Saturday, September 30, 2017

TÔI CÙNG NHÀ THƠ NGUYỄN XUÂN THIỆP


Hồ Đình Nghiêm

Nguyễn Xuân Thiệp.
Photo Bảo Huân. 2015

Tác phẩm

Tựa ở trên, tôi vay mượn từ thi tập từng gây tiếng vang “Tôi Cùng Gió Mùa” của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Trước tiên cho tôi được bày tỏ đôi điều: Anh tôi, Trung Tá. Bắt đi học tập cải tạo tận ngoài Bắc. Giống các cựu quân nhân khác, anh sang Mỹ nhưng chọn sống ở một thành phố nhỏ, ít đồng hương, thầm lặng. Biết em mình có viết văn, anh cho hay nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp từng là bạn học chung lớp đệ Tam ở trường Quốc Học, Huế. Kể điều này ra chỉ để xác nhận, với tôi nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp đúng nghĩa là một người anh. Thơ anh làm từ dạo tôi còn là một cậu bé khờ khạo.
“những câu thơ anh viết
dài theo đường chim bay
cũng là bông tường vi
sáng nào em đã hái”

Lớn lên tôi vẫn đi sau lưng anh, mơ có lần được hái nụ tường vi. Tôi biết anh không mấy thích trả lời những cuộc phỏng vấn. Vậy thì chỉ xin hiểu cho những “tâm sự” được ghi lại dưới đây thuần là buổi chuyện trò bình thường giữa hai anh em chúng tôi. Nếu có sai sót xin anh Nguyễn Xuân Thiệp vị tình và các độc giả khoan thứ.

Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Kính chào anh Nguyễn Xuân Thiệp. Hình như anh vừa có chuyến đi dài, sang tới Virginia?

Nguyễn Xuân Thiệp (NXT): Thân chào nhà văn Hồ Đình Nghiêm. Đúng vậy. Đầu tháng 7, mình có qua Virginia một tuần lễ. Đã hơn hai năm rồi mới có dịp trở lại đây. Những con đường rợp bóng cây, phố xá, nhà cửa và cả con người dường như không có thay đổi. Duy chỉ bạn bè nhiều người không còn nữa: Ngô Vương Toại, Nguyễn Minh Diễm, Đinh Cường…   

HĐN: Trước đó, anh có làm bài thơ cảm động “Sắp đi Virginia. nhớ Đinh Cường”. Thưa anh, đến một nơi biết thiếu mặt bạn, hẳn chuyến đi của anh mất vui phần nào? Anh có nhặt được một kỷ niệm tinh khôi chốn nhiều cây xanh bên ấy?

NXT: Tình bạn mình và Đinh Cường qua hơn nửa thế kỷ. Biết nhau từ thuở tóc còn xanh cùng viết báo Đời Mới qua bao nhiêu chặng đường đời, sáng và tối, êm ả nhẹ nhàng rồi bùng lên đổ vỡ, chết chóc, chia ly. Sài Gòn, Đà Lạt, rồi California, Virginia… Những nơi mình và Đinh Cường thường có mặt bên nhau –ăn uống, chuyện trò, rong chơi, làm thơ, vẽ tranh… Nhân đây xin đăng lại bài thơ đã viết cho Cường cùng lúc với bài viết cho Mai Thảo trong một tựa đề chung ‘Hoa Bluebonnets và Nắng Thơ Tôi’

BÀI ĐINH CƯỜNG

đâu rồi. cụm hoa bluebonnet
của mùa xưa. giờ vùi trong tuyết
bạn nhìn phương đông. cây phong du
gió lay. hồn còn neo bóng nguyệt
kiếp bạn vẽ tranh. tôi làm thơ
dẫu thân đã khô. đời đã kiệt
hư ảo. lưng trời đàn sếu qua
mùa đông rồi. chúng đi trốn rét
bạn trốn đâu. a. tôi trốn đâu
chui vào tranh. vào thơ. láo hết
đốm lửa vẫn cháy nơi quê xa
những hồn không nhà. đau kể siết
thôi cứ co ro. hè phố người
bao giờ mùa hoa bluebonnet
bạn đến tôi. rót rượu lên trời
có nắng vàng. màu nắng thơ tôi
vào đông 1997

… Và còn rất nhiều bài nữa -trong Thơ Nguyễn Xuân Thiệp và Thơ Mạn Đà La- đếm ra không dưới mươi bài. Với mình, những bài thơ đó là chân tình, cảm xúc nghệ thuật xen lẫn nỗi đau. Đinh Cường mất đi, anh em bạn bè thấy trống vắng nhiều lắm. Thiệp này, mỗi lần qua Virginia là qua với Đinh Cường. Anh em thường gặp nhau ở nhà Phạm Cao Hoàng, nhà Trương Vũ, Sài Gòn Quán, hoặc Starbucks… Nay qua không còn Cường nữa, hỏi có buồn không. Tuy vậy, trong trí tưởng lúc nào anh em cũng thấy có Đinh Cường bên cạnh, cùng nhau nâng ly rượu đỏ hoặc đọc đôi câu thơ lưu lãng.

HĐN: Tôi không thích so sánh, nhưng luôn mang một ý nghĩ: Đọc thơ anh tôi như đứng trước một bức tranh êm đẹp đầy sắc xanh của hoạ sĩ Đinh Cường vẽ cảnh Huế mơ mòng (chữ của Bùi Giáng) hoặc Đà Lạt đầy sương ẩn hiện những hoa dã quỳ. Nói rõ ra, anh bước vào thế giới hội hoạ bằng lối đi khác.
“chỉ còn thời gian
mái tóc em
thân thể em
đầy hồn
sẽ trổ bông mùa cuối
dẫu ta không nhìn thấy nhau”

Bài thơ là một bức tranh. Anh có nạt nộ thằng em từng học qua mỹ thuật khi hắn lỡ ví von tựa thế?

NXT: Đặng Tiến viết về Tôi Cùng Gió Mùa của Nguyễn Xuân Thiệp có đưa ra nhận định khi nói về những bài thơ làm ở Mỹ “bây giờ hình ảnh mới lạ, trực tiếp, như một bức tranh hội hoạ hiện đại”:

Tháng chín cơn mơ nào ở Oklahoma
thoảng mùi tử đinh hương
quanh trời sấm dội
con chim màu đỏ trở về
một mình, đứng hót trong mưa
(1997, tr.168)

Và còn nữa:

em có nhớ. mai kia. sẽ mưa trên hồ sen. trên
                                                               rặng nhãn
tôi làm cánh chim cổ tích bay ngược thời gian
em chơi nhảy dây. nhớ cột giùm đôi vạt áo thơ.
                                              con chuồn chuồn. đỏ
vết đau ấu thời. chiếc kẹp tóc. quên trên ổ rơm

Còn nữa:

em và bầy chim én
vẫn bay. trên phố xưa
những mái nâu. cao. thấp
quán sách. hương cà phê

anh đi trên mái nhà
anh đi lá thông khô
đã đấy trong màu nắng…

Anh NXT “bước vào hội họa bằng lối đi khác”.Thật vậy sao, Hồ Đình Nghiêm? Có thể Nghiêm học mỹ thuật nên có cái nhìn chân xác và sâu hơn chăng?Mình cũng thấy thơ mình và tranh Đinh Cường có chỗ gần nhau trong cảm xúc. nhưng mặt khác mình lại thấy gần với Marc Chagall nữa.

HĐN: Huế và Đà Lạt. Hai “địa linh” ấy có phải phần nào dựng nên thứ khí hậu riêng biệt có trong thơ anh?

NXT: Huế, Sài Gòn, Mỹ Tho, Pleiku, Nha Trang, Đà Lạt đều là những thành phố thân thương của mình. Nhưng đúng như Hồ Đình Nghiêm nói, Huế và Đà Lạt đã góp phần dựng lên khí hậu trong thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Huế là thành phố thời nhỏ. Đó là nơi mình sống với mẹ cha, anh chị em, những người bạn của thời mới lớn, nơi bắt đầu yêu và mơ mộng. Vương Phủ. Với cây bàng, mái ngói, dòng sông, nhà thơ siêu thực Võ Ngọc Trác, Dạ Khê, Diệu Uyển, chị Thoa và bé Thỏ. Thật ra, bé Thỏ chỉ là một hư cấu. Bây giờ nhiều cái đã không còn, nhiều người đã chết. Nhưng Vương Phủ vẫn có một đời sống riêng trong thơ và văn mình. Và đây, xin nói tới Đà Lạt. Đà Lạt là thanh xuân của mình, của Thanh Sâm, Lê Uyên Phương và nhiều người nữa. Ôi, làm sao quên được.

Anh trở lại đồi cao
nhặt trái thông. trong nắng
tưởng bài thơ buổi nào
bỗng. đầu cành. chín. rụng

trái thông. trái thông khô
bằn bặt ngọn lửa nhỏ
của một ngày. hồng trăng

đã về. dốc sương mù
đã về. cây hoàng hôn
tiếng gà trưa vẫn gáy
bông phù dung. trong vườn…

HĐN: Và tình bạn? Anh quen nhiều văn nghệ sĩ. Anh dành cho họ những câu thơ thật đằm thắm. Một nhà thơ, sự cô đơn có gây tổn thất cho tấm lòng dễ rung cảm?

NXT:
‘Bạn bè như lửa ấm chiều hôm’. Không biết ai đã viết câu này nhưng nó quá đúng với mình. Bạn bè có nhau trong sum họp nhưng cũng rất cần có nhau khi chiều hôm lạnh giá, nó như ngọn lửa để sưởi ấm chờ đêm tới, ngày qua. Ở trên đã nói nhiều về tình bạn. Chắc chắn nó sẽ ở với mình và thơ cho tới giờ cuối.

HĐN: Ngang đây tôi lại xin lần nữa được “hàm hồ”. Đôi ba bài thơ của anh khi đọc thầm, nghe tựa một đoạn giao hưởng ngắn. Với anh, thơ, hoạ, nhạc dường như phải gắn bó vào nhau? Một gặp gỡ tình cờ? Anh thường làm thơ bất chợt hay có sẵn một ý tưởng từ trước?
“Anh trở lại đồi cao
nhặt trái thông. trong nắng
tưởng bài thơ buổi nào
bỗng. đầu cành. chín rụng”.

NXT: Vậy ư? Dường như Hồ Đình Nghiêm là người đầu tiên nhìn ra điều này. Vô cùng cảm ơn. Thơ, họa và nhạc hòa chung với nhau trong một tổng thể. Xưa nay vốn vậy. Xem tranh Chagall, Monet, cả Paul Klee và Đinh Cường có phải ta đã cảm nhận được một hòa điệu tuyệt vời của thơ, họa và âm nhạc. Đọc Les Feuilles Mortes của Jaques Prévert ta cũng cảm được điều ấy. Bây giờ nói tới làm thơ. Không có một hình ảnh, một ý tưởng, một cảm xúc, âm vang khởi đầu thì làm sao có thơ. Nhưng hình như Paul Valery có nói ở đâu đó, rằng nàng thơ chỉ cho ta câu đầu còn lại là đổ mồ hôi.

HĐN: Tôi vừa nhìn ra một bức tranh ít chữ khác của “hoạ sĩ” Nguyễn Xuân Thiệp:
uống cạn chén rượu này
xa. kia. đồi cỏ tía
chiều
màu của cơn giông. tàn úa. trong cây
lời cuối. lúc chia xa
bay từ hốc lửa
thư viện. giờ này đã vắng. tiếng đàn im. người đi
qua cầu. một mình”…

Một bức tranh mà thủ pháp ấy chẳng phải ai cũng thủ đắc. Tình ngay, có khi hội hoạ e không đủ sức để diễn đạt, để vẽ “cỏ tía. cơn giông tàn úa trong cây”. Hình ảnh đó thật quá đẹp! Thưa anh, trong các bộ môn nghệ thuật, chắc anh sắp hạng thi ca lên hàng đầu?

NXT: Không đâu, Hồ Đình Nghiêm ạ. Chẳng qua là mình yêu vẻ duy mỹ của thơ mà thôi. Mình rất thích khi Nguyễn Thị Khánh Minh thấy thơ là những bức tranh. Mà không chỉ là những bức tranh trong phòng triển lãm mà cả những bức tranh treo ở những gốc cây dọc đường và vẽ trên những bức tường. Ôi thơ…

HĐN: Tôi yêu hai câu thơ của Bùi Giáng:
“Bây giờ tôi đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con”.        
hoặc rất mực thích hai câu của Trần Huyền Trân:
“Xa nhau gió ít lạnh nhiều
Lửa đêm tàn chậm mưa chiều đổ nhanh”.

Thưa anh, dường như thể thơ lục bát không mấy lôi cuốn anh?

NXT: Trong đời dường như mình chỉ làm có hai bài lục bát cho hai nàng mình yêu thời xa xưa: một cho Sương Trúc ở Quy Nhơn và một cho HTNHân hồi ở Đà Lạt. Chỉ có vậy thôi. Thơ lục bát coi vậy mà khó làm hay. Cho nên mình rất yêu lục bát của Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Trúc Ly, Hoàng xuân Sơn….

HĐN: Từ khi bỏ công chăm sóc tờ tạp chí Phố Văn cho đến khi đổi nó qua dạng báo điện tử, niềm vui nỗi buồn nào anh từng gánh vác, thưa anh?

NXT: Phải ngưng tờ Phố Văn là nỗi đau khổ của mình. Tờ báo ấy là công đóng góp của nhiều người. Nó đẹp và khác hẳn các tạp chí văn học từ trước tới nay, từ trình bày bìa cho tới minh họa, dàn bài, nội dung. Phan Lạc Phúc sinh thời đã viết một bài rất hay để giới thiệu nó và nói nó có vẻ gì đó của tờ Les Nouvelles Littéraires trong văn học Pháp. Tiếc là không đủ tiền đủ sức để tiếp tục xuất bản Phố Văn. Sau này chuyển qua báo mạng mà mình nói đùa theo kiểu của Nguyễn Đức Sơn là lên trời viết blog. Theo đuổi nó cũng hao công tốn sức lắm nhưng như một cái nghiệp còn sống là còn làm.

Tạp chí Phố Văn

HĐN: Nếu tôi có ý định mở ra một trang văn chương ảo. Xin anh bày vẽ cho đôi điều căn bản, những thứ nên tránh.

NXT: Làm tờ báo mạng coi vậy cũng có thể đem đến cho mình và bạn bè niềm vui. Tất nhiên là phải yêu thích và bỏ công chăm sóc nó. Trước hết là phải nhờ người có tài và óc thẩm mỹ design. Phovanblog là do con mắt và nét tài hoa của Đỗ Thọ (em của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường) làm ra đấy. Có điều này e hơi khó tránh: đôi khi cũng phải đăng bài mình không ưa thích lắm, nhưng đành vậy thôi.                                                                   

HĐN: Anh có tính in thêm một tập thơ? Những ghi nhận dưới dạng viết từng lá thư không định kỳ qua văn xuôi của anh cũng rất thơ mộng. Mai đây có cuốn sách nào được xuất bản không anh?

NXT: Hiện tại mình đang lo hình thành tuyển tập Hòa Âm Cùng Thơ Nguyễn Xuân Thiệp gồm những bài viết, thơ và tranh vẽ của anh em. Đinh Cường sau khi ra đi được bạn bè yêu mến tiếc thương thực hiện cho một tuyển tập đồ sộ Ra Đi Mới Biết Lòng Vô Hạn. Mình chắc chắn không có cái diễm phúc ấy nên phải tự làm lấy như một kỷ niệm lúc ở trần gian này. Còn những việc khác thì chưa nghĩ tới.

HĐN: Sức khoẻ anh dạo này có khả quan? Có lẽ tôi chẳng dám quấy rầy anh thêm. Tôi mạn phép thế mặt người anh, bạn học cũ của anh, gửi lời chào anh. Cá nhân tôi xin cảm ơn những chân tình anh dành cho trong loạt câu hỏi “nhiễu sự” vừa đặt ra. Cầu mong anh tâm thân an lạc, nhiều cảm hứng sáng tạo.

NXT: Cám ơn Hồ Đình Nghiêm đã tạo dịp cho bày tỏ tâm tình, lại còn quan tâm thăm hỏi. Nhờ Ơn Trên, mình cũng tạm ổn, còn hít thở, đi đứng, tụ họp với bạn bè và người đẹp nâng ly, cười nói, đọc thơ, viết lách trên trời dưới đất. Nhân đây xin muôn vàn cảm tạ những vị đã theo dõi cuộc chuyện trò trà dư tửu hậu này. Có gì không mãn ý thì xin bỏ qua cho Thiệp này.

HỒ ĐÌNH NGHIÊM
thực hiện bằng điện thư, tháng 7, 2017

TRĂNG TRÊN NÓC NHÀ THỜ CON GÀ


nguyễn xuân thiệp

Nhà thờ con gà Đà Lạt

Chiều qua Nhà Thờ Con Gà Đà Lạt.
Đinh Cường

     Trong những bức tranh của bạn Đinh Cường vẽ về Đà Lạt, thế nào ở background cũng có hình bóng của nhà thờ con gà. Không chỉ riêng với Cường, hầu hết những người của đường phố sương mù ngày ấy đều có trong trí tưởng hình ảnh ngôi nhà thờ này. Có phải vậy không Lê Uyên? Và em nữa, ngày ấy lên Đà Lạt, hẳn em đã đứng ngước nhìn đỉnh nhà thờ, nhìn mây bay mà nghĩ đến tuổi mình. Riêng với tôi, cứ mỗi lúc nóc nhà thờ con gà hiện ra trong trí nhớ đều có bóng một vầng trăng treo lơ lửng trên cao. Có thể, mấy chục năm về trước, tôi đã nhiều lần nhìn thấy như thế nên hình ảnh đã khắc sâu như trên vách đá, không thể nào phai mờ được

     Hôm nay xin cho tôi được một lần nữa trở lại với ngôi nhà thờ này với những kỷ niệm của một thời. Nhà thờ con gà ở Đà Lạt. “Không biết ở nơi nào trên thế giới có một ngôi nhà thờ như thế không - tôi viết trong một bài tản mạn. Chân trời tôi giới hạn nên không thấy, nhưng chắc thế nào cũng phải có, xin bạn mách giùm tôi.”

     Nguyễn Đạt, hiện ở Sài Gòn, trong một email ngắn có cho biết ở thành phố quê nhà của họa sĩ Corot (Pháp) có một ngôi nhà thờ tương tự, trên đỉnh tháp cao là con gà vươn mình gáy. Nguyễn tôi, cũng như Nguyễn Đạt, Quỳnh Giao, Đinh Cường, Bùi Bích Hà và nhiều bạn nữa của thời thập niên 1960 được xem một phim đen trắng của Pháp cực hay có tựa đề “Les Dimanches de ville d’ Avray” (Chủ Nhật ở Thành Phố Avray). Trong phim, có hình ảnh ngôi nhà thờ con gà với mối tình thơ dại của một phi công thời chiến bị thương và cô gái mồ côi 12 tuổi tên Cybèle bị bố bỏ rơi, đang nương nhờ các soeurs trong chủng viện. Mỗi Chủ Nhật, chàng phi công tự  nhận mình là bố cô bé đến đón cô bé ra và hai người rong chơi với nhau. Thế nhưng chuyện tình trong trắng của họ trở thành một scandal trong thành phố Avray. Một bà soeur nghi ngờ đã đi báo cảnh sát. Một hôm, vào dịp lễ Giáng Sinh, cô bé ngước nhìn nóc nhà thờ, nói với chàng trai là cô thích con gà trên ấy. Chàng cựu phi công bèn trèo lên đỉnh nhà thờ dùng dao gỡ con gà ra rồi leo xuống giữa lúc cảnh sát đến bao vây...

     Đinh Cường ghi lại: “Tôi đã tìm đến thành phố Avray nơi đó có nhà thờ con gà cũ kỹ, và Cybèle, cô bé trong phim Chủ Nhật ở Avray ngày nào.”

Poster. Les Dimanches de Ville d’ Avray

     Đỗ Trung Quân thì viết như sau: “Thế hệ Đinh Cường nhiều người say đắm câu chuyện một cô bé và một người đàn ông buồn phiền, vô danh trong bộ phim đen trắng “Chủ Nhật ở Avray”. Thị trấn màu xám đẹp đến não nùng và khuôn mặt thiên sứ, chiếc váy rách bươm, mái tóc màu hạt dẻ của Cybèle, cô bé mồ côi ở Avray, một tình yêu đẹp đến phát khóc.”

     Trở lại với thành phố Đà Lạt. Nhà thờ con gà ở Đà Lạt quả là một biểu tượng của thời tóc còn xanh, còn gắn bó với tình bạn và yêu mê nghệ thuật. Tại thành phố này, năm 1965 Đinh Cường đã mở triển lãm ở trụ sở Alliance Francaise ngay tầng dưới Hotel du Parc. Ở đây, trong nhiều năm liền, tôi làm việc ở Đài phát thanh ngay tầng trên của tòa khách sạn. Những sáng, những chiều đứng ở góc lộ thiên, chỗ cầu thang bên hông bước xuống đường Nhà Chung, mình đều nhìn thấy đỉnh nhà thờ con gà. Và những đêm từ phố khuya về, ngước nhìn lên chỗ con gà đứng là thấy vầng trăng.

     ... Trí tưởng chợt trở về với những ngày trước Noel 1965, cùng Cường và Sơn và Tịnh, dường như có cả Bửu Ý nữa. Chúng tôi ngồi uống rượu trong kiosque của Dì Ba ở bờ hồ, chỗ con đường dẫn vào chợ. Những ly rượu óng vàng, với muôn ngàn ảo ảnh của tuổi trẻ. Đôi mắt nâu của Dì Ba rực sáng trong ngọn lửa nến. Hình bóng Dì trong chiếc áo nhung màu tím than, chập chờn như cánh bướm trong giấc mơ. Trong bọn mấy đứa thường đến uống ở kiosque Dì Ba, Cường là người chiêm ngưỡng Dì nhiều nhất. Cường có vẽ Dì trong một portrait thật đẹp, và Dì cho biết đã có tới xem ở phòng triển lãm, một buổi chiều... Chúng tôi uống rượu ở quán Dì Ba đến tận khuya. Trở về phòng chếnh choáng, và Sơn ôm đàn hát, lâu rồi không nhớ bài gì, dường như có vết lăn / vết lăn trầm / hằn lên phiến đá nâu...

     Các bạn ơi, trăng trên nóc nhà thờ con gà mãi mãi vẫn còn. Cho dù cuộc phiêu du không đường trở lại quê nhà.

NXT


LÀM SAO KHÔNG NHỚ


Đinh Cường

Rừng thông Đà Lạt

Gởi chị Cúc Hoa
và Phạm Cao Hoàng

Trưa nắng đi ra ngoài
hít thở. đi chút nữa
qua ngọn đồi thông
dừng lại. đứng nhớ
những đồi trà xanh B'lao
mây thấp xuống
ôi miền đồi núi
đi không xa là đến Đà Lạt

Đà Lạt của Cúc Hoa
Phạm Cao Hoàng
Nguyễn Xuân Thiệp
và chị Dung đã mất
Tôn Nữ Kim Phượng đã mất
và tôi nữa và còn nhiều bè bạn
qua một thời đầy sương mù
đi lên đi xuống mấy con dốc
một thời sao mà êm đềm

làm sao tôi không nhớ
chiều hôm Noël
khai mạc phòng tranh
tại Alliance Française
phòng tranh  ấm cúng
không khí Tây phương
nói dăm câu tiếng Tây
cùng những người bạn Pháp
Pauline, Christian Cauro …
nay Christian Cauro đã mất

nhớ Trung Tá  Trần Văn Phấn
lúc ấy làm Thị Trưởng
đến cắt băng khai mạc
Khánh Ly đưa khay đựng kéo
nay Trung Tá Phấn ở Centreville
gần nhà tôi và ông nằm bệnh

nhà chị Cúc Hoa còn
ở dưới đường Hai Bà Trưng
nhìn lên đồi Domaine de Marie
căn phòng tôi thuê nơi biệt thự
của bà Nghiêng
nơi con đường Rose
nay biến thành công sở lớn

chỉ có nhà thờ con gà
thì mãi còn đó ở ngã ba đường
nhìn xuống con dốc
phía bên này xưa có bến xe Minh Trung
ôi những chiếc Traction đen
có khi sáng sớm lên tối về lại Sài Gòn
cứ như thế một thời lên về Đà Lạt
không kể những tháng năm
về nơi heo hút  Lạc Lâm – Dran
mà mây núi cứ lùa qua cửa sổ
Trịnh Công Sơn và tôi chỉ ngồi im
khi bạn từ B'lao về thăm ...

trưa nay có nắng đi bộ
qua ngồi nơi góc quen
nhìn khu chợ giăng hoa Giáng Sinh
mà nhớ một mùa Noël đã nửa thế kỷ

trên cao nguyên mướt xanh đầy mộng mị …

Virginia, December 15, 2014
ĐINH CƯỜNG