Tuesday, March 30, 2021

HẠT MƯA BAY THEO THỜI GIAN

Nguyễn Thị Khánh Minh
 
Hoa daffodil
 
*Tặng Duyên, sinh nhật tháng 3
 
Những con đường nắng gọi. Leng keng tiếng chuông người đưa thư reo ngát cổng hoa sứ. Những lá thư hẹn hò năm tháng. Ta yêu nhau tuổi hai mươi. Trời sài gòn rất thơ. Nắng sài gòn rất lụa. Nên em hoài áo trắng. Nên anh yêu mầu áo ấy vô cùng. Ơi thi sĩ nhịp tim dịu mềm như cỏ mật.
 
Những con đường mưa xanh. Trời sài gòn rất nhạc. Nhạc sài gòn rất mộng rất điên mơ … thà  nhu giọt mưa rơi trên mặt duyên... em tóc ngắn học bài ngoan bên cửa sổ ...người từ trăm năm về ngang trường Luật... chút đong đưa tiễn người mai xa phố, mộng mị hành trang nhớ hạt mưa thơm sài gòn hút bóng đường xa thương người thơ cô độc.
 
Thảng thốt cánh phượng mùa hè. Trời tung gió chướng. Giấc mơ sai bè thanh xuân cụt giọng đồng ca những nốt ngày rụng rơi bóng tối. Trời sài gòn phượng tan mùa nắng lửa. Đường sài gòn cuồn cuộn biển đưa chân. Ta chạy mòn hơi. Mưa khô trên tượng đá... những duyên sài gòn những hạt mưa trong…
 
Run rẩy thời gian nghe thanh xuân chớm chở nhánh thu đông. Lá thư xưa giấy mềm như bụi những hẹn hò chờ mãi lãng quên. Mầu áo lụa phai rồi sắc nắng lời thơ người khô tượng đá xanh. Hạt mưa còn thơm trên mặt duyên để nghe sài gòn âm vang điệu thanh bình cũ ơi đâu rồi nước mắt mỏng tơ sương?
 
Con bọ cam trên chiếc lá đầy gai sáng nay gọi mặt trời thức dậy. Khóa Sol búng mình nhấp nháy. Một vòng mùa đệm mới những bổng trầm reo khúc hát thanh tân, những nốt nhạc long lanh hạt mưa trong ngày ấy. Ơi duyên những hạt mưa qua mùa. Sống sót. Ngân thời gian lệ vĩnh cửu hồn nhiên.
 
Em thấy anh trên con đường bình minh. Nắng tháng 3 anh đem tới. Mùa xuân mở vàng daffodil. Và em. Vừa qua giấc ngủ đông. Mọc lên trái tim thanh khiết.
 
Trở lại. Cùng tháng năm. Mùa Xuân khoan thai khúc dạo đầu. Ta cũng vừa kịp tới. Rất đúng nhịp. Mưa mùa xuân rất trong. Trời Calif. rất xanh.
 
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
3/2017
 
* Phạm Duy
** thơ Nguyên Sa.
***Thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy
 

THÁNG BA, ANH VỀ...

Duyên
 
Chân dung Bùi Đức Cát. Duyên vẽ
 
“nhớ cho duyên hai nghìn
nó mừng hôm sinh nhật!...” *
hôm nay sinh nhật, tại sao buồn?
nhớ về anh, khung trời. ngày tháng cũ
quà sinh nhật anh cho, chưa kịp đến
đã gửi lời, sao anh không đợi
vội vã gì. anh về, trước lá thơ anh.
 
mỗi tháng Ba về, tôi nhớ anh...
mặt trời bên ấy, phải rạng rỡ hơn bên này
có chắc gì “bên này” vui hơn “bên ấy”
có chắc gì, tôi hạnh phúc hơn anh
sao mơ ước hoài, anh vẫn còn đây...
 
thủa vào đời, thật dễ thương
đứa con đầu, thương yêu.
cha mẹ đặt tên anh
B. Đ. C.
chàng trai trẻ, trong thời chinh chiến
xếp bút nghiên, theo việc đao cung**
bước vào chiến tranh, anh lý tưởng, anh hùng
khi tan giặc, anh về...
anh đi, gìn giữ non sông...
một trưa 29 tháng Ba năm bẩy mốt
anh về, từ chiến trường Cam Bốt
nguyên vẹn hình hài, sao anh không nói năng
anh còn đó
sao tim tôi tan vỡ
anh còn đó
sao một họ hàng khăn trắng buồn đau? ***
 
vòng khói lửa, anh đi
bi tráng, oai hùng
khi trở về
thiên thần gẫy cánh...
rã. mong manh...
 
chiến hữu nhớ thương
gọi
bụi. đất. cát. (B. Đ. C.),tên anh
cuối tháng Ba, một ngày rũ rượi, buồn...
tuổi ba mươi, cát bụi, với cuồng phong.
tiễn đưa anh, nước mắt. một dòng sông...
duyên
viết lại 3.29. 2021
 
* Chiều Mệnh Danh Tổ Quốc, thơ Nguyễn Tất Nhiên.
**Chinh Phụ Ngâm khúc
***Thiên Thu, thơ Nguyễn Tất Nhiên.
 
Tưởng nhớ Thiếu Tá Bùi Đức Cát, Binh Chủng Thiết Giáp, cựu học sinh Chu văn An, Cựu Sinh
viên trường VBQGĐL, K19.
 

Sunday, March 28, 2021

GS NGUYỄN VĂN SÂM SINH NHẬT 81: THÊM NHIỀU TÁC PHẨM ĐANG VIẾT

 Phan Tấn Hải
 
GS Nguyễn Văn Sâm (trái) đón sinh nhật thứ 81 nơi
một quán cà phê Little Saigon và nhà báo Phan Tấn Hải (phải).
 
Rất đáng khâm phục là sức làm việc hy hữu nơi một vị giáo sư già, sức đã yếu và tóc đã bạc trắng. Trong các dự án đang viết của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, có những tác phẩm bên bờ cơ nguy biến mất, nếu không được diễn Nôm và chú giải. Đó là những gì tôi thấy bùi ngùi khi nói chuyện về một nền văn hóa của quá khứ và khó tìm lại được nữa trong một ngôn ngữ có thể hiểu được cho quần chúng. Sinh nhật thứ 81 của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm là hôm Chủ Nhật 21/3/2021. Trong dịp này, tôi hân hạnh được ngồi hàn huyên mừng sinh nhật và phỏng vấn giáo sư về các dự án đang viết và sẽ viết.
 
Tác phẩm ấn hành vào tháng sau (tháng 4/2021) dự kiến sẽ là Nữ Tắc Diễn Âm, dựa vào bản phiên âm và chú giải của ông Trương Vĩnh Ký. Bản Nôm được ghi tác giả vô danh, ấn hành dưới thời vua Tự Đức, chủ yếu dạy công dung ngôn hạnh cho người phụ nữ. GS Nguyễn Văn Sâm nói rằng tài năng của học giả Trương Vĩnh Ký cũng hiển lộ qua cách nghĩ ra một vài chữ mới để diễn ý của người xưa.
 
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm cũng cho biết hiện thời Giáo sư đang giữ nhiệm vụ đồng Chủ Bút tạp chí Tập San Việt Học (http://viethocjournal.com/) vì GS Đàm Trung Pháp (Chủ biên danh dự) lâm bệnh, nên cũng trao thêm một số công việc duy trì tập san. GS Nguyễn Văn Sâm mời gọi những người cầm bút có bài viết nghiên cứu, sáng tác văn hay thơ, dù tiếng Việt hay tiếng Anh, xin mời đóng góp bài cho Tập San Việt Học, gửi qua email về: samnguyen20002002@yahoo.com
 
GS Nguyễn Văn Sâm nói rằng cũng đang diễn âm bộ Lôi Phong Tháp, một bộ tuồng Nôm rất hy hữu. Giáo sư nói rằng đã sưu tầm được vài hồi trong bản Nôm Lôi Phong Tháp khi còn dạy học ở Long Xuyên nhiều năm trước 1975, và sau này được Giáo sư Nguyễn Khắc Kham tặng thêm vài hồi khác trong vở tuồng Nôm này. Do vậy, bộ tuồng Nôm này nếu không phiên âm lại sẽ là tuyệt tích, bởi vì bộ môn hát bội không còn được nhiều người chú ý nữa, và tài liệu gom góp lại được để phiên âm hoàn toàn là cơ duyên hiếm gặp.
 
Đồng thời, trong thời gian tới, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm cũng sẽ tu chính và in lại các bộ sách đã phiên âm và chú giải, như Hứa Sử Truyện, Chàng Lía, Trương Ngáo…
 
GS Nguyễn Văn Sâm (trái)
trả lời phỏng vấn của nhà báo Phan Tấn Hải.
 
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm đa tài, không chỉ nổi bật trong các bài nghiên cứu chữ Nôm và văn học Nam Bộ, ông còn sáng tác truyện ngắn, và chinh phục ngay cả các nhà phê bình khó tính.
 
Giáo sư Đàm Trung Pháp có giao tình với GS Nguyễn Văn Sâm vì là đồng nghiệp dạy học ở các đại học Sài Gòn trước 1975, sau qua Mỹ gặp lại và cùng hoạt động về Việt học. GS Đàm Trung Pháp trong bài viết nhan đề “Giới thiệu tập truyện Quê Hương Vụn Vỡ của Nguyễn Văn Sâm” đã ghi nhận về người viết truyện rất mực Nam Bộ này như sau:
“Quý bạn đọc đang cầm trong tay một tuyển tập truyện ngắn đặc sắc qua ngòi bút Nguyễn Văn Sâm. Tôi có cảm tưởng mỗi truyện anh viết là một kỷ niệm đậm sâu trong đời anh, hoặc trong đời một người rất thân của anh, mà khi đọc xong, dù vui hay buồn, tôi còn lưu luyến mãi trong lòng như một nhắc nhở ray rứt. Anh là một nhà văn gốc nhà giáo có một tâm hồn hướng thượng, một trái tim nhân ái, một ước vọng chấn hưng đạo đức trong một quê hương đang băng hoại về lối sống; do đó, mỗi truyện của anh là một bài ngụ ngôn thấm thía.
“Văn dĩ tải đạo” là sứ mệnh văn chương của anh mà anh đã thực hiện một cách ngoạn mục trong tập truyện. Phương tiện để anh đạt mục tiêu vừa kể là một văn phong truyền cảm, thành tâm, sâu sắc, quan sát tận tường. Thêm vào đó là những yếu tố bất ngờ kỳ thú trong các cốt truyện được anh xây dựng mạch lạc, những từ vựng thực vui mắt của một phương ngữ miền Nam đáng yêu, và những đoạn văn tả chân thần sầu quỷ khốc của anh mỗi khi anh ra tay hạ xuống. Một bí quyết nữa khiến những truyện ngắn của anh thành công là chúng đều có một mở đầu gợi cảm kích thích bản chất tò mò của người đọc (khiến họ không thể bỏ cuốn sách xuống) và một kết luận làm người đọc xao xuyến trong lòng (khiến họ khó quên được câu chuyện).” (ngưng trích)
 
Nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh nói về ngòi bút Nam Bộ trong văn phong truyện Nguyễn Văn Sâm qua bài viết nhan đề “Đọc “Khói Sóng Trên Sông” của Nguyễn Văn Sâm” trích như sau:
“Văn chương Nguyễn Văn Sâm tưởng chừng theo truyền thống viết-như-nói khởi từ trường phái Trương Vĩnh Ký, qua Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc đến Võ Kỳ Điền, Nguyễn Tấn Hưng thời hiện đại. Khởi sáng tác cùng thời với hai nhà văn sau, nhưng các truyện ngắn của Nguyễn Văn Sâm nếu đọc kỹ mới thấy ông đi xa hơn: ông viết như nghĩ và dùng ngôn ngữ nói để làm văn chương. Ông hấp dẫn người đọc bằng các chi tiết ly kỳ xen kẽ với lối nói, lối suy nghĩ của các nhân vật đa dạng nhưng tiêu biểu cho “miệt vườn”. Cái khiến Nguyễn Văn Sâm không giống các nhà văn “miệt vườn” khác, là chính trong câu văn mà muốn hiểu thì người đọc phải hiểu được mạch nổi, mạch chìm và lớp từ ngữ bộn bề, dồi dào, nhuốm trí thức của ông. Có thể xem Chờ Cho Trăng Lặn và Như Nước Trong Nguồn là hai truyện ngắn tuyệt tác tiêu biểu của Nguyễn Văn Sâm!” (ngưng trích)
 
Trong khi đó nhà nghiên cứu Hoàng Kim Oanh ghi nhận về hình ảnh học giả qua bài viết nhan đề “Nguyễn Văn Sâm và dòng chảy văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh” trích:
“Ngoài tuồng, cải lương, truyện thơ bình dân, truyện ngắn, giai đoạn sau này, thơ Nôm là một thể loại được ông quan tâm đặc biệt. Ông cho rằng chữ Nôm và những tác phẩm chữ Nôm là những gia tài cổ có một không hai của văn học Việt Nam, ra đời trong một bối cảnh đặc biệt của đất nước và có giá trị giáo dục rất cao song đang dần bị mai một. Đó là các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Âu Châu…
… Gần 20 năm nay, tác giả đã lặng lẽ đi tìm ở các thư viện trên các nước Mỹ, Pháp, kết hợp với những chuyến về thăm quê, lùng tìm… Có khi ngẫu nhiên nhặt được trên bệ thờ một gia đình xứ Huế, có khi trên gác bếp một căn nhà nông thôn Nam Bộ do con cháu biết là của ông cha để lại nhưng không hiểu nội dung viết gì đành giữ đó như một di vật của tổ tiên… Có khi được tặng không, có khi phải mua cả mấy cây vàng… Công cuộc tìm kiếm tôn tạo giữ gìn vốn cổ ấy cho đến nay nhà văn của chúng ta vẫn chưa dừng bước.” (ngưng trích)
 
Nhà phê bình văn học Trần Văn Nam nhìn về nét phương ngữ qua bài nhan đề “Nguyễn Văn Sâm, nhà văn viết về những lập nghiệp lên từ sông Bến Nghé” trích như sau:
 
“Ta thấy các nội dung trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm không ngoài tình đất, tình quê hương, tình người nhân nghĩa, tình gia đình gắn bó; nhưng những điều đáng kể trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm ở chỗ ông tận dụng phương ngữ của người bình dân Sài Gòn; có lẽ thuộc về phương ngữ Sài Gòn hơn là phương ngữ Nam Bô như ta thường gồm chung lại. Do phương tiện đi lại thuận tiện, giao lưu thường xuyên giữa Sài Gòn và Miền Tây Miền Đông, nên phương ngữ các vùng ấy không có gì khác, nhưng cũng có những câu nói mà người Sài Gòn bình dân thường dùng nhiều hơn. Trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm, phương ngữ rất dồi dào; như vậy nhà văn như cũng đã áp dụng phương châm của một số nhà văn coi “cách diễn tả quan yếu hơn điều muốn diễn tả”. Cách diễn tả muốn cho đậm chất tình quê hương tình đất thì tận dụng phương ngữ, như vậy làm cho nội dung và hình thức gắn bó với nhau. Nhưng thiển nghĩ, điều ấy nên áp dụng ở những câu đối thoại.” (ngưng trích)
 
Tấm hình 3 người: GS Nguyễn Văn Sâm (trái), nhà báo Phan Tấn Hải (phải)
và bóng người cầm máy chụp hình là hiền thê của GS Nguyễn Văn Sâm
 
Đặc biệt, trong ngày mừng sinh nhật 81 của GS Nguyễn Văn Sâm, nhà văn Trần Ngọc Ánh cũng là hiền thê của Giáo sư, đã làm 4 câu thơ chúc mừng phu quân như sau:
 
Mừng Sinh nhật
 
Cây cổ thụ lâu nay vẫn còn sức
Thầy Đồ Sâm vẫn thức với thời gian
Tám mươi mốt năm tay bút vững vàng
Cố giữ chút hương ngàn Văn Hóa Việt
Ngọc Ánh 21/3/2021
 
Sau đây là sơ lược tiểu sử của GS Nguyễn Văn Sâm, dựa theo Việt Học Journal (chưa cập nhật tác phẩm mới in: tuồng hát bộ Tam Quốc Chí viết bằng chữ Nôm với văn phong Nam Bộ đầu thế kỷ 19).
 
GS Nguyễn Văn Sâm sanh ngày 21 tháng 03 năm 1940 tại Sàigòn. Tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa Triết Học (Tây Phương) 1965, Cao Học Văn Chương (Việt Nam) 1972, và Năm Thứ Nhứt Tiến Sĩ Văn Chương Việt Nam (Khóa độc nhất trước 1975). Từng dạy Trung học (Nguyễn Đình Chiểu – Mỹ Tho, Pétrus Ký – Sàigòn) Đại học (Sàigòn, Cần Thơ, Hòa Hảo, Cao Đài, Vạn Hạnh). Vượt biên đến Nam Dương tháng 03 /1979, vào Mỹ tháng 09/1979. Dạy học từ đó đến khi về hưu năm 2006. Viết cho các tạp chí Văn, Văn Học, Đi Tới, Chánh Pháp….)
 
TÁC PHẨM
TRƯỚC 1975:
1. Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam (Kỷ Nguyên, Sàigòn, 1969)
2. Văn học Nam Hà (Lửa Thiêng, Sàigòn, 1972, 1974),
3. Văn Chương Nam Bộ và cuộc Kháng Pháp 1945-1954 (Lửa Thiêng, Sàigòn, 1972, Xuân Thu, CA, 1988)
 
SAU 1975:
A. Sáng tác:
1. Miền Thượng Uyển Xưa, tập truyện (Bách Việt, CA 1983, in chung với Đặng Phùng Quân),
2. Câu Hò Vân Tiên, tập truyện (Gió Việt, TX, 1984),
3. Ngày Tháng Bồng Bềnh, tập truyện (Gió Việt, TX, 1987),
4. Khói Sóng Trên Sông, tập truyện (Văn, CA, 2000),
5. Quê Hương Vụn Vỡ, tập truyện (Viện Việt Học, CA, 2012),
6. Giọt Nước Nghiêng Mình, tập truyện (Viện Việt Học, CA, 2018.)
7. Ước Vọng Bay Tan, kịch thơ (Tiếng Quê Hương, Virginia, 2016)
 
B. Phiên âm từ sách Nôm:
1. Trương Ngáo (Viện Việt Học, 2008),
2. Tội Vợ Vợ Chịu (Viện Việt Học, 2010),
3. Người Hùng Bình Định (Viện Việt Học, 2012),
4. Mà Lòng Tôi Thương (Viện Việt Học, 2013)
5. Tỉnh Mê Một Cõi (Viện Việt Học 2015),
6. Báo Ứng Nhân Quả (Gió Việt, 2016)
 
C. Chú giải sách xưa:
1. Kể Chuyện Tình Buồn (Chú giải “U Tình Lục” của Hồ Văn Trung, 2014)
2. Chuyện Đời Xưa (Chú giải “Chuyện Đời Xưa” của Trương Vĩnh Ký (Ananda Viet Foundation, 2017).
 
Nơi đây, trong dịp sinh nhật thứ 81 của Giáo sư, xin ghi lại bài thơ ghi từ mấy tháng trước:
 
Kính Tặng Thầy Sâm
 
Nửa đêm dò trang chữ cổ
bụi vàng phủ mấy trăm năm
nghe vọng bút nghiên cung kiếm
về khua mở hội trăng rằm.
.
Triệu mời hồn xưa trong gió
Thầy tìm dịch lại từng trang
so chữ đêm dài cũng ngắn
chép từng dòng thơ mênh mang.
.
Nghe dây cổ cầm bật khóc
quân binh thúc ngựa hí vang
Thầy ghi lại hồn giấy mực
tóc râu nhuộm trắng mây ngàn
 
PHAN TN H ẢI
2020-2021.
 
Xin chúc Giáo sư Nguyễn Văn Sâm sức khỏe an bình, để lưu lại thêm nhiều tác phẩm cho kho tàng văn học VN.
 

Saturday, March 27, 2021

MÙ SƯƠNG, SỚM MAI HUẾ

Hoàng Xuân Sơn
 
Huế mù sương.
 
[ biết rồi cơn mộng mù sương
nghe hồn biến động dắt buồn Huế đi – gởi Giác ]
 
Trăng trên nóc chùa thiêng
triều sông thơm ngát
đêm xuống thuyền nghe sóng giao hoan
chợt lòng tịnh đế
nhớ đuôi mắt tình
cười ở Chi Lăng cuối phố
 
Khăn quàng cổ của C.
hoa màu than tím sẫm
bắt mắt điệu đàng
ôm nuột nà bóng ngời tẩu gỗ
bạn thân yêu khum tay che giùm gió
đóm hồng môi cháy thảo hương
thở tràn trề
thở mù sương sớm mai Huế
 
Bạn hữu thâm tình như lâu năm quán chợ
những chiếc ghế cao cẳng đung đưa thời trai
thời lớn lên nhân dạng
sợi thừng bò quanh miệng tách
cà phê đen ý nghĩ hồng
ruby ruby thơm thảo
linh hồn trói buộc thao tơ
sông ơi
dịu dàng kỹ nữ
 
Như khúc phim thời cuộc nóng cháy
Đ. trở về chuyến đi thật xa
những bức tranh làm tổ trên bờ biển
sóng nhòa khoen mắt
buốt tê từng ngách kỷ niệm
 
Đ. đã về
về thật rồi
vũng nước đọng có nằm yên đêm
xuân lửa bừng bừng
trăng điên tần xạ ảnh
 
T. hung hăng xuống đường lạc thảo
súng cối giã đầu em thơ
vùi chôn dầu đáy cặn
dầu luênh loáng diện căm thù
trời đục mắt cá ươn
giết hết vùi hết
đá khe mài nhẵn
người cụt đầu trên tháp canh già
 
Huế ơi
hồn đại thụ
Rừng lau mọc kín bờ tường
đá ong khô lệ
chiều Nh. rủ ngồi bờ sông chém gió
rượu trào xanh áo trận P.
trên đầu ngư nữ rong bèo phù du thở mọn
mưa rụng về khắp chốn
vẫn lũ lụt mùa dâng
Y. lội nước vuốt tóc cười hiền
S. nói cuộc đời như đá lăn
thì mai người mỗi ngã
 
Bạch thi của X. nửa đời nửa đoạn
cắm đầu hút sinh ly
như chưa bao giờ cởi trần
bí mật của người điên chạy vui ngoài phố
sứ trắng reo hò
đêm hoàng thành vỗ tay
sương hồng và tuyệt địa*
 
H O À N G X U Â N S Ơ N
 
(phiên bản mới, Huế Buồn Chi 1993)
*nhan sách của Bửu Ý

TIỀN KIẾP HUẾ

Huỳnh Liễu Ngạn
 
Huế xưa
 
từ bến đổ thuyền xuôi về cửa Thuận
anh đi rồi thuyền đổ mạn xuôi lên
rồi biển rộng rồi sông hồ muôn dặm
nẻo của đời nẻo của mộng không tên
 
ai lên tiếng bến bờ kia lau lách
một con đò chở nghìn dặm sơn khê
và thuở ấy Tôn nữ ơi nghiêng tóc
cho trăm năm lỗi đạo mấy câu thề
 
anh là kẻ hoang đàng trong cổ tích
cả sự đời xao lãng giữa âm u
mây với nước với Hương giang lơ lửng
với tơ lòng sương khói với hoang vu
 
mười năm nữa hẹn hò trăng cổ độ
mấy mùa mưa thêm mấy gót chân về
em hư ảo giữa chiều đông xứ Huế
thì cũng đành hoài vọng mãi sao khuê
 
mười năm nữa con đò xưa có đợi
mây trên trời bay mất giữa thênh không
còn ánh mắt chiều đông trong tiền kiếp
thì Huế ơi trăng nước cũng phiêu bồng.
 
HUỲNH LIỄU NGẠN

 

Thursday, March 25, 2021

ĐỌC BÀI VIẾT CỦA ĐÀO NHƯ VỀ ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN

Trương Vũ
 


Tác giả Trương Vũ và tác phẩm
 
Tôi thật xúc động khi đọc bài viết của Đào Như (bút hiệu của BS Đào Trọng Thể) trên Việt Báo về tập tiểu luận Đuổi Bóng Hoàng Hôn của tôi. Là người viết, dĩ nhiên phải có đam mê và bỏ nhiều công sức để hoàn thành tác phẩm của mình. Nhưng, khi tác phẩm đã in ấn xong, đã được gởi đi, tôi cũng như nhiều người cầm bút khác vốn có óc thực tế về đời sống ở hải ngoại, ít khi chờ đợi một phản hồi dài hơn vài dòng chữ “phải đạo” từ bè bạn. Nói cho công bằng, chính tôi cũng nhiều khi ứng xử như vậy đối với sách vở của bạn bè mình. Đời sống bây giờ nó như vậy! Cái may mắn là không phải ai cũng như vậy.
 
Đào Như, hay Đào Trọng Thể, không như vậy! Đào Như, một người bạn của những ngày ở Trung Học Đệ Nhất Cấp, đã qua 65 năm chưa hề gặp lại, đã chịu khó đọc, đã bỏ công, đã trải lòng mình viết về Đuổi Bóng Hoàng Hôn của bạn mình. Khi cả hai đều không đuổi được bóng hoàng hôn. Tôi đã đọc say sưa những dòng chữ của ĐN, cảm nhận sâu lắng một niềm vui, một hạnh phúc. Những nhận xét của ĐN phát xuất từ sự hiểu biết sâu xa về văn học, từ cái thông minh của một trí thức, và ít nhiều từ sự độ lượng dành cho bạn. Với tôi, qua những dòng chữ này, điều tôi cảm nhận sâu xa nhất là thâm tình của bạn. Đặc biệt, khi anh viết về các bài “Cung Giũ Nguyên: Tác Giả và Tác Phẩm” và “Về Lại Sorrento”. Khi đọc, tôi để mình trở về lại thành phố thân yêu, gặp lại người thầy cũ, gặp lại người bạn thân của 65 năm trước, và bao bạn bè, bao hình ảnh thân yêu khác. Tôi học chung với Đào Trọng Thể từ lớp Đệ Lục (lớp 7). Lớp đông học trò, khoảng năm sáu chục. Ngày nay điểm lại trên FB còn lại ba người: Đào Trọng Thể, Phạm Hữu Đạo và tôi. Cùng lớp nhưng ĐTT và PHĐ xem như đàn anh của tôi, học giỏi và chững chạc hơn. Thời gian đó, thầy Nguyên rất ngẳng, thầy đem chương trình Đạo Đức Học của chương trình Triết lớp Đệ Nhất (lớp 12) xuống dạy chúng tôi ở lớp Đệ Ngũ. Tôi không hiểu gì hết nhưng ĐTT hiểu nên trong lớp dường như có mình anh tranh cãi với thầy Nguyên. Thầy Nguyên khó nhưng rất phóng khoáng. Ngày nay, thầy Nguyên đã không còn nữa. Các thầy và nhiều bạn tôi nhắc đến trong “Về Lại Sorrento” cũng đã ra đi. Bao nhiêu cái mất.
 
Bài viết của Đào Như về Đuổi Bóng Hoàng Hôn là cái còn lại rất đẹp từ một quá khứ. Tôi trân quý và cám ơn một người bạn từ năm xưa. Một tình bạn tưởng đã mất mà còn.
 
Virginia, tháng 3 năm 2021
TRƯƠNG VŨ

ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN - TUYỂN TẬP TIỂU LUẬN CỦA TRƯƠNG VŨ

 
Sách của Trương Vũ
 
Hôm cuối tháng Giêng vừa rồi tôi nhận được tuyển tập tiểu luận – ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN – xuất bản năm 2019, do chính tác giả Trương Vũ gửi tặng.
 
Thoạt tiên, tên Trương Vũ thật lạ lẫm với tôi. Nhưng khi đọc vào trang trong tôi mới biết Trương Vũ là bút hiệu của Trương Hồng Sơn, người bạn đồng môn của tôi vào những năm 1953-1955, thuở chúng tôi học chung với nhau từ lớp đệ Lục đến đệ Tứ tại trường trung học tư thục Kim Yến, Nha Trang. Nhìn ảnh của Sơn với hai màu tóc, khiến tôi bồi hồi cảm động. Chúng tôi xa nhau đã hơn 65 năm, biết bao nước chảy qua cầu. Sáu mươi lăm năm của khói lửa, chiến tranh, của ý thức hệ, phân ly, chia cắt, chúng tôi trôi giạt thành người lưu vong bất đắc chí.
 
Trong suốt hơn 65 năm qua, thời gian dài đăng đẳng, tôi theo nghiệp Y, hành nghề bác sĩ phẫu thuật của thời chiến. Sau khi về hưu tôi ngả ra viết lách. Trong khi đó Trương Vũ, tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa Toán Đại học Sàigòn; Thạc sĩ (MS) Vật Lý Hạt Nhân, University of Pennsylvania; Thạc Sĩ Kỹ Sư Điện (MSEE) và Tiến sĩ Khoa Học (D.Sc.) về Điện trong Kỹ thuật Không Gian, The George Washington University. Trước 1975, anh dạy Toán và đặc trách Sinh Viên Vụ tại Đại học Duyên Hải – Nha Trang. Vượt biển và định cư tại Hoa Kỳ từ 1976. Chuyên Viên nghiên cứu cho NASA tại Trung Tâm Không Gian Goddard từ năm 1980 cho đến khi nghỉ hưu, 2005. Đóng góp quan trọng nhất thuộc lãnh vực nghiên cứu và phát triển kỹ thuật xác định quỹ đạo (Orbit Determination) và phi hành tự động cho phi thuyền (Autonomous Spacecraft  Navigation). Đăng tải nhiều công trình nghiên cứu với tư cách tác giả chính về vật lý và kỹ thuật không gian (1996-1998).
 
Ngoài công tác chính ở NASA, Trương Vũ còn đóng góp vào một số sinh hoạt văn học nghệ thuật ở hải ngoại. Đồng Chủ biên tuyển tập văn chương chiến tranh – The Other Side Of Heaven (do Curbstone Press xuất bản năm 1995). Nguyên đồng Chủ biên Tập san Việt Học – The Vietnam Review của Đại học Yale (1996-1998). Nguyên Chủ bút tạp chí Đối Thoại, California (1993-1994). Hợp tác đóng góp bài vở cho các tạp chí giấy và mạng như Văn Học, Hợp Lưu, Văn, Tiền Vệ, Da Màu, Tương Tri, hay các diễn đàn internet như Talawas, Trang VHNT Phạm Cao Hoàng, Phố Văn, Trần Thị Nguyệt Mai… Về hội họa, ngoài các lớp học rải rác tại các Đại học và tư nhân, phần chính là tự học. Trương Vũ đã từng tham dự một số triển lãm tranh tại Hoa Kỳ.
Cùng với gia đình, Trương Vũ hiện cư ngụ tại tiểu bang Maryland, chú tâm vào chuyện vẽ và viết.
 
ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN, Trương Vũ cho biết lấy từ nguồn cảm hứng hai câu cổ thi Trung Quốc: Hoàng Hạc Lâu -của Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị – Yên ba giang thượng sử nhân sầu// Quê Hương khuất bóng hoàng hôn/Trên Sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Ý chừng hai mươi bài trong tập tiểu luận này đều mang không ít thì nhiều hoài vọng tư cố hương của tác giả.
 
Qua gần hai mươi bài ký trong tập tiểu luận ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN, Trương Vũ đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau. Từ Giáo dục đào tạo của Việt Nam hôm nay, cho đến Chiến tranh Hòa Bình, các vấn đề chính trị, các phong trào Văn Học Nghệ Thuật ở Việt Nam, con người và quê hương, Chiến Tranh Việt Nam và Văn Học Việt Nam Ở Hải Ngoại – The Other Side of Heaven...  Vốn dĩ là nhà toán học, khoa học kỹ thuật, Trương Vũ thường dùng ánh sáng của khoa học để soi sáng những trang viết của anh.
 
Khi Trương Vũ viết về tình người và quê hương bạn bè, đó là lúc trái tim trở nên chủ động ngòi bút của anh. Thể hiện đậm nét về xu thế này của Trương Vũ là bài viết “VỀ LẠI SORRENTO”, – bài viết dựa trên niềm cảm xúc khi tác giả Trương Vũ nghe lại ca khúc Trở Về Mái Nhà Xưa – Torna a Surriento của Ernesto De Curtis nhạc sĩ Ý, cuối thế kỷ XIX. Bản nhạc này đã làm mê hoặc anh. Anh nhớ Nha Trang, giống như Surriento, nơi có biển xanh cát trắng, tình người. Nơi đó Nhạc sĩ Phạm Duy đã hơn một lần dừng chân lại: “Nha Trang Ngày Về mình tôi trên biển khuya/ Đêm nay còn cát trắng – Đêm nay còn tiếng sóng – Đêm nay còn trăng soi… nhưng rồi chỉ còn mình tôi/ Trên bãi đêm khóc người tình”. Trương Vũ trong suốt hơn 65 năm qua đôi lần cũng nhớ về Nha Trang, quê hương của tuổi thơ, của những ngày học trò. Nơi đó, khi về già ta thường nhớ lại như nhớ một thiên đường đã mất. Ôi có gi đáng yêu hơn khi nhớ lại quê hương qua hình ảnh những người bạn gái cùng lớp cùng trường ta chưa hề cầm được tay nhau để nói rằng ta yêu người… Hoàng Thị Ngọc Táo, Trương Thúy Trúc, Trần Thị Hảo… mãi mãi  là những mối tình câm nín đầu đời trong sân trường Võ Tánh Nha Trang…
 
Trương Vũ có cái nhìn tinh vi và sâu sắc khi ông NHÌN LẠI PHONG TRÀO VĂN NGHỆ PHẢN KHÁNG TẠI VIỆT NAM TỪ NĂM 1986 ĐẾN NĂM 1989. Sau khi lược qua một vòng về nguyên nhân đưa đến phong trào Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956-58 và phong trào Văn học Phản Kháng 1986-89, Trương Vũ nhìn nhận mọi phong trào văn học hầu hết đều là sự phản kháng của Ngòi Bút chống Bạo Lực. Theo Trương Vũ “Ngòi Bút và Bạo Lực là hai thứ không thể cùng sống chung với nhau mà không làm biến thái hoặc triệt tiêu nhau… chỉ riêng một sự kiện: Trong số mười người cầm bút bị sát hại trên nước Mỹ, thì đã có năm người thuộc cộng đồng người Việt ở hải ngoại. (Dương Trọng Lâm – 1981, Nguyễn Đạm Phong – 1982, Phạm Văn Tập – 1987, Đỗ Trọng Nhân – 1989, Lê Triết – 1990). Cũng phải khiến cho chúng ta suy nghĩ về cái tương quan giữa Ngòi Bút và Bạo Lực ở chính nơi đây… chúng ta giết lẫn nhau, chúng ta hành hạ lẫn nhau  chúng ta chụp nón cối cho nhau…” Và tác giả đặt ngay những câu hỏi: “Sức mạnh của ngòi bút chúng ta ở hải ngoại như thế nào? Về lượng chắc nhiều lắm. Về phẩm, văn chương của chúng ta có mới không? Nội dung của nó có chứa đựng được những bức xúc, những trăn trở, những khúc mắc, những suy tư thời đại của chúng ta, có khai mở cái thẩm mỹ, cái tầm nhìn về tương lai của chính chúng ta và những thế hệ sau này… Nghĩ đến Văn học nghệ thuật chúng ta buộc phải nghĩ đến những giá trị lớn… Trước khi dứt lời, tôi xin nói đôi điều liên quan đến người đọc: Ở hải ngoại sống hết lòng với văn chương khó lắm.”… Theo tôi nghĩ (lời người viết) chẳng những khó lắm mà còn nguy hiểm lắm, nguy hiểm cho chính mình mà còn cho gia đình vợ con… Văn chương Việt Nam ở hải ngoại thật đa diện: Văn chương đặc công, Văn Chương Việt cộng, Văn Chương Việt gian, Văn chương biệt kích, Văn chương Nha kỹ thuật, văn chương tình báo. Văn chương phe nhóm, công thần ngoại bang chia nhau độc quyền chiếm đoạt các báo Việt ngữ ở hải ngoại; điều quan trọng là chia nhau phần quảng cáo một lợi nhuận kếch xù. Văn chương phục vụ quảng cáo cho các mặt hàng, mới là điều quan trọng. Tranh nhau quảng cáo, chụp nón cối cho nhau. Nhưng nghĩ cho cùng, câu nói để đời của nguyên Đại sứ Mỹ tại miền Nam Viêt Nam, Maxwell Taylor, từng tuyên bố: “Who disburses, dictates”. Kẻ cầm súng giết hại các nhà báo Việt Nam không thật sự quan trọng bằng kẻ đã ra lệnh cho họ giết chết những nhà báo yêu nước của ta, họ thủ tiêu sức mạnh của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại từ đó họ và bọn tay sai chi phối và thao túng cộng đồng người Việt ở hải ngoại một cách dễ dàng.
 
Những bài tiểu luận khác cũng được Trương Vũ đề cập đến với một văn phong đầy nhân bản như Mưa Ướt Vị Thành, Người Đọc Sách Với Cái Thật cái giả trong Văn, Nói Với Chàng Siêu, Vài Suy Nghĩ Tuyển Tập Mây Chó của Võ Đình, Lời Bạt Cho Chủ Đề Yêu Của Hợp Lưu, Lá Mùa Thu, Phùng, Huy… Nhưng có một tiểu luận Chính Trị MÙA ĐÔNG PRAGUE đã nắm bắt sự chú ý của tôi mãnh liệt. Qua bài viết này tác giả Trương Vũ nghiên cứu và phân tích về sự thành lập Tân Cộng Hòa Czechoslovakia – Tiệp Khắc ở Đông Âu, nhờ sự đấu tranh kiên cường của các nhà lãnh đạo và nhân dân Tiệp. Đó là sự thật không chối cãi được.
 
Tuy nhiên sự thành lập Tân Cộng hòa Czechoslovakia – Tiệp Khắc – có chung một lịch sử với sự thành lập các Tân Cộng Hòa ở Đông Âu. Năm 1988 trong một buổi họp tại Điện Kremlin, Mạc Tư Khoa, với các lãnh đạo các nước Đông Âu, Chủ Tịch – Tổng Bí Thư cuối cùng của Liên Bang Xô Viết (LBXV), Mikhail S. Gorbachev đã long trọng tuyên bố: LBXV sẽ không bao giờ can thiệp vào nội tình của các quốc gia Đông Âu. Quyết định này của Gorbachev được coi như là khai mào cho sự thành lập các Tân Cộng Hòa Đông Âu, độc lập với Moscow, và chấm dứt Chiến Tranh Lạnh trên toàn cầu…
 
Thật cảm động khi tôi đọc những trang ký ức của Sơn: “ĐÊM ĐẠI DƯƠNG”, “NHỮNG CƠN MƯA NGÀY CŨ”, và nhất là bài ký ức của Sơn về Thầy “CUNG GIŨ NGUYÊN-TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM”. Cả khung trời kỷ niệm trở về trong trí tưởng tôi, trường Trung học tư thục Kim Yến, đường Độc Lập và thành phố Nha Trang, vịnh Nha Trang, cầu Hà Ra, và Xóm Bóng, quê hương thần thoại của “Kẻ Thừa Tự Ông Nam Hải”- Le Fils De La Baleine – tác phẩm thời danh của GS Cung Giũ Nguyên.
 
Đọc “Đêm Đại Dương” của Trương Vũ nhắc lại những cảnh hãi hùng vượt biên của hàng triệu người Việt, nạn nhân của Chuyên Chính Vô Sản, sau ngày 30-4-75! Có những người may mắn đến được bến bờ tự do. Một số người phần số hẩm hiu đã bỏ mình ở rừng sâu, hoặc bị chôn vùi ở dưới đáy Biển Đông. “Hồi tưởng lại thảm kịch đó… và cũng là lúc để người Việt Nam tự chiêm nghiệm chính mình, về những gì đã làm, những gì đã không làm, những gì lẽ ra không nên làm… Để xã hội nhân bản hơn, tôn trọng quyền căn bản của con người, và để người dân có tự do, có cơ hội sống một đời sống có phẩm cách, như trong bao nhiêu quốc gia tiến bộ khác. Chỉ có như thế, cái thảm kịch như từng xảy ra trên Biển Đông sau 1975, sẽ không còn xảy ra cho dân tộc Việt Nam trong tương lai nữa…” Đó là ước vọng hòa hợp hòa giải dân tộc của Trương Vũ, đậm chất nhân văn, tình người, vượt lên trên ý thức hệ Chuyên Chính Vô Sản.
 
“NHỮNG CƠN MƯA NGÀY CŨ” của Trương Vũ, nhắc ta nhớ lại những cơn mưa Thu lạnh, ở miền Đông nước Mỹ, những cơn mưa dầm trên thành phố Nha Trang những chiều mùa Đông, những cơn mưa vội vã, chợt đến chợt đi của trời tháng Sáu Sàigòn, đẫm ướt mái tóc người em gái, đủ làm ủ dột lòng người tha hương. Những cơn mưa ngày cũ ở bất cứ đâu cũng là những hoài niệm, những bâng khuâng về một cố nhân, về một quê hương đã khuất, về một nơi mà ta đã dừng chân trong những năm tháng khốn khó. Với Trương Vũ, “rất khó để nói rằng nước Mỹ không là một quê hương mới. Mỗi lần đi xa, sau vài ngày là tôi bắt đầu nhớ đến căn nhà ở đó, nhớ màu sắc của cỏ cây khi trời vào Thu, nhớ những con người, nhớ cả thức ăn …” và chắc chắn Trương Vũ  cũng nhớ đến những cơn mưa ngày cũ và câu thơ cổ thi Trung Quốc của nhà thơ Giả Đảo:
 
“ Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy 
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương”
 
Qua sông Tang Càn, nhớ về Tinh Châu-một quê hương mới…
 
Đọc CUNG GIŨ NGUYÊN-TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM  của Trương Vũ, lòng tôi xao xuyến lạ thường – Không hiểu Sơn sẽ viết gì đây về vị Thầy của chúng tôi. GS Cung Giũ Nguyên sanh tại làng Minh Hương, Huế năm 1909. Cựu học sinh trường Quốc Học, Huế. Năm 1928  được bổ làm Trợ giáo Tập sự tại Trường Nam Tiểu học Nha Trang. Nhưng đến đầu năm 1930 ông bị bãi chức vì lý do chánh trị. Từ năm 1947 ông dạy Pháp văn Trung học, sau đó làm Hiệu Trưởng trường Trung học bán công Lê Quý Đôn, Nha Trang. Từ năm 1972-75, Giáo sư và Chủ nhiệm ban Pháp văn tại Đại học Duyên Hải, Nha Trang. Từ năm 1989 đến năm 1999, ông là Giáo sư Ngôn ngữ Văn chương Pháp tại trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang. GS Cung Giũ Nguyên là thầy của rất nhiều thế hệ học sinh và sinh viên Nha Trang, kể cả thế hệ đầu tiên, bước chân vào trường Trung học Võ Tánh năm 1947 lúc đó còn mang tên Collège de Nha Trang.
 
Cung Giũ Nguyên viết văn thuần thục 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp. Và cộng tác với nhiều báo chí trong và ngoài nước. Ông đã sáng tác, và dịch hơn 50 tác phẩm. Những tác phẩm đầu tay bằng tiếng Việt: Tinh Ái Mỹ – 1928, Nợ Văn Chương, Một Người Vô Dụng… Ông viết rất nhiều sách bằng tiếng Pháp: Volonté d’Existence (essai), Le Fils De La Baleine – 1956, Le Domaine Maudit – 1961, Le Serpent et la Couronne (roman) và tác phẩm chủ lực của ông Le Boujoum – 1976-1980.
 
Các nhà văn hóa Pháp và Đức, nhất là giới cầm bút của châu Âu, đã vinh danh ông là Tiếng Sấm Phương Đông – La Tonnerre de l’Orient – qua tác phẩm thời danh của ông viết bằng tiếng Pháp “Le Fils De La Baleine”do nhà xuất bản Arthène Fayard – Paris ấn hành năm 1956.  Và sau đó tái bản đến 10 lần. Năm 1957 “Le Fils De La Baleine” được dịch sang tiếng Đức dưới nhan đề “Der Sohn Des Walfischs”. Mãi đến năm 1995 “Le Fils De Baleine” mới quay đầu về cố hương, được nhà ngôn ngữ học Việt Nam, Nguyễn Thành Thống chuyển sang tiếng Việt  dưới tựa đề  “ Kẻ Thừa Tự Ông Nam Hải”. ”Với một bút pháp gọn gàng, thanh thoát, linh động mà uyển chuyển ”Kẻ Thừa Tự Ông Nam Hải” kể về đời sống chất phác, dịu hiền rất đáng mến của một gia đình chài lưới ở một làng duyên hải thuộc Trung Bộ Việt Nam với tất cả đặc điểm phong tục của người dân chài đất Việt sống chết với nghề truyền thống của mình. Tác phẩm không những được độc giả trong nước hoan nghênh, mà nhiều người nước ngoài (trong đó có cộng đồng sử dụng tiếng Pháp-Francophone) qua đó cũng hiểu thêm dân tộc Việt Nam với những đức tính tốt đẹp truyền thống.” (Nguyễn Q, Thắng-Tự Điển Văn Học – Bộ Mới Năm 2003 – Hà Nội-Việt Nam)
 
Năm 1961 GS Cung Giũ Nguyên cho ra đời một tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp Le Domaine Maudit – Đất Dữ  cũng do Arthène Fayard – Paris ấn hành. Le Domaine Maudit kể lại câu chuyện của một gia đình thượng lưu Việt Nam bị đổ vỡ vì sự xâu xé giữa ý thức hệ cũ và mới vào khoảng những năm 40-60 của thế kỷ XX. Le Domaine Maudit cũng đánh dấu một giai đoạn tác giả của nó phản tỉnh về những va chạm ý thức hệ giữa cũ và mới…
Tôi rất băn khoăn khi thấy Trương Vũ vạm vỡ bước vào chủ đề “CUNG GIŨ NGUYÊN-TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM”, một chủ đề chưa từng được ai dám đề cập đến với một chiều sâu như Trương Vũ đang là nhà giải phẫu Le Boujoum, tác phẩm chủ lực của GS Cung Giũ Nguyên, một tác phẩm rất khó đọc. Chính Trương Vũ cũng phải thú nhận: ”Trong bài viết này tôi không nhằm làm công tác của một nhà phê bình văn học (tất nhiên là vậy). Tôi chỉ muốn đóng góp một ít thông tin về con người của tác giả và về bối cảnh để tác giả xây dựng nên tác phẩm (Le Boujoum). Cuốn tiểu thuyết được xây dựng trên một cấu trúc rất kỳ lạ… Mở những trang đầu của sách, người đọc có thể cảm nhận được điều đó ngay, khi đọc những câu rất đặc biệt mà ông trích dẫn từ cuốn The Hunting Of Snark của Lewis Carroll
 
…Car le Snark bel et bien était un boujoum
figurez vous- Je ne sus pas ce qu’il signifiait
alors: je ne suis pas ce qu’il signifie…        
 
Rằng Snark là đẹp và toàn hảo như một boujoum
Các bạn hãy hình dung đi
Trước đây tôi chẳng hiểu nó là gì
Bây giờ tôi chẳng phải là tôi hiểu nó là gì nữa…
 
Câu văn mở đầu Le Boujoum: “…Một vật lơ lửng trên vực thẳm được những sọi tơ mành giữ lại/… objet retenu au-dessus d’une gouffre par les fils abstraits – cũng là câu kết thúc của truyện Le Boujoum.  Tác giả Cung Giũ Nguyên muốn nói gì qua ẩn dụ này? Phải chăng điểm khởi đầu về điểm kết thúc chỉ là một?
 
Thật lý thú khi khám phá tác giả Cung Giũ Nguyên cho đăng lại vài dòng trên bức hí họa ở bìa sau Le Boujoum, câu nói của một đệ tử thiền học Trung Quốc:
 
“Trước khi theo Thầy lên núi học đạo, thấy núi là núi, thấy sông là sông. Khi học đạo thấy núi không phải là núi, thấy sông không phải là sông. Sau khi học đạo thấy núi cũng chỉ là núi, thấy sông cũng chỉ là sông…”.
 
Lúc sinh thời GS Cung Giũ Nguyên hiển thị hai cực âm (-) và cực dương (+) bằng một vòng tròn khác với đường thẳng của Tây phương. Theo mô hình của Cung Giũ Nguyên (vòng tròn) hai điểm cực dương và cực âm đứng sát vào nhau. Thật khó mà phân biệt đâu là cực dương, đâu là cực âm. Trong cõi vô cùng ấy, khó mà nhận được đâu là sự thật. Trong khi học đạo, người đệ tử Thiền nhìn sông núi qua lăng kính học đạo. Nhưng sau khi đắc đạo người học đạo trở lại chính mình, nhận chân được sự thật: sông trước sau gì cũng chỉ là sông, núi trước sau gì cũng chỉ là núi…
 
Trương Vũ đã tóm lược rất nhiều nội dung của Le Boujoum, phần còn lại độc giả sẽ tự tìm ra một con đường mới đi xuyên qua tác phẩm vĩ đại này, luôn luôn là một khu rừng thiêng còn cần nhiều khai thác và khám phá của nền văn học Việt và thế giới.
 
Sau khi đọc ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN của Trương Vũ, người đọc ghi nhớ mãi vết hằn chiến tranh khắc sâu vào tâm tư của mọi người, nó là nguồn cội chia rẽ dân tộc hôm nay: ”Hồi tưởng lại thảm kịch đó và cũng là lúc để người Việt Nam tự chiêm nghiệm chính mình về những gì đã làm, những gì đã không làm, những gì lẽ ra không nên làm… để xã hội được nhân bản hơn, tôn trọng quyền căn bản của con người và để người dân có tự do, có cơ hội sống một đời sống có phẩm cách… Chỉ có như thế cái thảm kịch như từng xảy ra tại Biển Đông sau năm 1975 sẽ không còn xảy ra cho đất nước Việt Nam trong tương lai nữa…”
 
Với tư cách người cầm bút ở hải ngoại, tôi trân trọng ghi ơn tác giả Trương Vũ khi ông dám lên tiếng tố cáo sự va chạm giữa Ngòi Bút và Bạo Lực trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại và ông đã can đảm thú nhận “ở hải ngoại sống hết lòng với văn chương khó lắm”.
 
ĐÀO NHƯ
Bác Sĩ Đào Trọng Thể
Chicago – Friday, March 5, 2021