Monday, August 31, 2020

NGÔ THẾ VINH VÀ TẬP TRUYỆN SONG NGỮ. MẶT TRẬN Ở SÀIGÒN / THE BATTLE OF SAIGON

Phan Tấn Hải

Bác sĩ / Nhà văn Ngô Thế Vinh (1969)

Nhà văn Ngô Thế Vinh, cũng là một bác sĩ Y khoa và từng là Y sĩ trưởng của Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, có một lối viết văn không nhầm với bút pháp các nhà văn khác: đôi khi nhìn như một bác sĩ, và đôi khi nhìn như một người từ chiến trận đầy khói lửa mới về thành phố -- nơi đó, ông tham chiến nhưng vẫn là người chữa lành các vết thương, ông ở vị trí gần gũi các chiến binh nơi mặt trận và cũng tiếp cận các cấp chỉ huy của Quân đoàn để nhìn chiến trường từ nhiều hướng khác nhau. Đó là một trong những lý do làm các trang sách của Ngô Thế Vinh, ngay từ các năm trước 1975, đã đứng rất riêng biệt. 
Nói như thế để thấy rất nhiều nhà thơ, nhà văn -những người hiện diện cùng chiến tuyến tại các chiến trường Miền Nam trước 1975- có những suy nghĩ độc lập, rất riêng tư chứ không phải mê mờ chủ nghĩa. Ngòi bút của họ trong thời chiến tranh gay gắt ở Miền Nam không hề bị bóp méo để viết theo chỉ thị từ các quan chính ủy, một chức vụ chỉ có trong quân đội Miền Bắc. 
Đó là lý do, chúng ta thấy có thơ Nguyễn Bắc Sơn trong bài thơ "Chiến Tranh Và Tôi" có những dòng không hề căm thù khi nhìn người lính bên kia chiến tuyến, và bên Bắc quân hoàn toàn không có cái nhìn phóng khoáng như thế, trích: 
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
xem chiến cuộc như tai trời ách nước
.
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí

(Chiến Tranh Và Tôi - Nguyễn Bắc Sơn)
Hay như Phan Nhật Nam, một nhà văn và là sĩ quan Nhảy dù trong các năm chiến trường gay gắt nhất trước 1975, nhìn chiến trận từ tuyến đầu với một cách rất riêng và rất đa diện qua Dấu Binh Lửa, nơi từng dòng chữ nhiều thập niên sau đọc lại vẫn còn vang tiếng đạn nổ dòn khi nhà văn cầm súng phóng lựu M 72 đứng dậy, thế là VC bắn rách quần nhà văn họ Phan, trích:  
"Tôi đem xác Khiêm về sau, mắt anh đã nhắm… Những chiếc râu xanh lởm chởm ở cằm người chết linh động như của đời sống đang còn thở. Nhưng anh chết thật. Rút quân ra ngày mai vào lại.
Quân vượt qua chiếc rạch nhỏ, dàn hàng ngang lội thật nhanh, hết chiếc rạch đến bên kia là vườn cau, gắng lên! Ba người lính lên bờ trước đứng dậy. Một loạt đạn nổ dòn… Hai bị thương. Tôi đang ở trong rạch lúng túng băn khoăn, cả đại đội nằm trong nước bùn im lặng, một cây nhỏ lung linh, người lính đeo máy nằm bên cạnh tôi trở mình, loạt đạn bay đến, những nhánh dừa nước rơi tung tóe. Bực mình quá tôi nổi liều, cầm trái M.72 đứng lên… Chiếc hoả tiễn công phá được phóng đi, một tràng đạn đáp lễ lại xé rách chiếc quần… Đ.m… Hầm tụi nó phá không nổi! Hỏi ý kiến Đại uý Liên, tiểu đoàn phó. Cho rút lui vòng tay phải đánh lên? Đồng ý. Tôi cho đại đội lui từng người một. Lẩm bẩm chửi thề. Mẹ cha chúng mày còn một tí người cũng đòi dở chuyện. Vòng phía phải thật nhanh qua khu vườn mía, bao quanh đánh vào, Việt cộng bỏ chạy để lại ba xác chết nằm thẳng cẳng." (Nghĩ Về Một Kẻ Thù Kiệt Lực, "Dấu Binh Lửa" -- Phan Nhật Nam, Tháng 3/1968. An Phú Đông – Gia Định)
Nếu là bút ký của nhà văn Miền Bắc, hẳn là đã giấu chi tiết vài tên địch mà chận bước tiến cả đại đội phe ta, và hẳn là không ghi lại tiếng chửi thề của nhà văn họ Phan trong cương vị sĩ quan chỉ huy đại đội Nhảy dù, và cũng sẽ giấu chi tiết sĩ quan chỉ huy bị bắn rách quần. Nhưng văn học Miền Nam, sự thực không che giấu đã hiển lộ trên từng trang giấy với bút pháp riêng từng nhà văn.
Nhà văn Ngô Thế Vinh có bút pháp khác, cũng rất mực độc đáo. Khi tả ông Tướng biên cương, Ngô Thế Vinh nhìn dưới con mắt y sĩ tiền tuyến trước, suy nghĩ về bệnh tê thấp khớp xương  của ông Tướng, và rồi nhận ra ngay bên cạnh ông Tướng là một thiếu phụ đẹp lộng lẫy trong tiếng cười nói ồn ào, khói thuốc và hơi rượu. Trích:  
"Ông Tướng Biên cương tối nay đã thôi treo tay. Như nhịp độ những trận đánh trên cao nguyên, chứng tê thấp khớp xương của ông cũng trở lại với chu kỳ của mùa mưa và bệnh tình cũng bắt đầu thuyên giảm khi bước sang thời tiết khô ráo. Ở buổi dạ hội hôm nay, ông Tướng mặc thường phục và khoác thêm một chiếc áo rực rỡ cổ truyền của người Thượng. Dưới mắt thuộc cấp, ông Tướng là hình ảnh của hào hùng và là sự cần thiết cho sự ổn định của vùng địa đầu cao nguyên. Sau nghi thức đơn giản với đôi lời chào mừng, ông Tướng đã cùng mọi người hân hoan nâng ly rượu mừng cho chiến thắng rực rỡ của Mùa Mưa. Tiếp đó ông cũng là người đầu tiến bước ra sàn nhảy, cùng với một thiếu phụ đẹp lộng lẫy, đi những bước thật bay bướm mở màn cho buổi dạ vũ. Âm thanh của những tiếng cười nói ồn ào. Không khí dày đặc khói thuốc và hơi rượu mạnh. Nhạc sống và khiêu vũ. Những người đàn bà dễ dãi." (MTOSG, ấn bản song ngữ 2020, trang 22) 
Hình ảnh tưng bừng trong buổi dạ vũ đó trái nghịch với hình ảnh bi thảm khi Ngô Thế Vinh kể về những xác người chết nơi chiến trường, nơi tác giả có những người bạn trúng đạn tới xóa tan mặt mũi, và cả xác một Hạ sĩ quan thân tín của trúng đạn bi thương và lết vào bụi rậm nằm chờ chết. Nhà văn Ngô Thế Vinh kể: 
"Đưa ly rượu tới môi, tôi tự nhủ rằng hãy nghĩ tới những người sống chứ không phải những xác chết. Nhưng vấn đề là làm sao để quên đi. Cái hình ảnh kinh hoàng của chiến địa, hôi thối nồng nặc, chồng chất những tử thi hai bên. Xác của những người bạn bị oanh kích lầm với thứ hỏa tiễn mũi tên xóa tan cả mặt mũi. Xác của người phi công được trực thăng móc ở rừng ra, héo rũ trên dây treo như cách người ta câu về những con thú. Cả đến người Hạ sĩ quan thân tín của tôi trong bao năm nay trên khắp trận mạc cũng lại vừa chết trước một ngày khi chúng tôi được lệnh về Sài gòn. Xác của nó chỉ được kiếm ra hai hôm sau trong một bụi rậm khiến tôi hiểu rằng nó chỉ bị thương và bị bỏ rơi lại bãi. Với sẵn cái bản năng mưu sinh và thoát hiểm, tuy bị đạn, nó đã cố lết mình vào bụi rậm, sửa soạn một chỗ nằm chờ đợi được cứu hay nếu không cũng chu đáo sửa soạn một cái chết. Lúc tìm ra, xác nó còn gối đầu trên ba-lô, còn chiếc nón rừng được hắn úp lên ngực chỗ vết thương trổ từ sau lưng..." (trang 23)   
Nhiều hình ảnh nhân đạo hiện ra trong bút ký của Ngô Thế Vinh làm chúng ta bùi ngùi khi đọc tới. Tiếng trực thăng bay tới gần sẽ làm chiến binh Miền Nam vui mừng, nhưng sẽ gây kinh hoàng cho chiến binh Miền Bắc, và có thể sợ tới đứng tim mà chết, như khi tác giả kể về một tù binh trẻ, bị thương nhẹ, nghe tiếng trự thăng tới gần là kêu thất thanh "Anh" rồi chết. Và xác tù binh này phải bỏ lại giữa rừng, khi quân Miền Nam rời chiến trường; tác giả cố ý quên chỉ thị gài lựu đạn dưới xác để không có thêm vài xác trong rừng nữa.
Trong "Hòa Bình Không Sớm Hơn" trong tuyển tập "Mặt Trận ở Sài Gòn," tù binh đó, gốc Thanh Hóa, bị thương nhẹ, bị bỏ lại hậu cứ vì đang lên cơn sốt rét ác tính. Y sĩ tiền tuyến Ngô Thế Vinh ra lệnh y tá chăm sóc tù binh này, cho chích thuốc trợ tim và cầm máu, truyền nước biển, cho một trung đội luân phiên cáng võng tù binh này về Quân Đoàn để sẽ khai thác tin tức.
Khi ra tới nơi dọn bãi đáp cho trực thăng, tù binh trẻ này được đặt nằm dài trên lớp cỏ mịn, chờ bốc về Quân Đoàn. Nhưng khi trực thăng tới gần, tiếng cánh quạt trực thăng trong khi làm chiến binh Miền Nam vui mừng, tù binh trẻ này kinh hoàng chết tức khắc. Ngô Thế Vinh ghi hiện tượng này như sau: 
"Tên tù binh được đặt nằm dài trên lớp cỏ mịn. Hắn xanh xao cố mỉm cười khi nhìn tôi bước tới. Tôi muốn có phút chuyện vãn và làm một cử chỉ chăm sóc hắn. Có tiếng reo mừng của đám lính tráng khi nghe đoàn trực thăng từ xa tới. Ngay lúc đó không hiểu sao bỗng dưng tên tù binh ngồi bật dậy và hốt hoảng kêu la. Có một cái gì đó khiến hắn trừng mắt ngạc nhiên và đầy vẻ sợ hãi. Như không thấy, hắn chỉ kịp quơ tay về phía trước níu lấy tôi kêu thất thanh một tiếng “Anh” rồi ngã rũ xuống và chết tốt. Tôi bàng hoàng kêu ngay y tá Tụng và ngay cả chính tôi cũng đã làm mọi điều để cấp cứu hồi sinh hắn nhưng vô hiệu. Tôi vẫn nghĩ rằng vết thương đó không đủ làm hắn chết mau như thế. Tụng y tá thì tìm cách giải thích là tên tù binh đã chết vì bị “kích xúc”. Thêm một danh từ chuyên môn cũng chẳng giải thích được gì thêm về cái chết bất ngờ và vô lý đó. Tôi để ý là khi nghe tiếng vỗ cánh của đoàn trực thăng xà trên bãi thì vẻ mặt hắn biến sắc và để lộ một vẻ sợ hãi khủng khiếp. Hình như đó là một thứ phản xạ điều kiện của tột cùng sợ hãi của một người suốt bốn năm sống trong rừng sâu mà nỗi ám ảnh đe dọa thường xuyên là các toán Biệt Kích với chiến dịch Diều Hâu trực thăng vận. Trong khi cũng thứ âm thanh của những cánh quạt gió ấy thì đang khiến đám lính tráng đói khát của tôi nhảy tưng lên như điên vì mừng rỡ sung sướng." (trang 58) 
Tù binh chết thì phải bỏ xác lại giữa rừng. Tác giả cố ý quên một thói quen gài lựu đạn dưới xác người tù binh mới chết. Đoạn cuối "Hòa Bình Không Sớm Hơn" viết: 
"Khi đoàn trực thăng đã thực sự rời xa bãi, tên Trung sĩ cận vệ thân tín lên tiếng nhắc tôi và cố nói to. "Em thấy là Hổ xám quên." “Không, lần này không phải là tao quên.” Nó nhắc tôi việc gài một trái lựu đạn rút kíp dưới xác người tù binh mới chết phải bỏ lại dưới bãi. Hơn một lần địch đã hành động như vậy và gây cho chúng tôi tổn thất. Nhưng ở lần này thì tôi lại nghĩ rằng cho dù có làm thêm một cạm bẫy xác nữa, gây thêm được một vài chết chóc, không vì thế mà ngày mai Hoà Bình sẽ trở lại sớm hơn." (trang 61)
Những đau thương của cuộc chiến không ngừng ở năm 1975. Truyện "In Retrospect -- Nhìn Lại" kể về một cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam, đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đặc trách xây dựng phòng tuyến McNamara từ trước Tết Mậu Thân, hai lần bị thương, nghiện rượu và hút cần sa khi còn tham chiến ở VN. Anh này có tên là Gumber, được tác giả giấu tên thật, giải ngũ nhiều năm, thất nghiệp vì cơ thể bị chiến tranh tàn phá. Trong truyện, nhân vật Phan, một bác sĩ gốc Việt, chăm sóc bệnh nhân kia. Truyện  kể về anh Gumber: 
"Anh sống cô quạnh, một lần ly dị và không con. Sự thể cô vợ rất sớm phải bỏ anh vì không chịu được tính nết hung hãn bất thường của chồng cho dù họ vẫn còn thương nhau. Từng là lính cổ da, thuộc một trong những đơn vị Thủy quân Lục chiến đặc trách xây dựng phòng tuyến McNamara từ trước Tết Mậu Thân, cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam, hai lần bị thương, với số tuổi nay đã gần 50. Anh đã bắt đầu nghiện rượu và hút cần sa từ lúc còn rất trẻ khi mới qua Việt nam. Giải ngũ, thất nghiệp từ nhiều năm và không thấy có một tương lai. Anh sống qua ngày bằng số tiền trợ cấp tàn phế nhỏ nhoi. Tất cả đều liên hệ tới những mất mát từ chiến trường Việt nam: chứng động kinh do vết thương sọ não. Anh đã từng bị sốt rét ác tính, và cũng là người duy nhất sống sót của một tiểu đội mất tích; tuy bị thương nặng ở bụng và chân do những miểng mìn claymore sau khi rơi vào ổ phục kích đêm của Việt cộng ở một nơi xa xôi nào đó trong vùng cao nguyên Trung phần Việt nam cách đây 27 năm. Cũng phải kể tới vết thương khác không chảy máu Bloodless Wounds PTSD - hội chứng tâm thần sau chấn thương ở những năm sau khi anh đã trở lại nước Mỹ." ("In Retrospect -- Nhìn Lại" - trang 99-100) 
Có một lúc, anh Gumber làm thiện nguyện cho chiến dịch Stand Down chăm sóc các cựu chiến binh không cửa không nhà. BS Phan nhận ra anh Gumber tích cực, năng nổ khi làm thiện nguyện  ở bệnh xá, trái với hình ảnh anh Gumber mấy năm trước, buồn bã, trầm cảm, gây hấn, dễ nổi nóng, ưa than vãn, từng đôi lần cắt cổ tay để tự sát mà được cứu kịp. Tuy nhiên, một thời gian sau, BS Phan được tin anh Gumber treo cổ tự sát. Và bùi ngùi suy nghĩ, anh Gumber chưa phải là người lính Mỹ cuối cùng, trích: 
"Cho đến bây giờ trong ký ức Phan vẫn không thể nào xóa nhòa cái hình ảnh rạng rỡ và khuôn mặt hạnh phúc của anh Gumber khi bỗng chốc anh được thấy mình trở lại có ích, cho dù chỉ ngắn ngủi ở mấy ngày của chiến dịch Stand Down năm đó. Lẽ ra anh đã không chết và cả sống hạnh phúc nữa nếu anh thực sự được trở về nhà với một tấm căn cước và có cơ hội sống cho và sống với người khác. Và anh Gumber vẫn chưa phải là người lính Mỹ cuối cùng chết trong trận chiến tranh Việt Nam." (trang 107)
Điều độc đáo của tập truyện là "Mặt Trận ở Sài Gòn / The Battle of Saigon" ấn hành cả song ngữ Việt-Anh. Hiển nhiên là Ngô Thế Vinh có nhiều điều muốn thế giới Anh ngữ đọc về Cuộc Chiến Việt Nam --- trong đó độc giả của anh có thế hệ trẻ gốc Việt và những người sẽ nắm quyền tuyên chiến tương lai trên thế giới. Tác giả Ngô Thế Vinh không phải là người chủ hòa hay phản chiến, bản thân anh là người tham dự cuộc chiến. Nhưng Ngô Thế Vinh cũng không phải người chủ chiến hay phe diều hâu, bản thân anh quý trọng hòa bình và kinh hoàng khi nhìn thấy chiến tranh tàn phá quê nhà và dân tộc anh.   
Ngô Thế Vinh chọn vị trí viết sự thật, xa lìa tất cả chủ thuyết. Tác giả nhìn vào những gì xảy ra trong cuộc chiến và kể lại để giúp dân tộc anh, và giúp nhân loại tự vấn về những trận tàn sát trên quê hương anh. Chắc chắn sẽ có những độc giả ứa nước mắt khi đọc tới một số hình ảnh tác giả ghi lại. Về lời kể của Jim cho bác sĩ Phan nghe trong "Một Bức Tường Khác" những ký ức không quên khi "bọn VC biển người từng lớp từng lớp nhào lên hàng rào dây kẽm gia," hay về "Bọn tướng lãnh ở Lầu Năm Góc, liệu tụi nó biết được là có bao nhiêu tân binh chết tức tưởi vì cây súng M16 kẹt đạn," để rồi chất vấn "tụi con buôn súng đạn ấy" và rồi Ngô Thế Vinh ghi lại vào năm 1991:  
"Jim sống mà như đã chết. Hắn thực sự đã chết các đây từ 22 năm, cùng với Giấc mơ Mỹ quốc, và cả giấc mơ rất nhỏ bé được trở thành thầy giáo, khi bước ra khỏi vũng bùn và máu của chiến tranh . Jim cũng như đa số những người cựu chiến binh Việt nam được gọi là còn sống , nhưng họ giống như những mảnh bom đạn vương vãi , thực sự chưa thoát ra khỏi trận địa Việt nam. Liệu có còn thêm một bức tường thương khóc nào khác ở Hoa thịnh đốn đủ dài để có thể ghi tên và vinh danh họ.
Phan cũng tự hỏi đến bao giờ, cả chính chàng nữa mới thực sự thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đã vào qúa khứ từ 17 năm rồi." (trang 97)
Tuyển tập song ngữ "Mặt Trận ở Sài Gòn / The Battle of Saigon" gồm 12 truyện ngắn, trong đó có truyện viết như bút ký, dày 500 trang, Lời Tựa do Nguyễn Xuân Hoàng viết với nhan đề "Ngô Thế Vinh Không Có Khoảng Cách Giữa Tác Giả và Tác Phẩm," Bạt do Tạ Tỵ viết, lời nhận định từ nhiều nhà văn trong đó có Nguyễn Mạnh Trinh, Đoàn Nhã Văn, Mark Frankland, Tim Page, Phan Nhật Nam, Bùi Khiết, Hoàng Văn Đức, và một bài báo Bách Khoa năm 1972 nhan đề "Bách Khoa Đàm Thoại với Ngô Thế Vinh từ Vòng Đai Xanh đến Mặt Trận ở Sài Gòn."  
Nhà văn Phan Nhật Nam trong bài viết năm 2004 nhan đề "Hòa Bình chưa hề đến, dẫu sớm, hay muộn... Nhân đọc Mặt Trận ở Sài Gòn," được Ngô Thế Vinh dùng trong phần Bạt và Nhận Định, trang 213-218, đoạn kết là lời nhà văn họ Phan viết cho nhà văn họ Ngô:  
"Bạn Ngô Thế Vinh thân, mặt trận nơi Sài Gòn hóa ra chưa bao giờ chấm dứt, và cũng không hề chấm dứt. Tình huống hung hãn, sự việc ác độc mở rộng ra khắp Miền Nam, đến tận Miền Bắc, ở khắp nơi nào có mặt những con người gọi là Người Việt (bất kể người Việt Nam nào) với những bi kịch riêng tư (đúng ra là thảm kịch) không hề nói ra. Và hôm nay ở hải ngoại, nơi Tây Nguyên với những người anh em thuộc các sắc tộc Rhadé, S’ tieng - Chốn bạn đã một lần tiên kiến xót xa trong Vòng Đai Xanh khi bạn với tôi còn rất trẻ. Hoá ra, Người Viết Văn không có một khả năng nào khác ngoài tấm lòng thấy trước toàn khối Mối Đau." 
Hai nhà văn Phan Nhật Nam và Ngô Thế Vinh, từng vào chiến trường trong hai đơn vị thiện chiến, Nhảy Dù và Biệt Cách Dù, cùng nhìn lại cuộc chiến đau thương như thế. Nơi đó, giấy mực của hai nhà văn này cũng chính là từ các vết thương một thời quá khứ, và bây giờ vẫn còn đau.  
Trong khi đó, một nhà báo Hoa Kỳ từ Tuần Báo Time ghi nhận về tập truyện Ngô Thế Vinh, nơi trang 212-213:
"Vẫn liên tiếp xuất hiện những cuốn sách viết về Chiến Tranh Việt Nam, tuy nhiên có rất ít sách đề cập tới quan điểm từ miền Nam, từ góc cạnh của những người thất trận nhưng họ đã từng chiến đấu và tin tưởng ở một nền Cộng Hòa miền Nam mới khai sinh. Ngô Thế Vinh qua kinh nghiệm của một y sĩ trong một đơn vị Biệt Cách thiện chiến đã đem tới cho chúng ta những lý giải và soi sáng về những tình huống lưỡng nan ngoài trận địa. Rồi ông cũng đề cập tới cuộc sống hỗn mang ban đầu của một người tỵ nạn tạo dựng lại cuộc đời trong sự xa lạ của một miền Nam California, với phấn đấu để trở lại nghiệp cũ giữa một cộng đồng di dân gồm cả nửa triệu thuyền nhân với những khuynh hướng chánh trị phân hóa đa dạng. Một bối cảnh như vậy hầu như hoàn toàn bị lãng quên trong văn học. Người đọc sẽ thấy mình bị lôi cuốn vào tâm thức của một y sĩ tiền tuyến, của một tù nhân trong các trại tù gulag và rồi đến một người tỵ nạn bị bật ra khỏi gốc rễ được giải thoát để hội nhập vào một tầng lớp trung lưu Mỹ mới vừa hình thành. Đọc Mặt Trận Ở Sài Gòn để cảm nhận lắng nghe nỗi bâng khuâng của một con người vẫn gắn bó với những cội rễ tinh thần của một quê hương Việt Nam không thể tách rời." (TIM PAGE, Time - Life, UPI free lance reporter)   
Nhà văn Ngô Thế Vinh sinh năm 1941 tại Thanh Hoá, nguyên  quán Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1968, từng là tổng thư ký rồi chủ bút báo sinh viên “Tình Thương” của trường Y khoa Sài Gòn từ 1964 tới 1967. Khi gia nhập quân đội VNCH, ban đầu Ngô Thế Vinh làm bác sĩ quân y của Liên đoàn 81 Biệt cách Dù. Sau đó ông đi tu nghiệp ngành Y khoa Phục hồi tại Hoa Kỳ, về nước ông làm việc tại Trường Quân Y Sài Gòn.
Trước biến cố 30/4/1975, Ngô Thế Vinh, sử dụng tên thật làm bút hiệu, đã xuất bản 4 tác phẩm, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn “Vành Đai Xanh” ấn hành năm 1971. Sau 1975, Ngô Thế Vinh đi tù “cải tạo” ba năm rồi mới tới Mỹ vào cuối năm 1983. Ông học tiếp ngành Y, rồi hành nghề bác sĩ tại Bệnh viện Đại học SUNY Dowstate Brooklyn, New York. Ông còn là bác sĩ điều trị và giảng huấn tại một bệnh viện ở miền Nam California. Ở Hoa Kỳ, ông vừa tái bản tác phẩm cũ, vừa viết và ra mắt nhiều sáng tác mới, nổi bật là các tác phẩm ông viết về sông Cửu Long: “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng (2001), “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” (2007).


Tập truyện song ngữ Việt Anh do Văn Học Press & Việt Ecology Press ấn hành, đang lưu hành trên mạng: https://www.amzn.com/1989993192  và các hiệu sách. Có thể liên lạc ở: vanhocpress@gmail.com, vietecologypress@gmail.com,
Địa chỉ liên lạc qua thư: P.O. Box 3893, Seal Beach, CA 90740


Sunday, August 30, 2020

THƠ TRẦN YÊN HÒA


Hạnh phúc nghiêng. Tranh Ann Phong
Nguồn: Viêt Bao

TƯNG, VNG

Tưởng gì, vọng gì, trong đêm thâu?
Nhức nhối  lòng ta, trời khuya khoắt
Một mình, nằm nhớ những trầm, sâu
Trôi qua, cùng nắng chiều, vụt tắt

Một mình, nằm nghe, cơn mưa mau
Nhớ thiết tha, một độ xưa nào
Bên ta, một quãng trời, đơn độc
Thân như gỗ đá, đời xanh xao

Bên ta, là một trời, ly cách
Không có ai, chung một, nỗi niềm
Không có ai, chia cùng, tưởng, vọng
Một ngày xưa, rất đẹp, trong tim

Ta loay hoay, những điều không thực
Nên suốt đời, chạm mặt, cô đơn
Chẳng ai chia, những điều bực rực
Cảm thông, như vũ điệu quay vờn

Thôi thì, trong ta, toàn ảo ảnh
Toàn mây, trời, và nước, bao quanh
Như cơn mưa, lạc vào cuối tháng
Mù khơi xa, một nỗi đọan đành


NHT

Nhặt được từ tâm từ em
Cơn mưa mùa hạ êm đềm lướt qua
Nhặt giọt mưa mát lạnh vai
Tơ như gối nõn tình lai láng gần

Nhặt từ thân thể thanh tân
Có pha hơi ấm căn phần em trao
Chao ơi một thuở hồng đào
Vườn tơ lụa cũng đón chào ngày xanh

Nhặt từ em chút gian nan
Thân như nguồn cội đa mang sớm chiều
Nhặt từ em một chữ yêu
Cơn mơ tình ái còn phiêu linh hoài

Thôi thì thắp đuốc tình lơi
Thắp cho tôi ngọn đèn dầu hắt hiu.


V

Lặng thinh nhìn quá khứ
Vò đầu ngó tương lai
Tóc tai dài đến độ
Dài ngoẵng như hình hài

Tôi đi ra đi vô
Nhìn trong gương khuôn mặt
Dấu tích chạy lô xô
Tôi nhìn tôi thắc mắc

Không thể ra ngoài đường
Không thể tụ quanh quẩn
Chỗ này hay chỗ kia
Tôi nhìn tôi hắt bóng

Giá như đi về phố
Cho vơi bớt nỗi buồn
Giá như đi về biển
Cho tan đi cô đơn

Giá như đi về núi
Núi có nghe lời chăng
Có phải mình hóa đá
Chắc đá ghi vết hằn

Còn không xe thổ mộ
Trong cuộc đời trầm kha
Còn đâu là vết tích
Còn nơi đâu là nhà
Tay, chân, thân... tạm trú
Trở về ta với ta


LT LƯI TÌNH

Tình thất tán khi em quay đi
Lòng tham vọng rập rình quá đổi
Cơn lốc bão tràn qua bùng thổi
Giăng lưới tình quỵ ngã, đôi khi

Cũng có lúc tôn em là thánh
Lúc lòng anh bề bộn trăm chiều
Anh quỳ giữa vô cùng ảo ảnh
Để lòng mình mỏi gối cô liêu

Ta đã qua những chiều vô vọng
Bến bãi buồn xe đậu lan man
Con nước lớn nước ròng lọng cọng
Tìm xanh xao nghìn nghĩa điêu tàn

Cũng có lẽ lời anh vụng dại
Không hay ho như kẻ gọi mời
Và chợt thấy một trời tê tái
 Bủa quanh mình đôi mắt xa khơi

Ta lọt lưới mà thản nhiên sống
Nhưng trong tim còn đọng tên người
Thế là chỉ còn là hình bóng
Mùa yêu em, như nước chảy xuôi

TRN YÊN HÒA
(những ngày nằm nhà trốn dịch Corona)






BẤT HẠNH

Nguyên Yên

Gánh xiếc trò đời – Tranh Đinh Trường Chinh

giả sử hôm nay như mọi ngày
con chim cu vẫn đến gõ vào cửa kiếng
căn phòng vừa sáng đủ
để cặp mắt trong tối tìm ra
điểm dừng

giả như bình minh vẫn mọc mỗi sớm mai
mùi cà-phê điểm tâm vẫn khuấy lên
thứ ma lực xỏ đôi chân
vào thế giới mở – khua
thức dục vọng

giả như cuộc sống vẫn tràn đầy
mùi hoa nhài đầu ngọn gió vẫn tỏa hương
nồi cơm sôi thơm ngát xới vun bát
bên nhau xùm xụp húp
chén say đầy mãn

giả như cuộc đời vẫn là
những cuộc săn đuổi tất bật
mắt mở say mê
đầu hùng hục húc
tim không sợ

giả sử niềm tin vẫn sáng soi
xác tín như bàn thờ trang nghiêm trong nhà
khói hương xì xụp vái
cầu người đã bỏ ta đi
đừng bỏ ta đi

giả như giấc mơ vẫn trở về
người khách lạ hàng đêm
vẫn ghé vào góc xó hiu quạnh của tâm hồn
nỉ non âm điệu
rù quến

giả như tình yêu không xảy ra
mọi thứ chân xác còn nguyên vẹn
như quê hương chưa từng chiến tranh
lịch sử chưa tranh lấn
chúng ta chưa hề khai quật

và con người lại được sinh ra
tinh khiết như bản năng
trí khôn nhắc trái tim tránh
lập lại tai họa

phải làm thế nào
người ta nói điều gì xảy ra
sẽ phải xảy ra
một ngàn đời nữa

bao giờ trần gian còn lỗi lầm
con người còn bị trừng phạt
mình còn phải
gặp nhau.

NGUYÊN YÊN


Friday, August 28, 2020

NGHE NHỮNG TÀN PHAI… *

Nguyễn Quang Chơn

Tranh Trịnh Công Sơn

Chiều cuối tuần buồn hiu, chạy xe một vòng xuống phố rồi trở về nhà. Mở kênh ca nhạc trên U tube. Tình cờ rủ rỉ một giọng ca trong veo:

“Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe, còn đây âm vang não nề, ngày đi đêm tới trăm tiếng mơ hồ...”

Trời đất, nhạc sĩ có sống trong một thời covid nào không, mà như đang chia sẻ từng tâm tư day dứt trong lòng tôi lúc này đây vậy, hở nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?...

Tôi đã từng nghe “Đời người là những cuộc chia ly”. Bây giờ TCS nói, “đời mình là những chuyến xe”...Những chuyến xe đi và đến, những chuyến xe tới và về...Em đang ở đây, bất chợt em đã dạt nơi nao. Ta đang ngồi đây, bất chợt ta rời rã phương nào...
Những chuyến xe đời, đôi khi vô tình, ta một lần bước lên rồi mất hút...

Tôi nghĩ, có lẽ trong một chiều lang thang nào đó, ông đã thấy một chiếc xe tang, một đoàn “convoi” ra trận, một chiếc xe cấp cứu hú còi...để chợt nhận ra rằng, đời người, là những chuyến xe, những chuyến xe đi qua thật nhanh để lại những “âm vang não nề”, những “tiếng mơ hồ” khi màn đêm buông xuống...

“Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những đám đông. Người chia tay nhau cuối đường. Ngày đi đêm tới trăm tiếng hư không...”

Có phải vậy không, có phải thế không? Những đám đông mới đó, vừa tụ đã tan, gặp nhau đầu đường chưa kịp nói lời hoan hỉ, đến cuối đường đã vội chia ly, để “ngày đi, đêm tới”, khoanh tay nhìn bầu trời thẳm sâu hun hút, nhận ra rằng, mọi chuyện đã “hư không”!

Sao lại hư không? Vô lý. Anh mới đó mà, em vẫn đây mà?anh vừa thầm thì bên tai em lời yêu thương dịu ngọt, sao anh đã vội theo chuyến xe nào đi mất, để lại trong em lời “mật đắng”, thề hẹn tiêu tan, đọng lại những “hư không”?!!!

“Có ai đang về giữa đêm khuya. Rượu tàn hơi bước chân đi ơ hờ. Bàn tay quen hơi băng giá. Nhớ một người tình nào cũ. Khóc lại một đời người quá ê hề...”

Và những chuyến xe đã đưa những người thân yêu rời xa, cho ta mỏi bước đi tìm. Đêm khuya phố vắng không tiếng người. Ta ngồi bên ghế đá, nhớ bàn tay em “băng giá” chia ly. Kỷ niệm yêu thương vút cao đến vô cùng, vô tận, đọng lại thành những giọt nước mắt, mà những giọt nước mắt có vỗ về được không cho “một đời người quá ê hề”...???

“Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là những quán không
Bàn im hơi bên ghế ngồi
Ngày đi đêm tới đã vắng bóng người”.

Trời đất, quả thật là kinh khủng, khi bỗng nhiên ta nhận ra “đời mình là một quán không”. Quán đời ta mới hôm qua lao xao khách Nam, khách Bắc, giai nhân tài tử dập dìu. Bỗng dưng hôm nay tất cả vụt mất, như “ mộng, huyễn, bào, ảnh” ( kệ Lục Như)....
Nỗi quạnh vắng bất ngờ làm ta rơi vào cùng cực cô đơn, lạnh lẽo muôn vàn... Quán không, “bàn im hơi bên ghế”. Một khoảng lặng mênh mông...
Người đi đâu, ở đâu, có thật người tồn tại ? (To be or not to be?)( Shakespeare)

( phải sống trong thời covid, trong nỗi cách ly, mới thấm thía nghĩa “quán không” này)

“Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là con nước trôi
Đèn soi trên vai rã rời
Ngày đi đêm tới còn chút hao gầy..”

Và chiều nay em ra phố. Vẫn nhà cửa, vẫn ngựa xe, mà sao em nghe lòng mình hoang mang đến thế! Em vẫn cứ ngỡ bến đò xưa còn đó, cây đa cũ còn đây, là con nước mình tắm gội hôm qua còn nguyên màu hương cũ. Nhưng mà không. Có ai tắm được hai lần trên một giòng sông? Chuyến xe cuối cùng đưa anh đi một chiều muộn, cũng như con nước cuốn trôi tất cả những yêu thương hờn giận của em đi hết cả rồi. Ánh đèn đường vàng vọt trên chiếc ghế đá ngày xưa, bây chừ nhìn sao hoang vắng, nghe chừng như “những tàn phai!”...

Ôi, những lời nhạc như những lời tình tự u buồn, đến với tôi trong một cuối tuần covid, nghe như cùng nhịp đập một trái tim...

Trời âm u, lời ca rỉ rả thầm thì...Chuyến xe đời đang đưa tôi về đâu. Có về một cõi tàn phai không, anh Trịnh Công Sơn?...

NGUYỄN QUANG CHƠN
22.8.20
(Những chữ trong ngoặt kép là lời nhạc của nhạc sĩ TCS)

*Trịnh Công Sơn


MƯA SA

Khê Kinh Kha

Vườn xưa
mấy mươi năm trở lại
ngắm lại bóng đời ta
tuổi thơ mây bay mãi
ôi mắt buồn như có mưa sa

mấy mươi năm trở lại
ngẩng mặt nhìn trăng cao
một lần yêu vụng dại
nắng đường xưa nhạt mầu aó trắng
mái tóc nào rũ khắp hồn thơ tôi
ôi chút tình như có mưa rơi

mấy mươi năm trở lại
lạc loài như thú hoang
hỏi thăm từng ngọn cỏ bên đời
kỷ niệm như dao cắt lên thịt
kỷ niệm buồn như tóc trắng riêng tôi

mấy mươi năm trở lại
nhặt từng mảnh đời vỡ tan
khâu lại nụ cười xanh đã mất
ôi chút tủi hờn giữa hồn mong manh

mấy mươi năm trở lại
quì bên vườn mẹ cha
cúi hôn mặt đất lạnh
ôi tuổi đời giăng đầy mưa sa

KHÊ KINH KHA

Thursday, August 27, 2020

VIẾT GIỮA MÙA ÔN DỊCH - BÀI 7. MÊ LÀ SAO. MÊ CÁI GÌ? NÓI THỬ NGHE CHƠI!

Khuất Đẩu

Bên sông. Tranh Đinh Cường

*Viết vì nhớ Kiệt Tấn

Chữ “mê” đứng một mình ên, như cô bé bên bờ Cửu Long giang (truyện của Lữ Kiều), cô thèm đi đôi guốc mới mua, nhưng thẹn thùng nên lén chị ra bờ sông chỉ để…rửa chân. Rất hiền và rất dễ thương.
Vậy mà khi thêm đầu và thêm đuôi, thì chữ “mê”lại trở nên rắc rối. Kiểu như cô nàng bỗng dưng cởi áo ra rồi mặc áo vào, phơi cả lưng và ngực giữa đất trời bao la, chắc chắn ngòi bút của nhà văn bác sĩ phải một phen bối rối.
Thêm đầu thì có si mê, đam mê, đê mê, ba chữ này nghe rất đã, ai mà chẳng ham, nhưng gây mê để lên bàn mổ, thì xin đừng.
Thêm đuôi, như mê mẩn, mê man,  mê mệt…có vẻ như dẫn ta vào đường tình, không phải tình yêu mà tình…dục.
Thời muốn đẻ bao nhiêu có sức cứ việc đẻ, có một lão nông miền Trung đặt tên con như vầy:
Mai/Tao/Lên/Chơi/
Mê/Say/Quên/Dìa.
Cũng có “kế hoạch” đấy chứ. Tám đứa, vừa đủ 2 câu thơ bốn chữ, thì dừng!
Không như bây giờ, nhà nước vận động kế hoạch hóa gia đình, áp phích treo đầy đường:
GIA ĐÌNH/
HAI CON VỢ/
CHỒNG HẠNH PHÚC!
Nình ông quá đã, (được những hai con vợ, sao không đã!) nhưng nình bà thì quá thua thiệt, xuống đường biểu tình phản đối là cái chắc.

Đem chữ “mê” đặt tên con, xem ra cũng chỉ là chuyện nhỏ. Nhạc sĩ Nhật Ngân trong bản nhạc để đời  Một mai qua cơn mê, cứ tưởng là mê tình, không ngờ là mê muội vì hai miền nam bắc, suốt bao nhiêu năm cứ lao đầu vào húc nhau. Đấy mới thiệt là chuyện lớn, vì cuộc chiến vừa qua đúng là một cơn mê dài, quá ngu!
Bản nhạc được viết năm 1971, giữa lúc sắp ký kết hòa đàm Paris, nên ông mơ ước một mai hòa bình “sẽ bay đi muôn phương, sẽ hái trái đem cho mọi nhà”.
Tưởng là tỉnh táo, không u mê, hóa ra bé cái nhầm. Hòa ước ký vừa ráo mực, miền bắc liền phang tới tấp cho miền nam sụm bà chè, rồi đưa cả ngàn thi sĩ, văn sĩ và nhạc sĩ vào tù!

Tản Đà hỏi: Dân hai nhăm triệu ai người tỉnh? Có nghĩa rằng suốt đêm dài Pháp thuộc, nhiều người cứ mãi ngủ mê không chịu thức dậy. Giờ 5 triệu đảng viên, được bao nhiêu người tỉnh ngộ bỏ đảng CS? Lèo tèo, chưa đếm đủ mười đầu ngón tay! Nhưng một vài người rất đáng ngưỡng mộ.
Một người là nhạc sĩ Tô Hải, còn đươc gọi là Tô Hèn vì loạt bài ông tự thú Tôi là thằng hèn, vừa chửi mình vừa chửi đảng rất chi là phản động.
Một người nữa, là nữ nghệ sĩ Kim Chi. Bà nổi tiếng không phải vì đóng phim Cô gài Sài Gòn đi tải đạn mà vì từ chối cái rụp danh hiệu “cao quý” nghệ sĩ nhân dân mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn ký tặng. Bà bảo tôi xấu hổ mắc cỡ khi có tên ông ta treo trong nhà. Ngon hết sẩy, chịu chơi hết sẩy. Mới đây, dù đã trên thất thập, vẫn cưới một cụ ông trên bát thập cũng bỏ đảng là tiến sĩ Mạc vân Trang. Hai người, tuy “ đã hết gân rồi còn tái giá”* vẫn được con cháu và cộng đồng mạng chúc mừng rối rít.

Nói vậy, chứ gọi cuộc chiến là cơn mê cũng chưa to chuyện bằng thêm chữ “gái” sau chữ mê!
Mê gái! Không ngờ cái đuôi “gái” này lại dài như đuôi sao chổi Halley, nó làm cho một nửa nhân loại sáng lấp lánh, còn một nửa thì tối sầm vì tím ruột bầm gan. Bài này chỉ xin nói về nửa đám nhân loại có thằng tôi trong đó.
Đúng là “chuyện bây giờ mới kể”!
Kể rằng, cái thằng tôi lúc học lớp ba trường làng, một hôm trời không nắng cũng không mưa, giữa lúc gió đồng vi vu thổi vào lớp hoc, tiếng thước kẽ thầy giáo gõ lên bàn kêu bom bóp, bỗng có một giọng con gái thỏ thẻ (và trọ trẹ nữa), dạ, trò ni đi trễ, xin thầy tha cho!
Chẳng những ông thầy nổi tiếng hung dữ (chứ không ác) quắc mắt ra nhìn, mà cả bốn chục thằng con trai hỉ mũi chưa sạch cũng trố mắt mà nhìn theo! Người bị nhìn dữ dội là một thiếu nữ chừng 13, 14 tuổi, chị của một đứa học trò tản cư chạy giặc từ Huế vào, mới học được mấy ngày. Nghe vậy, thầy cụp mắt xuống, phẩy tay cho cậu em vào. Cả lớp cũng cụp mắt theo, nhìn vào vở.
Vậy thôi. Thầy vô tư, cả lớp cũng vô tư, nhưng cái thằng tôi thì không vô tư! Suốt cả buổi học tôi cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, đến nỗi bị thầy giáo đến bên cạnh nhéo tai mấy cái đau thấu trời, mới chịu tỉnh ra.
Mấy ngày sau cũng vậy! Vở sách lem luốc, chữ viết như cua bò! Suýt chút nữa bị thầy đến nhà “mắng vốn”.
Hóa ra là tại cô nàng! Không phải vì cái giọng nói trọ trẹ, mà vì mái tóc nghiêng nghiêng và đôi mắt “buồn viễn xứ khôn khuây”! Vậy là mê gái đứt đuôi con nòng nọc rồi, nói cho văn vẻ là tương tư!
Trời ạ, chưa đến mười tuổi mà đã biết tương tư. Cái bệnh này còn đáng sợ hơn cả covid 19, vì theo khảo sát của các nhà khoa học, trong số hơn 15 triệu sinh linh trên trái đất bị con covid nó hành, chưa có sinh linh nào dưới 10 tuổi bị dương tính cả.
Nhưng mà, bệnh tương tư không do virus, nên cách trị cũng khác hẳn và dễ ợt. Chỉ cần cha tôi bắt nằm úp mặt xuống phản gõ, thẳng cánh đánh 5 roi quắn đít là khỏi bệnh ngay. Tiếc thay và cũng mừng thay, ông đi làm mã tà ở cõi âm nên tôi cứ thoải mái mà mang cái bệnh ngọt ngào đó tới lúc học cấp hai.
Cũng một mái tóc nghiêng nghiêng và giọng nói trọ trẹ, nhưng không phải của học trò mà là của cô giáo, (thế mới bỏ mẹ!) Cô ấy vừa mới ra trường, lại đang fall in love một thầy giáo cùng trường, nên “mắt cô ướt và tóc cô mềm như mây mùa đông”.
Là gái Huế, vừa đoan trang (giả bộ) lại vừa diện ngầm với áo tím than và khăn quàng trắng, trông cô thướt tha yểu điệu làm sao, nên cái thằng oắt con là tôi, chết một cửa tứ, bị cô hớp mất hồn. Cha tôi dẫu có sống lại cũng khó mà chữa khỏi bệnh. (vì tôi dại gì mà khai báo, trường cũng đâu biết mà cách ly bằng cách đuổi học).
Bệnh cứ âm ỉ bên trong khiến tôi cứ mơ mơ màng màng, ngồi trong lớp mà cứ tưởng đang bay lơ lửng giữa trời cao, rồi lại nhẹ nhàng rơi xuống như lá mùa thu. Mới lỏm bỏm tiếng Anh, nhưng tôi bỗng hiểu thế nào là fall in love và thầm phục người Anh đặt tên đúng chóc!
Thế rồi, một hôm bỗng dưng cô vào lớp với mái tóc phi dê xoăn tít như râu bắp, chắc là sắp lấy chồng. Ôi chao, trời sập cũng không làm tôi kinh hãi bằng.
Trước, cô thanh cao đài các bao nhiêu, giờ cô nặng nề trần tục bấy nhiêu!
Trước, mắt cô ướt, tóc cô mềm, giờ mắt cô khô tóc cô gãy!
Tôi buồn hắt buồn hiu, không phải vì cô sắp lấy chồng, mà vì từ đây lớp học không còn ấm áp như bếp lửa chiều đông nữa!
Nhưng may quá, cũng từ đó tôi khỏi bệnh!

Thời của tôi là vậy đó, mấy anh chàng mê gái trông là biết liền. Cứ xem cái cách anh ta đi lờ đờ, điên không ra điên khùng không ra khùng, lục trong túi chẳng có một đồng xu teng, mà chiều nào cũng đi bát phố (giờ là shopping), cứ đi tới đi lui, đi lên đi xuống, mỏi chưn thì vào hàng sách, giả bộ coi quyển này lật quyển kia,  chỉ để chờ một tà áo, một mái tóc, rồi xớ rớ đứng gần người sắp gieo mầm bệnh, là đủ sướng đến tê cả người!
Phải nói, thằng con trai nào mới lớn cũng đều mắc bệnh mê gái cả, không mê là coi chừng pê đê, tệ hơn nữa bị gọi là cù lần. Bệnh này không quý phái sang chảnh như bệnh tim, nhưng vẫn  rất đáng được một lần trong đời thử mang bệnh, cho ai đó nổi ghen tức chơi
Nổi danh mê gái (già), mê đến nỗi phát điên phát khùng là thi sĩ Bùi Giáng. Nào Marilyn Monroe, nào mẫu thân Kim Cương, mẫu thân Phùng Khánh. Gọi mẫu thân kính cẩn đề huề, vì các nàng đẹp thì có đẹp, nhưng chắc không hiền, láng cháng coi chừng bị oánh cho bầm mặt. Nhưng khi chỉ một mình, thì ông gọi “em ơi, em đẹp vô cùng/ vì em có cái lạ lùng bên trong”. Cái gì lạ lùng bên trong đó chỉ có ông hiểu và Trời hiểu mà thôi. (vậy nên nói nhỏ, ông khôn bỏ mẹ, điên gì mà điên).
Một thi sĩ mê gái rất mực thanh tao, là Hoàng Trúc Ly, làm thơ rất ít nhưng lại được nhiều người biết tiếng. Có thể ông mê nhiều nường, nên chẳng dại gì mà gọi tên nường nào, chỉ biết rằng nhờ mê gái mà ông để lại cho đời những câu thơ tuyệt hay. Như:
Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng/ Trông về con nước ngại ngùng xuôi/ Những người con gái bên kia ấy/ Ai biết chiều nay có nhớ tôi?!
Hay là: Ô hay con gái bay nhiều quá/ Những cánh tay mềm như cánh chim.
Tiếc rằng, anh đau gan, anh yếu phổi, đi lớ ngớ bị xe tông, bỏ lại mẹ già không ai cõng!

Lại một chàng trẻ ranh, nhờ mê gái mà nổi danh thi sĩ, là Nguyễn Tất Nhiên. Mới học đệ tam (lớp 10) mà đã yêu điên yêu dại cô bạn gái cùng lớp. Thơ chàng, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, trở thành những bài tình ca bất hủ.
Cái bệnh mê gái của chàng, mê đến chết, nên có thể gọi chàng là Trương Chi thời hiện đại, còn Mỵ Nương là người con gái tên Duyên.
Bệnh mê gái cũng đâu có tha những nhà sư chưa thoát tục. Như Phạm Thiên Thư, dù khoác áo nâu sồng, vẫn cứ mê mải theo chân Ngọ về rồi làm thơ ướt át suốt cả đêm, tu mà như thế đến Phật Thích Ca cũng phải chịu thua.
Các nhạc sĩ thì khỏi phải nói, mê gái có từ trong máu, không mê gái thì không cách gì làm ra nhạc được. Nhạc đây là nhạc tình. Trịnh Công Sơn mê Diễm viết Diễm xưa, mê Thanh Thúy viết Ướt mi,…Vũ Thành An mê đến mấy chục nường, biết gọi tên ai, thôi thì không gọi tên cho chắc ăn, Không tên số một, Không tên số hai… đến Không tên cuối cùng! Nhờ thế, các nường “bỏ anh em đi” đều lẩm nhẩm hát thầm, trong khi đức ông chồng nằm bên cạnh cứ ngáy khò khò, chẳng biết trời trăng gì ráo!
Nhà văn đương nhiên lại càng mê gái hơn. Như Đoàn Thế Nhơn mê cô vợ tên Viễn Phố, bèn lấy bút hiệu là Võ Phiến. Rồi Mai Thảo yêu tiếng hát và người hátThái Thanh, chung tình đến nỗi đến chết vẫn chỉ yêu một người có “tiếng hát vượt thời gian” mà thôi.

Nhưng mê gái như Kiệt Tấn thì đến cả tổ sư G.Marquez ở Nam Mỹ cũng phải gọi bằng ngài, tức Don Kiệt! Cứ thấy gái là mê, tôi mê gái thì học dở còn ngài càng mê càng học giỏi, thế mới lạ. Từ gái quê bồng em, bán nước mía, đến gái phố thị đài các kiêu sa, từ gái nhà lành đến gái đĩ, từ gái ta đến gái tây, từ gái viết sai chính tả tùm lum đến gái thuộc thơ J. Prévert, từ gái không điên đến gái điên…, ngài mê tuốt. Không cần biết xấu đẹp sang giàu, có gái là mê, không mê chết sướng hơn!

Còn nửa nhân loại kia thì sao? Gái có mê trai không? Có đấy! Mà mê bạo hơn, điên dại hơn, ngu muội hơn. Mê nghiêng mê ngửa, mê đứng mê ngồi, mê như bị bỏ bùa.
Một nàng Thôi Oanh Oanh cha chết chưa chôn còn để nằm trong hòm, mà mê Trương Quân Thụy ở Mái Tây đến nỗi dám sai nữ tỳ mang cả chăn chiếu sang chung chăn với chàng. Ngày xưa mà như thế, phải nói là gan cùng mình! Mê đến thế không còn gọi là dại trai nữa,  mà phải nói là chết vì trai!
Lại thêm một gái góa tên Trác văn Quân, chưa hết tang chồng cũng đã bỏ nhà theo trai vì mê tiếng đàn của Tư mã Tương Như!
Nổi đình nổi đám nhất là Vương Thúy Kiều, vừa mới gặp Kim Trọng mà “tình trong như đã”, nên tuy kín cổng cao tường vẫn lén dòm sang bên kia nhà, rồi đó ra vườn dạo chơi, giả bộ đánh rơi chiếc trâm cài tóc trên cây!
(sao lại rơi trên cây mà không rơi trên cỏ, ấy là để chàng Kim dễ nhìn thấy, có cớ mà làm quen! Vẽ đường cho hươu chạy còn oan nỗi gì!).
Mới quen buổi sáng bên hàng dậu, mà  buổi tối  đã “băng lối vườn khuya một mình”, thì chỉ thua mỗi Thôi Oanh Oanh là không dám mang chăn gối theo mà thôi!

Đó là chuyện mê trai của các người đẹp xưa, còn chuyện mê trai của các người đẹp nay, thì dẫu có cho kẹo tôi cũng không dám nói, vì sợ bà chủ tịch Gia hội và “nhóm lợi ích” của bà!
Chỉ có điều, trộm nghĩ (tức là nói trộm đờn ông mí nhau ) rằng, thì là, xem ra, mê gái hay dại gái, nửa đám nhân loại “vinh dự có tôi đi hàng đầu”kia, cũng chỉ làm đẹp cho dời, chứ có làm chết thằng tây đen nào đâu.
Nào thơ hay như Hoàng Trúc Ly, nào nhạc mê đắm bao thế hệ như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… nào tranh của L. Da Vinci với nụ cười bất tuyệt của La gioconda … chứ mê trai hay dại trai thì sao nào, dù không hại đời cũng hại nhà, như Thôi Oanh Oanh, Trác Văn Quân, bằng không thì hại mình như Thúy Kiều! Mười lăm năm mà sao không tan tác khi phải “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”, nên các cụ xưa cấm con gái xem Thúy Vân Thúy Kiều, cũng đâu có sai!

Sau chữ “mê” còn dài đến cả cây số. Như mê bài bạc, mê đánh số đề, mê xóc đĩa, mê xì phé, mê xì ke, mê mua sắm, mê nhà lầu xe hơi, mê địa vị chức tước, mê quyền lực, mê võ thuật, mê bóng đá, mê chơi games,…còn nhiều thứ mê lắm.
Thôi thì mê gì cũng được, ít nhiều trong mê đều có ngu, có dại, nhưng mê cọng sản thì đáng đem bắn bỏ chứ không “cải tạo” gì được, vì đó là cái mê ngu nhất, dại nhất, chẳng những hại riêng một người, mà còn hại đến nhiều người, chẳng những không lợi nhà mà còn hại nước, phải không phe ta, hả ngài Don Kiệt?!

KHUT ĐU
Tháng bảy, mùa ôn dịch

*Đã hết gân rồi còn tái giá là vế một câu đối của bà hàng phở nạ dòng. Tức là hết phở gân rồi chỉ còn phở tái và giá sống thôi. Được một ông sồn sồn đối lại nhưng không chỉnh: thì đem xíu quách nhậu cùng anh.

NHỚ

Hoàng Xuân Sơn

Trên cầu

Không dưng
nhớ lụa màu ngà
nhớ da màu trắng
nhớ
tà hương bay
nhớ một đời               nhớ
quắt quay
chút mơn man sóng
chút bày biện sông
chút khuê dung đã tân tòng
chút xa như nhớ chút gần gụi đau

Không dưng
chiều đứng trên cầu
vàng rơi một chút thương nâu bạc lòng

H O À N G X U Â N S Ơ N
25.8.20
@ 1:24 AM

Tuesday, August 25, 2020

MÙA ĐÔNG QUA PHỐ

nguyễn xuân thiệp

Phố mùa đông. Đinh Cường

Em lên ngày mai
đường gió trăng cài
mong em từng giây
rộn ràng như ngây
ô hay mùa đông
mà xuân đã lâng lâng…

Câu hát Lê Uyên mở đầu ca khúc Một Ngày Vui Mùa Đông trong một chương trình ở Sài Gòn vừa nghe lại, giúp mình làm một cuộc phiếm du qua những con phố mùa đông với biết bao cảm xúc. Nay xin ghi ra đây vài đoạn ngắn gởi đến bạn bè và người thơ bên trời.

Mùa đông đã đến trong thành phố. Đêm, những ngôi nhà sáng đèn. Mọi người quây quần quanh bàn ăn hoặc bên lò sưởi. Vậy mà có gã làm thơ điên điên khùng khùng đi tìm một vầng trăng (điều này có thiệt, chứ không phải người viết phịa ra cho có vẻ cảm động và thêm phần lãng mạn).

Vâng. Đêm mùa đông, có gã làm thơ đi tìm vầng trăng. Và gã đã gặp. Ngày xưa ở Vương phủ -Vỹ Dạ,, gã thường thấy trăng trên ngọn sầu đông. Và rồi đạp xe qua nhà một người con gái để được nhìn mái tóc nàng thấp thoáng dưới ánh đèn. Chỉ có chừng nớ thôi mà về cảm động muốn chết.

Những năm còn là sinh viên trường Luật ở Sài Gòn, lòng chưa yêu ai, chỉ mơ màng theo một cô gặp trên chuyến xe buýt từ nhà thờ Tân Định về tới ngã tư Phú Nhuận. Hồi đó Nguyễn tôi nghèo lắm, ở nhờ nhà chú thím Lữ trong xóm Nguyễn Ngọc Sương, đâu có xe cộ gì, đi học bằng xe buýt. Do đó mà gặp được người đẹp. Nàng lớn hơn tui cỡ một hai tuổi. Đẹp ơi là đẹp. Tóc dài, mắt nâu lóng lánh, miệng như hoa hồng. Còn Nguyễn tui, trời ơi, chỉ là một thư sinh, mặt mày xanh lướt. Mỗi chiều, khoảng 5 rưỡi 6 giờ ở trường ra đón xe buýt về Phú Nhuận là gặp nàng trên xe. Hôm nào không gặp được là ngẩn ngơ buồn. Rồi đi lang thang qua những con phố không đèn để tìm một vầng trăng (?). Hạnh phúc đó rồi buồn khổ đó. Những hôm xe buýt chật, hai người được đứng sát nhau. Ôi, phê ơi là phê. Mùi tóc, mùi hương phấn da người đủ ngây ngất cho đêm về làm thơ. Ui, những chuyến xe buýt của thời xa xưa ấy sao mà êm đềm thơ mộng thế. Qua nhiều lần gặp nhau trên xe, nàng bắt đầu chú ý tới mình, mắt chớp chớp mỗi khi nhìn nhau. Thiệt đó, đúng như nàng Lâm Phi Anh (Lê Uyên) và ông Lộc trong bài hát: Vì trót yêu anh áo vai gầy không nỡ để quên mùa xuân, mùa xuân ái ân!...Và rồi cũng biết tên nàng là Hiền, làm ở bưu điện Sài Gòn. Có hôm len lén xuống xe theo Hiền vào trong ngõ xóm. Nàng đi tui theo sau/ tui không dám đi mau (thơ Nguyễn Nhược Pháp?) Thiệt là thơ mộng, phải đi qua cây cầu bắc ngang ao rau muống mới tới nhà nàng. Nhà thường thôi nhưng bởi có Hiền trong đó nên mình xem là thiên đường để đêm đêm học bài chưa xong cũng đi ngang qua tìm vầng trăng. Kết quả của những cơn mơ mộng và biếng nhác tụng cours là mình rớt ở năm thứ hai Luật, phải theo bạn về Mỹ Tho dạy học kiếm cơm. Một cuối tuần từ Mỹ Tho theo xe đò về vội vã tới nhà Hiền thì thấy nhà giăng đèn kết hoa đề hai chữ Vu Quy và Hiền thì mặc áo cô dâu đầu đội vương miện rực rỡ như Dương Quý Phi (nhưng không béo mập bằng). Thôi, thế là thôi, đêm đêm mình lại đi lang thang qua phố mùa đông và hát một mình: Thuở đó có em anh chưa từng buồn / chưa đi lang thang ngoài đường phố đêm khuya… (Thuở Đó Có Em. Huỳnh Anh). Chuyện tình mùa đông thật lãng xẹt vậy mà khi bị động viên vào quân trường mình viết thành truyện ngắn, giặm thêm mắm muối và phịa thêm là sau khi thất tình Nguyễn đã tình nguyện vào lính để tìm quên trong khói lửa. Truyện được đăng trên Nguyệt San Thủ Đức chớ bộ! Một bạn còn rất trẻ dáng bặm trợn cùng khóa tên Đức đọc xong khen nức nở sao giống chuyện tình và chuyện đời em thế!

Các bạn ơi, còn nhiều còn nhiều nữa những chiều những đêm qua phố mùa đông tìm một vầng trăng và hơi ấm. Ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Đà Lạt. Như một con bệnh, gã làm thơ lưu lãng này đúng là kẻ mộng du. Bây giờ, ở xứ người, nơi vùng đồng cỏ Texas, đêm mùa đông như đêm nay trăng hiện ra trên hàng cây maple rụng lá. Trời thật trong, và giá rét căm căm. Gã quấn chặt chiếc khăn quàng cổ và  thầm đọc một câu thơ của mình để tìm hơi ấm: Hỡi ôi. đốm lửa từ sinh diệt / cháy. tàn đông. mùa tuyết sắp qua...
Và quả nhiên, gã đã tìm thấy hơi ấm ấy, không chỉ trong thơ của mình, mà cả trong âm nhạc của Lê Uyên Phương và tiếng hát Lê Uyên.

Ở đây, xin được nói một chút về ca khúc Một Ngày Vui Mùa Đông của Lộc. Ca khúc mà Lê Uyên nhắc lại khi nói về chàng. Câu chuyện xảy ra ở một nhà ga. Ga Đà Lạt. “Nhưng trên thềm ga / Chờ đến trăng tà...”  Đây là cuộc hội ngộ của hai người yêu nhau. “Ai như người yêu / Màu áo mây chiều...” Một cuộc tình vui, một khúc hát vui, cho dẫu sau này hai người chia tay nhau. Như âm vang  của nhạc Joseph Kosma và thơ Jacques Prévert trong Les Feuilles Mortes.

C’est une chanson qui nous ressemble.
Toi, tu m’aimais et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble,
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais.
Mais la vie s’épare ceux qui s’aiment,
Tout doucement, sans faire de bruit

Một khúc hát vui, như chúng ta, ôi những ngày xa xưa ấy, em yêu anh và anh yêu em. Hai chúng ta cùng vui sống. Nhưng rồi cuộc đời chia cách những kẻ yêu nhau, thật nhẹ nhàng, không gây một tiếng động nào.

Mùa đông qua phố. Tới đây, thế nào rồi cũng yêu cầu một nàng ca sỹ trong nhóm ở đây (Anh Thư nha?) hát Một Ngày Vui Mùa Đông cho nghe để mình được sống lại một thời tuổi trẻ ở Huế, Sài Gòn và Đà Lạt. Ôi, mùa đông qua phố, đi tìm vầng trăng. Nhưng còn không vầng trăng ngày ấy. Có ai cho tôi xin lại vầng trăng.
NXT

Mời các bạn cùng nghe Một Ngày Vui Mùa Đông. Lê Uyên & Phương hát một ngày xa xưa.