Wednesday, September 27, 2017

TỪ NHÓM SINH VIÊN VĂN HÓA ĐẾN CÔNG TRƯỜNG THANH NIÊN VÙNG GIỚI TUYẾN


Hoàng Xuân Sơn

 Hoàng Xuân Sơn

Quán Văn lúc mới thành lập năm 1967.
Từ trái: Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Giang, Trần Đại Lộc và Hoàng Xuân Sơn
Hình Đỗ Tăng Bí. Tất cả đều là thành viên Quán Văn

Quán Văn trong nỗi tình cờ

Không phải cuộc sống lúc nào cũng suông sẻ. Những ngày thơ mộng rong chơi êm ả rồi cũng dần qua. Tất cả bọn tôi đều ở vào lứa tuổi động viên. Phương chi còn phải chúi đầu vào việc học cố kiếm lấy mảnh bằng để kéo dài cuộc sống dân sự. Chiến tranh rồi cũng lan dần về thành phố. Ngồi quán hôm nay trong nỗi thấp thỏm âu lo. Đại bác đêm đêm dội về thành phố – Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe … Cộng thêm những hình ảnh kinh hoàng của sự chết chóc phân ly dần ngự trị trong tâm khảm khiến những chàng thanh niên trong độ tuổi yêu đời phải mang bộ mặt thảm sầu như đá đeo. Những đoàn dân quê rời bỏ ruộng đồng về lánh cư nơi thành thị. Những người lính trận áo còn bạc phếch màu chiến trường hối hả vui chơi hàng quán vài ba ngày phép ngắn ngủi. Thời chiến đọc mới thấy thấm những vần thơ bi tráng của Nguyễn Bắc Sơn Mai ta đụng trận ta còn sống – Về ghé sông Mao phá phách chơi – Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm – Đốt tiền mua vội một ngày vui …

Và rồi những trận pháo kích của Bắc quân cũng đã rót đều vào đô thị. Lính Mỹ, kẽm gai và đồn bót. Chết chóc và tang thương. Thành đô trưng bày diện mạo căng thẳng nơm nớp đợi chờ? Chúng tôi sống hôm nay và lo âu cho ngày mai. Có những người bạn trong quân ngũ ghé thăm hôm trước, hôm sau đã nghe tin ngã gục nơi chiến trường. Hoặc mất tích ngoài trận địa. Như Mai Quang Giá, như Dương Phước Duy, Lê Văn Châu … Ôi học đường, chiến tranh, hòa bình, giá nào phải trả?

Hình như xưa vai gầy
lúc trời nghiêng vạt nắng. một bên
không thấy được mầu mắt
giấu sau làn kính râm

hình như không nói tự đầu chí cuối
lặng im. như triết ngôn líu ríu chân người
mềm lụa áo dài cánh sen
bút cắn ở răng tư lự

hình như chấm hỏi móc câu
níu trời gần xuống
trời xám buồn tiễn đưa thinh không
áo trận về nằm khuất
hơi hám chiến tranh ngun ngút sầu
vẫn mắt sau kính đen
và quay giấu lệ thầm giọt cà phê loang tưởng
khói thu vàng ảm ngón cay
con đường hòa bình côi cút

Rồi giữa bạn bè, trong anh em thân tình cũng có mòi nghi kỵ lẫn nhau. Trần Tiến Định hục hặc với Trần Hiếu Lai, với Ngô Vương Toại … bỏ đi mất biệt (?). Nguyễn Huỳnh ở giữa bó tay. Thiên Bang tan rã. Không còn Nhóm Thanh Niên Tự Lực. Gió Lộng (tờ nội san của nhóm) trở thành hơi may tan vào cõi mịt mờ. Sinh hoạt lắng đọng một thời gian dài. Bầu không khí ngột ngạt, trầm uất. Bạn đường ơi, hãy làm một cái gì đi chứ! Đỗ Tăng Bí nghĩ tới chuyện in sách, làm công tác văn hóa. Bọn tôi lại thay hình đổi dạng, quy tụ thành một nhóm nhỏ khác: Nhóm Sinh Viên Văn Hóa (NSVVH). Nhóm gồm những tay có trình độ học vấn và kiến thức ngang ngang nhau. Nhóm khởi đầu có Đỗ Tăng Bí (nguyên chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ 21 ở quận Cam/Cali), Đinh Bá Ái (dược sĩ, còn ở quê nhà ?), Trần Viết Anh (sinh viên Dược khoa, em Trần Viết Ngạc hiện đang dạy học, chuyên viên nghiên cứu Sử ở Việt Nam), Phan Huy Đạt (luật sư, hành nghề ở Cali – gần đây nhất làm chủ nhiệm tờ báo Người Việt), Lưu Trọng Đạt (quân nhân, tử trận), Nguyễn Thạc (Tây Ban Cầm thủ cổ điển, con trai GS Nguyễn Đăng Thục, nguyên khoa trưởng đại học Văn Khoa Sàigòn), Trần Trọng Thức (ký giả Việt Tấn Xã, ông xã của nữ kịch sĩ Kim Cương; nghe nói là một nghệ sĩ nằm vùng?), Nguyễn Công Chánh tự Lô, Nguyễn Huỳnh, Ngô Vương Toại, Hoàng Ngọc Tuấn, Hoàng Xuân Sơn …( hình như còn ai nữa? Nhờ ông Đỗ Tăng Bí nhắc hộ!). Công trình thực hiện đầu tiên của NSVVH là thành lập nhà xuất bản Quảng Hóa, trùng tên với cô em xinh đẹp của họa sĩ Nghiêu Đề, đã khuất. Nhan sách ấn hành đầu tiên là cuốn Quân Vương – nguyên tác: The Prince của Machiavelli – chuyên về học thuật quyền lực chính trị. Sau đó còn in thêm một số nhạc tập, ca khúc của Trầm Ca, Du Ca, Nguyễn Đức Quang và thi tập Đêm Việt Nam của Đỗ Quý Toàn. Nhà Quảng Hóa còn dự trù in ấn sáng tác phẩm của anh em trong nhóm. Nhưng sau đó ngưng hoạt động vì vấn đề tài chánh.

Trong ý nghĩ tình cờ nào đó của một ai đề xướng, NSVVH đứng ra thành lập Quán Văn (ông Đỗ Tăng Bí xác nhận qua điện thư ý kiến cho ra đời Quán Văn là của ông). Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc về sau là một trong những tụ điểm sinh hoạt văn nghệ tiên phong của thanh niên sinh viên học sinh rất có khí thế, có sức lôi cuốn mãnh liệt và tạo được nhiều tiếng vang trong những năm dài biến động. Có thể nói không ngoa: Chính Quán Văn đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của giới trẻ và người mộ điệu. Từ Thanh Lan/ Từ Công Phụng đến Khánh Ly/Trịnh Công Sơn v.v. và nhiều ca nhạc sĩ, thi sĩ khác nữa. Sinh hoạt văn nghệ từ Quán Văn như một bàn đạp, dần đi sâu vào các khuôn viên đại học, đoàn thể và ngay cả tư nhân về sau. Quán Văn là tiền thân của Thằng Bờm, Hầm Gió, Hội Quán Cây Tre …

Tưởng cũng nên nhắc lại, bọn tôi dù có tham gia các bang, nhóm riêng nhưng vẫn luôn luôn là thành viên của CPS. Cơ quan này đã hỗ trợ đắc lực cho các sinh hoạt mang tính chất văn học nghệ thuật.

Cuối năm 1966, đầu 67, anh em CPS tham gia công tác cứu trợ nạn nhân chiến tranh vùng giới tuyến Gio Linh/Cam lộ/Đông Hà. Chiến dịch được mang tên Công Trường Thanh Niên Vùng Giới Tuyến gồm nhiều anh chị nhiệt tình hăng hái không nề súng đạn hiểm nguy mang vật liệu, phẩm vật đổ xô ra miền địa đầu dựng lại người dựng lại nhà cho đồng bào cật ruột. Một ngôi nhà mẫu bằng vật liệu thật nhẹ trong tinh thần cứu trợ khẩn cấp được tạm dựng trên khu đất trống trước thềm tam cấp, nơi Khám Lớn cũ hồi xưa đặt cỗ máy chém hành xử tội nhân, thoai thoải bước xuống sân cỏ rộng phía bên dưới. Lúc anh chị em sinh viên học sinh về lại Sàigòn sau gần một tháng trời công tác, ngôi nhà mẫu cứu trợ vẫn còn đó.

Nhận thấy ngôi nhà tuy có vẻ sơ sài nhưng tọa lạc ở một địa điểm khá thơ mộng, anh em bàn thảo và nảy ra ý kiến dựng một quán cà phê văn nghệ làm nơi tụ họp thường xuyên cho giới trẻ, với vật liệu đơn sơ thô thiển, tự chế lấy bàn ghế, quày hàng v.v.Thế là phe ta hăng hái bắt tay vào việc. Mọi người đều đồng ý với tên đặt: Quán Văn. Vốn liếng sơ khởi là do đóng góp tài chánh của các thành viên NSVVH dưới hình thức đầu tư cổ phần. Nói nghe có vẻ to tát thế nhưng sự thật đa số anh em là sinh viên nghèo, còn đang theo đuổi việc học, còn ngửa tay nhận trợ cấp gia đình, nên tài khoản đóng góp cũng chỉ đủ chi dùng hàng họ cà phê nước ngọt lúc ban đầu.

Nguyên tắc của Quán Văn là tự quản. Anh em luân phiên quản lý, coi sóc hàng quán mỗi tuần một lần. Đặc biệt chương trình văn nghệ chính thức được tổ chức mỗi tối thứ sáu hàng tuần, nhằm giới thiệu một tác giả hoặc một ban, nhóm đã, đang hoặc sẽ có những hoạt động mang tính văn nghệ. Tối thứ bảy, chủ nhật là văn nghệ tự do, bỏ túi, cây nhà lá vườn. Toại và tôi lo trang trí mỹ thuật, kẻ bảng hiệu, sắp xếp, bố trí bàn ghế, hàng họ. Trước mặt quán, hai chiếc dù nhà binh phế thải được căng ra làm nơi che mưa nắng. Dưới mái dù có khoảng mươi bộ bàn ghế chính thấp lè tè. Và phía dưới tam cấp, dốc đồi, trên thảm cỏ … rải rác những ghế ngồi đủ kiểu đủ loại : thân cây cưa ngắn, ghế xe hơi cũ, thùng gỗ tạp, và thậm chí những két vỏ chai la de. Quán mang một dáng vẻ thô sơ, nghệ sĩ và rất là “sinh viên bụi ”.

Để tăng cường thêm nét duyên dáng cho Quán Văn, Ngô Vương Toại đã mời được một cô bạn gái ở cùng xóm trường đua Phú Thọ làm thâu ngân viên. Đó là Nhuệ Giang, vóc người nhỏ nhắn, xinh xắn với nụ cười duyên răng khểnh rất ư là thu hút, ưa nhìn. Nhuệ Giang tính tình vui vẻ, bặt thiệp và dễ mến, sẵn sàng làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Nhuệ Giang đã hóa thân làm Bông Hồng Quán Văn. Một cái tên tiền định. Mỗi tối đều có một chàng tình si đến cắm một đóa hồng rực thắm trên quày hàng Nhuệ Giang. Tất cả bọn tôi Toại/Giang/Sơn/Tuấn đều trở nên vô cùng thân thiết với Nhuệ Giang. Như anh em một nhà. Chỉ có chàng Trần Hiếu Lai công tử là lọt được vào mắt xanh của cô em gái. Được nhận làm gạc-đờ-co thường trực.

[ Bao năm trời thất tán, bọn tôi không còn nghe tin tức Nhuệ Giang. Chẳng biết con sông Nhuệ giờ trôi chẩy về đâu? Và Bông Hồng Quán Văn lưu lạc ở phương trời miên viễn nào? Hay đã cằn khô nơi đáy thẳm quê nhà ?! ] (*)

Ngồi quán nhâm nhi ly cà phê, nghe nhạc là mode cực thịnh của thanh niên sinh viên học sinh thời bấy giờ. Ngồi cho qua ngày đoạn tháng. Ngồi cho quên nỗi ám ảnh ghê sợ chiến tranh và đường tương lai mù mịt. Quán Cái Chùa (La Pagode), Givral, Brodard, Impérial … (**) dưới phố. Cà phê Hân, Duyên Anh, Thái Chi … ở Đa Kao. Thu Hương ở Tân Định. Gió Bấc, Năm Dưỡng … ở Phan Đình Phùng/Nguyễn Thiện Thuật. Quán nào cũng đông cứng và nườm nượp khách.

Quán Văn cũng không ra ngoài tiền lệ, có phần đông đảo khách hàng hơn, có sức thu hút đặc biệt hơn nhờ những chương trình văn nghệ sống động. Nhạc nền thường trực của Quán Văn là nhạc chọn lọc từ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến … cùng nhạc tiền chiến, cổ điển phát ra từ một máy magnétophone gắn tape nhạc lớn do Trần Đại Lộc cung cấp. Thức uống của Quán Văn cũng đơn giản, chỉ vài ba món :

Cà phê (dĩ nhiên!) – Nước ngọt, thường là nước cam chua nhãn Birley, có khi là Xá Xị Con Cọp. Đặc biệt rất đắt hàng là nước đá chanh đường pha rượu Rhum, gọi tắt là Chanh Rum. Trà nóng trà đá miễn phí. Tới phiên ai quản lý, người đó phải mua sắm dự trữ thức uống đủ cho cả tuần. Bọn tôi chọn cà phê Pháp thơm ngon loại Jean Martin ở quày hàng kế restaurant Thanh Bạch đường Lê Lợi. Nước ngọt mua sĩ tận Chợ Lớn (Tấn Mốc lo việc này). Chanh, đá, đường … mua quanh khu vực chợ Bến Thành. Ẩm khách mua ticket tại quày thu ngân Nhuệ Giang và tự động ra phía sau chọn món hàng thích hợp. Có những hôm quá đông khách phe ta phải cật lực làm việc “ rụp rụp” (nói theo ngôn từ Võ Phiến) kiểu dây chuyền mới bắt kịp lưu lượng khách vào ra. Nào liền tay rửa phin, ly tách, pha cà phê, quậy chanh rum, chặt nước đá v. v . Có những tay pha cà phê rành nghề như Hoàng Xuân Giang, Ngô VănTính … thì cũng có những hảo thủ với ngón “ hàn băng miên chưởng ” múa tay chặt nước đá bay bướm nhậm lẹ cỡ Tấn Mốc, Hồ Tự, Nguyễn Khả Lộc …Lắm khi làm không kịp, khách phải nhào vào giúp một tay. Không khí thiệt là rộn rịp, thân thiện. Đông, vui không thể tả.


Ra Quân

Quán Văn ra quân những sinh hoạt văn nghệ tiên khởi bằng lực lượng trừ bị : phe nhà tung quả bóng dò đường trước.

Nguyễn Thạc bắn phát pháo đầu với đêm trình diễn độc tấu tây ban cầm. Thạc là một guitariste nhạc cổ điển có hạng. Khán thính giả chọn lọc, hạn chế. Đêm tĩnh lặng. Từng giọt đàn lóng lánh trong mắt người. Tí tách những giọt cà phê trầm tưởng, sóng sánh. Và bóng đêm chan hòa trên sân cỏ ru người vào cơn mộng êm đềm. Dù ít khách nhưng đêm văn nghệ thành công mỹ mãn bởi tấm lòng của người trình tấu và kẻ thưởng thức.

Tiếp nối không khí trầm lắng, Quán Văn sôi động hẳn lên với Đêm Trầm Ca Nguyễn Đức Quang/Hoàng Kim Châu/Trần Trọng Thảo. Ở đây không có tiếng hát nhà nghề. Ở đây chỉ có ca khúc bùng cháy ra trên đầu môi nhiệt huyết. Quang-Châu-Thảo hát say sưa những bài ca khai phá. Những thanh khúc hùng tráng khơi động lòng hăng say tuổi trẻ. Khí thế bừng bừng. Anh hát. Tôi hát. Mọi người cùng hát trong tiếng vỗ tay đều nhịp dậy trời.

Anh em tôi – hơn trăm năm – nằm nếm gai uống chai mật đắng – chê bước anh – nhưng trông đến em lòng đầy lo lắng
Anh em tôi – hơn trăm năm – mang chiếc gông đi trong lao tù – cho đến nay cờ tự do cắm trên nấm mồ (Anh Em Tôi – NĐQ)

Đường Việt Nam ôi vô cùng vô tận – đường ngang tàng ngoài biển Nam đến Trường Sơn – đường ngày qua đầy vết kinh hoàng, mỗi xóm làng một dở dang …
Ai từng đi trên đường Việt nam – bước âm thầm và tim nát tan
Đi dựng lấy quê hương nhà – giống da vàng này là vua đấu tranh … (Đường Việt Nam – NĐQ)

Người bạn láng giềng – Ca Đoàn Nguồn Sống – tham gia trình diễn tại Quán Văn một chương trình đặc sắc phong phú gồm đủ các thể loại ca – vũ – nhạc – kịch; dân ca, hát chèo, nhạc cổ truyền … làm sống lại truyền thống văn hóa dân tộc, rất đáng trân quý, gìn giữ.

Và rồi Đêm Tâm Ca Phạm Duy/Steve Addiss. Hai nhân dáng. Hai dòng máu. Khoác áo màu đen thôn dã. Song tấu tây ban cầm. Và cùng hòa chung tiếng hát, đổ xuống như những giọt mưa, chan hòa trong mắt, trên môi mẹ:

Giọt mưa trên lá – nước mắt mẹ già lả chả đầm đìa trên xác con lạnh giá
Giọt mưa trên lá – nước mắt mặn mà – thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về …

Steve (Stephen) Addiss cũng có chuyển sang Anh ngữ ca khúc này của Phạm Duy: The Rain On The Leaves

The rain on the leaves is the tears of joy – of the girl whose boy – return from the war. The rain on the leaves is the bitter tears when the mother hears her son is no more …

Đó là những hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí. Như những bài tâm ca lắng đọng lâu dài trong hồn người.

Sinh hoạt văn nghệ Quán Văn thay đổi không ngừng. Tiếp nối là những đêm: Từ Công Phụng hát tình ca Trên Vùng Tuổi Mây với Thanh Lan (ca sĩ/diễn viên điện ảnh) – Vũ Thành An/Hồng Vân/Thế Dung và Những Bài Không Tên – Miên Đức Thắng vạm vỡ, mạnh bạo với Hát Từ Đồng Hoang. Và rồi Phương Oanh với dân ca. Ban Tam Ca Đông Phương. Các nhạc sĩ Du Ca như Ngô Mạnh Thu/Diễm Chi, Giang Châu, Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Hữu Nghĩa cũng ra quân trình làng. Có những đêm thơ như đêm ra mắt thi phẩm Đêm Việt Nam của Đỗ Qúy Toàn. Nhà thơ Lê Văn Ngăn từ ngoài trung vào diễn ngâm thơ của mình và bằng hữu qua chủ đề Ánh Sáng Đời Lao Động. Trịnh Công Sơn cũng đã thực hiện xuất hát một mình trước khi có Khánh Ly. Anh hát những ca khúc trong Thần Thoại, Quê Hương và Thân Phận. Như đã có lần nhắc đến, đây là những ca khúc mang tính triết lý sâu đậm về con người và cuộc sống. Có nhìn thấy cái nhân dáng gầy gò của TCS ôm đàn hát những ca khúc mình với giọng kêu gào thống thiết mới thấm cảm qua từng câu từng chữ, cái thân phận nhỏ nhoi, mong manh của kiếp người vô lượng.

Như thế, Quán Văn lúc nào cũng đông vui. Nhưng phải đợi đến sự kết hợp lạ thường diệu vợi giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, Quán Văn mới trở nên một hiện tượng và mang dấu ấn rõ rệt về các sinh hoạt văn nghệ thời thượng. Từ khởi điểm này, đã có sự cảm thông tuyệt vời giữa nghệ sĩ và quần chúng. Hát và Lắng Nghe đã trở thành một nhu cầu cần thiết cho tuổi trẻ hôm nay giữa vùng đạn bom tủi nhục. Hát và Lắng Nghe đã bước đi từ Quán Văn, lan dần vào các đại học; lớn dậy một phong trào sinh hoạt đầy nhiệt huyết .

(*) Nhờ thông tin qua mạng lưới internet, chúng tôi đã liên lạc lại được với Nhuệ Giang. Hiện Nhuệ Giang đang cư ngụ ở Úc Đại Lợi với gia đình.

(**) Tin mới nhất : chính quyền Việt Nam hiện tại đã phá đổ các quán Givral, Brodard … để xây dựng kiến trúc khác! Quán Cái Chùa đã sụm từ lâu!

QUÁN VĂN 1

[đêm 22 qua 23 decembre 2013
Cao Sơn về núi]

cái thuở cầm dao chặt nước đá
nhanh như một diệu thủ cực kỳ
ngó nghiêng qua phía quày sông nhuệ
thấy một bông hồng đương chớp mi

cái ghế chợt nằm lăn ra cười
trên ngọn dù cao trăng tĩnh tọa
tiếng hát bay đầy đêm xanh tươi
và tiếng đàn bỗng dưng nghe lạ

phải rồi có ai đó thầm thì
bốn mùa sẽ đứng lên cùng gọi
một hồn sương sớm mỗi chân khuya
đã ửng hồng lên khúc ngày mới

văn. là đẹp sáng ngời thân vóc
quán chào vui trong nỗi cận kề
ví dụ một con đường dấu ái
đã sao trời ánh tận huyền khuê

cái thuở cầm phin lọc nõn tình
giọt rơi như mắt nâu kỳ ảo
cỏ dưới chân thơm đứng vô hình
ngôi đã thác bay về tân tạo

Quán Văn, Sàigòn 1967
Từ trái hàng đứng: Hoàng Ngọc Tuấn, Hà Tường Cát, một thân hữu, Hoàng Xuân Sơn
hàng ngồi: Hoàng Xuân Giang, Trần Đại Lộc

QUÁN VĂN 2

dưới mái dù che đàn thắp thuốc
phà lọn khói ấm sưởi hơi nhau
và nghe tiếng hát xanh như nguyệt
cây đứng riêng cao một ngọn làu

là núi. là núi. phải không. núi
mai chị về. em vẫn ở không
đường đi vẫn gió tình không lạnh*
mình thân thương giữa chặng phiêu bồng

có phải ai vừa chu miệng sáo
huýt dặm thơm đêm dạ nguyệt quỳnh
nguyên hương thảng thốt mùi men dại
của lá sương khuya chút hoặc huyền

cúi mặt. nhìn nghiêng. âm sáng tỏ
lại gần. lại gần. kề vai xuân**
trăm năm bông súng mìn hoa dại
đời sẽ vui hơn phút gọi buồn

HOÀNG XUÂN SƠN
2 tháng 7/2017       
[Trích đoạn phóng bút Cũng Cần Có Nhau, Nhân Ảnh xuất bản 2013]

* ý thơ, Kẻ ở – Quang Dũng (theo nguyentrongtao.info, bài Kẻ Ở có tên là Dặm Về của Nguyễn Đình Tiên?)
** Lại Gần Với Nhau – Trịnh Công Sơn

No comments:

Post a Comment