Friday, June 29, 2018

NƠI PHỐ XƯA ANH VỀ


nguyễnxuânthiệp

Sunny Saigon. Photo by Aron Tock

Nơi phố xưa anh về…
Chỉ là tưởng tượng. Nhắc lại một câu đã viết năm nào: Làm sao về được khi bóng chúng còn trên tiền trường sân khấu.
Mà nơi phố xưa ấy là nơi đâu? Ở Sài Gòn, tất nhiên. Là con đường Tự Do (Catinat) từ bến Bạch Đằng chạy lên tới Nhà Thờ Đức Bà và Nhà Bưu Điện. Nguyễn cũng như bao chàng và nàng khác ở cái thời xa xưa ấy từng nhiều lần qua lại những nơi này. Phòng trà Mỹ Phụng nơi đã nghe hát Chiều xóa thành đô/thế nhân bàng hoàng/giong hát lời ca ôi sao nhịp nhàng…* Rồi khách sạn Majestic nơi Thanh Tâm Tuyền thường ngồi uống cà phê… Passage Eden với những cửa hàng và rạp chiếu bóng. Phòng trà Tự Do như còn vang giọng ca Bạch Yến với Đêm Đông** và Xin Mặt Trời Ngủ Yên***. Mà nói tới con đường Catinat là phải nói tới những hàng me rợp bóng -nay còn không hở người cố cựu. Và Brodard. Và Givral và Khách sạn Continental. Nơi đây mình thường đón Dung đi taxi tới và rồi cùng nhau tay nắm tay dạo chơi phường phố. Nguyễn Đình Toàn ngày ngày ngồi buồn trên căn gác ở Quận Cam bây giờ chắc không ngừng nghĩ tới cà phê La Pagode và một thời viết văn làm Nhạc Chủ Đề. Đi nữa ta sẽ tới Nhà Thờ Đức Bà và Bưu Điện Sài Gòn. Đây là nơi quá quen thuộc với Nguyễn. Mình và Dung thỉnh thoảng ngồi ăn bò bía trước nhà thờ nhìn những chú bồ câu đáp xuống kiếm thức ăn. Bên kia đường trước Bưu Diện có một kiosque bán bánh, nay còn không.

Nhưng thôi, trí nhớ của mình không còn đủ sáng để thấy lại hết những hình ảnh của một thời. Xin dừng đây nhường lời cho Thụy Vi nói về Sài Gòn thuở ấy. Mình đọc Thụy Vi đã lâu đặc biệt chú ý tới Hầm Nắng nơi cô ngồi viết văn. Vừa qua lên Văn Chương Việt gặp lại Thụy Vi và những ký ức về Sài Gòn làm mình xức động, xin ghi lại một hai đoạn sau đây:
“Tôi nhớ những con đường cụt có hai hàng cây phủ um bóng mát. Tôi nhớ những góc phố xưa. Tôi hy vọng người ta chưa xử tệ nó. Những con đường ngắn đủ để đi bộ. Những con đường ngắn châu đầu nhau nơi góc nhà thờ như câu thơ Haiku. Đẹp. Vài chữ đã xuống dòng. Những con đường ngắn. Khi chân vừa mỏi, kịp để dừng lại trước bức tượng Đức Bà bằng cẩm thạch trắng do nhà điêu khắc lừng danh G. Ciocchetti tạc tại Ý. Đứng hồi lâu cho trái tim đập chậm lại vì nỗi choáng váng của một cơn vui bất ngờ. Tôi tiếp tục bước. Bước thật chậm. Bước một vòng. Cơn vui như càng huyên náo khi thấy từng viên gạch trần đỏ au của ngôi thánh đường còn y nguyên. Thèm được ngồi xuống nơi bậc tam cấp tòa  Bưu điện. Có khi ngồi đó nhìn người Sài Gòn loang loáng trước mắt. Hoặc để hy vọng bắt gặp lại mùi thơm của từng khuôn Pâté Chaud vàng ngậy năm nào nơi góc đường. Có khi chỉ ngồi là để ngồi. Có khi là để đợi. Đợi một buổi chiều đi qua. Đợi mặt trời nồng nàn đi qua, những vách tường màu gạch tôm cao ngất của khu Thánh đường sáng lên bỡ ngỡ. Và trời, trời như một ngày nào trẻ thơ cao vút mênh mông trên đầu tôi – như trang trải của mộng mơ và tình tự.

“Lòng tràn đầy những ý tưởng thất vọng do trở về muộn màng không kịp nhìn những nơi chốn thân yêu…Những quán cà phê của một thời SàiGòn không còn như La Pagode, quán cà phê Cái Chùa nằm trên góc chỗ ngả tư Lê Thánh Tôn và Tự Do. Nhớ Givral từng được đem vào tác phẩm văn học của Graham Greene – Givral cũng được xuất hiện trong trường đoạn của cuốn phim Người Mỹ Trầm Lặng cũng bị phá bỏ rồi. Nhớ Brodard bây giờ thay kiểu, đổi màu mất tên. Những nơi này đã ghi dấu nhiều nghệ sĩ lẫy lừng trong văn học, thi ca, họa sĩ,  phim kịch, nghệ thuật cùng những nhân vật tai mắt trong chính trường, xã hội của Sài Gòn một dạo - Những nơi này lẽ ra phải được giữ gìn.  Mặc dù tôi cũng biết Hoàng Gia. Quán Gió. Chiều Tím. Quán Văn. Thằng Bờm biến mất. Passage Eden có rạp ciné Eden  2 tầng lầu xưa nhất Sàigòn đang hấp hối, hay tan tành trong đống gạch vụn. Building Tax. Crystal Palace. Rex đã được tô phết. Trùng tu – Tôi không có cảm tình với hai chữ này - Với tôi, trong xã hội này nó vừa đồng nghĩa với hủy diệt, với xa lạ, với xót xa. Tất cả không còn là những mắt nhìn thân quen của tôi xưa. Của một thuở Trà Hoa Nữ, Love Story mộng mị….”

Còn nhiều, còn nhiều nữa. Sài gòn, nơi chốn xưa… Làm sao thấy lại những bông sứ máu ngoài bến Bạch Đằng. Đâu, đâu rồi đàn chim én vẫn bay đầy trời chiều đường phố Sài Gòn như trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Bao giờ có lại ly nước mía Viễn Đông, ngồi ở vỉa hè Kim Sơn, đứng đọc sách báo trong nhà sách Khai Trí và Xuân Thu. Tất cả dường như đã thay đổi, chẳng còn gì. Nguyễn Xuân Hoàng sinh thời trong một lần về lại Sài Gòn đã không thấy lại dấu tích xưa. Không, chẳng còn gì. Nevermore…
NXT


*Đường Chiều của Hồng Duyệt.
**Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương
***Xin Mặt Trời Ngủ Yên của Trịnh Công Sơn




Thursday, June 28, 2018

PHIÊN BẢN LÙN. HÈ 18


Hoàng Xuân Sơn

Phượng. mùa hè
tự
tự vấp chân mình rồi tự ngã
tự sướng rêm người một chút thơ
cái thân đã (tự hồi) sinh chướng
một chút hâm hâm.  chút sửng cồ

theo nắng
mùa hè.            đợi
gió lang thang
với thân khô nẻ
với chàng
hư hao
mùa đi.  quên mặc áo nào
nên da trần bỏng
xanh xao nắng
trời

quên
                                    tặng Thuần
chàng bỏ quên túi màu
dưới gốc cây mùa hạ
chim non tha về tổ
lợp cánh hồng môi nâu

hỏi
dị ứng.  hay ho
làm sao biết được
qua sông tàu đò
nước nôi chảy xiết

ngôi
trăng có lúc bừng sáng
nên cổ nguyệt am tường
một vành khăn an hạ
chít tới ngày phai hương

bộ hành
cỏ mê mê
dưới chân người
bữa nay đi bộ
nghe                 vời
thong dong
quên đường xe bụi náo
lầm
một phút hoen.  lở
ghìm âm hoại từ

đo
lấn cấn nỗi buồn
nằm nghe hỏng cẳng
ngày tụt xuống chân
đêm dài.  rất ngắn

mắt
khi kẽ một viền mắt
con đường dài băng qua
biển hồ của châu lục
bình nguyên sóng vỡ òa

tra
cầu lão bước qua tre còn nhún
núng na núng nẩy mộng chân dài
mười năm bị gậy tay bồng nách
cái nắng bờm xờm rủ tóc tai

HOÀNG XUÂN SƠN
22,23 juin 2018
[gợi hứng từ chuyển dịch thơ hài cú Vũ Hoàng Thư]

Ở CÕI THIẾU, VẮNG


Hồ Đình Nghiêm

Nhà văn Hồ Đình Nghiêm. Đinh Cường vẽ

Trên đường đi, đôi lúc bạn phải tạm dừng lại, nghỉ chân. Bạn nhìn quanh, phát hiện cái thưa thớt, rơi rụng dần của bầu đoàn lữ thứ, hao hụt.

Có những cuộc sum vầy tình cờ, đưa đẩy bạn ngồi kề một nhân dáng, hai ba bóng người đối diện. Những khuôn mặt, giọng cười đùa vô thưởng vô phạt, nhạt; làm bạn nhớ tới câu “Tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu. Thoại bất đầu cơ, bán cú đa”.

Đám đông nào mà chẳng vậy? Kia là rậm rật ánh sáng, nọ là bóng tối với so vai, trầm mặc tự chọn. Tôi luôn yêu mến một người anh già tuổi, ốm yếu. Ốm vì trong tay luôn nắm cốc rượu, chẳng thiết việc ăn. Yếu vì môi kia luôn ngậm điếu Winston, chẳng màng tâm sự. Hai hàm răng, chỉ còn trụ chừng năm bảy chiếc, nói giọng Hà Nội 9 nút, trầm, đục; nhưng nghe thanh tao mỗi bận anh dùng chữ Đếch. Làm cái đếch gì mà ồn thế! Chẳng phải ai cũng thốt được chữ đếch nghe vui tai bằng anh. Một người thầy vừa khó tính lại rất mực dễ chịu. Nửa xa cách nửa thân cận. Nửa khinh mạn nửa khuyên can. Có lần anh bảo: Cậu nên nhớ điều nầy, là nhà văn cậu nên ngồi trong bóng tối, sân khấu đèn mầu là nơi dành cho Hùng Cường Mai Lệ Huyền.

                                                                       Tác phẩm của Mai Thảo

Tạp chí Văn số 89, phát hành tháng 11 năm 1989 có đăng bài thơ của anh, đa số không dài, thường chỉ bốn câu, bài “Sáng Sớm”:

mắt nhắm mắt mở bước lật đật
đi một thôi đường còn gà gật
con lật con đật hai con đi
cũng sống rất an nhàn kiểu Mỹ.

Thời gian ấy tôi chăm viết. Anh gửi thư hối bài, cũng chỉ đôi dòng, chữ viết đẹp trên một vuông giấy nhỏ. Có khi hỏi: Cậu đâu biết làm thơ, nhỉ? Có khi phân trần khi nghe tôi hăm sẽ gửi sang một cái truyện dài: Tôi rất tránh chuyện phải để cho người đọc chờ cả tháng. Một ngắt rời từng đoạn là điều không nên.

Nếu anh thuận lòng, biết đâu tôi đã phóng lao, rồi phải cực lòng theo lao. Tôi đâu biết làm thơ, thơ nằm ngoài tay với. Văn Magazine như tấm gương soi, qua đó tôi thấy mặt mình rất xấu trai. Cần siêng tắm gội, chải tóc, ăn ở hợp vệ sinh mới dám bước vào vườn thơm hoa lạ (nhỡ gặp ai trong mơ, mình cũng đã chuẩn bị chút đỉnh sự tử tế). Nói đâu xa, chính anh là một rào cản. Tôi không đủ lực để tạo dựng sức mạnh, bước qua. Bài “Lẻ Một” của anh là một trong muôn ngàn lực cản:

sách một dẫy nằm trơ trên giá
cạnh người thân thế cũng trơ trơ
sách, người hai cõi cùng hư hoại
nơi một ngàn chương thiếu một tờ.

Không những nhìn thấy trước cơn hấp hối của chữ nghĩa, tháng 10 năm 1989, vào thời điểm ấy đã sớm tựu thành ở anh nỗi ám ảnh về một màu đêm tận tuyệt, nơi dừng chân thực sự của những lên đường trước, sau. Đời bày ra thức mà anh gọi là “Món Đất”:

đất tưởng còn xa trời vẫn gần
giờ đất đã gần trời xa dần
khăn bàn trải sẵn cùng thân thế
đợi chiếc khay trời món đất ăn.

Sang tới tháng 11 năm 1992, tạp chí Văn số 125 đăng một thứ gần với “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời” (nhan tập truyện ngắn của anh), bài thơ mang tên “Nói Với Mộ Chí”:

đá kia tuổi đá đã nghìn năm
dựng trên kẻ đã về trong đất
nó sống hư huyền như nó mất
đánh dấu làm chi chỗ nó nằm.

Càng về sau anh càng thích thu bé lại, làm thơ nhiều, trong quán rượu, ngồi xe đò, trên máy bay. Thôi viết dài, đêm khuya cúi bóng trên trang giấy, đèn thắp nhìn thấy mực dầu đang xuống dần, đốm sáng lung lay. Tạm gọi là dài khi mỗi tháng chỉ viết được Sổ Tay lay out chừng bốn năm trang, kể chuyện nắng Cali mà mưa Seattle, ai vừa di dân đến ai vừa bỏ lại hành trang. Trang văn rất lành, không bình phẩm chẳng khen chê một ai (mặc xác chúng nó). Trước sau chỉ là một kẻ đưa tin, càng trung thực càng tốt. Nhưng, cốt lõi của thơ lắng đọng lời tự thán, chút yếm thế, vẽ ra viễn cảnh chừng thảng thốt, “ai tri âm đó mặn mà với ai?” Và chữ dùng, ám chút hằn học, bất ưng: “Thằng Viết Mướn”.

những trang đời viết còn dang dở
sẽ có bàn tay ấy viết giùm
ngón cái sang trang và ngón út
viết dòng vuốt mắt phút lâm chung.

Nhà văn Mai Thảo (1927-1998) hàng tháng viết tên cùng địa chỉ tôi trên bì thư vàng, ra bưu điện mua tem, con mộc Westminster đóng lên và tờ Văn chưa một lần lỗi hẹn tới vùng băng giá.

Nhà thơ Cao Đông Khánh

Lý ra tôi chỉ nên nói riêng về anh, nhưng khi tìm đọc lại những số báo Văn cũ, úa mầu, tôi đụng phải một bài thơ “thần sầu” của Cao Đồng Khánh (Văn số 131, tháng 5.1993). Một tiếng thơ lạ, (đôi khi chữ lót của anh lại thiếu dấu huyền) người không có tên trong tuyển tập 40 năm thơ hải ngoại và cũng đã vắng mặt dài lâu tựa Mai Thảo. Cao Đồng Khánh, tác giả của thi tập nổi tiếng “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn” sinh năm 1941 và mất năm 2000. Sau đây là bài vừa chạm trán, “Địa Chỉ Tình Yêu”, cầm lòng không đậu buộc phải chép lại, thay tưởng nhớ người bạc mệnh:

đời tứ xứ! em ơi. thành phố tôi tróc nóc
mưa bão nào. hơn nữa. cũng không sao
có người thuỷ tận đi tìm sắc nước
con mắt màu lý lục không yên.

con mắt có đuôi vẫy gọi trí nhớ
chiếc lá cuối cùng thắm thiết ra giêng
như vết môi son thoa trên đông chí
bay ngập vào trong tiểu sử phiêu lưu.

tháng chạp bạch kim. tháng giêng tóc bạc
mùa đông lạ kỳ khuya sớm tuyết trân sa
tháng chạp gió lúc. tháng giêng nước nổi
những tháng trời gầm em ở thật xa.

mưa bát ngát phía bên trời đánh lớn
trên đường sét sáng trưng ai đó quẩn quanh
sầu cố xứ nặng nề hơn thế sự
chuyến xe đò lên xuống máy long lay.

mặt trăng sắc sảo trong sơn cùng ký ức
địa chỉ tình yêu, em. hãy nhớ tận tường
con đường máu nóng đưa vô hương lộ
có một ngôi nhà trong góc giác quan.

ở ngoài bão táp. trong lòng giông tố
hãy ghé vào đây, em. bàn ghế tận tình
em sẽ gặp em, như, một người mất tích trở lại
chải gỡ đời tư bằng gương lược liêu trai.

những tàn tích hệ luỵ trồng ngoài sân, phong cảnh
về sau thành thế núi hình mây
ngôi nhà cảm động nồng nàn sự thật
yểu điệu vô cùng thân thể trăm hương.

tháng giêng, trên ấy tuyết rơi, dưới nầy mưa lũ
ở giữa, cuộc đời, lạnh lẽo long đong
mặt trời quốc sắc trong tư phần phú quý
có một ngôi nhà trong khoé mắt em.

Trong ý nghĩ cạn xợt của tôi, bài thơ trên có thể là một biểu tượng cho hai từ: Hải Ngoại. Giạt trôi. Giông bão. Hoạn nạn. Tấp bồi. Lưu lạc. Sống thở bằng trí nhớ đã thôi còn nguyên trạng. Không thể hít vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười. Một bài kệ dài chất không thứ lớp những rạn vỡ từ con chữ khác thường, lạ lẫm. Mà tôi yêu quý.

Có người nhiễu sự đặt dấu hỏi: “Thơ đến từ đâu?”. Tôi câm lặng. Có người dùng từ thậm sáo: “Tôi là con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi”. Tôi tủi thân. Tôi vụng về. Tôi chỉ biết thổn thức khi nhớ đến hai tài năng đã về “núi lạ”. Cảm ơn anh Mai Thảo. Cảm ơn anh Cao Đồng Khánh. Mộ chừng nghe cỏ mọc xanh!

HỒ ĐÌNH NGHIÊM

*Nguồn: Văn Việt

Tuesday, June 26, 2018

HƯ TƯỞNG. CHIỀU


nguyễnxuânthiệp

Chiều fallcreek

Một ngày
về qua thung lũng gió
chiều. phai
đứng trước ngôi nhà. bông tường vi
ai sẽ nhìn thấy tôi
thời gian
đốt lên đống lửa
lá thông khô
ngồi sưởi. tịch mịch
và sẽ đọc
chiều bên sông giăng
một lần thôi
cho cây. đá. nghe
và con bướm vàng thời nhỏ
cười
vẫy tay chào
thế giới này
thi sỹ ơi
không về nữa
NXT