Saturday, August 1, 2015

ĐÔI CÁNH CỦA TỰ DO



ban mai

Tuổi Hoa
Ngày xưa ơi, mãi xa tuổi thơ
Xa cánh diều chở bao ước mơ
Còn đâu bóng hoàng hôn những chiều mưa tím.
Ngày xưa ơi, mãi xa tuổi thơ

Từng nốt nhạc réo rắt của ca khúc "Ngày xưa ơi" của Yến Dung do nhóm Tik Tik Tak đưa tôi về những ngày tháng cũ.
Ai cũng có một tuổi thơ cho riêng mình và tôi cũng vậy.
Người ta nói môi trường nào tính cách ấy, thật quả không sai.
Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 là thời kỳ hoàng kim của văn chương nghệ thuật, thời Đệ nhất cộng hòa, Đệ nhị cộng hòa được kế thừa nền giáo dục của Pháp kết hợp với sự thực dụng, năng động của giáo dục Mỹ góp phần làm cho không khí văn chương Miền Nam sôi động, đi kịp mọi trào lưu của thế giới.
Tuổi thơ của thế hệ Miền Nam chúng tôi cũng được ăn theo trong môi trường ấy.

Hàng năm, khi hoa Phượng bắt đầu nở rộ là tụi học trò hăm hở cho kỳ nghĩ hè sắp đến. Và lựa chọn đầu tiên của tụi học sinh thành phố là truyện tranh, sách báo.
Chao ơi, là nhiều chọn lựa. Tủ sách tuổi hoa gồm có Hoa Xanh, Hoa Tím, Hoa Đỏ, Hoa Đen với nhiều chủ đề đáp ứng mọi nhu cầu của tuổi thiếu nhi. Hoa Xanh nói về tình bạn bè, hay tình yêu gia đình, lòng hiếu thảo, có thể tìm thấy trong “Bát canh thơm”, “Chiếc Bẫy Kỳ Nhông”, “Chiếc lá thuộc bài”…, Hoa Tím là những rung cảm trong sáng, một cái gì đó xa hơn tình bạn dành cho lứa tuổi 16 - 18 như “Cánh Gió”, “Bức tranh màu xám”…; Hoa Đỏ lại phù hợp cho các bạn thích say mê phiêu lưu mạo hiểm như truyện “Chiếc vòng cẩm thạch”, “Bóng Người dưới trăng”, “Biệt thự Hoàng Lan”, còn Hoa Đen lại là những khám phá li kỳ rùng rợn có tính ma quái, gây cảm giác kích thích cho những bạn gan lì. Ngoài ra còn có Bán nguyệt san Tuổi Hoa, Bán nguyệt san Tuổi Ngọc của Duyên Anh. Tủ sách học làm người của Nguyễn Hiến Lê. Những tủ sách này là món ăn tinh thần cho lứa tuổi thanh thiếu niên Việt Nam, góp phần giáo dục những đức tính tốt cho con người, phẩm hạnh cần phải có cho một cô gái, hay lý tưởng sống của một chàng trai. Tủ sách tuổi hoa của Văn chương Miền Nam Việt Nam rất thịnh hành ở thế hệ chúng tôi góp phần tạo nên một thế hệ Thanh thiếu niên ưu tú cho nước Việt.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn được thừa hưởng nền văn chương thiếu nhi đầy hấp dẫn của thế giới thông qua bản dịch Tiếng Việt như “Vô gia đình”, “Tấm lòng vàng”, hay Tủ sách khoa học viễn tưởng của văn hào Pháp Jules Verne như “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, “Vòng quanh thế giới trong 80 ngày”, “Hành trình vào tâm trái đất”, truyện tranh Tintin, Xitrum, Lucky Luke...
Ở lứa tuổi của các anh chị tôi thì tha hồ đắm mình trong vô vàng tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Trùng Dương, Nhã Ca với lối tư duy mới, mang tính nữ quyền, không bị gò bó bởi những hủ tục phong kiến lạc hậu của văn hóa Khổng Giáo thời “Tự lực văn đoàn”, giai đoạn 60-70 văn chương đầy chất hiện sinh như các tiểu thuyết của Duyên Anh, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Cung Tích Biền...Ngoài ra, văn chương Miền Nam cập nhật thường xuyên các tiểu thuyết nổi tiếng của thế giới, như Tủ sách kiếm hiệp của Kim Dung, các tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Dao, “Chuông nguyện hồn ai”, “Giã từ vũ khí”, “Ông già và biển cả” của Ernest Hemingway; “Khải hoàn môn”, “Một thời để yêu và một thời để chết”, “Chiến hữu”, “Đêm ở Lisbon” của Erich Maria Remarque; “Xứ Tuyết”, “Ngàn cánh hạc” của Yasunari Kawabata…

Ngàn Cánh Hạc. Kawabata

Rồi một ngày, đất nước tôi thay đổi, lúc ấy chúng tôi ở lứa tuổi 12,13, tuổi bắt đầu lớn, bắt đầu suy nghĩ. Tủ sách Tuổi hoa của văn chương Miền Nam đột ngột bị đốt sạch. Các tác giả Tuổi Hoa cũng ly tán khắp phương trời, nền văn chương tuổi thơ của tôi đột ngột bị bôi xóa. Thay vào đó là một nền Văn chương Hiện thực xã hội chủ nghĩa, sách dành cho thiếu niên rất ít, chủ đề thường ca ngợi lòng yêu nước, nêu chí căm thù.

Tôi nhớ sau năm 1975 nhà tôi làm đại lý bán sách cho nhà sách Nhân Dân, có vài đầu sách dành cho thiếu nhi, nội dung ca ngợi các Đội thiếu niên cứu quốc làm theo lời Bác như Đội thiếu nhi Bát Sắt (Hà Nội), Đội tình báo thiếu niên Thành Huế, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng hay ca ngợi các liệt sĩ thiếu niên như Lê văn Tám (Sàigòn), Vừ A Dính (Lai Châu) với lời văn và nội dung ngô nghê. Truyện tranh thì hầu như vắng bóng, có vài truyện tranh minh họa Truyện cổ tích Việt Nam nét vẽ khô cứng, không hấp dẫn. Có lẽ một trong những tác phẩm viết về tuổi thơ của văn chương XHCN mang chất nghệ thuật mà tôi biết là tác phẩm “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán, cuốn truyện kể lại đoàn Vệ quốc quân ở thành Huế kháng chiến chống Pháp gồm các trẻ em 12, 13 tuổi với mọi thành phần ô hợp ...chiến đấu và hy sinh ở tuổi đời còn rất trẻ. Phùng Quán khởi thảo viết tiểu thuyết này năm 1968 bên bờ Hồ tây, nhưng mãi đến năm 1986 thời đổi mới, tác phẩm mới hoàn thành trong ngôi lều cỏ giữa Hồ Tịnh Tâm. Phùng Quán là nhà văn trong nhóm “Nhân văn giai phẩm”, bạn ông Phùng Cung vì truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” với nội dung phê phán những văn nghệ sĩ bẻ cong ngòi bút, không dám nói thật tiếng nói của mình, đã bị lưu đày trong cõi tung hô và suốt cuộc đời phải sống phiêu bạt đói rách.

Trong bài “Trăng ngục” Phùng Cung viết:
"Trăng qua song sắt
Trăng thăm ngục
Bỗng ta chợt tỉnh, sững sờ
Trên vai áo tù
Trăng vá lụa
Ngày xưa ơi!
Xa mãi đến bao giờ.”

Tương tự với vụ án “Nhân văn giai phẩm” những năm 1955-57 ở Miền Bắc một số văn nghệ sĩ tiến bộ đòi hỏi tự do trong sáng tác đã bị nền văn chương XHCN bức tử, các tác phẩm bị thiêu hủy, nhà văn bị lưu đày như Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang. Ở Miền Nam sau năm 1975 cũng vậy, Văn học nghệ thuật Miền Nam bị đốt, các nhà văn cũng bị cầm tù. Đất nước chỉ có một nền văn chương minh họa.
Hôm qua, một người bạn tôi từ bên kia đại dương hỏi: “Nếu được phép chọn lựa, các bạn muốn con cháu mình đọc những gì từ trong kho tàng văn học Việt Nam?” một câu hỏi nghe chừng đơn giản nhưng tôi chợt giật mình.
Quả thật Văn học Việt Nam của mình quá nghèo nàn, trong khi mình có một gia tài ngôn ngữ Việt trong sáng, bối cảnh xã hội đầy ắp những biến động bể dâu do hệ lụy chiến tranh.

Tại sao Văn học trong nước chưa có nổi một “Chiến tranh và hòa bình” của Leo Tolstoy, hay “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell, trong khi bối cảnh Việt Nam cũng xảy ra nội chiến đánh nhau giữa hai miền Nam – Bắc, rồi cuộc tái kiến thiết đất nước như bối cảnh nước Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 19?

Có phải vì Việt Nam không có nhà văn tài năng?
Có phải vì ngôn ngữ Việt không đủ sức chuyển tải nội dung nghệ thuật vào truyện?
Có phải vì Văn chương Việt Nam chưa biết cách marketing nên các tác phẩm chìm trong quên lãng?

Tôi nghĩ rằng không.
Vậy là gì?
Có phải vì nhà văn trong nước không có tự do sáng tác, khi cái đầu đã bị đóng đinh thì tư tưởng không đủ tầm làm nên một tác phẩm lớn.
Nhìn lại dòng Văn chương Việt Nam hiện đang lưu hành trong nước, có tác phẩm nào cần để trên bàn cho con mình đọc, nuôi dưỡng cho con mình có tâm hồn đẹp khi còn ấu thơ và mở rộng sự hiểu biết khi con trưởng thành?

Dế mèn. Tô Hoài


Mùa Biển Động. Nguyễn Mộng Giác

Với tôi, tôi sẽ chọn “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, Tủ sách tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh, một dạng tủ sách Tuổi Hoa thời Miền Nam Cộng Hòa.
Tại sao tôi lại chọn những cuốn sách này mà không chọn những cuốn sách ca ngợi tinh thần chiến đấu gan dạ của các em thiếu nhi, theo lời dạy Bác Hồ. Đơn giản vì tôi mong con tôi có một tâm hồn trong sáng biết yêu thương gia đình, yêu thương bạn bè, thầy cô. Biết khám phá những chân trời mới như anh chàng dế mèn tự do đi phiêu lưu khám phá thế giới, biết tự tin đi trên đôi chân mình, tự suy nghĩ học hỏi không cần nghe theo bất cứ một mệnh lệnh chỉ thị nào của ai.

Và khi con khôn lớn tôi sẽ để trên bàn hai bộ tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam ở từ hai phía: "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh và Trường thiên tiểu thuyết lịch sử “Mùa biển động” của cố nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Đó là hai bộ tiểu thuyết viết về chiến tranh trung thực nhất mà tôi đã đọc – mong con mình hiểu rỏ lịch sử Việt Nam hiện đại. Biết ngày xưa người Miền Bắc sống ra sao, người Miền Nam như thế nào, cách sống, cách ăn mặc, cách xưng hô, cách đối nhân xử thế ra sao của mọi tầng lớp trí thức. Biết vì sao hai miền Nam – Bắc đánh nhau, biết năm 1975 cuộc chiến đã xảy ra như thế nào, biết sau thời hậu chiến cả nước đã trải qua những thăng trầm gì và tại sao người Việt bỏ nước ra đi với một số lượng nhiều như vậy. Tôi muốn con tôi hiểu rỏ quá khứ để vượt qua rào cản, hướng đến một tương lai lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn.
Theo tôi, “Mùa biển động” của Nguyễn Mộng Giác nếu dịch sang tiếng Anh tầm cỡ của nó cũng như “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell, tư tưởng cũng không kém “Chiến tranh và hòa bình” của Leo Tolstoy. Nhưng rất tiếc, người Việt trong nước hiện nay cũng chưa thể tiếp cận với tác phẩm này vì lý do chính trị.

Tôi nghĩ muốn có một nền văn chương lành mạnh hãy mở toang cánh cửa của tự do.

Ban Mai
31/5/2015

No comments:

Post a Comment