Tuesday, June 26, 2018

NGƯỜI ĐI. KHÔNG ĐỢI MÙA XUÂN


Đặng Mai Lan

Nhà văn Phùng Nguyễn và tác giả (Cali, 2009)

    Paris gần cuối mùa thu. Cây chỉ còn cành trụi. Những chiếc lá lìa cành soãi mình an phận trên mặt đất cũng đã sẫm màu, cong queo. Nhưng lạ là trời không lạnh. Những cơn mưa, những không gian mù sương đã trốn biệt nơi nào. Có lẽ không khí được hâm nóng bằng máu và nước mắt từ đêm thứ sáu, thứ sáu 13.
    Tháng mười một, hoa không chỉ rực rỡ sắc màu trên những ngôi mộ trong nghĩa trang. Hoa và nến tiếc thương tràn ngập trên những lề đường Paris. Hoa  đầy trước thềm nhà hát Bataclan, nơi gánh chịu hậu quả tàn khốc nhất trong những địa điểm bị tấn công đồng loạt của những kẻ khủng bố Hồi Giáo. Hơn ba trăm người bị thương và một trăm hai mươi chín người chết. Còn những cái chết dường như đang chọn lựa trên từng sinh mệnh trong số hơn ba trăm nạn nhân bị thương trầm trọng đang nằm bệnh viện. Vậy mà sáng nay, nhận thêm tin của một người vừa qua đời, tôi lại không thể tin một chút nào.
    Qua đời! Sao nghe như thơ, như nhạc, như ai đang hát “có một dòng sông đã qua đời.” Nghe như đùa thôi.

      Sau những giây phút bần thần trước khung ảnh nhỏ của điện thoại, tôi mở máy vi tính, mở hộp thư và tìm tên anh. Để làm gì tôi không biết. Nhưng tôi phải tìm lại dấu tích của  anh.  Muốn nghe lại  tiếng nói của  anh qua  những con chữ nằm trong điện thư. Máy chỉ tìm được cho tôi vài điện thư gần đây. Thư cuối cùng tôi gửi anh ngày 17/8 năm ngoái. Tôi hỏi, “Anh khoẻ không ? ML sẽ qua Cali. Tháng chín này có về OC chơi thì cho biết. Lâu rồi không gặp ‘xem dung nhan đó bây giờ ra sao.’” Anh nói, “Rất vui khi biết tin ML sắp qua Mỹ, tuy nhiên rất buồn vì có lẽ không còn cơ hội gặp trừ khi ML dự định ghé thăm thủ đô nước Mỹ. Dung nhan của tôi…” Anh đã kèm theo trong thư một gương mặt màu vàng méo mó như khóc. Anh luôn đùa như thế. Điện thư  nào của anh cũng chấm dứt bằng một ký hiệu mang biểu tượng cảm xúc do Yahoo tạo dựng, tùy nội dung, tâm trạng của anh lúc đó. Và ký hiệu nào cũng làm tôi mường tượng ra nụ cười của anh.

     Bao nhiêu lần đến Cali, lần nào tôi cũng gặp anh nhưng chuyến đi vừa rồi thì không. Giờ đọc lại thư cuối, sao nghe buồn như một lời trối. Tôi cố tìm thêm một lần nữa trong hộp thư lưu trữ. Nhưng máy chỉ còn giữ lại vài thư của tháng bảy năm vừa rồi, khi tôi gửi anh bài viết cho NXH, những ngày ông đang nằm bệnh. Dù sao, ông NXH cũng đã đọc, đã hiểu những tình cảm tôi dành cho ông. Còn Nguyễn Đức Phùng thì không. Anh ra đi, bất ngờ quá. Đến lúc biết tin, tôi mới nhận ra rằng tôi đã quý mến anh biết ngần nào. Mà sao tôi lại ít liên lạc với anh đến thế. Trễ rồi! Bây giờ thì chỉ còn tôi nói với tôi. Trò chuyện với chính mình.
    Qua đời, âm bằng của hai chữ này nhẹ hẫng, lạ lùng như chưa bao giờ tôi được nghe qua. Tôi nói trong buổi sáng với tách trà đầu ngày, bỏ quên nguội lạnh trong một góc bếp. Tôi nói trên những con đường tấp nập, trên những chuyến tàu, những trạm dừng, những hồi còi hối hả rời bến. Tôi nói trong một quán cà phê ở quảng trường Victor Hugo, một chỗ ngồi mỗi khi tôi đến nơi làm việc quá sớm. Nói cùng nỗi buồn giữa một Paris còn đang hoảng hốt, căng thẳng bởi trận tàn sát đẫm  máu vừa xảy ra. Và tôi nói với ký ức, hoài niệm.

Trí nhớ dẫn tôi về một ngày hè, một quãng đường khá dài từ Winnetka về Orange County  cũng phải bảy tám chục cây số. Từ nơi anh đến nơi tôi ở chắc còn xa hơn nữa. Thế mà anh đã vượt đường để đón tôi về OC. Cũng chỉ để rong chơi cho hết ngày. Ngày hè ấy dài đến nỗi sau khi đến nhà thăm anh chị Nguyễn Mộng Giác, chúng tôi lại cùng với một nhà văn lão thành, một nhà thơ trẻ đi vòng vo trên phố, rồi ngồi tiếp hai ba quán nữa. Ngồi để chờ giờ Đặng Thơ Thơ đi làm ra, rồi đi tiếp. Lại quán, lại hàng mãi tận đêm khuya. Quán trong phố nhỏ, quán trên đồi cao.
    Tôi quen anh trước hay quen Thơ Thơ trước tôi cũng không nhớ. Bao giờ gặp anh cũng có mặt Thơ Thơ. Sau này, qua anh tôi có thêm vài người bạn khác. Nhưng Cali mà tôi đến và đi, mong và nhớ như thể chỉ có Thơ Thơ và Phùng Nguyễn.
    Nhớ thuở mới có email để liên lạc, hầu như ngày nào chúng tôi cũng gửi cho nhau vài dòng thăm hỏi. Có lần anh hỏi:
    – ML đang làm gì vậy?
    – Làm hoạ sĩ.
    – Vẽ gì vậy?
    – Không vẽ mà sơn. Sơn nhà sơn cửa. Biết sơn không? qua đây phụ đi.
    – Vẽ mắt cho ML còn được, sơn ba cánh cửa nhằm nhò gì.
    Chỉ là những câu chữ trên màn ảnh, nhưng như nghe thấy một thứ âm hưởng rặt “Nam kỳ” của anh. Anh cũng biết nghịch, nhưng tôi thấy anh chỉ đùa với chữ nghĩa thôi. Bởi vì lần đầu gặp anh, tôi ngạc nhiên, không nghĩ anh lại là người ít nói. Ít nói, nhưng không lạnh lùng. Là bạn anh, gặp anh, sự nồng nhiệt, chân tình tự toát ra từ cung cách. Anh không mồm mép, đỏm dáng. Chính điều này đã giữ thân tình lâu dài giữa tôi và anh dù sự liên lạc khá rời rạc.
    Tôi không hề biết là anh đau tim và nhiều năm nay sức khỏe anh yếu đi. Nhiều năm nay tôi làm gì? Tôi có liên lạc thăm hỏi anh không? Có chứ! Nhưng có bao giờ anh nói là anh bệnh.
    Mới hôm nào đây anh còn cho tôi biết là anh dự định chỉnh đốn lại kệ sách và ấn hành sách theo dạng Print-on-Demand trên Amazon như Người Việt đã làm, và cả ebook. Nếu tôi có tác phẩm kể cả muốn tái bản sách cũ thì cho anh biết. Cũng mới hôm nào, tôi còn rủ rê anh và Quỳnh Loan qua Paris chơi. Tôi quảng cáo, nếu không chê, sẽ có free hotel. Không cần đi đâu xa, khoảng hơn trăm bước là có thể đến dạo chơi trong một khu vườn nổi tiếng, rộng như một cánh rừng. Nơi có lâu đài, cung điện, ông vua, bà chúa thời Louis XIV. Tôi nói, đến đây là coi như đã biết được một phần lịch sử văn hóa Pháp rồi đó. Và anh còn hỏi tháng nào là tháng tôi rảnh để anh qua Paris nữa cơ mà!
    Chỉ mới hôm nào thôi! Bây giờ, nhìn căn phòng nhỏ free hotel mà tôi nói dành cho vợ chồng anh. Nhìn những vạt sương tối lạnh lẽo bên ngoài khung cửa sổ, dưới ánh điện vàng trên con đường trước nhà, có tấm bảng và mũi tên chỉ hướng đi đến lâu đài. Tôi buồn xót xa. Lâu đài nằm trong một khu vườn mà mùa xuân hoa anh đào nở rực không thua gì xứ Phù Tang. Tôi đã hẹn anh tháng tư, mùa xuân, nơi này, nơi vườn hoa ấy... Bây giờ là tháng mười một, anh ra đi. Không hẹn quay về, ngay cả về với ngôi nhà, mái ấm của anh. Nói gì nơi đây.
    Không biết khi nào tôi sẽ trở lại Cali? Nhưng chắc chắn một điều là khi trở lại tôi sẽ cảm thấy thiếu vắng và buồn lắm. Dù anh đã bỏ thành phố ấy về sống một nơi khác. Và cũng lại bỏ đi thêm một lần nữa rồi. Anh đi, một nơi không ai biết, chỉ để lại tro than.

    Tin tức đài truyền hình tối nay xác định trong trận thảm sát kinh hoàng vừa qua, con số tử vong là một trăm ba mươi người, vì có thêm một người mới chết. Người già nhất sáu mươi hai tuổi và trẻ nhất là mười sáu tuổi.
    Vậy mà đến giờ tôi vẫn còn chưa tin một người sáu mươi lăm tuổi sao vội vã qua đời.
    Dạo sau này, không hiểu sao những lần vào nghĩa trang, đứng trước ngôi mộ của người thân, tôi vẫn nhìn quanh quất rồi tự hỏi, có phải thực sự linh hồn của người quá cố đang ở nơi này, khuất sau tấm bia cứng kia, hay đang lảng vảng đâu đó nhìn thấy tôi đến, ngắm chùm hoa tươi mà tôi đã nâng niu đặt trên bia mộ?
    Tôi đến nghĩa trang với sự thôi thúc, vì không an lòng khi nghĩ đến hình ảnh quạnh quẽ của một ngôi mộ không hương khói. Và tôi lại nhìn ra sự rỗng không, vô nghĩa  từ những ngôi mộ ấy. Tôi hoàn toàn không có cảm xúc. Bia mộ, chỉ nhắc nhở tôi rằng tôi đã có một người thân không còn nữa. Có ai đó đã nói, nghĩa trang chỉ ở trong ta. Nghĩa trang được dựng lên chỉ để cho người đang sống.

     Phùng Nguyễn, một người bạn, một người anh mà tôi thương quý đã qua đời. Mùa xuân tôi hẹn anh không bao giờ đến nữa. Tôi đang nói với tôi điều này. Tôi ở xa, tôi không có một cành hoa, một nén hương cho anh. Tôi không được nhìn anh phút cuối. Nhưng trong lòng tôi, trong nghĩa trang tưởng tiếc, tôi nhớ anh mãi.

ĐẶNG MAI LAN
Paris, 11/2015








No comments:

Post a Comment