Sunday, August 16, 2020

MẸ VÀ THƠ: NHÌN TỪ CHÂU Á

Phan Tấn Hải


Các nhà thơ Châu Á
viết về Mẹ

Chúng ta đang trong mùa Lễ Vu Lan Báo Hiếu. Truyền thống Phật Giáo Việt Nam đón Lễ Vu Lan sẽ là ngày rằm tháng 7 âm lịch, tính theo dương lịch là ngày 2 tháng 9/2020, tức là khoảng hai tuần nữa. Lễ này xuất phát từ sự tích ngài Mục Kiền Liên, vị môn đồ Đệ nhất thần thông của Đức Phật Thích Ca, nhìn thấy mẹ của ngài thọ khổ dưới địa ngục, nên ngài đã xin Đức Phật chỉ phương pháp cứu mẹ ra khỏi kiếp quỷ đói. Tại Việt Nam, Phật tử đón Lễ Vu Lan Báo Hiếu thường là trọn tháng ăn chay, tụng kinh, làm từ thiện để hồi hướng công đức cho cha mẹ. Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một như đường mía lau... Hình ảnh người mẹ luôn luôn là nguồn cảm hứng thi ca. Lòng mẹ nhìn từ các nhà thơ Châu Á sẽ là chủ đề của bài này.

Nhà thơ NHẬT BẢN Jūkichi Yagi (1898-1927) là nhà thơ, nhà văn, nhà giáo. Năm 1925, ông xuất bản thi tập đầu tiên, nhan đề “Autumn's Eye” (Mắt Mùa Thu). Ông gia nhập một nhóm các nhà thơ tại Tokyo, và thơ ông xuất hiện trên nhiều tạp chí văn học. Năm 1926, ông bệnh lao phổi, và nằm liệt giường cho tới khi từ trần năm 1927; lúc đó, ông mới 29 tuổi. Năm 1928, thi tập thứ nhì của ông gồm các bài thơ ông đã chọn trước khi chết, nhan đề “Poor Believers” được ấn hành. Các bài thơ chưa xuất bản khác của ông được ấn hành trong nhiều năm sau nữa, và sau cùng, toàn tập thơ ông “The Complete Poems of Jūkichi Yagi” ấn hành năm 1959. Sau đây là bài thơ nhan đề “Mắt Của Mẹ Tôi” của Jūkichi Yagi.
.
MT M TÔI
© Jūkichi Yagi

Trong đêm
khi tôi mở mắt
tôi nghĩ về mẹ tôi nơi quê nhà xa xôi
cũng mở đôi mắt của mẹ và nói, “Ôi đứa con thương của mẹ.” (Hết)
.
Zaki Ovais là một nhà thơ sắc tộc ROHINGYA, và là một nhân viên phát triển cộng đồng trong một trại tỵ nạn nằm giữa Miến Điện và Bangladesh. Người Rohingya liên tục chạy tỵ nạn trong 200 năm qua, khi họ bị quân đội Miến Điện liên tục bố ráp, xua đuổi ra khỏi quê nhà họ ở Rakhine. Vào tháng 12/2017, sau khi bị quân đội Miến Điện tổng tấn công, đốt nhà, hiếp dâm, tra tấn… khoảng 625,000 người Rohingya chạy tỵ nạn từ Rakhine, Miến Điện, sang nước láng giềng Bangladesh. Bài thơ “I am a Rohingya” (Tôi là một người Rohingya) là bài thơ đầu tiên của chàng thanh niên Zaki Ovais, cho thấy anh sợ hãi chính phận người của anh, và tự thấy anh như gà con nép mình dưới cánh gà mẹ. Bản Anh dịch của James Byrne.
.
TÔI LÀ MT NGƯI ROHINGYA
@ Zaki Ovais
.
Tôi là một con ruồi trong bếp, vo ve
trên mép bờ của một bức vách che.
.
Tôi là một con gà dưới cánh mẹ
ẩn trong khe hẹp của bờ ức mẹ.
.
Tôi là một chim bồ câu trên đường phố Yangon
bị giam trong chiếc lồng bất nhân.
.
Tôi là dòng nước chảy trong sông Mayu
nhớ tới người bạn thân thương: Khí trời.
.
Tôi là một người trong vũ trụ
bị bác bỏ hầu hết các quyền căn bản.
.
Tôi là một người tự sợ chính mình. (Hết)
.
Nhiều thế hệ người TÂY TẠNG sinh ra và trưởng thành tại Bắc Ấn Độ, trong đó có nhà thơ Kaysang. Cô lớn lên tại thành phố Dharamshala, trú xứ lưu vong của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14, học văn học tại Delhi. Kaysang là đồng sáng lập Drokmo, một tổ chức nữ quyền hoạt động trong các cộng đồng người Tây Tạng và các sắc dân Hy Mã Lạp Sơn tại Ấn Độ. Thi tập đầu tiên của cô là “broken portraits” (các chân dung tan vỡ) xuất bản năm 2016. Bài thơ sau đây của Kaysang có nhan đề “untitled” (không đề) như một lời thưa với mẹ, mang âm hưởng thần thoại, nhìn mẹ như một hóa thân bồ tát, trích các đoạn cuối như sau.

UNTITLED
@Kaysang
.
…mỗi khe nứt trên da của mẹ
ủ các chuyện kể về
một trăm ngàn ngày
nuôi ăn một trăm người.
.
các anh em mẹ gọi mẹ là
thiên nữ
kiêu hùng
thần nữ bảo vệ ---
họ là các con trai mẹ
và con, đứa con gái duy nhất của mẹ.
.
bàn tay mẹ chỉ biết
để yêu thương,
để làm việc,
để tận hiến,
để chăm sóc.
.
thưa mẹ, con đã
thừa hưởng
đôi tay mẹ
và trọn sức nặng của chúng. (Hết trích)
.
O Yŏng-jae, nhà thơ ĐẠI HÀN nổi tiếng, sinh năm 1935 tại Jangsung, tỉnh Chonnam, Nam Hàn. Khi Cuộc Chiến Triều Tiên bùng nổ vào năm 1950, ông nhập ngũ trong Quân Tình Nguyện Nhân Dân khi mới 16 tuổi, và từ đó ông sống tại Bắc Hàn. Ông là tác giả nhiều thi tập. Đối với dân Nam Hàn, ông được biết nhiều nhất với bài thơ “Mother, Please, Don’t Get Older” (Mẹ ơi, Xin Mẹ Đừng Già Thêm Nữa) ông sáng tác khi gặp lại mẹ ông năm 2000 trong sự kiện hội ngộ các gia đình ly tán giữa Nam và Bắc Hàn. Bài thơ sau đây nhan đề “Oh, My Mother” (Ôi, Mẹ của Con) do O Yŏng-jae sáng tác khi nghe tin mẹ vẫn còn sống ở Nam Hàn sau 40 năm bặt tin. Toàn văn như sau.
.
ÔI, M CA CON
@ O Yŏng-jae
--- khi nghe tin sau 40 năm rằng mẹ vẫn sống ở Miền Nam
.
Sống,
Vẫn sống,
Và gần tám mươi
Ngay cả hôm nay Mẹ vẫn còn sống.
Một mặt trời đột nhiên lên cao
Giữa đêm đen
Trận mưa rào niềm vui tràn ngập
Chảy tràn bờ, và tuôn trào từ tim con.
Một niềm vui nặng nề đè bẹp con.
Ngã xuống, con khóc,
Đứa con trai này kêu khóc.
Trên đầu gối con, cảm giác con… biến mất,
Con quỳ lạy lần nữa và lần nữa.
Những gì đã gìn giữ Mẹ
Cho tới hôm nay,
Không phải ơn phước nào từ Trời,
Cũng không phải Thời Gian thấy tội nghiệp.
Chính là niềm tin của Mẹ
Đã giữ đầu Mẹ ngẩng cao với thế giới
Bởi vì Mẹ sẽ không nhắm mắt lại
Cho tới khi Mẹ ôm đứa con trai này một lần nữa.
Hướng về niềm tin của Mẹ
Con quỳ gối xuống
Mẹ ơi, con cảm ơn Mẹ
Ôi Mẹ ơi, con cảm ơn Mẹ. (Hết)
.
U Sam Oeur là nhà thơ CAM BỐT, sinh năm 1935, sống sót qua 4 năm trong các trại tập trung của chế độ Pol Pot bằng cách giả như mù chữ sau khi hủy hết tất cả các bản thảo văn học của ông để đóng vai lao động cưỡng bách ở các nông trường. Ông trưởng thành ở tỉnh Svey Rieng, lên học ở thủ đô Phnom Penh, du học Hoa Kỳ, lấy bằng Cử Nhân ở Cal State-Los Angeles và bằng Cao Học M.F.A. về Thơ tại Iowa Writers Workshop, về lại Cam Bốt năm 1968, sống bằng nghề dạy học, nhập ngũ hai năm (1970-1972), đắc cử chức Dân Biểu và được chọn làm đại biểu Cam Bốt tại Liên Hiệp Quốc. Tháng 4/1975, quân Khmer Đỏ toàn thắng. Vợ chồng ông, đứa con trai và mẹ vợ bị đưa vào tuần tự 6 trại tập trung trong vòng 4 năm. Khi vợ ông trong trại tập trung sinh ra cặp song sinh, bà đỡ trong trại siết cổ chết hai bé song sinh theo lệnh cai tù vì không thể có thêm miệng ăn trong tù. Khi quân đội Việt Nam đánh bại quân Khmer Đỏ, U Sam Oeur và gia đình trở về Phnom Penh.
Ông vào làm ở Bộ Kỹ Nghệ. Năm 1991, một bài thơ ông chỉ trích quân Việt Nam đang giấu trong hộc bàn bị lộ ra, ông bị quy chụp là âm mưu hoạt động dân chủ Cam Bốt, và bị ép nghỉ việc. Một nhà thơ Hoa Kỳ, bạn học của của ông, vận động tổ chức Dashiell Hammett-Lillian Hellman Foundation Fund For Free Expression bảo lãnh ông sang Hoa Kỳ trong môt chương trình văn học quốc tế kéo dài ba tháng vào tháng 9/1992. U Sam Oeur được các bạn học Hoa Kỳ đưa vào Iowa’s International Writing Program với cương vị Independent Scholar (Học giả Độc lập) và do vậy kéo dài thời hạn chiếu khán. Trong thời gian ba tháng, ông dịch nhiều bài thơ của ông sang Anh văn, gửi tới nhiều tạp chí Mỹ.  NXB Coffee House Press in tập thơ song ngữ của ông, nhan đề “Sacred Vows” năm 1998, và in tập hồi ký nhan đề “Crossing Three Wildernesses” của ông năm 2005. Bây giờ, hai vợ chồng ông đều là công dân Mỹ, đinh cư tại Texas. Sau đây là toàn văn bài thơ “Only Mothers will Embrace Sorrows” về những bà mẹ Cam Bốt bi thảm trong cuộc chiến.
.
CH CÁC BÀ M ÔM LY NI BUN
@ U Sam Oeur
.
Tôi dò bước, đi xuyên qua nỗi cô đơn
tới căn chòi nơi chúng tôi trước kia
ngồi tụ tập uống rượu đế
vui với hòa bình giả tạo.
Tôi ngồi dưới mái nhà lợp lá cọ
nhìn vào ghế của các bạn
nhưng không còn thấy ai
nghe chỉ những tiếng cười của các bạn.
.
Nơi đây, y hệt như mọi nơi khác ---
bỏ hoang,
các ngôi làng của những căn nhà không mái đen thui
tôi không thấy dù là một con chó.
.
Những tiếng mìn nổ
tiếng súng đại bác gầm rú
từ tuyến đầu tới tuyến đầu, lay động tất cả
những hạt phấn của hoa champa.
.
Không nơi để trốn, không nơi nào dưới bầu trời được an nghỉ
và tiếng rên rỉ của trẻ em
và tiếng khóc của các bà mẹ
vang theo lửa đạn lóe lên khắp nơi.
.
Và thân xác các bạn, các anh em, đã che chúng tôi
chắn đạn, và máu các bạn
tung lên khắp Mẹ chúng ta, thúc đẩy hồn tôi
vĩnh viễn tôn thờ hoa sen và hoa nhài. (Hết)
.
Li-Young Lee là nhà thơ INDONESIA gốc HOA, sinh năm 1957 tại Jakarta, Indonesia, ba mẹ là người Hoa. Thân phụ của Lee là bác sĩ riêng cho Mao Trạch Đông khi còn ở TQ, đã đưa cả gia đình sang được Indonesia. Năm 1959, gia đình Lee lại bỏ trốn khỏi Indonesia khi phong trào bài Hoa tăng vọt đẫm máu, và sau chuyến đi dài 5 năm qua Hồng Kông và Nhật Bản, vào Mỹ định cư năm 1964. Nhờ đó, Li-Young Lee trưởng thành trong nền học vấn Hoa Kỳ. Thi tập “The City in Which I Love You” (Thành Phố Nơi Đó Tôi Yêu Em) của Lee được giải thưởng Lamont Poetry Selection năm 1990 của Academy of American Poets. Bài thơ nhan đề “I Ask My Mother to Sing” (Tôi Mời Mẹ Tôi Hát) của ông với hình ảnh tiếng hát lẫn vào tiếng mưa, như sau.
.
TÔI MI M TÔI HÁT
@ Li-Young Lee
.
Mẹ khởi đầu, và bà ngoại cùng cất tiếng theo
Mẹ và con gái hát y hệt như các cô gái nhỏ
Nếu cha tôi còn sống, ông sẽ chơi
đàn phong cầm và lắc lư như một chiếc thuyền.
.
Tôi chưa từng ở Bắc Kinh, cũng như tại Cung Điện Mùa Hè
cũng không từng đứng trên Thuyền Đá vĩ đại để xem
mưa bắt đầu rơi trên Hồ Kuen Ming Lake, những người tới chơi
đang chạy biến đi trong cỏ.
.
Nhưng tôi yêu thích được nghe hát
nhìn các cây bông súng tràn ngập nước mưa cho tới khi
chúng lật nghiêng, tràn nước vào nước hồ
rồi đứng thẳng lại, và ngập nước mưa trở lại.
.
Cả hai người đàn bà bắt đầu khóc
Nhưng không ai ngưng tiếng hát. (Hết)
.
Ko Soe Naing, nhà thơ MIẾN ĐIỆN và là một nhà hoạt động dân chủ. Anh là một sinh viên của Học Viện Kỹ Thuật Ragoon (Rangoon Institution of Technology) tham gia cùng các bạn chống lại nhà nước quân phiệt. Anh bị cảnh sát bắn bị thương, trầm trọng tới mức hết cứu nổi, trong tháng 3/1988. Trước khi chết, anh làm bài thơ “Real Answer” (Câu Trả Lời Thực), trong đó có lời gửi tới ba mẹ. Toàn văn bài thơ như sau.
.
CÂU TR LI THC
@ Ko Soe Naing

Bạn tôi ơi
Tôi không muốn thì thầm
cơn đau tôi chịu đựng
nhưng muốn kể mọi thứ.
.
Đó là cảm giác xúc động
Viên đạn trong phổi tôi
như các bác sĩ đã nói.
.
Nhưng bạn ơi
nhà độc tải đã ra lệnh để môi tôi phải nói
đó là vết thương
gây ra từ một mũi tre nhọn
.
Sau chai máu thứ tư
bơm vào
nhưng không gì đỡ hơn
.
Tệ hại nhất tôi cảm thấy buồn là
những chiếc còng ở cả bàn tay và cổ chân.
Không để tấm thân xanh xao của tôi
cử động gì.
.
Ba má tôi thở dài và khóc
những đôi mắt đen sầm và tai đã lãng
Tôi nhận ra và cảm nhận hoàn cảnh mình
lần cuối trong đời mình
lựa lọc những chữ căng thẳng
và để trả lời câu hỏi
của “Ủy Ban Thanh Tra Bí Mật”
về sự thật mà họ không ưa thích.
.
Cái Nằm Trong Phổi Tôi
Là Một Viên Đạn Thực. (Hết)
.
Nhà thơ Nhã Ca nổi tiếng từ thời còn ở VIỆT NAM. Bà sinh năm 1939 tại Huế, vào Sài Gòn năm 1960, sáng tác với nhiều thể loại văn học như thơ, tiểu thuyết, bút ký, hồi ký. Năm 1964, thi tập Nhã Ca Mới của bà ấn hành, và được trao Giải Thi ca toàn quốc năm 1965. Trong khoảng thời gian 1960 – 1975, bà xuất bản 36 tác phẩm nhiều thể loại. Trong đó, tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế viết về biến cố Tết Mậu Thân 1968 tại Huế được trao Giải thưởng Văn học toàn quốc năm 1970. Cũng vì tác phẩm này, sau ngày 30/4/1975, bà là phụ nữ duy nhất có tên trong danh sách 10 “biệt kích văn hóa” ở miền Nam Việt Nam, cùng với các nhà văn khác, và bị nhà nước CSVN bắt giam trong 2 năm. Chồng bà, nhà văn Trần Dạ Từ, bị giam hơn 12 năm. Năm 1989, do can thiệp của Văn Bút Quốc tế, Ân xá Quốc tế và Thủ tướng Thuỵ Điển Ingvar Carlsson, bà và gia đình sang Thuỵ Điển tị nạn. Năm 1992, bà và gia đình sang California định cư, cùng chồng sáng lập Việt Báo Kinh Tế và rồi đổi tên là Nhật Báo Việt Báo. Sau đây là bài Thơ Sớm Mai của nhà thơ Nhã Ca, ghi lời người mẹ viết cho ngày đầy tuổi của con.
.
THƠ SM MAI
@Nhã Ca
.
Buồn buổi sớm đầy trong ngăn kín
Vườn ăn năn cây cối vừa xanh
Sáng chủ nhật mặt trời đỏ chín
Đầy tuổi con rồi đó nghe anh
.
Nghe đó anh, con đầy tiếng nói
Sự thật kìa, con nói đi con
Nói đi con, nói dùm mẹ với
Buồn bã nào cớm nổi lộc non
.
Con nói đi kìa mặt trời mọc
Mặt trời đang mọc mặt trời hồng
Mặt trời đang mọc ba đừng khóc
Mưa gió nào chôn nổi rạng đông
.
Con nói đi, kìa sáng chủ nhật
Chủ nhật sao đầy ắp cửa nhà
Nụ cười trong máu hơi trong đất
Tiếng nói con đầy lịch sử ta
.
Sáng chủ nhật đầy ắp mọi người
Con nói đi mặt trời đang mọc
Mặt trời mọc, mọc rồi, mọc rồi
Mặt trời mọc mà sao mẹ khóc. (Hết)
.
Một nhà thơ ẤN ĐỘ xưa cổ… Ubbiri là một vị Hoàng Hậu, trước khi trở thành một vị Thánh Ni. Nỗi đau đớn khóc con đã dẫn bà tới cơ duyên gặp Đức Phật và rồi học đạo. Trong hàng môn đệ của Đức Phật có hàng trăm vị Thánh Tăng, Thánh Ni để lại các bài thơ bất tử. Trường hợp bà Ubbiri đã có duyên lành từ nhiều kiếp xưa. Trải qua nhiều kiếp quá khứ, bà Ubbiri đã có nhiều công đức trong thời của nhiều vị Cổ Phật. Trong một kiếp ở thời Cổ Phật Padumuttara Buddha, bà sinh tại thị trấn Haŋsavatī. Một hôm, khi ở nhà một mình vì ba mẹ dự tiệc ngoài phố, bà nhìn thấy một vị A La Hán tới gần, bà mới bước ra cung thỉnh vị sư tới trước nhà, mời ngài ngồi, lấy bình bát của ngài và chất đầy thức ăn dâng cúng. Vị trưởng lão thọ nhận, cảm ơn và bước đi. Nhờ công đức như thế, bà sinh lên cõi trời. Tới thời Đức Phật Thích Ca, bà sinh trong một gia tộc quyền quý ở thành Savatthi.
Vì bà xinh đẹp, Vua Kosala đưa bà vào nội cung. Vài năm sau, bà sinh hạ môt bé gái tên là Jiva. Vua hài lòng, tấn phong bà Ubbiri làm Hoàng Hậu. Một thời gian ngắn sau, bé gái từ trần, và bà tới khóc con hàng ngày ở nghĩa trang. Một hôm, bà tới bày tỏ lòng tôn kính Đức Phật, ngồi xuống giây lát, và rồi bước ra, đứng than khóc bên bờ Sông Achiravatī. Đức Phật hiện thần thông, tới trước mặt bà và hỏi rằng tại sao lại khóc. Hoàng hậu bạch Thế Tôn rằng bà khóc vì con gái từ trần. Đức Phật nói: “Thiêu xác trong nghĩa trang này có 84,000 đứa con gái của con, con muốn khóc đứa nào?” Oai lực từ lời dạy của Đức Phật Thích Ca và công đức nhiều kiếp quá khứ tức khắc giúp bà Ubbiri nhìn thấy cái mênh mông vô tận của cõi luân hồi, và nhận ra bà đã nhiều kiếp ẵm xác con ra thiêu nơi nghĩa  trang này.
Đức Phật đọc bài kệ:
Người khóc trong rừng: “Jiva, con gái ta ơi.”
Ubbiri, tỉnh thức đi: 84,000 đứa con trước giờ đều có tên Jiva
đã thiêu xác nơi nghĩa trang này.
Ngươi thương khóc đứa con nào?

Hoàng Hậu Ubbiri tức khắc đắc quả A La Hán. Đây là một trong vài trường hợp hy hữu, đắc quả cao nhất trong khi chưa xuất gia. Bà Ubbiri đọc bài thơ tạ ơn Đức Phật:
Xong rồi, đã hoàn toàn
bứt ra mũi tên rất mực khó thấy
từ trái tim con
Con đang tràn ngập nỗi đau đớn vì thương đứa con gái
Và Đức Thế Tôn đã lấy ra nỗi đau cho con.
Hôm nay — với mũi tên bứt ra
không còn tham luyến gì, toàn bộ
là Niết Bàn —
Đối trước Phật, Pháp, Tăng
con xin quy y Tam Bảo.
.
Và sau cùng, kính chúc tất cả độc giả một Đại Lễ Vu Lan trang nghiêm và hạnh phúc, sức khỏe an lành, thoát hiểm nạn, vượt qua mùa đại dịch.
PTH



1 comment: