Tranh Văn Đen
Sống
mãi đến cái xuân thứ tám mươi không còn xanh nữa, tôi mới nhận ra đươc điều này. Ấy
là, càng đi gần tới chỗ không muốn tới mà vẫn cứ phải tới, là cõi tử, chân
không muốn bước thêm chút nào nữa, chỉ muốn đứng quay đầu nhìn lại. Mà quay đầu
thì chẳng còn chuyện gì để nói ngoài chuyện ngày xưa.
Không
phải ngày xưa chúng mình yêu nhau, mà là những ngày còn bé, có khi còn nhồng nhỗng
cỡi truồng tắm mưa.
Như
chiều nay, sau những ngày nắng như có khói, bỗng dưng một cơn mưa không báo trước,
lặng lẽ trút xuống. Mưa mà không có một chút gió, nên hạt mưa rơi theo chiều thẳng
đứng (mượn tên một cuốn phim), hạt mưa dài có lẽ đồng đều nhau, căng từ trời
cao xuống đất, lúc nào cũng song song, như sợi vải mắc trên khung cửi, một
khung cửi khổng lồ, mà thợ dệt chính là thợ trời.
Cho
nên phải nói là quá đẹp, đẹp ở ngoài trời và đẹp ở trong lòng. Tiếc là hạt mưa
rơi thẳng trên mặt đường nhựa, bắn tung tóe, chứ không mưa như mưa trong lòng
tôi ở quê nhà.
Sân
nhà bằng đất, nên hạt mưa rơi xuống làm đất mềm ra, một lúc sau nổi bong bóng.
Trời mưa bong bóng bập
bồng
Mẹ đi lấy chồng con ở
với ai?!
Lúc
nhỏ, chưa có nỗi sợ nào bằng sợ mẹ (lỡ dại!) bỏ con đi lấy chồng. Những chiếc
bong bóng cứ hiện ra rồi vỡ toang như giọt nước mắt của con. Cũng có lúc, giống
nước sôi vì con đang tức sôi máu khi nghĩ tới những người đàn ông dám cướp mẹ.
Chưa
bao giờ mẹ có ý định đi lấy chồng dù khi cha mất, mẹ mới có 23 tuổi và con nhớ
răng mẹ đen, tóc mẹ dài, da mẹ trắng, phải nói là còn trẻ và đẹp. Vậy mà tôi vẫn
cứ sợ và ghét những người đàn ông không phải là cha tôi mà lại láng cháng muốn
tôi kêu bằng cha. Bọn họ cứ thậm thò thậm thụt, đứng cửa trước chờ cửa sau, hỏi
mua thứ này bán thứ nọ, có kẻ mon men cho món này tặng món kia định mua chuộc
cái thằng nhỏ cứng đầu là tôi. Cái tiếng “dượng” thật dễ ghét và càng ghét hơn
khi có thêm cái tiếng “ghẻ” dơ dáy kèm theo.
Mưa
êm như thế này, mà mưa trên nhà lá mái, người nằm trong nhà chẳng hề hay biết.
Chỉ có lũ trẻ, trong đó đầu têu là tôi cùng với bọn trẻ hàng xóm ùa ra tắm mưa.
Không
gì thích bằng được tắm dưới một cơn mưa mùa hạ, mưa như có hàng ngàn cái vòi
sen cùng mở một lúc, nước ngập đầy sân tha hồ mà lăn mà lộn. Có thêm tiếng sét
càng vui hơn nữa, cả bọn đều nhảy dựng lên la hét rồi ù té chạy vào nhà.
Bọn
con gái đương nhiên không dám tắm truồng, chỉ ngồi trên thềm thò cẳng xuống hứng
nước từ giọt tranh hay hái lá thi nhau thả thuyền.
Những
chiếc thuyền màu xanh tự bơi tự lái theo dòng nước, có lúc nhanh lúc chậm, cuối
cùng ngập ngừng đôi chút rồi buông mình xuống một chỗ thấp hơn, xoay tít trước
khi cuốn theo dòng nước chảy xiết đổ ra vườn. Lá đứa nào rơi xuống trước là thắng
cuộc đua.
Mưa
sẽ ngon hơn, ấm hơn nếu lúc ấy được mẹ hay bà dúi cho một củ khoai lang lùi
trong bếp tro nóng. Và béo hơn nữa, thơm ngon hơn nữa, nếu được một cuốn bánh
xèo!
Cái
tiếng reo nức nở chào nhau của mỡ và bột khi gặp nhau trên khuôn nóng nghe mới
tuyệt làm sao. Xèo! Hơn cả hai, hơn cả hế lô. Huế, đặt tên cho con gái tên người
nào cũng lạ và đẹp, nhưng đặt tên cho món bánh bằng bột trộn tôm thịt rán mỡ
heo là “khoái” nghe điệu đà mà không mấy hấp dẫn. Đọc theo giọng miền nam là
“phái” nghe càng tệ hơn nữa, sao bằng “bánh xèo”, chưa ăn đã nghe nước miếng
tươm ra đầy miệng rồi.
Mưa
tạnh, cả sân vườn bỗng dậy mùi thơm của cây lá và hương nước mưa. Tôi nói hương
nước mưa là nói thật chứ không phải làm văn chương. Vì sao à? Vì mặt sân đang
nóng gặp nước mưa, hơi bốc lên ngùn ngụt, mùi của đất, của rơm rạ, có cả mùi
hương của cau hương của bưởi thì gọi chung là hương nước mưa cho nó gọn.
Cùng
lúc, nổi lên bản hòa âm của oàng ương, ếch nhái và dế mèn. Một bản hòa âm không
có nhạc trưởng, mạnh đứa nào đứa nấy chơi, lộn tùng phèo nhưng mà vui, ồn ào một
cách rất chi là dễ chịu.
Âm
thanh ở quê nhà còn có tiếng võng đưa kẽo kẹt, tuy không ngọt ngào nhưng đong
đưa nũng nịu dể làm mình, dù không được ai đưa cũng muốn ngủ. Nghe kẽo kẹt bỡi
hai đầu dây nghiến vào gỗ như hai thân tre cọ vào nhau, chứ không phải sột soạt
như những chiếc võng nilon núp dưới các lùm cây ở các ngã ba sung sướng.
Buổi
xế chiều nghe tiếng xay lúa rào rạo êm êm cũng rất dễ muốn ngủ, thì cứ ngủ đi,
một lúc sau sẽ có tiếng chày giã gạo nện thình thịch vào cối gọi mình dậy.
Đến
chiều là tiếng cơm sôi trong bếp, rồi mùi thơm của rau lang luộc, mùi cá kho
hâm đi hâm lại vẫn cứ thấy ngon, và bữa cơm chiều của nhà nghèo được dọn ra
trên chiếc nia đặt giữa sân, rồi tiếng nhai nhót nhép, tiếng húp rột rột, giữa
những tiếng heo kêu ụt ịt, tiếng nghé ngọ của trâu bò về chuồng.
Tiếng
cơm sôi quê mùa thế đấy cũng đã bước vào văn chương mà không cần phải qua hội
nhà văn.
Giang hồ? ta chỉ
giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi
cũng nhớ nhà!
(Phạm
Hữu Quang)
Già,
tai đã nghễnh ngãng nhưng sao tiếng gì của ngày xưa nghe cũng thật hay. Phải
chăng vì trong cái nghe ấy còn có chút ngậm ngùi vì biết đâu chiều nay hay sáng
mai, không bao giờ còn nghe được nữa.
Rồi
mắt mờ, nhưng vẫn thấy được hàng cau đứng trước nhà như những “liền anh” hát
quan họ đội dù đứng đón “liền chị”. Những hàng cau thẳng đuột, thanh mảnh, theo
tôi là đẹp hơn cả những hàng tre hay hàng dừa. Thôn Vỹ Dạ nếu không có những hàng cau nắng mới lên, thì đã không có
những vần thơ dễ thương của Hàn Mặc Tử. Và cau cũng đi vào văn học, rồi lau
lách đìu hiu của Phan Huy Vịnh, rồi lá ngô đồng, vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông của Bích Khê…
Bến
cũ hay bến xưa với cô gái chèo đò, nhớ sao là nhớ. Rồi xe thổ mộ với tiếng nhạc
ngựa nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn vọng âm của Huy Cận, Và về mái nhà xưa trông
như nấm nhà buồn, để nghe tiếng hú hồn mê oan, của Phạm Duy...
Ôi
chao, ngày xưa với nhà xưa, làng xưa, bến xưa, người xưa, áo xưa…những âm “xưa”
nghe như tiếng mưa thu thánh thót của Đặng Thế Phong, buồn và đẹp xiết bao!
Sợ
rằng, nói thêm một âm xưa nào nữa sẽ phải khóc, nên tôi xin dừng lại.
KHUẢT ĐẢU
No comments:
Post a Comment