Monday, February 4, 2013

NƯỚC ĐI LÀ NƯỚC KHÔNG VỀ


Lưu Na



                     Tranh Đinh Cường, với thủ bút Bùi Giáng
    
   Mây đến vừa kịp lúc Thái đẩy xe ra khỏi khu quan thuế của phi trường.  Thái ngập ngừng dừng lại giữa sân dõi mắt tìm người quen.  Đây nè, Thái, Thái.  Thái đẩy xe tiến tới phía Mây, hai đứa mừng mừng hất mặt cười thay câu chào.  Mây lắc vai Thái, tay sớt cái xách tay, hỏi:
   -Thái chỉ có 2 va ly thôi sao? 
 -Thì đây là quần áo đồ dùng cần thiết, những thứ khác Thái đã gửi bưu kiện rồi.
     Thấy Thái vẫn còn dáo dác, Mây phụ bạn đẩy va ly tách ra khỏi đám đông tìm chỗ ngồi ở những băng ghế đợi chung quanh.  Mình chờ “ổng” tới đón Thái chứ phải không?  Thái gật, hơi chút vướng víu.  Mây lu loa:
   -Thái mệt không, ngồi máy bay lâu chắc oải lắm há
   -Ừ, cũng hơi mệt.
   Vậy rồi hai đứa chợt lặng im giữa những tiếng người gọi đón nhau, tiếng ơi ới của trẻ con, tiếng loa của quầy thông tin, và những màn ảnh xanh dương chữ trắng đổi thay liên tục cập nhật tin tức của mọi chuyến bay chờ đáp xuống phi trường.  Có chút gì mệt mỏi hoang mang trên mặt Thái, không chỉ vì 15 tiếng trên phi cơ.  Nghĩ đến chọn lựa của Thái Mây vẫn thấy bàng hoàng băn khoăn.  Với Mây, đến được đất này rồi Mây thấy như mình kiệt sức, dẫu chẳng hài lòng cũng không còn muốn dời đổi kiếm tìm.  Còn Thái, sau nhiều năm gầy dựng Thái bỏ đất Úc để đến nơi này với một người sắp đi hết con đường của mình.  Có gì chờ đợi Thái?  Thái mong đạt được điều gì?  

    Ông Kha đã đến.  Ông tuy vồn vã mừng đón, nắm tay Thái lắc nhẹ hỏi han, nhưng lời lẽ vẫn chừng mực.  Để ông sinh kiếp khác biết đâu bớt nghiêm trang.  Nhưng làm sao khác được, những người của quá khứ, huống chi…   Dường như ông cảm được điều Mây đang nghĩ, lời nói như ngập ngừng và như nói vào quãng không.
    Về đến phố, cả ba vào một tiệm ăn dù Thái nhấn mạnh là không đói.  Cũng phải ăn qua loa một chút để có thể về nhà nghỉ ngơi.  Thì ăn.  Ba người ngồi ăn một cách uể oải rời rạc.  Ông Kha tiếp cho Thái một miếng, bàn tay ông run rẩy dù ông rất bình thản.  Mây lúng túng cúi mặt cố chú tâm vào món ăn để không phải quan sát hai người dù mọi sự vẫn lọt vào mắt Mây.  Nhưng Thái chỉ nhìn thản nhiên với chút lặng lẽ, rõ ràng điều ấy không thêm gì vào cái buồn bã hoang mang mơ hồ trên mặt Thái.  Dẫu không ngạc nhiên nhưng Mây nghĩ cần phải tập cho quen với một quan hệ, vì Mây đã biết từ lần gặp gỡ năm trước là rồi ông Kha và Thái sẽ đến với nhau. 
   Hôm đó Mây tình cờ có mặt, và cùng với Thái, hai đứa chỉ là hai người bạn trẻ tuổi giữa những người khách lớn tuổi ngồi chung quanh nơi phòng.  Mây hóng chuyện trong khi Thái mải chơi game trên phone.  Đang nói chuyện, ông Kha đứng lên ra ngăn kéo lấy một cái gì đó rồi đi về phía Thái.  Khi ông đến gần, dù không ngước nhìn Thái đã mở lòng bàn tay ra đón lấy như thể Thái biết ông Kha sẽ đưa cho Thái “cái gì đó,” và Mây biết, Thái cũng chưa rõ nó là món gì.  Phút đó Mây nghĩ ông Kha muốn nói với người chung quanh rằng Thái là của ông, nhưng Mây không dám chắc Thái ý thức điều đó ngay lập tức.  Đứng giữa họ, Mây và Thái là những đứa trẻ đi lạc.  Họ là những người lớn tuổi, có địa vị và một chỗ đứng nào đó trong xã hội cũ, cái thuở Thái và Mây mới chào đời.  Họ vẫn có người còn “trình” tư lệnh.  Một số gọi ông bằng đúng danh xưng… giáo sư.  Và rất nhiều tiếng gọi nhà văn (như thể những danh xưng ấy làm họ ấm lòng khi gọi lên !!!!)  Dù không ai bắt được ý nghĩ mỉa mai ấy, Mây tự trách mình quá quắt, và Mây nghĩ Thái cũng chẳng cared gì những cái danh hiệu ấy.  Lứa của Mây khi lớn lên thì đã xa, xa lắm thuở huy hoàng của họ.  Mây không ngạc nhiên với quan hệ chênh lệch tuổi tác của Thái với ông Kha mà chỉ thắc mắc vì không thấy được cái gạch nối giữa hai người.  Thái, Thái có tỉnh táo không?

***

    Mây đậu xe, băng qua cầu vào lối đi bộ.  Dọc theo đường đê, những tảng đá vừa vừa đứng cách nhau một khoảng nhỏ như đám người lố nhố đứng ngó xuống mặt đầm.  Nắng rực rỡ, tóe muôn ánh sao trên nước.  Bên cạnh cò trắng và chim mỏ quặp dài như móng tay phù thủy, những con chim nhỏ bằng nắm tay Mây chậy trên mặt bùn nhanh như những cụm bông gòn bị gió cuốn, chúi đầu kiếm ăn.  Cuối một góc quanh, có ba chàng “ngự lâm” mặc ba chiếc áo khoác liền mũ trùm đầu kiểu từa tựa nhau, mầu đỏ, màu xám, và màu đất, đứng chụm đầu.  Ba ống kính to như ba khẩu cà nông chúc xuống đất.  Chắc chắn là không phải bàn chuyện chụp hình rồi.  Nhưng Mây không có thì giờ thắc mắc, bầy chim nhỏ vụt bay lên chấp chới lấp lánh  như đàn bướm trắng trong ánh nắng vàng rực rỡ.  Trời trong và gió nhẹ.  Mây đi không chủ đích, bước chân càng lúc càng nhẹ nhàng, như thể mỗi bước chân lần rũ được những nghĩ suy xuống cát, để gió sẽ tung nó lên không trung, rồi nắng sẽ chiếu xuyên qua nó, và rồi, Mây sẽ có thể hiểu có thể nắm bắt được ý nghĩ của mình, xếp nó lại ngay ngắn và nhét trở vào cái đầu bé tí.  Mây vừa đi vừa nhìn ngắm, lâu lâu lại dừng để chụp vài bức hình. 
   Đến khúc quanh khác, lại qua một chiếc cầu.  Về phía Tây nắng càng gay gắt.  Bên này đê, những con vịt trời rụt cổ rúc mỏ vào cánh ngủ im trên mặt đầm như những trái banh nổi lềnh bềnh trên giòng nước lặng lờ.  Bên kia đê, đầm nước đầy những gốc cây khô chết ngả nghiêng trên mặt, rêu xanh óng lên trong nắng dọc theo bờ.  Xa xa bầy chim trắng dày đặc kêu lảnh lót.  Như bãi chim của Sơn Nam.  Có phải rừng tràm rừng mắm của Bình Nguyên Lộc?  Mây bắt gặp mình lại nghĩ đến quê hương, dù Mây đã ở đây hơn 30 năm, hơn số tuổi sống ở Việt Nam.  Có bao giờ Mây thoát được cảm giác sống tạm nơi mình chắc chắn sẽ chết?

   Sáng nay Mây đưa Thái vào Ikea mua vật dụng trong nhà.  Đồ của Ikea rẻ, tiện, và hợp cho những căn nhà nhỏ, những khoảng đất hẹp.  Thái thuê một căn apartment một phòng chứ không ở chung với ông Kha.  Mây không hỏi lý do, vì nếu là Mây Mây cũng sẽ làm như vậy. 
   Hai đứa đi lang thang trong kho hàng mênh mông ngăn nắp và đầy màu sắc.  Bàn ghế cứ như là đồ chơi, cứ như cho sinh viên ở, cứ như cho những cặp vợ chồng mới có việc mới lấy nhau.  Toàn những thứ thuận tiện cho một khởi đầu, và cũng toàn những thứ dễ dàng bỏ đi trong nay mai, khi người ta có đời sống cao hơn, chí ít là họ tưởng như thế.  Những chậu cây be bé xinh xinh, cái màn mong mỏng, cái ghế nhẹ tênh.  Mây chợt nhớ cô bé Mathilda trong phim cũ rích “The Professional.”  Số phận đẩy cô nhỏ 12 tuổi trú vào chỗ của tay sát thủ, để trở thành một người bạn nhỏ, một đứa con gái…  Đời sống bấp bênh bất trắc theo với nghề sát thủ, khi phải bỏ chỗ ở này qua một chỗ khác, tay sát thủ gom góp vật dụng vào một chiếc thùng giấy, và cô bé Mathilda thì chỉ mang theo trên tay một chậu cây nhỏ.  Giống như mấy chậu cây nơi kho hàng này.  Giống như những thùng giấy mà Mây đã bao lần xếp đồ dùng để mang đi.  Kể từ lúc nào thì Mây luôn sẵn sàng cho một cuộc dọn nhà?  Hay đúng hơn, kể từ lúc nào thì Mây sống trong cảm giác tạm bợ?
   Cuộc dọn nhà đầu tiên không để lại ấn tượng gì trong lòng Mây, chỉ vài hình ảnh rời rạc lỗ chỗ.  Từ hẻm Hòa Phú bên đường rầy, Mây qua ở hẻm đối diện bên kia đường_xóm con Tám.  Đầu hẻm bán cóc xoài mít chuối lát nướng nghêu luộc…  Ngang hông hẻm ăn thông ra ngõ rộng đủ cho xe hơi đi, đối diện ngõ hàng quà.  Cuối xóm là nhà giò chả cái gì Hương không nhớ, với hai tay giã giò mình trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại ngồi ôm cái cối to đùng.  Cái cối to tới nỗi không có chỗ cho quần áo, chỉ được cái xà lỏn xắn lên hết mức, hai tay luân phiên nện 2 cái chày to như 2 gốc cây, gấp chục lần loại chày thường dùng trong bếp xuống cối thịt hồng mịn.  Lâu lâu thợ giã dừng tay dựng chày trong cối để quết miếng giò bị văng lên cái bụng loáng mồ hôi trả xuống cối…  Mây chưa kịp biết giã bao lâu mới xong cối giò và lúc nào Mây sẽ có em (đột nhiên Mây thấy bụng Má to lên) thì đã dọn qua hẻm 365.   
    Nơi xóm Phan đình Phùng Mây bắt đầu đi học trường Bàn cờ và chơi với Thái năm lớp nhì.  Hai đứa thường đi cặp kè lang bang hoặc qua nhà nhau chơi, rồi lại dạt nhau ra khi lên trung học vì không còn chung lớp dù vẫn chung trường.  Trong xóm nhỏ ấy Mây đã biết soi gương, biết chép nhạc, biết nghe lén chuyện người lớn, biết đợi thằng Lù trên gác mỗi đêm, biết mắc cở khi phải theo mẹ ra dọn sạp hàng ở đường Lê thánh Tôn, biết đi một mình ra chợ hoa Vườn Chuối ngắm ông đồ già viết chữ đỏ trong sạp.  Tất cả những chuyện ấy đều tầm phào bé mọn, như những chổi cùn rế rách chất lên mấy chuyến xe ba gác dọn qua Thủ Thiêm.  Nỗi buồn mênh mang thơ dại như làm đậm thêm mùi bùn ở ven sông những sáng dắt xe đạp xuống cầu phao qua đò để đến trường.  Vài tháng sau thì đại bác nổ  dồn hơn, hỏa châu sáng suốt đêm cho đến một ngày bến sông xao xác nườm nượp người hai bên bờ với tàu thuyền hớt hải…  Mây tưởng như mình là cọng rác trôi qua âm thầm.  Về đến hẻm Vạn Hạnh thì Mây gần thành một thiếu nữ, và xóm trong là những kỷ niệm đi về với lớp học mới trường cũ, với những bận lén đi nhà thờ, trong khi xóm ngoài cất những giòng nhật ký, những buổi hẹn hò, những lần liều mạng đi kiếm người thăm người.  Quê hương là đâu, đất nào mới thực là quê, mái nhà nào mới thực là mái nhà ấm lạnh?
   Đứng nơi đảo gập ghềnh đồi dốc, mọi mái nhà đều là những tấm “tăng” màu xanh biển trên sàn bằng cây tròn ghép lại, quê hương bắt đầu là một màn sương đặc kịt đen thẫm vang ầm tiếng sóng mỗi đêm về.  Ở đó Mây bắt đầu thấy mọi điều chỉ là tạm bợ.  Ở đó Mây bắt đầu mang nỗi ám ảnh về một quê hương mơ hồ. 

   Đến nay đã 31 năm, Mây đã dọn nhà bao nhiêu lần, thay đổi bao nhiêu cuộc sống?  Thuở đó chưa có Ikea, Mây cứ mua đại mua bừa đồ dùng chứ không sắm không chưng không gầy dựng tổ ấm như mọi người.  Mây luôn thấy những món đồ ấy không thay thế được cái tủ áo bạc màu sơn của mấy chị em Mây, cái ghế ni lông tròn vạnh Mây thường ngồi, cái tủ búp phê má chưng bộ ly, con búp bê chớp mắt.  Lũ bàn ghế tủ nơi đất mới cứ như toát ra cái lạnh lẽo của món đồ thuê để dùng tạm.  Luôn cả lũ chén nồi thường ngày_bể không tiếc móp không đau.  Mây tưởng mình đã dư dả đủ dùng nên không tiếc, cho đến khi đứng cùng Thái nơi cửa hiệu này để lựa hàng.  Những sản phẩm nhẹ nhàng của Ikea như khẳng định, rằng cái bất an chộn rộn là ở lòng Mây chứ không ở món đồ dùng.  Chốn này chỉ là chỗ ở tạm, chỉ để qua một đêm dài, chính vì lòng Mây không quên được chốn cũ nhà xưa; và không chỉ cái xóm Phan đình Phùng nơi Mây đã kết bạn cùng Thái nơi Mây nhận biết chính mình mà mọi con hẻm hình thành nên con người Mây đều trở thành quê hương khi Mây đã xa đã mất nó.  Bây giờ Mây hiểu tại sao người Bắc di cư 54 luôn thương tưởng đất Bắc sau bao năm mọc rễ trên miền Nam.  Cái tâm lý bất an đã khởi đầu từ lúc bật ra khỏi “quê hương;” nơi nào mình tới sau này cũng đều cho mình cảm giác tạm bợ cho đến khi mình chết. 
  
   Mây đã lén nhìn Thái ái ngại.  Thái, Thái, Thái cũng như Mây, đã sống trưởng thành nơi đất lạ, giờ bỏ đi có khác nào tự mình cậy mở vết thương không bao giờ lành.  Mây nhớ câu hát “there’s a reason why people don’t stay where they are….”  Thái có thấy đau?  Thái có buồn không?  Cái hoang mang theo từng bước chân Mây trên bờ đê.  Một cơn gió thốc tới, lũ vịt trời vụt cánh bay lên một loạt làm xao động một khoảng trời, Mây chợt nghe ra cái im vắng nơi vùng đất rộng mênh mang.  Trên chiếc cầu đã đi qua giờ có 4 người đứng im như tượng, chỉ những cái bóng của họ xao động trên mặt nước theo chiều gió lăn tăn.  Mười ngàn năm trước cây chắc cũng từng khô rũ, rêu chắc cũng từng thẫm xanh chờ óng trong nắng chiều, ai đó chắc cũng từng in bóng.  Phút chốc Mây tưởng mình là một gợn sóng sắp tan vào nước muôn trùng, phút chốc Mây thấy cái cô đơn của riêng mình tan biến vào hiu quạnh lớn, phút chốc Mây thấy tại sao người ta lánh mình vào chốn hoang dã, lên non cao.  Có quạnh hiu cô đơn nào lớn hơn được đất trời…

***

   Đại hội của cựu học sinh thật đông đảo công phu và hào nhoáng.  Tha thướt lượt là son phấn, đứa nào cũng ráng móc cho ra một tấm áo dài để tròng vào người.  Mây được Minh chia cho một khổ vải tím may tấm áo dài 2 lớp.  Mầu tím rịm trông thật thướt tha, Mây đeo thêm đôi bông tai tòn ten (nhà quê !!!) vào và thấy mình lột xác lọ lem cao bồi trở lại cái bóng nữ sinh mà những năm còn nhỏ tuổi Mây cũng chưa hề có được!!!  Mây đứng dang ca cùng lũ bạn cũ chụp hình ký tên… Chụp với hết nhóm này đến nhóm khác cười mỏi cả miệng, nhìn mãi máy hình nước mắt cứ chực trào ra, Mây đâm chán quay ra dành mua áo thung có huy hiệu của trường và rước một cuốn đặc san dù không chắc mình sẽ đọc!!!  Gặp một đàn chị nhưng lại là đồng nghiệp Mây cứ trố mắt ra nhìn.  Thái cười cười hỏi “bộ Mây chưa thấy ai đẹp vậy bao giờ à?”  Nhưng Mây thấy như có gì lạ trên mặt bả mà không biết là cái gì.  Bả cắm lông mi giả, sửa mũi, cái đồ ngớ ngẩn.  Mây lắc đầu chịu thua.   Nhưng không thể đàn đúm lâu cùng Thái vì Thái phải vào với ông Kha nơi bàn của khách quý, gồm thầy cô và những người tên tuổi, vai vế.  Sau lưng Thái bọn đồng khoá nói với nhau “hắn chỉ chơi với Hội trưởng và Tổng thư ký thôi đó nha…”  Có đứa thì thào, “nghe đâu còn phụ tá trong hội chiến sĩ của ông Kha nữa đó.”  Mây băn khoăn ngơ ngác tìm Thái.  Có phải là Thái của Mây từ thuở Bàn Cờ?  Nơi bàn tiệc Thái ngồi ngay ngắn và chăm chú những khi ông Kha nói chuyện chứ không khoa tay chân chồm với như Mây và lũ bạn bên này.  Dẫu vậy, Thái vẫn như lạc loài giữa những khuôn mặt chảy xệ nhăn nhó!  Ăn uống xong thì văn nghệ càng ồn ào, Mây không còn chú ý đến Thái và hai đứa lạc nhau trước lúc tan tiệc.

***

    Khi Mây thức dậy trời đã sáng bảnh.  Mây hé nhìn ra vườn, nắng đẹp.  Thái gọi nói đã có hình, rủ Mây đi ăn rồi ghé về chỗ của Thái tán dóc.  Thái vẫn giữ được thói quen dậy sớm từ những năm còn đi học, trong khi Mây thì chỉ chờ đến ngày nghỉ để nướng cho đã.  Khi Mây đến Thái đã sẵn sàng, hai đứa rủ nhau đi ăn bánh cuốn.  Thái nhướng mày

   -Tới tiệm phở ăn bánh cuốn?
   - Ừ, mà bánh cuốn ngon nhất nơi đây. 
   -Coi bộ mấy đứa ngớ ngẩn thì cả chuyện ăn uống cũng ngớ ngẩn. 
   -Chờ xem tao có nói sai không.  Thái cười cười,
   -nói thử tao nghe ngon ra sao
   -Bột gạo, không pha bột năng cho dẻo cho dòn mong để dành được lâu.  Mấy thứ bánh đó ăn đầy bụng.  Bánh tráng bằng nồi hơi căng khuôn vải nên miếng bánh mềm ấm hơi nước.  Nhân trộn theo lối ở Việt Nam: mộc nhĩ thịt băm củ sắn tiêu chứ không chỉ toàn thịt như ở đây làm biếng “lấy thịt đè người.”  Vậy được chưa?
   -Hóa ra không ngớ ngẩn lắm!!!

   Quá trưa hai đứa mới về đến chỗ Thái.  Thay bộ quần áo mặc nhà xong, Thái mang xấp ảnh mới có ra ngồi xuống bên cạnh Mây.  Trong lúc Thái chăm chú nhìn hình để tìm những mặt quen mà hôm đại hội chưa kịp gặp thì Mây chăm chú những bức hình của thầy cô xem mình có nhớ mặt ai không.  Thái chỉ cho Mây một “thầy.”  Thầy mới thành thầy sau này, khi đã ra nước ngoài !!!!  Thái cười vang, không biết “thầy” có “làm thầy” được không.  Mây vui bắt lại được một Thái hồn nhiên tinh nghịch của thuở học trò.  Hồi đó lên trung học rồi mỗi đứa mỗi lớp, Thái và Mây không còn chơi với nhau ngoại trừ những lúc thỉnh thoảng đụng mặt trong trường.  Trong lúc Mây cứ vơ vẩn ngẩn ngơ, Thái đã vào đội tuyển bơi của trường và tập dợt dưới hồ mỗi ngày.  Nhiều bữa lớp chiều đã về hết Mây thấy Thái vẫn còn bơi qua lại dưới hồ, có lẽ cho đến khi lớp đêm vào.  Thái bơi, bơi mãi như không biết có gì khác trên cõi đời ngoại trừ làn nước.  Những khi Thái nhô lên hớp không khí, làn da trắng hồng đọng đầy nước như đóa hoa hồng trắng mới được tưới.  Cho đến bây giờ Mây chưa bao giờ thấy Thái phải điểm trang, và cái cách cương quyết dám chơi của Thái như toát ra nơi khuôn người cứng cáp nơi cử chỉ dứt khoát và cách cư xử rất đàn ông.  Khi đổi đời, Thái học và trở thành huấn luyện viên thể dục cho trường trung học, nghĩa là bộ môn thể thao nào Thái cũng chơi được.  Bắt được tin nhau, trong lúc Mây vẫn rụt rè không biết nối cái tình bạn đã gián đoạn ấy ra sao thì Thái đã hân hoan gửi thư gửi hình liên lạc lại với Mây.  Nếu phải tả, có lẽ Mây sẽ gọi Thái là một tay chơi, một tuyển thủ, như Thái đã từng.  Vì lẽ gì Thái đến với ông Kha?
   Mây không bao giờ dám hỏi.  Mây chỉ nói qua loa với Thái những điều nghe được nơi đại hội.  Thái thản nhiên, như lúc nhìn bàn tay run rẩy của ông Kha, hỏi Mây:

   _Mày nghĩ ổng ngồi chung với một lũ nhóc như bọn mình được không?
   _Chắc không
   _Mày nghĩ ổng vô cái đại hội đó với tư cách gì tốt hơn?  Không phải là thầy, chẳng phải trò, làm bạn thì quá lứa làm cha thì lạc quẻ. 
   _Thì vào bàn khách quí và ban chấp hành phải hơn
   _Vậy nên tao đành mang tiếng bon chen để ông khỏi bẽ mặtThà chịu trận ngồi chung với “quí cụ,” dù chán lắm cũng còn “sướng” được là người trẻ nhất.

   Hai đứa cười ầm.  Mây chịu cái thẳng thắn và dứt khoát ấy.  Thái nhẹ giọng, chút bùi ngùi. 

   _Ổng đã gần tới bến, có còn gì đâu ngoài quá khứ.  Ba cái hội, cái tổ chức, nó chỉ là chỗ cho mình biết mình còn sống.  Nói nọ nói kia, kề micro vào miệng để vang ra một tiếng gì đó thì cũng như kề tấm gương nhỏ vào sát mặt xem gương có mờ hơi thở, xem mình đã chết chưa…  Tao không giúp ổng thì sẽ có khối lang băm thầy dùi “giúp” ổng, cho nát như tương.  Thà tao giúp ổng may ra còn ít chuyện ruồi bu. Mày nghĩ bọn họ thực quí trọng ổng sao? Tao không vào địa ngục thì còn ai vào.
   _Ủa, bây giờ còn chữ nghĩa dữ vậy a.
   _Mày nghĩ chỉ có mày biết đọcHồi tao ở với anh Lộc quanh nhà chỉ toàn sách nên cũng đọc giải buồn, từ từ rồi đọc hết tủ sách trong ngoài không hay.
   _Có thích loại nào đặc biệt không?
   _Không.  Chữ không giải quyết được những vấn đề của cuộc sống. Chữ là chữ, đời sống là đời sống.  Phải sống chứ đọc thì chả ích gì.

   Hm, ok, Mây rút ra quyển truyện mỏng, “Thái đọc Đêm Lãng Quên chưa?”  Mây đinh ninh mình sẽ mang được cho Thái một ngạc nhiên thích thú, không dè người ngạc nhiên là Mây. 

   _Tao đọc rồi
   _Hay?
   _Hay, mà để cho mấy đứa như mày đọc
   _Nghĩa là sao chứ, cái gì hay là hay.
   _Đêm Lãng Quên đương nhiên là hay, tao không nói gì khác.  Nhưng Đêm Lãng Quên là để đọc, để ngẫm nghĩ, còn ông Kha là “sống” cái ý nghĩ đó.
   _Sống sao được với một người đã không còn có thể cho và nhận?
   _Tùy theo cảm quan về tình yêu và sự sống của mỗi ngườiBọn mình đến đây thì cũng hết còn ước muốn.  Bây giờ có ai rượt theo mà “cho” tao chắc mày chạy không kịp, ở đó mà đòi “nhận”!!! 

   Mây cười òa.  Khi hai đứa đã hết cười, Thái hỏi Mây

   _Thích chụp hình lắm phải không?
   _Rồi sao?
   _Vậy mày có chụp được hơi ấm của nắng bao bọc tấm thân trần khi mở bung vạt áo dang bước chân đón ánh nắng tươi, có chụp được trọn vẹn một đời sống 80 năm đặt trong một cái hôn? Có chụp được cái héo hắt tàn hơi của một sinh mạng? Tám mươi năm_đời sống đó là bức trường thành, mỗi viên gạch chứa trong nó lỗi lầm kinh nghiệm khổ đau kiến thức và niềm yêu tha thiết.  Có gì đẹp hơn, từ phút tuyệt vọng, phút hoan lạc cho đến phút cùng cực đọa đày…  Một đời người, sống trọn vẹn cho đến giây phút cuối nghĩ cho cùng là một hân hạnh, một ân huệ.  Phải có mới cho, phải nhận mới biết.  Cho và nhận đó trên cả tình trên cả sự cảm thông, như mưa tự trời như vạt nắng…

   Thái như chỉ còn lẩm bẩm một mình.  Mây thấy hoang mang mịt mờ.  Đột nhiên Thái_ thẳng thắn mạnh bạo cương quyết và tươi khỏe như một đóa hồng trắng mới -trở nên một Thái khuất sâu trong bóng đêm.  Thái, Thái đã đi đến khúc quanh nào của cuộc đời?


***

   _Thái, lâu nay biến đâu mất?
   _Ở nhà chứ có đi đâu.
   _Sao không qua Mây chơi.
   _Thì qua nè.
   _Ông Kha?  Thái lắc đầu.

   Mây lấy xe rủ Thái lên dốc đồi nghiêng.  Ngồi nơi triền cỏ xanh nhìn ra mênh mông trời biển, chậm rải, Thái nói,

   _Ổng có bạn ghé thăm nên Thái lánh mặt
   _Thái phải phụ tiếp bạn bè của ông chứ.
   _Người ta từ tiểu bang khác sang đây, đương nhiên phải có lời mời, và nhất là không phải để gặp Thái. 

   Mây nhái giọng Bạch Tuyết, vai cô Ba trong tuồng Lá Sầu Riêng, rít lên
   _Trời ơi, chị Haaii, chị phải làm sao coi cho được, phải ráng mà giữ lấy cái tình yêu cuối đời của mình chớ.
   Thái cũng lấy giọng Kim Cương “má thằng Sang”
   _Thôi mà cô Ba, cô cho tui xin ba cái chiện tình yêu tình ma gì đó đi, già háp rồi.  Tui yêu chỉ có một lần mà đã xấc bấc xang bang…
   Thái nháy mắt, Mây cười om xòm
   _Buồn?
   _Không hẳn.  Những người tình cũ vẫn thư từ thăm hỏi ổng.  Có bà từ Việt Nam sang chơi còn ghé thăm, Thái đi chơi cùng họ như một nhóm bạn, thấy cũng đầm ấm thôi.
   _Vậy người này có gì khác?
   _Không phải người ấy mà là ông Kha.  Ông không nói dối với Thái nhưng ông không nói thật, mà khi mình figured out đâm thấy như bị gạt.  Cái tệ nhất trong một cuộc chơi không phải là bị thua mà là bị người ta ăn gian làm hư cuộc chơi, biến cái hạnh ngộ thành chuyện bể dâu
   _Nhiều khi mình không từ chối được?
   _Không từ chối được cũng đâu cần phải rủ rê mời gọi.  Thái nhớ, hồi mới lớn đọc câu thơ Nguyễn Tất Nhiên “em khó chịu mà thư nào em cũng nhận…” Thái ít dám nhận điều gì vì sợ mình không trả được, nhất là nợ tình.
   Đâu phải lúc nào mình cũng có thể sòng phẳng, nhưng Mây chỉ dám nghĩ thầm.
   _ Thái không đi tìm hay muốn gầy một tình yêu với bất cứ ai. Sông rồi đổ về biển cả.  Đã tới rừng tràm sắp qua rừng mắm, ba cái thứ tình bánh kẹo rồi chìm xuống đáy sông chứ đâu theo được nước ra khơi…
   Không biết sao Mây lại buồn trước cái thản nhiên đó.  Phải chăng Thái là sông con phải một lần tìm nguồn nước xưa để hòa nhập trước khi nước kia đi mãi không về, và đã đến lúc chia đôi dòng nước? 
    Hai đứa đứng lặng yên bên nhau trên triền đồi.  Dưới xa là biển với những dàn khoan và tàu dầu mờ mờ.  Chiều xuống thật êm trên dốc cỏ xanh nhưng mây đen đã đổ tới.  Thái nhìn trời nói, hôm nào mưa hai đứa mình xuống hồ bơi?  Mây chợt nhớ, nhớ…  Những ngày đó, mỗi khi trời mưa hồ rất vắng, chỉ một vài đứa ham dầm nước còn nán lại dưới hồ.  Khác với Thái, Mây không biết bơi cho rõ rệt, chỉ bơi quơ quào kiểu bơi chó!  Nhưng Mây cảm được, khi dầm mình trong làn nước, tẽ đôi cánh tay xẻ làn nước vượt lên, bung ra như một cành mới trổ, rồi lại co về hòa với khối dữ lặng thầm, nước với mình như một.  Lúc mưa đổ nặng hạt, ngước mặt vượt lên để đón những giọt lạnh trong gieo xuống -thấy mình hòa giữa đất trời … 

    Trên đường về Thái nói Mây hát cho Thái nghe.  Mây hát rồi không dừng được, tiếng hát tuôn ra thì như nỗi cảm hoài dội lại vào lòng.  Bài nọ nối bài kia, những lời hát như chực chờ sẵn đâu đó mà ào ạt đổ ra…

“Khoan hời hò khoan, ơi khoan khoan hời hò khoan
Sông còn mải mê cho nên chưa về mẹ quê
Khoan hời hò khoan
Không tìm tình thương cho nên không đường về tim
Khoan hời hò khoan, khoan hời hò khoan
Khoan hời hò khoan, ơi khoan khoan hời hò khoan
Ai bảo là sông, ơi sông không đổi mầu luôn
Khoan hời hò khoan,
Sông còn ngổn ngang cho nên chưa được bình an
Khoan hời hò khoán, khoan hời hò khoán …”*
   Mây nghẹn giọng, Thái hoảng hốt khi thấy Mây hoen nước mắt.  Mây, Mây, chỉ là chuyện nhỏ, Mây đừng để lòng.  Mây biết đó, Thái không phải là người không biết tìm lẽ sống.  Đất cao trời rộng, trong cõi đời này tìm được một người đồng cảm mới là đáng kể, mà đáng kể rồi cũng là bọt nước thì mọi chuyện khác không nghĩa lý gì.  Thật?  Thật.
   Mưa chợt đổ nặng.  Như có một ước muốn bất ngờ thôi thúc, Mây tạt xe vào một công viên nhỏ bên đường.  Hai đứa nhìn nhau rồi không hẹn mà cùng bước ra khỏi xe ngửa mặt lên đón những giọt mưa.  Thái, Thái, khi đến lúc, Mây sẽ cùng Thái tiễn một giòng sông…

Lưu Na
01/25/2013

*Phạm Duy, Trường ca Mẹ Việt Nam_Sông Mẹ


                                                                                                                                      

No comments:

Post a Comment