Saturday, August 27, 2011


Mẹ Già Như Chuối Ba Hương

Đọc Please Look After Mom của Shin Kyung-sook


Nguyễn Thị Hải Hà




                                                           Shin Kyung-sook

Trong nửa năm đầu của năm 2011 có hai quyển sách gây tiếng vang trên thị trường văn học Mỹ. Một là Battle Hymn of the Mother Tiger (Bài Chiến Ca của Cọp Mẹ) của Amy Chua, giáo sư Luật của trường Yale còn quyển kia là của một tác giả ngoại quốc hầu như vô danh trên trường văn trận bút của Hoa Kỳ. Shin Kyung-sook tuy rất nổi tiếng ở Nam Hàn nhưng đây là lần đầu tiên tác phẩm Please Look After Mom (Hãy Chăm Sóc Mẹ) của bà được dịch giả Kim Chi-young dịch ra tiếng Anh. Người Mỹ ít khi dịch sách ngoại quốc vì thế chỉ có những cuốn sách có giá trị đặc biệt mới được phiên dịch. Quyển sách này đã bán được hơn một triệu rưỡi cuốn ở Nam Hàn. Cả hai quyển sách đều nói lên tấm lòng của người mẹ muốn con thành công vượt bực. Trong khi Amy Chua qua nhân vật người mẹ giàu có đã ồn ào, nghiêm khắc, và đầy uy quyền, bà mẹ trong quyển Hãy Chăm Sóc Mẹ nhẫn nại, lặng lẽ, hy sinh trong bóng tối. Bà mẹ Amy Chua bắt con phải kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn. Bà mẹ Park So-nyo bị các con lãng quên vì cuộc sống của họ càng tất bật hơn với những thành công họ đạt được. Shin Kyung-sook tài tình đặt ra những tình huống cho thấy rằng các con của bà So-nyo rất thương mẹ, tuy thương mẹ nhưng vẫn lãng quên.


Hằng năm vào dịp sinh nhật của ông, ông bà vào thủ đô Seoul, nơi các con đang sinh sống, để gặp các con. Sinh nhật của bà xảy ra trước đó không lâu nhưng bà bảo tổ chức chung với sinh nhật của ông để đỡ mất thì giờ các con. Trước kia, khi đến sinh nhật của ông và bà, các con về làng quê thăm cha mẹ. Bây giờ để các con bớt cực nhọc ông bà vào Seoul. Hai ông bà đáp xe điện ngầm để đến nhà cậu con trai thứ hai. Bà theo sau ông nhưng đông người chen lấn và bà bị bỏ rơi lại trên sân ga. Bà biến mất ở trạm xe điện ngầm ở Seoul như bốc hơi vào trong không khí loãng.


Họ tìm kiếm bà trong tuyệt vọng. Người ta chỉ nhận ra những thứ quý giá mình có sau khi đánh mất. Trong quá trình tìm kiếm họ chợt nhận ra họ đã rất vô tình, không yêu thương chăm sóc mẹ đúng mức. Cô chị bảo cô em út, em hãy kể cho chị nghe chuyện về mẹ, một chuyện mà chỉ có em biết về mẹ mà thôi. Cô em không kể được bởi vì, lần lượt, cả chồng lẫn con của bà So-nyo, đều nhận ra là họ không biết nhiều về bà. Họ tắm đẫm trong sự săn sóc và lòng thương yêu của mẹ, và vợ, mà không hề biết bà mẹ suy nghĩ gì hay mơ ước gì. Trong khi diễn tả nỗi thất vọng, lo lắng, và mặc cảm tội lỗi của Hyong-chol người con trai cả, Chi-hon cô con gái lớn, ông cụ, cô con gái út, tác giả Chin Kyung-sook đã vẽ chân dung một người phụ nữ sống theo phong tục của người Nam Hàn, suốt một đời chăm lo hy sinh cho chồng con.


Bà Park So-nyo sinh năm 1938, nhỏ hơn ông ba tuổi, lấy chồng năm 16. Ông cụ thích đi giang hồ theo đoàn đánh trống, theo người tình, bỏ mặc bà nuôi con mãi cho đến khi bà sinh đứa con thứ ba, cô nhà văn Chi-hon, ông mới quay về. Con trai cả Hyong-chol là Giám đốc ban Tiếp thị của một công ty xây nhà đắt tiền để bán cho dân thành phố. Con trai thứ có cửa tiệm. Con gái Chi-hon là một nhà văn nổi tiếng, đi nhiều nơi trên thế giới. Cô con gái út là dược sĩ, có ba con. Họ đều thành đạt và với cuộc sống tất bật họ không thể chăm sóc bà. Thậm chí khi biết tin bà mẹ mất tích, cô con gái út không thể giúp anh chị đi tìm mẹ vì bận với ba con còn quá nhỏ.


Họ đều thương yêu mẹ nhưng không thể so sánh với lòng thương yêu vô bờ bến của bà. Sinh ra lớn lên trong vùng núi bà phải lấy chồng sớm để tránh bị du kích bắt lên núi và hãm hiếp. Bà rất muốn được đi học nhưng có lẽ vì nghèo và vì cha mẹ bà muốn bà giúp việc nhà nên bà không được đến trường. Bà than thở (mà không ai biết) là bà sống quờ quạng trong bóng tối cả đời. Quyết tâm cho các con điều mình bị chối từ thời thơ ấu bà lo cho con trai cả đến trường, nuôi hy vọng Hyong-chol sẽ trở thành nhà Biện Lý. Có lần nửa đêm bà đáp chuyến xe lửa cuối cùng đến nơi con ở để đưa tận tay con bằng tốt nghiệp Trung học vì sợ trễ hạn nộp đơn rồi quay về ngay sáng sớm hôm sau. Tuy mù chữ nhưng bà đích thân đưa con đến gặp ông hiệu trưởng bắt Chi-hon tự làm đơn xin nhập học (lớp 6). Bà bán nhẫn cưới để trả tiền học cho Chi-hon. Cho đến lúc cô con gái út lớn lên thì bà tự học đã biết chữ và có thể viết tên con trên tấm giấy gắn vào áo.


Trong Hãy Chăm Sóc Mẹ độc giả sẽ được thưởng thức quan hệ tế nhị giữa người nam và người nữ như mẹ và con trai, vợ chồng, chị dâu em chồng và giữa những phụ nữ với nhau như chị em, mẹ và con gái, chị chồng em dâu, và con dâu với mẹ chồng. Gia đình của bà cụ Park So-nyo là một gia đình tốt, thành đạt, thương yêu nhau. Họ rất thương yêu bà tuy nhiên cuộc sống trong thời đại kỹ nghệ này họ đã bận rộn đến độ bỏ quên bà. Không chỉ bỏ quên bà trên sân ga, họ bỏ quên đánh mất bà từ lâu lắm rồi.


Ông cụ luôn tự nhủ là ông không thương vợ nhiều bởi vì ông chỉ gặp mặt bà có một lần trước khi cưới bà. Ông quen sống lang bạt nhưng cứ đi xa một thời gian là ông lại nhớ bà, nhớ món ăn, nhớ bàn tay săn sóc của bà. Bà vợ săn sóc chồng đến độ bà dặn ông phải chết trước bà vài ngày bởi vì ông chẳng biết làm gì để tự săn sóc bản thân. Chi-hon hồi tưởng lúc cô phiền trách mẹ về con chó bị cột bằng cái dây quá ngắn không được tự do đi lại trong sân, cô muốn mua một cái nhà dành riêng cho chó to hơn nhưng bà mẹ bảo phí tiền bà sẽ thuê người trong làng đóng. Tuy rất yêu thương mẹ nhưng cũng nhiều lúc Chi-hon có thái độ rẻ rúng với bà mẹ quê mùa thất học và bây giờ cô bị ray rứt vô cùng.


Bà còn nhiều bí mật khác mà tác giả Shin Kyung-sook khéo léo thắt mở làm câu truyện thêm phần hấp dẫn. Không ai biết bà có một người bạn trai nhỏ hơn bà năm tuổi đã giúp bà trở đất làm vườn, nhổ cỏ dại trên ruộng khi chồng bà bỏ nhà đi sống với một người đàn bà khác. Bà gửi ba phần tư số tiền các con bà góp lại gửi nuôi ông bà hằng tháng để nuôi trẻ em ở cô nhi viện. Một trẻ em mồ côi được bà đặt tên Kyun là tên chú em chồng đã thương yêu bà hơn cả thương chị ruột. Kyun tự tử chết vì bệnh trầm cảm làm người ta nghi ngờ chị dâu giết em chồng và điều này làm bà đau đớn đến độ trở nên nhức đầu kinh niên. Họ không biết bà có những cơn ác mộng lúc nào cũng sợ hãi một người vô hình đến bắt bà vì chuyện có liên quan đến Kyun. Họ bắt đầu tự hỏi bà có thích nấu ăn không, có thích du lịch không. Họ không biết mẹ mình nghĩ gì thích gì. Mãi khi bà mất tích rồi họ mới nhận ra là cuộc sống thay đổi, thời cuộc kinh tế chính trị thay đổi nhưng bà vẫn sống với cuộc đời cũ, vẫn hầu hạ chồng con, vẫn tự tay sửa chữa cổng nhà, cửa nhà trong khi nhà bà có nhiều đàn ông, chồng đó và hai con trai trưởng thành có đó mà không ai giúp bà với những công việc lẽ ra là của đàn ông.


Bản tiếng Anh của dịch giả Chi-Young Kim có giọng văn trong sáng, dễ hiểu, và lưu loát. Nếu độc giả thích giọng văn uyên bác của các bản dịch Anh ngữ truyện của Orhan Pamuk, Bernard Schlink, Haruki Murakami, hay Kawabata Yasunari, ngữ vựng của quyển Hãy Chăm Sóc Mẹ có phần hơi quá đơn giản. Tôi không biết sự đơn giản trong quyển Hãy Chăm Sóc Mẹ là do cách viết của Kyung-sook hay do cách dịch của Chi-Young Kim, ước gì có bản tiếng Việt dịch từ tiếng Hàn để so sánh với bản tiếng Anh.


Shin Kyung-sook với giọng văn dung dị đã khéo léo đưa người đọc vào địa hạt tâm lý của thế hệ phụ nữ sinh ra đời từ những năm ba mươi. Tác giả có tài khơi mạch tình cảm của người đọc bằng những chi tiết rất đặc thù của một gia đình nghèo đông con trong xã hội Hàn quốc. Bà gián tiếp miêu tả sự thay đổi của xã hội Hàn quốc từ thời nông nghiệp, qua thế chiến thứ Hai đến nội chiến Nam Bắc. Chiến tranh triền miên khiến người dân trở nên nghèo khó, người phụ nữ trong thời đại ấy bị giới hạn không được phát triển về mặt học vấn và tài năng. Khi xã hội bắt đầu kỹ nghệ hóa cuộc sống trở nên phồn thịnh, phụ nữ đương đại có nhiều chọn lựa hơn trong học vấn, hôn nhân, và nghề nghiệp. Kyung-sook gây rung cảm trong lòng người đọc bằng cách vẽ chân dung một người phụ nữ thiếu học vấn đã trải hết cuộc đời để lo cho con ăn và học. Cho con đi học là điều quan trọng với bà vì suốt đời bà bị giam trong bóng tối mù lòa về chữ nghĩa. Bà muốn các con nhờ học vấn mà được tự do và có thể giúp đỡ người khác.


Độc giả Việt dễ yêu mến tác phẩm này vì bà So-nyo cũng giống nhiều bà mẹ Việt Nam “vất vả trăm chiều, nuôi một đàn con chắt chiu.” Có lẽ nhiều độc giả sẽ nhận ra mình cũng có những lần không phải với mẹ rồi có lúc lòng tràn đầy hối hận ước gì có mẹ thêm vài giờ để xin mẹ tha lỗi, để “ví mà con đổi thời gian được, đổi cả trăm năm tiếng mẹ cười.” Kyung-sook với ngòi bút đầy rung cảm đã thể hiện một mẩu người phụ nữ Á châu lặng lẽ nhẫn nại thường ở trong bóng tối nhưng lại là những người đứng mũi chịu sào, đương đầu với hoàn cảnh, nuôi con và đôi khi hoàn cảnh bắt buộc phải cáng đáng gia đình nuôi cả chồng chứ không chỉ hầu chồng. Bà Park So-nyo luôn luôn đi phía sau chồng, nhưng nếu không có bà thì tổ ấm của ông đã tan nát từ lâu.


Đấy, mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một như đường mía lau, thế mà mẹ có gì đâu, một manh áo bạc dãi dầu nắng mưa.Thơm ngọt quí giá đến thế mà có lúc người ta cũng bỏ quên chuối xôi đến mốc meo. Bằng giọng văn đầy tình cảm Hãy Chăm Sóc Mẹ nhắc nhở chúng ta, nếu còn mẹ thì đừng bỏ quên mẹ. Lòng tôi ngân nga những câu hát trong bài Bông Hồng Cài Áo “rồi một chiều nào đó anh về, nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu rồi nói, nói với mẹ rằng, mẹ ơi mẹ có biết hay không, biết gì? biết là, biết là, biết là con thương mẹ không?” Thật ra người Việt Nam chúng ta ít khi bày tỏ tình cảm như thế nhưng nếu bạn đến gần mà chỉ cầm tay mẹ thôi thì chắc mẹ cũng thấy được tình yêu của bạn. Có một nhà thơ nào tôi quên tên đã nói: Trời mưa xóa núi xóa đường. Cũng không xóa nổi tấm lòng mẹ tôi. Qua Hãy Chăm Sóc Mẹ Kyung-sook nhắc nhở độc giả đừng lãng quên hay bỏ rơi người phụ nữ đã yêu thương mình suốt đời. 

Nguyễn thị Hải Hà

Theo Wikipedia, nữ tác giả Shin Kyung-sook (viết theo lối Mỹ là Kyung-sook Shin) sinh ngày 12 tháng Giêng năm 1963 ở Nam Hàn. Con thứ tư và là con gái lớn nhất trong một gia đình nông dân có sáu người con. Nhà nghèo, bà phải đi học ban đêm, ban ngày làm việc cho hãng điện tử. Năm 1985 bà cho ra đời quyển truyện vừa, nhan đề Winter’s Fable (Cổ Tích Mùa Đông) sau khi tốt nghiệp ngành sáng tác văn học ở Viện Mỹ Thuật Seoul (Seoul Institute of the Arts). Quyển Cổ Tích Mùa Đông được giải thưởng văn học dành cho tác giả trẻ với tác phẩm đầu tay, Munye Joongan New Author Prize. Please Look After Mom được ít nhất là 19 quốc gia mua bản quyền để dịch, xuất bản bằng Anh ngữ lần đầu tiên với dịch giả Kim Chi-young và được giới văn học Mỹ chú ý ngay lập tức. Quyển sách này cũng đã được dịch ra tiếng Việt từ tiếng Đại Hàn với nhan đề Hãy Chăm Sóc Mẹ. Tác phẩm của Shin Kyung-sook ngoài Please Look After Mom còn có các truyện dài như Deep Sorrow, A Lone Room, The Train Departs at 7, Violet, Yi Jin, và From Somewhere Afar the Phone Keeps Ringing for Me. Bà cũng có một số truyện ngắn và tiểu luận.


1 comment:

  1. Cuốn Hãy Chăm Sóc Mẹ đã xuất bản ở Việt Nam rồi đấy bạn :)

    ReplyDelete