Lưu Na
…cô thích cải lương
Thích kẻ hùng anh diệt
bạo tàn
Mốt mai thê thảm quanh
đời sống
Cô sẽ còn đôi chút lạc
quan…
Mới lớn tôi nghĩ
Nguyễn tất Nhiên gàn. Đã vái thì vái cho
“cô” yêu anh, vái chi chuyện thích cải lương.
Tai hại lắm. Thích cải lương cũng
tương đương với thích nhạc sến, con gái sẽ bị chê nhà quê, con trai sẽ bị gọi
là cả quỷnh, là cù lần, là nẫu, v.v… Thời tôi lớn lên là phải nhạc phòng trà (là
nhạc gì tôi cũng không biết, chưa đủ tuổi đi phòng trà!), nhạc tuyển Mây bốn
Phương, nhạc Pháp nhạc Mỹ. “Tâm tư” hơn
tí thì nhạc Trịnh công Sơn nhạc Phạm Duy.
Tôi cắm đầu mê Thanh Lan Thanh Mai Nguyễn Chánh Tín Bích Trâm Lệ Thu
Khánh Ly Thái Thanh…, tôi ông ổng mấy bài nhạc ngoại quốc lời Việt. Cải lương tôi bị nghe mòn cả tai, nhạc sến
nhạc lính tôi thuộc cả ngàn bài, chả tích sự gì mà còn phải giấu.
Rồi tôi được trao
vào tay cái thứ mình không mặn mà ấy. Sau
vài năm định cư, tôi lấy được việc làm lương khá và thôi học. Mà không thôi cũng không xong, vì phải làm ca
đêm. Ngồi soạn thư vẹo cả người, tay vẫn
gõ máy mà mắt thì nhắm và đầu gật gù không thấy xếp đang đứng trước mắt. Vào cái lúc tôi sắp té ra khỏi ghế thì Mèo
Con vịn nhẹ vào vai và dí vào tay tôi băng cải lương Lương sơn Bá Chúc anh
Đài. Thủ thỉ, dỗ dành, nghe thử đi, nghe
đại đi, cho đỡ buồn ngủ. Thì nghe. Tôi tỉnh ngủ.
Tôi bắt đầu lắng nghe xem những câu hát đó ý nghĩa gì. Dần dà tôi nghe đủ thứ tuồng, loại đánh kiếm
có vua quan_sau được biết gọi là tuồng hương xa, cũng như loại thời đại gọi là
tuồng xã hội. Nghe tuồng chán chê, tôi
lấn qua tân cổ giao duyên, rồi Chế Linh Thanh Tuyền Phương Dung Phương vân
vân.
Chao ơi, tôi nhớ tha thiết anh Hùng tôi thuở ngồi gác nhân
dân tự vệ ở đầu xóm. Anh ôm đàn ghi ta
hát những câu nhạc lính não nề. Đến
phiên bạn anh gác, anh Ba Gà hát Võ đông Sơ Bạch thu Hà thì anh Ngọc đàn. Vài năm sau anh Hùng vào Hải quân lái HQ603
đi hoài, 6 tháng mới về 1 lần. Tôi lẩn
thẩn nhớ các chị giúp việc. Chị Hoa mê
cậu chủ là anh Hùng tôi nên thường mặc áo thun bó vào người mỗi khi anh về
phép. Chị Ba Cổ Cò tóc mướt dầu dừa và
có cài răng vàng thì nhất quyết về quê tát đìa (?) dịp Tết dù Má nói cho tiền
thưởng nếu ở lại. Cứ 11 giờ trưa, giờ
mấy chị nấu cơm trưa, là Ra dô ông ổng, không nhà mình thì nhà người. Lúc thì Lệ Thủy véo von “em biết yêu từ năm
mười sáu tuổi nhưng nói ra chỉ sợ các anh cười,” lúc thì Thanh Tuấn Thanh Kim
Huệ “mình về đường ấy thì xa để anh bắc cầu cái về qua Ninh bình…”
Dần dà, cả kho nhạc sến và tuồng tích cải lương trong đầu
tôi được khơi ra theo với những băng nhạc cứu tỉnh của Mèo Con. Tôi nhớ vanh vách, Ba đã từng bàn rằng giọng
Út Bạch Lan buồn vời vợi dù không hề than khóc, Ngọc Giàu ngọt lịm như mật và
dài hơi vô câu vọng cổ hai mươi mấy chữ không hề ngắt nhịp lấy hơi… Tôi nhớ
giọng buồn nghẹn ngào của Thanh Sang, giọng buồn da diết đắng cay của Hữu
Phước, giọng buồn thấm đọng của Út Trà Ôn, giọng hào sảng uy phong của Thành
Được, giọng đầy sức sống của Hùng Cường…
Tôi nhớ lũ bạn trẻ con hàng xóm tối tối cặp dép vào nách, bước vô nhà
mắt len lét nhìn Ba, chân đi dọc một bên tường đến cuối nhà leo cầu thang lên
gác coi ké tuồng Yêu người điên của
đoàn Dạ lý Hương chiếu trên TV đen trắng.
Hóa ra, gốc tích xóm nghèo và nhà quê vẫn còn trong tôi.
Dầu vậy, tôi vẫn chưa cam tâm với cái sắc màu của mảnh hồn
quê ấy! Ở xứ mà cái gì cũng có thể thử,
tôi vác xác xin gia nhập ca đoàn, học thuộc sẵn một bài nhạc sến để thử
giọng. Anh nhạc trưởng đã không đòi hỏi
tôi hát thử nên may cho tôi không phải hát và may cho anh không phải nghe. Sau này, nhiều lúc anh cự nự tôi hát giọng
Bôn Sa, tôi thách anh hát được giọng đó và anh thua. Vậy, tôi cứ tà tà đi hát trong ca đoàn và tối
đến vẫn nghe cải lương, hát nhạc sến.
Chỉ đến khi nghe Hoài Nam phân giải trong 70 năm tình ca,
tôi mới hiểu sao nhạc sến (ông Hoài Nam gọi là nhạc thời trang hay nhạc quê
hương gì đấy) đã chạy tuột vào lòng tôi dễ dàng đến vậy. Và mãi đến khi có anh
bạn xa oang oang nhận mình có hồn cải lương thì tôi mới dám dơ cao tay: em
nữa. Tôi mê cải lương, dứt khoát là vậy
rồi. Tôi giật mình nghe Minh Phụng ngân
nga câu thơ Xuân Diệu hãy đốt đời ta muôn
ánh lửa, cho bừng tia mắt đọ tia sao…Tôi phơi phới nghe Thanh Tuấn bỏ chữ
câu cuối cùng em về nếu có quên anh, xin đừng quên..tấm..chơn(ơ)tình…ngày nay
và thầy đàn cũng rallentando theo rồi đàn hát cùng kết câu một cách nhịp nhàng
hòa điệu mà nhớ quê đau đớn (quê tôi là Sài gòn, nhưng ở đất người thì Sài gòn
Đại lãnh gì cũng “the same difference”).
Tình quê hương có mặn mà hơn trong lòng tôi vì những câu tân
cổ giao duyên không, tôi không dám quyết.
Nhưng qua cải lương hay những bản tân cổ những bài nhạc sến tôi thương
những bóng hình chưa hề biết mặt, nhớ những miền đất tôi chưa có dịp hình
dung. Tuồng xưa, tôi học thêm được nhiều
điển tích nhiều chữ. Tuồng xã hội, tôi
biết thêm được chiều sâu của những giòng sông.
Tôi thấy những ông thầy tuồng như biết nhiều chữ Nho, sách Tàu, cảm như
các vị ấy có học và rất rành tâm lý người chung quanh. Tuồng cải lương có tuồng còn tựa như phim Mỹ,
based on true story! Như Tuyệt tình ca 1, chi tiết về cuộc tình
duyên của ông cò quận 9 với người vợ hai là cô giáo ở Vĩnh Long giống như
chuyện Nguyễn Hiến Lê tự thuật trong hồi ký!!
Và cái cách người xưa đóng tuồng mới đáng mê. Chỉ cần nghe họ hát mà thấy được chuyển biến
tâm tư, thấy được nhiều vai nhiều vẻ.
Nghe Hùng Cường trong Tuyệt tình
ca 1 chỉ trong vòng 15 phút thấy được một thanh niên rắn mắt nhưng có suy
tư có tâm hồn, bồng bột và đang yêu, dù phá phách vẫn giữ lễ phép và có giáo
dục gia đình. Bạch Tuyết chỉ trong một
câu hát chuyển từ cái giọng đanh đá qua dọ dẫm lẳng lơ, và đến cuối câu nói thì
chỉ còn là một cô gái hiền lành với chút nỗi bùi ngùi ngơ ngẩn. Họ hát bằng giọng khỏe chắc và đầy cảm xúc
đúng tâm tình, không như những ca sĩ bây giờ: tân nhạc chỉ cốt khoe giọng khỏe
bài nào cũng gào cũng róng riết đau thương, cổ nhạc chỉ cốt khoe dài hơi, vô
vọng cổ câu nào cũng uốn éo như đang trên roller coaster.
Ngày nay nghe lại những câu hát, những tuồng tích, tôi càng
quý các nghệ sĩ đã góp tiếng góp tuồng góp bài hát làm nên một mảnh văn hóa
Việt. Tuồng cải lương, bài tân cổ, nhạc
sến, nhạc lính, bấy nhiêu thứ đã đưa tôi lại gần những miền đất những con người
những cuộc sống của quê hương. Đứng nơi
xứ người dù quê hương chỉ là những bóng chưa gặp những đất chưa qua tôi vẫn
thấy yêu tha thiết. Thoạt nghe ai đó bảo
văn xuôi hải ngoại có tính hoài niệm tôi buồn.
Nhưng gẫm lại thấy đúng. Mà cuống
rún chưa lìa cũng chỉ nhờ một chút hoài niệm đó thôi. Vài mươi năm nữa, nếu có 1 phần trăm lứa trẻ
lớn lên nơi đất người đọc trang viết cũ nghe câu ca xưa mà thương mà nhớ một
quê hương mất bóng không quý sao. Tôi
chưa sinh ra để biết Sáu Lầu, tôi đọc thơ mà chưa bao giờ gặp Nguyễn Tất
Nhiên. Bây giờ tôi thương họ hết
sức. Tôi cũng vái như Nguyễn Tất Nhiên.
Lưu Na
08/01/2011
No comments:
Post a Comment