Cao Xuân Huy. tại sao?
Lưu Na
Tình cờ tôi tìm thấy trên net Chân dung người lính Việt Nam Cộng Hòa của Nguyễn thị Thảo An,
không biết đăng tự bao giờ. Hai mươi năm chinh chiến, vóc dáng người lính trên
từng chặng đường lầm than đã được khéo léo gói trong vài mươi trang viết. Đó là
những vóc dáng khổ đau. Tôi đọc Thảo An mà lại nghĩ đến những chặng đường Phan
nhật Nam đã qua, cảm những tâm tình đớn đau tha thiết suy tư day dứt trên mỗi
bước chân của người lính chiến mà Phan nhật Nam đã ghi lại. Tôi đọc Thảo An lại
cứ thấy hình ảnh của Cao xuân Huy trước mắt.
Cao xuân Huy? Tại
sao? Lính Cộng Hòa có cả trăm ngàn, cả
triệu, không chỉ có một trung úy Cao xuân Huy. Thời của tôi sinh ra và lớn lên,
nhìn quanh đâu mà không thấy lính: trong gia đình, họ hàng, lối xóm…, trên báo
chí, ti vi, sách vở. Tôi thấy họ, sống bên họ, trong sự bảo vệ của họ. Một sự đương
nhiên.
Ra xứ người tôi đọc Phan nhật Nam. Mải miết. Phan nhật Nam viết như lên đồng như phả cuồng nộ xuống trang giấy trắng. Tôi đọc như trúng bùa, mắt không thể chuyển dời khỏi trang sách. Tôi đọc, chới với hốt hoảng đau lòng và hãnh diện. Một bài học lịch-sử-viết-tại-chỗ cho tuổi hai mươi hoang mang và bị bật gốc. Những trận đánh rút đau lòng oanh liệt, những địa danh bốc mù khói súng, ở đâu trên bản đồ? An Lộc địa sử ghi chiến tích, Biệt kích dù vị quốc vong thân… Hồn bà Trưng bà Triệu trong sử Việt có nhập vào những phụ nữ của An lộc? Bài toán nào tính được bấy nhiêu đạn dược vũ trang cộng thêm bao nhiêu bom đạn đổ lên đầu là bao nhiêu sức nặng trên tấm thân người lính? Họ nặng bao nhiêu cao bao nhiêu ăn bao nhiêu để đi bấy nhiêu đoạn đường? Vận chuyển bấy nhiêu thứ trong bóng đêm sình lầy thì đi sao được nhanh nhất an toàn nhất, phương trình toán vận tải nào giải được? Chính nghĩa quốc gia nằm ngay trong câu thách đố đếm 1, 2, 3 tao và mày cùng hô đả đảo -tao đả đảo Mỹ Thiệu, mày có dám đả đảo Liên sô Trung cộng Hồ chí Minh…
Qua Phan nhật Nam, hình ảnh người lính hào hùng mà quá đỗi
tội tình, vinh dự mà quá đỗi lầm than. Những người lính cao cả mà khổ đau ấy đã
mất hút trong cuộc chiến, đã đổ xuống trong dằn vặt nhọc nhằn trước khi tôi kịp
biết mặt.
Vượt đến xứ này, Cao xuân Huy đem theo một khối bom đạn hờn căm của chặng đường tháo chạy. Vượt đến đây, anh như người kỵ mã cuối cùng vượt thoát vòng vây mang tin về cho hậu phương dẫu muộn màng dẫu chuyện không may dẫu điều tủi hổ. Anh kể lại, vẽ lại một trong những mảnh cuối cùng của cuộc chiến cho đồng đội cho những người dân cho bạn bè còn sống sót. Viết lại chặng đường cuối cùng, Cao xuân Huy thêm một vinh dự lầm than cho người lính: bại chứ không hàng. Nhưng tôi đã hết sức để học thêm bài học chót của lịch sử viết tại chỗ. Tôi thối lui khi nghe nhắc một chi tiết trong hồi ký của anh: những vòng tự sát bằng lựu đạn trên đường rút quân dọc theo bờ biển.
Nấn ná, lần lữa, rồi tôi cũng đọc Cao xuân Huy, phập phồng
khi mở lại lời chứng đắng cay để gấp lại một trang quá khứ.
Từ người lính cao cả vùng lửa đạn mịt mù nước mắt trộn hờn
căm của Phan nhật Nam, tôi đối diện với thịt xương hơi thở của một người bình
thường như tôi. Không chỉ là những tấm
thân 35 kg vác quân trang vũ khí, người lính của Cao xuân Huy còn có đầy đủ
những yếu hèn của thân phận con người. Không phải lúc nào cũng dằn vặt suy tư,
họ cười cợt nhậu nhẹt trốn phép rồi vẫn đánh đấm kịch liệt, vẫn chấp hành mệnh
lệnh bước vào chỗ chết. Thoắt đó họ ngã
xuống, họ la làng, ông thầy_ngưng bắn rồi mà sao em chết. Thản nhiên. Cuồng nộ nếu có đã bị dìm vào
thinh lặng, cuồng nộ trắng. Cái vô lý dửng dưng của Cao xuân Huy đứng bên cái
dằn vặt đớn đau tha thiết của Phan nhật Nam như hai mặt của một đồng tiền. Với
Cao xuân Huy, tôi thấy cái cao cả của người lính ở chỗ họ chính là họ -tầm
thường bé mọn trước bể khổ chiến tranh. Để cái hung hiểm khổ đau mà Phan nhật
Nam nói tới mới nặng sao trên vai họ. Ký hay truyện, người lính của Cao xuân
Huy vẫn có đặc điểm của một người lính mà tôi đã gặp đã sống gần bên.
Cao xuân Huy là người viết khéo, chỉ viết khi có cảm hứng, trong một đề tài mà bản thân anh là một phần tử, và bằng giọng bằng lời của một người lính. Đó là cái giọng cộc cằn thô lỗ mà đẫm tình đồng đội, bông đùa bốp chát mà chan chứa nghĩa đồng sinh cộng tử, bất cần mà chính xác điểm nhắm sắc gọn đường đạn của những người chinh chiến bấy lâu. Đó là những lời vắn gọn dễ hiểu và chính xác thường nghe trong quân đội. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ để tôi luôn thấy hình ảnh của anh khi ai nhắc tiếng lính.
Đằng sau đề tài, lời, và giọng, là một cung cách.
Trong khi Hoàng khởi Phong khẳng định bản chất nhà văn của
mình dẫu đã từng là lính, Cao xuân Huy luôn chối tiếng nhà văn. Nhà văn không
chắc luôn viết hay nhưng hay viết, lính chưa chắc đánh giặc giỏi nhưng thường
mang cung cách quân nhân. Trong suốt 25 năm, Cao xuân Huy viết rất ít và giọng
văn không đổi, luôn có cái sắc bén, ít lời mà biểu lộ chính xác dù chỉ viết
chơi. Đọc thử Vải bao cát. Ngoài câu đối đáp dòn dã vui tai mình thường
nghe giữa các ông lính còn rải rác là những lời không thể chính xác hơn, “tại
sao lại không nghĩ nhỉ. Không có gì quý hơn độc lập tự do, thì tại sao lại
không tận hưởng cái quyền độc lập và tự do không giới hạn này, nghĩ.”_ “Khốn
khổ cho cô, và cũng khốn khổ cả cho tôi, đã đành. Khốn khổ cho cái đất nước
tang thương này.” v.v… Đọc rồi đọc lại,
bốp chát thô lỗ mà duyên dáng vẫn làm mình bật cười, đơn giản mà sâu sắc đọc
không chán. Viết chơi, nhưng chỉ một đoạn văn ngắn mình có một khúc phim quá
khứ với đầy đủ hình ảnh âm thanh tâm tình suy nghĩ:
Trong đầu, chập chùng những hình ảnh. Giao thông hào, lô
cốt, hầm chữ A, hầm chữ T. Tiếng bom, tiếng mìn, tiếng lựu đạn, không giật, sơn
pháo. Những đợt tấn công, phản công. Những xác người, xác ta, xác địch, xác
bạn, xác dân. Bữa ăn vội vã bên bìa rừng, một viên đạn bắn sẻ, thằng đệ tử ruột
ngã ngửa, bát cơm biến thành bát máu. Đôi dép râu với cặp chân xanh mét vắt
ngang giao thông hào. Và, bao cát, những bao cát đẫm máu một người dân, người
thiếu nữ chết banh thây trên nóc một hầm trú ẩn, thịt da dính bầy nhầy trên
những bao cát, óc trắng, tóc đen hòa với máu đỏ trộn lẫn với đất từ những bao
cát... Cái chết bi thảm, cái hình ảnh tang thương của người thiếu nữ xuân thì
ấy đã in đậm trong tâm trí Toàn, trở thành nỗi ám ảnh triền miên
Bắn chính xác đúng mục tiêu tiết kiệm đạn và gây tổn thất
nặng, đó là cung cách của Cao xuân Huy qua chữ viết.
Viết đã vậy, mà sinh hoạt trong văn giới cũng đáng chú ý.
Mọi người luôn gọi anh là nhà văn, nhưng sinh hoạt trong văn chương chủ yếu là
lại làm tổng thư ký Văn-học và lại thôi tổng thư ký Văn-học, không giao lưu
sinh hoạt văn hóa gì khác hiểu theo nghĩa bàn bạc, phỏng vấn, ý kiến, viết cho
nhau, ký mục văn học thời sự v.v… Nếu coi sinh hoạt văn chương là sân khấu (xin
hiểu theo nghĩa sát thực) thì anh là ông bầu hay ông thầy tuồng chỉ đứng sau
màn thảng hoặc chạy ra nói một câu chào một tiếng. Chữ lại anh dùng và sự không thường xuyên góp
mặt trên chiếu chữ nghĩa dường như khẳng định rằng làm văn học (viết và tổng thư ký) là duyên đưa đẩy, là một công
việc dù anh làm trọn vẹn vẫn không là bản chất của anh.
Và có thấy anh trong ngày hội binh chủng mới hay, anh chưa
bao giờ thôi là lính. Trong nắng vàng
anh đứng bên đồng đội cũ, dáng nghiêng nghiêng cười cợt thoáng chút khinh bạc
nhẹ nhàng. Thoắt một phút, nghiêm người chụm chân dập gót. Chào. Một niềm thiết
tha tương kính thấm vào không gian. Một phút giây sống lại tình huynh đệ chi
binh với quân phong quân kỷ. Viết dường như cũng chỉ là phút giây sống lại, khi
hồn cũ đã để ở chiến trường xưa nhập về. Cao xuân Huy luôn chối tiếng nhà văn,
nếu hỏi thêm, tôi nghĩ anh vẫn chỉ nhận mình là một người lính, lính, nhiêu đó
đủ rồi.
Thảo An và Phan Nhật Nam không vẽ chân dung của riêng ai,
Cao xuân Huy cũng không muốn nói về mình, chỉ là tôi từ khi đọc anh rồi, từ khi
thấy một cung cách rồi thì cứ thấy bóng những bộ quân phục là tôi nghĩ đến anh,
nghe chữ lính là tôi thấy hình ảnh của anh, Cao xuân Huy, người lính sau cùng
của cuộc chiến.
LN
No comments:
Post a Comment