Monday, August 31, 2015

HAI MƯƠI NĂM TRƯỚC. BÀI VÔ XỨ



hoàng xuân sơn



Thu không. Võ Công Liêm

em nhấn lòng ta thêm chút nữa
xuống ngang cung bậc của thống trầm
mười năm địa phủ dài tâm phế
hít thở đông trùng một lạnh căm

nhắn gửi nhân quần này tiệp khúc
đừng bỏ ta chết dấp một mình
nhớ cho: bằng hữu là cơm áo
ta cần em như đêm hiển linh

cho vầng trăng bạc treo trên mái
trắng mười năm công án miệt mài
mỗi mỗi thức giấc cùng lân cận
gõ cửa xin hồng thêm tuổi mai

mà chẳng nhặt được hình vô xứ
một gợn má đào chuôi gió đông
phiến đao xớt ngọt qua rừng vắng
trảm quyết phong lưu. bệnh sử cuồng

chim ở miền cao đau cổ họng
bắc phương bắc phương mùa kín bưng
mũi kim trong tuyết loài băng thử
trốn nhủi hang sâu đóa bạch tùng

xuống hàng. cắt chữ. lênh đênh phận
bài thơ viết giữa đêm ngô khoai
những dây chắn. cửu. thâm miền nhớ
trói cả chân dung mộ cảm hoài

xin em bước khẽ vào thanh ngạn
hát thử cho đời khúc đới xuân
người xưa tôi chữ khuê trường hận
em thử xao mây ướt một lần

HoàngXuânSơn
27 tháng một. hai ngàn mười một

CHIỀU TÍM



Đinh Cường
 


Phùng Nguyễn – Nguyễn Quang – Phạm Cao Hoàng -- Cúc Hoa – Kim Mai –
Nguyễn Xuân Thiệp - Đinh Cường –Trương Vũ – Nguyễn Minh Nữu
Springfield (VA) – August 15, 2015


mùa hạ ta qua vùng thảo nguyên
gió thổi chiều xanh trôi với nắng
(Nguyễn Xuân Thiệp)

Người thi sĩ ấy âm thầm đến thành phố này
bước xuống phi trường Reagan – từ Dallas
trưa nắng gắt. nhưng gió mùa thu đã chuyển
có ngọn gió như muốn đuổi theo bước chân của người thi sĩ
trông giống một Spencer Tracy tóc bạc trắng bước vội xuống
từ trên chuyến tàu giữa sa mạc đi ngang qua Vùng Đá Đen [1]

trông dáng vẻ cô đơn, nên chiều cuối tuần lên đây gặp vài ba
người bạn ở vùng nhiều rừng lá cây xanh này. vùng tình nhân

và dĩ nhiên gợi nhớ Đà Lạt, với Cúc Hoa với
Phạm Cao Hoàng, nhớ bờ biển mặn Nha Trang
với Trương Vũ, đang thao thao những dòng thơ cổ
với Nguyễn Minh Nữu, Phùng Nguyễn, Nguyễn Quang

nhắc lại Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị:
Tầm Dương giang đầu dạ tống khách
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt
mà Phan Huy Vịnh đã dịch đậm đà qua thời gian :
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu

Hay những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du quá hay
như Thiệp nói. thì ra cùng trò chuyện cũ với không gian
mấy trăm năm trước, để quên hai nhà thơ nữ nổi tiếng vùng này
Lê Thị Ý với bài thơ Ngày mai đi nhận xác chồng
Phạm Duy phổ nhạc, Pleiku một thời bụi đỏ chiến tranh …
Lãm Thúy nhà thơ của miền sông Hậu, nhớ Má vô cùng
nhớ những cánh lục bình tím trôi. yêu tha thiết màu tím nhớ

và Phạm Cao Hoàng không quên nhắc về người bạn Nguyễn Bắc Sơn
vừa mới mất ở Phan Thiết, người hiền như Phật
mà thơ thì giang hồ bạt mạng:
Máu tôi lẫn máu người du mục
Nhưng lòng tôi e gió thổi đìu hiu [2]

chiều nay hết mấy chai rượu chát đỏ ngon trên chiếc bàn đâu dài
Nguyễn Quang chở tôi về trước
các bạn còn ngồi nói tiếp chuyện văn chương vừa cổ vừa mới…

người thi sĩ ấy một buổi chiều cuối tuần âm thầm qua đây,
như năm nào lang thang lên San Francisco
ngồi nhớ Brodsky ở Caffe Trieste:
nghe khúc hát ngày rơi trên phố
đèn ngoài bến cảng
thắp lên. chiều tím [3]

Chiều tím và tôi nghe tiếng hát Juliette Greco giữa khuya về sáng.

Virginia, Aug 16, 2015
Đinh Cường

[1] Phim Un homme est passé (Bad Day at Black Rock)
Spencer Tracy đóng vai chính. Xem từ năm 1955

[2] Nguyễn Bắc Sơn – Trời cố xứ
Xuân Sóng Thần 73 – Trần Hoài Thư sưu tầm tại Thư viện Đại Học Cornell

[3] Nguyễn Xuân Thiệp – Ngồi ở Caffe Trieste trò chuyện với Brodsky
(Phạm Cao Hoàng Blog)


DÃ QUỲ ĐỎ



nguyễn xuân thiệp



 Hoa quỳ đỏ
bé thơ ơi
rồi một ngày
em đứng. giữa rừng hoa quỳ. đỏ
tưởng niệm tôi
xin đừng khóc
ngày đã tàn. và ngày sắp rơi
cô bé đi vớt mặt trời
không về nữa...

Dec 07. 2008
NXT

LÊ VĂN NGĂN ‘VIẾT DƯỚI BÓNG QUÊ NHÀ’



Bu Ý


Nhà thơ Lê Văn Ngăn

Đọc những trang thơ VIẾT DƯỚI BÓNG QUÊ NHÀ như đang nghe thầm thì bên tai một câu chuyện dài với từng chương, từng hồi: Trên sân ga, Ánh sáng nhỏ từ căn gác nhỏ, Đến và đi, Một chuyến xe đêm, Quán bên đường, Nơi đến…

Những chương hồi trong từng chuỗi ngày và trong cả một đời của một lữ khách ruổi rong trên con đường thiên lý bất định, tít tắp, ngoằn ngoèo lên xuống, không phải dài thẳng mạch mà chạy vòng quanh như thể bọc quanh những ngọn đồi hay là uốn éo theo từng khuỷu sông để rồi quày trở lại điểm xuất phát.
Bởi Lê Văn Ngăn ra đi từ “bếp lửa”, cái đốm lửa hồng là điểm giàu giữa một bức tranh từng nuôi nấng anh, luôn đeo đẳng anh suốt dặm đường dài và như anh sớm sớm quay về.
Từ đó người đọc hình dung hành trình của anh cuốn lại vòng tròn như con cuốn chiếu, trên đó từng cung tròn tượng trưng cho từng trạm dừng chân, như trường đình với đoản đình ngày xưa, mà điểm đi và điểm đến là một: NHÀ, bếp lửa, đường đi, ánh đèn, quán, sông, phòng trọ, phố, quán, đường đi, ánh đèn, NHÀ.
Thơ của Lê Văn Ngăn ngập tràn hình ảnh của đêm và con đường. Trong số lượng 46 bài thơ thu vén ở đây, hết 28 bài nói về đêm, 27 bài nói về con đường. Đúng chóc là một gã dạ du
.
Tẩn mẩn đọc là thấy: đêm khuya (trang 9), trong đêm (13), mưa đêm (15), đêm đêm (25) đêm thị trấn (29), đêm nay tiếng gọi (31), đêm tối (35), đêm thị xã (37), đêm khuya và những đêm khuya (39), mưa đêm (41), đêm nằm lắng nghe tiếng còi tàu (43), đêm mưa tiếng gọi đò (47), đêm đêm ở nơi xa (49), đêm đêm con cái bước xa dần (51), đêm khuya (53), bóng đêm (55), mưa khuya (57), đêm lên đèn (61), đêm khuya (63), trời đêm (67), đêm khuya (69), đêm thời ấu thơ (71), mưa đêm (73), chặng đường đêm (75), bóng đêm (81), những đêm khuya (85), trời đêm (87), những đêm khuya nào (95).
Và lắm ngả đường trứt nhánh mời mọc người thơ không ngớt bày ra cuộc lữ với chị em mặt trời mặt trăng vui lòng rọi sáng trên đầu: những ngả đường (5), một chặng đường bất hạnh (11), con đường nằm lặng im (17), đường dài (19, 21), đường cũ, đường quá khứ (23), đường đời xa tắp (27), một đoạn đường (29), đường đời (35), những chặng đường (37), chặng đường mưa (45), đường đời có cha mẹ anh em (47), dọc đường lịch sử (49), đường dốc (53), quét dọn những chặng đường (55), mặt đường (57), các con đường (59), đường dài hun hút (61), con đường hạnh phúc (63), con đường hoa (65), chặng đường đêm (75), con đường em đã chọn (77), rời bỏ con đường lãng mạn rỡm rờ (79), nhiều chặng đường, dọc đường (85), dọc đường (87), chặng đường mệt nhọc (89), đường bụi khô (91), đường tối (95).

Đọc những trang thơ này như dõi theo từng bước chân gã lang bạt kỳ hồ, bước thấp bước cao, có khi lốc thốc, lụp bụp, lộp cộp, vụt ra ngõ rồi thụt tới thụt lùi, dẫm chân tại chỗ, xàng xê, nhưng rồi dứt khoát như “chiến sĩ một đi”, hay cũng có khi bước chân “dùng dằng” như Thẩm Oánh bảo, rồi có lúc như đi trê trứng, nhẹ như bông gòn, và gặp mùa bị gọi “lên đường” như trường hợp Nguyễn Tuân thì cất bước trăm ngả, phiêu phiêu một cách vô thanh như hút mất vào nhựa đường... Khăn gói đưa những chú dế mèn của Tô Hoài, đi từ mắt mà lọt thỏm vào con hẻm khuya, quanh quất dăm địa chỉ tới lui hoài hủy, cho tới cả lúc cỡi con ngựa sắt cũng lạch cạch đạp tới một vòng đạp lại một vòng, tần ngần bước chân như đánh mất cái gì mà thật ra chẳng có gì để mất. Cứ như thể bị câu hát của Trịnh Công Sơn đuổi sau lưng: “Ta bước bước đi, bước bước hoài trên quê hương dấu yêu này”.

Thơ Lê Văn Ngăn là một thể loại thơ đi bộ. Thơ túc tắc từng bước. Lừng chừng chân cầu, thơ có khi dừng lại còn có khi rẽ vào những mệnh đề phụ, như thể là những lời nói thêm ở giữa hai dấu ngoặc: nếu… (trang 19, 23, 55, 59, 77, 89, 89, 91), dù… (trang 5, 55, 71, 79, 89). Nếu mệnh đề chính là lòng đường thì mệnh đề phụ là lề đường. Có khi đi ở lòng đường một cách đường đường chính chính, nhưng có khi đi bên lề đường và lề đường vẫn không kém phần quan trọng. Mệnh đề phụ là mệnh đề của người nghèo vì đó là lời nói thêm, nói vớt, nó thắt bóp lại lời nói nào quá đà nhưng, ngược lại, nơi rộng biên lề tưởng tượng, chắp cánh cho khả thể, giả định. Đó bất quá là sự mặc cả với đời:
Nếu chỉ một mình, anh không nhìn ra sự thật (trang 19). …Mai sau, nếu em cần người an ủi em trong cuộc sống nhọc nhằn (77). …Nếu không tình cờ gặp chị (91). …Dù lưu lạc nơi đâu,
Trăng vẫn ở cùng anh như người bạn đường chung thủy (71). …Dù nhà thơ làm việc trong ánh sáng và chỉ làm việc ngoài bóng đêm (55).

Valéry từng ví von văn xuôi và thơ giống như một đàng là người đi thuyền qua sông nhằm đến một nơi nào đó và, đàng khác, cũng là người đi thuyền qua sông nhưng chỉ để tâm đến chuyện đi thuyền qua sông. Lê Văn Ngăn cũng chỉ để ý đến đường đi của mình.

Giữa cõi đời này, như hỏi mấy ai buồn để ý đến con đường trên mình đi, mình đếm bước tới lui. Có ai vặn lui đồng hồ, có ai quay ngược lại những thước phim cũ kỹ qua đó chẳng có gì khác ngoài những bước đi, ngoài con đường trống trơn, ngoài bóng người lầm lũi chẳng để ý đến ai và chẳng ai để ý đến mình. À, không. Anh có để ý. Anh có để ý đến “những người bình thường” những chị quét đường, như chị Sáu cà phê mà anh “nợ vài ánh mát dịu dàng, như cô bán quán mà anh thầm “xin cô bán cho tôi chút ảo tưởng đang ngồi ở mái nhà mình”, như chị Ba bán bánh mì ở Phan Rang đã “vớt” anh về nhà giữa lúc lêu bêu. Rõ ràng Lê Văn Ngăn nhờ tâm hồn thơ của mình giảm thiểu đến vô hiệu hóa mọi trở lực trên đường đi và trở nên giàu có.

Tôi mượn lời của Rilke để khép lại bài viết này:
“Câu thơ chẳng phải làm bằng tình cảm mà bằng kinh nghiệm sống. Muốn viết một câu thôi, phải nhìn thấy nhiều thành phố, nhiều người và đồ vật và phải biết cái chuyển động làm cho những cánh hoa bé bỏng nở ra ban mai. Phải nhớ cho được những con đường trong các xứ sở lạ mặt, những cuộc gặp gỡ bất ngờ cùng những lúc chia tay tiên liệu từ trước… Những ngày thơ ấu, những buổi sáng trên bờ biển, biển nói một cách tổng quát và tùng biển nói riêng, những đêm đi xa và tơ tưởng đến ngần ấy thứ vẫn còn chưa đủ.”

B.Y
(Nguồn: Trần Đình Sơn Cước)