Saturday, August 27, 2011


Tư lò rèn 

Hoàng Xuân Sơn



Không hiểu tại sao khi đặt bút viết về Từ Công Phụng (TCP) tôi lại liên tưởng tới nhóm chữ Tư-Lò-Rèn. Ý nghĩ này có thể bắt nguồn từ địa chỉ điện thư của một người bạn quen biết đã khá lâu : tulaurent@ . . ., họ Từ ghép với tên thánh hay một địa danh nào đó.

Phải rồi: Tư-Lò-Rèn, một cái tên rặt Việt, người nhạc sĩ Việt Nam lừng danh ấy tựa như một người thợ rèn chăm chỉ, ngày này qua tháng nọ cần mẫn ráp nối, hàn gắn, tạo tác những kỷ vật tinh xảo cho đời sống âm nhạc. Tôi như thấy thấp thoáng hình bóng người thợ rèn mang họ Từ một hôm ngọa bệnh gục xuống, không chịu buông tay theo định mệnh, vẫn cố vươn vai đứng dậy bằng ý chí quật cường, miệt mài ôn tập những ngọn lửa dương cương rực ngời từ bệ phóng. Và rồi chiếc đũa thần âm nhạc cũng đã trở lại với đời, hồi sinh từ tôi luyện.

Tin Từ Công Phụng lâm trọng bệnh làm choáng váng nhiều người: giới hâm mộ anh, và nhất là bằng hữu.Vẫn biết những căn bệnh vô thường của trời đất ập đến lúc nào không ai hay ai lường trước được, vô phương chống đỡ. Già Ung, vâng, thường hay vồn vã han hỏi không từ một ai. Đã có biết bao bạn bè tôi trên xứ người xáp mặt lão gia này rồi lần lượt ra đi như những vì sao lặn sớm. Nhìn hình ảnh tiều tụy của Phụng những ngày chống chọi với căn bệnh nan y, không khỏi lo lắng, ngậm ngùi nhớ lại giây phút ngặt nghèo của Hoàng Xuân Giang, Hoàng Phúc . . . đối diện với hơi thở mỏi mòn từng giây từng phút. Khán thính giả bốn phương cầu nguyện cho anh. Tất cả bạn bè cầu nguyện cho anh. Chị Ái, người vợ hiền vẫn luôn luôn bên cạnh anh trong suốt quãng đời thăng trầm. Và rồi Từ Công Phụng khỏi bệnh như một phép lạ. Nhưng hơn hết cả, chính bằng vào ý chị và nghị lực của anh, TCP đã hồi sinh như tin vui mùa xuân mà chị Lai Hồng đã rộn rã loan báo cho bằng hữu khắp nơi. Vâng, người nhạc sĩ ấy đã trở về với Muà Xuân Trên Đỉnh Bình Yên. Hôm điện thoại báo tin mừng cho tôi, bằng giọng nói ấp áp và tiếng cười rộn rã như dạo nào, Phụng nói đùa  là bệnh nó quậy mình thì mình phải quậy lại cho nó đi chỗ khác chơi. Đó là một tinh thần lạc quan rất mực vậy!

Thời gian trước 75 ở Sài Gòn, giao tình của tôi và Từ Công Phụng tuy không mật thiết bằng với Trịnh Công Sơn nhưng cũng rất đậm đà tình thân giữa những người bạn trẻ đồng trang lứa trong hoàn cảnh quê hương đất nước thời binh lửa. Chúng tôi vẫn luôn có nhau trong những sinh hoạt riêng và chung. Tôi biết Phụng qua đám bạn Văn Khoa, Dược Khoa, Quốc Gia Hành Chánh v.v. TCP sáng tác rất sớm, qua nhạc phẩm đầu tiên – Bây Giờ Tháng Mấy - đã nổi tiếng ngay. Phụng cũng đã có lần trình diễn ở Quán Văn với Thanh Lan những nhạc phẩm sáng tác dồn dập sau đó ( Trên Vùng Tuổi Mây, Tình Khúc Từ Công Phụng . . .) . Trong các nhạc sĩ sáng tác vừa trình diễn, TCP là một người hát rất hay với giọng ca trầm ấm hiếm có , rất ít người sánh kịp. Hơn nữa , tính tình thâm trầm ăn nói nhỏ nhẹ với mọi người, cách cư xử  chân tìnhvới bạn bè , niềm  hãnh diện vì tài năng nhưng không kiêu ngạo v.v là những điểm son khiến anh có người ái mộ ở khắp mọi nơi, từ mọi giới. Dòng nhạc tình TCP lúc nào cũng cho ta cái đẹp sáng của tâm hồn. Dù lắm lúc nghe ray rứt, ngậm ngùi, nhưng là một nỗi ngậm ngùi man mác, thăng hoa chứ không cầu lụy. TCP cũng thuờng xuất hiện trong những sinh hoạt thanh niên, sinh viên với người nữ cũ Từ Dung (xin lỗi chị Ái) mà bọn chúng tôi thường gọi đùa bằng cái hỗn danh “đôi song ca từ từ ”. Nhớ hôm kỷ niệm ngày vui của TừTừ ở Câu Lạc Bộ Làng Văn có đông đủ bằng hữu văn nghệ tham dự. Có Trịnh Công Sơn/Khánh Ly. Có Lê Uyên và Phương. Có Mai Hương Kim Tước v.v . Có tôi xâm mình cầm dùi gõ trống cho chị Kim Tước hát 60 năm cuộc đời tặng đôi lứa.


Tôi ít có kỷ niệm với TCP nhưng rất quý mến anh bởi bản chất chân tình và lịch sự với bằng hữu như đã nhắc( bao giờ cũng thế, dù khi gặp lại anh ở xứ người sau này ) . Những năm sau 75 đứt bóng, Phụng và tôi thường la cà ở những quán cà phê vỉa hè Lê Thánh Tôn gặp gỡ hàn ôn dăm phút với đám bạn bè thất thời thất thế. Định cư ở Montreal Canada chừng 3 năm, tôi vui mừng gặp lại TCP trong một xuất trình diễn chung của Phụng với các ca sĩ Thái Hiền, Duy Trác. Phụng vẫn thế! Vẫn con người thâm trầm dạo nào của Xứ Thâm Trầm. Phụng hát vẫn hay và có chiều ăn khách, được mến mộ hơn các bạn đồng diễn. Vui vì gặp lại cố tri. Và mừng cho tài năng vẫn vô cùng rạng rỡ của bạn.  TCP có nhiều bạn ở Montreal. Cứ thế đôi ba năm chúng tôi lại được dịp sinh hoạt chung. Lần gặp gỡ sau cùng trước khi Phụng ngọa bệnh là buổi văn nghệ ra mắt của Song Thao, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn ở Toronto với sự góp mặt đặc biệt của Từ Công Phụng khoảng  mùa hè năm 2005.

Là một ca nhân tài tử, lúc trước tôi hay hát TCS. Về sau, ở một thời điểm nào đó tôi đâm ra mê nhạc TCP, thích hát và hát nhiều nhạc Phụng. Lúc lòng mình đã lắng xuống theo tuổỉ chiều, giai điệu và lời ca TCP như quyện lấy, cuộn lấy tâm thức và hình hài, của những tháng năm còn lại một đời người. Nhạc TCP đến với đời ở lại với đời như một dòng nhựa thơm quyến rũ : nghe được một lần thèm được nghe thêm – hát một lần thèm hát mãi . . .Dòng nhạc tình ấy lãng đãng mà kiêu sa, như chất keo dính liền vào những cuộc tình đôi lứa. Xin chúc lành Từ Công Phụng, tài sức vẹn toàn; mãi mãi như những bài tình ca bất hủ của anh.



Laval, Quebec, tháng 8 năm 2011

Hoàng Xuân Sơn



Những búc hình 

Lưu Na



Ông bạn hân hoan khoe, khều, này, đọc cái này đi, hay lắm.  Cái này là một quyển sách cũ, được đưa lên mạng năm 2009.  Sách về chính trị thì tôi chịu, nhưng lại mang một khía cạnh và hình ảnh lịch sử cần biết, tôi ghé mắt đọc bảng mục lục, lời giới thiệu v.v…  Thấy bạn còm cõi trước máy, tôi hứa in ra giấy để ông khỏi phải ngồi ôm computer đọc mấy trăm trang.   

Bản download của ông có nhiều hình ảnh và format trang nhỏ nên sách dài hơn ba trăm rưởi trang.  Tôi loay hoay lên net tìm bản khác download cho nhẹ.  Thật là rách việc.  Có lấn cấn chuyện ai là tác giả.  Tôi tốn 3 ngày mò mẫm, biên thư hỏi thẳng người có bản quyền và bị mắng té tát.  Tôi không giận.  Nếu Ba có viết sách mà có ai lại hỏi tôi rằng có thực sách đó của Ba thì tôi còn làm dữ hơn là mắng.  Những người đặt vấn đề không có chứng cứ.  Và những người biết, những người mà tôi tin, cũng lại phải im lặng vì không thể nói một chuyện không giấy trắng mực đen: người đã không toàn mạng, hỏi chi chuyện tài liệu xa vời…  Tôi chỉ còn cách nhắc ông bạn của mình chuyện bản quyền.  Bù với vài giọt nước té tát vào mặt, tôi hiểu thêm đôi chút về quá khứ, về người của muôn năm cũ.  Quí hơn nữa là những ghi nhận được từ các bức hình chụp 50 năm trước. 



Nhìn vẻ tần ngần của bạn trước những bức hình đính kèm trong sách, tôi hiểu ông lưu luyến người xưa và lưu tâm tìm thêm hình trên mạng để bạn xem cho “đã.”  Mà rồi tôi “đã” !!!! 

Hình, người đàn ông ấy không như những gì tôi đã được đọc.  Người ta tả ông là một cái bóng uy quyền then chốt của triều đại ấy.  Người ta tả ông lạnh lùng kín đáo.  Tôi thấy ông có vẻ là người cô đơn_cô đơn_không phải lạnh lùng, giản dị, trí thức (không có nghĩa kiêu ngạo), và hơi ngại ngần đám đông.  Ở rất nhiều hình, hiếm thấy ông nhìn vào ống kính.  Nhưng cái tự tin trong im lặng toát ra trên mỗi bức hình.  Thì ông có chuyên nghiệp về quản thủ thư viện, một công việc đòi hỏi kiến thức và học thức.  Người ta tả ông là lý thuyết gia then chốt, tôi thấy nét mặt ông mang vẻ suy tư hơn là nghiêm cẩn đằng đằng, không mấy khi đứng trước đám đông hay có mặt trong vị thế chỉ đạo.  Ông giữ đúng vị trí quân sư chăng?  Và như vậy có gì đáng chê trách? 

Thích nhất là những bức hình của bà.  Hay tôi lây bịnh của ông bạn: thích phụ nữ?   

Người đàn bà ấy đã lãnh rất nhiều phê phán.  Chưa biết viết một bài luận tôi đã nghe Ba phán cho bà 2 chữ nặc nô (không biết nghĩa gì).  Khi đã biết đọc, tôi đọc không biết là bao những lời chỉ trích thái độ hành động lời nói của bà.  Mà quả bà có những lời quá quắt tai hại và tôi ngờ là những lời ấy đã làm lung lay một chân ngai vàng.  Nhưng 50 năm qua đi, những gì được tiết lộ theo với thời gian cũng như những gì vẫn còn trong nghi vấn khiến tôi phải thành thật nhận với tôi rằng những lời ấy tựa như bức hình tướng Nguyễn ngọc Loan giơ súng bắn người cán binh Cộng sản. 

Trong hình, bà là người tự tin và bộc lộ.  Bà luôn nhìn vào ống kính, nụ cười luôn mang vẻ thông minh thách thức, và thoáng chút tinh nghịch trẻ thơ.  Bà ăn mặc thực ra là đơn sơ so với địa vị.  Hàng vải nội hóa chứ đâu có lụa là nhung gấm chi nhiều.  Nữ trang vừa phải chứ đâu có oằn cổ vẹo tay quay con mắt.  Tôi đã thấy hình nhiều mệnh phụ đài trang quyền quí rực rỡ muôn phần hơn.  Nhưng tấm áo không làm nên con người.  Ở bà, cái thanh lịch nằm trong chọn lựa thẩm mỹ, trong cử chỉ, trong vẻ tự nhiên tự tại.  Bà dám chọn màu thích hợp cho bà, dù nó khác khẩu vị đám đông.  Bà dám họa kiểu cho mình (kiểu chả có gì quá đáng), dù nó tách khỏi truyền thống.  Và bà dám đảm nhiệm vai trò cần thiết ở ngoài tam cung lục viện như đã định sẵn.  Bà dám là bà trước đám đông, dám chấp nhận thử thách đặt trước mình. 




Hình cho thấy bà có mặt trong nhiều lãnh vực hoạt động của xã hội trong nền Cộng hòa mới hình thành.  Nếu nhìn những phụ nữ thời nay, xa là công nương Dianna, gần là bà Clinton, công nương Kate, thì những việc bà làm thực ra đúng với vai trò đã đặt lên vai.  Cái khác, là họ, những người phương Tây, được giáo dục và huấn luyện, được expected để làm những việc đó, nhận những vai trò đó.  Còn bà ở một nước mà mới trước đó có tây học như cô Nguyễn Hữu Thị Lan về nước làm Nam Phương Hoàng Hậu thì cũng phải mũ mão cân đai, và cũng phải đứng đúng vị trí mà truyền thống đã định.  Những gì đặt trước mặt bà lúc đó mới với toàn thể người dân Việt, và bà đã đảm nhiệm tích cực.  Như vậy, chính là đám đông chậm đổi thay cho phù hợp, sao lại chê trách người đã kịp thời thích ứng?  So với đệ nhất phu nhân triều sau, bà vẫn là người đi trước, không giới hạn công việc trong hoạt động từ thiện xã hội: ra nước ngoài vận động dư luận, tiếp xúc báo chí, gây phong trào hoạt động hỗ trợ chính quyền, hỗ trợ chồng… 

Nhưng thích hơn hết là những bức hình bà cùng gia đình quây quần bên nhau.  Ông luôn tươi cười thoải mái.  Các con luôn đứng gần bên mẹ với nét thích thú.  Một người đàn bà độc đoán hay quá quắt khó gieo được sự thoải mái nơi chồng con.  Một phụ nữ thiếu nữ tính khó tạo được nét êm đềm khi đứng bên nhau nơi người chồng.  Tôi ngắm mãi những bức hình ấy, bức hình bà vai tựa má kề với ông, bức hình bà đang tươi cười vuốt mặt ông, bức hình bà đang đứng sát kề bên ông cười nhắm cả mắt, bức hình bà khoác tay ông dạo bước, bức hình bà vui chơi nơi hội chợ cùng ông.  Trong những bức hình ấy thấy ông thật thoải mái tươi cười không né tránh ống kính hay ngại ngần ống kính như những bức hình chụp trước đám đông (có muốn gian dối hay đóng kịch cũng không qua được mắt các ông phó nhòm).  Ở chỗ này bà vẫn đi trước thời đại của mình: tỏ niềm yêu ái như người phương tây.    

Nhưng tôi không chỉ thấy người đàn bà ấy qua hình.  Tôi còn thấy bà trong bóng tối lặng thầm.  Trong lúc quả phụ Kennedy, bà Jackie Kennedy luôn chiếm một góc trên sân khấu xã hội, thì người đàn bà ấy lui ra khỏi mọi ánh sáng với vành khăn tang và một mình nuôi 4 đứa con.  Mẹ góa con côi không chỉ mình bà, nhưng khi trang sử triều đại của gia đình bà bị xé rách, bà vẫn giữ vẹn toàn cái lề trong thinh lặng.  Tôi phải nói rằng cảm kích khi không phải thấy bà mặc áo dạ hội thật đẹp (phô nửa cái lưng nõn nà) lên sân khấu thương mại trao giải văn nghệ hay hoa hậu gì đó cho một chương trình ca nhạc thi đua gì đó; không phải nghe bà hát khoe giọng, không phải thấy bà khiêu vũ trong dạ tiệc mua vui, và không phải nghe nhắc tên bà 26 lần trong một bài viết về một chuyện vớ vẩn đến nỗi tôi không biết được ý chính là gì để nhớ.  Tôi còn nghiêng mình trước chọn lựa của bà, không sống trên đất kẻ thù.  Khi từ chối định cư trên đất kẻ thù, bà đã nhổ bãi nước bọt thầm lặng.  Vẫn không chỉ riêng bà có chọn lựa đó, nhưng một người đàn bà đứng trong uy quyền mà trong một phút mất mọi thứ từ địa vị đến hạnh phúc cá nhân bằng một cách thật thê thảm, bà đã không gập người khuất phục.  Bà không có hồi ký phân trần kể lể, cái thứ có thể mang lại ánh sáng và tiền bạc, hay chí ít là lòng thương cảm.  Bà vẫn là bà, và dù lịch sử có thể phê phán hành động lời nói của bà, nhưng có lẽ khó chê trách được tư cách đó. 

Tôi phải cảm ơn những người đã chụp những bức hình 50 năm trước ấy.


Lưu Na _ 08/16/2011



ký ức xám  

Đinh Cường


                                                  Tranh Đinh Cường

vẫn buổi chiều trên đường rừng
cơn mưa giông buồn
tiếng chim hót quen
trú mái nhà ai vắng lặng
bải cỏ xanh mới cắt 

trở về góc quen, bật ngọn đèn vàng
giọng hát lê uyên
làm nhớ những đêm lục huyền cầm
đà lạt ,vẫn đà lạt xa xưa
và tiếng đàn guitare đắm say của lộc  

khuya trở về băng qua mấy con dốc
trời đầy suơng mù
vẽ cho đến sáng em ngựa trắng và đồi
bây giờ đang mùa hè
nắng buồn hơn mưa sơn nhìn thấy
khi ngồi cùng nhau uống rượu
duới gốc cây hoa giấy già
vuông sỏi trắng, tượng lê thành nhơn  

vẫn trước khi đi ngủ gõ vài dòng
thả trôi theo ký ức xám …

Virginia, 11 Jun 2011
ĐC





Tản mạn
bên tách cà phê


Nguyễn Xuân Thiệp


Em có tìm anh trên những hàng cây




Một đêm trong ngôi nhà của Nguyễn Xuân Phước bên hồ ở Irving có trăng lên sau hàng cây, Nguyễn được nghe giọng hát khản đặc và tiếng đàn guitar Hoàng Ngọc-Tuấn, ngân lên và vang rơi, như tiếng nức nở như tiếng kêu đường, gợi bóng những troubadours, những người hát rong đường phố thuở xưa -trong hai bài hát của anh- Bài Hát Chào HàngCái Dường Như Là. Cả hai bài hát đều được viết ở Sài Gòn và hát ở Sài Gòn nhiều năm trước, khi anh cùng Hoàng Đình Bình rong chơi trong đói rách. 

hỡi người qua lại
xin đừng e ngại
khi ghé lại quán này


xin mời đến ngồi
nếu bàn chân mỏi
xin mời đến ngồi
một góc đời nhỏ nhoi

ai cần khí trời
ai cần tiếng cười
xin vào chơi

          (Bài Hát Chào Hàng ở quán Huy Tưởng) 

[…]


không phải là sắc
không phải là màu
không phải là sáng
không phải là chiều
là cái dường như tìm khắp mọi tinh cầu
không phải là nét
không phải là đường

không phải là bóng không phải là hình
là cái dường như
nằm trong cuộc tử sinh
không phải là máu không phải là lệ
không phải là da không phải là thịt
không phải là xác không phải là hồn
là cái dường như đi đứng trong cõi đời…

            (Cái Dường Như Là,  bức tranh siêu thực của Sài Gòn thời Xuống Hàng Chó Ngựa)


   Tiếng hát và ca từ của Hoàng Ngọc Tuấn gợi mình nhớ lại một thời khốn khó, tối tăm ở Sài Gòn, gợi lại cả những vẻ đẹp của đất trời một thuở.
   Và rồi nhớ lại: Ở những năm đi tù Cộng Sản về, những năm đầu thập niên 1980, để sống cho đến tận cùng cái khổ và nỗi tuyệt vọng, Nguyễn và các bạn thường hay đến ở chỗ sân ga cũ trên đường Lê Lai xế bên bùng binh Sài Gòn, chỉ để rít điếu thuốc lào và uống ly trà đắng của một cô bé lang thang từ Bắc vào. Trong cái không khí nửa âm nửa dương của buổi chiều dần tối, mới cảm thấy thấm thía thân phận của người dân dưới chế độ bạo quyền:

đời thổi bạt ta ra hè phố
mỗi gốc cây là một mái nhà
trong đấy chén ửng màu nâu sậm
ánh trăng tan. giọt máu đời ta…

   Và cũng trong những đêm không phải là máu không phải là lệ không phải là xác không phải là hồn ấy, một đêm của “cái dường như là” trong bức tranh trừu tượng và siêu thực Sài Gòn, Nguyễn đã tìm đến các bạn trẻ như Phương, như Sinh, như Hải Đường để đọc thơ trong hơi rượu đắng. Và cả bọn đã khóc khi nghe Chiều Bên Sông Giăng.
   Bên cạnh những khốn cùng tuyệt vọng ấy, may thay còn có đất trời và lòng người. Tất cà xen lẫn nhau, nhờ đó mới thở được, sống được dù là qua ngày. Những đêm đi dạy học chui về, bụng đói, nhìn trăng trên hàng cây trên đường Nguyễn Tri Phương hay dưới lòng sông Thanh Đa, đôi khi Nguyễn mỉm cười rưng rưng lệ. Và những bữa trưa, giữa hai lớp dạy, Nguyễn vào một con hẻm ở đường Duy Tân chỗ gần nhà Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, ngồi uống tách cà phê nhìn nắng lấp lánh trên hàng sao và những bông dầu bay bay. Đó là những phút giây hạnh phúc hiếm hoi. Và này em, em còn nhớ không, mưa Sài Gòn thời có hai kẻ yêu nhau, hình như cũng đã lâu lắm rồi, trước khi Cộng Sản vào chiếm Sài Gòn. Mưa như một khúc nhạc vui trên đường phố. Mưa xối xả, âm vang. Những hàng sao hàng phượng trút lá tơi bời. Anh và em nép vào dưới một mái hiên nghe mưa chạy trên mái ngói. Tóc em ướt, áo em ướt và tiếng cười reo trong một khúc tremolos. Rồi mưa chợt tạnh, cũng bất ngờ như lúc bắt đầu… Người và xe lại hối hả băng băng trên đường phố. Nắng chợt ngời lên trên hàng cây. 

   Và rồi bỗng chốc Sài Gòn đổi chủ. Rạng đông… Một rạng đông có mặt trời mọc nhưng mặt trời bị cắt cổ (soleil, cou coupé -Apollinaire). Và rồi nhiều người đã bỏ đi… Ôi Việt Nam / từng là nỗi đau xé trong tôi / sao tôi khóc lúc ra đi / phượng đỏ.  một lời yêu dấu cũ / là lúc chia xa. Từ chia tay với Sài Gòn, mới đó mà đã mười sáu năm. Mười sáu năm là tính từ ngày anh bỏ nước ra đi, chứ tính từ ngày Sài Gòn phải đón dép râu và nón cối vào thì đã ba mươi sáu năm. Ba mươi sáu năm, ôi lịch sử đã làm một cuộc chia ly lớn với hàng triệu người ly hương , trôi giạt nơi quê người. Vết thương bao giờ mới lành? Mới đây thôi, đọc bài văn của Nguyệt Hạ viết về mùa thu đăng trên  báo của Mặc Bích đã thấy hiện lên không khí Chiêu Hồn Ca của Nguyễn Du trong đó có mưa dầm, ngọn đường lê và có lẽ cả "một đóa trăng tàn lẩn lút bay", như trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Ôi, lòng ta đã nới rộng tới vô biên và đụng tới đáy hồn nhân loại rồi chăng? Và Nguyệt Hạ đã đưa ta tới với một người đàn ông đứng tuổi đang ngồi với ly cà phê đen ngút khói. Ông gọi thêm cái đen nữa. Không uống. Nhưng rưới chậm rãi xuống cỏ. Mặt buồn hơn ngày mùa đông phố cũ. Nguyệt Hạ viết tiếp: “Chủ quán và tôi từng thấy nghi thức này. Mấy năm nay một kiểu như vậy, vào một ngày nhất định. Tay nhà báo về từ Tây Âu ngồi với tôi hất mắt ra ý hỏi. Tôi vắn tắt Cho các bạn ông ấy. Chết rồi sao? Không, nhưng ở bên kia. Thì cũng coi như chết chứ gì…Vạt cỏ bây giờ nhớp nháp, lấp xấp cà phê đen. Cỏ chắc vẫn sống. Nhưng lòng người đau gì dai dẳng lạ. Mỗi năm một lần, tháng bảy âm lịch, như kiểu người ta xá tội vong nhân.”

   Vậy mà em còn hỏi anh có theo em về Sài Gòn không? Ôi, làm sao anh trả lời em đây. PTNNgọc khi đi qua những con đường của thành phố Sài Gòn đã viết cho người yêu. “H. ơi! Với riêng em, cái khác của Sài Gòn hôm nay đơn giản chỉ là sự thay đổi của vài con đường, vài hàng cây từng in bóng anh thôi. Em kể cho mưa nghe. Rằng con đường ngày xưa anh đạp xe qua, quán xá nhỏ gầy, gió heo heo luồn về tháng Chạp… Bằng những hang cây mà anh từng ví như rèm mi xanh, khép lại phố phường lúng liếng tà huy… Con đường ấy, hàng cây ấy nay đã không còn.”

    Như thế đó. Riêng em, về thăm thành phố cũ, em có đi tìm lại hình bóng anh trên những chòm cây đường Duy Tân hay đường Gia Long không? Những con đường ngày xưa từng in dấu chân hai người bây giờ đã mang tên khác, những cái tên lạ hoắc đối với người dân miền Nam.  Và những cây sao cây dầu, cây hoa ngọc lan hay cây bông sứ máu ngày ấy liệu còn không hay đã bị đốn hạ? Thì làm sao em tìm thấy anh. Cả những quán cà phê ngày xưa, nghe nói cũng không còn nữa. Quán Chùa đã biến mất. Hân ở đường Đinh Ti ên Hoàng Dakao cũng không còn. Và cả Hồng trước Viện Pasteur.  Những tiệm sách ngày nào đã bị xóa tên. Nói chi tới rạp xi nê anh và em vào xem phim thời ấy (em còn nhớ không, rạp hết chỗ, anh và em được ngồi sát bên nhau ở bậc cầu thang và… mi nhau, lêu lêu!). Đi tìm anh may ra em chỉ còn thấy dư ảnh ở những viên gạch vỉa hè và những ngọn đèn đường. Sài Gòn bây giờ không còn chim nữa, phải không em? Chim đã bay đi từ mùa ấy. Vậy thì, cho một lần trở về, khi chiều tha thẩn trong vườn chùa, em hãy nhặt giùm anh một bông ngọc lan hoặc bông sứ máu gởi cho anh. Đó là những bài thơ anh đã viết cho Sài Gòn, cho Việt Nam thời anh còn trẻ tuổi. Chỉ cần vậy thôi.

NXT

Mẹ Già Như Chuối Ba Hương

Đọc Please Look After Mom của Shin Kyung-sook


Nguyễn Thị Hải Hà




                                                           Shin Kyung-sook

Trong nửa năm đầu của năm 2011 có hai quyển sách gây tiếng vang trên thị trường văn học Mỹ. Một là Battle Hymn of the Mother Tiger (Bài Chiến Ca của Cọp Mẹ) của Amy Chua, giáo sư Luật của trường Yale còn quyển kia là của một tác giả ngoại quốc hầu như vô danh trên trường văn trận bút của Hoa Kỳ. Shin Kyung-sook tuy rất nổi tiếng ở Nam Hàn nhưng đây là lần đầu tiên tác phẩm Please Look After Mom (Hãy Chăm Sóc Mẹ) của bà được dịch giả Kim Chi-young dịch ra tiếng Anh. Người Mỹ ít khi dịch sách ngoại quốc vì thế chỉ có những cuốn sách có giá trị đặc biệt mới được phiên dịch. Quyển sách này đã bán được hơn một triệu rưỡi cuốn ở Nam Hàn. Cả hai quyển sách đều nói lên tấm lòng của người mẹ muốn con thành công vượt bực. Trong khi Amy Chua qua nhân vật người mẹ giàu có đã ồn ào, nghiêm khắc, và đầy uy quyền, bà mẹ trong quyển Hãy Chăm Sóc Mẹ nhẫn nại, lặng lẽ, hy sinh trong bóng tối. Bà mẹ Amy Chua bắt con phải kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn. Bà mẹ Park So-nyo bị các con lãng quên vì cuộc sống của họ càng tất bật hơn với những thành công họ đạt được. Shin Kyung-sook tài tình đặt ra những tình huống cho thấy rằng các con của bà So-nyo rất thương mẹ, tuy thương mẹ nhưng vẫn lãng quên.


Hằng năm vào dịp sinh nhật của ông, ông bà vào thủ đô Seoul, nơi các con đang sinh sống, để gặp các con. Sinh nhật của bà xảy ra trước đó không lâu nhưng bà bảo tổ chức chung với sinh nhật của ông để đỡ mất thì giờ các con. Trước kia, khi đến sinh nhật của ông và bà, các con về làng quê thăm cha mẹ. Bây giờ để các con bớt cực nhọc ông bà vào Seoul. Hai ông bà đáp xe điện ngầm để đến nhà cậu con trai thứ hai. Bà theo sau ông nhưng đông người chen lấn và bà bị bỏ rơi lại trên sân ga. Bà biến mất ở trạm xe điện ngầm ở Seoul như bốc hơi vào trong không khí loãng.


Họ tìm kiếm bà trong tuyệt vọng. Người ta chỉ nhận ra những thứ quý giá mình có sau khi đánh mất. Trong quá trình tìm kiếm họ chợt nhận ra họ đã rất vô tình, không yêu thương chăm sóc mẹ đúng mức. Cô chị bảo cô em út, em hãy kể cho chị nghe chuyện về mẹ, một chuyện mà chỉ có em biết về mẹ mà thôi. Cô em không kể được bởi vì, lần lượt, cả chồng lẫn con của bà So-nyo, đều nhận ra là họ không biết nhiều về bà. Họ tắm đẫm trong sự săn sóc và lòng thương yêu của mẹ, và vợ, mà không hề biết bà mẹ suy nghĩ gì hay mơ ước gì. Trong khi diễn tả nỗi thất vọng, lo lắng, và mặc cảm tội lỗi của Hyong-chol người con trai cả, Chi-hon cô con gái lớn, ông cụ, cô con gái út, tác giả Chin Kyung-sook đã vẽ chân dung một người phụ nữ sống theo phong tục của người Nam Hàn, suốt một đời chăm lo hy sinh cho chồng con.


Bà Park So-nyo sinh năm 1938, nhỏ hơn ông ba tuổi, lấy chồng năm 16. Ông cụ thích đi giang hồ theo đoàn đánh trống, theo người tình, bỏ mặc bà nuôi con mãi cho đến khi bà sinh đứa con thứ ba, cô nhà văn Chi-hon, ông mới quay về. Con trai cả Hyong-chol là Giám đốc ban Tiếp thị của một công ty xây nhà đắt tiền để bán cho dân thành phố. Con trai thứ có cửa tiệm. Con gái Chi-hon là một nhà văn nổi tiếng, đi nhiều nơi trên thế giới. Cô con gái út là dược sĩ, có ba con. Họ đều thành đạt và với cuộc sống tất bật họ không thể chăm sóc bà. Thậm chí khi biết tin bà mẹ mất tích, cô con gái út không thể giúp anh chị đi tìm mẹ vì bận với ba con còn quá nhỏ.


Họ đều thương yêu mẹ nhưng không thể so sánh với lòng thương yêu vô bờ bến của bà. Sinh ra lớn lên trong vùng núi bà phải lấy chồng sớm để tránh bị du kích bắt lên núi và hãm hiếp. Bà rất muốn được đi học nhưng có lẽ vì nghèo và vì cha mẹ bà muốn bà giúp việc nhà nên bà không được đến trường. Bà than thở (mà không ai biết) là bà sống quờ quạng trong bóng tối cả đời. Quyết tâm cho các con điều mình bị chối từ thời thơ ấu bà lo cho con trai cả đến trường, nuôi hy vọng Hyong-chol sẽ trở thành nhà Biện Lý. Có lần nửa đêm bà đáp chuyến xe lửa cuối cùng đến nơi con ở để đưa tận tay con bằng tốt nghiệp Trung học vì sợ trễ hạn nộp đơn rồi quay về ngay sáng sớm hôm sau. Tuy mù chữ nhưng bà đích thân đưa con đến gặp ông hiệu trưởng bắt Chi-hon tự làm đơn xin nhập học (lớp 6). Bà bán nhẫn cưới để trả tiền học cho Chi-hon. Cho đến lúc cô con gái út lớn lên thì bà tự học đã biết chữ và có thể viết tên con trên tấm giấy gắn vào áo.


Trong Hãy Chăm Sóc Mẹ độc giả sẽ được thưởng thức quan hệ tế nhị giữa người nam và người nữ như mẹ và con trai, vợ chồng, chị dâu em chồng và giữa những phụ nữ với nhau như chị em, mẹ và con gái, chị chồng em dâu, và con dâu với mẹ chồng. Gia đình của bà cụ Park So-nyo là một gia đình tốt, thành đạt, thương yêu nhau. Họ rất thương yêu bà tuy nhiên cuộc sống trong thời đại kỹ nghệ này họ đã bận rộn đến độ bỏ quên bà. Không chỉ bỏ quên bà trên sân ga, họ bỏ quên đánh mất bà từ lâu lắm rồi.


Ông cụ luôn tự nhủ là ông không thương vợ nhiều bởi vì ông chỉ gặp mặt bà có một lần trước khi cưới bà. Ông quen sống lang bạt nhưng cứ đi xa một thời gian là ông lại nhớ bà, nhớ món ăn, nhớ bàn tay săn sóc của bà. Bà vợ săn sóc chồng đến độ bà dặn ông phải chết trước bà vài ngày bởi vì ông chẳng biết làm gì để tự săn sóc bản thân. Chi-hon hồi tưởng lúc cô phiền trách mẹ về con chó bị cột bằng cái dây quá ngắn không được tự do đi lại trong sân, cô muốn mua một cái nhà dành riêng cho chó to hơn nhưng bà mẹ bảo phí tiền bà sẽ thuê người trong làng đóng. Tuy rất yêu thương mẹ nhưng cũng nhiều lúc Chi-hon có thái độ rẻ rúng với bà mẹ quê mùa thất học và bây giờ cô bị ray rứt vô cùng.


Bà còn nhiều bí mật khác mà tác giả Shin Kyung-sook khéo léo thắt mở làm câu truyện thêm phần hấp dẫn. Không ai biết bà có một người bạn trai nhỏ hơn bà năm tuổi đã giúp bà trở đất làm vườn, nhổ cỏ dại trên ruộng khi chồng bà bỏ nhà đi sống với một người đàn bà khác. Bà gửi ba phần tư số tiền các con bà góp lại gửi nuôi ông bà hằng tháng để nuôi trẻ em ở cô nhi viện. Một trẻ em mồ côi được bà đặt tên Kyun là tên chú em chồng đã thương yêu bà hơn cả thương chị ruột. Kyun tự tử chết vì bệnh trầm cảm làm người ta nghi ngờ chị dâu giết em chồng và điều này làm bà đau đớn đến độ trở nên nhức đầu kinh niên. Họ không biết bà có những cơn ác mộng lúc nào cũng sợ hãi một người vô hình đến bắt bà vì chuyện có liên quan đến Kyun. Họ bắt đầu tự hỏi bà có thích nấu ăn không, có thích du lịch không. Họ không biết mẹ mình nghĩ gì thích gì. Mãi khi bà mất tích rồi họ mới nhận ra là cuộc sống thay đổi, thời cuộc kinh tế chính trị thay đổi nhưng bà vẫn sống với cuộc đời cũ, vẫn hầu hạ chồng con, vẫn tự tay sửa chữa cổng nhà, cửa nhà trong khi nhà bà có nhiều đàn ông, chồng đó và hai con trai trưởng thành có đó mà không ai giúp bà với những công việc lẽ ra là của đàn ông.


Bản tiếng Anh của dịch giả Chi-Young Kim có giọng văn trong sáng, dễ hiểu, và lưu loát. Nếu độc giả thích giọng văn uyên bác của các bản dịch Anh ngữ truyện của Orhan Pamuk, Bernard Schlink, Haruki Murakami, hay Kawabata Yasunari, ngữ vựng của quyển Hãy Chăm Sóc Mẹ có phần hơi quá đơn giản. Tôi không biết sự đơn giản trong quyển Hãy Chăm Sóc Mẹ là do cách viết của Kyung-sook hay do cách dịch của Chi-Young Kim, ước gì có bản tiếng Việt dịch từ tiếng Hàn để so sánh với bản tiếng Anh.


Shin Kyung-sook với giọng văn dung dị đã khéo léo đưa người đọc vào địa hạt tâm lý của thế hệ phụ nữ sinh ra đời từ những năm ba mươi. Tác giả có tài khơi mạch tình cảm của người đọc bằng những chi tiết rất đặc thù của một gia đình nghèo đông con trong xã hội Hàn quốc. Bà gián tiếp miêu tả sự thay đổi của xã hội Hàn quốc từ thời nông nghiệp, qua thế chiến thứ Hai đến nội chiến Nam Bắc. Chiến tranh triền miên khiến người dân trở nên nghèo khó, người phụ nữ trong thời đại ấy bị giới hạn không được phát triển về mặt học vấn và tài năng. Khi xã hội bắt đầu kỹ nghệ hóa cuộc sống trở nên phồn thịnh, phụ nữ đương đại có nhiều chọn lựa hơn trong học vấn, hôn nhân, và nghề nghiệp. Kyung-sook gây rung cảm trong lòng người đọc bằng cách vẽ chân dung một người phụ nữ thiếu học vấn đã trải hết cuộc đời để lo cho con ăn và học. Cho con đi học là điều quan trọng với bà vì suốt đời bà bị giam trong bóng tối mù lòa về chữ nghĩa. Bà muốn các con nhờ học vấn mà được tự do và có thể giúp đỡ người khác.


Độc giả Việt dễ yêu mến tác phẩm này vì bà So-nyo cũng giống nhiều bà mẹ Việt Nam “vất vả trăm chiều, nuôi một đàn con chắt chiu.” Có lẽ nhiều độc giả sẽ nhận ra mình cũng có những lần không phải với mẹ rồi có lúc lòng tràn đầy hối hận ước gì có mẹ thêm vài giờ để xin mẹ tha lỗi, để “ví mà con đổi thời gian được, đổi cả trăm năm tiếng mẹ cười.” Kyung-sook với ngòi bút đầy rung cảm đã thể hiện một mẩu người phụ nữ Á châu lặng lẽ nhẫn nại thường ở trong bóng tối nhưng lại là những người đứng mũi chịu sào, đương đầu với hoàn cảnh, nuôi con và đôi khi hoàn cảnh bắt buộc phải cáng đáng gia đình nuôi cả chồng chứ không chỉ hầu chồng. Bà Park So-nyo luôn luôn đi phía sau chồng, nhưng nếu không có bà thì tổ ấm của ông đã tan nát từ lâu.


Đấy, mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một như đường mía lau, thế mà mẹ có gì đâu, một manh áo bạc dãi dầu nắng mưa.Thơm ngọt quí giá đến thế mà có lúc người ta cũng bỏ quên chuối xôi đến mốc meo. Bằng giọng văn đầy tình cảm Hãy Chăm Sóc Mẹ nhắc nhở chúng ta, nếu còn mẹ thì đừng bỏ quên mẹ. Lòng tôi ngân nga những câu hát trong bài Bông Hồng Cài Áo “rồi một chiều nào đó anh về, nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu rồi nói, nói với mẹ rằng, mẹ ơi mẹ có biết hay không, biết gì? biết là, biết là, biết là con thương mẹ không?” Thật ra người Việt Nam chúng ta ít khi bày tỏ tình cảm như thế nhưng nếu bạn đến gần mà chỉ cầm tay mẹ thôi thì chắc mẹ cũng thấy được tình yêu của bạn. Có một nhà thơ nào tôi quên tên đã nói: Trời mưa xóa núi xóa đường. Cũng không xóa nổi tấm lòng mẹ tôi. Qua Hãy Chăm Sóc Mẹ Kyung-sook nhắc nhở độc giả đừng lãng quên hay bỏ rơi người phụ nữ đã yêu thương mình suốt đời. 

Nguyễn thị Hải Hà

Theo Wikipedia, nữ tác giả Shin Kyung-sook (viết theo lối Mỹ là Kyung-sook Shin) sinh ngày 12 tháng Giêng năm 1963 ở Nam Hàn. Con thứ tư và là con gái lớn nhất trong một gia đình nông dân có sáu người con. Nhà nghèo, bà phải đi học ban đêm, ban ngày làm việc cho hãng điện tử. Năm 1985 bà cho ra đời quyển truyện vừa, nhan đề Winter’s Fable (Cổ Tích Mùa Đông) sau khi tốt nghiệp ngành sáng tác văn học ở Viện Mỹ Thuật Seoul (Seoul Institute of the Arts). Quyển Cổ Tích Mùa Đông được giải thưởng văn học dành cho tác giả trẻ với tác phẩm đầu tay, Munye Joongan New Author Prize. Please Look After Mom được ít nhất là 19 quốc gia mua bản quyền để dịch, xuất bản bằng Anh ngữ lần đầu tiên với dịch giả Kim Chi-young và được giới văn học Mỹ chú ý ngay lập tức. Quyển sách này cũng đã được dịch ra tiếng Việt từ tiếng Đại Hàn với nhan đề Hãy Chăm Sóc Mẹ. Tác phẩm của Shin Kyung-sook ngoài Please Look After Mom còn có các truyện dài như Deep Sorrow, A Lone Room, The Train Departs at 7, Violet, Yi Jin, và From Somewhere Afar the Phone Keeps Ringing for Me. Bà cũng có một số truyện ngắn và tiểu luận.



thơ hoàng xuân sơn 

g i ó

                                          tranh hoang tuong

gió thổi. rịt hai con mắt
râu tóc dựng đứng lên trời
gió xoáy vào trong mật thất
đường cùng. triệt một cơ ngơi 

ai bảo xưa không nghe gió
cùng o cánh áo lụa mềm
nên sóng cưỡi thuyền no gió
đẩy táng người xuống vực đêm

gióthổigióthổigióthổi
nương nhau chiều này gió thổi
đưa nhau về bến về kiều
thổi bay hết tuồng gian dối

25.5.11



t à i  t ử  đ a  c ù n g

                                vĩnh biệt hạ lan hoàng ngọc 

con mắt tài hoa kẽ đường nheo nhắm
cúi ẩn mặt. ngước nhìn đời khói lao xanh
bó củi trôi. tấp. thang duyềnh định mạng
phố xẻ vàng ngâu sông nước đoạn đành 

bướcxuốngbướcxuống. bước xuống chút nữa
nắng đã tắt rồi người quảy đi đâu
phía tấy sưng con đường bát mẻ
bến lung lăng huýt khẽ tình đầu 

hình như ngựa sãi hồn nhiên chật vật
thao túng tóc bờm ngày tháng quên tên
chữ cắn vào lòng câu chết điếng
ngất đấu quyên sinh tờ sấm vang rền 

mưamưa trút thơm đời khô ải
phố vĩnh ngân nền treo trăng đơn
vàng hoa lâu rồi không tay hái
thiêm thiếp bơi nghiêm lạnh bãi cồn 

nếu có đủ nếu có. chưa bao giờ có
một lần yêu một tầng rỗng vay đời
chiếc lục lạc cột vào ngàm sóng
biển réo luân hồi chương vãn ai


HoàngXuânSơn

16 juillet 2011

Wednesday, August 17, 2011


Cao Xuân Huy. tại sao? 

Lưu Na



Tình cờ tôi tìm thấy trên net Chân dung người lính Việt Nam Cộng Hòa của Nguyễn thị Thảo An, không biết đăng tự bao giờ. Hai mươi năm chinh chiến, vóc dáng người lính trên từng chặng đường lầm than đã được khéo léo gói trong vài mươi trang viết. Đó là những vóc dáng khổ đau. Tôi đọc Thảo An mà lại nghĩ đến những chặng đường Phan nhật Nam đã qua, cảm những tâm tình đớn đau tha thiết suy tư day dứt trên mỗi bước chân của người lính chiến mà Phan nhật Nam đã ghi lại. Tôi đọc Thảo An lại cứ thấy hình ảnh của Cao xuân Huy trước mắt. 
Cao xuân Huy?  Tại sao?  Lính Cộng Hòa có cả trăm ngàn, cả triệu, không chỉ có một trung úy Cao xuân Huy. Thời của tôi sinh ra và lớn lên, nhìn quanh đâu mà không thấy lính: trong gia đình, họ hàng, lối xóm…, trên báo chí, ti vi, sách vở. Tôi thấy họ, sống bên họ, trong sự bảo vệ của họ. Một sự đương nhiên.   


Ra xứ người tôi đọc Phan nhật Nam. Mải miết.  Phan nhật Nam viết như lên đồng như phả cuồng nộ xuống trang giấy trắng. Tôi đọc như trúng bùa, mắt không thể chuyển dời khỏi trang sách. Tôi đọc, chới với hốt hoảng đau lòng và hãnh diện. Một bài học lịch-sử-viết-tại-chỗ cho tuổi hai mươi hoang mang và bị bật gốc. Những trận đánh rút đau lòng oanh liệt, những địa danh bốc mù khói súng, ở đâu trên bản đồ?  An Lộc địa sử ghi chiến tích, Biệt kích dù vị quốc vong thân… Hồn bà Trưng bà Triệu trong sử Việt có nhập vào những phụ nữ của An lộc?  Bài toán nào tính được bấy nhiêu đạn dược vũ trang cộng thêm bao nhiêu bom đạn đổ lên đầu là bao nhiêu sức nặng trên tấm thân người lính? Họ nặng bao nhiêu cao bao nhiêu ăn bao nhiêu để đi bấy nhiêu đoạn đường?  Vận chuyển bấy nhiêu thứ trong bóng đêm sình lầy thì đi sao được nhanh nhất an toàn nhất, phương trình toán vận tải nào giải được?  Chính nghĩa quốc gia nằm ngay trong câu thách đố đếm 1, 2, 3 tao và mày cùng hô đả đảo -tao đả đảo Mỹ Thiệu, mày có dám đả đảo Liên sô Trung cộng Hồ chí Minh…
Qua Phan nhật Nam, hình ảnh người lính hào hùng mà quá đỗi tội tình, vinh dự mà quá đỗi lầm than. Những người lính cao cả mà khổ đau ấy đã mất hút trong cuộc chiến, đã đổ xuống trong dằn vặt nhọc nhằn trước khi tôi kịp biết mặt. 


Vượt đến xứ này, Cao xuân Huy đem theo một khối bom đạn hờn căm của chặng đường tháo chạy. Vượt đến đây, anh như người kỵ mã cuối cùng vượt thoát vòng vây mang tin về cho hậu phương dẫu muộn màng dẫu chuyện không may dẫu điều tủi hổ. Anh kể lại, vẽ lại một trong những mảnh cuối cùng của cuộc chiến cho đồng đội cho những người dân cho bạn bè còn sống sót. Viết lại chặng đường cuối cùng, Cao xuân Huy thêm một vinh dự lầm than cho người lính: bại chứ không hàng.  Nhưng tôi đã hết sức để học thêm bài học chót của lịch sử viết tại chỗ. Tôi thối lui khi nghe nhắc một chi tiết trong hồi ký của anh: những vòng tự sát bằng lựu đạn trên đường rút quân dọc theo bờ biển. 

Nấn ná, lần lữa, rồi tôi cũng đọc Cao xuân Huy, phập phồng khi mở lại lời chứng đắng cay để gấp lại một trang quá khứ.    
Từ người lính cao cả vùng lửa đạn mịt mù nước mắt trộn hờn căm của Phan nhật Nam, tôi đối diện với thịt xương hơi thở của một người bình thường như tôi.  Không chỉ là những tấm thân 35 kg vác quân trang vũ khí, người lính của Cao xuân Huy còn có đầy đủ những yếu hèn của thân phận con người. Không phải lúc nào cũng dằn vặt suy tư, họ cười cợt nhậu nhẹt trốn phép rồi vẫn đánh đấm kịch liệt, vẫn chấp hành mệnh lệnh bước vào chỗ chết.  Thoắt đó họ ngã xuống, họ la làng, ông thầy_ngưng bắn rồi mà sao em chết.  Thản nhiên. Cuồng nộ nếu có đã bị dìm vào thinh lặng, cuồng nộ trắng. Cái vô lý dửng dưng của Cao xuân Huy đứng bên cái dằn vặt đớn đau tha thiết của Phan nhật Nam như hai mặt của một đồng tiền. Với Cao xuân Huy, tôi thấy cái cao cả của người lính ở chỗ họ chính là họ -tầm thường bé mọn trước bể khổ chiến tranh. Để cái hung hiểm khổ đau mà Phan nhật Nam nói tới mới nặng sao trên vai họ. Ký hay truyện, người lính của Cao xuân Huy vẫn có đặc điểm của một người lính mà tôi đã gặp đã sống gần bên. 

  


Cao xuân Huy là người viết khéo, chỉ viết khi có cảm hứng, trong một đề tài mà bản thân anh là một phần tử, và bằng giọng bằng lời của một người lính. Đó là cái giọng cộc cằn thô lỗ mà đẫm tình đồng đội, bông đùa bốp chát mà chan chứa nghĩa đồng sinh cộng tử, bất cần mà chính xác điểm nhắm sắc gọn đường đạn của những người chinh chiến bấy lâu. Đó là những lời vắn gọn dễ hiểu và chính xác thường nghe trong quân đội. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ để tôi luôn thấy hình ảnh của anh khi ai nhắc tiếng lính. 
Đằng sau đề tài, lời, và giọng, là một cung cách.  
Trong khi Hoàng khởi Phong khẳng định bản chất nhà văn của mình dẫu đã từng là lính, Cao xuân Huy luôn chối tiếng nhà văn. Nhà văn không chắc luôn viết hay nhưng hay viết, lính chưa chắc đánh giặc giỏi nhưng thường mang cung cách quân nhân. Trong suốt 25 năm, Cao xuân Huy viết rất ít và giọng văn không đổi, luôn có cái sắc bén, ít lời mà biểu lộ chính xác dù chỉ viết chơi. Đọc thử Vải bao cát.  Ngoài câu đối đáp dòn dã vui tai mình thường nghe giữa các ông lính còn rải rác là những lời không thể chính xác hơn, “tại sao lại không nghĩ nhỉ. Không có gì quý hơn độc lập tự do, thì tại sao lại không tận hưởng cái quyền độc lập và tự do không giới hạn này, nghĩ.”_ “Khốn khổ cho cô, và cũng khốn khổ cả cho tôi, đã đành. Khốn khổ cho cái đất nước tang thương này.” v.v…  Đọc rồi đọc lại, bốp chát thô lỗ mà duyên dáng vẫn làm mình bật cười, đơn giản mà sâu sắc đọc không chán. Viết chơi, nhưng chỉ một đoạn văn ngắn mình có một khúc phim quá khứ với đầy đủ hình ảnh âm thanh tâm tình suy nghĩ: 
Trong đầu, chập chùng những hình ảnh. Giao thông hào, lô cốt, hầm chữ A, hầm chữ T. Tiếng bom, tiếng mìn, tiếng lựu đạn, không giật, sơn pháo. Những đợt tấn công, phản công. Những xác người, xác ta, xác địch, xác bạn, xác dân. Bữa ăn vội vã bên bìa rừng, một viên đạn bắn sẻ, thằng đệ tử ruột ngã ngửa, bát cơm biến thành bát máu. Đôi dép râu với cặp chân xanh mét vắt ngang giao thông hào. Và, bao cát, những bao cát đẫm máu một người dân, người thiếu nữ chết banh thây trên nóc một hầm trú ẩn, thịt da dính bầy nhầy trên những bao cát, óc trắng, tóc đen hòa với máu đỏ trộn lẫn với đất từ những bao cát... Cái chết bi thảm, cái hình ảnh tang thương của người thiếu nữ xuân thì ấy đã in đậm trong tâm trí Toàn, trở thành nỗi ám ảnh triền miên 
Bắn chính xác đúng mục tiêu tiết kiệm đạn và gây tổn thất nặng, đó là cung cách của Cao xuân Huy qua chữ viết. 
Viết đã vậy, mà sinh hoạt trong văn giới cũng đáng chú ý. Mọi người luôn gọi anh là nhà văn, nhưng sinh hoạt trong văn chương chủ yếu là lại làm tổng thư ký Văn-học và lại thôi tổng thư ký Văn-học, không giao lưu sinh hoạt văn hóa gì khác hiểu theo nghĩa bàn bạc, phỏng vấn, ý kiến, viết cho nhau, ký mục văn học thời sự v.v… Nếu coi sinh hoạt văn chương là sân khấu (xin hiểu theo nghĩa sát thực) thì anh là ông bầu hay ông thầy tuồng chỉ đứng sau màn thảng hoặc chạy ra nói một câu chào một tiếng.  Chữ lại anh dùng và sự không thường xuyên góp mặt trên chiếu chữ nghĩa dường như khẳng định rằng làm văn học (viết và  tổng thư ký) là duyên đưa đẩy, là một công việc dù anh làm trọn vẹn vẫn không là bản chất của anh. 
Và có thấy anh trong ngày hội binh chủng mới hay, anh chưa bao giờ thôi là lính.  Trong nắng vàng anh đứng bên đồng đội cũ, dáng nghiêng nghiêng cười cợt thoáng chút khinh bạc nhẹ nhàng. Thoắt một phút, nghiêm người chụm chân dập gót. Chào. Một niềm thiết tha tương kính thấm vào không gian. Một phút giây sống lại tình huynh đệ chi binh với quân phong quân kỷ. Viết dường như cũng chỉ là phút giây sống lại, khi hồn cũ đã để ở chiến trường xưa nhập về. Cao xuân Huy luôn chối tiếng nhà văn, nếu hỏi thêm, tôi nghĩ anh vẫn chỉ nhận mình là một người lính, lính, nhiêu đó đủ rồi. 

Thảo An và Phan Nhật Nam không vẽ chân dung của riêng ai, Cao xuân Huy cũng không muốn nói về mình, chỉ là tôi từ khi đọc anh rồi, từ khi thấy một cung cách rồi thì cứ thấy bóng những bộ quân phục là tôi nghĩ đến anh, nghe chữ lính là tôi thấy hình ảnh của anh, Cao xuân Huy, người lính sau cùng của cuộc chiến.

LN 



Tản mạn
bên tách cà phê


Nguyễn Xuân Thiệp 



Tiếng dế và ánh trăng



                                            Crickets & the moon

Xin bắt đầu với nhà thơ Hà Thượng Nhân -người gợi cho Nguyễn viết về dế và ánh trăng hôm nay.

Hà Thượng Nhân là nhà thơ, cựu giám đốc đài Sài Gòn và nhật báo Tiền Tuyến. Ông được xem là một nhân cách đáng kính đối với kẻ sĩ miền Nam thời trước. Gần đây, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm từ San Jose gọi điện cho biết: dạo này ông Hà -đã ở tuổi 90- lúc nhớ lúc quên. Có hôm vào 6 giờ sáng, ông gọi Vũ Đức Nghiêm rủ đi ăn phở. Nghiêm nói giờ này tiệm phở đâu đã mở cửa, đợi sau 9 giờ rồi rủ thêm vài ông bạn nữa cùng đi. Nghe vậy, Hà Thượng Nhân nói: Nếu sau 9 giờ thì sẽ có thêm nữ sĩ Huệ Thu. Trước khi đi, Vũ Đức Nghiêm gọi cho Huệ Thu thì được biết vụ đi ăn phở là vào sáng mai lận. Một hôm khác, vào lúc nửa đêm, Hà Thượng Nhân gọi bảo sẽ đưa cho Nghiêm bốn ngàn để Nghiêm tìm cách giúp đài phát thanh Tân An. Ông Hà nói đài này hay lắm, nên giúp đỡ. Vũ Đức Nghiêm bèn giải thích: Đài Tân An là cách đây 40 năm lận, bây giờ đâu còn nữa. Nghe câu chuyện Nghiêm kể, Nguyễn tôi hết sức cảm động và thương cho tấm lòng Hà Thượng Nhân.  
Bây giờ, xin nói chuyện dế. 

   Nguyễn này mê dế. Và cũng đã mấy lần viết về dế. Ngoài ra đã trích dẫn thơ của bạn bè với hậu ý làm cho bài viết của mình thêm ý vị. Nào là "Đây rồi, con dề giang hồ ấy / Vẫn gáy say sưa dưới cỏ buồn" (Tô Thùy Yên), "Con dế mèn tự tử giữa đêm sương" (Du Tử Lê) Và rồi con dế trong thơ Quan Dương... Riêng Nguyễn tôi lúc mới ở tù CS về, cũng có làm bài thi trong đó có tiếng dế khóc: Khòm lưng nấu bát cháo ngoài hiên /nấm mộ đá ong / dế khóc.
   Thưa bằng hữu, sở dĩ Nguyễn tôi nổi hứng tiếp tục tản mạn về dế là vì chợt nhớ là vào một buổi sáng mùa hè cách nay vài năm, khi thăm bạn bè ở Bắc Cali, đã được bạn già Hà Thượng Nhân kể lại chuyện cãi nhau với Thanh Tâm Tuyền về câu thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn: Tất suất sổ thanh nguyệt. Câu thơ này được Bà Đoàn Thị Điểm diễn Nôm trong "Chinh Phụ Ngâm": Vài tiếng dế, nguyệt soi trước ốc. Thanh Tâm Tuyền (ôi, anh Tâm đã là người thiên cổ!) sinh thời trong lúc cao hứng đã dịch lại như sau: Dế vài tiếng trăng. Theo Nguyễn tôi nghĩ, ý của anh Tâm là muốn xóa nhòa ranh giới giữa tiếng dế và tiếng trăng -có thể tiếng dế cũng là tiếng trăng- làm cho câu thơ chữ Hán có thêm một tầng ý nghĩa và cảm xúc, như thể nó có chút ý vị gì đó của haiku. Thế nhưng, ông Hà không chịu, bảo TTT không hiểu chữ Hán. Câu chuyện trà dư tửu hậu, chẳng có gì quan trọng nhưng nó có liên quan đến bài "Đọc Đêm Nghe Dế Gáy" của ông Hà viết cho Nguyễn Trung Dũng.  


                                           Crickets & the moon
  
   Vậy xin hãy gượm, trước khi vào chuyện, thiết tưởng nên nói đôi điều về dế kẻo thiếu tình với anh bạn nhỏ này. Nhiều bạn đọc lớn tuổi hẳn còn nhớ ca từ của bản nhạc “Thằng Cuội” của Lê Thương, trong đó có gợi lên hình ảnh rắt đẹp của con dế: Có con dế mèn suốt trong đêm khuya hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ Ôi, những trẻ em thời xưa, bây giờ đã già hết, nhưng làm sao quên được hình ảnh con dế mèn hát nỉ non dưới ánh trăng. Thật ra, không riêng gì tuổi thơ Việt Nam có hình ảnh con dế. Mới đây, một bà mẹ ở Mỹ, nhớ lại thời thơ ấu của con trai mình cũng nhắc tới những con dế. Và chúng ta biết rằng trẻ con Nhật, rất yêu dế, thường bắt dế hoặc mua dế, đem về nuôi trong lồng tre. Chúng thường đem dế ra công viên vào những chiều mùa hạ để cho dế tranh gáy với những con dế khác.
   Như vậy, dế có mặt khắp nơi, tham dự vào những tuổi thơ hạnh phúc cũng như tủi cực. Như bao trẻ khác, tuổi thơ của Nguyễn tôi nơi sằng dã cũng đã từng bắt dế, nuôi dế, say mê nghe dế gáy... Muốn bắt dế phải lần theo tiếng dế gáy chứ biết đâu mà tìm. Có thể dế nằm dưới một tấm bửng trong vườn cỏ mọc đầy, chỉ cần lật lên là tóm được vài ba chú. Nhưng thường dế ở trong hang và cất tiếng gáy re re, nhất là trong những đêm trăng. Trường hợp này, phải lấy lon múc đầy nước đổ vào lỗ, thế là dế ta ngộp thở trồi đầu lên, cứ việc tóm lấy râu là bắt được. Dế ăn cỏ. Thời nhỏ, Nguyễn tôi bắt về cho vào hộp diêm nuôi để đêm nghe nó gáy. Nghe chán, dăm ba ngày, thả dế ra lại. Các con của Nguyễn cũng rất thích chơi dế. Vườn nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ Đà Lạt chỉ toàn đất sỏi và gốc thông, ít cỏ nên không có dế. Vợ Nguyễn phải ra chợ mua dế về cho hai chú con chơi. Hai đứa như hai hòn bi, suốt ngày làm bạn với dế, cho dế ăn, cho uống nước. Mặt hai đứa cứ đỏ gay, bứt từng sợi tóc trên đầu buộc vào dế rồi quay để cho dế hăng tiết đá nhau. Mỗi đứa có ít ra là mươi con. Đêm trong phòng ngủ dế gáy ran khiến đôi lúc bực mình, Nguyễn tính đem liệng hết nhưng nghĩ tội nghiệp cho hai chú nhóc bèn ráng chịu trận. 



   Trở lại với tiếng dế. Chúng ta đã có dế kêu, dế gáy, dế khóc, dế tự tử. Và còn gì nữa?...Dế kêu, cũng như ve kêu, chim kêu, thường thôi -không có ý nghĩa gì đặc biệt. Còn dế gáy, theo Hà Thượng Nhân, là có ý kêu gọi bạn tình. Tới dế khóc thì chắc phải bi thương, đau đớn lắm. Rồi làm sao con dế mèn lại tự tư, và tự tử bằng cách nào? Có người hỏi thi sĩ Du Tử Lê thì được ông Lê trả lời chắc nó thất tình nên đã cắn lưỡi tự tử. Ấy, ấy, thì ra là thế. Thế nó thất tình ai vậy cà?
   Vẫn tiếng dế. Từ ngày qua Mỹ tới giờ Nguyễn tôi chưa hề được nghe dế gáy. Thâm chí, khi về chơi trang trại người bạn Mỹ ở vùng quê Duncan, OK, qua chiều và đêm giữa cánh đồng cỏ, mà không hề nghe con dế nào cất tiếng. Có lẽ vì gió trời lồng lộng chăng? Cũng có thể Nguyễn mải chuyện trò và xem TV nên không nghe dế gáy. Thật ra, theo sách vở, ở Mỹ có rất nhiều dế. Nhà văn Nathaniel Hawthorne có lần viết rằng nếu ta nghe được tiếng của ánh trăng thì nó cũng như tiếng loài dế gọi là snow tree crickets kêu vậy. Nguyễn nhớ thơ haiku (có phải của Basho?) có câu: Đêm nằm nghe dế gáy / tưởng chừng như tiếng của ánh trăng/ trong khe lá mùa thu
   Các bạn biết không, có bốn giai điệu trong tiếng gáy của loài dế: giai điệu gọi tình thì êm ái nhẹ nhàng, điệu rù quyến con nữ nghe rên rỉ thiết tha, giai điệu đuổi đánh kẻ tình địch thì hung hãn và điệu thỏa tình nghe rất ngắn và nhỏ khi nó xuất tinh trên trứng con nữ. Nói chung thì nhạc dế nghe trong trẻo và du dương.

    Nói tới dế và trăng, Nguyễn nhớ trong tiếng Mỹ có từ "con dế trăng" (moon cricket) dùng để chỉ những người Mỹ da đen thường kéo nhau ra giữa khoảng không trời đất hát những bài ca của người nô lệ dưới ánh trăng. Đó là vào thời xa xưa trên đất này. Một hình ảnh thật đẹp nhưng ít nhiều ngụ ý khinh khi.

   Mùa hè qua mau như ngọn gió. Cuối hè rồi. Dế thường có nhiều vào thời gian này, từ giữa tháng 8 qua đầu tháng 9. Bạn cứ đi dạo chơi vào lúc cuối ngày hay ngồi hóng mát ngoài trời vào lúc hoàng hôn ở nơi miền đồng cỏ sẽ nghe lũ dế đồng gáy ran, tạo thành một khúc nhạc dễ thương. Nên nhớ chỉ dế đực mới biết gáy. Do đó, để nuôi chơi vài ngày, bạn nên chọn con dế đực cho vào cái hộp nhỏ, thả cho nó vài cọng cỏ hoặc ít vụn bánh mì. Khi dế đã quen với chỗ ở mới, nó sẽ gáy suốt ngày.



   Con dế tuy nhỏ bé là thế, nhưng nó có chỗ đứng trong văn học đấy, các bạn ạ. Một con dế có tên Chester Cricket là vai chính trong một cuốn truyện của George Selden -Con Dế Ở Quảng Trường Times Square, The Cricket In Times Square. Selden kể trong tự truyện: "Một hôm tôi đáp xe điện ngầm về nhà. Lúc bước xuống ga ở quảng trường, tôi nghe tiếng một con dế gáy, lập tức một cốt truyện hình thành trong đầu tôi chỉ trong vài phút. Một tác giả phải cảm tạ những giây phút như thế mặc dù chúng xảy ra không thường xuyên lắm."
   Cốt truyện xoay quanh "nhân vật" mang tên Chester Cricket, một con dế có tài âm nhạc, một hôm đến New York trên chuyến tàu từ Connecticut. Nó thậm chí còn đi xe điện ngầm đến quảng trường Times Square. Tại đây, anh bạn Mario Bellini, có người cha đang lo điều hành một tiệm sách báo đang gặp khó khăn về tài chánh, đã tìm thấy con dế Chester và mang nó về nuôi cho vui, hy vọng nó sẽ mang điều lành tới cho tiệm. Cha của Mario là Papa Bellini cũng rất hoan hỉ khi có thêm con dế Chester trong nhà. Tại đây, Chester gặp Chuột Tucker và Mèo Harry. Hai tên này thường lang thang trong thành phố kiếm ăn nhờ những thực phẩm người ta bỏ đi. Chúng đưa Chester đi thăm quảng trường Times Square và Chester tỏ ra vô cùng thích thú. Thế rồi dần dần Dế Chester phát hiện ra tài năng ca hát của mình. Mario bèn đưa chú đi Phố Tàu mua cho chú một cái lồng để ở. Một hôm, Chester gặm mất hai đô la trong quầy tính tiền khiến Mama Bellini -mẹ của Marion- giận muốn đuổi dế đi, nhưng Chuột Tucker đã dùng những đồng tiền đi xin được để cứu Dế Chester và hoàn lại số tiền. Thời gian qua, trong một bữa tiệc vui của ba đứa -Dế, Chuột và Mèo- chúng đã vô ý để lửa cháy tiệm báo. Ngọn lửa được dập tắt, nhưng Mama Bellini  vô cùng tức giận, bảo Mario đuổi Chester ra khỏi nhà. Tuy nhiên, đúng lúc ấy, Dế Chester cất tiếng hát khúc ca Mama Bellini từng ưa thích, và Mama đã hát theo và rồi Mama thay đổi ý kiến. Rõ ràng Chester có một ký ức âm nhạc tuyệt vời khi nó hát những khúc opera kỳ diệu khiến Papa Bellini cũng lấy làm ngạc nhiên thán phục. Về sau nhờ một giáo sư âm nhạc nghe và thích tiếng hát của Chester Cricket đã viết một bài đăng lên tờ "New York Times" nên khách hàng tấp nập kéo đến tiệm báo để nghe Chester trình tấu âm nhạc. Việc buôn bán của gia đình Bellini nhờ đó trở thành phát đạt. Nhưng rồi lòng hoài hương trỗi dậy, Chester muốn trở về vùng đồng nội của mình. Mọi người đều khuyên can nhưng cuối cùng Mario phải để Chester đi. Đêm hôm ấy, khi trăng lên, Chester cất tiếng ca não nùng từ biệt Mario và bạn bè, rồi tất cả đưa Chester ra nhà ga lớn để về lại Connecticut, quê nhà của Chester.
   Như vậy, con dế đã trở thành hình ảnh thân yêu của văn học, nghệ thuật. Hãng phim Walt Disney cũng đã sáng tạo hình ảnh con dế trong các tác phẩm của mình. Đậc biệt, trong phim Pinocchio, dế Jiminy Cricket được xem là biểu tượng của lương tâm nhân vật Thằng Người Gỗ. Cuối cùng, các bạn xem phim The Last Emperor của đạo diễn Bertolucci hẳn còn nhớ hình ảnh vua Phổ Nghi lúc còn nhỏ đã say mê đi tìm và làm bạn với chú dế trong cung.

   Như đã nói trên, từ lúc sang Mỹ đến giờ, Nguyễn chưa từng được nghe tiếng dế. Thế nhưng có người đã nghe tiếng dế gáy ở một công viên trên San Jose. Thưa, đó là ông bạn Nguyễn Trung Dũng của Nguyễn. Trong truyện ngắn Đêm Nghe Dế Gáy, Dũng kể một ông già buổi chiều ngồi trong công viên bỗng nghe tiếng dế gáy. Ông không tin ở Mỹ còn có dế. Vạch cỏ lần theo tiếng gáy, ông thấy một con dế đang cất tiếng dưới một bụi hoa cúc. Ông bèn đưa tay ra goị dế thì, lạ thay, con dế tự động bò lên bàn tay ông. Thế là ông đem con dế về nhà, ban đêm nghe nó gáy và chuyện trò với nó, đến nỗi cô con dâu ông bảo bố điên vì bố ban đêm nói chuyện một mình. Nhưng thật ra ông chuyện trò với con dế. Một đêm, thức giấc với vầng trăng, ông tự nhủ phải thả con dế vào ánh trăng để nó gáy. Thế là ông mở nắp hộp nhốt dế. "Con dế chui ra. Cọ cẳng, so râu, cánh rung, nó gáy lên một tiếng. Rồi vụt một cái, dế bung mạnh đôi càng bay về phía cửa sổ mở. Đứng ở đó con dế lại gáy." Và nó bay ra ngoài... "Ông già tay bấu lên bậu cửa, nhìn theo con dế bay lẫn vào ánh sáng của vầng trăng."

   Một truyện giản dị và cảm động. Như cái tình của con người đối với dế.

 (Tài liệu tổng hợp) 

NXT





Thơ Nguyễn Viện


Cà-phê sáng
và mua một vé đi qua bên kia thế giới 


 
Tôi đếm được hơn mười người già và người tàn tật với tập vé số trên tay trong một buổi sáng
Họ mời tôi sự may mắn
Tất nhiên tôi thèm muốn sự may mắn
Nhưng tôi mua vé số của họ vì lòng trắc ẩn hơn là sự may mắn mặc dù biết rằng một chút nữa thôi kẻ chăn dắt lòng từ bi sẽ xuất hiện lột hết tiền của họ và dí cho họ một tập vé số khác
Để có cơm ăn và chỗ ngủ
Người già và tàn tật chen vào buổi sáng cùng với cà-phê, tin hằng ngày của tờ nhật trình dúm dó và những câu chuyện tầm phào của bạn bè như cách họ chen vào giữa những bàn ghế và đôi khi một cơn gió
Như những nỗi buồn vẫn chen vào giữa tiếng cười và nắng ấm
Như tôi thật sự muốn quay lưng và bước đi mãi mãi về phía biển


Tôi không hiểu được tại sao tôi lại muốn chết
Như không hiểu được tại sao tôi lại không chết
Tôi cần gì ở cuộc đời này cũng như tôi cần gì ở tôi
Như người bạn già sáng nay[*] bảo: “Nếu như được làm báo tự do, cho dù sắp chết, tôi sẽ làm một số rồi chết cũng sướng.”
Người yêu tự do như sự sống
Và tôi, yêu cái chết như tự do cuối cùng
Vẫn tồn tại như một kẻ nô lệ
Xuyên qua thời gian đang vữa trong mạch máu


29.7.2011
(Nguồn: Tác giả gởi)

_________________________

[*]Nhà văn Nguyên Minh.