Sunday, September 17, 2023

NHỮNG SỢI ĐÈN MƯA

Phan Thị Như Ngọc
 
Quán cà phê trong mưa. Sài Gòn
 
Mỗi khi nỗi buồn tỏa xuống từ trời, ánh đèn hay bị mưa dát mỏng, cắt sợi, NXT-bạn tôi- lại gọi rất thi vị là ‘Những sợi đèn mưa’. Đường phố nhòa lệ. Cà phê và khói thuốc lá vây bọc riêng tư từng đôi ghế trong góc quán tối mờ trông ra khu vườn loáng nước, có những sợi đèn bay nghiêng nghiêng.
 
Quán cà phê ở Sài Gòn- ngày xưa thế và bây giờ vẫn thế- chỉ được gọi là quán đúng nghĩa khi mang dáng dấp của một bài thơ. Nghĩa là phải đẹp trang nhã, thức uống phải ngon, không gian phải nho nhỏ tiếng chuyện trò cho nhạc mỏng và ấm, dịu dàng lan tỏa khắp nơi.…Đường Ngô Thời Nhiệm có ba quán cà phê- ba bài thơ điệu đàng- như vậy. Quán Sỏi Đá, quán Dòng Sông Xanh và quán Serenata- đều một kiểu vườn vây quanh nội thất sang trọng, đủ cho nhạc Trịnh vang ngân nhè nhẹ. Cà phê Thềm Xưa ở Nguyễn Trãi càng như một mê cung- nơi người ta lạc vào cõi đẹp tách biệt, đèn lồng và cà phê rơi óng ánh trong nhạc Trịnh- lại nhạc Trịnh! Đường Nguyễn Đình Chiểu có Nirvana, đường Nguyễn Văn Trỗi (chỗ quẹo vào đường Tân Canh) có Vô Thường, đường Nguyễn Huỳnh Đức có Vườn Xuân… Bao nhiêu quán xá đẹp như thơ là bấy nhiêu thánh đường nhạc Trịnh.
Cà phê và thánh đường, ngẫm ra có chỗ giống nhau. Thánh đường yên tĩnh, trang trọng, gợi sự thăng hoa thì quán cà phê đúng nghĩa cũng y như vậy- lắng xuống, thoát bay mọi trầm luân, hết sức thân tình, tự nhiên nhi nhiên. Tín đồ của quán cà phê cũng đi và về theo nhu cầu nội tại, như đi lễ thánh đường. Buông lỏng, rũ bỏ, thiếp mình, tỉnh lại rồi bước đi nhẹ lâng.
 
Tháng Sáu ở Sài Gòn bây giờ thuần túy là mùa thi - và năm nay còn là mùa thế giới nứt vỡ, trào sôi niềm vui nỗi buồn theo nhịp bóng lăn ở Đức… Thế nhưng đối với nhiều người có tuổi, Tháng Sáu vẫn giúp chia thời gian làm hai nửa- nửa nương nhạc Trịnh trở về quá khứ, nửa ngồi đợi giờ lên tàu về lại quê chung. Vì Tháng Sáu có mưa! Những cơn mưa bất chợt vút lên, giăng hàng rồi tan vỡ…
Quán xá Sài Gòn là nơi nhìn mưa hay nhất. Buổi chiều ngồi đây nhìn mưa, nhìn thành phố lên đèn mới hiểu thế nào là những sợi đèn mưa. Quầng đèn sáng vàng, những sợi mưa xiên xiên lọt vào đó, cắt ánh sáng mỏng đều. Sợi mưa tẩm sáng hóa sợi vàng long lanh, dài như những sợi tình nối liền trời với đất. Những sợi đèn bên ngoài và sợi cà phê bên trong quấn lấy nhau trong tiếng Khánh Ly trầm trầm hát về quê hương, thân phận con người, và tình yêu.
Người hát nhạc Trịnh đa phần là nữ. Trong đó Khánh Ly là người hát hay nhất. Chị có nhiều trải nghiệm, cộng thêm giọng ca thiên phú và sự trau luyện nghiêm túc bên người thầy đồng thời là người anh, người bạn thân thiết. Không lạ khi chị hát nhạc Trịnh như vốn sinh ra chỉ để làm mỗi việc này. Tiếng hát cao ngang tầm bài hát. Bài hát nhờ tiếng hát mà tái sinh. Cả hai như tơ ngang dọc đan nhau thành tấm vải nhiệm màu, bọc hết những cung bậc buồn vui của kiếp người.
Nghe và nhìn đôi nghệ sĩ Trịnh Công Sơn- Khánh Ly lúc thanh xuân, trên sân Đại học Văn Khoa giản dị hay sân khấu rực đèn thì đối với khán giả, cũng là một hạnh phúc. Nhạc Trịnh bài nào cũng nhỏ vừa về kích cỡ, dễ hát về giai điệu, và dễ nhớ về lời- mặc dù dễ nhớ không có nghĩa là dễ hiểu. Hát nhạc Trịnh đòi hỏi người ca sĩ phải can đảm, can đảm dừng lại mọi phù phiếm, can đảm tự tiến hành thanh tẩy. Không có ngoại lệ! Cũng đừng nghĩ đến cách tân! Hát nhạc này không mặc váy ngắn, không ngó ngoáy vòng trên vòng dưới, không hú hét như rock, không sướt mướt như bolero, không cậy kỹ thuật, hòa âm phối khí...…Người hát chỉ có mỗi một thứ tài sản duy nhất để khoe, là giọng hát trần.
Sinh thời Trịnh không hề cấm đoán, chê bai ai hát nhạc anh. Với anh mỗi thời đều có cách cảm nhận khác nhau. Tuổi trẻ của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Lệ không như thập niên 60, 70 của Khánh Ly và anh. Họ có cách nghĩ, cách hát khác. Nên trân trọng mọi sự cố gắng thể hiện bài hát theo cách của họ thay vì thành kiến hẹp hòi. Là anh làm đúng vậy- cụ thể trong trường hợp Hồng Nhung. Nhưng nhạc Trịnh của Hồng Nhung hát là một thứ nhạc Trịnh cải cách, như kiểu chèo, tuồng, ca trù cải cách. Nghe thì thương và quý cô thôi. Còn làm một cánh vạc như cô muốn để bay tới cõi Trịnh vẫn là điều bất khả! Album Như Cánh Vạc Bay mới nhất của cô không gây được tiếng vang lớn đã minh chứng cho điều này.
 
Chỗ lý tưởng nhất để nhạc Trịnh vang lên giữa đời, có lẽ quán cà phê là phải đạo. Vừa mỹ thuật mà lại không quá thâm u, lạnh lẽo giáo đường. Vừa có giao tình giữa người và người, vừa có quãng hở cho trời và nhạc. Người ta cứ uống cà phê, hôn nhau, trò chuyện rủ rỉ trong tiếng nhạc bên trong và tiếng mưa bên ngoài. Không cần phải hiểu thấu ca từ- một khối ca từ đầy những miền giáo đường… vết lăn trầm…lời buồn thánh… đoá hoa hồng vùi quên trong tay… tình yêu như trái phá… tỉnh ra có khi còn nghe… xác người nằm quanh đây trong mưa lạnh này…ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương… như từng viên đá cuội rớt vào lòng biển khơi… Rất lạ tai! Mấy mươi năm trở lại đây, ca nhạc Việt Nam ngày càng hiếm những phù thủy cao tay như Trịnh, biết phù phép cho chữ nghĩa rời rạc thành nơi giao thoa của thi ca và hội họa, thấp thoáng trang kinh Phật cùng hơi thở triết lý Đông- Tây hiện đại. Khi Trịnh đi rồi, chỗ của anh bỏ trống. Lạnh lẽo làm sao hai từ "bỏ trống"!
Trong cõi tạm hơn sáu mươi năm, ai gần anh cũng nhận xét Trịnh rất Huế- cháy âm ỉ ngọn lửa nhiệt tình trong giọng nói nhẹ nhàng, dáng ngoài gầy mỏng. Cách giao tiếp đi đứng ăn mặc hàng ngày rất cẩn trọng mà vẫn không kiểu cách, kiêu kỳ. Trịnh chơi đàn, vẽ tranh, viết báo tất cả đều tài hoa. Nhưng không gắng sức.
Ngày của anh rất muộn, và thường là đầy ắp bạn bè. Anh không thiếu bạn. Cũng chẳng phải đi đâu chuốc mời. Người bốn phương tự đánh đường tìm địa chỉ đường Duy Tân. Vô hình trung nhà anh hao hao phủ Chúa Trịnh! Nhiều người lấy việc được ngồi ở đây, bắt tay, cụng ly, nói vài ba câu chuyện, chụp ảnh chung với anh là một dấu hiệu của đẳng cấp. Họ nói- dĩ nhiên ở một nơi khác- Hôm đó moa có nói với Sơn…hoặc Cái này đằng nhà Sơn đấy… hoặc Em nhớ đâu ba bốn lần anh Sơn có viết cho em, cả gọi điện…
Ngày của anh đầy ắp khách khứa và bạn bè. Nhưng còn đêm?
 
Trịnh không có đêm!
Anh hay lên chơi Đà Lạt. Một lần- khi còn trẻ- ngồi với nhau trong buổi picnic ở Thung Lũng Chết đường Trần Hưng Đạo tôi nhìn chiếc áo len màu tối của anh từ phía sau. Tự dưng thấy sự cô đơn tỏa lên như khói. Tôi bảo Anh rồi ra sẽ chỉ có một mình, càng chỗ đông người càng một mình. Anh đẩy cặp kính nhìn tôi, cô gái áo dài đen cắt tóc ngắn, mười bảy tuổi, mắt to tròn sống động. Cái nhìn của anh nghiêm nghị. Tôi xoáy mắt nhìn trả lại. Không nói thêm. Từ đó hơn ba mươi năm thỉnh thoảng đi ngang qua nhau, tôi không dừng lại, cũng không làm một cử chỉ chào hỏi. Chỉ im lìm xem anh sống -Một cuộc sống không có đêm.
 
Trịnh ít ngủ, giấc ngủ không sâu, đầy mật khải. Đời anh chưa bao giờ dành cho giấc ngủ- trừ khi vờ ngủ để ru người khác- mà thường lặng thinh một mình trong thành lũy đêm ẩn mật. Đối với muôn loài thì đêm là giờ của mộng mị vút bay, tinh tú hiện bày, là giờ của ái ân xuống trần, của thiên nhiên tỉnh giấc…còn với anh, đêm là cảnh giới tỉnh thức, buông bỏ kiếm tìm, rũ bỏ những phù hoa của quán trọ cuộc đời (Đoá hoa vô thường, Đêm thấy ta là thác đổ, Ở trọ, Một cõi đi về). Anh cổ súy cho niềm tin, tình người, sự kiên trì (Để gió cuốn đi, Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Hãy yêu nhau đi trở thành mệnh lệnh nhân bản nhất của anh- của thế hệ sinh ra lớn lên trong tiếng đại bác ru đêm.
Trịnh từng ngồi giữa đời, ôm đàn hát day dứt về thân phận con người, về quê hương đẹp nhưng bị chiến tranh tàn phá. Anh cũng bắt tiếng đàn rung lên những giai điệu ngọt ngào, man mác nhớ thương, rã rời mỏi mệt khi nhìn từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ. Nhưng chưa bao giờ âm nhạc của anh là tiếng gào hú điên cuồng man rợ, tiếng rên khóc xô người vào cửa tử, tiếng cười xối xả từng tràng… Tất cả cung bậc hỉ nộ ái ố đều nhỏ nhẹ, trầm tĩnh như âm hỏa.
Nhạc của anh gợi nhớ về bánh lá xứ Huế- mỏng tanh, trong suốt. Khi ăn người ta gỡ nhẹ bánh khỏi lá, đặt lên chiếc đĩa sơn thủy. Hình vẽ trên đĩa qua chiếc bánh, hiện rõ ràng từng đường nét. Người ăn thong thả giẽ từng chút bánh, chấm vào chén nước mắm có lát ớt xanh, đưa lên miệng, nghe tan trên đầu lưỡi cả sơn thủy, cả cay xé lẫn nóng mềm… Chiếc bánh không thể ăn no, chỉ ăn chơi, ăn đẹp. Nhạc Sơn cũng vậy, không thể nghe no, mà đòi nghe đẹp, hát đẹp. Mỗi lần cất lên phải là một lần góp phần sáng tạo, trùng tu tâm thức con người.
Không có một gia đình riêng, không thuộc hẳn về ai, không đứng lệch chỗ, anh tựa hồ như ngôi nhà không cửa. Tất cả gió thiên đường đều có thể thổi ngang, tất cả nắng mai, trăng khuya, mưa bão, dế giun, đạn bom, người sống, người chết, thần phật… đều như nhau, trú ngụ thảnh thơi, thành tiếng tơ tiếng trúc.
Là người biết dừng, Trịnh ba lần chạm tay vào hạnh phúc. Dừng trước tình yêu anh hóa thành tình yêu của bao mỹ nữ. Dừng trước danh vọng anh được tặng bao hoa trắng tiếc thương, dừng trước bến trong đục của sông đời anh bước vào cõi vĩnh hằng… Hơn 60 năm ở trọ trần gian, là chứng nhân, và cũng không ít lần là nạn nhân của tị hiềm, của quy chụp, hiểu lầm, Trịnh cho người đời mượn hình sắc mình, cho sông núi quyến luyến mình rồi biến mất, mặc cho biển nhớ, tình sầu, mặc cho hồng nhan tri kỷ mỗi lần đến ngày 1 tháng Tư lại thổn thức khấn thầm áo xưa dù nhàu vẫn xin bạc đầu gọi mãi tên nhau.
Bên ngoài quán cà phê, những sợi đèn vẫn chong mắt nhìn mưa tháng 6. Trong này, bao đôi lứa vẫn ru nhau bằng nhạc Trịnh. Thứ nhạc ôm vào mình lòng đêm sâu thẳm, tỏa cho đời quầng sáng ấm nồng, lấp lánh. Thứ nhạc dát niềm vui nỗi buồn nhân thế thành phiến băng ngang, đi lên, bay bổng.
 
Như vậy, về một mặt nào đó cũng có thể gọi nhạc Trịnh là Những sợi đèn mưa. Được không bạn tôi- NXT?
 
PHAN THỊ NHƯ NGỌC
Nguồn: Phố Văn 64. 2006 

No comments:

Post a Comment