Saturday, August 15, 2020

BUỒN ĐÊM MƯA

Khuất Đẩu

Mưa đêm

Suốt một đời người, theo tôi, buồn nhiều hơn vui chứ không phải “buồn ít hơn vui” như câu hát của Phạm Duy.

Gặp chuyện chi cũng buồn. Thấy gì cũng buồn. Như, buồn vương cây ngô đồng, buồn trông ngọn nước mới sa, buồn trông chênh chếch sao mai… và buồn đêm mưa của Huy Cận.

Đêm mưa làm nhớ không gian/ lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la/ tai nương nước giọt mái nhà/ nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn…

Nằng nặng, là nặng mà không nặng lắm. Buồn buồn, là buồn mà không buồn lắm. Mưa làm bầu trời như sa xuống thấp. Buồn làm lòng ta cũng như đang chùng xuống. Cả hai liên thông như bình thông nhau và cảm thông lẫn nhau.

Huy Cận buồn vì tương tư hướng lạc phương mờ, tức là nhớ mà không biết nhớ ai/ ai nhớ? Đó là tâm trạng của một chàng trai mới lớn mà đã già trước tuổi. Thơ Huy Cận trước 45 buồn mênh mang, buồn sâu và dài đến độ có người gọi là Đỗ Phủ của Việt Nam.

Tôi, lúc còn trẻ, đêm nghe mưa chỉ thấy bực chứ không buồn. Bực, vì đường nhà quê đầy phân trâu bò, nước mưa làm trơn ướt nhão nhoẹt, đi lại rất dơ bẩn. Đường phố thì cống nghẹt, xe chạy qua bắn nước tung tóe vào người đi bộ, mà người ngồi trên xe thì vén miệng ra cười, cũng rất bẩn!

Nhưng, khoảng vài mươi năm trở lại đây, đêm mưa nào cũng khiến tôi buồn. Buồn vì công danh sự nghiệp chẳng ra gì. Buồn vì nhà dột, tường xiêu, sắp sụp. Buồn vì vận nước đang đi vào ngõ cụt không lối ra. Cũng may, không phải sinh ra là đàn bà, nên chẳng thèm buồn chi đến da nhăn, ngực xệ!

Những âm mưa “rơi rơi dìu dịu rơi rơi”, nghe thật nhẹ nhàng nhưng cứ nghe mãi cũng thấy nằng nặng. Có điều gì đó nghe như niềm tuyệt vọng.

“Thà là giọt mưa/ vỡ trên tượng đá”, là ý tưởng ngông nghênh của một chàng trai 17 tuổi, tên Nguyễn Tất Nhiên đang yêu vô vọng, chứ một ông già 71 tuổi, thì không dám liều mạng như thế. Chỉ muốn làm “hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” như Sơn Nam mà thôi. Mà một hạt bụi trong mưa xem ra lại còn mong manh và nhỏ bé hơn nữa.

Đêm mưa, với “trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ”, buồn nhưng thật đẹp. Đúng là “mưa như mưa trong lòng tôi”, nhất là trong những đêm thu muộn. Một chút lạnh vừa đủ cho mình kéo chăn lên ngực, và cũng vừa đủ để thèm một bàn tay ấm của ai…

“Giọt nước mái nhà” là giọt tranh của những mái tranh, nó êm lắm, dịu lắm, như đang rót mật vào tai mình. Không tiếng sấm rền, không tiếng còi xe, chỉ có tiếng mưa thầm thì cùng với cỏ cây và với lòng mình.

“Nằm gắng cũng không thành mộng được”, thôi thì, cố gượng mà ngồi dậy, bật đèn lên pha chút cà phê. (Lại may vì ngủ riêng không làm rộn đến ai). Lúc này, ngoài tiếng mưa êm như ru, còn có tiếng nước reo trong ấm, nghe như tiếng ai chưa bước vào cửa đã cất tiếng chào.

Cà phê uống một mình thấy tỉnh táo đậm đà chứ không nhạt và buồn như uống rượu. Lại châm thêm điếu thuốc để không phải nhớ nhà mà nhớ mông lung vơ vẩn! Thế rồi, từ buồn buồn đổi sang vui, vui lúc nào cũng không hay.

Rồi đó, ngồi vào máy tính, trước màn hình trắng như cánh đồng tuyết, thử gõ lên vài chữ vài câu, gõ rồi xóa, xóa rồi lại gõ, và nhờ vậy mà có thêm những bài viết ngắn, dài, bàn đủ thứ chuyện trời ơi đất hỡi. Tưởng như trong cõi không gian vô tận kia, có ai đó đang ngồi trò chuyện cùng với mình. Internet khiến người ta có thể cô đơn nhưng không cô độc, là vậy.

Sáng ra, đất trời không còn nằng nặng mà nhẹ nhàng tươi mới, với cây lá sạch bóng lóng lánh nước mưa, và nơi xa kia, núi rừng xanh một màu xanh mát mắt.

Rồi chân ta bước, không cần chân thứ ba, vẫn đủ sức đi một vòng con phố nhỏ, rồi về nhà tắm nước nóng, bước ra đã thấy một bát miến cua trong vắt như yến chưng đường phèn, đang bốc khói.

Ngồi xuống ăn mà miệng cứ tủm tỉm cười vì nhớ tới cu Lặc của Tô Hoài. Một anh đầy tớ, có lần được chủ cho ăn miến, anh ta vừa mới lùa vào miệng chưa kịp nhai đã thấy “nó tơn tơn chui tọt qua củ tỷ”, nên cũng chưa biết miến là cái món gì. Anh ta thuộc giai cấp bần cố nông từ tám đời, sau cải cách ruộng đất, biết đâu đã được cơ cấu ngồi vào ghế này ghế nọ của cách mạng, ăn đến những thứ gì chứ thèm chi đến miến.

Thực ra, mưa đêm buồn và đẹp đến như vậy, là do đầu óc lãng mạn của bọn nhà giàu, bọn tạch tạch sè (tiểu tư sản) tưởng tượng ra, theo như cách nói của những người vô sản. Vậy nên, Huy Cận muốn theo đảng thì cần phải đoạn tuyệt hẳn với Tự Lực văn đoàn và Nhất Linh. Do đó, ta không lạ gì khi thấy ông chẳng những chối bỏ tập thơ Lửa Thiêng được coi là đỉnh cao của thơ ca lãng mạn Việt Nam, mà suốt một đờì vẫn không ngớt lên án Nhất Linh, là mù quáng theo Việt Quốc chứ không theo đảng. Và, có như vậy ông mới leo tót lên tận ghế thứ trưởng rồi bộ trưởng bộ văn hóa nghệ thuật để bay đi làm đủ trò khắp thế giới.

Cái gì đã làm thui chột tài năng, về thơ lục bát ông chỉ đứng sau Nguyễn Du, như Nhất Linh đã từng nhận định về ông, có lẽ không nói tới nữa vì chúng ta ai cũng biết. Nhưng cái cách xoay ngược hay treo ngược tâm hồn ông lên, thì thật đáng sợ. Nói một cách hình tượng và thời sự, nó giống như con Covid-19 bảy màu của cúm Tàu bây giờ, làm đảo điên cả thế giới!

Cũng may ông thì chết rồi, nhưng bài thơ Buồn đêm mưa của ông vẫn còn sống mãi. Cũng như cái chế độ với những lãnh đạo đầu óc xơ cứng và ngơ ngáo kiểu cu Lặc kia, trước sau gì cũng bị những cơn mưa đêm cuốn vào ống cống của lịch sử như Gaddafi, vậy thôi. Phải vậy không, anh Thân Trọng?

KHUẤT ĐẨU
(Viết sau khi trò chuyện qua điện thoại với TTM, ngày 10/8/2020)


No comments:

Post a Comment