Wednesday, August 3, 2011

Phố Tàu, chiều sử gợi

truyện Cổ Ngư

                      Chinatown - 1.bp.blogspot.com
    
      Rời khỏi nhà ga Saint Pancras, Hiến nhắm hướng underground rảo bước. Túi nhỏ đeo gọn sau lưng, anh chen vào lớp sóng ngưòi đang ào ào đổ vào những toa métro thấp, hẹp, vụt đến vụt đi. Đã quen với hệ thống xe điện ngầm của Paris, lần nào trở lại Luân Đôn, Hiến cũng vẫn giữ cái cảm giác mình đang đứng lắc lư trong một chiếc ống dài vô tận, bên cạnh những anh chàng, cô nàng cao lớn dềnh dàng đang lom khom thu người cho vừa với khoảng không gian nhỏ hẹp chung quanh. Họ gọi là tube cũng phải, anh chép miệng nghĩ thầm khi theo thang cuốn dần lên mặt đất. Chạng vạng. Piccadilly Circus náo nhiệt người và đèn. Rạp ca kịch rồng rắn hàng dài chờ đợi, màn ảnh quảng cáo khổng lồ chói sáng giữa trời, bus 2 tầng đỏ rực chen lấn với bọn taxi đen bóng như bầy bọ hung nhích dần từng thước, tất cả không làm Hiến chậm bước. Quày quả đi về phía Chinatown, anh lục tìm mẩu giấy nhét trong túi áo blouson phía trước ngực, lẩm nhẩm đọc trong khi đảo mắt tìm quanh. "Chắc đây rồi!" Đợi cho đám đông hiếu kỳ tản ra sau màn trình diễn làm kẹo chỉ Trung Hoa cổ truyền, Hiến bước đến gần, nhìn thẳng vào đôi mắt một mí của anh Tàu trẻ đội toque, mặc áo blouse trắng theo đúng phong cách đầu bếp Tây.
   - Tôi cần bốn hộp kẹo kéo để đem về Paris. Trả bằng euro đưọc không, hay ông chỉ nhận Bảng Anh?
   - Tôi chỉ nhận Bảng Anh. Ông từ xa đến à? Có muốn được tẩm quất để dãn gân dãn cốt không?
   - Ồ, tốt quá! Ở đâu vậy? Tiệm có gần đây không?
   - Đây là bốn hộp kẹo, xin cho mười Bảng. Bây giờ, ông đi thẳng tới, cách chừng năm căn nhà, bên cạnh quán ăn "Chảo vàng", có một cánh cửa nhỏ, trên gắn tấm bảng "Ông Mạc, massage". Ông bấm chuông, rồi cứ tự động đẩy cửa, lên thang. Tiệm nằm ngay ở lầu một, bên trái.
   - Cảm ơn ông nhiều lắm, thôi, xin chào ông!  
   Theo đúng lời chỉ dẫn, sau khi bấm chuông, Hiến lên thang, nghe rõ tiếng đế giày của mình gõ vang trên những bậc gỗ cũ mòn, nâu bóng. Một người đàn ông đứng tuổi chờ sẵn sau cánh cửa mở hờ. Anh bước vào, mũi đã ngập mùi ngải cứu và mùi dầu thoa bóp.
   - Chào ông…
   - Tôi họ Nguyễn. Chào ông Mạc.
   - Lần đầu ông đến đây, phải không ạ? Mời ông vào.
   - Vâng, nhưng tôi không đến đây để tẩm quất. Tôi vừa mua bốn hộp kẹo kéo để đem về Paris.
   Người đàn ông quay ngoắt lại nhìn Hiến trước khi cẩn thận khép cửa. Không đổi sắc mặt, ông ta giữ nguyên giọng nói từ tốn, ấm áp.
   - À, ra vậy! Thế, ông dùng trà nhé, để tôi chuẩn bị ấm chén. Mời ông ngồi.
   - Vâng, xin ông.
   Trong khi chủ nhà lúi húi chuẩn bị, Hiến nhìn quanh. Căn phòng rộng rãi, trang nhã, nhưng đèn trần yếu ớt, màn cửa dày chắn gần hết ánh sáng từ bên ngoài lọt vào qua cửa sổ. Cuối phòng có bàn giấy, giữa phòng kê chiếc giường dài dành cho khách đến tẩm quất. Kệ và tủ dọc hai bên tường. Vài khung ảnh đây đó. London Bridge giăng dây trên dòng Thames. Pont Neuf soi bóng mặt Seine. Cầu Chùa bắc ngang phụ lưu sông Hoài giữa phố cổ Hội An…
   - Michico bảo ông đến đây phải không? Sao cô ấy không đi cùng?
   - Tôi nghĩ ông đã đoán ra lý do vì sao tôi có mặt ở đây. Michico đang ở Nhật. Bố cô ấy bị thương nặng trong trận động đất tháng trước.
   - Vậy à! Hy vọng ông cụ sớm bình phục. Mời ông dùng trà.
Người đàn ông khoan thai ngồi xuống đối diện Hiến. Ông chậm rãi rót trà từ chiếc ấm màu gan gà ra chén tống rồi lại róc rách chiết vào từng chén quân. Đôi bàn tay gân guốc quen thuộc với việc nắn bóp các bắp thịt lúc này hình như đang bay nhảy theo một vũ điệu riêng của Trà Đạo, Hiến nghĩ thầm. Mùi hương của trà cúc át hẳn mọi thứ mùi có sẵn trong phòng, gợi lại nơi anh cái cảm giác dễ chịu của một ngày cuối thu năm nào, lang thang trong nghĩa trang Père Lachaise cùng Michico, giữa những luống cúc phai úa trồng dọc theo hàng mộ cũ mới lô nhô. Mùi lá mục, mùi đất ẩm, mùi hoa ải, mùi bia mộ xanh rêu trộn vào nhau, quyện vào áo, vào tóc, vào ký ức của từng bóng người lặng lẽ bước trên những con đường dọc ngang vắng vẻ. Michico gọi đó là "mùi kỷ niệm", còn Hiến nghĩ tới "mùi lưu cửu", nhưng anh không biết dịch như thế nào để Michico hiểu cho đúng, vì ngay đối với anh, "mùi lưu cửu", như một đồng vọng từ tiền kiếp, cái nhóm chữ ấy bật ra trong óc anh ngay khi nghe Michico đưa ra định nghĩa "mùi kỷ niệm", nhưng nó mơ hồ, lênh loang như bóng mây in trên mặt hồ gợn sóng. Hiến đành phải bằng lòng chọn "hương mùa thu" khi Michico hỏi anh nghĩ gì về thứ mùi đang dâng lên khắp nơi trong khu nghĩa trang nổi tiếng nhất Paris này… 
   - Ông đang nghĩ ngợi điều gì à?
   - Ồ… không, linh tinh thôi. Trà cúc thơm quá, thưa ông!
   - Mời ông!
   - Mời ông!
   Hiến nâng chén trà, kín đáo hít một hơi đầy trước khi nhấp từng ngụm nhỏ. Chất lỏng và mùi hương gặp lại nhau, mở một con đường ấm nồng trong Hiến. Anh thấy ông Mạc đặt chén trà còn đầy nguyên xuống khay, mỉm cười, nhưng đôi mắt quắc sáng, tia nhìn chọc thẳng vào con ngươi của người đối diện.
   - Ông đến đây gặp tôi có việc gì nào? Ông nói đi, nói đi…
   Lóa. Hiến thấy khuôn mặt gầy choắt, nhăn nhúm của ông Mạc dãn nở dần rồi chầm chậm rơi xuống. Đến ngưỡng giới hạn của tầm nhìn, khuôn mặt ấy bỗng tưng bật lên cao rồi lại tiếp tục rơi theo lộ trình cũ. Đều đặn. Lập đi lập lại không mỏi mệt. Với lời thúc giục bên tai âm âm như tiếng vọng trong chum đầy nước: "Nói đi! Nói đi!" Kể gì bây giờ? Về tin nhắn khẩn cấp của Michico? Về chiếc vé xe lửa mua trước giờ khởi hành đúng bốn mươi lăm phút? Về những bức tường gạch đỏ cũ kỹ của ga Saint Pancras? Vâng, bắt đầu từ đấy đi nhé! Xem nào! Rời khỏi toa tàu Eurostar vừa xịch đỗ, tôi không theo chân đoàn người túa ra tìm thân nhân, tìm taxi, tìm bus… mà lững thững tiến sát đến những bức tường gạch đỏ. Đưa tay chạm nhẹ lên mặt gạch, mỗi ngón miết tìm từng khoảng thời gian sần sùi đọng lại, tôi thấy từng trăm năm lướt qua kẽ tay, thời gian vùn vụt ngược chiều lùi về quá khứ. Chiếc túi đeo lưng rơi xuống đất từ lúc nào không biết, tôi nhắm mắt áp mặt vào bức tường khuất cuối ga. Mát lạnh. Mũi bắt được mùi nồng quen. Vôi vữa, đất nung, bụi cũ. Óc trả lại cho trí nhớ màu đỏ ngôi giáo đường thanh thoát giữa phố năm xưa. Và tay, từng ngón vẫn miết đều, như đang nhẹ xoay vòng nút rà đài của chiếc máy truyền thanh cũ. Bỗng, bùng vỡ tần số! Âm thanh đổ rợp từng hồi, xối xả tuôn theo từng đợt hoa khế cuồng loạn giữa cơn gió giật trước trận giông lớn.   Đúng rồi! Bức tường lở vôi lòi từng mảng gạch đỏ, những ngón tay cuống quýt tìm ra dấu quen. Nhiều buổi chiều dần tối nằm dài trên mặt mộ lạnh, miết ngón xoá dấu đường đi của bầy kiến. Những con kiến cần cù theo mùi nhau nối đuôi tải trứng lánh mưa, nay bị mùi lạ quệt ngang đường, mất dấu, hốt hoảng túa ra dọc theo vạch vẽ vô hình, khua râu tìm kiếm. Rồi lại đâu vào đấy. Hàng ngũ chỉnh tề, thẳng hàng, tiến! Ừ, trò chơi ngày thơ ấu, trên mặt mộ cổ, có hai mảnh âm-dương khít khao, dấu một lõm tròn lọt thỏm hòn bi. Ừ, cả cái khát khao thời mới lớn, thấp thỏm đợi tiếng gọi khẽ của chị Ngần, người hàng xóm phía bên kia bức tường gạch thấp. Những ngón tay bấu bíu. Kỷ niệm ùa về nhiều quá, ôm không trọn. Màu đỏ, trời ơi, phải rồi, lửa, buông tôi ra! Buông tôi ra! Cháy! Cháy!
   Hiến bật văng khỏi ghế, ngã soài ra sàn. Có người kéo anh dậy, ấn ngồi xuống, giọng vỗ về:
   - Ông Nguyễn, ông Nguyễn, không sao, không sao, lửa tắt hết rồi… Ông vừa nhắc đến ngôi mộ cũ. Ông còn nhớ nó nằm đâu không?
   - Nhớ chứ, ở nhà ông bà nội tôi, trong con hẻm nhỏ gần đường rầy xe lửa, trên đường ra phi trường Tân Sơn Nhất. Ở đầu hẻm có ngôi nhà thờ Tin Lành của người Đại Hàn, đi sâu thêm chút nữa là xưởng cưa máy ồn ào suốt ngày. Tôi vẫn nghĩ đến…
Khi tỉnh lại, Hiến thấy mình nằm dài trên chiếc giường tẩm quất giữa phòng. Anh ngồi bật dậy, nhưng ngã vật ra ngay, đầu óc ngầy ngật, choáng váng như đang trong cơn giã rượu.
- Ông Nguyễn, cứ nằm yên nghỉ ngơi. Ông sẽ trở lại bình thường trong năm, bảy phút nữa thôi. Ông nghe cuộc đối thoại này nhé!
   Người Tàu già bấm máy. Hiến nghe tiếng nói của mình phát ra từ chiếc loa nhỏ đặt gần bên - chắc dùng trong việc phát nhạc êm dịu để khách thư giãn khi đang được tẩm quất - mà muốn nhận không ra. Giọng kể trầm đều, như tỉ tê cho riêng mình về lớp ký ức đã bị vùi lấp dưới tầng tầng thông tin, nay bỗng được khai quật, hồi sinh, lung linh hiển hiện. Bây giờ anh mới hiểu, vô thức đã xui khiến anh đặt từng ngón tay lên mơn trớn mặt gạch sần nhám của ga Saint-Pancras và màu đỏ bầm ở đó cuốn hút anh về với những kỷ niệm mất tăm thuở thiếu thời bên bức tường cũ, trên nền mộ lạnh. Nhưng…
   - Xin lỗi ông đã lén ghi âm cuộc nói chuyện. Michico nhắn tôi làm việc này. Cũng nhờ vậy, một phần bí mật đã được phát hiện.
   - Bí mật nào? Tại sao ông lại đánh thuốc mê tôi? Còn Michico…
   - Chuyện dài dòng lắm ông Nguyễn à. Ông cứ nằm yên mà nghe nhé!

*
*    *
  
   … Quá đầu thế kỷ XVII, sau nhiều ngày lênh đênh trên một chiếc shuinsen cũ nát, người thương buôn Shutaro đặt chân lên Hải Phố của đất Đại Việt. Liên lạc được với người quen, chỉ vài tháng sau, ông quyết định định cư tại đó và mở một cửa tiệm ở khu nihonmachi của đồng bào ông, sát ngay dốc Chùa Cầu. Nhưng khác với họ, ông không mua bán kim loại, tơ lụa, trầm hương, hồ tiêu… mà lại chuyên chú về hàng gốm sứ. Nhập gốm từ kinh đô Kyoto để bán cho người bản xứ, ông chuyển gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng về cho người em ruột trên đất Phù Tang. Lúc đầu, ai cũng cho đó là điều gàn dở, nhưng anh em ông đã đánh đúng vào thị hiếu chuộng của lạ nơi con người, nên dần dà, công việc làm ăn khấm khá, vốn xoay vòng nhanh, lãi mẹ đẻ lãi con, ông mua hẳn một chiếc tàu buôn bôn ba khắp nơi tìm nguồn hàng mới, từ Thanh Hà, Chu Đậu đến tận Vân Nam, Móng Cái. Nhưng chỉ vài năm sau, tàu ông bị hải tặc tấn công, đánh đắm gần Cù Lao Chàm, thuỷ thủ đoàn bị giết sạch, riêng ông bị gông dưới lòng tàu cướp biển chờ ngày gia đình chuộc mạng. Trong hầm tối, ông làm quen với hai người bạn đồng cảnh ngộ: Joseph-Francis Borri, thầy tu dòng Tên, theo cha Alexandre de Rhodes đến Fai-fo truyền đạo và Mạc Khương, con thứ một đại tộc Quảng Đông quyền thế Đàng Trong nhưng lại chuyên tâm nghiên cứu lý số, thiên văn, địa lý. Bị đánh đập, tra khảo, bị đói khát dày vò, ba người tù, không vì bất đồng ngôn ngữ, khác tín ngưỡng mà không gây được nơi nhau niềm tin và lòng thương cảm. Cuối cùng, họ may mắn được đô đốc Nguyễn Vệ cứu thoát. Tình tri ngộ, ơn cứu tử, bốn người cắt máu ăn thề kết nghĩa huynh đệ. Giữa họ, ngoài mối thâm giao, còn thêm một bí mật liên quan đến vận mệnh đất Việt. Ông Mạc bấm độn, cho biết Đại Việt sẽ phát triển về phương Nam và còn chịu nhiều gian nan trong gần bốn trăm năm nữa, đất nước điêu tàn, người dân ly tán, lớp chết đói, chết dịch, chết vì ngoại xâm hay vì tiếp tục giết hại lẫn nhau. Tuy nhiên, xứ sở này vẫn có cơ hội hồi sinh với từng khoảng thời gian thái bình thịnh trị ngắn ngủi. Nhưng một đại thảm hoạ đến từ phương Bắc có khả năng sẽ xoá sạch dấu vết của đất và người Việt. Đại thảm hoạ gì, không ai rõ. Vì ông Mạc không đủ tài suy đoán, hay vì ông không dám tiết lộ thiên cơ? Chỉ biết, với binh quyền trong tay đô đốc Nguyễn, với mạng lưới giáo dân và giáo sĩ dòng Tên toả khắp Đông Nam Á của thày Borri, với đại tộc sung túc của ông Mạc và những chuyến du hành thuỷ-bộ đây đó của người thương buôn Shutaro, cuối cùng, họ đã thiết lập được một hệ thống phòng thủ để ngăn chặn đại hoạ sẽ đến trong tương lai. Vấn đề là làm thế nào để gìn giữ và lưu truyền thông tin cho các thế hệ sau. Từ một tài liệu gốc viết chung bằng chữ Hán, họ đã nhân bốn bản và tiếp tục ghi chép các mối liên lạc giữa họ với nhau, các biến động thời cuộc và cách bảo vệ bí mật chiếc chìa khoá phòng thủ, thông qua những câu nhắn mập mờ kiểu sấm Trạng hay thơ Nostradamus. Theo chỗ tôi được biết, sau khi đã cùng cha Alexandre de Rhodes đem chiếc sọ của thày giảng André - người tử đạo đầu tiên của Đại Việt - về La Mã, thầy Borri bắt đầu xao lãng việc tu tập do chú tâm tìm hiểu, nghiên cứu về phép luyện kim. Bị ảnh hưởng của các học thuật huyền bí biết được chút ít qua những lần tiếp xúc với ông Mạc, thày Borri bỏ dòng, bán hết gia sản của tổ tiên để lại, lao vào thí nghiệm. Dù thất bại hết lần này đến lần khác, nhưng ông cũng tạo được thanh thế và quen biết rộng rãi với cả hàng giám mục thần quyền lẫn giới quý tộc, vua chúa thế quyền. Hai đam mê cuối đời của ông là bầy ngựa nòi và việc săn lùng viên đá điểm kim. Ông viết được vài quyển sách, ghi lại những kinh nghiệm, kết quả thu thập được trong phòng thí nghiệm. Những gì truyền riêng cho dòng tộc, tôi không được rõ, chỉ biết một người cháu chắt của ông đã bắt liên lạc được với người nối dõi đô đốc Nguyễn, khi ấy theo phái bộ Nguyễn Phúc Cảnh – Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện vua Louis XVI…
          
*
*    *

   - Vậy sao? Đúng là trong gia phả nhà tôi có ghi lại chuyện cụ Nguyễn Văn Liêm theo hoàng tử Cảnh đi Pháp, nhưng chỉ vắn tắt thế thôi…
   - Có lẽ do chiến tranh, loạn lạc, nên gia đình ông đã đánh mất bản tài liệu ghi lại bí mật riêng của bốn dòng họ Nguyễn-Mạc-Shutaro-Borri. Vì vậy, hình như ông không hay biết gì về mối liên lạc này, phải vậy không?
   - Vâng, đúng thế. Từ khi quen Michico, tôi được cô ấy hé lộ cho vài điều, kết hợp với những chi tiết rời rạc, lờ mờ của ông nội thuật lại, tôi mường tượng, hay đúng hơn, tưởng tượng ra nhiều chuyện hoang đường. Hôm nay gặp ông, rõ hơn nhiều lắm. Nhưng, sao ông còn giữ được nhiều thông tin thế?
   - Ông tổ của chúng tôi, ngoài chuyện am tường lý số, thiên văn, còn say mê việc ghi chép các sự việc xảy ra hàng ngày. Ông truyền niềm say mê ấy lại cho chúng tôi, kèm theo lời trăn trối: phải cố gắng kết hợp cho bằng được thông tin của cả bốn dòng họ ghi chép lại qua các thế hệ, để giữ sự mạch lạc và mối liên kết cho con cháu mai sau. Hậu duệ Mạc Khương trụ lại Fai-fo thêm hai đời nữa thì phân đôi. Dòng thứ theo đường Nam tiến của các chúa Nguyễn vào đất Bến Nghé – Gia Định sinh sống, sau đó lại tẽ nhánh và hợp cùng đại tộc Mạc Cửu xuống khai phá Hà Tiên. Dòng trưởng theo tàu Tây dương sang tận Âu châu, lang bạt khắp nơi, cuối cùng định cư ở Luân Đôn từ gần hai trăm năm nay. Mạc Khôi, con trai út của tôi, chính là người bán kẹo chỉ mà ông gặp lúc nãy ngoài phố.
   - Vậy… Michico biết hết mọi chuyện này?
   - Đúng thế. Cha con cô ấy là những người cuối cùng của dòng Shutaro. Khi Fai-fo bắt đầu suy tàn vì sông Hoài cạn dần và hải cảng Đà Nẵng ngày càng phồn thịnh, họ bán hết sản nghiệp để quay về Nhật. Với vốn liếng học được từ nghề làm gốm ở Đại Việt, họ mở lò với thương hiệu riêng và yên ổn làm ăn cho đến tận bây giờ. Chỉ có điều hiếm muộn, gần như độc đinh, lâu lắm mới được một thế hệ có hai trai. Đến đời Michico, coi như hết. À, thời 1944-1945, có một sĩ quan Shutaro liên lạc được với dòng họ của ông ở Nam Định, sau đó vào tận Sài Gòn gặp Mạc gia. Ông sĩ quan cấp uý này cuối cùng phải tự sát vì bị bắt quả tang lén lấy thóc nuôi ngựa phát cho dân đói ở Thái Bình.
   - Bố tôi mất sớm trong chiến tranh, mẹ lấy chồng khác và theo dượng sang Pháp từ lâu, nên tôi sống với ông bà nội từ nhỏ. Thuở bé, tôi nhớ ông vẫn ôm tôi vào lòng mà kể chuyện. Từ việc tử nạn của ông tổ Nguyễn Vệ trong trận thuỷ chiến Trịnh - Nguyễn ở cửa sông Nhật Lệ, qua những thăng trầm của dòng tộc đến thành phố Nam Định thời thơ ấu của ông. Thỉnh thoảng, ông gợi lại vài hình ảnh đẹp như huyền thoại của thành phố Hội An với Chùa Cầu, chó đá, khỉ đá mà ông đã có dịp ghé thăm. Cao hứng lắm, ông mới nhắc về thời sinh viên Âu du tươi đẹp với giọng điệu thật sôi nổi. Lúc ấy, nép sát bên ngực ông, tai tôi nghe được cả nhịp đập khác thường của trái tim đang hồi xuân ấy.
   - Cụ có kể gì với ông về bí mật của bốn dòng họ không?
   - …không. Có lẽ vì ông mất đột ngột trong một tai nạn giao thông, nên không kịp nhắn nhủ gì cả. Chỉ cách đâu chừng hai, ba tháng trước ngày rời Việt Nam. Lúc ấy tôi mới mười lăm… Bà nội chỉ giữ lại quyển gia phả và chiếc nhẫn chạm rồng mà tôi đang đeo trên ngón tay út đây, ngoài ra, đem cho, đem đốt hết trước khi bán nhà để sang Pháp sống theo đơn xin đoàn tụ gia đình của mẹ và dượng tôi nộp cho chính phủ hai nước.
-  Phải là căn nhà có ngôi mộ cổ mà ông nhắc khi nãy không?
- Đúng vậy. Mà ông có vẻ quan tâm nhiều đến ngôi mộ cổ đó nhỉ. Bí mật nằm ở đấy à? Sao không nghe ông nội tôi nhắc gì đến nó cả…
   - Có thể cụ nghĩ chưa đến lúc… Trong thời gian du học, cụ đã lặn lội sang Luân Đôn tìm gặp được cha tôi, và đi cùng một người bạn Pháp, ông Burris…
   - Burris? Ông ấy tên gì? Có phải là… Denis?
   - Đúng thế!
   - Trời ơi! Thảo nào!
    - Ông đã gặp Denis Burris rồi à?
   - Ở đại học, tôi có người bạn tên Franck Burris. Lúc mới quen biết, Franck cứ nằng nặc đòi dẫn tôi về thăm nhà ở vùng Alsace. Ở đó, tôi gặp ông Denis. Cái nhìn đầu tiên của ông ấy lạ lắm, nửa soi bói, nửa thân mật, cũng từa tựa như cái nhìn ông dành cho tôi lúc nãy vậy. Ông Denis săn sóc tôi chu đáo một cách khác thường, khiến tôi đâm ngại. Ông hỏi han tôi đủ điều về thân thế, và ngay trước mặt tôi, cứ nói với Franck là hắn đã tìm đúng được một người bạn tốt. Ban đầu, tôi nghĩ là ông Denis lập dị, hoặc mắc chứng bệnh của những người Âu châu yêu thích đến mê muội tất cả những gì thuộc về châu Á, nhưng lần hồi, quen dần với cách hành xử của ông Denis cũng như của tất cả mọi người trong gia đình Franck dành cho tôi…
   - Bởi vì chúng tôi đều có cùng một món nợ ân nghĩa với dòng tộc ông.
   - Ông nói sao? Gia đình Burris có dính dáng gì đến họ Nguyễn à?
   - Họ chính là hậu duệ của thày Borris. Sau khi đã định cư ở vùng Alsace, con cháu Joseph-Francis đổi họ thành Burris và nổi tiếng với nghề nuôi ngựa nòi gia truyền. Họ cũng chuyên cả việc sản xuất sữa ngựa, một đặc sản của vùng này… Ông có tin tức gì của Franck Burris không?
   - Sau đại học, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, tuy không gặp nhau thường xuyên như thời sinh viên. Franck làm việc cho đại sứ quán Pháp tại Việt Nam từ hai năm nay. Chúng tôi có hẹn sẽ gặp nhau tháng sau ở Hà Nội.
   - Franck Burris đi tiền trạm cho ông đấy. Có lẽ bây giờ, anh ấy rành rẽ đường đi nước bước ở đất Việt còn hơn cả ông nữa.
   - Chắc chắn như vậy rồi! Tôi rời Việt Nam khi còn là thiếu niên, đâu đã biết gì nhiều… Mà, trong chuyện này, lần lượt Franck rồi Michico chủ động tìm đến tôi, trong khi tôi lại chẳng biết gì cả về mối quan hệ của bốn dòng họ.
   - Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được tông tích của ông. Dòng họ ông mất gần một thế hệ rưỡi. Chuỗi móc xích bị đứt đoạn. Bà nội của ông, hoặc không hay biết gì, hoặc chẳng hề quan tâm đến việc này. Cũng may, trong dòng họ Burris và dòng họ của tôi còn sót lại ở Việt Nam, có người nằm trong Bộ Ngoại Giao, nên cứ từ tên ông nội của ông trong hồ sơ xin xuất-nhập cảnh mà phăng dần ra.
   - Nhờ ông, tôi mới thông tỏ mọi điều. Tôi cũng cảm nhận được tâm tình cũng như công sức của mọi người đã bỏ ra để có được cuộc đối thoại chiều hôm nay. Bây giờ, với tư cách một thành viên của liên tộc bốn dòng họ chúng ta, tôi có thể làm được những gì?
   - Theo dự báo của ông tổ Mạc Khương chúng tôi, khi dòng chảy các đại giang đổ vào đất Việt trước khi ra biển lớn bị tắc đường, nghẽn mạch, ấy là lúc cả bốn dòng họ phải đồng tâm hợp lực lại giải mật để cứu đất cứu người. Ông thấy đấy, với hệ thống trùng điệp các đập thuỷ điện của Trung Hoa xây dựng trên thượng nguồn Mékong và Hồng hà, hai dòng sông này đang hấp hối. Lưu lượng thất thường, môi sinh bị huỷ diệt. Chưa nói đến thảm hoạ gì sẽ xảy ra như tiên đoán, nhưng ảnh hưởng của những biến đổi này ngày một rõ nét và sâu rộng trên các vùng đồng bằng của nước ông. Lào và Cao Miên cũng không thoát được những tác động xấu lên thiên nhiên và con người.
   - Nhưng tôi sẽ…
   - Trưa mai, Mạc Khôi sẽ đưa ông đến Trafalgar Square. Chiếc nhẫn chạm nổi trên ngón tay út của ông sẽ là chìa khoá để mở dần từng cánh cửa bí mật của hệ thống phòng thủ đã được tổ tiên chúng ta thiết lập từ gần bốn trăm năm trước.
   Ông Mạc rút từ túi áo trong, phía bên ngực trái một chiếc nhẫn vàng và chìa cho Hiến xem. Chiếc nhẫn rỗng, khắc chìm. Ông từ tốn áp chiếc nhẫn cầm trên tay vào chiếc nhẫn Hiến đeo ở ngón út. Chúng chập vào nhau vừa vặn. Khít khao.    

Cổ Ngư
PARIS 08.2010 – NANTERRE 05.2011

No comments:

Post a Comment