Ngô
Nguyên Nghiễm
Ngô Nguyên Nghiễm. Hình: Internet
GHI
CHÚ CỦA ĐỖ HỒNG NGỌC: Ngô Nguyên Nghiễm, sinh 1944 tại Châu Đốc, tốt nghiệp Đại
học Dược khoa Saigon nhưng người ta ít biết đến anh như một dược sĩ mà biết đến
anh như một nhà thơ, nhà văn nhiều hơn. Anh đã có 12 tác phẩm văn học được xuất
bản trước và sau 75, với hơn 40 tuyển tập thơ văn in chung, và đã từng là người
chủ trương tạp chí Khai Phá. Một hôm anh phone tôi, nói muốn gặp gấp để làm một
cuộc phòng vấn “bỏ túi” cho bộ sách mới của anh: Người Đồng Hành Quanh Tôi, Tác
giả Tác phẩm. Tôi không có cách nào khác hơn là hẹn anh “bạn đồng nghiệp” quý mến
của mình ra một quán cà phê góc phố… cùng với Trần Yên Thảo, giữa cái nắng
Saigon…
Ngô
Nguyên Nghiễm (NNN): Nhà thơ Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc, đã góp mặt với nền văn học
nghệ thuật thập niên 60 – 70 thế kỷ qua. Lúc đó, tác phẩm Thơ đầu tay được ấn
hành là tập Tình Người (1967), và sau
đó Thơ Đỗ Nghê (1973) là một dấu ấn đặc
biệt. Sau 1975, rời bỏ bút hiệu Đỗ Nghê, bước sang giai đoạn Đỗ Hồng Ngọc, ấn
hành khá nhiều tản văn truyền đạt y học. Sự chuyển hướng này có ảnh hưởng thế
nào giữa Đỗ Nghê và Đỗ Hồng Ngọc? Ý kiến về cái thực của đời (Y học), và cái
huyễn của Thi ca?
Đỗ
Hồng Ngọc (ĐHN): Không phải “rời bỏ bút hiệu Đỗ Nghê” đâu. Chỉ là “rửa tay gác
kiếm” tạm thời thôi! Thời đó có quá nhiều “Ông Đồ xứ Nghệ”, nên Đỗ Nghê tạm
lánh đi. Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc vẫn là một đó chứ dù là viết dưới dạng nào đi nữa
bạn không thấy sao? Ai bảo y khoa là cái thực và thi ca là cái huyễn? Y khoa vừa
là khoa học vừa là nghệ thuật! Thuốc “giả” vẫn chữa được nhiều thứ bệnh thật đó
chứ! Còn thi ca? Đọc được một bài thơ hay ta chẳng phải đã “sảng khoái” còn hơn
ngàn thang thuốc bổ ư?
NNN:
Hình như tản văn viết về y học dưới bút pháp Đỗ Hồng Ngọc lại là những tác phẩm
văn chương tuyệt diệu. Anh có xem cả hai như một khối duy nhất? Vì sao?
ĐHN:
Hình như trong tôi có sự lẫn lộn nào đó. Tôi không hề nghĩ rằng lúc này ta đang
làm thơ và lúc này ta đang viết về y học. Thân và tâm đâu có tách rời, sắc thọ
tưởng hành thức vẫn là một, ngũ uẩn vẫn “giai Không” mà! Viết, chỉ biết viết.
Khi viết một bài về y học, thì hình như tôi đang làm thơ và khi viết một bài
thơ thì hình như tôi đang làm… y học! Tôi không biết cách nào phân biệt rạch
ròi hai lãnh vực nầy. Tại cái tạng nó vậy. Người đọc thơ tôi bảo “đời thường”
quá, không có gì bay bổng tuyệt vời cả, ngưới đọc tạp văn lại bảo như thơ… Thôi
thì, nó sao kệ nó. “Phân biệt trí” đã làm ta khổ lâu rồi!
NNN:
Sự hiện thực được bày tỏ trong tác phẩm thi ca mới nhất của Đỗ Hồng Ngọc, là
Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác, càng đọc càng làm rúng động lòng
người. Anh có thể tâm sự phút giây về những cảm xúc được ghi lại trong loạt thơ
đầy nhân bản này?
ĐHN:
Bạn vừa dùng một cụm từ lạ: “loạt thơ đầy nhân bản”. Chẳng lẽ có những loạt thơ
không đầy nhân bản hay sao? Tôi nghĩ thơ, bản chất đã là nhân bản, dù được thể
hiện dưới hình thức này hay hình thức khác, ở thời đại này hay thời đại khác.
“Người ta đẻ ra mà tỉnh, ấy là tính Giời cho nguyên như thế, cảm ở vật ngoài mà
động thời ấy mới là sự muốn của tính. Đã có muốn thời phải có nghĩ, đã có nghĩ
thời phải có nói, đã có nói thời những cái ý nhị không thể nói hết ra được mà
hình hiện ở trong lúc ngậm ngùi ngợi than, tự nhiên tất phải có những giọng điệu
cung bực, như không thôi đi được. Ấy tại thế mà sinh ra có thơ!”. Chu Hy đã viết
như thế ngàn năm trước khi đề tựa cho tập Kinh Thi, khi có người hỏi ông: Thơ tại
sao mà làm ra? (Tản Đà địch). “Như không thôi đi được”, bạn thấy không? Những
người làm thơ… trên cõi nhân gian đều vậy đó, “như không thôi đi được”. Vậy nên
lại có tập “Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác”…!
NNN:
Thỉnh thoảng đọc các bài viết về Phật pháp của Đỗ Hồng Ngọc trên các tạp chí Phật
giáo. Và tôi còn chiêm nghiệm về số vốn cao thâm của anh ở những ý kiến về Phật
học. Tất cả tư tưởng trên có ảnh hưởng sâu sắc vào những sáng tác hơn 30 năm
nay? Nếu phải, thì hé mở chút duyên ngộ mà nhà thơ, nhà văn hóa Đỗ Hồng Ngọc có
được?
ĐHN:
Hồi nhỏ tôi sống mấy năm trong một ngôi chùa ở Phan Thiết với người cô vì sớm mồ
côi cha. Cô bị tai nạn xe lửa, không đi lại được nhưng rất mê sách. Tôi có nhiệm
vụ đi mướn sách cho cô đọc. Mặc dù bị cấm con nít không được đọc, tôi đã ngốn hết…
toàn bộ sách trong tiệm cho thuê sách đó. Lớn, đi học ở Saigon, dành tiền mua
sách, mỗi sáng chỉ ăn một cục xôi. Sách đầy nhà. Tôi nhớ Tôn Hành Giả với 72
phép thần thông và cân đẩu vân tuyệt vời vậy mà cũng không nhảy qua khỏi bàn
tay Phật, đành “tè” bậy dưới ngón tay. Thế nhưng, mãi đến năm 1997, sau cơn bệnh
thập tử nhất sanh, tôi mới lại tìm đến với Tâm kinh, Kim cang… một cách khác. Học
cách khác, hành cách khác. Cho nên như bạn thấy đó, những bài viết có chút hơi
hướm, mà tôi nghĩ mình đang lõm bõm học từng chút, từng chút… rồi chia sẻ với bạn
bè gần xa.
NNN:
Tác phẩm Đỗ Hồng Ngọc nghiêm túc, hình như anh có một phương pháp và lộ trình sắp
đặt cho hướng khai phá trong văn chương, dù đó là Nghệ thuật hay Y học. Nếu có
dự trù nào cho tương lai, đề nghị hé mở những đóng góp quý giá này?
ĐHN:
Tại cái tạng nó vậy. Tôi nghĩ khó có ai sắp đặt một lộ trình, một phương pháp…
trong cõi văn chương! Tại cái tạng thôi. Có người nói tôi nghiêm túc lại có người
nói tôi hài hước, dí dỏm; có người bảo tôi sơ sài quá, có người lại bảo thâm
thúy… Vậy thì không phải “lỗi” ở người viết mà tại người đọc. Người đọc cũng “đồng
tác giả” mà! Bạn thấy không, “văn chương chi sự thốn tâm thiên cổ”!
Còn
“dự trù” gì đó ư? Sau Tâm kinh, Kim cang, tôi đang “nghiền ngẫm” kinh Pháp Hoa,
và giật mình thấy nó đã được gói gọn trong bốn câu ca dao mà người Việt mình ai
cũng thuộc: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà
chẳng hôi tanh mùi bùn”…
NNN:
Cảm ơn Đỗ Hồng Ngọc, chúc thân tâm an lạc.
ĐHN:
Cảm ơn bạn, Ngô Nguyên Nghiễm.
NGÔ
NGUYÊN NGHIỄM thực hiện.
Mùa thu 2010.
No comments:
Post a Comment