi phong vực ký thù…
(Như nước Việt từ trước, vốn xưng văn-hiến đã lâu. Sơn-hà cương-vực đã chia…)
Hẳn lòng Người đã đau khi viết:
 
… Vì họ Hồ chính-sự phiền-hà, để trong nước nhân-dân oán bạn. Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược, bọn gian-tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung-tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai-vạ…
 
Rồi dõng dạc bảo với phương Bắc:
… Ta đây: Núi Lam-sơn dấy nghĩa, chốn hoang-dã nương mình. Ngắm non sông căm nỗi thế thù, thề sống chết cùng quân nghịch-tặc. Đau lòng nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa; nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối. Quên ăn vì giận, sách lược-thao suy-xét đã tinh; ngẫm trước đến nay, lẽ hưng-phế đắn-đo càng kỹ. Những trằn-trọc trong cơn mộng-mị, chỉ băn-khoăn một nỗi đồ-hồi. Vừa khi cờ nghĩa dấy lên, chính lúc quân thù đang mạnh.
… Đem đại nghĩa để thắng hung-tàn, lấy chí nhân mà thay cường-bạo.
… Giang-san từ đây mở mặt, xã-tắc từ đây vững nền. Nhật-nguyệt hối mà lại minh, càn-khôn bĩ mà lại thái. Nền vạn thế xây nên chăn-chắn, thẹn nghìn thu rửa sạch làu-làu.
… Vẫy-vùng một mảng nhung-y nên công đại-định, phẳng-lặng bốn bề thái-vũ mở hội vĩnh-thanh. Bá-cáo xa gần, ngỏ cùng cho biết. (Trần Trọng Kim dịch, vi.wikisource.org)
 
   Lời bài thơ khiến tôi vui như vừa được cho một món đồ gì rất ứng ý. Hôm ấy tôi làm việc với nỗi im lặng dìu dịu của nắng trời và, vạt nắng độc lập của Bình Ngô Đại Cáo bay ra từ pho sử xưa bập bềnh theo dòng nắng lòng những đứa con ly hương.
Thời gian trôi trong không gian chứa đựng hiện tại lẫn quá khứ, và, chưa biết đến lúc nào thì tôi thôi nghe nhịp tim chính khí âm vang…
Trời thu, dịu thơm về hơi biển xa. Tôi bước vội ra cửa. Bầy quạ đen đậu trên thềm xầm xập cánh bay lên. Đàn lá khuynh diệp xanh bạc trong nắng trưa. (viết vào mùa thu 2011)
*
   Năm 2014. Vào tháng 5, 6 lại hừng hực lên những cuộc biểu tình của người Việt Nam khắp nơi trên thế giới, đặc biệt lần này xảy ra rất mạnh mẽ tại Việt Nam, chống Trung Cộng đặt giàn khoan HD-981 tại Hoàng Sa.
   Giờ tôi đã nghỉ làm việc. Sáng nay, cũng mùi cà phê starbucks, tỏa đầy phòng khách và khi mở laptop tôi bỗng nghe như nắng hắt vào dậy sóng những áng thơ hùng khí còn nóng trong ký ức.
   Thời gian và hình ảnh như âm vang đám bụi bay lên khi tôi vỗ bụi một cuốn sách để lâu ngày không dùng tới. Bây giờ cũng đang thu, tôi nhìn qua cửa sổ, ngõ nhà đầy lá khô, thấy lòng vắng như vừa mất cái gì, có con quạ đen đập lá, rơi vọng câu thơ của Lý Bạch, Lạc diệp tụ hoàn tán / Hàn nha thê phục kinh… Lá rơi tụ rồi tan / Quạ đậu lạnh giật mình*… (*Thu Tứ của Lý Bạch – Trần Trọng Kim dịch.)
Santa Ana, Mùa thu 2014
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
(Trích trong tập tản văn Bóng Bay Gió Ơi của Nguyễn Thị Khánh Minh, NXB Sống, Hoa Kỳ, 2015)
  

Monday, January 15, 2024

THƯ GỞI BẠN XA XÔI

Đỗ Hồng Ngọc

Biển Lagi mùa Gió Bấc
 
GIÓ BẤC
 
Đi giữa Saigon
Phố nhà cao ngất
Hoa nở rực vàng
Mà không thấy Tết
Một sáng về quê
Chợt nghe gió bấc
Ơ hay Xuân về
Vỡ oà ngực biếc…
(Đỗ Hồng Ngọc)
 
Bài thơ nhỏ, thiệt thà, viết đã lâu lắm rồi, vậy mà bây giờ nhiều người còn nhớ. Báo Trẻ xuân năm nay, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp đã chọn đăng lại trong mục Thơ xuân…
 
Với tôi, Gió Bấc ớn lạnh xương sống y hệt cơn sốt rét rừng như còn đang hoành hành trong cơ thể gầy nhom của mình. Nó buốt. Nó nhọn. Nó xót… và nó lạnh dĩ nhiên rồi – với một đứa trẻ lên mười mỏng manh như tôi những ngày tá túc trong một ngôi chùa Tàu nghèo ở Phan Thiết- lộp cộp guốc xuồng gỗ trên con đường Gia Long rồi lang thang dọc bờ sông Cà Ty mà nghe mùi cốm mùi pháo…
 
Khi tôi viết bài Mũi Né, đã hơn nửa thế kỷ trước: Em có về thăm Mũi Né không/ Hình như trời đã sắp vào xuân/ Hình như gió bấc lùa trong Tết/ Những chuyến xe đò giục bước chân… (Mũi Né, ĐHN 1970), thì cũng lại gió bấc, thứ gió hình như ám ảnh người miệt biển quê tôi nhiều nhất.
 
Cho nên bây giờ muốn nghe Tết, muốn thấy Tết, thì tôi lại về Lagi, Phan Thiết để tìm Gió bấc khôn nguôi của tuổi thơ mình.
Mùa bấc, biển như sánh lại, sệt lại, đục hơn và sóng rát hơn, dữ dội hơn bao giờ hết. Bãi bờ bị xoáy toang…
 
Biển vắng hoe người
 
 
Lagifarmstay quen thuộc, mỗi lần về thăm quê.
Ở đó, còn một chút cho riêng mình…

 
Rồi từ Lagi tôi đi một mạch dọc biển về Phan Thiết, qua Mũi Né, Bàu Trắng, đến Phan Rí Cửa, rồi Long Hương, Cổ Thạch, thăm nhà văn Hồ Việt Khuê, Nguyễn Phương cùng các bạn vùng La Gàn, gặp lại thầy Huỳnh Đình Tám…
 
La Gàn (Long Hương) mùa Bấc thổi…
 
Thân mến,
ĐỖ HỒNG NGỌC
(1/2024) 

Friday, January 12, 2024

D Ấ U Đ Ê M. V À C H I Ề U R Ơ I C Ủ A H O A

Hoàng Xuân Sơn
 
The starry night by Vicent Van Gogh
 
*tặng Đinh Cường
 
sao có thể có được những người đẹp
như tranh
tôi chết theo tranh
và sự thật ngoài đời
những người đẹp [rỡ] như hoa

 
những chiếc phong
biêng biếc phi tần
đinh hương bín tóc. huệ nõn
trắng nuột vườn
tôi yêu vẻ thiệt thà cúc dại
thược dược tím ngời đóa vương tôn
ai. ôi ai. sao êm như nhung
hồn
mắt hớp hồn
ai yếu đuối
lả lơi sao lan ngọc dâng thiều
rộn ràng xanh lam phỉ thuý
sao có thể có cạnh cứa bùi ngùi
làm sao nghe
nhẹ
một đường
rơi
 
,
 
những sợi tóc thoảng gởi hương bồ kết
treo lên nhành lục huyền
lưỡi cắn gió
trùm môi nồng vị thở
và đêm
 
vang một cung đồ bí mật
suối mi ôm đàn
tiếng róc cành lá nhẫy
bóng sương loang miệt mài
thiêng về một ai âm hư cùng xao động hồ như
hoàng từ rực rạo
thở nhỏ nhoi. bùng
đóm lửa
ánh gợn hồng dục tú
miệng ngậm rồi thức mê
từ từ gương
mỏi
 
,
 
buông
thả
đêm trăng
cánh diều
 
)(
H O À N G X U Â N S Ơ N
7 avril 2015