Lương
Thư Trung
Đỗ Hồng
Ngọc và Hai Trầu bên hồ sen Kỳ Hòa (Sài Gòn)
Lấp Vò, ngày 01 thág
9 năm 2017
Anh
chị thân mến,
Sẵn
đây tôi kể qua anh chị nghe chơi chuyến đi Sài Gòn vừa rồi sau khi vợ chồng tôi
về thăm quê chị hai ở Tân Châu. Số là hồi nhỏ vợ chồng tôi hồi đời trước có lúc
cũng ở Sài Gòn vài ba năm nhưng từ hơn bốn mươi mấy năm nay về quê làm ruộng
nên lần này vợ chồng tôi rủ nhau lên Sài Gòn giống như Tư ếch lên Sài Gòn.
Anh
chị có biết Sài Gòn bây giờ ra sao hông? Thú thật với anh chị là tụi tôi hết
biết đường mò luôn! Đường sá bây giờ thì lạ hoắc hà. Mà xe cộ thì ôi thôi hổng
có chỗ nào nhiều xe chạy ngoài đường cho bằng xe ở Sài Gòn. Xe cộ ở dưới quê
mình sắp nhỏ chạy mình thấy đã ghê rồi, vậy mà rồi lên Sài Gòn, thú thiệt là
tôi hổng còn biết lấy gì để ví, để so sánh hết anh chị à! Tụi tôi đi đâu củng
hổng dám đi bộ như hồi bốn năm chục năm trước thả bộ theo các con đường Lê Lợi,
Nguyễn Huệ lang thang vui thú cuối tuần. Giờ muốn đi đâu là phải kêu xe taxi
ráo trọi.
Hồi
đời trước cách nay bốn năm chục năm, muốn đi đâu là mình lên xe lambretta đưa
hành khách tám chỗ ngồi là mình đi tới nơi về tới chốn chỉ mất mấy đồng bạc
hoặc giả mình muốn đi xe buýt cũng hổng có trở ngại gì, hay kẹt lắm mình đi xe
đạp cũng ngon lành. Hồi đó tôi đi học thường thường là cuốc bộ, chỉ trường hợp
tuốt ngoài đường Đồn Đất (quận nhứt) thì mới mượn xe đạp chỗ nhà ở trọ học để
đi. Hồi đó dưới quê lên tỉnh nhà nghèo nên đâu có mang theo xe cộ gì. Chứ hổng
phải như bây giờ dù nhà quê nhưng nhà nào cũng có sắm hai ba chiếc xe gắn máy
ráo trọi. Chính vì vậy mà đường xá xe cộ kẹt cứng; mà đã kẹt thì mạnh ai nấy
chạy miễn sao cho mau tới chỗ. Thành ra, tôi thấy dân Sài Gòn lái xe tôi biết
sợ luôn, nhứt là mấy đứa trẻ hổng sợ chết vì xe đụng, chúng cứ chạy ào ào như
cọp rượt.
Lên
Sài Gòn lần này tụi tôi có ghé thăm Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chỗ quen nhau trên
internet. Vì mình dưới quê lên nên đâu có điện thoại điện thiếc gì. Tôi mới
nghĩ cách nhờ chỗ phòng tiếp tân họ gọi số của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giùm, rồi
mình nói chuyện sau. Nhưng ở đây cái cô tiếp tân nói giọng Bắc, cổ cho biết cổ
sẽ gọi cho bác sĩ, rồi cổ cúp máy, đằng đầu dây bên kia bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thấy số điện thoại ảnh sẽ gọi
lại. Họ làm như vậy tôi mới nhớ là ở đây người ta hay nói cách gọi như vậy gọi
là “nhá điện thoại” nhe anh chị.
Thế
là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc gọi lại, và ảnh có cho tôi địa chỉ chỗ hẹn gặp. Tụi tôi
ghi địa chỉ trên tờ giấy và chờ taxi tới là vợ chồng cùng đi. Rồi chờ một hồi
cũng có xe trống chạy trờ qua và tụi tôi lên xe. Người tài xế taxi trạc chừng
ngoài sáu chục, ông có mái tóc bạc, gương mặt hiền, dáng vẻ mô phạm, lúc nào
cũng ăn nói nhã nhặn. Thì ra qua câu chuyện qua lại được biết ổng chạy xe taxi
cũng tròn trèm trên hai ba chục năm rồi và ăn chay trường, nên tụi tôi cũng yên
bụng. Xe chạy vòng vòng và qua nhiều con đường, thú thiệt với anh chị là tôi
hổng biết chỗ nào là chỗ nào.
Địa
chỉ đến là đường Cao Thắng nối dài… Nhờ hồi đó tôi ở gần Ngã Bảy, nên có biết
đường Cao Thắng với rạp hát Đại Đồng, với chùa Tam Tông Miếu. Còn theo ngã tư
Cao Thắng- Phan Thanh Giản về hướng Sài Gòn thì có Cư xá Đô Thành, có Bịnh viện
Bình Dân, có trường trung học tư thục Văn Học của thầy Trần Bích Lan (thi sĩ
Nguyên Sa), cái trường mà mỗi lớp học học trò chen chúc nhau chật như cái hộp
quẹt. Hồi đó nói là trường trung học, mà thực tình ra dường như trường Văn Học
chỉ có các lớp Đệ Nhị, Đệ Nhứt luyện thi Tú Tài hà chứ hổng có các lớp nhỏ.
Hổng biết nhớ mài mại như vậy có trúng hông? Nhưng nếu anh Lưu Nhơn Nghĩa còn
sống, chắc ảnh biết rành ba cái vụ này.
Đường
Cao Thắng hồi mấy chục năm về trước lúc tôi lên Sài Gòn thì tôi biết đầu trên
giáp với đường Trần Quốc Toản, đầu dưới dường như giáp với đường Hồng Thập Tự;
vậy mà rồi nay có đường Cao Thắng nối dài, thú thiệt tôi hổng biết nó nối tới
đâu, và nối về hướng nào nhe anh chị. Thì ra, khi xe taxi tới nơi và ngừng cho
mình xuống tôi mới dòm qua dòm lại thì đoạn đường nối dài ấy chính là đoạn
đường băng qua đường Trần Quốc Toản và nơi đến là hồ sen Kỳ Hòa.
Buổi
chiều hôm ấy Sài Gòn trời mưa lớn. Khi chúng tôi đứng chờ dưới bóng cây trong
công viên nơi của ra vào thì Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng vừa tới. Dù tôi và Bác sĩ
Đỗ Hồng Ngọc chưa ai gặp ai bao giờ nhưng cả hai bên cùng nhận ra nhau liền.
Nhứt là tôi không thể quên tấm lòng của anh dành cho Hai Trầu với bài viết “Còn Thương Rau Đắng” nhằm giới thiệu
cuốn “Mùa Màng Ngày Cũ” của tôi dịp
in lại lần thứ nhứt vào năm 2015. Thế là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mời tui tôi đến
ngồi nơi cái bàn ở chỗ góc hồ sen mà anh hay ngồi. Xa xa bên kia bờ hồ có cây
phượng vĩ già đang mùa trổ bông đỏ rực. Có cái vui trong lần gặp đầu tiên này
là cả hai chúng tôi rất thân nhau như bạn lâu ngày, trò chuyện rất tự nhiên,
cởi mở, và thân ái. Dịp này tôi được Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhắc qua một chút về
nếp sống an lạc. Tôi thì nhắc về thơ Đỗ Nghê (*) với hai bài thơ mà tôi rất
thích: “Bông Hồng Cho Mẹ” cùng bài “Mũi Né” (**) của anh. Bác sĩ Đỗ Hồng
Ngọc ký tặng vợ chồng tôi cuốn “Trò
chuyện với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về Nếp Sống An Lạc”, để đáp lại tôi thân
tặng anh cuốn “Nhớ Về Những Bến Sông”
của tôi mà tôi trong đó có những bài như “Đám
cưới trên đồi”, “Lời tự sự của rừng
già, nhân ngày trái đất”, “Nỗi niềm của loài cá sặt”, “Lời tự sự của loài cá
rằm”… mà tôi rất thích.
Chiều
hôm ấy, trời Sài Gòn tiếp tục mưa lớn, chúng tôi chia tay sau buổi gặp dù ngắn
ngủi nhưng mãi đến nay tôi vẫn nhớ trong lòng với niềm an lạc hiếm hoi giữa Sài
Gòn đô hội! Tụi tôi không quên gởi lời cảm ơn Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, dù bận rôn
nhiều, thời giờ của anh rất eo hẹp, nhưng ảnh vẫn nhín chút thời giờ hẹn gặp vợ
chồng người nhà quê già từ dưới ruộng mới lên Sài Gòn ghé thăm anh.
Tác phẩm của Lương Thư Trung
Thưa anh chị,
Hôm
sau, tụi tôi ghé thăm anh chị sui trên Phú Nhuận. Ngồi trên xe Taxi, xe chạy
lòng vòng, tôi hổng biết ông tài xế chạy đường nào là đường nào. Tôi cố nhìn
qua cửa xe với hai dãy phố dọc các con đường. Có một lúc tôi thấy xe vòng qua
hồ con rùa, tôi nhớ ra rồi hồi trước ở đây dường như có Viện Đại Học Sài Gòn.
Rồi xe chạy chậm vì đường cũng đầy xe, tôi nhìn ra thấy trường Kinh Tế, thì ra
đây là chỗ trường Đại Học Luật Khoa hồi trước, nơi mà vào mấy năm ra đời tôi
ghi danh học thêm vài chứng chỉ ở trường này. Hồi đó dễ lắm, dù đã đi làm nhưng
ai muốn học thêm thì cứ ghi danh học hàm thụ và tới trường lãnh “cua” và tự học
và tới kỳ thi lấy chứng chỉ cử nhân thì cứ nạp đơn, lãnh phiếu báo danh và đến
ngày thi thì dự thi. Hồi đó, tôi ở Nha Trang, nên lấy “cua” thì tôi nhờ chị Hai
lấy giùm và gởi ra Nha Trang cho tôi học, vậy mà cũng kiếm được vài chứng chỉ
bỏ túi phòng thân khi cần nhe anh chị!
Thành
ra, hôm ấy ngồi trên xe taxi tôi miên man nhớ những ngày về đây dự thi, có một
lần dường như kỳ thi chứng chỉ năm thứ 2, dường như môn Cổ luật, tôi nhớ đề
thi:“Cho vay phúc lợi” và năm đó tôi
đậu viết và chờ vô “bút vấn”. Hồi đó
các chứng chỉ ở Luật, nhà trường tổ chức mỗi năm hai khóa thi; mỗi khóa cò kỳ
thi viết, nếu đậu kỳ thi viết thí sinh sẽ nhận được giấy thông báo vô thi “bút vấn”. Bút vấn là một loại giống như
hồi đời trước mình thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, hay bằng Tú Tài I, Tú Tài
II, sau khi đậu viết còn phải thi thêm phần “vấn
đáp” bằng miệng nữa vậy. Còn ở
trường Luật thay vì “hạch miệng” thì trả lời câu hỏi ngắn bằng cách viết trên
giấy nhưng ngắn thôi chứ hổng giống như các môn thi chánh trong phần thi viết.
Thăm
anh chị sui xong, tụi tôi nói taxi ghé qua đường sách bên hông Bưu Điện Sài
Gòn. Nghe nói đường sách Sài Gòn rất nhiều sách, nhưng tụi tôi thấy cũng tàm
tạm thôi anh chị à. Ở đây sách cũ thì giá trên trời, mắc mỏ lắm, nhưng kiếm
những cuốn sách mình muốn kiếm cũng khó! Ở đường sách Sài Gòn thì có cái vui là
có mấy quán cà phê ngồi nhìn ông đi qua bà đi lại cũng thấy an nhàn, bớt chộn
rộn ồn ào như các chỗ khác. Chị Hai vốn là người có một thời làm thư ký kế toán
ở nhà sách lớn ở Sài Gòn chuyên bán sách ngoại ngữ cho sinh viên, nằm trên
đường Ngô Dức Kế, quận nhứt, chỗ góc đường Ngô Đức Kế - Nguyện Huệ, nên chị
cũng muốn ghé qua nhìn lại sách vở để nhớ về một thời chỉ ở gần bên các loại
sách nơi chỉ đi làm. Thành ra lòng tụi tôi cũng thấy có chút bồi hồi khi đi tìm
những bìa sách cũ!
Thưa
anh chị,
Về
Sài Gòn lần này tụi tôi không có đi ngang qua căn nhà cũ ở đường Nguyễn Cảnh
Chân, nơi mà cách nay hơn bốn năm chục năm có thời tụi tôi đã sống ở đó, nay
thì chắc chủ mới hổng biết mình là ai, nếu ghé qua hoặc lảng vảng trước nhà dòm
dòm ngó ngó không khéo người ta nói hai ông bà nhà quê này chắc đi lạc đường!
Về Sài Gòn lần này tụi tôi cũng hổng có địp đi ngang qua hẻm Long Vân nơi căn
nhà cách nay gần sáu chục năm tôi đã ở trọ đi học vì nhà cũ ấy bây giờ chắc
cũng hổng còn ai ở đó nữa anh chị à! Về Sài Gòn lần này tôi cũng không có đi
ngang qua các con đường Cộng Hòa, đường Võ Tánh, đường Trần Hưng Đạo, đường
Trần Bình Trọng vì hổng có nhiều thì giờ. Về Sài Gòn lần này tụi tôi cũng không
ghé Eden, không qua quán Tre trong thương xá Tax, chỗ mà hồi trước tụi tôi ưa
ghé; mà nay chắc gì những chỗ ấy đã còn…(hết
trích)
(…)
Thân
mến,
Hai
Trầu
LƯƠNG
THƯ TRUNG
Cước chú:
(*)
và (**) Đỗ Nghê là bút hiệu của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khi làm thơ.
No comments:
Post a Comment