Monday, February 25, 2013

Bụi từng ngày

Lưu Na
  
    

               
    Mây thức giấc vì tiếng chim. Chả biết mấy giờ, nhưng chắc còn sớm vì ánh sáng tràn ngập phòng mà không chói mắt, và cái êm ả của bầu không khí như lâng lâng chứ không trì nặng tựa lúc chiều buông. Không gian dường trong rỗng quanh Mây, không có cành lá cọ quẹt mà tưởng như nghe được tiếng gió nhẹ thổi qua, chưa ra cửa Mây đã nghĩ rằng trời quang đãng ấm mát. Con chim nhẩn nha kêu cu cu cu..u u, chỉ ba tiếng mỗi lần. Mây nhớ có ai đó bảo nó có thể kêu 4 tiếng, và đó là tiếng gọi mái gọi bồ… hay là tiếng xác nhận chủ quyền lãnh thổ (!!!) thì Mây đã quên ngay lúc ấy. Cu cu cu..u..u, tiếng kêu bình thản đều đều một note nhạc chứ không trầm bổng thành điệu như những tiếng chim khác. Lạ sao Mây thấy êm ả trong lòng với cái nhàn nhạt không xúc cảm ấy. Đây có phải là điều mà bác sĩ nhắm tới khi đề nghị Mây lên ở chốn khoảng khoát vắng im này?

    Mây chợt nhận ra đêm qua đã ngủ được dễ dàng và thẳng một giấc không thức dậy nửa chừng, cái tật lâu dài đã đóng thêm phần vào sự suy nhược không rõ nguyên do. Đêm hằng đêm Mây chờ giấc ngủ bằng một quyển sách, rồi khi mắt muốn sụp xuống thì Mây vẫn ráng đọc tiếp cho hết chương, như tiếc nuối phút sống còn. Ngủ được vài tiếng Mây lại giật mình thức giấc rồi thao thức với bóng đen. Mây thèm ngủ, nhưng Mây cũng tiếc đêm, như thể khép mắt thì sẽ đi vào cõi chết. Mây thích ngủ ngày như thể ngủ ngày thì quên được niềm đau nhân thế, và đêm vắng là chốn trú ẩn an toàn của sự sống. Mây sợ chết mà cũng “không muốn sống,” có thể nào như vậy không? Ngó những lọ thuốc nơi đầu giường, Mây quay mặt và bước xuống, ra phòng ngoài. Những lọ thuốc đó không biết có chữa được gì không nhưng nó khẳng định cái bất an nơi Mây.

     Hôm nay weekend, lối xóm như tưng bừng hơn một chút. Người dưới phố cũng lên thăm nhau. Nhà bên phải, bà Maddy đã ra vườn sau ngồi dưới cội cam xum xuê hút thuốc, mùi khói thuốc nhè nhẹ phất vào mũi khi Mây đi vòng vòng mở cửa sổ trong nhà. Hàng xóm bên trái sát vách _ “Tả quân” _ đã bắt đầu có bạn hiền ghé thăm. Ông Thẩm phán xéo góc trước mặt hình như đi vắng, thấy cửa sổ buông màn. Mây vào pha cà phê, đẩy cửa sổ kéo tấm màn dầy ra hai bên, chỉ chừa lại tấm voan trắng lay phất phơ mỗi khi có gió nhẹ. Ra đa của Mây đó !!!
    Nhiều ngày nằm bịnh, những tấm màn voan trắng mỏng như nhìn dùm Mây ra cuộc sống bên ngoài và nói cùng Mây những lời thầm thì an ủi. Nếu Mây tỉnh giấc vào lúc sáng sẽ thấy cái màn trắng tinh khôi đứng nhẹ lay và như có lớp bụi trong lắng đọng trong không gian bao bọc nó. Mây tưởng nghe được bướm vỗ cánh đuổi nhau trên những đóa hoa, tiếng ong vo ve dzì dzì ở bụi hồng nơi sân trước. Vào buổi trưa thì cái bóng đổ trên tấm màn sẽ nói cho Mây biết Mây đang được trú mát khỏi ánh vàng gay gắt đang ập xuống triền đồi. Nhưng một hôm Mây thức lúc trời tim tím, không biết là rạng đông hay hoàng hôn thì chính cái màu trắng lạnh im biếc chút ánh xanh tím ấy cho Mây biết ngày đã hết. Những ngày ấy, lúc tỉnh lúc mơ trong mồ hôi râm rấp của cơn sốt trong cái ngầy ngật của thuốc, Mây nhìn tấm màn để biết thời tiết gió mưa ấm lạnh, giờ giấc sáng trưa. Bây giờ khá hơn thì nó thành lá mộc cho Mây rình hàng xóm!

Đây một ông bạn thắm thiết của Tả đại ca, ít ghé nhưng chắc thân, thấy chủ nhà dẫn ra sân sau chứ không đàn đúm nơi sân trước. Khác với chủ nhà _ cao lớn và lúc nào cũng cười cười, ông này chỉ thấp nhỏ và mặt ít thấy vui. Đại ca hàng xóm dù lúc đi đứng hay ngồi luôn hơi ngửa người ra sau, thái độ cười cợt, chút hời hợt như bàn tay xòe sẵn sàng phẩy đi những chuyện vớ vấn. Ông bạn này thì ngược lại, anh ta chắc như một cái nắm tay, lúc nào cũng như hơi chúi ra phía trước, như sẵn sàng trả đũa bất cứ ai bằng một cái thoi. Có nhạc sư nói người lớn thì tiếng lớn, e không đúng với bạn hiền đây. Khi anh cất tiếng, giọng rõ và trong nhưng vang ấm áp, trong khi ông chủ nhà giọng trầm, cũng ấm nhưng hơi ồm ồm thuốc lào. Anh hút pipe chứ không phì phèo thuốc lá như chủ nhà. Nhìn hai người Mây không hiểu họ thân nhau vì lẽ gì. Hai người ngồi ở sân sau im lặng nhả khói, dường như ngắm trời mây nhưng thực ra ông nào cũng hơi nhìn xuống đất. Lâu lâu nghe được một tiếng gì đó, như thể nói cho có âm thanh để ma đừng bắt. Mây áng chừng họ không có chuyện gì nói với nhau nhưng thích ngồi cạnh nhau để những sợi khói mỏng manh buộc tình bạn bền chắc lại.
    Cái tình hữu nghị lặng im ấy bị xé rách. Lần lượt thêm ba ông ghé vào. Tả đại ca ra mở cửa gọi với vào trong đâu đó một câu Ngọc ơi, cô nấu dùm tôi ấm nước. Không phải cô ở đâu. Mấy tháng trước Mây ngỡ vậy, sau vỡ ra chính là Tả phu nhân. Buồn cười, đại ca này hơn Mây 10 tuổi chứ mấy, mà xưng hô như Ba của Mây hằng gọi Má: cô với tôi. Tại sao Ba gọi Má là cô mà không kêu em? Má vẫn gọi Ba là anh đó thôi? Tới khi nhắm mắt Ba vẫn không giải thích cho Mây.
    Bây giờ 5 người đứng quanh nhau trên thềm gỗ trước cửa. Trong vài giây họ định xong chỗ ngồi thích hợp với vóc người. Từ Hải đầu đinh và nhà thơ tràng giang đại hải ngự ở 2 ghế xô pha mây lót nệm. Chủ nhà và bạn hiền ngồi ở xích đu. Ông khách từ miền Bắc xuống cao nhất, ngồi lan can dựa cột; ông đội kết vàng áo mơ mi quần khaki oxford, một thứ ăn mặc tươm tất ngầm. Cái băng ghế gỗ lúc khác để ngồi, bây giờ làm bàn.

    Ông nhà thơ e hèm hỏi thăm sức khỏe hết nửa giờ; Từ Hải đầu đinh _ gọi vậy vì tay này vai năm thước rộng lưng mười lăm thước cao, tóc cúp sát, mày rậm mắt lồi tiếng nói rổn rảng _ cũng lễ độ thân mật vấn an. Mọi người như ân cần quan tâm mà cái người được vấn an lại cứ cười cợt vẩn vơ như thể người ta hỏi ai chứ chẳng phải nói với mình. Và bạn hiền thì vẫn lừ lừ như cá vàng trong chậu. Mây vểnh tai nghe xem họ có gì để nói với nhau ở buổi sáng gặp mặt này. Từ Hải làm nhà báo, rủ chủ nhà hình như cũng chủ nguyệt san gì đó tới ăn Tết ở tòa báo. Bạn hiền đẩy đưa, ông đi đi, hôm đó tôi còn phải thu xếp chút việc. Ông kết vàng cũng phán với chủ nhà: mày đi đi, tao vòng vòng “trả nợ” rồi sẽ ra sau, chấm câu, thằng này lười chết mẹ !!!. “Để coi,” chủ nhà vắn gọn, hấp háy ngó bạn, “mày uống cái gì đó?” Nước loo ọc, cũng nheo mắt nhưng mặt lạnh như tiền. Nhà thơ, đứng ngoài những cọ quẹt cà khịa, long trọng giới thiệu bài mới viết dài 15 trang trên báo nhà. Thì tràng giang đại hải mà, nhiều chữ quá không viết để làm gì. Quay sang bạn hiền kèo nài phân bua _ ông nói tôi biết, tôi có làm gì ông buồn không mà hôm nọ thấy ông có vẻ quạu, hồi nãy gặp nhau ngoài phố ông cũng làm như xa lạ. Bạn hiền vắn tắt, chắc lúc đó tôi lu bu đó thôi. Tả quân và bạn hiền chỉ khẽ liếc mắt nhìn nhau. Mây ngắm họ bao nhiêu lần để thấy cái cười không nhếch mép hở răng của họ.

   Một chiếc xe vào ngõ, quanh theo đường vòng rồi dừng lại xéo góc bên kia. A ha, con gái chở Thẩm phán về, thả bố xuống rồi đi luôn. Nhưng ông chưa vào nhà, bước thẳng qua bên Mây đứng trước hiên gọi với vào trong: Mây qua uống trà ăn bánh. Mây không ngờ ông bước tới nên không lùi kịp, đành vâng dạ. Không qua có mà yên. Mây khoác áo xỏ dép lụi đụi theo sau.
   Bà mở cửa đón ông vào, cười tươi khi thấy Mây đứng sau lưng. Ông tháo giầy quay vào thay ngay bộ đồ mát rồi mới trở ra tiếp Mây. Bánh này là của ông v.v… trước làm v.v…, để yên tôi nói hết cho mà nghe, bla bla bla…. Rồi ông kể lể chuyện ra mắt sách hôm trước. Cực khổ lắm chứ Mây tưởng dễ à. Nào là lấy sách ở nhà in về, rồi phải book chỗ ra mắt ba chăm dưởi không bớt một cắc, anh keyboard nể mặt người quen chỉ lấy chăm dưởi. Chú phải tự pha trà sắp mấy hộp bánh sẵn. Tại sao? Giời ạ, thì ra mắt sách cũng có chút trà bánh đãi quan khách chứ. Đây này, danh sách khách mời, 9 giám khảo, 15 nhà văn, 8 nhà thơ vân vân… tất cả là ba trang. Lần này tên nào không đến thì gạch hẳn, khỏi có mời lần tới. Ở đây chứ trước ở Việt Nam có mà dám không đến. Mà nếu ai cũng va ca xông với lại bớt đây thì nhà văn nó sống bằng gì. Mây im thít chúi đầu vào computer trốn cái tội đi birthday party không dự buổi ra mắt sách đó. Ông thẩm phán ngưng nói, cằn nhằn, lúc nào thấy Mây đều thấy ôm máy. Cười, biết sao giờ. Mây ra cửa sổ nhìn xuống triền đồi. Mé bên nhà ông cỏ xanh hơn bên dốc nhà Mây và có nhiều cây cao. Ông ngồi vào máy lôi ra mớ hình bè bạn ngày cũ mới gửi cho. Đây cô họa sĩ bên Pháp, nọ cô nhà thơ ngoài Bắc vào. Chỗ này là gặp nhau ở cà phê, đó là quán nhạc của ai đó miền cao. Mây im nhìn những bức hình, không cần hỏi cũng biết không bao giờ có mặt bà, người vợ mà ông hằng yêu dấu ngợi khen. Tóc. Tóc. Có ai đó gọi chat. Lạch cạch lách cách lắc cắc. Ông gõ như mưa. Bà ngồi im như tượng, ngó ra cửa sổ nét mặt thản nhiên. Sao Mây thấy đau buốt trong lòng. Ông đã thôi chat, ra ghế dựa ngồi ngó mông vạt nắng. Chép miệng, đời quá buồn. (Thì gõ cho ai đó cho hết buồn). Đứng lên, Mây lật đật ra về e mình chết chìm trong biển đắng.

   Mây vào nhà đóng cửa trước kéo kín màn. Xuống bếp ngó sang cửa sổ nhà Tả quân. Mây thích đứng chỗ này nhất, nơi cửa sổ bếp của Mây ngó sang cửa sổ bàn ăn bên ấy theo góc vuông. Mây nhớ căn nhà ở hẻm Vạn Hạnh. Dẫy nhà Mây ở nhà nào cũng bắc ra sông đen ngòm. Bếp nhà Mây cũng vuông góc với bếp nhà cu Sen. Hồi đó mỗi lần rửa chén Mây đều ngó thấy cu Sen đứng chống nạnh ngó mấy con heo, dù không thấy nhưng Mây biết chuồng heo nằm ngay xế bên cửa sổ chỗ cu Sen đang đứng. Nó thường đứng chống nạnh vô tư, nhưng sau vài phút thì cũng quay sang bắt gặp Mây đang ngó. Trực giác hay cái gì có thánh mới biết. Thôi cứ thà chỉ ngó nhau qua cửa sổ còn hơn…

    “Tụ hiền trang” đã rã đám, chỉ còn đại ca chủ nhà ngồi im vơ vẩn nơi bàn ăn. Trời xế chiều, nắng hắt xiên lên những cái hoa cỏ may tròn tròn làm chúng ánh lên như tơ trước ánh sáng. Hoa dại vàng, cam, cũng sáng lên với những tiếng chim ríu rít. Một lát khi ánh mặt trời tắt chúng cũng sẽ xếp cánh lại ngủ. Người khách cuối của tụ hiền trang là nhạc sĩ anh gầy như que củi phơi áo dưới tàn Đông. Bộ xương khô ấy ghé vào, tiếng hơi Quảng hơi Trung, môi dầy khô _ sao, nhậu? Gật đầu, khoác áo đi ngay. Mây quay nhìn xuống dốc đồi.

   Bà Maddy chắc đang ăn bữa chiều, lúc nẫy Mây thấy xe đỗ trước cửa và người đưa thức ăn trong bao giấy nâu bấm chuông nhà bà. Bà Maddy còn được bao lâu? Mây lại bắt đầu hâm hấp sốt. Vào giường Mây nghĩ, có lẽ đã tới lúc phải làm bucket list.*

Lưu Na  
02/17/2013

*Bucket list : Bản danh sách liệt kê những điều cần làm, muốn làm của một người trước khi nhắm mắt lìa trần.




Saturday, February 23, 2013

thơ nguyễn xuân thiệp


ĐÊM MÙA ĐÔNG. THC GIC
NGHE TING HÓT CHIM HA MI


 
                                         Tranh Marc Chagall

đêm mùa đông
một cơn ác mộng
đánh thức tôi
2 giờ 45 phút sáng
em. em có chờ tôi. trên ngọn đồi sương tím
sao mãi hoài tôi đợi
mong. gặp lại nhau một ngày nào
tôi nằm. nghiêng tai. lắng nghe
dường như. trong vòm lá tối. ngoài khung cửa
có mảnh trăng thượng huyền. và tiếng chim họa mi
hót
tiếng chim họa mi
như từ thơ. tomas transtromer
trong đêm khuya
cất lên. lảnh lót
như lời trẻ reo
ôi. tiếng chim họa mi. đến thăm tôi
ý chừng thấy tôi cô đơn. tuyệt vọng
bảo tôi
sẽ không có chia ly. và cái chết
không có. những cánh đồng của tóc. và môi khô
không có. ngọn gió của gai nhọn
người đi rồi sẽ quay về
em và tôi sẽ bay lên
như trong tranh chagall
lovers and half moon
bay lên trong tiếng hót họa mi
chúc phúc mọi người. và cuộc đời
mãi mãi bên nhau
như chưa bao giờ có chia tay. mùa đông. và những chuyến gió

NXT
Jan 2013

Saturday, February 16, 2013

nguyễn thị thảo an

Đọc
TRƯỜNG SA HÀNH
của Tô Thùy Yên

                                         
                                              Tô Thùy Yên. Đinh Cường vẽ

 Mấy năm gần đây khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, nhiều người trong nước đã tìm đọc bài thơ Trường Sa Hành của nhà thơ Tô Thùy Yên. Nhiều bạn đọc tỏ ý tiếc, Trường Sa Hành là một bài thơ hay nhưng thiếu tính chiến đấu.
Người trong nước ít nhiều chịu ảnh hưởng của nền văn học Chủ Nghĩa Xã Hội, thường quen với quan điểm văn nghệ phục vụ cho chính trị, văn nghệ là vũ khí,... nên lấy làm ngạc nhiên về tác phẩm lẫn tác giả.
Nói về bài Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên, ngoài giá trị văn chương, bài thơ còn có một giá trị lịch sử đặc biệt. Bài thơ được sáng tác trong một chuyến du hành thăm đảo trong bối cảnh Hoàng Sa vừa bị Trung Cộng đánh chiếm (3/1974). TTY là một nhà thơ đầu tiên đặt chân đến Trường Sa, viết một bài thơ đầu tiên cho Trường Sa. Bài thơ có một ý nghĩa chính trị về chủ quyền lãnh thổ mà người Việt nào tha thiết với vận mệnh đất nước không thể không biết tới.
Nội dung bài Trường Sa Hành diễn tả tâm trạng những người lính trấn thủ trên đảo. Ở thời điểm đó, Trung Cộng có thể tiến chiếm Trường Sa bất cứ lúc nào. Có thể họ sẽ là những người nối gót Ngụy văn Thà mới vừa tử thủ ở Hoàng Sa, hay theo dấu những người lính vô danh trong lịch sử.
Trước khi nói đến những người lính thời nay, xin nhắc sơ hình ảnh người lính thời xưa còn sót lại.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của chiến tranh. Thế mà trong lịch sử, qua bao nhiêu chiến thắng lẫy lừng chống ngoại xâm, hình ảnh người lính oanh liệt ngày xưa biến đi đâu mất. Trong văn học sử chỉ ghi lại hình ảnh người lính tầm thường, nghèo nàn đến tội nghiệp.
“Ngang lưng thì thắt đai vàng
Đầu đội nón dấu vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.”
Nước mắt như mưa thì làm sao đánh giặc?
Mà không cứ gì đi ra trận mới khóc. Người lính đóng quân ở nơi cheo leo cũng than thở đến xót ruột.
“Ba năm trấn thủ lưu đồn
  Ngày thời canh điếm, tối dồn việc quan
 Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
 Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
 Miệng ăn măng trúc măng mai
 Những dang cùng nứa biết ai bạn cùng
 Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng”
Tại sao tác giả lại lấy hình ảnh “con cá nó vẫy vùng” trong giếng nước trong để kết thúc bài thơ. Hình ảnh con cá này đã ám ảnh tôi suốt từ thời đi học. “Con cá nó vẫy vùng” mà không phải là “con cá vẫy vùng”. Chữ “nó” thêm vào có tác dụng gì?
Câu thơ là một câu than. Nước giếng trong veo, không có mồi làm sao con cá sống? Ở chốn thâm sơn, cơm gạo đâu ra để người lính sống?
Cái cảnh “con cá vẫy vùng” trong giếng nước chính là hình ảnh  người lính phải xoay sở đủ đường để tự nuôi thân.
Nhưng “Con cá vẫy vùng” chỉ là hình ảnh. Thêm chữ “nó” vào thành “con cá nó vẫy vùng” Hình ảnh “con cá” bỗng nhiên sống động. Cái khéo ở cách dùng chữ. Con cá trong thơ là con cá sống. Cái hay của bài thơ cũng chính ở điểm này.
Người linh trong  đất liền đã khổ như vậy, trấn thủ ở đảo còn khắc nghiệt hơn.
Trường Sa xa mút mù khơi. “Bốn trăm hải lý nhớ không tới”. Cái đảo mơ hồ như một mảng đất liền bị trôi dạt ngoài khơi.
“Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
Lính thú mươi người lạ sóng nước,
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.
Đảo còn say sóng thì huống chi người!
Làm sao giữ đảo khi đầu óc mơ hồ, chân đi chưa vững? Những người lính trên đất liền bị điều ra đảo ví như con cá đột nhiên bị quẳng lên bờ. Ở đây, người lính nhận ra họ phải bảo vệ một mảnh đất mà con người không sống được. Ngàn năm ở đây chỉ có sóng thiên cổ, chỉ có gió miên man, gió khốc liệt, đảo không nước, mưa họa hoằn, nắng lóa như kim giũa, cây bật gốc chờ tan xác,... Cái đảo từ thuở khai thiên lập địa hầu như chưa có dấu chân người.
“Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỷ
 Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
 Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
 Lên xác thân người mãi đứng yên.”
...
“Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt,
  Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
  Đám cây bật gốc chờ tan xác,
  Có hối ra đời chẳng chọn nơi?”
...
 “Mặt trời chiều rã rưng rưng biển.
   Vầng khói chim đen thảng thốt quần
   Kinh động đất trời như cháy đảo
  Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.

  Ta ngồi bên đống lửa man rợ,
  Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi,
 Nghe cây dừa ngất, gió trùng điệp
 Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi...”
Con người đột nhiên bị quẳng vào cuộc sống của người tiền sử. Môi trường khắc nghiệt, làm sao bám được cuộc sống để tồn tại? Làm sao chống chọi với trời đất, với thiên nhiên?
“Đám cây bật gốc chờ tan xác,
 Có hối ra đời chẳng chọn nơi.”
Ai đã bày ra chiến tranh? Ai tạo ra thời thế để đày con người ra đến chốn này?
Thương thân, trách phận rồi tự giận lấy mình, tự đày đọa, tự trừng phạt.
“Bốn trăm hải lý nhớ không tới.
 Ta khóc cười như tự bạo hành,
 Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục,
 Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh.”
Chống chọi với trời đất đã khó, chống chọi với chính mình càng khó hơn.
“Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi,
  Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.”
...
“Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng,
 Những cụm rong óng ả bập bềnh
 Như những tầng buồn lay động mãi
 Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.”
Giữa cảnh trời nước mênh mông, sự hoảng hốt tột cùng khi bị cắt đứt liên lạc với đồng đội, rồi với cả thế giới loài người. 
 “Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
 Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng.
 Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc.
 Con chim động giấc gào cô đơn.”
Cảm giác cô đơn đến tuyệt vọng đã biến Trường Sa trở thành một thế giới khác. Con người bị nhốt trong cái thinh lặng tuyệt nhiên của trời đất. Túng quẫn trước chiến tranh, thao thức về sự hữu hạn của đời người, chiêm nghiệm nỗi cô đơn của nhân loại.
“Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn.
 Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ”
Đứng trước vũ trụ bao la, con người dễ nhận ra thân phận mỏng manh nhỏ nhoi của kiếp người. Vậy mà vẫn phải đem cái “hữu hạn nhỏ nhoi” để giữ lấy cái bất biến trong trời đất.
“Sóng thiên cổ khóc biển tang chế.
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ.
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.”
Người lính Trường Sa cũng khóc như người lính thú. Cũng than thở xót xa như anh lính trấn thủ lưu đồn ngày xưa. Và rồi cũng chấp nhận số phận để vượt qua số phận. Dùng khả năng để vượt quá bản năng.  
Bài thơ diễn ta tâm trạng những người lính trấn đảo nhưng cuối cùng trở về nỗi thao thức thân phận của một con người. Bởi lẽ chỉ có con người là sinh vật duy nhất biết chọn cho mình một cách chết.
Cho tới nay, bài Trường Sa Hành là bài thơ về biển đảo hay nhất của Việt Nam. Nó ví như một viên minh châu đang chiếu lóng lánh giữa lòng dân tộc. Không cớ gì người Việt đọc Trường Sa Hành mà lại không giữ được Trường Sa.

Khai bút đầu năm
Mồng Một Tháng Giêng.
Feb.10/2013
ntta