Thursday, August 27, 2020

VIẾT GIỮA MÙA ÔN DỊCH - BÀI 7. MÊ LÀ SAO. MÊ CÁI GÌ? NÓI THỬ NGHE CHƠI!

Khuất Đẩu

Bên sông. Tranh Đinh Cường

*Viết vì nhớ Kiệt Tấn

Chữ “mê” đứng một mình ên, như cô bé bên bờ Cửu Long giang (truyện của Lữ Kiều), cô thèm đi đôi guốc mới mua, nhưng thẹn thùng nên lén chị ra bờ sông chỉ để…rửa chân. Rất hiền và rất dễ thương.
Vậy mà khi thêm đầu và thêm đuôi, thì chữ “mê”lại trở nên rắc rối. Kiểu như cô nàng bỗng dưng cởi áo ra rồi mặc áo vào, phơi cả lưng và ngực giữa đất trời bao la, chắc chắn ngòi bút của nhà văn bác sĩ phải một phen bối rối.
Thêm đầu thì có si mê, đam mê, đê mê, ba chữ này nghe rất đã, ai mà chẳng ham, nhưng gây mê để lên bàn mổ, thì xin đừng.
Thêm đuôi, như mê mẩn, mê man,  mê mệt…có vẻ như dẫn ta vào đường tình, không phải tình yêu mà tình…dục.
Thời muốn đẻ bao nhiêu có sức cứ việc đẻ, có một lão nông miền Trung đặt tên con như vầy:
Mai/Tao/Lên/Chơi/
Mê/Say/Quên/Dìa.
Cũng có “kế hoạch” đấy chứ. Tám đứa, vừa đủ 2 câu thơ bốn chữ, thì dừng!
Không như bây giờ, nhà nước vận động kế hoạch hóa gia đình, áp phích treo đầy đường:
GIA ĐÌNH/
HAI CON VỢ/
CHỒNG HẠNH PHÚC!
Nình ông quá đã, (được những hai con vợ, sao không đã!) nhưng nình bà thì quá thua thiệt, xuống đường biểu tình phản đối là cái chắc.

Đem chữ “mê” đặt tên con, xem ra cũng chỉ là chuyện nhỏ. Nhạc sĩ Nhật Ngân trong bản nhạc để đời  Một mai qua cơn mê, cứ tưởng là mê tình, không ngờ là mê muội vì hai miền nam bắc, suốt bao nhiêu năm cứ lao đầu vào húc nhau. Đấy mới thiệt là chuyện lớn, vì cuộc chiến vừa qua đúng là một cơn mê dài, quá ngu!
Bản nhạc được viết năm 1971, giữa lúc sắp ký kết hòa đàm Paris, nên ông mơ ước một mai hòa bình “sẽ bay đi muôn phương, sẽ hái trái đem cho mọi nhà”.
Tưởng là tỉnh táo, không u mê, hóa ra bé cái nhầm. Hòa ước ký vừa ráo mực, miền bắc liền phang tới tấp cho miền nam sụm bà chè, rồi đưa cả ngàn thi sĩ, văn sĩ và nhạc sĩ vào tù!

Tản Đà hỏi: Dân hai nhăm triệu ai người tỉnh? Có nghĩa rằng suốt đêm dài Pháp thuộc, nhiều người cứ mãi ngủ mê không chịu thức dậy. Giờ 5 triệu đảng viên, được bao nhiêu người tỉnh ngộ bỏ đảng CS? Lèo tèo, chưa đếm đủ mười đầu ngón tay! Nhưng một vài người rất đáng ngưỡng mộ.
Một người là nhạc sĩ Tô Hải, còn đươc gọi là Tô Hèn vì loạt bài ông tự thú Tôi là thằng hèn, vừa chửi mình vừa chửi đảng rất chi là phản động.
Một người nữa, là nữ nghệ sĩ Kim Chi. Bà nổi tiếng không phải vì đóng phim Cô gài Sài Gòn đi tải đạn mà vì từ chối cái rụp danh hiệu “cao quý” nghệ sĩ nhân dân mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn ký tặng. Bà bảo tôi xấu hổ mắc cỡ khi có tên ông ta treo trong nhà. Ngon hết sẩy, chịu chơi hết sẩy. Mới đây, dù đã trên thất thập, vẫn cưới một cụ ông trên bát thập cũng bỏ đảng là tiến sĩ Mạc vân Trang. Hai người, tuy “ đã hết gân rồi còn tái giá”* vẫn được con cháu và cộng đồng mạng chúc mừng rối rít.

Nói vậy, chứ gọi cuộc chiến là cơn mê cũng chưa to chuyện bằng thêm chữ “gái” sau chữ mê!
Mê gái! Không ngờ cái đuôi “gái” này lại dài như đuôi sao chổi Halley, nó làm cho một nửa nhân loại sáng lấp lánh, còn một nửa thì tối sầm vì tím ruột bầm gan. Bài này chỉ xin nói về nửa đám nhân loại có thằng tôi trong đó.
Đúng là “chuyện bây giờ mới kể”!
Kể rằng, cái thằng tôi lúc học lớp ba trường làng, một hôm trời không nắng cũng không mưa, giữa lúc gió đồng vi vu thổi vào lớp hoc, tiếng thước kẽ thầy giáo gõ lên bàn kêu bom bóp, bỗng có một giọng con gái thỏ thẻ (và trọ trẹ nữa), dạ, trò ni đi trễ, xin thầy tha cho!
Chẳng những ông thầy nổi tiếng hung dữ (chứ không ác) quắc mắt ra nhìn, mà cả bốn chục thằng con trai hỉ mũi chưa sạch cũng trố mắt mà nhìn theo! Người bị nhìn dữ dội là một thiếu nữ chừng 13, 14 tuổi, chị của một đứa học trò tản cư chạy giặc từ Huế vào, mới học được mấy ngày. Nghe vậy, thầy cụp mắt xuống, phẩy tay cho cậu em vào. Cả lớp cũng cụp mắt theo, nhìn vào vở.
Vậy thôi. Thầy vô tư, cả lớp cũng vô tư, nhưng cái thằng tôi thì không vô tư! Suốt cả buổi học tôi cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, đến nỗi bị thầy giáo đến bên cạnh nhéo tai mấy cái đau thấu trời, mới chịu tỉnh ra.
Mấy ngày sau cũng vậy! Vở sách lem luốc, chữ viết như cua bò! Suýt chút nữa bị thầy đến nhà “mắng vốn”.
Hóa ra là tại cô nàng! Không phải vì cái giọng nói trọ trẹ, mà vì mái tóc nghiêng nghiêng và đôi mắt “buồn viễn xứ khôn khuây”! Vậy là mê gái đứt đuôi con nòng nọc rồi, nói cho văn vẻ là tương tư!
Trời ạ, chưa đến mười tuổi mà đã biết tương tư. Cái bệnh này còn đáng sợ hơn cả covid 19, vì theo khảo sát của các nhà khoa học, trong số hơn 15 triệu sinh linh trên trái đất bị con covid nó hành, chưa có sinh linh nào dưới 10 tuổi bị dương tính cả.
Nhưng mà, bệnh tương tư không do virus, nên cách trị cũng khác hẳn và dễ ợt. Chỉ cần cha tôi bắt nằm úp mặt xuống phản gõ, thẳng cánh đánh 5 roi quắn đít là khỏi bệnh ngay. Tiếc thay và cũng mừng thay, ông đi làm mã tà ở cõi âm nên tôi cứ thoải mái mà mang cái bệnh ngọt ngào đó tới lúc học cấp hai.
Cũng một mái tóc nghiêng nghiêng và giọng nói trọ trẹ, nhưng không phải của học trò mà là của cô giáo, (thế mới bỏ mẹ!) Cô ấy vừa mới ra trường, lại đang fall in love một thầy giáo cùng trường, nên “mắt cô ướt và tóc cô mềm như mây mùa đông”.
Là gái Huế, vừa đoan trang (giả bộ) lại vừa diện ngầm với áo tím than và khăn quàng trắng, trông cô thướt tha yểu điệu làm sao, nên cái thằng oắt con là tôi, chết một cửa tứ, bị cô hớp mất hồn. Cha tôi dẫu có sống lại cũng khó mà chữa khỏi bệnh. (vì tôi dại gì mà khai báo, trường cũng đâu biết mà cách ly bằng cách đuổi học).
Bệnh cứ âm ỉ bên trong khiến tôi cứ mơ mơ màng màng, ngồi trong lớp mà cứ tưởng đang bay lơ lửng giữa trời cao, rồi lại nhẹ nhàng rơi xuống như lá mùa thu. Mới lỏm bỏm tiếng Anh, nhưng tôi bỗng hiểu thế nào là fall in love và thầm phục người Anh đặt tên đúng chóc!
Thế rồi, một hôm bỗng dưng cô vào lớp với mái tóc phi dê xoăn tít như râu bắp, chắc là sắp lấy chồng. Ôi chao, trời sập cũng không làm tôi kinh hãi bằng.
Trước, cô thanh cao đài các bao nhiêu, giờ cô nặng nề trần tục bấy nhiêu!
Trước, mắt cô ướt, tóc cô mềm, giờ mắt cô khô tóc cô gãy!
Tôi buồn hắt buồn hiu, không phải vì cô sắp lấy chồng, mà vì từ đây lớp học không còn ấm áp như bếp lửa chiều đông nữa!
Nhưng may quá, cũng từ đó tôi khỏi bệnh!

Thời của tôi là vậy đó, mấy anh chàng mê gái trông là biết liền. Cứ xem cái cách anh ta đi lờ đờ, điên không ra điên khùng không ra khùng, lục trong túi chẳng có một đồng xu teng, mà chiều nào cũng đi bát phố (giờ là shopping), cứ đi tới đi lui, đi lên đi xuống, mỏi chưn thì vào hàng sách, giả bộ coi quyển này lật quyển kia,  chỉ để chờ một tà áo, một mái tóc, rồi xớ rớ đứng gần người sắp gieo mầm bệnh, là đủ sướng đến tê cả người!
Phải nói, thằng con trai nào mới lớn cũng đều mắc bệnh mê gái cả, không mê là coi chừng pê đê, tệ hơn nữa bị gọi là cù lần. Bệnh này không quý phái sang chảnh như bệnh tim, nhưng vẫn  rất đáng được một lần trong đời thử mang bệnh, cho ai đó nổi ghen tức chơi
Nổi danh mê gái (già), mê đến nỗi phát điên phát khùng là thi sĩ Bùi Giáng. Nào Marilyn Monroe, nào mẫu thân Kim Cương, mẫu thân Phùng Khánh. Gọi mẫu thân kính cẩn đề huề, vì các nàng đẹp thì có đẹp, nhưng chắc không hiền, láng cháng coi chừng bị oánh cho bầm mặt. Nhưng khi chỉ một mình, thì ông gọi “em ơi, em đẹp vô cùng/ vì em có cái lạ lùng bên trong”. Cái gì lạ lùng bên trong đó chỉ có ông hiểu và Trời hiểu mà thôi. (vậy nên nói nhỏ, ông khôn bỏ mẹ, điên gì mà điên).
Một thi sĩ mê gái rất mực thanh tao, là Hoàng Trúc Ly, làm thơ rất ít nhưng lại được nhiều người biết tiếng. Có thể ông mê nhiều nường, nên chẳng dại gì mà gọi tên nường nào, chỉ biết rằng nhờ mê gái mà ông để lại cho đời những câu thơ tuyệt hay. Như:
Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng/ Trông về con nước ngại ngùng xuôi/ Những người con gái bên kia ấy/ Ai biết chiều nay có nhớ tôi?!
Hay là: Ô hay con gái bay nhiều quá/ Những cánh tay mềm như cánh chim.
Tiếc rằng, anh đau gan, anh yếu phổi, đi lớ ngớ bị xe tông, bỏ lại mẹ già không ai cõng!

Lại một chàng trẻ ranh, nhờ mê gái mà nổi danh thi sĩ, là Nguyễn Tất Nhiên. Mới học đệ tam (lớp 10) mà đã yêu điên yêu dại cô bạn gái cùng lớp. Thơ chàng, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, trở thành những bài tình ca bất hủ.
Cái bệnh mê gái của chàng, mê đến chết, nên có thể gọi chàng là Trương Chi thời hiện đại, còn Mỵ Nương là người con gái tên Duyên.
Bệnh mê gái cũng đâu có tha những nhà sư chưa thoát tục. Như Phạm Thiên Thư, dù khoác áo nâu sồng, vẫn cứ mê mải theo chân Ngọ về rồi làm thơ ướt át suốt cả đêm, tu mà như thế đến Phật Thích Ca cũng phải chịu thua.
Các nhạc sĩ thì khỏi phải nói, mê gái có từ trong máu, không mê gái thì không cách gì làm ra nhạc được. Nhạc đây là nhạc tình. Trịnh Công Sơn mê Diễm viết Diễm xưa, mê Thanh Thúy viết Ướt mi,…Vũ Thành An mê đến mấy chục nường, biết gọi tên ai, thôi thì không gọi tên cho chắc ăn, Không tên số một, Không tên số hai… đến Không tên cuối cùng! Nhờ thế, các nường “bỏ anh em đi” đều lẩm nhẩm hát thầm, trong khi đức ông chồng nằm bên cạnh cứ ngáy khò khò, chẳng biết trời trăng gì ráo!
Nhà văn đương nhiên lại càng mê gái hơn. Như Đoàn Thế Nhơn mê cô vợ tên Viễn Phố, bèn lấy bút hiệu là Võ Phiến. Rồi Mai Thảo yêu tiếng hát và người hátThái Thanh, chung tình đến nỗi đến chết vẫn chỉ yêu một người có “tiếng hát vượt thời gian” mà thôi.

Nhưng mê gái như Kiệt Tấn thì đến cả tổ sư G.Marquez ở Nam Mỹ cũng phải gọi bằng ngài, tức Don Kiệt! Cứ thấy gái là mê, tôi mê gái thì học dở còn ngài càng mê càng học giỏi, thế mới lạ. Từ gái quê bồng em, bán nước mía, đến gái phố thị đài các kiêu sa, từ gái nhà lành đến gái đĩ, từ gái ta đến gái tây, từ gái viết sai chính tả tùm lum đến gái thuộc thơ J. Prévert, từ gái không điên đến gái điên…, ngài mê tuốt. Không cần biết xấu đẹp sang giàu, có gái là mê, không mê chết sướng hơn!

Còn nửa nhân loại kia thì sao? Gái có mê trai không? Có đấy! Mà mê bạo hơn, điên dại hơn, ngu muội hơn. Mê nghiêng mê ngửa, mê đứng mê ngồi, mê như bị bỏ bùa.
Một nàng Thôi Oanh Oanh cha chết chưa chôn còn để nằm trong hòm, mà mê Trương Quân Thụy ở Mái Tây đến nỗi dám sai nữ tỳ mang cả chăn chiếu sang chung chăn với chàng. Ngày xưa mà như thế, phải nói là gan cùng mình! Mê đến thế không còn gọi là dại trai nữa,  mà phải nói là chết vì trai!
Lại thêm một gái góa tên Trác văn Quân, chưa hết tang chồng cũng đã bỏ nhà theo trai vì mê tiếng đàn của Tư mã Tương Như!
Nổi đình nổi đám nhất là Vương Thúy Kiều, vừa mới gặp Kim Trọng mà “tình trong như đã”, nên tuy kín cổng cao tường vẫn lén dòm sang bên kia nhà, rồi đó ra vườn dạo chơi, giả bộ đánh rơi chiếc trâm cài tóc trên cây!
(sao lại rơi trên cây mà không rơi trên cỏ, ấy là để chàng Kim dễ nhìn thấy, có cớ mà làm quen! Vẽ đường cho hươu chạy còn oan nỗi gì!).
Mới quen buổi sáng bên hàng dậu, mà  buổi tối  đã “băng lối vườn khuya một mình”, thì chỉ thua mỗi Thôi Oanh Oanh là không dám mang chăn gối theo mà thôi!

Đó là chuyện mê trai của các người đẹp xưa, còn chuyện mê trai của các người đẹp nay, thì dẫu có cho kẹo tôi cũng không dám nói, vì sợ bà chủ tịch Gia hội và “nhóm lợi ích” của bà!
Chỉ có điều, trộm nghĩ (tức là nói trộm đờn ông mí nhau ) rằng, thì là, xem ra, mê gái hay dại gái, nửa đám nhân loại “vinh dự có tôi đi hàng đầu”kia, cũng chỉ làm đẹp cho dời, chứ có làm chết thằng tây đen nào đâu.
Nào thơ hay như Hoàng Trúc Ly, nào nhạc mê đắm bao thế hệ như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… nào tranh của L. Da Vinci với nụ cười bất tuyệt của La gioconda … chứ mê trai hay dại trai thì sao nào, dù không hại đời cũng hại nhà, như Thôi Oanh Oanh, Trác Văn Quân, bằng không thì hại mình như Thúy Kiều! Mười lăm năm mà sao không tan tác khi phải “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”, nên các cụ xưa cấm con gái xem Thúy Vân Thúy Kiều, cũng đâu có sai!

Sau chữ “mê” còn dài đến cả cây số. Như mê bài bạc, mê đánh số đề, mê xóc đĩa, mê xì phé, mê xì ke, mê mua sắm, mê nhà lầu xe hơi, mê địa vị chức tước, mê quyền lực, mê võ thuật, mê bóng đá, mê chơi games,…còn nhiều thứ mê lắm.
Thôi thì mê gì cũng được, ít nhiều trong mê đều có ngu, có dại, nhưng mê cọng sản thì đáng đem bắn bỏ chứ không “cải tạo” gì được, vì đó là cái mê ngu nhất, dại nhất, chẳng những hại riêng một người, mà còn hại đến nhiều người, chẳng những không lợi nhà mà còn hại nước, phải không phe ta, hả ngài Don Kiệt?!

KHUT ĐU
Tháng bảy, mùa ôn dịch

*Đã hết gân rồi còn tái giá là vế một câu đối của bà hàng phở nạ dòng. Tức là hết phở gân rồi chỉ còn phở tái và giá sống thôi. Được một ông sồn sồn đối lại nhưng không chỉnh: thì đem xíu quách nhậu cùng anh.

No comments:

Post a Comment