Sunday, October 30, 2011


thơ nguyễn xuân thiệp




Mưa 

mưa mù sa. mưa tháng tám. hay mưa tháng năm
tôi đi. hồn cây. mưa hạ hay mưa mùa đông
em vẫn bên bờ kia. biển. mây. vàng nắng đậm
tôi nhìn trời. gọi một vầng trăng trổ bông

mưa từ đất rộng. áo em phai. mưa qua sông
mưa sài gòn. mưa ở đây. mùa new orleans
tiếng đàn trầm rụng. quán âm. cõi blues nức nở
khuya rồi. có tiếng sóng. và rừng xưa nước
                                                  mắt xanh

em có nhớ. mai kia. sẽ mưa trên hồ sen. trên
                                                  rặng nhãn
tôi làm cánh chim cổ tích bay ngược thời gian
em chơi nhảy dây. nhớ cột giùm đôi vạt áo thơ.
                                    con chuồn chuồn đỏ
vết đau ấu thời. chiếc kẹp tóc quên trên ổ rơm

khi xa tôi. trời mưa không nhỉ. thì cứ nói là
                                                      mưa đi
thêm chút mộng. người xa nước. lúc chia tay
                        những bông trúc đào. ướt tóc
rơi. mái hiên thưa. nhìn gì nữa. phố mưa
thấm trên trang sách. em ôm vào ngực. lỡ mai
                                         người không về

thì mưa
những guồng tơ quay. dưới mái nhà mây xám
mùa thu
rồi mùa hạ
tiếng ve khơi biển rộng
vỡ quá khứ. mù. tôi đi
qua những chiếc cầu treo. thiên niên kỷ tàng
                     tàng. nghiêng.  thành phố quạ
trở giấc tường vi. mưa ở đây. mưa từ rất xa.
                                                   rất xa


Khúc h.


                                                       Roger Ridley. "Stand by me"


uống cạn chén rượu này
xa. kia. đồi cỏ tía
chiều
màu của cơn giông. tàn úa. trong cây
lời cuối. lúc chia xa
bay từ hốc lửa
thư viện. giờ này đã vắng. tiếng đàn im. người đi qua cầu. một mình

đi qua
đi qua
tưởng tượng. chiều
trước thềm ngôi nhà ấy
ai đốt. những cánh hồng. khô
của tháng tư
cháy lên
màu nắng. còn đau. ký ức tôi
hay đi qua
khu chung cư trên đồi thông. những bậc đá. và cỏ lau
số 3. nguyễn trường tộ
thấy gì trên con dốc
ngọn đèn. ai thắp lên trong chiều
ôi. dã quỳ. xưa
đã chết

này. hành giả phương đông
đứng nhìn vầng trăng. rực cháy
trên nóc tòa nhà gold empire
hư ảo thời gian. mặt trời. và đỉnh núi tuyết
cất lên
khúc h. của những thành phố nắng quái. những cây
                          cầu bắc qua giấc mơ. kêu như chim của thời
                          chưa có sử

hoàng hôn
hãy là gã du ca. roger ridley. với cây đàn thùng
trên góc phố
santa monica. gào
khản giọng
stand by me. stand by me. o darling
tiếng đàn. và mái tóc. mắt của mặt trời chiều
hắt bóng. con chó nằm gác mõm
người đi qua
đồng tiền. rơi. trong nón
và. trẻ con. reo cười
ôi
chiều
santa monica

này em có nghe
em có nghe
khi trời nổi gió
tiếng của một nhà thơ. vang vang
những âm khô. rỗng
trong khu nhà trên đường magnolia
gọi về cơn mưa. em đứng khóc
gọi lại chuyến ô tô ray ngày ấy
ngọn đèn vàng. bến ga

hay hãy như
allen ginsberg. đứng trên quảng trường times
                             squares. mơ về times quares
tên da đen thổi điệu kèn. buồn. thổ huyết
lúc bình minh. 5 giờ sáng
người homeless ngủ. nằm mơ những vì sao

và khúc h.


Chiều. hải đào đỏ
nhớ lê uyên phương

ngày đi. cây hải đào rực đỏ
trong mắt tôi. mùa rợp cánh hải âu
kêu thét đậy. triều laguna. sóng vỗ
người ơi. chiều hải đào. tôi về đâu

ngôi nhà đó. vẫn tường vi mấy độ
bên chung trà. uống sớm mai nào
thoảng hương. một chút hồn siêu thực
và màu terre de chine. trăng blues xanh xao


khúc hát. những vì sao lạ mọc
trên tóc cây. dẫn lối anh về
quán cà phê buồn. vỉa hè. và gió
có dấu chân một người đã qua

đã qua. dạ khúc. tiếng đàn u hoặc
trời không mây. những mái nhà phơi
hồn du ca. hoàng hôn phủ kín
có nghe buồn từ thuở thơ tôi

này em. hãy đưa anh ra biển
bầy hải âu. kêu. kêu hoài
có không giấc mơ về lại
trong ly cà phê. kìa nắng phai

nắng sẽ tắt. và cuộc đời sẽ hết
như âm rụng vỡ. hài kịch điên
ánh đèn vừa lên. sau khung cửa
ai cười. chừng đã lãng quên

NXT



Tản mạn
bên tách cà phê


Nguyễn Xuân Thiệp 



Trời mưa,
có hai người che chung một chiếc dù



                                                           The Umbrellas by Renoir


                                                   Để nhớ Les Parapluies de Cherbourg
                                                     và những cơn mưa ở Đà Lạt ngày ấy. 

giọt mưa
mưa ngâu mưa ngâu
tròn xoe chiếc ô trên đầu

Ngày xưa đôi ta bên nhau
chiếc ô xoe tròn là bóng lá 

Ngày nay đôi ta xa nhau
vắng em anh nhìn từng góc phố
từng đôi uyên ương bên nhau
tròn xoe chiếc ô trên đầu

Và cơn mưa
mưa rồi sẽ tan đi trên trời đầy nắng gió
giọt mưa ngâu
hay là nước mắt ai nhớ nhau?


Tôi yêu ca khúc Mưa Ngâu của Thanh Tùng qua hình ảnh hai người che chung một chiếc dù đi trong mưa. Chuyện xảy ra trên một con phố nào đó ỏ Sài Gòn, Đà Lạt ngày xưa, hay ở Cherbourg tận xứ Normandie của nước Pháp, và ở Virginia hay Atlanta nữa -tại sao không? Ở đâu mà không có những cây dù đi trong mưa với hai mái đầu chụm vào nhau? Có thể giờ đây hai người đã xa nhau như trong khúc hát. Hay có thể mai này hai người rồi cũng sẽ xa nhau. Dù thế nào đi nữa hình ảnh hai đứa che chung một chiếc dù là hình ảnh của hạnh phúc, nó sẽ sống mãi tới đời sau. Vì trời vẫn mưa trên những con phố lá vàng.

   Vâng, xin nhắc lại: Trời mưa, có hai người che chung một chiếc dù. Đó là tựa đề một truyện ngắn của Trịnh Lan Hương đăng trên Phố Văn ngày nọ. Cái tựa đề khơi khơi ấy thế mà cũng đã làm cho lòng người viết bài này xao động. Trời mưa, có hai người che chung một chiếc dù. Đẹp, đẹp biết bao. Ai không từng ước mơ như cô gái trong truyện Trịnh Lan Hương đứng dưới mưa với chiếc dù màu đỏ thắm chờ anh chàng cùng sở đến đi chung. Nhưng tội nghiệp chưa, cô gái cứ đứng chờ trong mưa cho đến khi phố lên đèn. Những giọt mưa rơi xuống và vỡ như nước mắt rơi, như ảo tưởng của thời mới lớn. Thế mới biết mình có diễm phúc. Lần đầu tiên ấy, ở Đà Lạt. Đà Lạt, cũng như Seattle ấy, là xứ nhiều mưa, nhất là vào mùa hè. Năm ấy, đang tu nghiệp khóa trung cấp ở Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, những trưa những chiều cùng nàng  của tôi che chung một chiếc dù xuống phố khiến anh chàng Thái Tú Hạp cùng khóa trông thấy mà thèm, cứ khen nức khen nở. A, thì ra được che dù cho vợ đi trong mưa cũng là một hạnh phúc đó chớ. Nào, bạn có dám nói khác tôi không, nhất là trước mặt đấng hiền thê.
   Vâng, ai lại không thích che dù cho người yêu -thì vợ cũng là người yêu, chớ sao. Trở về buổi ấu thời của tôi và bạn thử coi. Thuở ấy ta mết con nhỏ cùng lớp có đôi mắt đen lánh. Tất nhiên, bé như cái kẹo ấy thì làm gì đã có dù với ô -có khi còn không có cả nón nữa kia. Vậy phải làm sao đây?  Xin hãy nghe Nguyễn Bính kể trong bài Phố Huyện Ngày Xưa:

Học trò trường Huyện ngày năm ấy
Em tuổi bằng anh lớp tuổi thơ
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ…
   Kìa coi, tình hết ý, phải không? Vậy mà có được đi bên nhau như thế mãi đâu. Tình thơ dại cũng tan mau như mưa bong bóng.  Nhưng đẹp và nhớ tới mãn đời.

   Vâng. Ai cũng muốn che dù cho người yêu khi trời đang trong sáng bỗng đổ cơn mưa mắc dịch. Nhưng đâu phải lúc nào ta cũng có sẵn cây dù bên cạnh. Vậy thì lấy gì che cho nhau đây cho khỏi ướt?  Bạn thử tưởng tượng xem. Một đêm trời mưa, mưa không ngớt, từ phi trường chàng đưa em về nhà bạn ở Houston bỗng đãng trí (?) lạc đường. Mà nàng lại kêu đói bụng nữa, thế mới chết tía tôi chớ. Và em nhất định phải kiếm cái nhà hàng nào ăn đỡ. May thay, thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Đang chạy trên freeway 59, bỗng nhìn thấy bảng hiệu Golden Corral  chớp nháy trong mưa. Mừng quá, bèn cho xe rẽ exit, quẹo vào. Mưa vẫn mưa bay… trên mui xe và trên sân. Làm sao đây?  Sẵn có mấy tờ báo khổ standard trên xe (mới thấy làm báo cũng có lợi chứ không phải toàn đói rách và bị chửi), bèn lấy giăng lên làm dù, cùng em chạy tọt vào quán Tóc ướt, vai ướt. Buổi crawfish đêm đó nhớ đời.



                                                          Les Parapluies de Cherbourg

  Như vậy đó, bạn ơi. Có thể ta dùng báo hay cởi áo ngoài ra che mưa cho người tình (nhắc lại, vợ cũng là người tình, chớ sao!) Nhưng đẹp nhất vẫn là che dù cho nàng và cả mình nữa cùng chui đầu vào, đi trong mưa. Đến đây, bỗng nhớ tới một cái phim xem hồi ở Đà Lạt. Les Parapluies de Cherbourg - Những Chiếc Dù Ở Cherbourg. Thanh Sâm người bạn quý cũng có xem phim này. Những hình ảnh trong phim đẹp ơi là đẹp. Mong sao trong những phút giây nhớ nhớ quên quên này, Thanh Sâm cũng được nhìn thấy lại những chiếc dù đủ màu bồng bênh trong mưa của thành phố Cherbourg. Đây là phim ca nhạc từ đầu tới cuối. Cả lời thoại cũng hát. Nghe hơi buồn cười. “Em đói bụng”, hay “Đây là chai lotion em mua cho anh. Anh nhớ mang bàn chải và kem đáng răng theo nhé. Cả dao cạo râu nữa”… đại loại những câu như thế mà cũng hát lên thì  nhịn cười sao được. Chàng và nàng yêu nhau ở thành phố ấy, và chàng lên đường nhập ngũ sang chiến đấu tận Algeria. Hai người chia tay nhau. Thời gian sau gặp lại thì đã lỡ làng hết ráo. Vui và cảm động, câu chuyện tình dưới những chiếc dù xanh đỏ ấy làm say mê những người trẻ tuổi. Chàng và nàng che dù đi trong mưa, ca hát. Cả thành phố cũng che dù đi trong mưa. Từ xem phim đó, mình có ước muốn là suốt đời được che dù cho vợ (cái này nói thiệt, dối bị thụt lưỡi) mỗi khi cùng nàng đi dưới trời mưa. Kìa sao giống Trương Vô Kỵ nguyện suốt đời kẻ lông mày cho Triệu Minh. Không dám đâu. Kẻ này vụng về, tay chân lóng ngóng, e kẻ thành đôi lông mày chống đối nhau thì chết bỏ bu. Cho nên, để chắc ăn, xin được suốt đời che dù cho vợ mỗi khi mưa trút xuống đe dọa làm ướt tóc nàng. Ở xứ sấm sét này, mưa nhiều như Đà Lạt ngày xưa, và nhiều lần đã được che dù cho vợ. Không tin, bạn cứ mở cửa xe tôi ra xem: lúc nào trong xe cũng có một cây dù lớn, màu đỏ như điên. 

NXT

Lưu Na


Chàng Phí




                                                     Tĩnh vật Nguyễn Trọng Khôi 


Trương Vấn có lần tri hô, chàng Phí vẫn còn mang theo mình những lỗi chính tả Bắc kỳ chính hiệu.  Mà thật là như vậy.  Chẳng những chàng mang theo mình lỗi chính tả của một thời, mà mang luôn cả vào chữ viết một làn hơi một giọng nói, của những ông già Bắc “cực kỳ,” Bắc thuốc lào sang sảng dùng nhiều chữ trẻ ranh không biết đâu mà lần.  Chữ của chàng có cái giọng lanh lảnh rổn rảng, ngoa ngoắt (xin cụ thứ lỗi), một chút (có vẻ nhiều hơn một chút rất nhiều) mỉa mai và kiêu kỳ của cái thuở rất xưa rồi mà mình chỉ tìm thấy trong văn bản.

Chàng là ai?  Mình chịu không biết được.  Chỉ là khi Trương Vấn hân hoan khoe bạn mới, bạn rất ly kỳ, thì cả mình và T.Vấn đồng thanh kêu “chàng Phí.”  Và mới hỡi ơi ra cái sự dốt của mình những khi đọc chàng.  Chàng biết nhiều và viết nhiều, nhiều lắm, như cái kho biết không cạn nên bồ chữ không vơi.  Chàng đọc suốt từ xưa đến nay, từ sách cho đến các trang mạng, từ các webs, blogs của bọn trẻ thời nay đến những “tàng kinh các” của những văn nhân thời một ngàn mấy trăm hồi đó…

Những cái chàng biết và chia sẻ một cách chua ngoa mỉa mai rất quý, nhưng mình thấy quí nhất là cách chàng viết, cái tài riêng của chàng: xỏ sâu mọi thứ kiến thức trong những lãnh vực khác nhau vào thành một chuỗi bằng cái giọng của riêng mình.  Có nhiều khi mình lạc bước, mình bị rối beng thần kinh vì những chữ chàng dùng.  Nó xưa và có hẳn một nghĩa riêng biệt mà muốn hiểu cụm chữ đó, con chữ đó, chẳng những phải hiểu nghĩa từng chữ mà còn phải hiểu nguyên do từ đâu ra chữ đó, biến thái ra sao… rồi mới hiểu chàng muốn nói gì ở chữ chàng viết xuống.  Tựa như khi đọc Chinh Phụ Ngâm.  Nhưng Chinh Phụ Ngâm là chữ Hán Việt và điển tích nên mới phải trích ngang, chứ chữ của chàng chỉ là thuần Việt.  Mà nào phải một vài chữ lẻ tẻ, đôi câu văn lác đác.  Nó là chàng, là cả bài viết của chàng, mọi bài viết của chàng.  Thoạt tiên mình hỏi ông anh T.Vấn, nhưng vài lần rồi thôi, cho qua phà.  Vì nhiều quá hỏi sao cho hết, mà đang đọc ngon trớn không muốn dừng lại ghi note tô màu gì cả, mất hứng.  Cứ ráng hiểu được bao nhiêu thì hiểu, thú được bao nhiêu thì cứ xem.

Nhiều lúc cái tôi của chàng nó đè cái điều chàng muốn nói.  Như nói chuyện cà phê cóc, hàng quán xưa đầu đường cuối ngõ…  Cái kiêu bạc bất cần oang oang của chàng nó đè hương cà phê lãng đãng của một thời sinh viên kính to tóc dài honda dame.  Nó đè hương cà phê dìu dịu buồn tênh mà những người phong sương khói súng về thành phố để tìm, mong dấu chút hồn lẻ loi vào hương dĩ vãng.  Hay khi nói văng mạng (lại phải xin lỗi cụ) về phở, chàng ngông như Tản Đà và bất cần đời hơn lính, mình thấy được Toan Ánh, thấy được dĩ vãng xưa, nhưng không nếm được nước béo hành trần.  Về cái ăn, có lẽ thịt cầy là món hợp với giọng chàng nhất, đặc trưng như mắm tôm riềng mẻ.  Mình cũng phải tốn 2 đồng rưỡi mua một miếng riềng về ăn mới thấy riềng nhất định không phải là gừng non như chàng nói.  Chắc mình đọc sai, hiểu lầm chàng rồi.

Nhưng chàng nói đúng hay sai, hay hay dở là chuyện để các bậc văn nhã bàn.  Mình chỉ cần biết, chàng cho mình cái thú đọc, và ngạc nhiên.  Mình chỉ cần biết, những ghi nhận đóng góp của chàng về những gì đã đọc đã nghe đã biết là những điều rất nghiêm cẩn và thiết tha.  Đọc chàng là đọc kiến thức lẫn tồn nghi, chữ của Nguyễn hiến Lê, là đọc một con người một văn hóa riêng song song với cái nội dung muốn chuyển tải, phần nhiều cũng là văn hóa, một thứ văn hóa bác học gói trong cách nói bình dân.  Vậy nên bây giờ mình ưng luôn cả những lỗi chính tả rất Bắc kỳ của chàng, và cảm ơn ông anh đã  để as is, vì mình đọc chàng và “thấy” được, literally, người xưa.  Trước kia nếu học văn chương văn hóa sử dù là bậc trung học hay bậc đại học mà nếu có ông thầy như chàng Phí không chừng mình đã đậu 4 bằng tú tài, đôi ba cái cử nhân rồi, không như bây giờ chỉ có nửa mảnh bằng Việt cộng (rất thân thương à nha).  Muốn mượn chữ của Thế Giang Thằng Người Có Đuôi mà thưa: lạy chén rượu lậu.  Những chữ này thật tình là không chắc hiểu đúng nghĩa, nhưng âm vang thật hay và với mình dường như chính xác với chàng Phí. 


Chợt giật mình, mình có lậm cái giọng của chàng không vậy?  Phải mau lui bước.


Lưu Na
10/24/2011



thơ đinh cường 

Chiều trở lại thăm Hồ Muối

                                            Tác giả bên Hồ Muối – Salt Lake City, Utah


chiều. đứng giữa mênh mông Hồ Muối
gió mặn. mấy cánh chim biển
bay về đâu. mãi miết
núi tím . Salt Lake City
ngày trở lại, trời nắng tốt
những con đường phượng vàng. mùa thu
rừng hoa quỳ vàng dại, nhớ Đàlạt, Pleiku
phố núi .
phố núi nào cũng đi lên đi xuống …
những đốm đèn như ánh mắt chong không ngủ
 chờ sáng mù sương lên .

xa lộ I 215 về hướng Ogden
chân trời rộng, núi vây quanh
những cột khói bay, đường ray xe lửa
chở những bồn xăng đi xuyên bang…

qua phố cũ, ghé cà phê Roasting
nhớ người bạn với cặp kính gọng tròn antique
Hoàng Ngọc Biên
những tháng năm đi lên đi xuống
trên phố núi này .

Salt Lake City
ngày tôi về thăm mộ mẹ
Redwood memorial, bên tàng cây phong gió lay
và chiều nay, bên Hồ Muối mênh mông
tôi như bóng chim
dấu nỗi buồn trong cánh …*

Café Starbucks, Bountiful, Salt Lake City
 26, Oct, 2011
 DC

* lời ca khúc TCS

Tản mạn
bên tách cà phê


Nguyễn Xuân Thiệp



Phở,
và mùa thu,
và tâm cảm người, và… văn học


   Mùa thu về. Nắng đã dịu và trời mát, đôi khi se lạnh. Thỉnh thoảng có mưa thưa và tiếng sấm chuyển bụng từ xa vọng lại. Chợt nhớ tới phở. A, cái này mới là cà chớn lộng ngôn đây. Mùa thu, người ta nghĩ đến một bếp lửa ấm, một chiếc áo len ai đó đan cho, một tấm khăn foulard (scarf) người tình mua tặng, một nửa khuôn mặt in trên vầng trăng. Hay một mùi hương. À, thì mùi hương… Đúng quá chứ còn gì nữa. Bởi nhà văn T. Vấn đã viết trên trang web của anh: “Mùi hương là chất xúc tác mạnh nhất để người ta nhớ lại quá khứ. Ông Mai Thảo đã có một tác phẩm làm nhiều người mê mệt mang tên “Để tưởng nhớ mùi hương”. Hương nào chẳng gây mùi nhớ. Hương hoa, hương nước (hoa), hương người, hương vật. Có người gọi chung là hương dĩ vãng. Hương phở không là ngọai lệ.” Và nhà văn T. Vấn nhấn mạnh, “đó là điều đầu tiên tôi cảm nhận được từ Phở Thiên Biên Ký Sự” của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng…”

  
                        Gánh phở - Bảo Huân vẽ lại từ một bức hinh trong bài in tren T.Van 

    Phở Thiên Biên Ký Sự… Nguyễn đọc cũng thấy mê, và nhớ tới phở -như đã nói trên. Mà mấy chữ “Phở Thiên Biên Ký Sự”  của nhà văn Ngộ Không nghe mới hách biết bao. Đọc văn của Ngộ Không, nhất là văn phở, mới thấy ông là người thông tuệ, giàu chữ nghĩa, có thể còn kiêu sa và khinh bạc hơn cả Nguyễn Tuân thời trước. Lại nữa, Ngộ Không còn là nghệ sĩ của ẩm thực, ông  sành ăn và có khiếu thưởng thức tinh tế (bằng cả năm giác quan - đặc biệt mũi và mắt và lưỡi –và cả những hồi ức tinh tế) những món ăn truyền thống như phở và… thịt chó. Ông có thể phân tích bằng văn phong đậm chất thơ và diễn tả như tả một bức tranh của trường phái ấn tượng. Đây, mời các bạn văn bên trời của Nguyễn cùng đọc: “Bát phở bốc khói nghi ngút, hít, nhìn, ghi nhớ và ăn, ăn mà tưởng như chưa ăn, như ăn một giấc mơ hoa. Mà như hoa thật, ông Vũ tẩn mẩn ngắm bát phở ra dáng như ngắm một bức tranh thủy mạc đầy mầu sắc, bên trong vành sứ lấp ló một tí trắng nõn của bánh, xanh đậm của hành ta, trắng ngần của hành hoa, vào cọng rau mùi làng Láng vênh lên như những nét vẽ mầu đậm nét quệt hơi quá tay, điểm một tí đỏ của ớt xăt mỏng như những nét chấm phá . Ông nhẩn nha từng miếng thịt tái ngọt lịm, từng lát gầu mầu trắng đục, những vân vàng nhạt chạy vòng vèo trông đẹp ra phết. Mà gầu luộc đúng mức thì mỡ tiết ra gần hết, trong suốt dẻo quẹo, nhai một miếng như dính vào hết kẽ răng, cái ngầy ngậy giòn giòn của miếng gầu nhưng cái vị béo thơm còn nguyên của một con bò đang sung sức.”
   Như thế đấy… Trong không khí se lạnh của buổi mới vào thu, không thể nào không nhớ phở, nghĩ tới phở. Nhất là sau khi đọc Phở Thiên Biên Ký Sự của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng. Đó là điều dĩ nhiên. Xin dẫn chứng thêm để các bạn của Nguyễn cùng hân thưởng: “Tái chín nạm giò vè, tiêu ớt rau thơm giá sống/ Sách gầu gân mỡ sụn, tương chanh nước béo hành trần…Thiên địa tù mù thì những bài viết về phở cứ ối ra cả đấy, so bì vơi những món ăn cổ truyền khác, phở sinh sau đẻ muộn nhưng núp bóng nhà thơ, nhà văn, phở đã khật khưỡng đi vào văn học sử nước nhà. Vì vậy trong những giây phút yên sĩ phi lý thuần, thi nhân nhìn bát phở như một người tình và nhả ra thơ cùng cũng chỉ là chuyện tất nhiên của đất trời. Rồi con đường tình ta đi, rồi ra phở cũng đã len lỏi đi vào ngõ ngách văn học dân gian trong chuyện đời thường, cùng những người dở hơi dở hám, chán cơm nhà quà vợ như chán cơm nguội, để có câu chán ăn cơm nguội thì ăn…phở. Chẳng nhờn môi nói chữ, bác cũng biết thừa mứa là “phở” đây hiểu theo nghĩa là rồi ra “Vợ cả, vợ hai – Cả hai đều là…vợ cả”. Hay lang thang với chữ nghĩa, dựa hơi theo cụ Nguyễn Tuân thì quả tình, chữ nghĩa của Ta hay thật, thưa bác…”
   Bây giờ, sau khi đã đọc và trích dẫn một hai đọan trong bài Phở Thiên Biên Ký Sự của Ngộ Không, thì Nguyễn có đủ đởm lược để khẳng định lại cái đề tài bài viết của mình Phở, và mùa thu, và… văn học.  Ôi. Cái chuyện "Thu năm nay tôi lại đi trên con đường vắng này..." hay "Hôm nay có phải là thu / Mây năm xưa đã phiêu du trở về' của thi sĩ Đinh Hùng -hoặc nữa, chuyện "Nhìn những mùa thu đi / Anh nghe sầu lên trong nắng " của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... chỉ là chuyện văn chương nghệ thuật, đôi khi chẳng có dính dáng chút xíu nào đến máu thịt của đời sống. Muốn cảm nhận thấm thía cái hồn và cái hậu của mùa thu đầy hương vị và sắc màu gợi cảm, e phải nhờ tới các ông nhà văn miền Bắc rặc ròng, không pha tạp chút xíu nào với các trường phái văn chương từ lãng mạn, siêu thực, tới hiện sinh và hậu hiện đại… Nguyễn muốn nói tới các ông Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nam Cao, Vũ Bằng... và Ngộ Không Phí Ngọc Hùng, chẳng hạn. Đối với các ông nhà văn miền Bắc này thì cứ mỗi độ thu về, nắng thu như mật ong, không khí thu tĩnh lặng, bứt rứt tay chân, xao xuyến ngẩn ngơ lòng, và.... đói bụng, là tự nhiên thấy thèm tô phở. Chỉ cần ngửi mùi phở từ cái bát chiết yêu bốc lên thôi... là mùa thu chung quanh chợt  tưng bừng, hiển lộng (hình như từ này của ông Mai Thảo?).

   Còn chuyện Phở và tâm cảm con người và văn học thì sao?
   Này nhé, xin các bạn cùng Nguyễn tưởng tượng chút xíu nhé. Và cùng đọc lại một đoạn viết năm nào của Nguyễn về phở. “Nói tới phở, tức là nói tới những gì thân thiết gần gũi nhất của đời sống. Nói tới tâm tình và văn hóa. Sao không? Ai không nhớ bát phở ăn hồi nhỏ, ở một góc phố nào đó khuất sau màn sương của trí nhớ. Bát phở của một gánh phở rong thơm lừng đường phố. Và qua màn sương vừa nói, lung lay ánh lửa của nồi nước lèo trong khuya. Rồi tiếng rao theo gió lạnh chạy dài trên khu phố. Tô phở ăn vào lúc khuya khoắt ấy trong đêm thu sang ngồi học bài, thấy nóng ấm cả người. Vị ngọt béo của nước phở, cay của ớt, nồng của hành khiến cơ thể và trí óc bàng hoàng. Hồi ức của tô phở hồi còn nhỏ tỏa ra ánh sáng của yên vui và hạnh phúc, điều sau này ít thấy trong đời. Sau này, qua cuộc “đổi đời” (chứ không phải “lên đời” như mấy ông bên nhà bây giờ hay nói), trên đường lưu lãng, phở và hồi ức về phở càng thêm nồng thêm ấm. Cho đến nỗi nhà văn Huy Phương -người cũng có tâm hồn ăn uống như Nguyễn- phải thốt lên: “Những ngày đi đâu ở xa về, qua một chặng đường dài trên máy bay, xuống tới đất, làm một tô phở là thấy tỉnh cả người. Mùi vị của phở làm cho người ta đói, và làm cho những người xa quê thấy nhớ nhà. Ở đất khách, nhiều vùng dân mình không tập trung đông đúc, người ta phải lái xe năm bảy chục miles để kiếm một tô phở, ăn cho đỡ... thèm”.
    Bây giờ tới phở và văn học. Quả thật từ hai phần ba thế kỷ nay, như ta đã thấy ở trên, phở đã đi vào văn học. Bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà báo đã viết về phở và con tiếp tục. Ở đây chỉ xin nhắc tới vài nhà theo Ngộ Không:
    Với “văn phở” của Vũ Bằng: “Nước  dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái  cay  của  hạt tiêu, cay cái cay của ớt. Thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ  cái  thơm  của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu  cái  thơm  của thịt bò tươi và mềm, rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng cứ ngọt lừ đi, ngọt một cách hiền lành êm dịu, ngọt một cách thành thực”.
   Và Thạch Lam: “Nếu là gánh phở ngon thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu dòn chứ không dai, chanh, ớt với hành tây đủ cả. Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa”…
   Đến Nguyễn Tuân: “Mùa  nắng  ăn  một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt lưng, thấy như  giời  quạt  cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt thắm tươi lại….“.
   Ăy là chưa kể còn nhiều đại gia khác viết về phở cũng rất lừng lẫy: Hoàng Hải Thủy, Văn Quang, Phan Nghị, Lê Thiệp, Song Thao, Trà Lũ… Nguyễn xin hẹn một dịp khác sẽ tản mạn về các vị này, nha thưa các bạn. 

    Ôi phở…
    Lúc này, nơi Nguyễn ở là 4, 5 giờ chiều. Trời nhiều mây, gió thu lành lạnh, lá vàng bay trên đường (nếu không có lá vàng thì cứ tưởng tượng ra, có chết thằng tây nào đâu mà sợ). Bụng chợt thấy đói. Bèn rủ bạn ra quán Phở Bắc ở ngã tư Plano-Beltline làm một tô chín gầu nước béo hành chần nóng hổi. Sướng ơi là sướng. Tô Thẩm Huy và Hoàng Khởi Phong còn nhớ chứ? Mùa thu và phở đấy, một bản ballad rộn ràng. Ôi phở! Ôi phở! 

NXT

Wednesday, October 26, 2011


Tagore & Tagore Festval



                                                                   Thi hao Tagore



                                                                Thi pham Tagore

Một đêm trời trở lạnh nhớ người, kẻ viết mấy dòng này vào website của Du Tử Lê gặp trang viết của Trần Dạ Từ về thi hào Rabindranath Tagore nhân trả lời thư của một độc giả. Cũng là người ngưỡng mộ Tagore, tôi vô cùng thích thú về những thông tin đọc được và xin chia sẻ cùng thân hữu bên trời. Cảm ơn, cảm ơn Trần Dạ Từ và Du Tử Lê. Nhân đây, xin được gởi một lời nhắn riêng tới Trần Dạ Từ: Tuyển tập ca khúc Nụ Cười Trăm Năm của anh và CD tiếng hát Khánh Ly là rất quý đối với tôi. Nhất là trong đó có ghi lời đề tặng thật đặc biệt của anh. Tôi xin giữ mãi và sẽ trao lại cho người thân yêu sau này.
NXT


                                                  Khanh Ly & Tran Da Tu. Photo Phan

Nga B. Nguyễn, Chicago viết: 
   Thưa thi sĩ, Hai năm trước đây, trong bài tựa của Trần Dạ Từ giới thiệu tập thơ Trần Nguyên Đán*, ông có nhắc tới thơ, nhạc của Rabindranath Tagore và những “Tagore Festival” được tổ chức hàng năm tại Mỹ, kèm theo lời hẹn là ông sẽ đến Illinois vào tháng Năm 2011 để dự Festival kỷ niệm 150 năm sinh Tagore.  Thời điểm ấy nay đã qua, lời hẹn chắc đã được thực hiện.
   Là người hâm mộ thơ R. Tagore,  lại đang sống ngay tại Illinois, nhưng xin thưa thật là tôi không biết gì về những Tagore Festival tổ chức tại vùng này. Tôi  cũng không biết gì về âm nhạc Tagore, ngoài việc nhớ từng đọc đâu đó rằng Tagore là tác giả hai bài quốc ca của Ấn Độ và Bangladesh. Xin ông vui lòng cho biết thêm về âm nhạc Tagore và về chương trình kỷ niệm 150 năm sinh Tagore mà ông đã tham dự. 
   Hy vọng nhờ sự chỉ dẫn của ông, tôi có thể tìm đến  festival này vào... năm tới. 
Xin cám ơn ông.  

Trần Dạ Từ trả lời: 

Thưa Ông/Bà Nga B. Nguyễn, 
   Xin thưa ngay để yên tâm: Không cần phải đi xa, Ông/Bà có thể ngồi nhà nghe ca khúc Tagore. Cũng không phải chờ đến năm tới, Ông/Bà có thể trực tiếp dự Tagore Festival ngay tại Chicago, và ngay trong tuần này – ngày 27 và 28 tháng 10, 2011. 

Xin chú ý 2 đường dẫn trong từng phần trả lời. 
   Trước hết, là chuyện âm nhạc. Không chỉ hai, mà có tới ba nước đã chọn ca khúc Tagore làm quốc ca.  Sau Ấn Độ, Bangladesh – từng được gọi là Đông Hồi -- nước thứ ba là  Sri Lanka, tức Tích Lan, một quốc gia Phật giáo. Năm 1938, theo yêu cầu của một môn sinh người Sri Lanka tên là Anand Samarkun, R. Tagore đã soạn bài hát “Sri Lanka Mata / Mẹ Sri Lanka”. Bài hát được Anand mang về nước, chuyển dịch lời ca ra ngôn ngữ riêng của Sri Lanka, và trở thành quốc ca từ 1953.  
   Trong lịch sử nhân loại đầy tranh chấp tôn giáo, việc ba nước tiêu biểu cho Ấn giáo, Hồi giáo và Phật Giáo cùng chấp nhận một tác giả quốc ca duy nhất là chuyện khó tin nhưng có thật.  Điều này đã được cả ba nước chủ nhà chính thức xác nhận  trong lễ chào cờ khai mạc World Cup 2011 hồi Tháng Hai vừa qua ở Mumbai. Từ giáo đường, hè đường tới phim ảnh Ấn Độ ngày nay, đâu đâu cũng  có nhạc Tagore. Trong số 2230 ca khúc của ông, có hàng trăm bài đã trở thành thánh ca, dân ca. 
    Xin mời coi ca khúc Tagore qua Youtube, bài “Pagla Hawa,” nhạc phim “Bong Connection”,   remix  kiểu Pop Dance với phụ đề Anh ngữ, theo đường dẫn sau đây: 
http://www.youtube.com/watch?v=5ALO4KexBS0&feature=related   
   Ông/Bà cũng có thể tìm đọc thêm phần giới thiệu khá đầy đủ về 5 loại ca khúc Tagore, trong sách “The Essential Tagore”. Với hơn 800 trang, đây là cuốn sách về Tagore bằng Anh ngữ đồ sộ nhất, vừa được Harvard University ấn hành năm 2011, để  kỷ niệm 150 năm sinh Tagore. 

Sau đây là chuyện Tagore Festival.
   Tagore là thi sĩ duy nhất của nhân loại đã tới sinh hoạt tại hơn 30 quốc gia ở khắp các châu lục, vào thời hàng không chưa phát triển.  Ông đáp tầu thuỷ từ Anh sang Mỹ ngày 28 tháng 10 năm 1912 và đến  thẳng Urbana, Illinois, nơi  có đại học nông nghiệp nổi tiếng mà ông từng gửi con trai sang theo học.  Tại đây, ngày 10-11-1912, Tagore là diễn giả tại nhà thờ Unitarian Church. (Chính nhà thờ này đã lập hội, hàng năm  tổ chức Tagore Festival. Từ 1989, National Historical Building của thành phố được đặt tên là Tagore Center).  Sang năm 1913, từ Urbana, Tagore lần lượt là diễn giả tại Chicago University, rồi Harvard University, tham dự  hội nghị quốc tế về tôn giáo, the Congress of Religious Liberals , tại Rochester... 
   Từ 1912 tới 1930, Tagore đã 5 lần tới Mỹ, đi khắp các tiểu bang nói chuyện, nhưng chính  Chicago là nơi đầu tiên tại Mỹ in thơ của Tagore.  Năm nay,  có hàng trăm buổi hội họp kỷ niệm 150 năm sinh Tagore tại hầu hết các thành phố lớn trong nước Mỹ,  riêng Chicago University tổ chức  Tagore festival đúng ngày Tagore đến Illinois đầu tiên, 27-28 tháng 10, 2011. Nhiều loại tác phẩm của Tagore sẽ được trình diễn tại đây, đặc biệt ngày 28-10, có Dr. Sebastian Klotz, giáo sư người Đức chuyên systematic musicology nói chuyện về âm nhạc Tagore.
   Như vậy, không cần phải bay 460 dăm đi Urbana, ông/bà có thể coi nội dung chương trình và ghi danh tại link sau đây:
http://lucian.uchicago.edu/blogs/tagoreconference/program/  

   Nếu vì lý do gì không kịp dự festival này, cũng xin yên tâm. 
   UNESCO đã chọn 2011 là Năm của Rabindranat Tagore  (1961- 1941). Ông không chỉ là thi sĩ, nhạc sĩ, mà còn là hoạ sĩ. Một bức tranh Tagore vừa được bán đấu giá 1.6 triệu đô la tại London. Một cuộc triển lãm hội hoạ Tagore, rồi tuần lễ điện ảnh về Tagore, đã khởi sự tại châu Á và sẽ tới Mỹ, chắc sẽ phải ghé Chicago, vì 2012 là kỷ niệm 100 năm Tagore đến Mỹ, và năm tới nữa, 2013 sẽ là kỷ niệm 100 năm giải Nobel Văn Chương đầu tiên cho châu Á.   

   Thưa Ông/Bà Nga, Trên đây chỉ là những thông tin cóp nhặt để chia xẻ, vì cho tới nay tôi vẫn chưa có dịp ghé Illinois, và cũng như Ông/Bà, đang chờ dịp để dự một Tagore Festival tại miền Tây nước Mỹ. Xin cáo lỗi trả lời chậm trễ và dài dòng. Kính chúc an lành. 

TDT
(Nguon: Dutule.com)  

*** 

GHI CHÚ:
* Chữ Nghĩa Của Đán, gồm 100 Bài Thơ Trần Nguyên Đán, Vietbook USA ấn hành 2009. Trần Dạ Từ viết tựa. Trích đoạn: 
“Lại nhớ R. Tagore. Phải, từ 1912 -một năm trước khi nhận Nobel văn chương đầu tiên cho châu Á- Tagore cũng từng mang những thơ, truyện ngắn và lời hát đến với nước Mỹ. Và cũng nước Mỹ này, từ lâu, có “the annual Tagore Festival” tổ chức hàng năm tại Urbana, Illinois. 
Ông Đán, Ông nghĩ sao nếu sau Boston, tháng Năm 2011, mình cùng đến Illinois, dự festival mừng sinh nhật thứ 150 của người thi sĩ ấy?”



thơ hoàng xuân sơn



t r ư a  t h ầ m

h ọ a  t h ấ t  đ i n h  c ư ờ n g,

c ù n g  t o ạ i



                                    Lê Thiệp, Hoàng Xuân Sơn, Trương Vũ, Ngô Vương Toại
                                                tại nhà Nguyễn Minh Diễm ở Virginia


về đây
ngứa cổ. ho khan
vào hôm se lạnh. tiết hàn. đương thu
bỗng dưng. nhớ quá. sương mù
nghe trời yểu điệu
vàng nhu áo quỳ
người thiếu nữ trên đồi. thi
cúi nhặt bông cỏ đang thầm thì. châu
đầu. lưng và lưng. mềm. đâu
con mắt suối ngả soi lầu dưới khe
về đây chợt bóng e dè
thấy đi mờ nhạt
ngoài kia
một mình

HOÀNG XUÂN SƠN
VA, tháng mười năm mười một



S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Ký túc xá



   
   “Sau khi đỗ tiểu học, tôi thi vào Trung -học. Những bạn của tôi ở từ các tỉnh tới, nói nhiều giọng khác nhau: Quảng - nam, Quảng -ngãi, Thừa -thiên, Bình – thuận, Ban- mê- thuột... Sau mỗi kỳ nghỉ Tết mỗi kỳ nghỉ Hè, lũ bạn đi học mang theo quà địa phương của mình. Bạn Quảng-nam mang theo khoai lang khô và bánh tổ, bạn Quảng-ngãi mang theo đường phổi, bạn Phan-thiết mang theo nước mắm nhĩ, còn rim mức, kẹo mè, bánh in, bánh cốm thì gần như không ai không có...
   Ngoài những bạn học người kinh, ký túc xá còn nhận những học sinh người Rhadé, những Y Bliêng, Y Phơm, Y Bih, R’om Rock, Nay Phin... Họ đồng phục kaki vàng và trao đổi trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Pháp... Những buổi chiều trong sân trường, Y Phơm hay biểu diễn môn bắn ná cho chúng tôi xem và mách rằng: “Thằng Y Bliêng đó, nó giầu lắm. Nhà nó có năm con voi và nhiều con trâu...
   Ở ký túc xá ăn, học, ngủ đều đúng giờ giấc nhưng khi thích chúng tôi vẫn lén nhẩy rào hay chun rào ra phố xem xi-nê...”
(Võ Hồng. Người Về Đầu Non. Sài Gòn: Văn, 1968).
   Nhà văn Võ Hồng sinh năm 1922. Hình ảnh những bạn học sắc tộc Rhadé của ông, hồi đầu thập niên 30 (“đồng phục kaki vàng và trò chuyện bằng tiếng Pháp”) ngó bộ bảnh bao thấy rõ và nghe cũng hơi có vẻ hoang đường!
   Hơn một phần tư thế kỷ sau, tôi mới chào đời. Đây cũng là thời điểm mà người Pháp đang buộc phải rời khỏi VN. Khi tôi bắt đầu chương trình trung học, vào đầu thập niên 1960, ở Đà Lạt, bạn cùng lớp cũng có nhiều người thiểu số nhưng không ai biết một chữ tiếng Tây nào ráo trọi. Chúng tôi trò chuyện, tất nhiên, đều bằng tiếng Việt.
   Các bạn người Thượng nhà ở rất xa, tận quận Đơn Dương hoặc Lạc Dương, cách trường đến vài chục cây số. Họ đều sống trong ký túc xá, ở cuối đường Hoàng Diệu, gần thác Cam Ly.
   Từ đây, nếu không có xe đạp, và muốn xem chiếu phim – ở rạp Ngọc Lan, Ngọc Hiệp, Hoà Bình – phải đi bộ hơn cả giờ đồng hồ. Vé vào cửa cho trẻ em tuy không mắc lắm nhưng vẫn là một số tiền lớn đối với lũ trẻ con. Chúng tôi thường chỉ chơi đá banh, hay bóng rổ, tại sân trường. Hai môn thể thao này không tốn đồng nào, và rất hợp với tính hiếu động của đám học trò.
   Tôi thân với K’Bien, H’ Bri, và Ya Ram. Ba anh đều lớn hơn tôi vài tuổi, đều rất khoẻ mạnh, và đều luôn luôn hơi có vẻ ngơ ngác như ba chú nai tơ giữa sân trường. Chúng tôi bao giờ cũng ở cùng phe, trong bất cứ cuộc chơi nào, và luôn luôn là phe ... thắng cuộc.
Trong việc học tập chúng tôi vẫn ở cùng phe nhưng là phe thất bại. K’Bien, Ya Ram và H’ Bri không phải là những học sinh xuất sắc. Tôi cũng vậy. Cả ba anh đều siêng năng, chịu khó làm bài. Tôi thì chăm chỉ ... “cóp” lại của cả ba. Họ chả bao giờ được điểm cao. Tôi, tất nhiên, cũng thế!
   Thỉnh thoảng tôi có ghé ký túc xá của K’Bien, Ya Ram và H’ Bri chơi. Đây là một toà nhà lớn, kiến trúc mô phỏng theo kiểu Nhà Rong ở Tây Nguyên nhưng cột chống xây bằng những trụ ciment hình vuông và lợp mái đỏ au.
   Ba anh đều không có phòng riêng nên chúng tôi hay tha thẩn vào rừng, đốt một đống lửa nhỏ (theo thói quen của người miền núi) rồi ngồi quanh tán dóc. Nói cho chính xác thì chỉ có mình tôi tán (dóc) K’ Bien, H’ Bri, và Ya Ram chỉ chăm chú nghe, thỉnh thoảng mới điểm chuyện bằng những nụ cười hiền lành hay thích thú.
   Món quà tôi mang đến cho bạn thường là kẹo Nougat và bốn điếu thuốc lá hiệu Ruby Queen. Gía bán lẻ của loại thuốc này, vào thời điểm đó, là 3 đồng 4 điếu. Thiệt là vừa vặn.
   Rồi tôi bỏ học ngang để đi ... Tây nhưng đi không tới. Có người hàng xóm, quê ở Tân Châu (Châu Đốc) nói với tôi rằng nhà ông ấy sát cạnh biên giới. Từ đó, có thể “bò”qua Cao Miên dễ dàng như chui rào qua nhà hàng xóm. Tôi sẽ bị bắt và bỏ tù vì tội nhập cảnh bất hợp pháp. Thời gian giam giữ ngắn thôi, và khi được phóng thích, tôi có thể xin họ trục xuất mình ... qua Pháp! “Vì Cao Miên là một quốc gia trung lập nên em xin đi đâu cũng được.”
  Tôi không đủ khôn ngoan để hỏi xem: tại sao thể chế của một quốc gia trung lập lại cho phép nhà cầm quyền trục xuất người nhập cảnh bất hợp pháp, qua một nước thứ ba (dễ dàng) như ném đồ vào thùng tác như vậy? Tôi cũng không rõ tại sao mình lại có “nhu cầu” phải ... đi đến tận bên Tây lận?
   Tôi chỉ nghe ông Cung Trầm Tưởng nói lại là “Trời mùa Đông Paris, suốt đời làm chia ly,” nên háo hức muốn ghé (qua) coi chơi cho biết – thế thôi. Vậy là tôi chôm hai lượng vàng của mẹ để thực hiện chuyến đi (giang hồ vặt) đầu đời.
   Chúng tôi đến Châu Đốc khi ngày vừa tắt nắng. Từ đây, về tới nhà ông hàng xóm – ở Tân Châu – phải đi bằng đường thủy. Ngay khi vừa ngồi trên trên chiếc tắc ráng, lênh đênh trên sông Cửu, tôi đã hình dung ra ngay cảnh ... Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy:

Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người
Nhìn về đường cố lý
Cố lý xa xôi
Đời nhịp sầu lỡ bước
Bước hoang mang rồi ...
Quay lại hướng làng
Đà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Mái tóc tuyết sương
Mong con bạc lòng ...

   Mẹ tôi, may mắn, không đến nỗi phải mong con đến “bạc lòng.” Chuyến thăm nhà của ông hàng xóm thành công tốt đẹp nhưng giấc mộng hải hồ của tôi thì không. Sau vài ngày sum họp gia đình – mời bà con láng giềng, anh chị em, chú bác nhậu không ngừng (và tưng bừng) để mừng đoàn tụ – vào một đêm tối trời ổng dắt tôi ra hè sau, chỉ tay vào khoảng không, nói bâng quơ:
   “Đó, cứ theo hướng này đi chừng tới sáng là qua tới bên bển. Có điều tui nghe nói lúc này tình hình hơi căng thẳng nên chú em phải thận trọng chút xíu.”
   Để minh hoạ cho “tình hình hơi căng thẳng” giữa hai quốc gia Miên/Việt – thỉnh thoảng – một quả hỏa châu lại loé sáng trong đêm, cùng với những tràng đạn nổ vu vơ ở xa xa. Tôi lạnh cẳng nên đổi ý.
   Sau khi tiêu xài đến đồng bạc cuối cùng của hai lượng vàng vừa bán vài tuần trước, tôi thất thểu trở về ... mái nhà xưa. Bố mẹ tôi mừng còn hơn tìm lại được một ... viên kim cương thất lạc! Tôi cũng trở lại trường cũ nhưng thầy hiệu trưởng, rõ ràng, không mừng vui gì cho lắm. Ổng quyết định cho tôi thôi học vì vắng mặt nhiều ngày không xin phép:
   “Trường chớ bộ chợ sao mà trò muốn tới giờ nào thì tới."
   Từ đó, tôi không bao giờ có dịp gặp lại những người bạn cũ. Tính tôi lại chóng quên nên hình ảnh của K’Bien, Ya Ram và H’ Bri cứ nhạt nhoà dần rồi biến mất luôn không biết tự lúc nào.
   Gần nửa thế kỷ sau, khi tóc đã điểm sương – có bữa – tôi tình cờ chợt nhìn thấy lại những gương mặt quen thuộc, trông y như những người bạn cũ của mình, vào thưở ấu thời, qua một thiên phóng sự bằng hình (Sự Học Ở Vùng Sâu Vùng Xa) của nhóm phóng viên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần – số ra ngày 1/6/2011.
   Tôi biết hoàn cảnh sống không sáng sủa của những đồng bào thiểu số ở đất nước mình dưới chế độ mới nhưng không thể hình dung ra được là con cháu của K’Bien, Ya Ram và H’ Bri ... phải chịu cực khổ đến thế chỉ vì mong muốn được cắp sách đến trường – theo như nguyên văn lời tường thuật của bài báo thượng dẫn:
   “Chúng tôi đến xã Mường Lý khi địa phương này đang mùa giáp hạt. Xã hiện có gần 300 học sinh tiểu học, THCS phải trọ học tại trường - đông nhất huyện. Bữa ăn trưa của các em Vàng A Sự, Vàng A Tu, Vàng A Mỵ ở căn lều trống hoác cạnh Trường THCS Mường Lý chỉ có cơm với muối trắng, chan nước lạnh.
   Mỗi tháng em phải về nhà hai lần lấy gạo - Sự kể - Tụi em tự kiếm thức ăn, đứa nào nhà khá thì có thêm một, hai chục ngàn mỗi tháng để mua vài con cá khô, đậu phụ cải thiện. Ở nhà bố mẹ và các em vẫn phải ăn độn ngô, sắn, bạn em nhiều đứa không đủ gạo ăn. Nhưng chúng em chỉ có con đường học thôi.


                                            Giờ ăn ở ký túc xá Lồ Sử Thàng (Lào Cai)
                                                               - Ảnh: Hoàng Điệp

   Thầy Nguyễn Văn Hà, Trường THCS Mường Lý, kể: ‘Cuối tuần, thầy trò chúng tôi lên rừng đào măng, hái rau dại, trứng kiến để các em cải thiện bữa ăn’. Sống ở lều tạm, thầy trò ở đây còn lo mùa mưa thì lũ quét, lũ ống hất lều xuống sông Mã, mùa khô thì nguy cơ cháy rình rập, bởi các túp lều làm bằng tre, nứa lợp lá, nằm sát nhau rất dễ bắt lửa.”
   Nhìn hình ảnh những ký túc xá ở Việt Nam, bây giờ, khiến tôi liên tưởng đến quãng đời học trọ của nhà văn Võ Hồng (hồi đầu thế kỷ trước) mà muốn ứa nước mắt:
   “Sau khi đỗ tiểu học, tôi thi vào Trung -học. Những bạn của tôi ở từ các tỉnh tới, nói nhiều giọng khác nhau: Quảng - nam, Quảng -ngãi, Thừa -thiên, Bình – thuận, Ban- mê- thuộ t... Sau mỗi kỳ nghỉ Tết mỗi kỳ nghỉ Hè, lũ bạn đi học mang theo quà địa phương của mình. Bạn Quảng-nam mang theo khoai lang khô và bánh tổ, bạn Quảng-ngãi mang theo đường phổi, bạn Phan-thiết mang theo nước mắm nhĩ, còn rim mức, kẹo mè, bánh in, bánh cốm thì gần như không ai không có...
   Ngoài những bạn học người kinh, ký túc xá còn nhận những học sinh người Rhadé, những Y Bliêng, Y Phơm, Y Bih, R’om Rock, Nay Phin... Họ đồng phục kaki vàng và trao đổi trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Pháp... Những buổi chiều trong sân trường, Y Phơm hay biểu diễn môn bắn ná cho chúng tôi xem và mách rằng: “Thằng Y Bliêng đó, nó giầu lắm. Nhà nó có năm con voi và nhiều con trâu...
   Ở ký túc xá ăn, học, ngủ đều đúng giờ giấc nhưng khi thích chúng tôi vẫn lén nhẩy rào hay chun rào ra phố xem xi-nê... ”  

   Người lính Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam vào ngày 28 tháng 4 năm 1956. Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng chính sách cai trị hà khắc, và chủ trương ngu dân của chủ nghĩa thực dân, vẫn còn để lại ít nhiều căm phẫn trong tâm khảm của dân tộc Việt. Mai hậu, chúng ta cần phải “bao lâu” mới có thể quên được hết những tội ác (tầy trời) mà chủ nghĩa cộng sản đã gây ra trên đất nước này?

TNT







Thận Nhiên 

mưa giàn giụa mặt một người ở thác 


  

tôi băng ngang nửa vòng trái đất, tám mươi
                                 cây số và một con sông
thấy anh tóc râu như người tiền sử
như loài voi cô độc về già
tìm cho mình một nơi quạnh quẽ
tôi không dư nước mắt khóc thêm lần nữa
không là gió ngang trời, là chim ngứa cổ, là mây
phiêu bồng, tráng sĩ, hào sĩ, lãng tử, thiền sư...
chúng ta là những đứa vô tích sự
la cà lêu lổng chốc lát ở đời sống này
trót dại gieo vào lòng nhau
chút chiêm bao, mộng hão

tôi nhớ người con gái yêu thơ anh năm 1982
áo dài xanh hát thánh ca ở nhà thờ họ đạo
anh đội lệch mũ lưỡi trai
                    lê guốc mộc
cầu Chúa hằng ngày cơm rau dùng đủ
những cô gái yêu thơ đừng lấy chồng
và đẹp hoài cho thi sĩ làm thơ

vậy mà thoáng mười bảy năm
cái chết chạm vào anh ba lần ở nhà thương thí
anh nằm chơi đùa với mấy que diêm
chơi đùa với trí tưởng tượng
như một ông hoàng hào hoa khoác áo choàng đỏ
đắm say ca ngợi tình yêu
ca ngợi khói, mưa, đất, lá...
ca ngợi những điều không ai mua lấy một xu
ở thời niềm tin không thể đặt vào đâu
anh chọn những câu thơ làm định mệnh

ngày Bình đứng trên đỉnh Eiffel
Paris, giấc mơ ngông chung thời trẻ
nhớ anh nhớ tôi nhớ bạn bè
cả những thằng không kịp gọi tên
giấc mơ không thực hiện
giấc mơ còn là giấc mơ
ngày hắn đứng đó
Paris đầy mưa bụi
mưa tạt về căn phòng tôi ngụ ở Seattle
mưa tạt về những thằng bơ vơ ở Sydney
mưa giàn giụa mặt những thằng nheo nhóc ở Sài Gòn
mưa tạt về căn chòi lá bên dòng La Ngà
căn chòi cất trên chạc cây
nơi anh viết những câu thơ sang trọng
lóng lánh chữ trên vỏ bao thuốc lá
trên những mẩu giấy loại
lóng lánh là máu chiết từ tim

ở căn chòi lá trên chạc cây bên dòng La Ngà
sao anh nghe sóng vỗ những đại dương?
nhưng tôi nghe âm u thác dội về khuya
tôi nghe mưa dột trên cây đàn bung keo, mưa dột
trên nắp vung nồi cơm ăn nguội
mưa dột trên các phác thảo dở dang
mưa dột sũng chữ nghĩa
mưa dột lên chỗ ngủ
mưa dột lên đời anh, đời hắn, đời nó, đời tôi
tôi chạy ngược tám mươi cây số về Sài Gòn
qua một con sông qua một đại dương
thấy trái tim mình là chiếc xe đò già nua chở quá tải
thấy anh
con thú già cô độc trên triền chiều thiên kỷ

lửa nhóm hắt hiu

TN

Tản mạn bên tách cà phê

Từ mùi dạ lý hương nồng nàn…
đến nắng khét tóc trên quảng trường thời đại


Nguyễn Xuân Thiệp




                                                                Chieu Anh Nguyen

Con phố gầy
Những bóng cây xô nghiêng
Mùi dạ lý xoáy vào giác quan
đòi chết
đòi tẩm liệm một ngày khô hạn
không hình hài

căn phòng lơ lửng tổ chim
treo bấp bênh mùi dạ hương cồn cào
thả dốc
con phố lặng mùa mưa chưa hiện thực
nhớ một người
nằm ốm chênh vênh

                                (thơ Chiêu Anh Nguyễn)

   Chiêu Anh Nguyễn… Tôi không biết cô, không quen cô. Chỉ thấy hình cô trên các trang web với mấy dòng ghi chú sơ sài. Tên thật Nguyễn Chiêu Anh Phượng, sinh năm 1978 tại Sài Gòn. Hiện đang làm việc và sinh sống trong thành phố. Phải nói rằng cô đẹp, giàu cảm xúc, tinh tế. Không làm dáng, thơ cô có những nét bạo, đôi khi thô mộc nhưng  đẹp. Tôi yêu mùi dạ lý hương của căn gác cô và những hàng cây nghiêng bóng. Tôi yêu cả con hẻm hè phố nơi cô nhớ một người về trong tiếng mưa hãy còn rất xa và mơ hồ. Mùi dạ lý có giúp gì cho chuyện này không, có đuổi kịp hơi thở hồi xuân của người nữ ngoài ba mươi tuổi. Còn nữa, mùi khói thuốc trên những ngón tay vàng lùa vào mái tóc khuya, im. Lúc đầu mới đọc…  mùi thuốc lá đượm mười ngón tay / vàng đến tận đêm khuya / ướp luôn vào tóc / ướp tuổi ngoài ba mươi rạo rực… tôi cứ ngỡ là mười ngón tay của chàng lùa mùi khói thuốc vào tóc cô gợi lên những đam mê cháy bỏng. Nhưng không, đó là những ngón tay của cô vàng và nồng khói thuốc. Cô từng qua những buổi sáng ở quán cá phê, nhìn vệt nắng loang trên mặt bàn và lấp lánh trên những chùm bông giấy, và rồi chấm dứt một buổi sáng với điếu thuốc mild seven và ly café đắng. Với cô, tình yêu cũng cuồng nhiệt như mưa nắng Sài Gòn:    

Đặt tay lên ngực
anh
em muốn nghe hơi thở
nóng rực từ tim
áp sát hơn nguồn sống qua em
mùi đàn ông trong anh (có lẽ)
ướp em đến vài ngàn năm trước
nồng nàn mật ngọt
(em liên tưởng những chú ong cần mẫn)




                                                             Biểu tình trong mưa

   Như thế đó, Chiêu Anh Nguyễn với tất cả đam mê và tấm lòng trong trắng, cũng là người yêu nước nồng nàn  như bao người trẻ tuổi khác ở Sài Gòn hiện nay. Và cô làm thơ, những bài ca cho đất nước, chất vấn những tên khốn kiếp lãnh đạo hiện nay. Không phải là loại thơ thời thượng như từng đọc thấy trên các trang web. Đúng như nhận định của Thận Nhiên, “Đây không phải là những bài thơ yêu nước theo kiểu phong trào, để cổ vũ hời hợt, mà là những tâm tình, đau đớn rất thật của những người trẻ trước thực trạng đất nước. Họ đang làm văn chương ư? Không, không chỉ có vậy. Họ đang định nghĩa lại và nhận diện thực trạng của đất nước hôm nay.”  Trong bài “Đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước”, Chiêu Anh Nguyễn đã tự vấn “Mi có đủ can đảm để cầm súng khi đất nước lâm nguy / Mi có đủ gan dạ để bước đi không do dự khi lãnh thổ VIỆT NAM bị đe doạ bởi lũ ngoại xâm tham lam hèn hạ”. Và cô tự trả lời:

Tối thấy mình mỉm cười gật đầu thanh thản
Có lẽ đó là lòng yêu nước
Tôi tạm an tâm với mình

   Rồi cô cho biết:

Hôm xuống đường
Những người bạn tôi
Những người quen sơ
Và cả những người chưa hề biết mặt
Tất cả đều chung một khí phách
hừng hực
Tôi gọi đó là lòng yêu nước

   Thế nhưng khi đối diện với rào chắn, dùi cui, bạo lực bẻ tay bẻ cổ, đạp vào mặt người, đe dọa, khủng bố… thực tế lại không hoàn toàn như mộng tưởng khiến cô phải tự hỏi:

Tôi đang thể hiện lòng yêu nước
Trên lãnh thổ mình
Hay tôi là kẻ di dân
Nhận lấy phần của quê hương kẻ khác

   Cô tự hỏi mình mà chính là thống trách lũ cầm quyền cúi đầu khiếp nhược trước kẻ thù mà tàn bạo đối với dân mình. Cuối cùng cô phải bật lên một câu xé lòng:

Bây giờ
Xin đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước
Có lẽ
Tôi sẽ phải cúi đầu bật khóc

   Những ý nghĩ và tình cảm trên là có thật. Chiêu Anh Nguyễn đã tham dự, đã có mặt trên quảng trường nắng cháy da cháy tóc và cô cất lên tiếng nói chân thực của mình, tiếng nói của những người trẻ hôm nay, hướng về đất nước. Đó là tiếng nói nhận diện, tiếng nói tố cáo. Nhận diện bộ mặt của kẻ thù, tố cáo sự vong ân bội tình của chúng. Như trong bài “Điều chúng tôi muốn biết”

ngả giá cho tư tưởng buôn thần bán thánh
thắp nhang bàn thờ một hình nộm
nực cười
dẹp thượng đế vào xó bếp
đặt lên đầu một kẻ ăn tươi nuốt sống sự thật
con dân phải trả giá thay cho những điều ấy?
và tai ương và lầm than và những lời nguyền trút xuống
đất nước này chưa một ngày bình an

   Tới đây, có lẽ phải đổi lại đôi chút ca từ của TCS, “gia tài của mẹ một bọn du côn, gia tài của mẹ một lũ bội tình”.  Và xin hãy cùng nghe tiếp

những linh thiêng ngàn năm
bỗng chốc thành khói bụi
thế kỉ đã sản sinh cho giống nòi một lũ bội vong
phá đền đài
đập bia ca ngợi anh hùng
có nơi nào đắng cay hơn


   Thơ của Chiêu Anh Nguyễn, những bài ca yêu nước, là tiếng nói không thể dập tắt. Làm sao dập tắt được tiếng nói của hàng triệu người tóc xanh long đầy nhiệt huyết. Làm sao dập tắt được cơn giông phẫn nộ kéo qua bầu trời và mặt đất từng thấm đẫm máu cha ông. Thơ của Chiêu Anh Nguyễn, những bài ca đất nước, có thể khiến cô phải mang lụy. Nhưng cô đã chấp nhận từ khi bước xuống quảng trường nắng cháy cùng với bạn bè của cô.

   Cuối cùng, điều khiến chúng ta yêu Chiêu Anh Nguyễn là từ mùi dạ lý hương của một ngõ phố chật hẹp khuya khoắt tới quảng trường nắng cháy tóc cháy da, cô vẫn chỉ là một người, sống tới tận cùng giọt máu trong tim, nồng nàn và mãnh liệt. 

NXT