Monday, July 31, 2023

DƯỚI NHỮNG GỐC NHO BIỂN. PHÂN ĐOẠN 13-18

Trịnh Y Thư
 
Bản vẽ Duy Thanh [1931-2019]

13.
Người chồng cô có một số phận khá kỳ lạ. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cha anh thời trẻ là một tá điền, nhưng dưới quê làm ruộng vất vả vắt mồ hôi vẫn không đủ nuôi bầy con nhỏ, ông đưa gia đình lên thị xã Cần Thơ sinh sống bằng những nghề lao động tay chân. Mẹ anh phải gánh chè đi bán ngoài chợ, ngoài đường phố kiếm thêm tiền. Đông con, nên dù ra thành phố, cuộc sống họ chẳng khá hơn bao nhiêu so với thời ở dưới quê. Nhưng họ cố cho anh đi học vì anh nổi tiếng là thần đồng, nhất là môn Toán. Không hiểu sao giữa một vùng quê nghèo khổ tăm tối lại hiện lên một ngọn đèn sáng rực. Anh giỏi Toán đến nỗi, sau khi đỗ Tú tài Toàn phần với hạng tối ưu, người thầy của anh tìm cách đưa anh lên Sài Gòn học Toán tại Đại học Khoa học với người thầy của chính ông, một nhà Toán học nổi tiếng thế giới. Chỉ sau một năm học, vị giáo sư này cũng phải công nhận anh là người giỏi Toán xuất chúng. Ông định giúp anh xin học bổng sang học tại trường Princeton bên Mỹ sau khi anh tốt nghiệp Cử nhân, vì ông từng được mời sang đấy với tư cách giáo sư thỉnh giảng. Số phận anh tưởng như thế là sẽ đi lên. Nhưng chiến tranh không cho phép anh trở thành nhà Toán học lừng lẫy như vị giáo sư khả kính nọ. Không hiểu vì lý do gì, anh không đi du học mà còn bị gọi động viên khi chiến tranh trở nên khốc liệt hơn, và bị đẩy ra chiến trường Pleiku. Chiến tranh không phân biệt giữa một thiên tài Toán học và một tên sát nhân. Tại đây, trong một trận giao tranh, anh bị thương ở đùi. Trong lúc nằm điều trị tại quân y viện, anh ngỡ mình sẽ thành phế nhân, cuộc đời xem như bỏ, nhưng vết thương không nặng lắm, sau khi bình phục, anh chỉ bước khập khiễng thôi chứ không phải chống nạng. Anh không được giải ngũ, mà thuyên chuyển về làm thư ký trong văn phòng của tiểu khu. Tại đây, anh quen thân với người chánh văn phòng. Người này ít lâu sau được thuyên chuyển về Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, và vì quen thân với anh, biết anh giỏi Toán nên xin cho anh về làm việc trong phòng Mật mã của Phủ. Anh về sinh sống ngay tại Sài Gòn, không phải cầm súng, an toàn, công việc lại hợp khả năng, sở thích. Cuộc đời anh lại lên hương. Nó còn lên một bậc nữa khi người giúp đưa anh về Sài Gòn có một cô em họ từ Huế vào tìm sống vì gia đình cô tan nát sau biến cố Tết Mậu Thân, và người này muốn mai mối cô cho anh. Khi được giới thiệu, anh không bao giờ nghĩ cô chịu lấy mình, vì cô là một trang thiếu nữ xinh đẹp, còn anh là một anh lính quèn, mặt mũi xấu xí thô lậu, tay chân cục mịch như một nông dân, lại bị thương chân, đi đứng ngả nghiêng như người say rượu. Nhưng cô chịu lấy anh. Trong đám cưới, anh tưởng đời mình như vậy là lên hết mức rồi, nhất là ba tháng sau khi về chung sống, cô báo tin cô sắp đẻ cho anh một đứa con. Nhưng cái ngày đứa con ra đời cũng chính là ngày vận anh đi xuống, xuống tận cùng đất đen theo nghĩa đen, vì đó là ngày đội quân chính quy miền Bắc xua xe tăng ủi sập cổng sắt cái dinh thự lớn nhất miền Nam. Anh chẳng biết làm gì hơn là ngồi ôm đứa con sơ sinh rồi khóc. Anh biết số phận mình sẽ ra sao. Những người làm việc trong cái Phủ chuyên về tình báo ấy hình như không ai thoát nạn bị trả thù, vì một nhân vật cấp cao trong Phủ lại là nội tuyến cho quân miền Bắc. Chẳng ai trốn thoát được. Anh bị lùa lên một trại cải tạo miền cao. Tại đây người ta không cần giết anh bằng phát súng nào. Họ chỉ cần bắt anh đi lao động vào một ngày mưa như trút nước trên một ngọn núi trơn trượt. Cái chân bị thương đi đứng bình thường trên đất bằng đã khó khăn, huống chi phải trèo lên vách núi cheo leo, chớn chở chặt những thân cây to đem về làm cột nhà. Trong lúc chặt cây, anh ngã xuống hẻm núi, vỡ sọ, tay chân gãy lìa, chết ngay tại chỗ. Xác anh nằm đó, không ai buồn xuống nhặt đem đi chôn. Xác thân một thiên tài Toán học trở thành miếng ăn cho thú rừng cắn xé.
 
14.
Cô có hạnh phúc với người chồng không? Cô không rõ lắm, và nếu có thì nó ngắn ngủi quá, vỏn vẹn một năm sinh sống với nhau trong căn nhà nhỏ, và nó là thứ hạnh phúc ở bề mặt thôi, bên trong, cô chẳng hiểu nó là gì. Anh hiền lành, nhưng ngoài những phương trình và thuật toán rắc rối làm điên đầu kẻ bình thường không am hiểu, anh chẳng biết gì nhiều về cuộc sống ngoài kia và tâm lý đàn bà. Anh thương cô, chiều chuộng cô hết mực, nhưng cô không thấy chút rung động với tình thương của anh. Anh lại vụng về trong cách biểu lộ tình cảm, nên chẳng bao giờ giữa cô và anh có sự thắm thiết nồng nàn của một cặp vợ chồng, nói gì giữa tình nhân. Đôi lúc, cô có cảm tưởng anh và người anh họ là một, cô mến cả hai người, và hai người thương cô, nhưng cô chỉ đáp lại tình thương của anh bằng sự chiều chuộng lại, rất nhiều khi gượng gạo và đóng kịch. Bi kịch của cô là cô không tìm thấy chút lửa nào trong trái tim mình. Cô không hiểu nó có ở đó bao giờ không mà sao cô cố thắp lên mãi vẫn không thấy tia lửa nào lóe lên.
Có lẽ đó là lý do vì sao cô thấy bình thản trong thời gian “đi khách” cho bà chủ cái quán cà-phê trá hình ở Sài Gòn dạo trước. Cô xem bọn đàn ông này như một lũ chó, lâu lâu bị chúng sủa bậy, cắn bậy. Thế thôi. Và cô cũng chẳng khổ sở bao nhiêu sau cái đêm cô bị lão già, người anh của gã bác sĩ bộ đội, cưỡng hiếp.
Tối hôm đó, gã bác sĩ bộ đội có ca trực tại bệnh xá, cô và gã mới về ở căn nhà trên phố huyện chưa được một tháng, nhà cửa còn bề bộn. Cô đang dọn dẹp trong nhà thì nghe tiếng gõ cửa. Cô ngạc nhiên không hiểu ai đến tìm cô vào giờ này. Cô ra mở cửa, thấy người anh Cả đứng nhìn cô với đôi mắt lạ lùng, khó hiểu. Người anh Cả thật ra là con cùng cha khác mẹ với gã bộ đội. Lão ta chưa già lắm, quãng bốn mấy năm mươi thôi, trông lão ta chẳng có nét nào giống người em trai mình. Trong khi gã bộ đội trắng trẻo, dáng người dong dỏng cao thì lão đậm người bề ngang, thấp lùn, nước da đen xỉn, nhợt nhạt, cái trán láng bóng vì tóc đã hói quá nửa.
“À, anh Cả… Anh sang em có việc gì ạ? Nhà em đêm nay trực…” Cô mời lão vào nhà, rót nước mời.
“À… Tôi chỉ tiện đường tạt vào xem chú thím cần gì không thôi… Tôi ở chợ huyện ra, có mua biếu chú thím tí quà gọi là mừng nhà mới.”
Lão đặt chiếc hộp các-tông lên bàn, mở ra, bên trong là một bộ chén bát kiểu, có lẽ đồ sứ Chu Đậu. Cô hơi chột dạ. Mặc dù biết lão không lâu nhưng cô đã nhận ra con người ở lão là kẻ nham hiểm tham tiền, làm chuyện gì cũng nghĩ đến điều lợi. Chắc chắn không phải vì quý mến vợ chồng người em mà lão chịu bỏ tiền ra mua món quà khá đắt giá ấy. Cô nói vài câu cám ơn và hỏi thăm bà mẹ, thêm vài câu khách sáo nữa, đột nhiên lão đứng dậy rút trong túi ra một xấp tiền đặt lên bàn, nói:
“Cô… cô… Cô đi khách bao nhiêu tiền mỗi lần? Tôi chỉ có ngần này thôi, đủ không?”
“Anh Cả nói gì, em không hiểu.” Cô ngẩn người không tin vào đôi tai mình.
“Cô đừng có mà giả câm giả điếc! Người ta nói hết về cô cho tôi nghe rồi. Ở trong Nam cô làm đĩ, đúng không? Đĩ mà chê tiền à!” Lão bỗng đổi giọng, to tiếng như quát vào mặt cô.
Cô chưa có phản ứng gì thì lão đã chồm tới vật cô xuống sàn nhà. Lão đứng thấp hơn cô nhưng đôi tay nông dân của lão khỏe lắm, lão bóp cổ cô, quắp hai chân đè lên thân hình cô. Lão làm việc này thành thạo lắm, có lẽ lão đã từng cưỡng hiếp không biết bao nhiêu cô thôn nữ ngây thơ và phụ nữ cô thế trong làng. Cô bị bóp cổ nhưng không nghẹt thở, vì lão chỉ muốn hiếp cô chứ không có ý định giết. Lúc lão lột được quần cô và thúc mạnh lên người cô liên hồi thì lão nới hai bàn tay ác quỷ ra một chút. Cô thở hổn hển xen lẫn tiếng ho sặc sụa. Lão vẫn hờ hai bàn tay trên cổ cô, đề phòng cô hét lên kêu cứu hoặc có phản ứng mạnh. Nhưng lão không biết là trong đầu cô lúc đó hoàn toàn trống rỗng, thân xác cô rã ra như quả bong bóng xì hơi, nhưng nó chẳng có cảm giác đau đớn khủng khiếp gì. Cô bình thản chấp nhận thêm một cảnh ngộ bất hạnh nữa xảy ra cho đời mình. Cô xem như mình đang bị một con chó dại cắn.
Ở xứ sở nơi cô sinh sống, chó dại nhiều vô số kể.
 
15.
Hôm cô tự kết liễu đời mình, trước chợ có một vụ đâm chém nhau.
Lúc viết dòng chữ này ở phân đoạn Một của thiên truyện, tôi ngờ mình bị ám ảnh bởi nhân vật Anna Karenina của Tolstoy. Ở phần kết kiệt tác văn chương này, Tolstoy thuật nàng Anna gieo mình xuống bánh xe chiếc tàu hỏa đang chạy. Quyên sinh.
Một cái chết thảm khốc và oan khiên. Trước đó khá lâu, đúng ra là hôm gặp Vronsky lần đầu trên sân ga, Anna chứng kiến một người đàn ông chết như thế. Nhưng vào cái hôm định mệnh xảy ra cái chết của Anna, nàng ra trạm ga để đón người tình Vronsky, chứ không hề có ý định đi tìm cái chết! Lúc từ trong nhà ra khỏi cửa, ý tưởng quyên sinh không chút lởn vởn trong trí óc nàng. Vronsky về quê thăm mẹ và hẹn nàng mười giờ khuya sẽ về.
Thật khó hiểu duyên do cái chết của Anna. Tại sao nàng tự kết liễu đời mình?
Ở bề mặt, câu trả lời có vẻ là khá hiển nhiên. Trước hết, suốt một thời gian dài những người thân quen trong thế giới nàng quay lưng lại nàng. Thứ hai, nàng rất khổ tâm vì phải sống xa đứa con trai, Seryozha. Thứ ba, cuộc tình giữa nàng và Vronsky đi vào chỗ bế tắc, và cho dù Vronsky vẫn yêu thương nàng chăng nữa, nàng hãi sợ tình yêu đó, tình yêu khiến nàng kiệt lực, tâm tư nàng sôi sục, nàng còn ghen tuông một cách vô lý. Nàng là người đàn bà sống bởi cảm xúc, cho cảm xúc. Nàng cảm thấy như bị kẹt cứng trong bi kịch, bi kịch đời sống. Vâng, tất cả những điều đó khiến người ta dễ dãi đi đến kết luận bởi vì sao Anna quyên sinh.
Nhưng sự thật không đơn giản như thế, và ngay cả chúng ta hiểu ra chiều sâu nỗi khổ của nàng, cái chết của Anna vẫn là điều bí ẩn, khó lòng giải thích tận tường.
Con người một khi bị kẹt cứng trong bi kịch đời sống, sớm muộn sẽ chọn cái chết cho chính mình? Không hẳn như thế, lập luận này ít thuyết phục được ai, bởi phần nhiều chúng ta bằng cách này cách nọ đều tìm ra con đường nào đó khả dĩ thích ứng với bi kịch cuộc đời mình để tiếp tục sống, dù là một đời sống chìm đắm trong khổ đau, buồn bã. Nhân vật tôi gọi là “cô” trong thiên truyện này cũng mắc kẹt trong bi kịch đời sống như Anna Karenina của Tolstoy. Hơn thế nữa, cô còn bị đè bẹp bởi tấn bi kịch lịch sử khốc liệt mà thế hệ cô gánh chịu. Nhưng mặc dù định mệnh đẩy cô vào những cảnh huống bi thảm hơn nhiều so với Anna, tôi vẫn không nghĩ đó là động lực thúc đẩy cô đi tìm cái chết. Tôi biết duyên do cái chết của cô. Nó là tiếng gọi từ cõi xa xăm huyền bí nào đó kêu réo cô hãy trở về thủy phủ. Vâng, thủy phủ. Cô chẳng hiểu ý nghĩa tiếng kêu đó là gì, chỉ nghe nó ngọt ngào quyến dụ vô cùng. Trong lúc chín lịm vào những cơn trầm cảm, cô nghe nó mời gọi tha thiết như lời mật ngọt rót vào tai, và cô hoàn toàn quy phục để nó dẫn dắt mình theo ý nó.
 
16.
Bây giờ cô ngồi bó gối dưới mấy gốc nho biển nhìn ra biển cả. Nắng mai vẫn chưa đánh tan lớp sương mù, mặt biển xanh mờ dưới màn sương trắng mỏng. Bãi vắng. Các tàu đánh cá ra khơi sớm lắm, từ ba bốn giờ sáng. Mãi chiều, nhiều khi tối mịt, tàu mới về. Lúc đó những người đàn bà trong làng, áo quần lam lũ, đầu sùm sụp nón lá, ngồi đợi sẵn trên bãi với quang gánh thúng mủng để gánh cá ra đổ lên chiếc xe tải chờ sẵn trên con đường đất đỏ cạnh Cống Liệp, và từ đó chạy ra chợ huyện. Cô không thể hình dung mình có thể làm công việc của những người đàn bà này. Họ trông gầy guộc yếu ớt lắm, nhưng đôi vai họ lại có thể gánh hai cái thúng, mỗi cái nặng hàng chục kí-lô, và bước thoăn thoắt trên bãi cát.
Cô chờ mãi vẫn không thấy động tĩnh gì và cô đâm ra sốt ruột. Sương bây giờ đã tan, bầu trời trong xanh, không gian im ắng, chỉ có tiếng những con hải âu chao chát bay liệng trên nền trời và tiếng sóng biển ì oạp vỗ vào bờ. Cô ngồi chờ. Chờ mãi.
Cô ngắt một lá nho biển cầm trên tay ngắm nghía. Phiến lá to tròn như lá trầu không, gân lá màu đỏ tía trông thật đẹp. Cô nhớ gã bác sĩ bộ đội bảo cô nho biển chỉ mọc ở vùng ven biển nhiệt đới như vùng này. Dân làng gọi nó là cây tra. Nó khỏe lắm, sống trên cát mà mọc cao cả mười lăm hai mươi mét, tán lá rộng, nhưng quả thì chua lắm. Gã hái vài quả cho vào mồm nhai ngon lành, gã ăn chua như đàn bà có mang ba tháng. Cô cắn thử một quả, nhưng chưa kịp nhai đã phải nhổ ra phì phì vì nó chua đến ê răng. Gã cười bảo cô: “Em phải có thai ba tháng mới thấy nó ngon như thế nào.” Cô cười, biết đó là câu nói đùa, nhưng dù là câu nói đùa, nó vẫn đượm giọng buồn bã, chua xót làm sao.
Đó là những buổi chiều hiếm hoi gã bác sĩ bộ đội có chút thời gian rảnh rỗi sau những ca trực đêm tại bệnh xá, lấy xe đạp đèo cô ra đây ngắm hoàng hôn. Hai người ngồi bên nhau thủ thỉ, nhưng thật ra gã nói nhiều chứ cô lâu lâu mới ậm ừ đáp trả một câu hỏi nào đó của gã. Hơn một lần gã hỏi cô:
“Anh phải làm gì cho em để em thoát ra khỏi nỗi buồn kéo dài như thiên thu này?”
“Anh chẳng làm gì được đâu.” Cô trả lời gã. Cô định nói cô bị bệnh buồn, bị từ thời con gái, nhưng hai chữ “bệnh buồn” đối với cô chẳng có ý nghĩa gì cả, thậm chí ngớ ngẩn. Cô sợ gã bác sĩ bộ đội cười mình, bảo mình dở hơi nếu cô bảo gã cô mắc chứng bệnh đó. Nhưng thật ra đó lại là một sai lầm tai hại khác của cô. Tôi nghĩ giá như lúc đó cô cứ nói với gã, biết đâu trong đầu óc gã bỗng lóe lên ý nghĩ cô bị chứng bệnh ấy thật, và biết đâu gã có cách chạy chữa cho cô, bởi sự thật là cô bị chứng tâm bệnh mà ngày nay người ta có cái tên gọi hay ho là “rối loạn lưỡng cực.”
 
17.
Cô không biết bây giờ là mấy giờ, chỉ cảm thấy trời mỗi lúc mỗi nóng thêm. Đến lúc cô cảm thấy nóng bức chịu không nổi và định đứng dậy bỏ ra về thì bóng một chiếc thuyền từ ngoài khơi tiến về ngay phía cô. Chiếc thuyền phóng vùn vụt trên mặt nước. Cô có cảm tưởng nó sẽ đâm vào bãi cát, và nó đâm thật. Cô định thần nhìn kỹ thì thấy đó là một chiếc thuyền thúng. Lạ nhỉ? Ở vùng này làm gì có thuyền thúng, và hình như người trên thuyền chẳng có mái chèo mà sao chiếc thuyền vẫn phóng như bay. Một người đàn ông từ trên thuyền bước xuống, đúng hơn, một ông lão, vì râu tóc ông bạc phơ. Nhưng trông ông quắc thước, khỏe mạnh lắm. Chắc là dân đi biển lâu năm, từ thuở ông còn trai tráng. Trên người ông mặc bộ quần áo vải nâu bạc phếch, loại ngày nay không ai mặc nữa. Hình như ông là người từ quá khứ trở về, chiếc khăn ông quấn trên đầu chỉ làm tăng thêm vẻ xa lạ đến độ dị kỳ. Ông đến gần cô, nói:
“Già xin cô thứ lỗi cho vì đã bắt cô đợi lâu.” Giọng ông nghe quê mùa nhưng ấm áp, chân tình.
“Không sao đâu, thưa cụ. Mình đi chưa?” Cô đáp lời, thấy hơi lạ về cách xưng hô của ông lão, cô chưa bao giờ nghe ai xưng là “già.”
“Mình đi ngay. Mẫu đang đợi cô dưới thủy phủ.” Ông ôn tồn bảo cô.
“Từ đây xuống đấy, có xa lắm không, thưa cụ?” Cô hỏi ông lão.
“Xa lắm. Nhưng với tài chèo thuyền của già thì chỉ độ nửa ngày là đến.”
Nói đến đây, ông có vẻ ngần ngừ như có chuyện gì khó nói. Mãi một lúc sau, ông mới thốt:
“Già xin hỏi cô một điều là cô đã nhất quyết, không còn gì vướng bận trong lòng để đi xuống gặp Mẫu chưa?”
“Thưa cụ, cụ nói như thế là có ý như thế nào ạ?” Cô thắc mắc hỏi lại.
Ông lão đưa tay lên gãi gãi đầu, nét mặt nhăn nhó mãi, cuối cùng ông nói:
“Vì khi cô bước vào thuyền rồi thì cô không thể trở lui được nữa. Nghĩa là cô sẽ không bao giờ về lại đây. Mẫu dặn đi dặn lại già phải hỏi cô như thế. Chỉ cần cô có một tí do dự, nghi ngại nào cũng không được quyền đem cô đi.”
“Thưa cụ, cháu đã quyết.” Không ngẫm nghĩ, cô bảo ông lão, giọng cả quyết.
“Nếu thế thì xin mời cô lên thuyền ngay. Cô phải bỏ lại tất cả vật dụng tùy thân, ngoại trừ chiếc áo đang mặc.”
“Vâng, cháu chả có gì trên người ngoài chiếc áo này.”
Ông lão không nói gì nữa, ông chỉ làm nhiệm vụ của kẻ thừa hành, kẻ tôi tớ trong nhà, kẻ quen tính kín đáo, không bao giờ hỏi han tọc mạch chuyện người khác. Cô bước theo ông lão. Chiếc áo lụa trắng bay phất phới trong gió biển. Ông lão nhường bước cho cô bước vào thuyền trước. Từ bãi cát, cô nhấc chân bước vào chiếc thuyền thúng. Rất lạ. Nó chẳng tròng trành chút nào. Bắc ngang giữa thuyền là một băng ghế dài làm bằng những thanh tre đều đặn. Cô ngồi xuống đó, ông lão theo sau bước vào thuyền. Ông đứng chứ không ngồi. Hai mắt nhìn thẳng ra khơi, ông phất tay, chiếc thuyền lao vụt đi, chỉ trong chớp mắt nó đã biến dạng sau làn nước trong xanh. Phẳng lì. Ngút mắt.
Từ đó, không ai thấy người đàn bà với chiếc áo lụa trắng đâu nữa. Năm đó cô vừa đúng hai mươi chín tuổi.
 
18. Kết từ
Nhiều năm về sau, miền đất ven biển đó đổi thay nhiều, nhất là từ khi các tập đoàn công ty nước ngoài đến xây dựng các nhà máy công nghệ đủ loại. Các nhà máy này thải chất cặn ra biển, lâu lâu giết chết cá hàng loạt. Nhưng chỉ sau vài tháng ồn ào phản đối chiếu lệ, chẳng ai làm gì bởi xung quanh các nhà máy đó là một tập thể cả ngàn con người, dân thường cũng như quan chức nhà nước, sống tầm gửi nhờ tiền bạc hào phóng của những chủ nhân ông trong nhà máy. Người ta đốn gần sạch các gốc nho biển để có chỗ cho các khách sạn cao tầng mọc lên. Nhà cửa, hàng quán, ổ điếm, nhà nghỉ, nhà xoa bóp chen chúc nhau trên những con phố chật hẹp, rác rưởi bẩn thỉu. Từ một ngôi làng đánh cá bé nhỏ xinh đẹp hiền hòa, nó biến thành nơi không chuyện gì khiếp hãi trên thế gian không xảy ra, từ xì-ke ma túy cho đến đâm chém giết người.
Sự biến đổi nhanh đến chóng mặt, duy một chuyện không hề đổi khác dù bao năm đã trôi qua. Thi thoảng người ta vẫn thấy người đàn ông già nua dáng dấp tiều tụy, gầy còm, lưng hơi còng, râu tóc bạc trắng, da dẻ nhăn nheo, ra ngồi dưới đôi ba gốc nho biển còn sót lại, dõi mắt nhìn ra biển khơi như mong ngóng cái gì. Ông ngồi như thế hàng giờ, mỗi lần thấy bóng một con tàu hay một vết đen gì từ ngoài khơi tiến vào bờ, ông đứng hẳn người dậy nghển cổ nheo mắt cố nhìn. Nhưng lần nào cũng thế, ông lại thất vọng ngồi xuống, lại thấp thỏm đợi chờ. Không biết ông chờ đợi ai, cái gì. Khi ráng chiều đỏ quạch đến man rợ phủ xuống mặt biển xanh đen, khi các cô gái điếm níu tay níu vai các gã người Hàn cao lớn, người Úc bụng phệ đi dạo đầy bãi biển, khi đèn đuốc bật lên sáng choang trong khu phố chỗ nào cũng ngửi thấy mùi thịt cá nướng và rượu bia, ông già lại ôm chiếc chiếu con vào nách, lững thững ra về. Chẳng ai chú ý đến ông, chẳng ai hỏi han ông, nhưng bất chợt có người lớn tuổi nào đó chạm mặt ông, người đó cung kính cúi đầu chào “Bác sĩ ạ.” Ông gật đầu chào lại, không nói năng gì, mắt không nhìn người đó, lầm lũi đi.
 
– TRỊNH Y THƯ
(Trích đoạn tiểu thuyết Đường Về Thủy Phủ)

  

Tuesday, July 25, 2023

BẢN THẢO

Lê Chiều Giang
 
The Poet’s Garden/ Vincent Van Gogh
 
Thơ rất thiếu. Mà
Văn chương chưa đủ
Ta ôm chồng giấy trắng
Hoang mang
Bôi xoá hết. Chuyện
của ngàn năm…
Ta đốt Điếu Văn thay tiền âm phủ
Có những nỗi oan
Tính viết lời chống đỡ
Mà mực khô. Mà
Ý cạn
Tay run
Chẳng nói gì đâu
Chẳng viết gì hơn
Ta cứ trắng như một tờ giấy mới.
 
Đời cứ thương yêu
Dù có ngàn năm đợi
Ta hiến dâng người
Trang:
Bản thảo tinh khôi
LCG
  

Monday, July 24, 2023

KIM VŨ RA MẮT TUYỂN TẬP TRUYỆN SONG NGỮ CỦA PHAN NHẬT NAM, PHẠM TÍN AN NINH, PHẠM THÀNH CHÂU

Phan Tấn Hải

 
HÌNH 1:
Phan Nhật Nam (đứng). Hàng ngồi, từ trái: Văn Công Định, Phạm Tín An Ninh,
Tràm Cà Mau, GS Trần Huy Bích, và một khán giả. (Photo: PTH)
 
Một buổi ra mắt sách thực hiện dưới hình thức buổi trà đàm tại Quán Cành Nam trong Viện Viêt Học hôm thứ Năm 13 tháng 7/2023 đã trình bày một hình thức mới của văn học Việt Nam: một tuyển tập dịch sang Anh văn 3 truyện kể từ 3 nhà văn Phạm Thành Châu, Phạm Tín An Ninh, Phan Nhật Nam do dịch giả Kim Vũ thực hiện nhằm cho thế hệ trẻ gốc Việt chỉ đọc dược tiếng Anh hiểu được sự thật lịch sử tại quê nhà Việt Nam, nơi cha anh của họ đã rời nước ra đi. Chương trình dịch sang tiếng Anh các chuyện kể sẽ được dịch giả Kim Vũ thực hiện liên tục, và dự kiến sẽ có thêm hỗ trợ từ Tiến sĩ Đinh Xuân Quân.
 
Buổi trà đàm thực hiện dưới sự điều hợp của chị Kim Ngân, Giám đốc Viện Việt Học, với hỗ trợ từ Quán Cành Nam do chủ quán thiện nguyện là Võ Ý, và các chị Phạm Kim, Ái Phương…
 
Trong tình hình những buổi ra mắt sách nhiều năm nay không còn được chú ý nhiều trong cộng đồng (mà nhà văn Phan Nhật Nam hôm Thứ Năm đã vài lần nói rằng, sao không còn mấy ai đọc chuyện quê nhà nữa, ngay cả nhiều người bạn thân của anh đối với bài anh viết), buổi ra mắt tuyển tập dịch “After the War” của dịch giả Kim Vũ đã thu hút nhiều người quan tâm về văn học song ngữ tiếng Anh-Việt, trong đó có Giáo sư Trần Huy Bích, Đinh Xuân Quân, Tràm Cà Mau, Nguyễn Công Thuần, Trần Lạc Hồng, Bùi Hồng Sỹ, Phan Thanh Tâm, Phan Tấn Hải, và nhiều người khác… trong đó có 2 cựu tù nhân chính trị Vũ Hoàng Hải, Lê Nguyên Sang (từ Châu Âu tới).
 
Nhân vật chính của buổi ra mắt sách là dịch giả Kim Vũ, và hai nhà văn Phan Nhật Nam và Phạm Tín An Ninh (từ Na Uy tới). Nhà văn Phạm Thành Châu hiện cư trú tại Miền Đông Hoa Kỳ, không tới được.
 
Buổi sinh hoạt ra mắt bản song ngữ “After the War” là buổi đầu tiên dự án ấn hành sách song ngữ Việt-Anh về văn học Việt Nam, thực hiện tại Quán Cành Nam, được biết quán này sẽ mở cửa mỗi tuần vào Thứ Năm từ 9:30 đến 11:30 sáng, nơi bất kỳ ai cũng có thể bước vào uống cà phê và chi trả thì tùy hỷ, chủ yếu giúp ngân sách cho Viện Việt Học:
 
15355 Brookhurst Street
Suite 222 Westminster, CA 92683
Tel. (714) 775-2050
 
Trong Thư Mời của dịch giả Kim Vũ đã giải thích vì sao ông thực hiện dự án dịch thuật, trích như sau:
 
“Gần một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ biến cố 1975. Rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Việt đã được xuất bản và phổ biến ở hải ngoại nói lên những sự thật không làm vừa lòng nhà cầm quyền trong nước, mà những tác giả bao gồm rất nhiều cựu đảng viên Cộng Sản như Tô Hải, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Tiêu Dao Bảo Cự, Tống Văn Công, Trần Đĩnh vv.
 
Mặt khác, những tác phẩm của những người đã từng sống dưới chế \độ Cộng Hoà thì cũng nhiều vô kể, vẽ lại những bức tranh sống động và bi ai về thực trạng miền Nam, mà hai chủ đề nổi bật nhất là “cải tạo” và “vượt biên”.
Thế nhưng tuyệt đại đa số những tác phẩm đó chỉ được chia sẻ trong một số không nhiều độc giả mà phần lớn là những người lớn tuổi. Những thế hệ đi sau thì có vẻ rất thờ ơ với những kinh nghiệm đau thương mà cha ông chúng đã phải trải qua để chúng có cơ hội vui hưởng sự tự do và nhân phẩm mà những người đi trước đã bị chối từ.
Một trong những lý do quan trọng nhất cho sự thể này là không có những tài liệu bằng Anh ngữ cho giới trẻ dễ tìm đến và thấm nhập phần nào những kinh nghiệm đau sót của cha anh chúng.
Đây chính là lý do cho sự ra đời của dịch phẩm khiêm nhường này.
 
Chỉ cần ba câu chuyện kể, dù nhẹ nhàng hay kinh hoàng nhưng đều thấm thía, là có thể dựng lên một toàn cảnh bi tráng được vẽ lại một cách sống động và trung thực về thực trạng và tình người của đất nước Việt Nam sau năm 1975.
 
Ba câu chuyện đó là:
. “Bí Mật Của Một Câu Kinh Phật” của Phạm Thành Châu,
. “Ở Cuối Hai Con Đường” của Phạm Tín An Ninh,
. “Chuyện Công ‘Cắn’” của Phan Nhật Nam.
 
Ba tác phẩm đó đã được chọn dịch và làm thành dịch phẩm “After The War” (Sau Cuộc Chiến) của Kim-Vũ đang đến tay bạn đọc khắp năm châu. Xin mời bạn đọc thưởng thức và thẳng thắn phê bình.
LL dịch giả: Kim Vũ: vumanhphat@gmail.com
.
HÌNH 2:
Dịch giả Kim Vũ (đứng). Người ngồi là chị Kim Ngân,
Giám đốc Viện Việt Học.(Photo: PTH)
 
Trong buổi ra mắt tuyển tập song ngữ hôm Thứ Năm, sau khi dịch giả Kim Vũ trình bày về dự án dịch thuật dài hạn, nhà văn Phạm Tín An Ninh được mời lên nói về truyện ngắn “Ở Cuối Hai Con Đường.
 
Tiểu sử tóm lược của nhà văn theo nhiều nguồn trên mạng như sau:
- Phạm Tín An Ninh: Sinh năm 1943 tại Khánh Hòa.
- Học tại trường Trung học Văn Hóa và Võ Tánh Nha Trang.
- Nhập ngũ: Khóa 18 SQ Trừ Bị Thủ Đức.
- Phục vụ tại Sư Đoàn 23 BB.
- Sau tháng 4/75: Đi tù tại các trại tù Nam và Bắc Việt Nam.
- Vượt biên, định cư tại Vương Quốc Na-Uy từ năm 1984.
- Đi học và làm việc trong ngành Ngân Hàng Bưu Điện.
- Về hưu từ đầu năm 2008.
Tác phẩm:
- Ở Cuối Hai Con Đường (2008),
- Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân...
Độc giả có thể đọc thêm ở trang web: https://phamtinanninh.com/
 
Nhà phê bình văn học Đỗ Trường trong một bài viết trên Diễn Đàn Thế Kỷ với bài nhan đề “Phạm Tín An Ninh: Con đường giải oan cho một cuộc bể dâu” đã ghi nhận về nhà văn họ Phạm như sau:
 
“…Tuy viết về chiến tranh, người lính, và cải tạo tù đày, song chất trữ tình là nghệ thuật đặc trưng nhất xuyên suốt truyện ngắn, văn xuôi của Phạm Tín An Ninh. Do vậy, đọc ông luôn cho ta cảm giác nhẹ nhàng, sâu lắng ăm ắp tình người. Ta có thể thấy, cùng với, Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ, Ở Cuối Hai Con Đường là truyện ngắn hay nhất về tình người, lòng nhân đạo cao cả, sâu sắc của Phạm Tín An Ninh. Nếu ở, Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ, sự cảm thông của người mẹ, người dân miền Bắc đối với những người lính cải tạo tù đày, thì Ở Cuối Hai Con Đường, thì cái tình người ấy, thể hiện ngay trong tình cảm, hành động của người quản giáo (một cựu tù binh ở chiến trường Kontum, đã được những người lính VNCH đối xử nhân đạo). Có thể nói, tôi đã đọc rất nhiều bút ký, hồi ký của những cựu cải tạo, tù nhân từ Nam ra đến Bắc, song có rất ít nhà văn, người viết tìm ra khía cạnh này. Tôi nghĩ, đây là cái nhìn công bình, không mang tính định kiến, hận thù của một nhà văn có tình yêu và lòng vị tha cao cả. Cho nên, trong một lần điện đàm, bàn luận về nhà văn Phạm Tín An Ninh, nhà thơ Trần Trung Đạo cho rằng: Phạm Tín An Ninh chinh phục được độc giả như vậy, vì khi viết anh có cái tâm trong sáng…”
 
HÌNH 3:
Phạm Tín An Ninh (đứng) nói về truyện thực ghi lại
trong “Ở Cuối Hai Con Đường.” (Photo: PTH)
 
 
Sau khi nhà văn Phạm Tín An Ninh nói về hoàn cảnh truyện rất thực, rất ly kỳ, rất đượm tình người của anh quản giáo trong “Ở Cuối Hai Con Đường” một số câu hỏi nêu lên từ thính giả đã được anh trả lời.
 
Nói chuyện tiếp theo là nhà văn Phan Nhật Nam, người có tiểu sử sơ lược theo Wikipedia như sau.
Phan Nhật Nam tên thật là Phan Ngọc Khuê (9/9/1943 -) là một nhà văn Việt Nam, cựu Thiếu tá Binh chủng Nhảy dù Việt Nam Cộng hòa. Ông sinh ra tại Nại Cửu, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là một nhà văn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Năm 1963, ông tốt nghiệp khóa 18 Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt với cấp bậc Thiếu uý và được chọn vào Binh chủng Nhẩy Dù. Trước biến cố 30/4/1975, ông đã mang cấp bậc Đại úy nhiệm chức của Binh chủng này. Sau 1975, ông bị bắt giam vào trại tập trung cải tạo 14 năm (1975-1989). Trong nhiều lần bị biệt giam hàng năm trời trong hầm tối, ông cũng làm ra nhiều bài thơ. Tuy sau ông được thả, nhưng lại bị quản thúc tại gia ở Lái Thiêu, Bình Dương.
Tác phẩm đầu tay của ông là cuốn Dấu Binh Lửa (1969). Tiếp theo là các tác phẩm: Dọc Đường Số Một, Ải Trần-gian (1970), Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), Dựa Lưng Nỗi Chết (1973) và Tù Binh và Hòa Bình (1974). Những tác phẩm của ông đều lấy Chiến tranh Việt Nam làm bối cảnh. Giữa những ngày tháng tư đen năm 1975, sách của ông bị nhà cầm quyền đốt trên đường phố Sài Gòn tuy nhiên một số ít vẫn được giữ lại cho tới nay vẫn còn lưu hành tại Mỹ và một số gia đình ở Việt Nam vẫn đang giấu giếm chưa thể công khai.
Năm 1993 ông sang Mỹ định cư và cho ra mắt những tác phẩm: Những Chuyện Cần Được Kể Lại, Đường Trường Xa-xăm (1995), Đêm Tận Thất-thanh và Mùa Đông Giữ Lửa (1997). Năm 2002 cuốn Những Chuyện Cần Được Kể Lại được phát hành với ấn bản tiếng Anh dưới tựa The Stories Must Be Told. Năm 2017, ông được nhà văn Hữu Thỉnh mời về Việt Nam nhưng ông đã từ chối.
 
Tiến sĩ Đinh Xuân Quân giải thích vì sao ông tới tham dự buổi ra mắt tuyển tập song ngữ “After the War” của dịch giả Kim Vũ, chỉ vì sau khi đọc “Chuyện ‘Công cắn’” trên Diễn Đàn Thế Kỷ, ông muốn gặp trực tiếp nhà văn Phan Nhật Nam để hỏi rằng câu chuyện đó có thực hay có phần nào hư cấu. Câu trả lời của tác giả Phan Nhật Nam là, hoàn toàn có thực 100% và chuyện kể đó có nhiều người cùng ở tù qua nhiều trại với ông, trong đó có nhà văn Phạm Phú Minh, đã cùng chứng kiến chuyện thực đó.
 
Nơi đây, chúng ta trích những dòng cuối “Chuyện ‘Công cắn’” qua giọng văn Phan Nhật Nam, trích:
“…Nhiền xoay xoay chùm chìa khoá buồng giam tiến gần chực đánh. Gã tù với một phản ứng nhanh nhẹn bất ngờ tạt ống bương vào mặt Nhiền. Tên nầy hét lớn hốt hoảng đưa tay vuốt những mảng phân thối, dòng nước dơ. Gã tù nhảy thoắt đến viên đá chận nắp hố phân. Nó nâng lên… Đập mạnh xuống khuôn mặt lầy nhầy chất bẩn. Nhiền ngã quay quắt trên đất.  Thằng Công nhảy lên ngồi trên ngực Nhiền, thọc tay vào ổ mắt.. Móc ra!! Nó nuốt khối nhầy ươn ướt máu và cứt. Súng trên chòi canh nổ sắc, gọn, chính xác từng phát một. Lưng thằng Công ưỡn lên, nẫy nẫy… Trong nầy, người tù cúi gập xuống. Nôn khan.. 
Chuyện nghe và thấy…
Nơi Trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa
(1986-1988)
PNN.”
 
Độc giả có thể nghe và xem trên video dài 10:48 phút, do Phan Nhật Nam nói về "Chuyện Công Cắn" trong buổi trà đàm ở Quán Cành Nam, Viện Việt Học:
.
Về Phạm Thành Châu, tác giả vắng mặt duy nhất trong buổi ra mắt tuyển tập song ngữ “After the War” chúng ta có thể hình dung về ông qua lời của nhà phê bình văn học Nguyễn Minh Nữu trích từ bài viết nhan đề “Phạm Thành Châu, dưới cội hoa trà” như sau:
 
 
Phạm Thành Châu sinh tháng 7 năm 1942 tại Hội An và sống suốt thời thanh thiếu niên ở đó. Sau đó theo học khóa 14 Đốc Sự tại trường Quốc Gia Hành Chánh, tốt nghiệp năm 1971, được bổ nhiệm làm Quận Phó Hành Chánh Quận Nam Hòa thuộc tỉnh Thừa Thiên, liên tục chuyển qua Phó Quận Quảng Điền, Phó Quận Phú Vang đều thuộc Thừa Thiên Huế.  Sau 1975, ông đi cải tạo 6 năm. Nghĩa là ngoài thời thanh niên, Phạm Thành Châu có 10 năm để sống và thu thập vui buồn, hạnh phúc, xót xa, đắng cay, mật ngọt  để khi định cư ở Mỹ, bình tâm và ghi nhận lại được về cuộc đời.  Truyện của Phạm Thành Châu là những khắc họa mênh mang về Hội An, về Thừa Thiên, về thời hoa bướm học trò, thời cải tạo và suy nghiệm tuổi già...
... Phạm Thành Châu định cư ở Mỹ năm 1991, và bắt đầu viết văn. Tập truyện đầu tay của anh in năm 2008 là tập Nhớ Huế. Tập truyện này đầu tiên in 1.000 bản, sau đó tái bản liên tục hai ba lần nữa vì độc giả gửi thư về đòi mua rất nhiều. Tập truyện được phát hành trực tiếp, người muốn đọc, gửi thư và tiền về tác giả, tác giả sẽ gửi sách đến người nhận, không qua một nhà sách hay hệ thống phát hành nào. Tôi quen với Phạm Thành Châu vào giai đoạn này…”
 
Truyện nhan đề “Bí Mật Của Một Câu Kinh Phật” có nội dung tóm lược như sau: nhân vật chính (bà H.) trong truyện là một phụ nữ, qua Mỹ theo diện HO, khi qua Canada thăm gia đình cậu em, mới kể chuyện và đọc một lá thư giữ kín từ nhiều năm. Thư do một cựu công an mai phục ở vùng biển Cà Mau, giả làm nông dân vùng ven biển, chận bắt người vượt biên. Bà H. kể rằng khi chồng còn trong tù cải tạo, bà mới vượt biên một mình khoảng năm 1982, đêm đó thất bại, mọi người chạy tứ tán, bà H. chạy lạc tới một căn nhà thắp đèn dầu, xin vào tá túc qua đêm để sáng hôm sau sẽ đón xe đò về Sài Gòn. Người nông dân lúc đó là người duy nhất trong căn nhà lá, nói bà H. tắm, thay áo quần bằng bộ đồ bà ba để sáng hôm sau ông sẽ chỉ đường đón xe về Sài Gòn. Và đúng là hôm sau, bà H. được người nông dân đưa ra đón xe đò về Sài Gòn bình yên. Một năm sau, bà H. nhận được một lá thư từ người nông dân tốt bụng kia, trích thư viết:
 
Gửi bà H (là tên tôi). Bà còn nhớ, lần vượt biển ở Cà Mau, bị bể và bà được tôi cho trọ qua đêm, hôm sau đưa ra bến xe, về thành Hồ. Tôi biết bà thắc mắc. Tôi là ai? Tại sao lại ở nơi vắng vẻ? Tôi sinh sống bằng cách nào?
Tôi cho bà rõ. Tôi là Công An, có nhiệm vụ ở đó để đón những người vượt biên bị bể chạy thoát được. Công An chúng tôi làm nhà cách nhau một vài cây số, dọc bờ biển, nơi thường có bến bãi vượt biên, có thuyền con đón ra thuyền lớn. Như vậy, khi Công An đến bắt vượt biên, người nào chạy thoát cũng chỉ quanh quẩn đâu đấy, thấy đèn là tìm đến, thế là nộp mạng cho chúng tôi. Tôi bảo rằng có vợ ở chung nhưng thật ra, vợ con tôi đều ở ngoài Bắc, tôi vào đây công tác đã được bốn năm, khi nào ổn định sẽ đưa gia đình vào thành phố, vì chẳng ai có thể ở nơi hoang vắng nầy… "…
“Tôi từng được Công An tỉnh và trung ương biểu dương nhiều lần về thành tích chận bắt người vượt biên cũng như tinh thần chí công vô tư, không tơ hào đến của cải, vật chất của người bị bắt. Nhưng không ai biết rằng, hễ người nào đem nhiều đô la, vàng ngọc, hột xoàn là tôi thủ tiêu, chôn xác trong rừng. Tôi đào sẵn những cái hố, muốn giết ai, khuya đó, tôi lận súng trong người, bảo họ đi theo tôi để tôi chỉ đường mà đi ra đường chính đón xe về. Vào rừng, tôi bắn chết, đạp xuống hố, hôm sau ra lấp đất lại. Không người nào thoát khỏi tay tôi, vì chung quanh toàn sình lầy, có bỏ chạy một quãng là ngập người dưới sình, tôi chỉ rọi đèn pin, đi tìm và bắn họ rất dễ dàng. Tôi có nói bao nhiêu người bị tôi thủ tiêu với bà cũng chỉ làm bà kinh hoàng chứ chẳng ích lợi gì. Tất cả của cải cướp được, tôi đưa cho vợ tôi đem về quê chôn giấu. Hột xoàn, đô la, vàng ngọc, châu báu… Nghĩa là vợ chồng tôi rất giàu. Vợ tôi bảo, có thể bỏ vốn lập những công ty, mua máy móc để sản xuất hàng hoá xuất khẩu hoặc mua nhà cửa ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh cũng không hết của. Dĩ nhiên gia đình tôi ngoài Bắc vẫn sống đạm bạc như bao nhiêu người khác, để tránh bị nghi ngờ. Tôi dự định sẽ làm thêm vài năm, kiếm một số tiền vàng nữa rồi xin ra khỏi ngành. Tính ra, tôi ở đó đã được bốn năm, cho đến cái đêm bà tìm đến nạp mạng cho tôi.
“Như mọi khi, lúc bà đi tắm, tôi rình xem bà cởi đồ (để biết của cải lận theo người) rồi lên kiểm tra xách tay của bà. Tôi thấy trong xách có nhiều vàng và đô la. Như vậy, số phận của bà đã được tôi quyết định. Bà sẽ bị tôi thủ tiêu. Trong lúc lục xét xách tay tôi thấy có một quyển kinh, khổ lớn hơn những quyển kinh khác, mà những người vượt biên khác thường đem theo. Quyển kinh lớn đó khiến tôi tò mò. Theo thông lệ, tất cả kinh Phật của những người vượt biên, tôi giữ lại, khi nào lên tỉnh, tôi tặng cho người bạn đang trụ trì một ngôi chùa lớn, gần chợ. Anh ta là Công An, đi tu là công tác, vẫn lãnh lương Công An. Tôi tặng các quyển kinh Phật cho chùa để ai đến lễ chùa mà «thỉnh» những kinh đó thì biết ngay, người đó sẽ vượt biên và chúng tôi theo dõi. Vì tò mò và vì nghiệp vụ, tôi mở quyển kinh của bà ra, để sát ngọn đèn cho dễ đọc. Tôi đọc một cách tình cờ, một câu kinh nằm ngay giữa trang kinh. Chỉ một câu thôi. Câu duy nhất đó khiến tôi lạnh toát người vì kinh sợ. Tôi sợ đến choáng váng, muốn té xỉu, đến độ ngồi chết lặng một lúc thật lâu. Tối đó, tôi không ngủ được.
Hiện nay tôi đã ra khỏi ngành Công An. Tôi đã đi tu ở một vùng núi miền Tây Nguyên, rất hẻo lánh, xa hẳn phố phường, làng xóm. Ngôi chùa nhỏ được cất bên góc núi. Rất xa, dưới chân núi, cách nơi tôi ở, thấp thoáng những nhà sàn của những người thuộc sắc tộc thiểu số. Mỗi buổi sáng, tôi lạy Phật, tụng kinh, rồi lên đồi cuốc đất, trồng khoai sắn, rau quả. Buổi tối tôi lại tụng kinh và suy ngẫm lời Phật dạy…”
.
Ba truyện kể trên – của Phan Nhật Nam, Phạm Tín An Ninh và Phạm Thành Châu -- đã được chọn dịch và làm thành dịch phẩm “After The War” (Sau Cuộc Chiến) của Kim-Vũ đang đến tay bạn đọc khắp năm châu. Độc giả muốn tìm mua, xin email về dịch giả Kim Vũ: vumanhphat@gmail.com
 
Ngoài ra, xin nhắc lại, Quán Cành Nam mở cửa vào mỗi sáng Thứ Năm hàng tuần từ 9:30 đến 11:30 sáng, nơi bất kỳ ai cũng có thể bước vào uống cà phê và chi trả thì tùy hỷ, chủ yếu giúp ngân sách cho Viện Việt Học: 15355 Brookhurst Street, Suite 222 Westminster, CA 92683. Tel. (714) 775-2050.
PTH
HÌNH 4:
Toàn cảnh trong buổi ra mắt sách.
 
 
 
 

VŨ HOÀNG THƯ. VỚI HAIKU VÀ CƠN NẮNG HẠ

 
Crows over the wheatfield. Vincent Van Gogh
 
          𝘈𝘩, 𝘴𝘶𝘮𝘮𝘦𝘳 𝘨𝘳𝘢𝘴𝘴𝘦𝘴!
          𝘈𝘭𝘭 𝘵𝘩𝘢𝘵 𝘳𝘦𝘮𝘢𝘪𝘯𝘴
          𝘖𝘧 𝘵𝘩𝘦 𝘸𝘢𝘳𝘳𝘪𝘰𝘳𝘴 𝘥𝘳𝘦𝘢𝘮𝘴.  
                              – Basho
          nhấp nhô cỏ hạ kéo về
          chút tàn dư lại
          mộng hề ! chinh nhân
          Một ngày hè hâm hấp và gió hiu, ông Basho nhìn đất trời. Thỉnh thoảng từng cơn gió thổi rạp đám cỏ bồng. Gió lùa cỏ hạ phảng phất hình bóng giáp binh, đám lính tiền phong mang rơm rạ hóa trang từng bước một rình rập tiến vào công thành. Cơn nóng làm mộng trường chinh sống dậy bừng bừng. Ảo giác trưa hè. Rồi lửa hạ nguôi. Chiến chinh rốt cùng còn lại là một mớ ký ức của một thuở đã phôi pha. Thi sĩ chập chờn thiêm thiếp ngủ, tất cả bay bổng theo hơi nóng, còn chăng một đám cỏ phất phơ giữa hạ nồng.
VHT
(từ Vũ Hoàng Thư facebook)


Sunday, July 23, 2023

MILAN KUNDERA QUA ĐỜI Ở TUỔI 94

Trịnh Y Thư
  
Milan Kundera [1929-2023] trong một bức ảnh chụp năm 1968,
thời điểm Mùa Xuân Praha.
 
Milan Kundera, nhà văn nổi tiếng quốc tế với những tác phẩm văn học bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc thời Cộng sản đã khiến ông phải sống cuộc đời lưu vong từ năm 1975, vừa qua đời ở Paris. Ông thọ 94 tuổi.
Kundera qua đời vào chiều thứ Ba, 11 tháng Bẩy, nhà xuất bản lâu năm của ông Gallimard, cho biết như thế trong một tuyên bố ngắn một dòng chữ vào thứ Tư, xác nhận rằng ông đã chết ở Paris nhưng không cung cấp thêm thông tin.
 
Nghị viện Châu Âu đã tổ chức một phút mặc niệm khi biết tin ông qua đời.
 
Đời nhẹ khôn kham, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Kundera, mở đầu với cảnh xe tăng Liên Xô nghiến nát đường phố Praha, thủ đô của Cộng hòa Séc, là quê hương của tác giả cho đến khi ông sang Pháp chọn cuộc đời lưu vong từ năm 1975. Đan xen các chủ đề về tình yêu và sự lưu vong, chính trị mang tính cá nhân sâu sắc, tiểu thuyết của Kundera đã giành được sự tán thưởng của giới phê bình, giúp ông có được lượng độc giả rộng rãi chẳng những ở phương Tây mà còn khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam.
 
“Nếu ai đó nói với tôi khi còn là một cậu bé: Một ngày nào đó bạn thấy đất nước của mình biến mất khỏi thế giới, tôi sẽ coi đó là điều vô nghĩa, một điều tôi không thể tưởng tượng được. Con người biết mình là phàm nhân, sẽ có ngày tan biến khỏi mặt đất, nhưng hắn ta mặc nhiên cho rằng đất nước của mình thì vĩnh cửu.”
 
Ông nói với nhà văn Mỹ Philip Roth như thế trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times vào năm 1980, một năm trước khi ông nhập quốc tịch Pháp.
 
Đối với riêng tôi, Kundera là người thầy dậy tôi viết văn, mặc dù tôi chưa bao giờ có cơ hội gặp ông ngoài đời. Tôi sẽ không cảm thấy một chút mặc cảm nào nếu có ai đó bảo tôi viết giống Kundera, lý do dễ hiểu, tôi đọc gần như toàn bộ sáng tác của ông, tiểu thuyết cũng như tiểu luận, và đã bỏ thời gian ra dịch ra Việt ngữ hai cuốn tiểu thuyết (Đời nhẹ khôn kham và Tập sách cái cười & sự lãng quên) cùng nhiều bài tiểu luận khác của ông. Giữa tiểu thuyết và tiểu luận ông viết, tôi không rõ cái nào hay hơn, một điều rất hiếm thấy ở các nhà văn, Tây cũng như Đông.
 
Để thắp một nén tâm hương cho nhà văn Milan Kundera, xin cho tôi chia sẻ với bạn bài viết tôi viết về ông, in trong cuốn tạp luận Theo dấu thư hương, xuất bản năm 2022. (TYT)
 
***
 
MILAN KUNDERA: CÁI CƯỜI CÁI NHẸ CÁI QUÊN

 Milan Kundera, trong một bức ảnh gần đây.
 
Trong bài tựa cuốn tiểu thuyết Chuyện đùa, Milan Kundera thuật lại giai thoại sau: Năm 1980 (lúc này ông đã cùng gia đình sang Pháp định cư), có buổi hội thảo trên kênh truyền hình nào đó nói về sự nghiệp văn học của ông. Một nhân vật trong thành phần tham dự đứng lên phát biểu, gọi cuốn Chuyện đùa là bản cáo trạng hùng hồn tố cáo tội ác của chủ nghĩa Stalin. Kundera nghe vậy vội vàng ngắt lời, “Ông làm ơn đừng gán ghép chủ nghĩa Stalin của ông vào tôi. Chuyện đùa chỉ là một câu chuyện tình.”
 
Quả vậy, mặc dù tiểu thuyết Kundera không thiếu những mạch đoạn viết về chính trị – đúng hơn lịch sử chính trị – và ông không bao giờ che giấu thái độ hằn học, gần như thù hận, với nước Nga, bởi quốc gia này đã gây nên không biết bao nhiêu tai họa và thống khổ cho quê hương, dân tộc ông, thậm chí cho chính cá nhân ông, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta bới móc giữa những dòng chữ ông viết để tìm kiếm một thông điệp hay luận đề chính trị nào. Ông có vẻ dị ứng với tất cả những điều đó. Với ông, Lịch sử chỉ là tấm phông trừu tượng mà ông ví tiểu thuyết gia như nhà thiết kế sân khấu kịch sử dụng để kiến dựng một tiết kịch. Câu nói “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia” thường được ông nhắc đi nhắc lại trong những bài tiểu luận (ngoài vai trò một tiểu thuyết gia hàng đầu trên thế giới vào nửa sau thế kỷ XX, Kundera còn là một ngòi bút viết tiểu luận văn học xuất sắc) như trong những đoạn viết sau:
Bởi Lịch sử, với tất cả những động thái của nó, chiến tranh, cách mạng, phản cách mạng, quốc nhục, không được chen vào can dự ngòi bút của nhà văn – không thể để nó trở thành đề tài cho nhà văn minh họa, lên án hoặc biện giải. Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia; nhà văn có thể bị mê hoặc bởi Lịch sử, nhưng bởi nó là thứ đèn giọi xoay vòng chạy xung quanh hiện hữu con người, chiếu luồng sáng lên nó, lên những khả thể bất ngờ, mà ở những lúc bình ổn, khi Lịch sử đứng yên, không ló mặt ra phía trước, chúng nằm yên phía sau, không ai thấy, không ai nhận biết.
 
Lịch sử nhẹ như đời sống cá nhân con người, nhẹ khôn kham, nhẹ như lông hồng, nhẹ như hạt bụi cuốn lên không trung, như bất cứ cái gì ngày mai không tồn tại.
 
Nếu vậy, đối với Kundera, chủ đề trong tiểu thuyết có hàm chứa một ý nghĩa gì đáng kể không? Hiển nhiên, như hầu hết các tiểu thuyết gia tầm vóc khác của thế giới, Kundera cương quyết chống lại mọi chủ thuyết luận đề trong văn chương. Đối với ông, chẳng có gì đáng khinh bỉ hơn một tác phẩm tiểu thuyết mà đọc không khác một văn bản tuyên truyền chính trị. Tuy vậy, bàng bạc trong những tác phẩm của ông, người ta nhận thấy những chủ đề sau hiển lộ rõ ràng: cuộc sống lưu vong; căn tính, đời sống vượt qua lằn ranh biên thùy (bên kia tình yêu, bên kia nghệ thuật, bên kia sự nghiêm túc); lịch sử như cái gì liên tục trở lại; và lạc thú của một đời sống ít có những điều “quan trọng.”
 
Và, cũng như phần lớn chúng ta, Kundera chẳng thể nào đứng ngoài những biến động lịch sử khốc liệt của thế hệ ông. Thế kỷ XX, châu Âu của ông chứng kiến sự đổ nát kinh hoàng chưa từng thấy trước đó bao giờ. Hai cuộc Thế chiến, Lò thiêu, Quốc xã, Quân phiệt, Cộng sản, như những bóng ma, cho đến tận bây giờ vẫn ám ảnh tâm tư người dân lục địa đó. Bohemia của ông – miền đất tuy nhỏ bé nép mình giữa hai cường quốc Đức và Nga nhưng lại là giao điểm chính trị và văn hóa quan trọng – luôn luôn là mảnh đất chịu thiệt thòi và bị giẫm nát trong bất kỳ cuộc tương tranh lớn nhỏ nào. Ở châu Âu, ngoài Ireland, Bohemia có lẽ là quốc gia duy nhất mà nền văn học bao giờ cũng trĩu nặng tính thời đại và lịch sử. Dù sao chăng nữa, Kundera khó lòng hoàn toàn đi chệch ra khỏi quy luật đó.
 
Nhưng nếu lịch sử chính trị chỉ là bối cảnh, chỉ là cái phông của tiết kịch, thì cái gì chiếm cứ phần trọng đại nhất trong tiểu thuyết Kundera? Câu trả lời giản dị lắm: Đó chính là cuộc truy tìm bản ngã con người để từ đó rất có thể lóe lên luồng sáng mới mẻ cho ta thấy rõ hơn cái ẩn mật của hiện tồn. Đưa ra một định nghĩa cho tiểu thuyết, ông nói: “Ngay khi bạn tạo dựng một hiện hữu tưởng tượng, một nhân vật, tự động bạn đối đầu câu hỏi: Bản ngã là gì? Làm cách nào thấu triệt được cái bản ngã đó? Đây là một trong những câu hỏi cơ bản của tiểu thuyết.” Kundera cả quyết rằng sự nảy sinh của nhân vật tiểu thuyết không giống sự ra đời của con người nơi cuộc sống bên ngoài; “họ có mặt do một tình huống, một câu văn hay một ẩn dụ bên trong cái vỏ bọc hàm chứa những khả thể cơ bản liên quan đến con người mà tác giả nghĩ rằng chưa ai khám phá hay đề cập điều gì trọng yếu về nó.” Xem thế, tính sáng tạo trong tiểu thuyết Kundera chủ yếu nằm ở điểm này. Và qua tác phẩm chúng ta thấy ông truy xét cái bản ngã đó đến tận cùng. Bản ngã bị ông lật trái lật phải, lật ngang lật dọc đến chóng mặt. Nhưng không phải vì thế ông nắm bắt được điều muốn tìm kiếm; bản ngã vẫn vuột khỏi tầm tay, và ông thú nhận cuộc truy tìm bao giờ cũng chấm dứt trong nghịch lý.
 
Đọc Kundera, chúng ta cũng dễ dàng mắc phải ngộ nhận cho là tiểu thuyết ông chịu ảnh hưởng triết học hiện sinh. Ý tưởng phê phán nghệ thuật tiểu thuyết chẳng qua chỉ là cái gì rút ra từ các trào lưu triết học và lý thuyết bị ông đem ra phản bác gay gắt. Dẫn chứng tác phẩm văn học của các nhà văn cận/hiện-đại, ông bảo tiểu thuyết đã va chạm đến vô thức trước khi có Freud, đã luận về đấu tranh giai cấp trước khi có Marx; và trước khi các nhà hiện tượng học ra đời tiểu thuyết đã nói đến hiện tượng học. Câu nói “tiểu thuyết nói những điều mà chỉ tiểu thuyết mới nói được” thường được ông đem ra dùng khi cần bênh vực cho vai trò tích cực và vị thế trọng đại không thể thiếu của tiểu thuyết trong đời sống văn hóa con người.
 
Kundera tự xem mình là một nhà văn châu Âu, không phải Đông Âu như nhiều người gán lên ông. Ông lấy nguồn cảm hứng sáng tác từ những nhà văn truyền thống châu Âu từ thời Phục hưng như Boccacio, Rabelais, hoặc mới hơn như Sterne, Diderot… Nhưng chính những trước tác của các nhà văn hiện đại thế kỷ XX đã tạo ảnh hưởng sâu sắc lên những trang viết của ông, đó là Musil, Gombrowitz, Broch, Heidegger, và nhất là Kafka. Ông dành nguyên một phần trong cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết để nói về Kafka. Theo ông, chính Kafka, không phải Proust, không   phải  Joyce,  đã  tiên  phong  cho  trào  lưu  tiểu thuyết  Hiện đại mà ảnh hưởng vẫn còn vang động cho đến tận ngày nay.
 
Kundera cũng tuyệt đối trung thành với những ý niệm mỹ học mà ông khai triển gần như suốt văn nghiệp ông. Ở những cuốn nổi tiếng như Đời nhẹ khôn kham, Chuyện đùa, chúng ta thấy ông say sưa với những cặp phạm trù nặng/nhẹ, tâm-hồn/thể-xác, chung-thủy/phản-bội, cái-cười/sự-lãng-quên, vân vân. Thậm chí ông lấy cặp phạm trù cái-cười/sự-lãng-quên làm nhan đề cho một tác phẩm của ông, Tập sách cái cười và sự lãng quên. Kundera nói về cuốn sách này của ông như sau:
 
Sách này là cuốn tiểu thuyết viết theo dạng thức biến tấu. Những phần của sách nối tiếp nhau như những chặng đường chuyến du hành dẫn đến cái nội tại  của  chủ đề,  nội tại  một suy tưởng,  nội tại một  tình huống  duy nhất,  giản dị, mà cái hiểu cứ dần dà trôi mất về cõi xa, ra khỏi tầm nhìn của tôi.
 
Nó là cuốn tiểu thuyết viết về Tamina, và những chuyện diễn ra lúc Tamina bước ra khỏi sân khấu. Nó là cuốn tiểu thuyết viết cho Tamina. Cô là nhân vật chính diện và cũng là khán giả chính diện. Tất cả những chuyện khác là biến tấu dựa trên chuyện của chính cô, gặp gỡ đời sống cô như gương soi mặt.
 
Nó là cuốn tiểu thuyết về cái cười và sự lãng quên, về thành phố Praha, về Praha và những thiên sứ của nó…
 
Như hầu hết các tác phẩm khác ông viết trước đó hoặc sau này, cuốn sách là một tổng hợp những khía cạnh khác nhau của hiện tồn được khuếch đại, thu nhỏ, sắp xếp lại trật tự, nhấn mạnh, xem xét, phân tích, trải nghiệm… với một cái nhìn thật mới mẻ và tinh tế.
 
Ông viết cuốn sách vào khoảng giữa thập kỷ 70.  Tác phẩm có  bẩy phần.  Gọi  mỗi  phần là một truyện ngắn cũng đúng, nhưng theo chính Kundera,  ta nên xem nó là một tổ khúc, như tổ khúc âm nhạc gồm bẩy hành âm mà mỗi hành âm là một cuộc truy tìm hiện hữu khác nhau. Khác nhau nhưng vẫn có sự thắt buộc chặt chẽ bởi mô-típ chỉ đạo chế ngự toàn tác phẩm: cái cười và sự lãng quên. Những mã số hiện sinh ông sử dụng ở đây vẫn là những phạm trù quen thuộc lồng trong tình huống một chuyện tình buồn cười. (Các chuyện tình của Kundera đều buồn cười, nhưng là nụ cười cay đắng.) Tình dục thì luôn luôn buồn bã, như hoang mang giữa mê lộ. Và quái! Không phải quái đản, quái lạ, quái gở hay quái dị, mà quái “chiêu.” (Ở đây, tôi chỉ có thể tìm được một tiếng lóng, một từ đường phố, “quái chiêu,” để diễn tả chất “quái” trong văn Kundera khi viết về tình dục.) Tất cả quay cuồng trong bối cảnh lịch sử: cuộc sống nghẹt thở dưới chế độ công an trị của nhà nước Cộng sản sau khi Nga xua cả nghìn chiến xa và nửa triệu quân sang xâm chiếm Bohemia.
 
Cuốn tiểu thuyết đã đưa Kundera lên đài danh vọng quốc tế vào cuối thập kỷ 70. Nó là cuốn sách chẳng những phong phú ở mặt xây dựng nhân vật và câu chuyện, mà còn lạ lùng, sâu sắc ở phần tưởng tượng. Nơi đây thực tại và huyễn tưởng đan xen nhau dễ dàng và tự nhiên đến nỗi người đọc khó phân biệt đâu là đời sống thật, đâu là giấc mơ. Kỳ thực, điều đó không cần thiết khi đọc tiểu thuyết Kundera. Tuyệt đối không cần thiết, bởi chính ông cũng hay nhắc nhở người đọc rằng đừng xem những gì ông viết là sự thật ngoài đời, mặc dù trong đó có rất nhiều phần thuộc dạng hồi ức tự truyện, âm nhạc, triết học hay lịch sử. Ông thường cố ý cho người đọc nhận ra các nhân vật tiểu thuyết của ông chẳng qua chỉ là  những  hình ảnh ông lấy ra từ trí tưởng tượng của mình. Ông cho chủ thể ở ngôi thứ nhất trong lúc miêu thuật một câu chuyện ở ngôi thứ ba. Trong lúc viết, ông quan tâm đến các từ định đoạt tính cách và số phận của nhân vật hơn là ngoại hình. Chẳng bao giờ nghe ông miêu tả nhân dáng các nhân vật của ông ra sao, như thể trí tưởng tượng của người đọc tự động tiếp nối và hoàn tất cái nhìn của người viết. Làm như thế, người viết sẽ chú trọng nhiều hơn ở phần cốt lõi của tác phẩm. Thậm chí, thế giới nội tâm (hoặc tâm lý) của nhân vật đối với ông cũng chẳng quan thiết. Tuy nhiên, đôi lúc, tính cách đặc trưng nào đó được nhấn mạnh hầu làm sáng tỏ thêm bản chất của nhân vật.
 
Viết tiểu thuyết, Kundera ưa chuộng thủ pháp “tiểu thuyết tư duy.” Có nghĩa là ông không miêu thuật một câu chuyện từ đầu chí cuối, mà đưa ra một ý tưởng rồi  “bịa” một hay nhiều “tình huống” để biện chứng cho ý tưởng đó. Với lối viết này, Kundera chịu ảnh hưởng nhiều từ hai nhà văn kiệt xuất người Áo của nửa đầu thế kỷ XX là Robert Musil [1880-1942] và Hermann Broch [1886-1951]. Kẻ không quen lối viết này có thể bĩu môi chê bai, “Sao mà lý sự lắm thế!” bởi đối với họ, nghệ thuật tiểu thuyết yêu cầu ý kiến tác giả đứng ngoài tầm nhìn; tất cả mọi tư duy hãy để người đọc định đoạt, nó là thành tố ngoại tại của loại hình tiểu thuyết.
 
Thế nhưng Kundera đã mở toang cánh cửa để tư duy tuôn tràn vào tiểu thuyết. Ông không ngần ngại tuyên bố rằng “biện pháp bổ sung những tư duy chắc nịch một cách đầy thông tuệ vào tiểu thuyết và bằng những thủ pháp tuyệt luân đầy nhạc tính khiến nó trở nên thành phần bất khả phân ly trong tác phẩm là một trong những sáng tạo táo bạo nhất mà không phải tiểu thuyết gia nào cũng dám làm trong kỷ nguyên nghệ thuật hiện đại.”
 
Tư duy tiểu thuyết, theo Kundera, không dính líu gì đến tư duy khoa học hay triết học; nó là phi triết học; thậm chí phản triết học, có nghĩa là nó hết sức độc lập với bất kỳ hệ suy tưởng tiên nghiệm nào; nó không thẩm định; không công bố chân lý; nó ra câu hỏi, nó kinh ngạc, nó xét nét; loại hình của nó thật là phong phú: ẩn dụ, châm biếm, giả định, khoa đại, châm ngôn, bông lơn, gây hấn, huyễn hoặc; và điều chính yếu là không bao giờ nó tách lìa ra khỏi cái vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống những nhân vật của nó; những đời sống nuôi dưỡng, chứng thực nó.
 
Đọc Kundera, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra tính hài (và ở chừng mực nào đó, châm biếm) thấm đẫm trong văn ông. Kỳ thực, đối với ông, hài là một thuộc tính bất khả tách ly của văn chương.  Tập sách cái cười và sự lãng quên không thiếu những mạch đoạn khiến người đọc cười chảy nước mắt, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta hiểu chủ ý của ông là chọc cười độc giả. Để hiểu tính hài của Kundera, ta phải tìm hiểu tính hài trong văn Kafka. Vâng, chính Kafka đã cho ông nguồn cảm hứng bất tận đem tính hài vào văn chương. Kafka lấy mặt nạ của cái khả lý đeo lên cái bất khả lý, trong lúc tuyệt đối duy trì tính chính xác tâm lý, nó khiến tiểu thuyết của ông mang vẻ mê hoặc huyền ảo lạ lùng. Chuyện bông đùa, giai thoại, chuyện hài hước: chúng là những bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy giữa cảm quan nhạy bén của hiện thực và thần trí tưởng tượng, tiểu thuyết liều lĩnh đi vào cái bất khả lý. Kundera bảo như vậy.
    Kundera cũng khai thác triệt để khía cạnh bi-hài của chủ nghĩa độc tài toàn trị, mặc dù ông quyết liệt phản bác lại mọi phê phán xem tiểu thuyết của ông là một diễn ngôn chính trị. “Sự lên án chủ nghĩa độc tài toàn trị không xứng đáng đem vào tiểu thuyết” là câu nói thường xuyên ông phát biểu mỗi khi đề tài này được đem ra thảo luận. Tiểu thuyết gia Mexico Carlos Fuentes nói như sau về Kundera:
 
Điều thú vị ông ta [Kundera] tìm ra là sự tương tự giữa chủ nghĩa độc tài toàn trị và giấc mơ tuy mê hoặc nhưng chẳng có gì đáng nhớ về một xã hội hài hòa nơi đời sống riêng tư và đời sống công cộng nhập lại thành khối nhất thể và sự hiệp nhất đó được xây dựng xung quanh một ý chí và một đức tin.
 
Tính bi-hài nhiều phần đen tối ấy cho chúng ta thấy một lần nữa Kundera chịu ảnh hưởng nhiều từ Franz Kafka.
 
Ngày nay trong khi nhiều người mất niềm tin vào tiểu thuyết như một loại hình nghệ thuật, thậm chí có người tuyên bố tiểu thuyết đã chết,  thì Kundera tỏ ra vẫn tha thiết với nó. Để hiểu nguyên do vì sao, chúng ta có thể tìm đọc lại suy nghĩ của ông như sau:
 
Nhân vật trong tiểu thuyết tôi là những khả thể vô thức của chính tôi. Đó là lý do tại sao tôi yêu quý và khiếp sợ những nhân vật đó bằng nhau. Mỗi nhân vật vượt qua đường biên do chính tôi vạch ra. Chính đường biên bị vượt qua đó (bên kia đường biên, “bản ngã” của riêng tôi chấm dứt) là cái gì quyến rũ tôi nhất. Bởi bên kia đường biên là nơi khởi đầu cho cái ẩn mật cuốn tiểu thuyết yêu cầu. Tiểu thuyết không phải lời tự thú của tác giả; nó là cuộc nghiệm sinh của con người trong cái bẫy thế giới này đang dần dà biến thành.
 
… cái bẫy thế giới này đang dần dà biến thành. Quá chính xác, và tôi không thể không đồng ý với ông. Bởi trong mắt nhìn của ông, thế giới hiện đại là một thế giới bị triết học bỏ rơi và hàng trăm chuyên ngành khoa học đập vỡ tan. “Chỉ có tiểu thuyết là còn lại với chúng ta như đài quan sát cuối cùng để từ đó chúng ta có thể ôm lấy đời sống con người như một toàn nguyên.” Ông nói như vậy.
 
Đừng kỳ vọng Kundera cho chúng ta câu trả lời về bất cứ điều gì sau khi đọc xong tác phẩm. Sẽ không có câu trả lời, và mọi chất vấn hoài nghi chỉ làm tối tăm thêm cái nghịch lý của đời sống. Hãy nhận ra nét đẹp của nghệ thuật và đó là phần thưởng duy nhất nhà văn có thể cống hiến.
 
– TRỊNH Y THƯ