Thursday, September 21, 2017

‘CON ĐƯỜNG SỎI ĐÁ VẪN QUANH CO’…


Đỗ Hồng Ngọc

Từ trái: Mai Chí, Đặng Văn Quân,
Đỗ Hồng Ngọc, Ngô Đình Miên

Thư gởi bạn xa xôi

Có bao giờ bạn thấy một đám đàn ông có tuổi ngồi xúm xít ”cụng dừa” không? Chắc là không. Lứa tuổi này, cụng là cụng rượu thôi! “Một chiều ngồi say một đời thật nhẹ ngày qua…” (TCS). Vậy mà có đó. Chuyến rồi mình về Mũi Né và ngồi ”cụng dừa” với các bạn…trẻ ở đó. Bạn trẻ? Phải, tất cả đều mới ngoài 60, mới hưu đôi ba năm! Đa số mình mới gặp lần đầu! Cả bọn kéo vào một quán cafe. Một bạn ôm bình rượu thiệt to nhưng mình nói mình không biết uống rượu, vậy là mọi người chiều ý đành cụng nước dừa mới dễ thương làm sao!

Sau đó mỗi lúc mỗi thêm đông, lại tiếp tục cụng dừa, để chờ đến giờ hẹn về dốc Bà Banh, đình Khánh Thiện tụ tập ở nhà anh 7 Du ”giao lưu” với Đỗ Nghê, tác giả bài thơ Mũi Né… một bữa!
Ối trời, mình về MN nhiều lần, chưa có lần nào họp mặt đông vui và cảm động như vậy.

Bạn coi hình thôi nhe. Làm biếng viết quá rồi.


Có người tận Ma Lâm xuống, có người từ Phan Thiết ra, có vài người ở Mỹ về, tình cờ tham dự buổi họp mặt đặc biệt này.
Ngô Đình Miên, Tuyết Nhi, Võ Đình Lang (mà các bạn đùa gọi là Võ Đại Lang, anh Võ Tòng), một cây đờn đáng nể, soạn cả một bản nhạc phỏng thơ Đỗ Nghê. Hôm đó Võ Đình Lang vừa đờn vừa hát thiệt hay. Rồi Đặng Văn Quân, Hồ Nhữ Phước, Mai Chí (người tổ chức buổi họp mặt này, nhà ở Rạng, đã cương quyết bảo bài thơ Mũi Né của Đỗ Nghê thiệt ra là viết cho Rạng chớ chả dính dáng gì tới Mũi Né!). Rồi còn có Hoàng Như Bảo, Hiếu (Hàm Thuận Nam), Võ Văn Trọng, Lê Ngư, Thu Thảo (Mũi Né), anh 7 Du và Cô Tuyết… chủ nhà.
Võ Đình Lang hát Mũi Né (do anh sáng tác, phỏng theo bài thơ Mũi Né của Đỗ Nghê) Anh cho biết bài này anh viết đã từ lâu, viết đi viết lại năm lần bảy lượt mới xong…
Hôm sau, Lang gởi bản nhạc tặng mình để kỷ niệm. Hóa ra anh là một người rất thân quen.



Rồi Lang đệm đàn cho Thu Thảo hát, cho Lê Ngư hát. Rồi không chỉ Lan, Mai Chí cũng ôm đàn hát… thì ra một buổi ”văn nghệ” bỏ túi bên ”con đường sỏi đá vẫn quanh co” ngày nào… Gần 60 năm rồi còn gì!
Thu Thảo bảo bài thơ Mũi Né ra đời trước cô một năm! Cô vẫn thuộc nằm lòng. Lê Ngư bảo cô giáo Mai Nương, xưa dạy Hải Long – hiện đang ở Mỹ- là người ”truyền tụng” bài thơ này cho các em những năm 70 ! Lê Ngư vừa phone cho cô giáo nói hôm nay gặp tác giả bài thơ, cô bèn gởi lời thăm Đỗ Nghê.

Bến đá

Không thể không nhắc Mai Chí. Chính anh bạn trẻ này (mới 63 tuổi) nhà ở Rạng, viết một bài trên Facebook “Chợ Rạng ngày xưa” có một đoạn về bài thơ Đỗ Nghê, thú vị với những nhận xét rất riêng của anh.
Đây là bài viết của Mai Chí:

Chợ Rạng ngày xưa! (tt)

Đầu thập niên 70, anh Đỗ Nghê đã làm những chàng trai cô gái vùng Mũi Né phải tốn không biết bao nhiêu là giấy mực và công sức, để nắn nót chép cho nhau bài thơ của anh, bài thơ Mũi Né!

Em có về thăm Mũi Né không
Hình như trời đã sắp vào xuân
Hình như gió bấc lùa trong Tết
Những chuyến xe đò giục bước chân…

Dài 20 câu, chia làm 5 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, nhưng đoạn nào cũng xuất hiện 2 chữ Mũi Né. Nếu tính cả cái tựa đề, thì có cả thảy 6 chữ Mũi Né! Chỉ có điều là đoạn nào cũng hay cả, cứ đọc qua một lần là tự nhiên thuộc lòng!

Anh Đỗ Nghê bây giờ thì ra là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, có lẽ anh có nhiều sáng tác, nhưng đối với tôi, bài thơ này là một ấn tượng quá đẹp, đọc đoạn nào cũng cảm thấy hình như có mình trong đó!
Từ khi lớn lên rồi đi đây đi đó khắp nơi, tôi đã có cái suy nghĩ cho rằng rừng dừa ở Rạng là đẹp nhất, và kỳ lạ thay, cho đến giờ cái suy nghĩ đó vẫn không thay đổi! Chính vì vậy mà bài thơ Mũi Né của Đỗ Nghê đã nghiễm nhiên đi vào và ở luôn trong tiềm thức, suy cho cùng với tôi, nó không khác gì so với truyện Kiều hay Chinh phụ ngâm học hồi nhỏ!

Dưới đây tôi có chép lại 20 câu thơ của bài thơ Mũi Né, quí vị sẽ thấy hai chữ “Mũi Né” được liên tục lặp đi lặp lại.

Thế nhưng,  suy nghĩ một lát, sẽ thấy rằng cả bài thơ đều nói về Rạng! Không thể tìm thấy Mũi Né trong bài thơ!

Không có Bãi trước bãi sau, không có Động Bà Lựa (bây giờ kêu là Đồi cát Mũi né), không có dốc Bà Banh, không có trung học Hải Long và Lục thị Đậu phụng cúng, không có hòn Cù Lao Gành đá, không có Đồi Hồng hòn Rơm! Không có và không có, đúng không?

Chẳng hạn: “… Nhớ môi em ngọt dừa xứ Rạng. Nhớ dáng thuyền đi trong mắt trong…” là hình ảnh một cô gái Rạng, vừa mới uống xong một trái dừa xiêm mà đôi môi hãy còn… ngọt lịm và ngất ngây!

Xin phép thêm rằng biển Rạng đẹp quá, có mấy con thuyền bé nhỏ ngoài kia đã in hình vào đôi mắt “trong” của cô gái, đang ngồi ngắm biển mà mơ mà mộng!

Ngày Chủ nhạt, rảnh rang, viết chơi để góp vui, có gì sai sót, xin lượng thứ mà bỏ qua, một ông già lẩm cẩm!

Mai Chí (Rạng)

Mũi Né 

Em có về thăm Mũi Né không
Hình như trời đã sắp vào xuân
Hình như gió bấc lùa trong Tết
Những chuyến xe đò giục bước chân…

Em có về thăm Mũi Né không
Mùa xuân thương nhớ má em hồng
Nhớ môi em ngọt dừa xứ Rạng
Nhớ dáng thuyền đi trong mắt trong

Em có về thăm Mũi Né xưa
Con đường sỏi đá vẫn quanh co
Hoàng hôn sóng vỗ bên trời biếc
Sóng vỗ trong hồn ta ngẩn ngơ

Em có về thăm Mũi Né yêu
Mười năm như một thoáng mây chiều
Mười năm vườn cũ chim bay mỏi
Áo trắng chân mềm em hắt hiu

Mũi Né ơi, người xưa đã xa
Mùa ơi gió bấc nhớ không ngờ
Năm nay người có về ăn Tết
Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ?

ĐỖ NGHÊ (1970).

sent by my Samsung
(chiphanthiet@gmail)

Dĩ nhiên mình vẫn không quên đi lại trên “con đường sỏi đá vẫn quanh co…” ngày xưa, không xa lạ lắm, dẫu bước chân đã khập khiểng, đắn đo. Những ngôi nhà đơn sơ bên bờ sóng còn đó, và cả những căn nhà xưa cũ đầy dấu rêu phong…

Thôi vắn tắt, hẹn thư sau nhé,

ĐỖ HỒNG NGỌC
(9.2017)

No comments:

Post a Comment