THĂM NHÀ BÀ MARGARET MITCHELL, TOÀ BẠCH ỐC,
VÀ THƯ VIỆN QUỐC HỘI HOA KỲ
Bút ký Trà Nguyễn
Lễ Độc Lập Hoa Kỳ năm nay Trà Nguyễn tôi có hai cuộc vui lớn: Đám cưới con gái út và sau đó ít ngày, đi viếng ngôi nhà lịch sử của nhà văn Margaret Mitchell với tác phẩm nổi tiếng “GONE WITH THE WIND” (CUỐN THEO CHIỀU GIÓ), thăm Tòa Bạch Ốc và Thư viện Quốc Hội Hoa kỳ.
Ngày 9 tháng 7…
Bọn trẻ sắp đặt trước chu đáo: mướn xe, giờ khởi hành, ăn trưa, ăn chiều vv…
Đến giờ lên xe, túi lớn, túi nhỏ và đủ thứ lỉnh kỉnh khác được Reggie, người bạn thân của chú rể Edward “load” vào chiếc xe van 15 chỗ ngồi gọn gàng. Tay nầy có nhiều kinh nghiệm đi trại, vì 4 năm trước trong chuyến đi đẳo Guam, tôi thấy hắn chỉ mang một chiếc ba-lô trên lưng nhưng khi móc ra, hắn có đủ các món cần thiết. Đặc biệt lúc trời nóng nực, y tự nhiên cởi trần chỗ đông người, ngay cả sau Toà Bạch Ốc.
En route - lên đường
Nhóm du ngoạn gồm 13 người, già có, trẻ có, nhi đồng cũng có. Chương trình đi 4 ngày: Điểm đến đầu tiên là căn nhà lịch sử của Bà Margaret Mitchell như đã nói, sẳn dịp vào xem hãng Coca Cola và Aquarium lớn nhứt thế giới.
Riêng việc thăm viếng Tòa Bạch Ốc, phải nói là do gia đình Edward có bà con làm Dân Biểu ở đảo Guam và một người khác làm việc tại Tòa Bạch Ốc, chúng tôi mới được may mắn vào thăm. Tôi có hỏi bà Lisa Terlaje, người hướng dẫn, thì được bà trả lời người dân muốn thăm Toà Bạch Ốc phải được Dân Biểu hay Nghị Sĩ tại Tiểu Bang giới thiệu và phải đăng ký trước 6 tháng. Do vậy ông bạn của tôi ở bên Đức mới mạnh miệng nói chuyến “Mỹ du” lần nầy của “Tư Ếch” thiệt là đáng đồng tiền bát gạo.
Địa chỉ: 990 Peach Tree,
Có lẽ bạn đọc ngạc nhiên tại sao tôi viết lúc thì ngôi nhà, lúc thì căn nhà. Thú thật tôi cứ tưởng nhà của bà Margaret Michell chắc phải lớn lắm. Nhưng thực tế trước mắt nó chỉ là một căn apartment nhỏ đã qua bao lần sửa sang thay đổi nhưng cố gìn giữ những nét nguyên thủy để bảo tồn di tích lịch sử.
Chúng tôi lần lượt vào nhà. Một cô gái trẻ ngồi ở bàn tiếp khách trả lời những câu hỏi. Căn phòng hẹp, trình bày đơn sơ: sách đặt trên bàn và dưới sàn nhà, DVD truyện phim GONE WITH THE WIND và nhiều thứ quà kỷ niệm. Bỗng Edward tiến đến ôm hình nhân dựng đứng của bà Magaret Mitchell và nghiêng người xuống làm đám nhỏ cười rộ.
Mười phút sau, tới phiên nhóm chúng tôi được người hướng dẫn vừa đưa đi vừa giải thích nơi ăn ở, sinh hoạt của bà. Trong hành lang phía sau phòng tiếp khách, bà tour guide bắt đầu nói về tuổi thơ ấu của nữ văn sĩ Margaret Mitchell, về việc học, việc làm và về cuộc hôn nhân của bà. Năm 1922, bà thành hôn và ly dị với người chồng thứ nhứt vì ông nầy nghiện rượu. Ba năm sau, bà kết hôn với ông John Marsh, chủ bút tạp chí của Công ty Điện Lực Georgia và ở với ông cho đến cuối cuộc đời.
Trong lúc bà tour guide nói thao thao bất tuyệt, tôi chụp hình tấm bản gắn trên tường ghi lại những dòng chữ nói lên chí lớn của bà lúc bà mới 15 tuổi, rồi lẻn vào chiếc phòng nhỏ bên trong chụp hình máy đánh chữ Underwood mà bà Margaret Mitchell đã dùng cách đây 90 năm. Trà Nguyễn Diễm Mi, cháu nội tôi, xin ngồi vào đánh thử, chiếc máy vẫn còn hoạt động.
Bỗng có tiếng nhiều người đồng thanh “ồ” lên khi bà hướng dẫn nói tác giả “Cuốn Theo Chiều Gió” chỉ cao 4 ft 11. Cùng với những tác giả nổi tiếng khác, người phụ nữ cao chưa tới 1 mét 50 ấy đã viết nên một tác phẩm bất hủ làm rạng danh nền văn chương Hoa Kỳ.
Về thân thế, tài liệu viết Margaret Mitchell sanh ngày 08 tháng 11 năm 1900 tại Atlanta, Georgia.
1918-1919, bà theo học tại Smith College . Năm 1922, làm ký giả cho tờ Atlanta Journal Magazine và lập gia đình với John Marsh năm 1925.
Thời niên thiếu, Margaret Mitchell bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc nội chiến, bà tìm đọc nhiều sách viết về lịch sử trước và sau cuộc chiến tranh. Có lẽ vì vậy bà ao ước lớn lên sẽ làm một cái gì để nổi tiếng như một chiến sĩ, họa sĩ, diễn giả, một nữ chính trị gia hay một nhà văn. Quả thật, chỉ cần một tác phẩm “GONE WITH THE WIND” để đời, nhà văn Margaret Mitchell đã nổi tiếng khắp thế giới.
Bà bắt đầu viết năm từ 1926, đến năm 1929 tác phẩm mang tên “Tomorrow is Another Day”, nhưng sau nhiều lần sửa đổi, năm 1932 tác phẩm có tên “GONE WITH THE WIND”.
Tháng 6/1936, tác phẩm Gone With The Wind được công ty xuất bản Macmillan ở New York chọn in.
Tháng 12, 1936, hơn một triệu ấn bản đã được bán chỉ trong vòng 6 tháng.
Tháng 5/1937, Margaret Mitchell được giải thưởng Pulitzer.
Sau đó nhà sản xuất phim David O. Selznick mua bản quyền quyễn sách với giá $50.000, phim GONE WITH THE WIND được chiếu ra mắt tại Atlanta ngày 15 tháng 12, 1939.
Ngày nay tác phẩm GONE WITH THE WIND đã được dịch ra 27 thứ tiếng trong 37 nước khác nhau và đã xuất bản và tái bản đến 180 lần.
Chúng tôi được tour guide đưa lên tầng trên xem tranh ảnh kỷ niệm về Margaret Mitchell, trở xuống tầng trệt, rồi theo một hành lang hẹp đi thăm phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp của bà. Tất cả đều nhỏ nhoi và chật hẹp! Nơi bà làm việc là một góc phòng gồm một bàn viết nhỏ cạnh một cửa sổ cũng nhỏ. Trên bàn viết còn để lại nhiều envelops màu vàng chứa bản thảo các chapters mà bà đã viết cách đây gần một thế kỷ. Chapter cuối cùng của tác phẩm được bà viết trước.
Phòng ngủ của bà mới thật sự nhỏ nhoi và khiêm tốn làm sao! Mới nhìn tôi có cảm tưởng nó là chiếc giường của trẻ em; thay vì là một con búp bê, người ta đặt trên đó một chiếc robe màu đen của bà. Vị tour guide nói tội nghiệp chồng bà lúc ngủ, phải để hai chân dài thò ra bên ngoài!
Cạnh giường ngủ là máy sưởi bằng nước nóng, và ngay bên trong là một góc bếp chật hẹp.
Sau cùng, một cánh cửa trổ ra chiếc hành lang đầu tiên, nơi hướng đẫn viên bắt đầu giải thích và cũng chính là nơi tôi đã chụp tấm bảng ghi những lời nói lên ý chí của Margaret Mitchell lúc bà mới 14-15 tuổi.
Năm 1949, đang sung sướng trong tiền tài danh vọng, bà Margaret Mitchell đột ngột qua đời bởi một tai nạn. Một chiếc taxi đã đụng bà ngày
Năm ngày sau, bà chết trong bệnh viện; hưởng dương 49 tuổi, không con cái. Âu cũng là số hồng nhan bạc mệnh!
Rời ngôi nhà lịch sử, tôi chợt có ý nghĩ nơi ấy đã từng sống một người đàn bà tầm vóc tuy nhỏ, nhưng ý chí tư tưởng của bà rất lớn. Và linh hồn bà Margaret Mitchell chắc đang được “CUỐN THEO CHIỀU GIÓ”, mãi mãi reo vui nơi miền lạc cảnh.
TN
(Kỳ tới: Vào Toà Bạch Ốc và tìm sách HỒI KÝ VƯỢT NGỤC của Trà Nguyễn trong Thư Viện Quốc Hội HK).
No comments:
Post a Comment