Wednesday, August 17, 2011


Tản mạn
bên tách cà phê


Nguyễn Xuân Thiệp 



Tiếng dế và ánh trăng



                                            Crickets & the moon

Xin bắt đầu với nhà thơ Hà Thượng Nhân -người gợi cho Nguyễn viết về dế và ánh trăng hôm nay.

Hà Thượng Nhân là nhà thơ, cựu giám đốc đài Sài Gòn và nhật báo Tiền Tuyến. Ông được xem là một nhân cách đáng kính đối với kẻ sĩ miền Nam thời trước. Gần đây, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm từ San Jose gọi điện cho biết: dạo này ông Hà -đã ở tuổi 90- lúc nhớ lúc quên. Có hôm vào 6 giờ sáng, ông gọi Vũ Đức Nghiêm rủ đi ăn phở. Nghiêm nói giờ này tiệm phở đâu đã mở cửa, đợi sau 9 giờ rồi rủ thêm vài ông bạn nữa cùng đi. Nghe vậy, Hà Thượng Nhân nói: Nếu sau 9 giờ thì sẽ có thêm nữ sĩ Huệ Thu. Trước khi đi, Vũ Đức Nghiêm gọi cho Huệ Thu thì được biết vụ đi ăn phở là vào sáng mai lận. Một hôm khác, vào lúc nửa đêm, Hà Thượng Nhân gọi bảo sẽ đưa cho Nghiêm bốn ngàn để Nghiêm tìm cách giúp đài phát thanh Tân An. Ông Hà nói đài này hay lắm, nên giúp đỡ. Vũ Đức Nghiêm bèn giải thích: Đài Tân An là cách đây 40 năm lận, bây giờ đâu còn nữa. Nghe câu chuyện Nghiêm kể, Nguyễn tôi hết sức cảm động và thương cho tấm lòng Hà Thượng Nhân.  
Bây giờ, xin nói chuyện dế. 

   Nguyễn này mê dế. Và cũng đã mấy lần viết về dế. Ngoài ra đã trích dẫn thơ của bạn bè với hậu ý làm cho bài viết của mình thêm ý vị. Nào là "Đây rồi, con dề giang hồ ấy / Vẫn gáy say sưa dưới cỏ buồn" (Tô Thùy Yên), "Con dế mèn tự tử giữa đêm sương" (Du Tử Lê) Và rồi con dế trong thơ Quan Dương... Riêng Nguyễn tôi lúc mới ở tù CS về, cũng có làm bài thi trong đó có tiếng dế khóc: Khòm lưng nấu bát cháo ngoài hiên /nấm mộ đá ong / dế khóc.
   Thưa bằng hữu, sở dĩ Nguyễn tôi nổi hứng tiếp tục tản mạn về dế là vì chợt nhớ là vào một buổi sáng mùa hè cách nay vài năm, khi thăm bạn bè ở Bắc Cali, đã được bạn già Hà Thượng Nhân kể lại chuyện cãi nhau với Thanh Tâm Tuyền về câu thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn: Tất suất sổ thanh nguyệt. Câu thơ này được Bà Đoàn Thị Điểm diễn Nôm trong "Chinh Phụ Ngâm": Vài tiếng dế, nguyệt soi trước ốc. Thanh Tâm Tuyền (ôi, anh Tâm đã là người thiên cổ!) sinh thời trong lúc cao hứng đã dịch lại như sau: Dế vài tiếng trăng. Theo Nguyễn tôi nghĩ, ý của anh Tâm là muốn xóa nhòa ranh giới giữa tiếng dế và tiếng trăng -có thể tiếng dế cũng là tiếng trăng- làm cho câu thơ chữ Hán có thêm một tầng ý nghĩa và cảm xúc, như thể nó có chút ý vị gì đó của haiku. Thế nhưng, ông Hà không chịu, bảo TTT không hiểu chữ Hán. Câu chuyện trà dư tửu hậu, chẳng có gì quan trọng nhưng nó có liên quan đến bài "Đọc Đêm Nghe Dế Gáy" của ông Hà viết cho Nguyễn Trung Dũng.  


                                           Crickets & the moon
  
   Vậy xin hãy gượm, trước khi vào chuyện, thiết tưởng nên nói đôi điều về dế kẻo thiếu tình với anh bạn nhỏ này. Nhiều bạn đọc lớn tuổi hẳn còn nhớ ca từ của bản nhạc “Thằng Cuội” của Lê Thương, trong đó có gợi lên hình ảnh rắt đẹp của con dế: Có con dế mèn suốt trong đêm khuya hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ Ôi, những trẻ em thời xưa, bây giờ đã già hết, nhưng làm sao quên được hình ảnh con dế mèn hát nỉ non dưới ánh trăng. Thật ra, không riêng gì tuổi thơ Việt Nam có hình ảnh con dế. Mới đây, một bà mẹ ở Mỹ, nhớ lại thời thơ ấu của con trai mình cũng nhắc tới những con dế. Và chúng ta biết rằng trẻ con Nhật, rất yêu dế, thường bắt dế hoặc mua dế, đem về nuôi trong lồng tre. Chúng thường đem dế ra công viên vào những chiều mùa hạ để cho dế tranh gáy với những con dế khác.
   Như vậy, dế có mặt khắp nơi, tham dự vào những tuổi thơ hạnh phúc cũng như tủi cực. Như bao trẻ khác, tuổi thơ của Nguyễn tôi nơi sằng dã cũng đã từng bắt dế, nuôi dế, say mê nghe dế gáy... Muốn bắt dế phải lần theo tiếng dế gáy chứ biết đâu mà tìm. Có thể dế nằm dưới một tấm bửng trong vườn cỏ mọc đầy, chỉ cần lật lên là tóm được vài ba chú. Nhưng thường dế ở trong hang và cất tiếng gáy re re, nhất là trong những đêm trăng. Trường hợp này, phải lấy lon múc đầy nước đổ vào lỗ, thế là dế ta ngộp thở trồi đầu lên, cứ việc tóm lấy râu là bắt được. Dế ăn cỏ. Thời nhỏ, Nguyễn tôi bắt về cho vào hộp diêm nuôi để đêm nghe nó gáy. Nghe chán, dăm ba ngày, thả dế ra lại. Các con của Nguyễn cũng rất thích chơi dế. Vườn nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ Đà Lạt chỉ toàn đất sỏi và gốc thông, ít cỏ nên không có dế. Vợ Nguyễn phải ra chợ mua dế về cho hai chú con chơi. Hai đứa như hai hòn bi, suốt ngày làm bạn với dế, cho dế ăn, cho uống nước. Mặt hai đứa cứ đỏ gay, bứt từng sợi tóc trên đầu buộc vào dế rồi quay để cho dế hăng tiết đá nhau. Mỗi đứa có ít ra là mươi con. Đêm trong phòng ngủ dế gáy ran khiến đôi lúc bực mình, Nguyễn tính đem liệng hết nhưng nghĩ tội nghiệp cho hai chú nhóc bèn ráng chịu trận. 



   Trở lại với tiếng dế. Chúng ta đã có dế kêu, dế gáy, dế khóc, dế tự tử. Và còn gì nữa?...Dế kêu, cũng như ve kêu, chim kêu, thường thôi -không có ý nghĩa gì đặc biệt. Còn dế gáy, theo Hà Thượng Nhân, là có ý kêu gọi bạn tình. Tới dế khóc thì chắc phải bi thương, đau đớn lắm. Rồi làm sao con dế mèn lại tự tư, và tự tử bằng cách nào? Có người hỏi thi sĩ Du Tử Lê thì được ông Lê trả lời chắc nó thất tình nên đã cắn lưỡi tự tử. Ấy, ấy, thì ra là thế. Thế nó thất tình ai vậy cà?
   Vẫn tiếng dế. Từ ngày qua Mỹ tới giờ Nguyễn tôi chưa hề được nghe dế gáy. Thâm chí, khi về chơi trang trại người bạn Mỹ ở vùng quê Duncan, OK, qua chiều và đêm giữa cánh đồng cỏ, mà không hề nghe con dế nào cất tiếng. Có lẽ vì gió trời lồng lộng chăng? Cũng có thể Nguyễn mải chuyện trò và xem TV nên không nghe dế gáy. Thật ra, theo sách vở, ở Mỹ có rất nhiều dế. Nhà văn Nathaniel Hawthorne có lần viết rằng nếu ta nghe được tiếng của ánh trăng thì nó cũng như tiếng loài dế gọi là snow tree crickets kêu vậy. Nguyễn nhớ thơ haiku (có phải của Basho?) có câu: Đêm nằm nghe dế gáy / tưởng chừng như tiếng của ánh trăng/ trong khe lá mùa thu
   Các bạn biết không, có bốn giai điệu trong tiếng gáy của loài dế: giai điệu gọi tình thì êm ái nhẹ nhàng, điệu rù quyến con nữ nghe rên rỉ thiết tha, giai điệu đuổi đánh kẻ tình địch thì hung hãn và điệu thỏa tình nghe rất ngắn và nhỏ khi nó xuất tinh trên trứng con nữ. Nói chung thì nhạc dế nghe trong trẻo và du dương.

    Nói tới dế và trăng, Nguyễn nhớ trong tiếng Mỹ có từ "con dế trăng" (moon cricket) dùng để chỉ những người Mỹ da đen thường kéo nhau ra giữa khoảng không trời đất hát những bài ca của người nô lệ dưới ánh trăng. Đó là vào thời xa xưa trên đất này. Một hình ảnh thật đẹp nhưng ít nhiều ngụ ý khinh khi.

   Mùa hè qua mau như ngọn gió. Cuối hè rồi. Dế thường có nhiều vào thời gian này, từ giữa tháng 8 qua đầu tháng 9. Bạn cứ đi dạo chơi vào lúc cuối ngày hay ngồi hóng mát ngoài trời vào lúc hoàng hôn ở nơi miền đồng cỏ sẽ nghe lũ dế đồng gáy ran, tạo thành một khúc nhạc dễ thương. Nên nhớ chỉ dế đực mới biết gáy. Do đó, để nuôi chơi vài ngày, bạn nên chọn con dế đực cho vào cái hộp nhỏ, thả cho nó vài cọng cỏ hoặc ít vụn bánh mì. Khi dế đã quen với chỗ ở mới, nó sẽ gáy suốt ngày.



   Con dế tuy nhỏ bé là thế, nhưng nó có chỗ đứng trong văn học đấy, các bạn ạ. Một con dế có tên Chester Cricket là vai chính trong một cuốn truyện của George Selden -Con Dế Ở Quảng Trường Times Square, The Cricket In Times Square. Selden kể trong tự truyện: "Một hôm tôi đáp xe điện ngầm về nhà. Lúc bước xuống ga ở quảng trường, tôi nghe tiếng một con dế gáy, lập tức một cốt truyện hình thành trong đầu tôi chỉ trong vài phút. Một tác giả phải cảm tạ những giây phút như thế mặc dù chúng xảy ra không thường xuyên lắm."
   Cốt truyện xoay quanh "nhân vật" mang tên Chester Cricket, một con dế có tài âm nhạc, một hôm đến New York trên chuyến tàu từ Connecticut. Nó thậm chí còn đi xe điện ngầm đến quảng trường Times Square. Tại đây, anh bạn Mario Bellini, có người cha đang lo điều hành một tiệm sách báo đang gặp khó khăn về tài chánh, đã tìm thấy con dế Chester và mang nó về nuôi cho vui, hy vọng nó sẽ mang điều lành tới cho tiệm. Cha của Mario là Papa Bellini cũng rất hoan hỉ khi có thêm con dế Chester trong nhà. Tại đây, Chester gặp Chuột Tucker và Mèo Harry. Hai tên này thường lang thang trong thành phố kiếm ăn nhờ những thực phẩm người ta bỏ đi. Chúng đưa Chester đi thăm quảng trường Times Square và Chester tỏ ra vô cùng thích thú. Thế rồi dần dần Dế Chester phát hiện ra tài năng ca hát của mình. Mario bèn đưa chú đi Phố Tàu mua cho chú một cái lồng để ở. Một hôm, Chester gặm mất hai đô la trong quầy tính tiền khiến Mama Bellini -mẹ của Marion- giận muốn đuổi dế đi, nhưng Chuột Tucker đã dùng những đồng tiền đi xin được để cứu Dế Chester và hoàn lại số tiền. Thời gian qua, trong một bữa tiệc vui của ba đứa -Dế, Chuột và Mèo- chúng đã vô ý để lửa cháy tiệm báo. Ngọn lửa được dập tắt, nhưng Mama Bellini  vô cùng tức giận, bảo Mario đuổi Chester ra khỏi nhà. Tuy nhiên, đúng lúc ấy, Dế Chester cất tiếng hát khúc ca Mama Bellini từng ưa thích, và Mama đã hát theo và rồi Mama thay đổi ý kiến. Rõ ràng Chester có một ký ức âm nhạc tuyệt vời khi nó hát những khúc opera kỳ diệu khiến Papa Bellini cũng lấy làm ngạc nhiên thán phục. Về sau nhờ một giáo sư âm nhạc nghe và thích tiếng hát của Chester Cricket đã viết một bài đăng lên tờ "New York Times" nên khách hàng tấp nập kéo đến tiệm báo để nghe Chester trình tấu âm nhạc. Việc buôn bán của gia đình Bellini nhờ đó trở thành phát đạt. Nhưng rồi lòng hoài hương trỗi dậy, Chester muốn trở về vùng đồng nội của mình. Mọi người đều khuyên can nhưng cuối cùng Mario phải để Chester đi. Đêm hôm ấy, khi trăng lên, Chester cất tiếng ca não nùng từ biệt Mario và bạn bè, rồi tất cả đưa Chester ra nhà ga lớn để về lại Connecticut, quê nhà của Chester.
   Như vậy, con dế đã trở thành hình ảnh thân yêu của văn học, nghệ thuật. Hãng phim Walt Disney cũng đã sáng tạo hình ảnh con dế trong các tác phẩm của mình. Đậc biệt, trong phim Pinocchio, dế Jiminy Cricket được xem là biểu tượng của lương tâm nhân vật Thằng Người Gỗ. Cuối cùng, các bạn xem phim The Last Emperor của đạo diễn Bertolucci hẳn còn nhớ hình ảnh vua Phổ Nghi lúc còn nhỏ đã say mê đi tìm và làm bạn với chú dế trong cung.

   Như đã nói trên, từ lúc sang Mỹ đến giờ, Nguyễn chưa từng được nghe tiếng dế. Thế nhưng có người đã nghe tiếng dế gáy ở một công viên trên San Jose. Thưa, đó là ông bạn Nguyễn Trung Dũng của Nguyễn. Trong truyện ngắn Đêm Nghe Dế Gáy, Dũng kể một ông già buổi chiều ngồi trong công viên bỗng nghe tiếng dế gáy. Ông không tin ở Mỹ còn có dế. Vạch cỏ lần theo tiếng gáy, ông thấy một con dế đang cất tiếng dưới một bụi hoa cúc. Ông bèn đưa tay ra goị dế thì, lạ thay, con dế tự động bò lên bàn tay ông. Thế là ông đem con dế về nhà, ban đêm nghe nó gáy và chuyện trò với nó, đến nỗi cô con dâu ông bảo bố điên vì bố ban đêm nói chuyện một mình. Nhưng thật ra ông chuyện trò với con dế. Một đêm, thức giấc với vầng trăng, ông tự nhủ phải thả con dế vào ánh trăng để nó gáy. Thế là ông mở nắp hộp nhốt dế. "Con dế chui ra. Cọ cẳng, so râu, cánh rung, nó gáy lên một tiếng. Rồi vụt một cái, dế bung mạnh đôi càng bay về phía cửa sổ mở. Đứng ở đó con dế lại gáy." Và nó bay ra ngoài... "Ông già tay bấu lên bậu cửa, nhìn theo con dế bay lẫn vào ánh sáng của vầng trăng."

   Một truyện giản dị và cảm động. Như cái tình của con người đối với dế.

 (Tài liệu tổng hợp) 

NXT




No comments:

Post a Comment