Friday, June 30, 2023

ĐÁNH MẤT CẢ NIỀM TIN

Đoàn Minh Đạo.
 
Hình Záviš Kalandra
 
THÁNG SÁU nhớ về Záviš Kalandra (10 tháng 11 năm 1902 – 27 tháng 6 năm 1950) là một nhà sử học, nhà phê bình sân khấu và nhà lý luận văn học Tiệp Khắc...Ông bị Gestapo bắt vào năm 1939 và bị cầm tù cho đến năm 1945 trong nhiều trại tập trung khác nhau. Sau chiến tranh, ông bị coi là một người theo chủ nghĩa Trotskyist và bị buộc tội là thành viên của một âm mưu lật đổ chế độ Cộng sản. Ông đã bị kết án tử hình cùng với các đồng phạm của mình, Milada Horáková, Jan Buchal và Oldřich Pecl, vào ngày 8 tháng 6 năm 1950 và bị xử tử bằng cách treo cổ.
 
Paul Éluard nhà thơ Cộng Sản Pháp từng ca ngợi Joseph Stalin trong các bài viết chính trị của mình, thậm chí còn viết một bài thơ cho tên đồ tể ấy! Tôi hết muốn đọc "Kinh đô thống khổ" (Capitale de la douleur) của ông. Nhà văn Milan Kundera kể lại rằng ông đã bị sốc khi nghe tin Éluard công khai tán thành việc treo cổ bạn là nhà văn Záviš Kalandra ở Praha vào năm 1950. Ta không thể hiểu một nhà thơ đã xót thương ngay một cành hoa "...Tại sao khóc than một đóa hoa khô/ Và sao tiềc thương bông tử đinh hương?/ Tại sao thương cho một cánh hồng hổ phách?...." lại đồng tình với cuộc hành quyết bạn mình vì bất đồng chính kiến, đó là một cú đánh làm tan nát toàn bộ hình ảnh của chúng ta về thế giới. Tôi mất niềm tin trước chủ nghĩa đấu tranh, trước phân biệt chủng tộc, trước chiến tranh phi nghĩa .. và bài thơ của tôi :
 
 
ĐÁNH MẤT CẢ NIỀM TIN
 
Khi sợi thòng lọng xiết lên trên đài giảo hình Czech
Và đôi chân người bơi trong không
Đạp vỡ vụn hình tượng loài người
Sự chết uyên bác thăm dò mọi nơi chúng đến
Kinh cầu hồn Záviš điểm những vần thơ vô nghĩa chìm
“Kinh đô thống khổ”
Từ huyệt đêm Auschwitz, Celan lầm lũi băng qua
khu phố lịch sử tồi tàn
Chàng cũng không nuốt trôi phần sữa đen của Rose
Đã gieo mình xuống dòng sông nọ
Mây nước lêu bêu bên những mộ phần
Người phù phiếm lặp lại những câu thơ lỡ vận
Cúi mình xưng tụng quyền lực
Mọi hứa hẹn một màu tín lý
Tôi nhìn người trực cảm
Tôi là ai đánh mất cả niềm tin.
 
 
Có những đêm thao thức
Giữ một thư tịch tội ác không tiết lộ
Đen đậm tách Cafe Americano không chiều rạng
Mùa Thu nhiếp nắng nguồn cội trên không
Bông hồng vô xứ
Bóng ngựa thồ cuối đường niên thiếu cửa mở
Thi nhân nằm dài kiên cố như tầng hầm chôn quá khứ chiến tranh
Xám ngoét tro than vùi lấp
Ngoài khung kính ám mốc ẩm ướt
Khuôn mặt miễn nhiễm sự ác
Xin buông tha những đôi mắt trẻ thơ tị nạn Syria
Nhà nước nào tông giáo nào đỡ được em
Tôi nhìn em trực cảm
Tôi là ai đánh mất cả niềm tin.
 
ĐOÀN MINH ĐẠO. 

Wednesday, June 28, 2023

CÒN MÙA NÀO CHO MÂY CHO GIÓ CHO MƯA

Huỳnh Liễu Ngạn
 
Dòng sông xưa
 
có ngọn gió mùa nào thổi qua mái hồn anh
ngoài kia cơn mưa mù se vào liếp cửa
anh nhìn xuống dòng sông xưa chảy về bến cũ
con thuyền xa khơi và dấu vết của đợi chờ
 
có nỗi buồn nào len vào trong đời anh
khi biết rằng cuộc đời không màu mè như em tưởng
như nỗi đam mê bên kia hàng dậu đổ
thưa lá với đêm dài
 
mai kia những kỷ niệm héo mòn
những thiết tha trừu tượng
thức dậy như chồi non xanh xao buổi hẹn hò
có em với hai bàn tay gầy níu gọi lại bình minh
thoảng như có tiếng chim vành khuyên hót đâu đó
trong tâm tưởng của mỗi người
mà hư không nhẹ như mùa thu bay về bên khóm lá
 
tóc em không còn dài như ngày xưa
để tưởng niệm cơn nắng mai dọi xuống hồn
và rồi tháng ngày trôi đi
dòng sông trôi đi mang theo nhiều nỗi lòng sầu muộn
vẫn lãng đãng hoài bóng trăng rằm
thuở em vừa tròn mộng
 
có chút bâng khuâng nào đó rụng xuống
ngoài bãi cát đêm
anh đưa tay với bắt thả trôi về biển khơi
con sóng chiều cuộn dâng xôn xao một ngày uể oải
loài hải âu vỗ cánh bay lên khoảng trời cao
không một âm vang dội qua ghềnh đá
 
như thể trái đất vẫn dịu dàng
đuổi xua đi những lãng mạn của cuộc đời
và anh chắc chắn một điều
không có nỗi nhớ nào hụt hẫng
bằng đôi mắt não nùng của tháng ngày tha hương
mà tình cờ thấy được vào buổi sáng mưa giông
buổi sáng định mệnh của đời mình
 
hỡi em
anh xin lại đôi bàn tay cầm bút
làm những bài thơ xuôi
rồi xuân hạ thu đông có mùa nào cho mây bay về đầu phố
khua con đường rộng
hai hàng cây thưa lá
giữa mênh mông
gió vẫn đìu hiu một nỗi vô thường
 
còn mùa nào trải dài giữa thênh thang đời
để em đổ đầy đôi mắt lên cao
thả đi ước vọng cuối năm
thầm thầm ngoài khung cửa
mười năm hai mươi năm
xa xôi đầu sông cuối chợ
 
còn mùa nào cho mây cho gió cho mưa
cho em ước lại cuộc đời.
HUỲNH LIỄU NGẠN
 
 

Friday, June 23, 2023

CÁI VIẾT. [ LẦN THỨ ]

Hoàng Xuân Sơn
 
Tranh: Paula Andrea Pyle - Fine Art America
 
Anh viết tở mở
Rồi bụm lại đầy
Rồi thả đi hết
Tửng con chữ bay
 
Con bay lên tóc
Con vào hốc mắt
Con cắn phải môi
Buồn buồn bật khóc
 
Vì chẳng còn gì
Một mớ bòng bong
Một lùm tơ nhọc
Rối cả đường về
 
Lúc đi chẳng nhớ
Buổi nào xa xưa
Hồng nào phai diễm
Nước chảy mút mùa
 
Thời gian mút chỉ
Chép chép ghi ghi
Ở đâu cũng viết
Còn viết được gì
 
Viết nhau khuôn mặt
Trên từng gian khó
Viết vết chân chim
Hằn lên cố thổ
 
Rồi cũng nguội dần
Sao còn tha thiết
Một chút trần thân
Một hồn rất mệt
 
Viết giữa trời xanh*
Cùng nghe mây trắng
Bay đi ngoại thành
Bay về cố quận
 
Thức chút sương hồng
Vệt thời gian bỏng
Như một chuyện tình
Đáo rồi bỉ ngạn
 
H O À N G X U Â N S Ơ N
@june 11.23caiviet
 
*Viết Lên Trời Xanh, tiểu thuyết, Hoàng Khởi Phong

Tuesday, June 20, 2023

KHÚC CA MÙA HÈ

Nguyễn Thị Khánh Minh
 
Minh họa: Tranh Ann Phong.
 
Hôm nay hè đã lại bên song cửa nhà tôi, mang theo tiếng thở dài cùng lời thì thầm nhè nhẹ; và trong rừng cây tươi ngập xác hoa bầy ong đang nhởn nhơ ca hát, lúc này là lúc ngồi im lặng, đối diện với người, trong trầm tịnh, thảnh thơi tràn trề, cất lời ca hiến dâng cuộc sống (Tagore, Lời Dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch). Vâng, chúng ta hãy theo các nhà thơ Mark Strand, Trần Dạ Từ, Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Lữ Kiều, Vũ Hoàng Thư, Phạm Thiên Thư, Ko Un, Nguyễn thị Hải, Trầm Phục Khắc, cùng cất lên khúc ca mùa hè có vui cùng buồn để hiến dâng cuộc sống. – NTKM
 
***
 
TRẦN DẠ TỪ
 
Nụ Hôn Đầu
 
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh cỏ biếc trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông
Trên môi ta vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó giòn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng cỏ biếc vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.
 
*
 
KHUYẾT DANH
 
Lớp học
 
Có một chùm một chùm những tiếng chim non
Có một chùm một chùm hoa nắng
Một chùm em thẩn thơ ô cửa mùa hè
Lớp học của những kẻ mê man
Người thầy quay về sau bao năm bài giảng còn dang dở
Thầy bảo mình đã già các em thì quá trẻ
Nào đừng lay thức giấc mơ
Phượng đỏ môi em đang đáp xuống ròng ròng
Mưa thẫm ngoài kia không tiếng động
Sân trường chỉ còn khoảng trống
Trên tay em từng tia ban mai mảnh hơn sợi tóc khô dần
Từ lâu rồi hoàng hôn chẳng quay về phía ấy
Phía có tàn cây lưu niên không giữ nổi thân mình
Phía có bức tường cách ngăn đến hồi sụp đổ
Vết dấu người đi dâng cỏ biếc trùng trùng
Có một chùm một chùm câu chuyện cũ
Im lìm thư viện mốc meo
Im lìm bảng đen giấy trắng
May quá nơi này còn sót vài cơn mưa từ tốn
Đủ lạnh để rùng mình.
 
*
 
MARK STRAND (1934-2014)
 
Nỗi sầu muộn bị chôn vùi của một nhà thơ
 
Một mùa hè, khi chàng vẫn còn trẻ, chàng đứng bên cửa sổ và tự hỏi họ đã đi đâu, những người đàn bà ngồi bên biển, ngắm nhìn, chờ đợi một điều gì đó không bao giờ đến, gió nhẹ phả vào da họ, gửi những lọn tóc xoã ngang môi họ. Họ đã ngã xuống từ mùa nào, họ đã lạc lối từ ý niệm nào của nét yêu kiều? Đã lâu rồi kể từ khi chàng nhìn thấy họ trong vẻ lộng lẫy đơn độc, trĩu nặng trong nỗi biếng lười, dệt nên câu chuyện buồn về niềm hy vọng bị bỏ rơi. Đấy là mùa hè chàng lang thang trong màn đêm kỳ vĩ, trong biển tối, như thể lần đầu tiên, để tự toả ra ánh sáng của chính mình, nhưng những gì chàng toả ra là bóng tối, những gì chàng tìm thấy là đêm.
 
(Linh Văn dịch)
 
“The buried melancholy of a poet”, từ tập thơ “Almost Invisible” (2012) – Mark Strand là một nhà thơ, nhà tiểu luận và là một dịch giả người Mỹ gốc Canada (vanviet.info).
 
*
 
KO UN
 
Dòng sông mùa Hạ
 
Và đây dưới bầu trời này, chúng ta hãy ngắm nhìn
Dòng sông sinh thêm một bầu trời.
Cùng tiếng sông như tiếng đàn vang lên
Là vòm cây tần bì xào xạc.
Sông sẽ chẳng bao giờ sâu hơn khi chảy một mình
 
Với ánh sáng và những ngân vang đến từ những miền xa lắc,
Sông là con đường diệu kỳ nhất trong mọi con đường.
Khi sông cuộn chảy qua cố hương tôi uốn mình từng khúc
Dòng nước đổ vào những lấp lánh cơn mơ
Và đôi bờ từ từ trôi vào lễ hội của giấc ngủ
 
Những chàng trai, những cô gái, vẻ đẹp của mùa hạ,
Ngắm nhìn những hào quang rực rỡ tỏa quanh mình,
Bởi chính ánh sáng từ đức hạnh trinh tiết của họ
Cất cánh bay trên mặt nước sông
Nếu cuộc sống tươi trẻ của thế gian này chảy như chính dòng sông
Thì những ai qua sông chẳng hề mong trở lại
 
Vẻ lộng lẫy của thế gian lúc hoàng hôn dành cho những chàng trai cô gái.
Đêm đêm những ngôi sao mới được sinh ra để soi sáng họ.
Và đây dưới bầu trời này, chúng ta hãy ngắm nhìn
Dòng sông sinh thêm một bầu trời.
Này những chàng trai này những cô gái
Và tiếng đàn của các bạn ngân vang!
Làm lòng sông trở nên sâu thẳm
 
Và giờ đây dọc đôi bờ, những xóm làng trải rộng
Bởi lễ hội của bầu trời mùa hạ và sự tràn đầy vô tận của đêm.
 
(Nguyễn Quang Thiều dịch, trong tập Năm Nhà Thơ Hiện Đại Hàn Quốc, 2002).
 
*
 
NGUYỄN NHẬT ÁNH
 
Mùa Hè
 
Mùa hè nào gặp gỡ
Mùa hè nào chia ly
Mùa hè nào hội ngộ
Tôi cầm trên tay hai mùa hè rực rỡ
Còn mùa hè cuối cùng rơi đi đâủ
Ai nhặt được mùa hè tôi đánh mất
Xin trả lại cho tôi
Xin trả lại cho tôi người yêu tôi
Dẫu chỉ là xác con ve sầu chết khô
Ấy chính là mùa hè của tôi
Ngủ quên trong nách lá
Những ngọt bùi tôi đã nếm trải
Những đắng cay tôi đã nếm trải
Những mùa hè bỏng rát sau lưng
Còn mùa hè cuối cùng tôi gặp lại
Trốn đi đâu ngoài tầm mắt tôi tìm?
 
*
 
ĐỖ TRUNG QUÂN
 
Chút tình đầu
 
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng – mối tình đầu
 
Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Lá áo người trắng cả giấc ngủ mê
Lá bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại... mang về.
 
Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp
Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ vào cây
Người con gái mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay...
Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng cũng hiểu – chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi... thành câm.
 
Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.
 
(Nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài hát Phượng Hồng, 1984)
 
*
 
LỮ KIỀU
 
Niềm Hạ
 
Mùa đã về rồi người hay không?
Những khóm hoa xưa rụng bên lòng
Nghẹn ngào dĩ vãng về trong nắng
Tôi cách người xa một con sông
 
Nửa đêm thân tôi thành gió thổi
Đưa thuyền vô cớ đậu bến người
Con trăng từ độ mùa đã dậy
Bỗng vàng hiu quạnh giữa đơn côi
 
Giấc ngủ tôi mơ người ngồi khóc
Thân tôi là nắng đậu mắt sầu
Lối cũ rất êm người bước nhẹ
Bước nhẹ như là chưa bước qua
 
Đưa người bâng khuâng về lối cũ
Mùa lên trên đỉnh bóng cây gầy
Người khẽ nhìn tôi cầu nhắn nhủ
Gió căng buồm hay tóc người bay?
 
Bây giờ lòng tôi như nắng hạ
Chẳng dám đưa tay nắm tay người
Từng ấy thương yêu từng ấy khổ
Tôi lỡ người rồi tôi lỡ tôi
 
Thôi mùa đã đến giao buồn bã
Hồn riêng giữ mãi một bóng người
Tôi giữ luôn dòng sông xa cách
Mùa đã về rồi người hay không
 
*
 
NGUYỄN THỊ HẢI
 
 
Cây hoa phượng bọc kín trong bóng tối
Con cá say nắng đã bị nấu thành món canh cá
Khép lại ngày
Bằng que kem giải nhiệt
Bé Amidan
Hát vang trong vòm họng tôi
Bài ca mùa hè
Lạnh buốt  
 
*
 
TRẦM PHỤC KHẮC
 
Hè Muộn
 
Ra đi như cơn giông
Trên bàn tay chớp giật
Ôm trời đất vào trong
Cởi hồn cho gió lộng
 
(Trích từ tập thơ Bói Mộng)
 
*
 
VŨ HOÀNG THƯ
 
Hoa Hạ
về Phượng
 
từ em quê ngoại mùa lên
đỏ ươm tình ngát hạ rền lời em
hải trình tôi lướt chiều êm
nghe từ cuối bãi bình yên lượng triều
 
đẹp đôi mắt phượng xuân thiều
cù tôi phương hướng dặm kiều sánh môi
rực hây hoa thắm em ngời
bóng chùm râm mát dịu tôi cõi về
 
nụ em hạ chớm tình khuê
cành tôi bắt nắng cận kề lân lang
nghe chim tìm trụ hót tràn
triều dương kim phượng biếc tàng suối hoa
 
êm vui giọng nói quanh nhà
lời em mở hạ hương đàn thềm trăng
tình tôi em ở thường hằng
trăm năm về ngụ một đằm thắm em
 
*
 
PHẠM THIÊN THƯ
 
Hạ Hoa
 
1.
đêm nghe mưa nhỏ
động mái lều thơ
dưng nhớ người xưa
áo vàng thuở nọ
 
người tình nho nhỏ
nhỏ mãi trong ta
như chum hạ hoa
 
buồn ơi, đốt thuốc
lần trang sách nhòa
này những đóa hoa
ép từ hạ cũ
 
tưởng em tóc rủ
trong dòng mưa sa
 
2.
nhà anh đầu suối
nhà em cuối dòng
suối có một lòng
sao tình đôi ngả
 
kể từ mùa hạ
tê tái ve sầu
đêm thắp đèn dầu
chúng mình ngồi học
 
giờ anh đi đâu
chòng đèn em khóc
 
(Trích thi tập Ngày Xưa Người Tình, cơ sở Văn Chương xuất bản tại Sài Gòn 1974)
 

Sunday, June 18, 2023

AI RA ĐI MÀ QUÊN TRỜI XƯA ĐƯỢC SAO…

nguyễnxuânthiệp
 
Bến sông xưa
 
     Ai ra đi mà quên trời xưa được sao. Xin mượn ca từ bài hát của Trần Đình Quân (có sửa một chữ) để diễn tả lòng mong ước ngày về. Nhưng với Nguyễn và một số đông bằng hữu thì vấn nạn đã được đặt ra: Có thể nào về lại được không? Cho dù có vài kẻ đã về và ở lại luôn bên ấy. Mà những người trở về này được biết đến nhiều nhất là giới ca sĩ. Có lẽ họ nghĩ rằng là chim thì hót ở đâu cũng được -Đông hay Đoài thì cũng rứa rứa xêm xêm. Đã không biết ấm lạnh thì thôi, mặc kệ họ thôi.
    Riêng Nguyễn và bạn bè thì e rằng không thể nào về lại được, khi trên tiền trường sân khấu còn bóng quỷ dữ (xin mạn phép độc giả nhắc lại một câu đã viết cách đây dăm năm -em còn nhớ hay đã cố tình quên đi?). Thân xác không thể trở về nhưng hồn mộng đêm đêm vẫn tìm bếp lửa ngày xưa. Trong tập tạp bút Nắng & Hoa, Cao Huy Thuần có thuật một câu chuyện khá cảm động: Chị bạn của Thuần tên Hà (tên này do Nguyễn đặt ra, vì không nhớ tên nhân vật trong câu chuyện). Chị Hà ở Mỹ, anh của chị ở Pháp, một cô em gái ở Đức, một cô em nữa ở Đan Mạch. Hằng năm, họ lấy ngày giỗ cha để họp mặt anh chị em. Chị Hà kể: "Anh em gặp nhau vui quá, nhưng nhìn mười đứa nhỏ chơi với nhau, đứa thì tiếng Mỹ, đứa tiếng Pháp, đứa tiếng Đức, đứa líu nhíu tiếng Đan Mạch, chẳng đứa nào nói được tiếng Việt với đứa nào, tôi tự hỏi không biết hương hồn ông nội ông ngoại chúng nó có buồn không. Tứ chiếng giang hồ, đúng là gia đình chúng tôi giang hồ tứ chiếng!" Rồi chị Hà nói tiếp, vẫn giọng nói dễ thương: "Nói gì thì nói, nhưng ví thử tôi chết đi, xuống địa ngục, Diêm Vương nó hỏi tôi muốn đầu thai thành người gì, tôi sẽ móc túi đút cho nó năm bảy cây để năn nỉ xin làm lại người Việt Nam. Tôi mà đi giữa đường đụng xe, nhắm mắt một cái là hồn bay một mạch về Huế liền." Gặp nhau ở sân bay sửa soạn về Mỹ, chị Hà ký một tấm check đưa Cao Huy Thuần nhờ chuyển về giúp Huế. Thuần cám ơn và hứa sẽ mua cái gì đó thật xứng đáng với trái tim của chị Hà. Chị nói chính chị phải cám ơn Huế vì nếu không có Huế để chị nghĩ tới thì chị đâu còn biết mình là cái gì. Riêng Cao Huy Thuần, trong những chuyến về thăm nhà, biết được ga Huế đang cần một cái đồng hồ cho khách đi tàu (bọn cán bộ nay đã giàu sụ, giàu một cách vô liêm sỉ, đâu cần nghĩ tới cái đồng hồ cho một nhà ga quê nhà). Chị Hà thì nay không còn nữa (chị chết vì ung thư) nhưng trái tim chị đã biến thành cái đồng hồ điểm thời gian trên sân ga Huế.
NXT

 

  

MƯA… VÀ NHỮNG BÀI KHÁC

nguyễnxuânthiệp
 
The umbrellas. Renoir
 
MƯA
 
mưa mù sa. mưa tháng tám. hay mưa tháng năm
tôi đi. hồn cây. mưa hạ hay mưa mùa đông
em vẫn bên bờ kia. biển. mây. vàng nắng đậm
tôi nhìn trời. gọi một vầng trăng trổ bông
 
mưa từ đất rộng. áo em phai. mưa qua sông
mưa sài gòn. mưa ở đây. mùa new orleans
tiếng đàn trầm rụng. quán âm. cõi blues nức nở
khuya rồi. có tiếng sóng. và rừng xưa nước
                                                               mắt xanh
 
em có nhớ. mai kia. sẽ mưa trên hồ sen. trên
                                                               rặng nhãn
tôi làm cánh chim cổ tích bay ngược thời gian
em chơi nhảy dây. nhớ cột giùm đôi vạt áo thơ.
                                              con chuồn chuồn. đỏ
vết đau ấu thời. chiếc kẹp tóc. quên trên ổ rơm
 
khi xa tôi. trời mưa không nhỉ. thì cứ nói là mưa đi
thêm chút mộng. người xa nước. lúc chia tay
                            những bông phượng hồng. ướt tóc
rơi. mái hiên thưa. nhìn gì nữa. phố mưa
thấm trên trang sách. em ôm vào ngực. lỡ mai
                                                         người không về
 
thì mưa
những guồng tơ quay. dưới mái nhà mây xám
mùa thu
rồi mùa hạ
tiếng ve khơi biển rộng
vỡ quá khứ. mù tôi đi
qua những chiếc cầu treo. thiên niên kỷ tàng
                     tàng. nghiêng. thành phố quạ
trở giấc tường vi. mưa ở đây. mưa từ rất xa. rất xa
 
 
ĐỌC ‘MNG HÁI SEN’
 
chiều rơi
vẫn chiều. cổ thi
ngồi đọc
mộng đắc thái liên
tưởng thấy lại tố như. thời trẻ. ở thăng long
cùng cô hàng xóm. quần cánh bướm
bơi thuyền đi hái sen
bóng người lồng bóng nước
ôi. đâu rồi. cô gái phượng thành. của thiệp tôi
từ dưới ao sen mùa hạ. bước lên
tay ôm đầy bông sen. đỏ
áo quần dính vào da thịt
có phải. ấu thời em. là. hương sen
 
 
HÀNH GI VÁC TRĂNG
QUA BÃI QUNH
 
hành giả
từ túp lều cây chuối
bước ra
mang theo. những câu thơ. haiku
và nắm xôi
vừa đi. vừa đọc thơ. vừa nhai
chợt đâu nguyệt thực
buông hết
một mình vác vầng trăng. đỏ
đi qua bãi sông hằng
trời mạn đà la
hahaha
 
 
ĐỌC EMILY DICKINSON
 
chiu
ngồi đọc. emily dickinson
gặp chú ong
ngày nào
và đứa bé
đi tìm mặt trăng. trong đám lá khô
đứa bé cười vui. với nắng
chú cùng với con ong
chui vào bụi rậm. rồi ngủ. say. trong mùi
                                                      mật hoa
cho tới khi mặt trời. như trái chín. rụng
tôi phải đánh thức. gọi chú về
hê. con ong. như chiếc thuyền nhỏ. bay đi
ôi. con ong. con ong của chú bé
và những ngày vui
 
còn con ong nhỏ của tôi
em ơi
đã chết. trên cánh đồng của tóc khô. và
                                    những cây gai nhọn
NXT