nguyễnxuânthiệp
Hoa quỳnh
Thời chiến
tranh…
Làm việc ở Đà Lạt, kẻ này thỉnh thoảng lại được qua Pleiku gọi là đi công
tác. Gì chứ qua Pleiku, đối với người viết, là điều gì đó rất đỗi thân thuộc và
đầy hứng khởi. Bởi lẽ giản dị là ở đó khuôn mặt chiến tranh tỏ lộ với những
đường nét sần sùi mà thơ mộng. Và đó là nơi nhiều bạn bè từng lưu trú, hoặc
ngắn hoặc dài: Kim Tuấn, Diên Nghị, Triều Hoa Đại, Tô Mặc Giang, Chinh Yên, Hải
Phương, Vũ Hữu Định, Miên Đức Thắng, Hoàng Khởi Phong... Và trong một chuyến
sang Pleiku công tác ở báo Cao Châu năm 1970, mình được Thiếu Tá Bùi Xuân My,
trong một dịp hiếm có trên đời, mời về nhà uống trà xem hoa quỳnh nở trong đêm
trăng sáng trên đồi. Thật là nhiệm màu: Từ giữa cuống lá, đúng vào lúc nửa đêm,
những cánh hoa như san hô nở bung, tỏa mùi hương thanh khiết. Các bạn của tôi
ơi, hãy tưởng tượng trong khi hỏa châu thắp sáng thành Pleime và tiếng trọng
pháo từ xa ì ầm dội về, giữa lúc có những người lính chong mắt canh chừng từng
lùm cây bụi cỏ để kịp thời phát hiện dấu vết của địch, và đâu đó trên những
vùng đồi xa chuyến trực thăng tải thương cuối cùng cất cánh bay lên...., đúng
vào giây phút đó hoa quỳnh nở. Hoa quỳnh nở như niềm vui trong cõi đá vàng,
khiến người ta thấy hết lẽ vô thường của trời đất. Chợt trong giây phút ấy, kẻ
này nghĩ tới Lê Thị Nguyệt Hạnh -cô học trò diễm lệ ngày xưa đã chết trên chiếc
vận tải cơ C130 bốc cháy trên vùng đồi núi Pleiku-Kontum. Nguyệt Hạnh đã đi vào
chiến trận và không về nữa.
Dạ quỳnh hương năm ấy... giờ đây
nơi xứ người mình được sống lại khi nghe tiếng hát Bảo Yến trong một ca khúc
của Phạm Anh Dũng. Không, chỉ là hoang tưởng thôi. Không có chút gì liên hệ
giữa khúc hát Dạ Quỳnh Hương với những ảnh bóng của quá khứ có hoa quỳnh nở
giữa đêm trăng ở Pleiku và Lê Thị Nguyệt Hạnh. Không, không có gì hết. Và xin lần nữa lặp lại ở đây. Only this, and nothing more…
NXT
No comments:
Post a Comment