Friday, September 29, 2023

CHIỀU TÍM. MỘT BÔNG TRĂNG

Sao Khuê
 

Đan Thọ. Đinh Hùng.
Và nhạc phẩm Chiều Tím
 
Chiều tím. một bông trăng… Tôi viết câu này đã lâu lắm. Không nhớ trong bài thơ nào. Nay nghe lại Chiều Tím, nhạc Đan Thọ, thơ Đinh Hùng, bỗng một không gian lãng đãng hiện về cùng tiếng vĩ cầm. Ôi, nay Đan Thọ đã ra đi, tiếng vĩ cầm đã lặng. Ông qua đời ngày 4 tháng Chín năm 2023, thành phố Houston, Texas, hưởng đại thọ 99 tuổi.
Đan Thọ ra đi để lại nhiều tác phẩm giá trị, trong đó có bài Chiều Tím với ca từ của Đinh Hùng.
“Chiều Tím,” có thể được xem là một trong những nhạc phẩm đặc sắc nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Theo trang Wikipedia, nhạc phẩm này được danh ca Anh Ngọc hát lần đầu tiên trên đài phát thanh. Sau đó được nhiều ca sĩ khác trình diễn như Lệ Thu, Khánh Ly, Hồng Nhung, Khánh Hà, Ý Lan, Tuấn Ngọc…”
 
Xin nghe Kalynh Ngô thuật lại:
Vào một ngày của thập niên 1960, khi đang ngồi uống cà phê ở quán La Pagode góc đường Tự Do (cũ), nhạc sĩ Đan Thọ đưa một bản nhạc ông vừa sáng tác, nhưng chưa đặt lời cho hai nhà thơ Đinh Hùng và Thanh Nam. Sau khi xem, thi sĩ Đinh Hùng nói: “Moi (tôi) biết chơi mandoline, để moi viết lời ca cho.” Khi Đinh Hùng hoàn thành lời nhạc, ba người gặp lại nhau. Nhà thơ Thanh Nam đề nghị đặt tên ca khúc là Chiều Tím.
Câu chuyện này được nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn kể lại trong cuốn Bông Hồng Tạ Ơn.
Chiều Tím là một trong 10 nhạc phẩm nhạc sĩ Đan Thọ để lại cho cuộc đời, cũng là ca khúc đầu tiên ông sáng tác từ khi vào Sài Gòn năm 1956. Kể từ ấy, bản nhạc du dương, kết hợp cùng ca từ sang trọng, nhẹ nhàng đậm chất thơ, đã đi cùng năm tháng, qua tiếng hát của ca sĩ thuộc nhiều thế hệ, từ trong nước đến hải ngoại.
 
Đây mời anh chị đọc lại ca từ mà như thơ Đinh Hùng viết cho Chiều Tím:
 
Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài
Sầu trên phím đàn, tình vương không gian,
Mây bay quan san, có hay?
 
Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vầng trăng viễn hoài
Màu xanh ước thề, dòng sông trôi đi
Lúc chia tay còn nhớ chăng?
 
Ai nhớ mắt xanh năm nào
Chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu
Kề hai mái đầu nhìn mây tím nhớ nhau
 
Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài
Đàn ơi nhắn giùm người đi phương nao
Nếp chinh bào biếc ánh sao
 
Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vỹ cầm
Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!
Thương ai hoa rơi lá rơi
 
Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào
Tình trong phiến đàn mùi hương chưa phai
Ý giao hoan người nhớ chăng?
 
Mây gió bốn phương giăng hàng
Mùa thu thêu áo nét hoa mơ màng
Và em với chàng kề vai áo vấn vương
 
Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào? Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi
 
Chiều tím. một bông trăng. Thiết tưởng hình ảnh gợi cảm này xứng đáng để tưng niệm nhạc sĩ Đan Thọ và cả nhà thơ Đinh Hùng.
SK
(Tổng Hợp)
 
 

Wednesday, September 27, 2023

CHIỀU. TRONG CÕI ĐÁ VÀNG. VÀ THANH SÂM…

nguyễnxuânthiệp


Thanh Sâm và tác phẩm
 
CHIU. TRONG CÕI ĐÁ VÀNG                    
 
    *tặng thanh sâm
 
chiều rũ cánh
đêm về
thanh sâm ơi
mình chợt như thấy lại
nhánh thông khô. và mặt trăng. đong đưa. đong đưa. trên mái ngói
ngôi nhà số 3 nguyễn trường tộ
nơi vợ con mình. và bạn bè. và sâm. từng có mặt
nay đã chia xa
và con đường rose
một đêm mình chở thanh sâm tới
thanh sâm mặc áo dài trắng. không trang điểm. tóc đen phủ xuống đôi vai
nụ cười hải đường. tím
mắt mở to
nhìn đinh cường vẽ tranh. khỏa thân nâu hồng. và hoa phù dung trong vườn
hoa phù dung. ôi dung. vợ mình vừa mới ra đi. giọt nước mắt giã từ
đêm ấy. sơn ôm đàn. gào
vết lăn. vết lăn trầm
và tiếng gió. đập vào mặt trăng. và đá núi. rừng thông
còn đâu con đường rose
trịnh công sơn chết. đỗ long vân chết
anh tốn đã ra đi
và mình biết. thanh sâm bây giờ. lúc nhớ. lúc quên
 
thì hãy về đứng
trên ngọn đồi ấy. để nhìn
và thấy lại
khánh ly còn hát. bên bờ cỏ tía
thành phố trong đêm. con tàu còn rọi đèn. sương ngủ. hồ mê linh
tôn nữ kim phượng. ôi vệt sơn còn in trên áo. màu của đất. xưa
chúng ta. đi bên nhau. tay chợt cầm tay
còn nhớ không sâm
những trái bắp nướng mỡ hành trên ngọn lửa hồng
thơm đường khuya
chúng ta đi. và trăng. gió vương đầy mặt
một thời đã xa
ôi. thanh xuân
thanh xuân của tôi. đã chết trên cánh đồng. dã quỳ khô
sâm còn thấy
chú ong non ngày nọ
về trong giấc mơ
hãy nhớ. hãy nhớ
đừng quên
chiều. trong cõi đá vàng
Chiều 20 tháng 1. 2012
 
 
THANH SÂM. ĐỪNG NHÌN LI

ôi, thanh sâm
thanh sâm vừa ra đi
hay về lại
về lại. ngôi nhà. có cây mimosa. trên đồi
hay ngôi nhà. với ba cây thông. bậc thềm đá.
                           và khóm dã quỳ. vàng
về lại. và gặp tốn trên con dốc nhà thờ
gặp lại đinh cường. trịnh công sơn. và tranh. và nhạc
ngôi nhà trên đường rose
và vầng trăng thuở ấy
 
chia tay. sâm nhé
 
ôi. thanh sâm. đi đi
đừng nhìn lại
buổi chiều nắng phai.
mình đang khóc
sâm ơi
NXT
Dallas, chiều 27.9.2023

Sunday, September 24, 2023

HÔM NAY CÓ PHẢI LÀ THU

nguyễnxuânthiệp
 
Mùa thu tới
 
Dưới bầu trời nhiều mây điểm vài hạt mưa thưa, anh gởi đến em một bài viết của năm nào như một khúc nostalgia mùa thu. Em đọc nhé.

Hôm nay có phải là thu... Có vẻ như đây là một câu hỏi, khá là bâng quơ, không biết hỏi mình hay hỏi ai. Và khi vừa cất tiếng lên là thấy ngay bầu trời chập chùng của mùa thu và nghe vang lên trong đầu những câu thơ của Đinh Hùng ngày nào. Đồng thời cũng nhớ lại những ca khúc đã làm nên tâm cảm của mình một thời tuổi trẻ. Vậy hôm nay nhân buổi nhàn hứng, gặp lúc hè vãn thu về, Nguyễn tôi xin được cùng bạn đọc bàn phiếm đôi dòng về những hương sắc không bao giờ nhạt phai trong tim người.
 
   Hôm nay có phải là thu… Câu thơ của Đinh Hùng quả thật đơn giản như một lời nói, ấy vậy mà gợi lên trong lòng biết bao cảm xúc. Vâng. Hôm nay có phải là thu / Mây năm xưa đã phiêu du trở về... Mình đọc và thuộc bài thơ từ thuở còn Trung học ở Huế, nghĩa là lúc mộng chưa phai tàn, đời chưa đá đít đòi phen và vòng kim cô Cộng Sản chưa thít chặt lên đầu dân tộc. Bài thơ mùa thu thật đẹp ấy đã ở lại trong đầu qua suốt năm sáu chục năm, bất chấp những đợt sóng bể dâu, không thèm biết đến những hệ lụy nhân sinh và áo cơm hành hạ.
  Hôm nay, bầu trời Dallas nhiều mây xám, và hình như có mưa thưa, tiếng sấm chuyển bụng ì ầm đâu ở cuối chân trời. Trí óc lại trở về với những câu thơ mùa thu của Đinh Hùng bèn ngồi chép ra giấy gởi qua làn sóng hư không về nơi phương trời viễn mộng để ai đó đồng cảm đồng tình thì đưa tay đón nhận. Em đi hoài cảm một mình / Hai lòng riêng để mối tình cô đơn / Hôm nay tưởng mắt em buồn / Đã trông thấp thoáng ngọn cồn bóng sương / Lạnh lùng trăng gió tha hương / Em về bên ấy ai thương em cùng... Vâng. Cảm ơn thi sĩ Đinh Hùng. Cảm ơn mùa thu.
   Nói về những bài thơ mùa thu thì nhiều lắm. Hàng ngàn bài, khởi đi từ Thu Hứng của Đỗ Phủ rồi đến Cảm Thu Tiễn Thu của Tản Đà. Ngoài ra, kẻ nào đã có cắp sách đi học lại không thuộc lòng Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư (thật ra, bài này chẳng để lại dấu tích gì bao nhiêu trong đầu óc kẻ này). Rồi nào là Chanson d'Automne Thu Ca của Paul Verlaine, Automne Malade Mùa Thu Ốm của Guillaume Apollinaire… Cũng như âm nhạc, ít ra cũng có tới hàng trăm bài nhạc viết về mùa thu. Phải nói hầu hết đều hay. Ai không yêu Giọt Mưa Thu, Buồn Tàn Thu, Thu Quyến Rũ, Em Ra Đi Mùa Thu, Mùa Thu Chết, Les Feuilles Mortes The Falling Leaves?... Thế nhưng, riêng đối với kẻ này đặc biệt có hai bài thân thiết nhất và dấu yêu nhất mỗi khi lòng bâng khuâng tự hỏi "hôm nay có phải là thu". Đó là Thu Vàng của Cung Tiến và Nhìn Những Mùa Thu Đi của Trịnh Công Sơn. Em sẽ hỏi, hơi cao giọng và ray rứt: Tại sao? Tại sao? Thì đây là câu trả lời: Chẳng tại trăng tại sao gì cả. Hay chỉ tại vì hai bài vừa nói có dính chút xíu tới những năm tháng màu xanh của kẻ này. Thu Vàng với năm đầu tiên làm sinh viên trường Luật -có cả Hồ Đăng Tín và Cung Tiến chung lớp, chung bàn. A, những chiều xưa, gõ bước đi dưới hàng cây sao đường Duy Tân, lòng chưa yêu ai và chưa vướng bận những tính toán dung tục của cuộc đời. Nhạc của Cung Tiến đã tạo nên không gian trong sáng ấy. Có nhớ bâng khuâng, có chút chán chường nhưng chưa hề biết tới u sầu, tuyệt vọng. Chiều hôm qua lang thang trên đường / Hoàng hôn xuống chiều thắm muôn hương / Chiều hôm nay trời nhiều mây vương / Có mùa thu vàng... Vâng. Mùa thu vàng tới là mùa lá vàng rơi... Cung Tiến viết “Thu Vàng” là để tặng Hà Nội thời thơ ấu của ông. Với kẻ này, Thu Vàng cũng là một loại les premières fleurs của Paul Verlaine... những bông hoa đầu tiên trong cuộc đời.
   Nhìn Những Mùa Thu Đi. Theo tài liệu của Đặng Tiến và Hoàng Nguyên Nhuận (tức Hoàng Văn Giàu, khét tiếng đấu tranh thời thập niên 60, ở Huế) thì Trịnh Công Sơn sáng tác bài này vào năm 1967. Hoàng Nguyên Nhuận còn chú thích thêm một câu xanh rờn: "Năm 1967, giữa lúc chúng tôi (tức anh ta và đám phản chiến đi theo MTGPMN) còn lận đận trong tù vì chiến dịch Nước Lũ, thì Trịnh Công Sơn vẫn còn mơ màng nhìn những mùa thu đi". Thế đấy. Nhưng thôi mặc xác chiến dịch Nước Lũ con quỷ sứ gì đó của anh chàng Hoàng Nguyên Nhuận, chúng ta nhìn bài ca dưới một ánh sáng khác. Nhìn những mùa thu đi / Anh nghe sầu lên trong nắng... Năm 1967, triết học hiện sinh và phong trào hippie cùng lối sống bụi đã quét qua đời sống thanh niên ở các đô thị miền Nam. Thế nhưng, ca từ trong ‘Nhìn Những Mùa Thu Đi’ vẫn chứa đầy tình và mộng. Cùng với sầu lên trong nắng, còn có tháng ngày chết trong thu tàn, có lãng quên và mộng nhạt phai... Có điều cần ghi nhận là ở đây, nỗi sầu chưa đậm nét, chưa tới độ chin muồi đau đớn của "đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời / như một lời chia tay"... Không gian trong bài ca có nắng trên hàng cây công viên, có gió heo may se lạnh và đặc biệt, có màu tím loang trên hè phố, mang nỗi buồn lãng du bụi bặm của thời đại. Từ màu vàng của mùa thu Hà Nội bầu trời Cung Tiến, chuyển qua màu tím buổi chiều xác xơ buồn của Huế, ta thấy dường như tâm hồn vừa bước qua một ngưỡng nào đó, trước khi đi dần vào thế giới của cơn ác mộng chiến tranh, mang khuôn mặt dữ dằn, khốc liệt.
   Dẫu thế nào đi nữa, với Nguyễn tôi, thì Hôm Nay Có Phải Là Thu, và Thu Vàng, cùng với Nhìn Những Mùa Thu Đi, là cả một thời đầy xúc cảm trong sáng và mơ mộng không bao giờ mất dấu tích.
NXT
 
 

THƠ HIỆU ỨNG CÁNH BƯỚM

nguyễnxuânthiệp
 

The Butterfly effect. Internet
 
có bao giờ em nghe
gió
nói về
hiệu ứng cánh bướm
butterfly effect
này nhé
cái vỗ cánh của một con bướm ở brazil
có thể gây ra cơn lốc xoáy. tornado. tận vùng đồng cỏ texas
anh cũng muốn thơ anh. như cánh bướm kia. tạo ra
                                                        những chấn động. màu hổ hoàng
trên phế tích. ngày qua
 
vâng. thơ anh sẽ về lại ngôi trường
của mùa hè
gặp em
và mái tóc
ngày cài chiếc nơ. xanh
thời sagan
và un certain sourire
 
hay tới. một ga xe lửa. lúc tàu sắp hụ còi
hoàng hôn
và giọt lệ. chia tay. đắng. xót
 
ôi. thơ anh sẽ ở lại. và ngân vang. như tiếng phong linh
trước căn nhà
chỉ có mình em
và những cơn ho
gõ cửa
 
hay ở những nấm mồ
gió. chạy
qua bờ cát đỏ
và hàng dương. ánh chiều tà. bạo liệt
 
hoặc giả. anh sẽ đọc thơ mình
trên cánh đồng. của những con chim chờ chết
cô bé ấy bảo
anh ơi
hãy cám ơn hoa quỳ vàng
đã nở đầy cánh đồng thơ
một lần nọ
 
nhớ không em
góc phố khuất có mùi hoa ngọc lan
thuở anh và em. yêu nhau. hôn. trong bóng tối
 
vâng. anh cũng sẽ đọc. thơ mình. trước sân trường.
                                                            hoa phượng đỏ
cô gái trong l’amant
marguerite duras
hẹn cùng gã tình nhân. trung hoa
về hẻm đèn khuya. chợ lớn
mùi nhục cảm
của vú. và môi
rồi chia tay. buổi sáng. trên bến tàu. sương mù
 
và ở đâu đó
trước thềm ngôi nhà số 3 nguyễn trường tộ
bên đống lửa. đốt bằng trái thông khô
anh sẽ
gọi tôn nữ kim phượng. lê uyên phương. phùng văn
                    hưởng. trịnh công sơn. thanh sâm. và nhiều 
                    bạn bè nữa. về đọc
thơ anh
và đọc cho gió
bởi gió sẽ mang đi
về phía ngọn đồi sương tím
nơi có em. đang chờ
 
ôi. thơ anh
như cánh bướm
như nụ cười
cái chết
 
tháng 8.2012
NXT
 

MƯA BAY THEO THỜI GIAN

Nguyễn Thị Khánh Minh
 
Hoa phượng sân trường
 
     *tặng Duyên.
 
Những con đường nắng gọi. Leng keng tiếng chuông người đưa thư reo ngát cổng hoa sứ. Những lá thư hẹn hò năm tháng. Ta yêu nhau tuổi hai mươi. Trời sài gòn rất thơ. Nắng Sài Gòn rất lụa. Nên em hoài áo trắng. Nên anh yêu mầu áo ấy vô cùng.* Ơi thi sĩ nhịp tim dịu mềm cỏ mật.
 
Những con đường mưa xanh. Trời sài gòn rất nhạc. Nhạc sài gòn rất mộng rất điên mơ… thà như giọt mưa rơi trên mặt duyên em tóc ngắn học bài ngoan bên cửa sổ người từ trăm năm về ngang trường Luật chút đong đưa tiễn người mai xa phố, mộng mị hành trang nhớ hạt mưa thơm Sài Gòn hút bóng đường xa thương người thơ cô độc.**
 
Thảng thốt cánh phượng mùa Hè. Trời tung gió chướng. Giấc mơ sai bè thanh xuân cụt giọng đồng ca những nốt ngày rụng rơi bóng tối. Trời Sài Gòn phượng tan mùa nắng lửa. Đường Sài Gòn cuồn cuộn biển đưa chân. Ta chạy mòn hơi. Mưa khô trên tượng đa*** những duyên Sài Gòn những hạt mưa trong…
Run rẩy thời gian nghe thanh xuân chớm chở nhánh thu đông. Lá thư xưa giấy mềm như bụi những hẹn hò chờ mãi lãng quên. Mầu áo lụa phai rồi sắc nắng lời thơ người khô tượng đá xanh. Hạt mưa còn thơm trên mặt duyên để nghe Sài Gòn âm vang điệu thanh bình cũ ơi đâu rồi nước mắt mỏng tơ sương?
 
Con bọ cam trên chiếc lá đầy gai sáng nay gọi mặt trời thức dậy. Khóa Sol búng mình nhấp nháy. Một vòng mùa đệm mới những bổng trầm reo khúc hát thanh tân, những nốt nhạc long lanh hạt mưa trong ngày ấy. Ơi duyên những hạt mưa qua mùa. Sống sót. Ngân thời gian lệ vĩnh cửu hồn nhiên.
 
Em thấy anh trên con đường bình minh. Nắng tháng 3 anh đem tới. Mùa Xuân mở vàng daffodil. Và em. Vừa qua giấc ngủ đông. Mọc lên trái tim thanh khiết.
 
Trở lại. Cùng tháng năm. Mùa Xuân khoan thai khúc dạo đầu. Ta cũng vừa kịp tới. Rất đúng nhịp. Mưa mùa xuân rất trong. Trời Calif. rất xanh.
22.3.2017
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
(Nguồn: sangtao@org)
 
* Nguyễn Thị Khánh Minh
** Thơ Nguyên Sa.
*** Thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy

Saturday, September 23, 2023

PHỐ NÚI MÙ SƯƠNG

Phan Thị Như Ngọc

Đà Lạt.Tranh Đinh Cường
 
Mỗi khi không khí Sài Gòn khó thở, tôi lại tự nhủ phải đi đâu đó vài ngày. Nhưng rồi không đi đâu. Nhẫn nại sáng thức dậy pha một ly cà phê rẻ tiền, uống một mình, nhắm mắt cho xong. Sau đó ngồi vào bàn viết. Nghỉ ngơi và nghĩ ngợi một lát. Lại đọc và viết…Ăn uống xen kẽ, ngủ xen kẽ. Thi thoảng nói vài câu cần thiết với ai đó. Nhẫn nại một lần như thế là một mạch mấy năm. Cho tới khi thấy không khí Sài gòn khó thở, lại tự nhủ phải đi đâu đó vài ngày.
Đà Lạt cuối cùng đã phá vỡ chu kỳ này.
Tôi viết cho chàng em sẽ đi… Và đi thực, trên chuyến xe đêm.
La Ngà, Bảo Lộc dưới trăng Mười Sáu đẹp ửng lên. Xa xa ướt át những dòng nước mềm, những thung lũng, đồi trà, rừng thông gối lên nhau thiếp ngủ. Trong khoang xe tối mịt nhìn ra, cảnh vật bồng bềnh huyền hoặc. Xe như đang trôi, đang rơi, đang lạc giữa không trung hun hút gió.
Chàng bảo em thăm lại cho anh con đường Hoa Hồng, cà phê Tùng, chợ Đà Lạt… trong khi ký ức của tôi chỉ có dã quỳ và anh đào nghiêng nghiêng khoe sắc. Con đường Hoa Hồng thơm bước chân trai trẻ một thời, tôi biết tìm đâu! Ba mươi năm (1986-2006) xa cao nguyên Lang Biang, qua đại dương, qua những vùng tuyết dày, những núi đồi, thung lũng, những đô thị choáng ngợp hiện đại… chàng lẽ ra đã thành người khác. Nào hay hoa hồng Đà Lạt vẫn khắc khoải ủ thơm trí nhớ!
   Mấy ngày ngắn ngủi, loanh quanh Đà Lạt tôi chỉ nhặt được những nghịch âm tháo rời góc chữ tối lúc nghiêng mình giơ máy ảnh hứng những khuôn mặt xa lạ, những đóa hoa mồ côi ven đường. Lùi về phía sau, đi lên phía trước, thỉnh thoảng đứng đâu đó trong vườn hoa Bích Câu, khu Hòa Bình, hay Thung lũng Tình Yêu, Trúc Lâm Thiền viện… thì cũng chỉ một điệu lơ ngơ của người mất bóng.
Đà Lạt nhiều má hồng thiếu nữ trong áo len, khăn quàng đỏm dáng, Đà Lạt tấp nập khách du lịch cuối năm, ồn ào Festival Hoa nhưng Đà Lạt không có được diện mạo tươm tất, sáng sủa, phong nhã như  người ta cố gán cho nó trên phương tiện truyền thông. Điều này có thể nhận thấy dễ dàng khi đứng trên ốc đảo Hòa Bình nhìn ra đường Phan Bội Châu, Hàm Nghi phía sau, đường Lê Đại Hành, Duy Tân, Minh Mạng, Tăng Bạt Hổ phía trước- những con đường đa phần là dốc, những con đường nghèo hàng hóa, thiếu người qua lại đông vui, cứ xệu xạo như hàm răng người già, trơ lợi, xám ngoét. Hai chữ ngày xưa dù bị kìm nén vẫn rầu rĩ vang lên trong những câu chuyện giữa du khách và người địa phương đứng tuổi. Ừ đúng! ngày xưa Khánh Ly từng hát ở đây, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương từng làm những ca từ tuyệt vời ở đây, Nguyễn Thị Hoàng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Xuân Hoàng, Vũ Khắc Khoan, Trần Trọng San... từng học, từng dạy, từng rong chơi ở đây. Những quán cà phê họ từng ngồi, con đường họ từng đi, mặt hồ, ngọn đồi, bóng đêm, cơn mưa, giọt sương vương hình bóng họ.Tất cả đều lấp lánh hào quang. Ngày xưa…
Gió từ hồ Xuân Hương thốc lên rét ngọt, quẩn giữa giòng người, theo tôi luồn nhanh vào quán cà phê Tùng- nơi chàng dặn tôi phải đến. Chưa bao giờ và ở đâu trà và cà phê dở như ở đây, vào buổi sáng này! Chỉ năm ngàn cho một phin đen, một chỗ ngồi ấm áp, bình dân ngay khu Hòa Bình, quá rẻ, còn đòi hơn sao? Có lẽ chàng sẽ nói vậy, và còn thêm, cái quan trọng nhất của một quán cà phê không phải là ngon, là đẹp mà phải là không khí dễ chịu, nơi người uống có thể nghe rất nhiều, rất up to date thiên hạ sự, mà không cần phải nói hay bộc lộ bản thân. Tôi còn hình dung chàng sẽ cau mày lắc đầu vì ngỡ tôi trọng vị ngon đầu lưỡi hơn cái sabi do cà phê mang lại 
Lên Đà Lạt là trở về, là hành hương, là sắm sửa trang hoàng cho ký ức mai sau, là tập thể dục giữa giờ, là ra chơi thư giãn. Nhưng là gì thì cũng leo dốc như nhau, hít hà vì lạnh, chụp ảnh say sưa với thiên nhiên, thả hồn theo tiếng nhạc của Hoàng Nguyên Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa để cảm thấy mình cùng lúc vừa trẻ lại vừa già, vừa giàu lại vừa nghèo nàn thảm hại. Tôi khác! Tôi không gieo mình vào vòng tay ấm áp cùa Đà Lạt, không chia sẻ với nó điều gì, ngay cả một giọt thở dài, một gợn trán cau lại lăn tăn! Chỉ lơ ngơ, như khách lạ, đi tìm mải miết con đường Hoa Hồng.
Em thăm lại cho anh con đường Hoa Hồng… Đơn giản chàng viết thế, hờ hững, chiếu lệ, như hai chữ hôn em cuối những bức thư không bao giờ dài quá hai giòng. Tôi mất nhiều giờ hỏi thăm người già về con đường này. Người thì lắc đầu không biết, người lại cả quyết chưa nghe tới nó bao giờ, người khuyên tôi hãy tìm nó trong lòng. Tôi nghe cả ba!
Anh yêu! Em gọi anh như thể từ chữ A chữ N chữ H vô tri có thể bước ra thân hình anh cao lớn ấm áp, dắt em đi ngược lên ký ức mù sương bốn mươi năm trước, tìm ra đường hoa hồng trong câu thơ buồn tê tái thời anh mới bén duyên Đà Lạt:
Hoang vu chín đến độ thèm
Lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường
Mù sương phố núi mù sương
Nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
   Những cơn mưa dai dẳng, tầm tã, trái khoáy vào mùa Noel năm nay đã làm anh đào không nở được, còn dã quì thì thưa thớt đến nỗi tôi không cách gì chụp một tấm ảnh thung lũng rực vàng dù đi tìm suốt ngoại vi thành phố. Vì kinh tế, người ta đã chặt phá không thương tiếc những vạt hoa quì. Đường Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, dốc Duy Tân, Minh Mạng, Hàm Nghi… chen chúc nhấp nhô đủ kiểu mini hotel. Tất cả đều hồn nhiên vươn cao như cỏ dại. Đứng trên đồi nhìn xuống, ruộng rau, ruộng hoa không khác những miếng vá lem nhem, vội vã. Nhiều năm qua, Đà Lạt đã bóc rừng, bòn di tích, bóp nát hoa …để ăn. Kiểu ăn của con nhà nghèo- nhồm nhoàm, trợn mắt trợn mũi, hung tợn . Trách gì hotel không nhiều thêm còn hoa ngày một héo hắt!
 
Bấp búng tà dương
Những nghịch âm tháo rời góc chữ tối
Nàng trở biếc
Rơi cạn bóng tượng người
Rơm
rớm
mộng!
Đúng! Những cơn mộng của một thời, những cơn mộng rơm rớm lệ, rơm rớm máu. Tôi rên lên, trở mình từ chỗ ngồi trên đồi Đại học Thụ Nhân quen thuộc. Câu thơ của chàng trong bấp búng tà dương đã hái hết chữ nghĩa của tôi, chỉ để lại vi vu từng chuỗi gió, và chút phấn thông. Phải đâu là người thiếu nữ đang thả tóc thơm trong chiều, bắc cầu cho người yêu bước ra từ cõi biếc, tôi chỉ có bên mình cảm giác choáng váng khi lướt qua những giảng đường mang tên Năng Tĩnh, Cư Dị, Hội Hữu, Minh Thành… thân thương một thuở. Chàng đã học ở đây, đã nghe gió tháng Chạp thổi rỗng núi đồi, đã ngồi trên cỏ, nơi tôi đang ngồi, để nghĩ về chuyện linh hồn với bản thân. Bàn tay thượng đế, mộ phần chiêm bao… Rồi từ bấy đến nay bước hai chân vào khói lửa chiến trường, rong chơi chốn văn chương điên đảo, bay qua nửa vòng trái đất, gửi về cho tôi thông điệp đi thăm lại hộ anh con đường Hoa Hồng…
Tôi dõi nhìn ngôi sao vút cao trên chót nhà nguyện, nghe nương trong gió tháng Chạp những bóng xưa trở về, rì rầm mỏng mảnh. Sau tôi, lại tiếp tục những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi nào nữa, đến đây ngồi bên bờ vực ngôn từ, nín thinh rơm rớm nước mắt??? Sao dâng lên từ từ trong hoàng hôn Đà Lạt chuyển dần sang màu lục, rồi nhung tím. Những vì sao nhỏ u linh quá! Mắt tôi nhiều năm trước, bên bếp lửa, nằm nhìn lên không gian chung chiêng trên ngọn thông ở đập Đa Thiện, cũng đầy những ngôi sao như vậy, tím long lanh.  Chàng uống những bóng sao đó, thì thầm êm như hơi thở:
Nằm đây xa bóng nhân gian
Ôm em thở nhẹ dưới ngàn sao rơi
Mai sau còn nhớ gì nhau
Trùng trùng sao rụng trong màu
                                                   mắt em.
Tôi hình dung được hơi ấm nồng nàn từ chiếc miệng không xinh nhưng mạnh mẽ của chàng. H. ơi! nếu có anh bây giờ…
Không còn trông rõ khu Đại Học xanh xao, nhấp nhô uốn lượn những con đường viền hai hàng anh đào gầy guộc. Bóng đêm đã lẹ làng phủ chụp lên Đà Lạt một vẻ đẹp ma quái chết người. Khắp nơi, đèn nhất loạt sống dậy nhấp nháy múa may, như bơi trên biển, lúc tỏ lúc mờ. Tôi đi trong vũng sáng đó, có cảm tưởng người mình cũng lân tinh biêng biếc, chao đảo ít nhiều. Khách sạn D.T nơi tôi ở phát tín hiệu gọi về. Đã đến giờ cơm tối. T- cô gái ở chung phòng lo âu trong mobil phone Chị có sao không, cả đoàn tìm chị từ chiều. Không sao, sẽ về ngay, nửa tiếng nữa.
Ngày mai tôi rời Đà Lạt, sau khi đã đi những chỗ phải đi, đã tìm những thứ phải tìm. Nhưng không lâu nữa, tôi sẽ về lại đây, không phải để thăm tịch dương vô hạn hảo. Chỉ thị cận hoàng hôn mà để nằm lại vĩnh viễn trên đồi, tắt đi:
Cái nhìn lạc lõng,
Những xô đẩy vô hình
Nhảy thoát khỏi bóng mình
Lững thững đám mây nhuốm màu thơ trắng.
 
Tôi đã quyết định như vậy lúc đứng trên Mả Thánh rập rờn những vệt dài dã quì xinh đẹp bên những mộ chí không thành hàng lối. Quyết định nhẹ như mây!
Khi trẻ người nào cũng đánh cho mình những xích sắt kiên cố mang tên con cái, vợ chồng, tài sản, danh vọng, sự nghiệp… để phòng khi gió bão dọc đời thổi bật, dứt tung sinh mạng. Nhưng tôi, tôi không thể rèn sắt, đúc sợi xiềng tự tra vào cổ tay, cổ chân. Và khi tuổi già ập đến, như hôm nay, đứng trên bờ vực, ý nghĩ nhảy xuống dòng thác Đambri ào ào trắng xóa dưới kia cứ cựa quậy ghê gớm trong đầu, không có gì níu lại.
 
Chàng có riêng con đường Hoa Hồng mà hương và sắc hoa một thời chỉ chàng biết được. Bắt tôi đi tìm như trao cho một ẩn ngữ. Hai ngày quanh quẩn phố núi, thêm một ngày nữa, tôi hiểu ra. Và đứng lại. Soi mặt xuống hồ Xuân Hương, rớt xuống đó tiếng thở dài. Xa xôi vô cùng, làm sao chàng biết được tôi- người đàn bà giấu đêm vào trong tóc đã gửi gió núi mù sương cái hôn vĩnh cửu cho gương mặt yêu dấu của chàng, ngày trở lại, không còn tôi.
PHAN THỊ NHƯ NGỌC
PV 67. 2007

THƠ THÁNG CHÍN

nguyễnxuânthiệp

VƯỜN TƯỢNG MAI CHNG
 
Mai Chửng
 
                           *nhớ bạn ra đi vào tháng 9
 
sẽ về đứng
cùng đá và cây. trong vườn tượng
rạng rỡ cười
tháng chín. chim như mây
những bầy sao trên đồng cỏ
khoảnh khắc. cùng tấu khúc ca ngợi niềm vui. của
                                                              đất và người
bản symphony số 9
như hoa của đá. nước mắt cây
đừng khóc. em đừng khóc
trời nổ cơn giông
cho một ngày đã qua
 
 
SÀI GÒN. CHIU MƯA NGÂU
 
hoàng
bạn cũng ra đi vào tháng 9
như mai chửng
tháng chín. chim như mây
giờ này
biển nha trang cuộn sóng
san jose. những hàng cây. nghiêng
gió
sài gòn. chiều
mưa ngâu
tôi thấy
nhắm mắt. và thấy
bạn ngồi đốt thuốc. với mai thảo. thanh tâm tuyền
trong quán. đường phạm ngũ lão. trước báo văn
ly cà phê. tối
ai gọi tên hoàng
trương gia vy. đứng đầu ngã ba
những ngọn đèn hoa lys. héo rũ
mưa rơi
mưa rơi trên những mái nhà
phố. nói lời từ biệt
hoàng ơi
NXT
Khi ở garland, texas tháng 9.2015
 
Nguyễn Xuân Hoàng và Trương Gia Vy
 

ĐỌC ‘IM LẶNG, NHƯ LỜI CHIA TAY’. CỦA CAO HUY THUẦN

Đỗ Hồng Ngọc
 


Cao Huy Thuần và tác phẩm 

Anh Cao Huy Thuần gởi tôi tập Im Lặng, như lời chia tay… dặn để đọc mấy ngày Tết. Tôi nghĩ: chắc là Im Lặng thở dài… đây rồi! “Tôi đang lắng nghe tôi đang lắng nghe im lặng đời mình” (TCS)? Nhưng không. CHT không thở dài! Anh nói về “thiêng liêng” về “chia tay mà không biệt ly của cánh hoa rơi”…
Bồng đứa bé mới sanh đỏ hỏn trên tay mà không thấy “thiêng liêng” sao? Đứa bé bỗng nhoẻn miệng cười không vì đâu cả mà không thấy “thiêng liêng” sao?... Người bạn, kêu sáng Mùng Một Tết chợt thấy “thiêng liêng”? Lạ quá. Thiêng liêng đến từ đâu? Thì đến từ thiêng liêng chớ từ đâu nữa! Từ cái nhoẻn miệng cười của đất trời, từ cái đất nước gió lửa run rẩy trong ta vì già nua giữa ngày Mồng Một Tết chớ đâu nữa!
Họa sĩ Poussin (1594-1665), bàn tay run rẩy bệnh hoạn không chịu nghe lời ông nữa, ông phải từ giã bút màu với nỗi buồn chán… Nhưng, bất ngờ, những bức tranh run rẩy của ông về sau được giới phê bình tán thưởng hơn bao giờ hết. Họ phát hiện ra rằng “không phải tay họa sĩ run mà là thời gian run”.
Còn họa sĩ Cézanne (1839-1906) viết “Tôi già và bệnh, nhưng tôi thề sẽ chết trong  khi vẽ…”. Danh họa Nhật, Hokusai nói từ năm 73 tuổi mới hiểu cấu trúc của thiên nhiên, bởi vậy, 80 ông sẽ, 90, 100, 110… ông sẽ…
Để rồi cuối cùng, Cao Huy Thuần và người bạn đồng ý “ly cà phê buổi sáng là thiêng liêng”, “cái má núm đồng tiền là thiêng liêng”, “cái răng khểnh là thiêng liêng”… Ôi chao!
 
Phật dạy có bốn thứ Ma thân thiết với ta. Phiền não ma, Ngũ ấm ma, Thiên ma, Tử ma.  Tử ma chính là “thị giả” của ta, gần gũi ta và giúp đỡ ta, gắn với ta từ trong trứng nước. Tưởng là kẻ xấu mà không, hắn rất tử tế, luôn nhắc ta từng chút, nhờ vậy mà ta tránh biết bao tai ương, khổ nạn.
Nhìn lại, có hay không có tái sinh? Có hay không có “kiếp” sau? Có lần khi trò chuyện với Ni sư Trí Hải tôi hỏi một kiếp dài khoảng chừng 10 phút không cô? Cô cười, không trả lời. Có lẽ cô muốn nói… một kiếp dài cỡ một sát-na!
 
Thầy Tuệ Sỹ trong cuốn Tổng Quan về Nghiệp viết: Có hay không có Nghiệp? Có hay không có Tự ngã? Có hay không có Thời gian?...
 Nghiệp, là kinh nghiệm được tích lũy và tồn tại trong nhiều đời sống. Không có thời gian, không có ký ức thì lấy đâu cho nghiệp vận hành, tạo tác, lưu trữ, lưu xuất, dị thục, nhân quả? (Tuệ Sỹ)
Có thực không có nhiều đời sống? Một đời trước và đời sau – những đời sau- để cho ký ức gợi lại, nhân quả. Bằng chứng đâu?
Nhưng, nếu hỏi tôi tin không? Tôi tin. Tại sao tin? Không biết! Phải chăng, thỉnh thoảng ta gặp một người nào đó thấy như đã từng hẹn nhau từ muôn kiếp trước, hay một nơi chốn nào đó thấy như về mái nhà xưa? 
Ký ức được lưu trữ ở đâu để tạo thành Nghiệp mà truyền đi? Khoa học não bộ trả lời: ở hippocampus (hồi hải mã) trong não. Thế nhưng, khi thân này tan rã, hippocampus và toàn bộ thể viền của não bộ cũng không còn, ký ức được tàng trữ trong thân vật lý này cũng biến mất theo. Phải chăng “ngoài cơ chế vật lý của ký ức, còn có sự tham gia của một yếu tố phi vật chất, không nhất thiết là ý thức, để lấy đó làm cơ sở tiếp cận đến vấn đề nghiệp tích lũy, cho đến trong đời sau được xử lý để cho quả dị thục của nó”? (Tuệ Sỹ).
 
Đức Phật dạy: Có nghiệp được tạo tác, có quả dị thục được lãnh thọ, nhưng không có người tạo tác, không có người lãnh thọ. 
Nhà khoa học cũng bảo: “Có design nhưng không có designer”. Nhưng sao chim bồ câu thì cứ bay ngàn dặm về đưa thư, cá hồi cứ bốn năm lại quay về chốn cũ để sinh đẻ rồi chết? Ngày nay, sinh vật từ hạt đậu đến chuột bọ, khỉ vượn… cũng được can thiệp vào gène để tạo ra những “dị thục” những “quả” bất ngờ, gọi là transgenic.
“Je pense, donc je suis – Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” (Descartes). Vậy tôi không tư duy, thì không… có tôi? Phải chăng “vô niệm” thì vô ngã? Trong Tam muội Phổ Hiền (Samadhi) thì quả thấy vô ngã khi tan biến vào vô tướng của Như Lai tạng đó thôi. Cho nên nhìn mọi sự vật bằng cái nhìn Như Thực, cái nhìn “thật tướng vô tướng” thì chân khôngdiệu hữu. Từ đó mà lý vô ngại, sự vô ngại, sự sự vô ngại vậy.
Ta cũng có thể bắt chước Descartes nói: “Tôi thở, vậy có tôi”. Nghĩa là nếu tôi không thở thì không có tôi. Nhưng cái thời tôi còn trong bụng mẹ, tôi cũng không thở mà vẫn có tôi đó thôi. Từ đó, suy ra rằng cái thời tôi… hết thở, ngừng thở, thì tôi vẫn còn đó chứ, sao không?  Tôi lúc đó trở lại trong bào thai Mẹ (bào thai Như Lai) chứ? Tôi mới phải mang nghiệp theo để trả quả chứ? …
Tuệ Sỹ nòi: Tồn tại trong quá khứ và vị lai là những thực thể vi tế, ẩn áo, không phải tri giác thường nghiệm mà có thể bắt nắm được.
Ta biết ngày nay, thời gian sẽ chảy chậm trong con tàu vũ trụ chạy nhanh. Với một vận tốc nào đó thời gian đứng lại. Cho nên Từ Thức lạc động Thiên thai là chuyện có thực.
 
***
Im lặng bông hoa nở. Im lặng bông hoa tàn. Hoa rụng, nhưng mỗi cánh hoa rơi, bao nhiêu chân bướm vẫn còn lưu dấu… Đâu là cách chia tay mà không biệt ly? (Im Lặng). Rồi Cao Huy Thuần dẫn bài thơ Feuille morte (lá chết) của Hermann Hess, tác giả Siddhartha (Câu chuyện dòng sông, Phùng Khánh, Phùng Thăng dịch, Saigon 1966). Anh “phát hiện” một điều thú vị: ngôn ngữ Việt không ai nói “lá chết” mà nói “lá khô”, “lá rụng”. Quét lá rụng, quét lá khô, không ai nói quét lá chết như ngôn ngữ Pháp, Đức. Bởi vì, lá không bao giờ chết. Nó khô, nó rụng, rồi nó tái sinh thành lá búp lá non (Im Lặng).
“Chân lý” ấy do hai con sên của nhà thơ Jacques Prévert trên đường đi dự đám tang một chiếc lá chết, tựa là: “Bài ca hai con sên đi dự đám tang”.
Hai con sên đi đưa
Đám tang chiếc lá chết
Hai cái vỏ thì đen
Hai sừng băng trắng hết…
 
Hỡi ôi khi chúng đến
Mùa xuân đã đến rồi
Bao nhiêu lá chết xong
Tất cả đều lại sống
 
Hai bạn sên chúng ta
Ôi buồn ôi thất vọng…
Rồi hai chú sên rủ nhau đi Paris chơi! Mùa hè đã lại đến. Nắng đã rực vàng, tưng bừng ca hát khắp nơi.
Hai chú sên trở về
Với xiết bao cảm xúc
Lòng tràn ngập hân hoan
Và vô biên hạnh phúc…
Ôi, làm sao hai chú sên đi dự đám tang chiếc lá chết buồn xo giữa mùa thu… mà nay lòng lại tràn đầy hân hoan, hạnh phúc? Ấy bởi vì chúng là sên. Chúng “bò như sên”! Bò hết cả mùa đông, chưa kịp đến nơi mà xuân đã về rồi! “Bao nhiêu lá chết xong/ Tất cả đều lại sống…”.
Tiễn mùa thu thì gặp mùa xuân. Tiễn cai chết thì gặp cái sống. Tiễn ảm đạm thì gặp tưng bừng. Hai con sên chia tay mà chẳng biết biệt ly là gì! (Im Lặng)
Cao Huy Thuần nói nhỏ: “chẳng có cả khái niệm”. Phải, chúng chẳng có cả khái niệm. Dĩ nhiên, Cao Huy Thuần đang nói về Kim Cang đó! Khi ta mà biết sống “ly niệm”, khi ta không còn bám chấp vào khái niệm… thì “trí bất đắc hữu vô”, thong dong, tự tại. 
Nhớ Huy Cận xưa có 2 câu thơ: Hạnh phúc rất đơn sơ/ Nhịp đời xin bước chậm…
Bước chậm. Chậm như sên càng tốt. Cái tội nghiệp của thời đại này là cái gì cũng tốc độ. Già cũng tốc độ. Để chỉ kịp khi “nhìn lại mình đời đã xanh rêu” (TCS).
Hình như có một nhà văn Pháp nào đó nói về chuyện đi bộ (promenade): đi không phải để đến, đi lang thang, dừng lại chỗ này chỗ nọ, ngắm hạt sương mai lấp lánh, nghe tiếng chim hót líu lo, tiếng dế mèn đang gọi người yêu, những cọng cỏ non vươn mình dưới nắng sớm... Thiệt khác với…Marathon!
Anh Cao Huy Thuần thân mến, nếu thỉnh thoảng ta mà vào được Tam muội Phổ Hiền, thì ta cũng có thể nhận ra cái “thiêng liêng” đó anh à, cái thiêng liêng từ “vô tưóng” - trong Như Lai tạng - bỗng “hiện tướng”... đùa vui giữa chốn Ta-bà đó thôi.
Trước mắt, hãy nhấp một ly cà phê thiêng liêng buổi sáng đã nhé.
Năm mới. Tháng Giêng. Mồng Một Tết.
Còn nguyên vẹn cả một mùa Xuân...
(Nguyễn Bính).
 
ĐỖ HỒNG NGỌC.
(28 Tết Quý Mão, 2023)