Chân dung BS Đỗ Hồng
Ngọc
Charcoal on paper 28 x 24”
by Trương Đình Uyên
Gửi Nguyệt Mai
Nguyệt
Mai gửi e-mail bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Ở là cư ngụ hả Mai. Ở là lúc,
thời gian, phải không Mai. Em nói hay thật đấy, tôi đang hình dung những bước
chân tuổi 80 hôn trên đất (sư Nhất Hạnh bảo thiền hành với những bước chân như
là hôn mặt đất vậy), tôi đang tưởng thời gian đang bắt tay tuổi 80. Mà ai bắt
tay ai trước, với bản chất như thế thì chắc là anh Ngọc nhà mình rồi, Mai đồng
ý không? Bỗng nhiên tôi mở lại những hình của anh Đỗ Hồng Ngọc, hầu hết là anh
cười, mà cười tủm tỉm, mỉm cười. Khi tôi đọc văn thơ của anh lần nào cũng thầm
nói, anh Ngọc là vậy, cứ thế mà tủm tỉm đi tủm tỉm về tủm tỉm tới. Hình ảnh
đúng như bao người nhận xét, hòa nhã, thong dong, từ từ, nghĩa là tất cả những
hình ảnh nào mang tính dừng lại, thì là anh đấy! Anh là mỉm cười, là tủm tỉm,
là dừng lại. Tóm lại, là tự tại. Khiến tôi nghĩ đến câu hỏi của Vô Tận Ý bồ
tát: “Thế Tôn, Quán Thế Âm dạo đi trong cõi ta bà như thế nào?” Tôi thích nghĩa
dạo chơi này lắm, anh Đỗ Hồng Ngọc qua mấy chục pho sách tung tăng cõi bụi độ
thoát bao tâm tư thì quả là dạo chơi như thế đúng không hả Nguyệt Mai?
Trong
sách Biết Ơn Mình, anh viết,
Xây dựng hình ảnh về
chính mình (self-image) rất quan trọng, nếu đó là một hình ảnh tích cực nó sẽ
giúp cho mình tự tin hơn và từ đó ảnh hưởng đến “môi trường” xung quanh; còn nếu
là một hình ảnh tiêu cực thì sẽ rất không hay.
Tôi
nhớ đã nghe trong một pháp thoại của thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói, người
đang mỉm cười là tỉnh thức, là chánh niệm, là lúc vững chãi thanh thơi. Phải
chăng anh Đỗ Hồng Ngọc luôn tự tại mỉm cười nên chi ba-con-nợ tham sân si kia
chẳng có cửa mà vào? Thế có phải là Niết Bàn Lạc Trú như sư Nhất Hạnh giảng?
Hình ảnh ấy đã để lại những tình cảm tích cực nơi người có dịp tiếp xúc anh hay
tiếp xúc anh qua chữ nghĩa. Hình ảnh đó đối với riêng tôi như một nhắc nhở khi
tôi lậm vào những thứ buồn bã linh tinh về cuộc sống về bịnh tật.
Nguyệt
Mai bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Thì bây giờ chỉ nói cái gì liên quan đến
cái tuổi thôi nhé Mai, mà nói về phạm trù này thì hầu như chiếm hết trong danh
mục mấy chục cuốn sách của anh Đỗ Hồng Ngọc đấy, dám không! Tám mươi tuổi, nhìn
dáng vẻ mặt anh thì thấy, ừ 80 thật (dạ thưa quả-táo-nhăn-nheo, can chi một
chút eo sèo thời gian!), nhưng nghe anh nói chuyện, đọc văn anh thì ai cũng thốt
lên, sao trẻ trung thế! Tôi nghĩ anh được phong thái như thế vì anh chấp nhận
tuổi tác vui vẻ quá, đến tuổi nào thì reo tuổi ấy, đây là cách mà chị em mình
nên bắt chước đó, Kim Quy, Duyên, Mai, Thu Vàng, Thanh Lương ơi, cái màu tóc bạc,
cái da cổ nhăn nheo sẽ làm người ta quên ngó tới khi tiếp xúc với một ánh mắt ấm
áp, một nụ cười thân thiện -nếu không tủm tỉm được thì cứ mở hết diện tích của
cái miệng xinh, cũng tốt lắm-, khi nào đủ nội lực thì tức khắc tủm tỉm được
thôi.
Mà
anh đã vào mùa sinh nhật 80 ư anh Ngọc? Nhưng dường như ngày nào cũng là sinh
nhật anh mà, nhớ câu thơ này không, Nguyệt Mai, khi em tổ chức sinh nhật anh Ngọc
trên không gian ảo nên thơ của Những Tình Thân Ái?
Anh không có ngày sinh nhật/ Nên mỗi ngày/ Là
sinh nhật của anh…
(Sinh Nhật)
… Mỗi ngày ta rơi rụng/
Mỗi ngày ta phục sinh
(Vô Thường)
Ngày
nào mở mắt ra cũng nhủ cười: -hôm nay sinh nhật mình- nên chi anh Đỗ Hồng Ngọc
viết cả một loạt sách về cái nhân sinh quan reo tuổi -một võ công thâm hậu đủ sức
mạnh để xoay sở với thời gian-. Đôi khi tôi nhìn những vết nhăn, vướng một bịnh
nào đó của tuổi tác tôi cứ bị lôi về những kỷ niệm, làm sao tu để có được cái
tuệ giác vô thường hầu ứng xử với những nỗi buồn ấy…
Ở
đâu đó anh nói, đời người có ba hồi: Hồi trẻ, Hồi trung niên và Hồi đó. Cái Hồi
đó này bao trùm cả ba hồi. Như giờ ai hỏi tôi đang ở hồi nào, chắc tôi trả lời,
hồi đó, đúng lắm, vì ngay phút trả lời thì đã thành hồi đó rồi, nhưng không phải
là hồi xưa đâu, là cái đã, vừa qua mà cứ lung linh rung rinh hiện tại. Thế thì
em có hiểu thêm cái nghĩa của tủm tỉm không vậy, Nguyệt Mai? Anh lại bảo: … với tôi, tôi không hề biết mình đã có tuổi,
tích tuổi, lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già, và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn
trẻ (Thư Gửi Người Bạn Nhật Chưa Quen Biết). Bởi vậy mà tới tuổi nào anh
cũng có vô số chuyện để đối thoại với chúng, và lúc nào cũng như đứng trước tấm
gương tuổi mà hỏi, tôi bây giờ tôi khác
gì xưa (Về Thu Xếp Lại), rồi tủm tỉm tay bắt mặt mừng với nó. Hẳn là thời
gian cũng vui mừng khi có người bạn đồng điệu ngang cơ như thế. Luôn nhìn mình
hỏi mình để thấy được từng lúc rơi rụng,
phục sinh thì sao mà không vui vẻ với cái không ta để thanh thơi mỉm cười?
Mai
ơi, em có như tôi, vô cùng “gato” cái dũng ấy của anh không? Hùng lực ấy đến từ
đâu? Thưa ở nơi cái nhìn rất nên thơ về các giai đoạn đời người. Nên thơ nên
chuyển hóa được sợ hãi lo buồn.
Trong
Thư Cho Bé Sơ Sinh, anh viết:
Khi em cất tiếng khóc
chào đời
Anh đại diện đời chào
em bằng nụ cười
… Khi người ta cắt
rún cho bé thì từ đó cái lỗ rún trở nên một nơi chốn để nhớ về.
Khi
vừa lìa khỏi êm ấm cõi lòng mẹ, thì có ngay sau đó hình ảnh lỗ rún như một quê
hương để nhớ về. Anh đã nhìn nỗi chia lìa kia trữ tình làm sao!
Và
khi đến tuổi hoang mang vô kể thì anh cho đó là một phép lạ:
Rồi khi người ta đến
tuổi dậy thì, cũng một đợt “biến thái” đầy phép lạ nữa!… không chỉ thể xác mà cả
tâm hồn! Người ta xa lạ cả với chính mình. Cao vọt lên, dài ngoằng ra, chỗ
phình chỗ xẹp, chỗ lõm chỗ lồi, chỗ dư chỗ thiếu, làm người ta hoang mang vô kể!
… Vậy đó bỗng dưng mà
họ lớn (Huy
Cận). Họ ở đây là… mình chớ không phải ai
khác. Bỡ ngỡ xa lạ với mình ngày hôm qua, hôm kia… (Đỗ Hồng Ngọc)
Nếu
Hồi đó có ai nói với tôi rằng, có một
chiếc đũa thần gõ vào thân thể khiến nó thay đổi lạ lùng đến thế thì hẳn đã
không phải “théc méc” lo sợ! Các cháu bây giờ thì đã có bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giải
thích rồi, mà nói kiểu của bác thì hẳn đa số các cháu nghe xong sẽ làm văn làm
thơ… Bởi có cái nghe như thế này:
“Tới một tuổi nào đó,
ta quan tâm rất nhiều đến thân thể mình. Ta lắng nghe thân thể mình phát triển
như chú dế mèn lắng nghe tiếng cỏ mọc trong đêm khuya…” (Những Tật Bịnh Thông
Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò)
Nghe
như thế thì hẳn chả lo sợ gì mà thay vào là nỗi hồi hộp thơ mộng, nghe má mình
đang hồng lên, chờ một điều âm thầm nào đó đang khiến mình đẹp hơn lên… Nguyệt
Mai ơi, phải mà mình được trở lại tuổi đó để được nghe như thế thì thú quá phải
không Mai?
Rồi
tới cái tuổi mà Đỗ Hồng Ngọc bảo: Khi 20
tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình… (Một
Chút Lan Man)
… Nhưng khi em biết
thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước
mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến…
A.
Khi tình yêu tìm đến… vậy tất có cái
hồi rất dài đó, anh Ngọc ơi, không chỉ tuổi hai mươi đâu, đó là Hồi yêu, nhìn lại
những Reo Tuổi của anh xem, bất kể tuổi nào cũng có tình yêu hiện diện, sắc mầu
biến hóa như chiếc kính vạn hoa. Lúc nào Đỗ Hồng Ngọc cũng nhận diện được
Thương Yêu chung quanh mình. Nhận về rồi trao đi, rồi thủ thỉ với nhau, Ta đang
ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi
nào đẹp hơn nữa! (Một Chút Lan Man)
Nguyệt
Mai ơi, em bảo anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Nhưng với ý nghĩ lúc nào tôi cũng
thấy tôi đã già, và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ, thì tôi có kết luận rằng
lúc nào ông anh nhà thơ lãng mạn của chúng ta cũng ở vào Hồi yêu. Yêu em, yêu
người, yêu đời, yêu đạo.
Lúc
tôi đọc Thơ Ngắn Đỗ Nghê, tôi có ghi chú dưới mấy bài thơ tình mấy chữ: trời ơi
tình! Đã định bụng viết về mảng trời ơi này của anh, nhưng rồi lại xớ rớ đâu
đó, giờ tôi xin chép lại đoạn viết ngắn ấy.
…
Thời
gian chỉ còn là một đường tơ mong manh cho nỗi nhớ lay động. Hãy xem chàng làm
gì để nguôi? Phải hét lên cho cây già hốt trẻ, phải gióng vang chuông trần cho
ta bà biết nhớ…
Anh thương nhớ quá
làm sao nói
Gọi tên em vang động
gốc cây già…
… Nhớ ơi rung tiếng
chuông trần
Em xa xôi biết có bần
thần không?
(Quê
Nhà)
Phải
là tiếng chuông nhớ rất duyên nợ với rung động bần thần yểu điệu kia, nên Lá chín vàng / Lá rụng / Về cội / Em chín
vàng / Chắc rụng / Về anh. (Lá 1994). Thế thì Thôi hết cồn cào / Thôi không quặn
thắt / Chỉ còn âm ỉ / Chỉ còn triền miên (Nỗi Nhớ). Và bình yên. Có phải đã
ước nguyện với nhau như thế?
Có
thể nói tuổi cho tình yêu này? Say mơ của
tuổi hai mươi. Nồng nàn của tuổi ba mươi. Lắng thương sâu của tuổi bốn mươi. Và
biến hóa nhiệm mầu của tuổi không tuổi…
Đưa em đi lễ
Vầng trăng treo
nghiêng
Em làm dấu thánh
Anh làm dấu em.
(Đi
Lễ 1997)
Anh hôn đằng sau
Anh hôn đằng trước
Anh hôn phía dưới
Anh hôn phía trên
Chiếc áo của em
Món quà em tặng
Chiếc áo lạ lùng
Có mùi biển mặn
Có mùi dừa xiêm
Có mùi cát trắng
Có mùi quê hương…
Paris
1997
(Món
Quà)
Tinh
nghịch, mộc mạc, giản dị, đằm thắm, cảm động. Em và quê hương giờ đây hòa vào
nhau. Nhớ em là nhớ quê hương. Nhớ quê hương là nhớ em. Trời ơi là tình!
Cái
tuổi nào mà có thể thủ thỉ những câu có thể đưa nhau tới nơi không sinh không
diệt như vầy:
Cảm ơn em sợi bạc
Cảm ơn em sợi hung
Cảm ơn em năm tháng
Đã theo già cùng anh
(Theo
Già)
Nguyệt
Mai ơi, hẳn em cũng như tôi, đã rưng rưng khi đọc những câu thơ này, tôi cảm thấu
được thời gian gắn bó đi theo màu tóc thủy chung của tình vợ chồng, của đạo vợ
chồng. Chúng ta còn khóc huống chi là nhân vật Em kia, Mai nhỉ. Ai nói tuổi được
của cái Đẹp?
Nguyệt
Mai bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Tưởng tượng, một buổi sáng nắng rất đẹp
hứa hẹn một dạo chơi Đường Sách, bỗng thấy anh mình ngồi trầm tư loay hoay giữa
bộn bề sách vở thư từ tranh ảnh, ở mắt dường như có hạt thủy tinh, ngạc nhiên hỏi
cớ vì sao, cái tủm tỉm cố hữu bỗng nghiêm trang, “Vào tuổi tám mươi, anh nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc
“nhìn lại mình…” Hơ, tôi thấy mắc cười quá, đồng ý việc thu xếp lại kia,
nhưng “nhìn lại mình” thì anh lúc nào mà chẳng, mà thường trực nhìn lại mình cơ
chứ, phải không Nguyệt Mai. Đọc xem: … tôi
biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy
mà không có thì giờ cho già nữa! Hiện tại với tôi thì không có già, không có trẻ,
không có quá khứ vị lai… (Một Chút Lan Man) Nhìn ra vậy chẳng phải là pháp
tu của Người Biết Sống Một Mình? Thanh thơi với ở đây và bây giờ, chẳng phải là
ta, chẳng phải của ta…
… Mà bất ngờ vì tôi
chợt “nhìn ra” tôi. “Nhìn ra” khác với thấy. Nhìn ra là “quán”. Quán Tự Tại Bồ-tát
hành thâm Bát Nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không… Quán là thấy rõ (chiếu kiến). Tôi bấy giờ không còn là tôi bây giờ. Tôi bấy
giờ là tứ đại, là ngũ uẩn. (Tôi Chợt Nhìn Ra Tôi)
Và
trong buổi ngồi thu lại những ký ức thời gian và xếp lại những vướng víu đa
đoan ấy, anh đã tâm sự:
… Càng có tuổi, hình
như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng
khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng?
Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết.
Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải
là ta, chẳng phải của ta…
Nguyệt
Mai có nhận thấy không từ cái thay đổi của tuổi mới lớn đến tuổi hơi già, già
chút nữa, già thêm nữa đến…, anh Ngọc đều cảm nhận đó là những biến thái đầy
phép lạ, diễn biến tuyệt vời, tôi gọi reo tuổi là vậy:
… Nó diễn biến tuyệt
vời đến vậy, liên tục đổi thay đến vậy thì có gì đáng phàn nàn đâu, có gì mà
không thể tủm tỉm cười một mình đâu. Cho nên nếu tôi có gì khác tôi xưa thì
chính ở chỗ tôi có phần… khoái cái sự già nua tăng tốc đó của mình, tôi hồi hộp
dõi theo nó, tôi cảm thấy nó… hợp lý, nói chung là… cũng dễ thương quá đó chớ! (Tôi Chợt Nhìn Ra
Tôi)
Và
“người không già không trẻ” này kể kinh nghiệm hưởng thụ cái dễ thương đó:
Một là thiếu bạn.
Nhìn qua nhìn lại, bạn cứ rơi rụng dần… – Hai là thiếu… ăn. Không phải vì không
có điều kiện ăn mà người già thường thích những món ăn kỳ cục, và phải lắng
nghe mệnh lệnh của bao tử… – Ba là thiếu vận động! (Những Cái Thiếu Ở
Người Già)
Nghe
thì thấy anh Đỗ Hồng Ngọc chả thiếu cái nào, các bạn trong Gánh Hát Rong mở
email từ hồi nảo hồi nao đến giờ có phải là anh thường xuyên ngao du sơn thủy
cùng bạn hữu không? Lúc thì với hồng nhan tri kỷ của cuộc đời, lúc thì bạn cố cựu
cỡ nửa thế kỷ như Lữ Kiều rồi thì Khuất Đẩu Lê Ký Thương Nguyễn Lệ Uyên Nguyên
Minh Lữ Quỳnh… chưa kể một hàng dài người ái mộ xếp hàng chờ một chữ ký trên
trang sách thơm, chưa kể ở khắp nơi có biết bao người đang cầm trên tay sách của
anh, chưa kể Gánh Hát Rong còn có: Huyền Chiêu, Ngọc Vân, Kim Quy, Duyên, Thu
Vàng, Nguyệt Mai, Thanh Lương, và Khánh Minh đây. Nói chung thì Người Trẻ Lạ
Lùng Đỗ Hồng Ngọc kia lúc nào cũng có cái Bên Cạnh. Có khi thì em bé mò trai lượm
ốc, có khi là người chủ quán cà phê, có khi thì cây bàng, tảng đá, có lúc là những
thuyền thúng, còn không thì có nụ cười tủm tỉm trên môi. Đâu có thiếu bạn. Còn
ăn ư, cũng không thiếu nốt, vì ngồi với bạn là có cái gì đó để cùng nhau nhâm
nhi, thậm chí ngồi quán ăn xong thì có ai đó bí mật trả tiền rồi. Mà đã đi lang thang hết núi tới rừng tới biển
tới quê nhà thế thì sao thiếu vận động được, ôi chả trách người viết Biết Ơn
Mình. Và chắc giờ đây sau khi Về Thu Xếp Lại và hỏi Để Làm Gì thì “Khi bạn hoàn tất việc sắp xếp lại căn nhà của
mình, bạn sẽ thấy cuộc đời mình thay đổi một cách diệu kỳ.” Tôi cảm thấy
cái diệu kỳ nhất, là nhận ra mình cần chậm lại, để nghe trái tim lên tiếng, để
cảm nhận những chuyển biến dù nhỏ nhất xung quanh mình, trong bản thân mình”
(Tìm Tết). Chậm lại, nghe tiếng trái tim, cho ta năng lực để thấm thía được hết
những đau khổ và hạnh phúc, mới tu học được bốn tâm vô lượng mà Phật dạy để đối
xử với người với mình trong hiểu và thương, phải vậy chăng?
Ở
Hồi yêu ấy người-ta lại nói thêm, nghiên
cứu cho thấy có vẻ như càng già người ta càng yêu nhiều hơn, yêu vội hơn và
càng yêu thì càng sống khỏe sống vui hơn! Khi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”
thì mới thấy còn có bao nhiêu thời gian để yêu thương và được yêu thương?
Nguyệt Mai bảo anh Ngọc đang ở sinh nhật 80 đấy. Nhớ anh có bài thơ rất tình:
thì viết cho anh một
lá thư tình
trên tờ pelure xanh
như thuở em mười lăm…
… thời gian qua nhanh
em nay lên bảy tám
cũng vừa mười lăm
anh vẫn đợi hoài lá
thư màu xanh
đọc run thuở đó…
(Biết
Làm Gì Đây, 2020)
Khi
đọc bài thơ trên của anh, tôi có trả lời, em
nghĩ ừ hay mình viết một lá thư tình cho ai (cho cố nhân hay cho thời gian)
trong lúc đang shelter in place này bằng giấy pelure xanh chăng? Có vậy mới
quên được bầy quỷ Covid-19 đang hoành hành, và tuyệt thay tôi nhận được câu trả
lời của anh, mà em chưa tới bảy mươi viết
thư tình hơi quá sớm chăng? Ừ, thì cứ như Đỗ Hồng Ngọc, như Quang Dũng, em mãi là hai mươi tuổi, ta mãi là mùa xanh
xưa…
Và,
Nguyệt Mai ơi hãy nghe cùng tôi những tế bào sinh sôi khi đọc: Cái tuổi đẹp nhất của đời người theo tôi có
lẽ ở vào lứa 65-75. Đó là lứa tuổi tuyệt vời nhất, sôi nổi nhất, hào hứng nhất…
Tuổi vừa đủ chín tới…” (Lời Ngỏ – Về Thu Xếp Lại). Như vậy thì tất cả trong
Gánh Hát Rong mình đang là tuổi chín tới
đấy, nghe cực lãng mạn phải không các bạn trẻ
lạ lùng của tôi? Ơi Huyền Chiêu Ngọc Vân Kim Quy, ơi Duyên Thanh Lương Thu
Vàng ơi…
Santa Ana, Jul 24,
2020
ntkm
* Những chữ viết xiên
trong bài là văn, thơ của tác giả Đỗ Hồng Ngọc.
No comments:
Post a Comment