Monday, August 10, 2015

HƯƠNG MỘC LAN



Nguyễn Thị Huế Xưa


Rilda. Huế Xưa. Charley

Cây magnolia trước nhà Rilda

Bông magnolia

Trong trái tim của tôi có những loài hoa muôn đời rực rỡ, có những mùi hương luôn nồng nàn ngây ngất. Không phải chỉ vì vẻ đẹp kiêu sa hay mùi hương dịu dàng của mỗi loài hoa mà có lẽ vì những hoa tôi yêu thích đều ẩn náu một dấu tích , một tình cảm làm ấm tình người, một tình yêu dù đã tan vỡ nhưng hạnh phúc vẫn còn nguyên vẹn để nuôi nấng quãng đời còn lại. Một lần nào đó tôi đã viết về hoa Mạc Bích, cái tên tôi trân trọng dành riêng cho hoa Peony khi nhắc đến kỷ niệm từ thành phố nhỏ giá lạnh ở miền bắc có tên Bismarck khi tôi còn là một con bé ngu ngơ với tình yêu đầu đời. “Biết đến bao giờ mưa thôi khóc, cho tim không còn nỗi dại khờ” .Rồi một lần tôi viết về hoa Lavender, những cụm Oải Hương lãng mạn từ miền nam nước Pháp, bụi Lavender bên ngôi nhà thờ cổ và tình bạn tuyệt vời không ngôn từ nào diễn tả được.

Thuở nhỏ tôi yêu hoa Mộc Lan dù chưa một lần biết về loài hoa này. Rất giản dị, thuở đó tôi đang học lớp năm và ngồi chung bàn với tôi là cô bạn nhỏ tên Mộc Lan, một trong những học trò xuất sắc nhất lớp. Mộc Lan không xinh nhưng có đôi mắt rất to và rất buồn. Tôi không biết nhà Mộc Lan nghèo đến cỡ nào cho đến khi có một lần khi tan trường Mộc Lan bị sốt, tôi tình nguyện đưa Mộc Lan về nhà. Lúc đầu Mộc Lan từ chối mãnh liệt nhưng sau đó có lẽ vì quá mệt mỏi và không biết làm sao về được tới nhà, Mộc Lan đành miễn cưỡng bằng lòng. Khi chú tài xế lái xe theo lời hướng dẫn của Mộc Lan, lúc đến một ven sông nhỏ, Mộc Lan ra dấu cho chú ngừng lại thì lúc đó tôi mới hiểu lý do tôi thường thấy Mộc Lan mặc có mỗi chiếc áo trắng đồng phục dường như ngã màu ngà, chiếc túi đựng sách vở bằng vải te tưa, và lý do tại sao Mộc Lan không muốn chúng tôi đưa về. Từ bờ đê nghiêng nghiêng dẫn tới mé sông, Mộc Lan phải lội qua một vũng nước cạn tới nửa đầu gối mới tới được căn nhà nhỏ xây bằng đất. Nhìn bóng dáng gầy guộc của Mộc Lan lảo đ o băng qua vũng nước, tôi đã bật khóc và từ đó tôi thương con bé nhà rất nghèo mà học rất giỏi, và hình ảnh đóa hoa Mộc Lan nhỏ nhoi đó đã sống mãi trong lòng tôi.

Mười mấy năm sau, khi nhận công việc đầu tiên ở một nhà thương nằm phía đông của thành phố Austin, Texas tôi mới thật sự nhìn thấy tận mắt hoa Mộc Lan. Nhà thương Holy Cross xây theo lối dome, hình tròn nên mỗi căn phòng của bệnh nhân đều có một cửa sổ nhìn ra ngoài bầu trời. Jane, người đàn bà vào tuổi bốn mươi đang nằm chữa trị dài hạn vì chứng ung thư tử cung đang ở thời kỳ cuối. Mỗi sáng khi vào làm, Jane luôn là người bệnh nhân cuối cùng được tôi săn sóc, vì như thế tôi sẽ có nhiều thì giờ hơn với Jane. Sáng nào cũng vậy, khi thấy tôi vào phòng, Jane đã ngồi dậy sẵn bên mé giường chờ tôi đở đến chiếc ghế gần cửa sổ, tôi thì ngồi trên thành cửa, cả hai chúng tôi nhìn ra bãi đậu xe phía sau nhà thương nơi có một hàng cây Magnolia lớn như hàng cổ thụ. Đầu tháng năm hoa Magnolia nở rộ, những bông hoa trắng lớn nổi bật giữa những cành lá xanh mướt. Jane thường nhìn tôi hóm hỉnh khi bắt gặp Mike, chồng của nàng sau khi đậu xe, đi ngang qua hàng cây và không quên vói người lên hái một đóa đem vào cho nàng. Vì không có bình để chưng hoa, tôi rửa cái tô đựng cereal mà Jane vừa ăn xong, cắt sát cuống hoa rồi thả vào tô nước. Như thế là Magnolia trông giống như một bông sen to bồng bềnh. Jane và Mike vừa uống trà vừa thích thú nghe tôi giải thích về sự tích ngày Phật Đản, ngày Đức Phật chào đời ở vườn Lâm Tỳ Ni từ bên hông của mẹ là hoàng hậu Ma Gia khi bà dạo bước trong vườn và đưa tay hái đóa hoa Ưu Đàm. Khi sanh ra Đức Phật khoan thai đi bảy bước trên bảy đóa sen, mà mỗi bước chân tượng trưng cho hạnh phúc đưa đến con đường mỹ mãn, yêu thương bất tận.
Jane ứa nước mắt khi nghe tôi nói về hạnh phúc mỹ mãn.  Có lẽ nàng đang nghĩ đến căn bệnh hiểm nghèo mà nàng đang chống chọi với những cơn đau luôn chập chờn.  Sau khi Mike giã từ Jane để đi làm thì Jane kể cho tôi chuyện tình của hai người. Chuyện tình của Jane thật thơ mộng khởi đầu từ lúc nàng và Mike vừa vào đại học. Thuở đó Mike là cầu thủ đá banh của trường, Jane là “pom pom girl”. Nhằm một ngày thắng lớn trong cuộc tranh đấu với một đại học khác, hai người mừng sự chiến thắng đó bằng cách ôm nhau “dancing in the rain” và Mike đã tỏ tình cùng nàng dưới cơn mưa tầm tã đó. Nàng nói nụ hôn đầu đời hôm đó vẫn còn nồng nàn như những nụ hôn mỗi ngày Mike đến thăm nàng trong bệnh viện mặc dù đôi môi của nàng đã khô cằn theo cơn bệnh đang dằn xé.
Hàng ngàn đóa hoa trên hàng cây Magnolia dài sau bãi đậu xe làm tươi hẳn khoảng không gian qua của sổ nhìn từ phòng của Jane. Vì Jane “chịu” thuốc nên tình trạng của nàng khá tiến triển. Ngày Jane xuất viện, Mike hái đóa hoa cuối cùng trên nhánh cây rất thấp rồi tươi cười gửi gắm “bông sen hạnh phúc” còn lại cho tôi và không quên dặn dò là nhớ tiếp tục cầu nguyện cho Jane.

Cuối tháng sáu hàng cây Magnolia sau bệnh viện chỉ còn lại những cành lá mướt xanh. Mỗi sáng nhìn qua cửa sổ từ căn phòng Jane từng nằm tôi nhớ đến những giây phút ngồi cạnh nàng, ngắm nhìn những đóa hoa tinh khiết đó, và nỗi đau của Jane qua những ống thuốc chemo cùng những mũi thuốc Demerol tạm thời xoa dịu cơn đau vật vã của nàng.  Thỉnh thoảng Jane gọi vào cho tôi cho biết dù nàng hơi yếu nhưng bình an, nàng còn báo thêm một tin vui là đang nao nức chờ đợi ngày ra đời của đứa cháu nội sẽ sanh trong tháng mười hai. Nhưng hạnh phúc của Jane không là hạnh phúc mỹ mãn dẫu rất ngắn ngủi. Đầu tháng mười hai nàng nhập viện với cơn đau nhức không ngừng. Tôi xót xa nhìn cơ thể ốm yếu của Jane và mỗi chiều sau khi xong ca làm, tôi thường nấn ná ở lại với nàng chờ đến lúc Mike đi làm về vào với Jane thì tôi mới rời bệnh viện. Cơn đau của Jane càng ngày càng mãnh liệt và trong những bao nước biển hòa lẫn với thuốc trị đau chuyền liên tục qua những đường gân xanh xao. Giữa sự sống và cái chết chỉ còn là hơi thở thoi thóp từng ngày của Jane. Tôi không còn ngồi với Jane bên cửa sổ mỗi sáng nữa vì những bông hoa Mộc Lan không còn trên nhánh cây, và vì Jane đã kiệt sức, nhưng tôi và Mike mỗi chiều đều ngồi một bên cạnh giường, nắm bàn tay xương xẩu của nàng để thì thầm lời cầu an. Tôi bắt gặp nỗi đau sâu kín trong đôi mắt nâu của Mike khi chàng nói “bông sen hạnh phúc của tôi đang tìm đường về một chân trời yên lành cô à”. Mike đem những bức hình mới chụp của đứa cháu nội vừa ra đời vào giữa tháng mười hai. Tôi trang hoàng mảnh tường đối diện trước giường của Jane với những hoa Pointsetta bao quanh những tấm hình kháu khỉnh của đứa bé, hy vọng lúc tỉnh táo Jane sẽ nhìn thấy được đứa cháu của mình.

Như một phép lạ, sau những ngày hôn mê, chỉ ba ngày trước Noel, mặc dù rất yếu nhưng Jane bỗng dưng mở mắt, minh mẫn dặn dò Mike về tấm di chúc của nàng để trong chiếc ghế piano. Nguyện vọng của Jane lúc đó là được về nhà thăm đứa cháu chưa từng gặp mặt. Nhìn cơ thể yếu ớt của Jane và hơi thở mong manh qua ống dây Oxygen, tôi hơi ngần ngại nhưng khi nghĩ đến sự viếng thăm đó có thể là con đường hạnh phúc cuối cùng trong đời của Jane nên tôi và cô bạn làm chung ca bàn với ông bác sĩ cho Jane một cái “visit pass”. Việc đưa Jane về thăm nhà là cả một công trình nhưng chúng tôi không e ngại. Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ bình oxygen, cái máy chuyền thuốc đau, cẩn thận hơn nữa trong túi tôi còn có thêm mũi Demerol để phòng hờ khi cơn đau hành hạ thì sẽ có thêm thuốc để giúp Jane chống chỏi tạm thời. Mike giúp chúng tôi bế Jane từ chiếc xe lăn và đặt nàng trên tấm nệm lót sẵn phía sau chiếc xe “Van”.  Mike lái xe trong khi tôi và cô bạn ngồi ôm chặt Jane trong tay.  Khi về đến nhà Mike lại bế Jane vào chiếc recliner trong phòng khách. Con bé Madison vừa mới hai tuần lễ, xinh xắn nằm gọn trong lòng Jane. Một cánh tay vướng đường dây chuyền thuốc, còn cánh tay kia Jane run rẩy sờ nhẹ lên khuôn mặt xinh xắn của con bé, nàng cúi xuống hôn lên trán cháu và thì thầm một lời ru lullaby rất nhẹ nhàng. Tôi và cô bạn chảy nước mắt vì cảm động. Jane là que diêm nhỏ đang leo lắt từng phút từng giây trong khi con bé Madison là ánh sáng bình minh, là nguồn sinh lực dồi dào đang cho Jane một chút nhựa sống dẫu mong manh. Jane ra dấu cho tôi nhìn ra sân sau, qua khung sliding door, cây Magnolia thật to lớn trồng ngay sát hàng rào, mùa Đông đang đến nhưng những chiếc xanh vẫn vương vấn đầy cây. Mike nói với chúng tôi là cây Magnolia đó trồng khi đứa con trai của hai người vừa chào đời, đã hơn hai mươi năm. Bây giờ tôi mới hiểu được ý nghĩa của mỗi sáng khi Jane ngồi bên song cửa trong bệnh viện nhìn ngắm những đóa hoa Mộc Lan từ bãi đậu xe và tại sao mỗi ngày Mike lại ngắt một bông đem vào cho nàng. Tình yêu của hai người không những thơ mộng mà còn chứa chan một hạnh phúc đơn giản mộc mạc như những đóa hoa trắng ngần kia.

Chúng tôi trở lại bệnh viện sau ba tiếng đồng hồ thăm viếng gia đình. Vì quá mệt mỏi nên Jane ngủ trên suốt quãng đường về. Ngày hôm sau Jane tuy còn mệt nhưng nàng không ngưng nói về cảm giác thần tiên khi được ôm con bé Madison trong tay. Hôm qua nàng vừa đi được một bước đường hạnh phúc, nàng đã được ngồi lại trong căn nhà thân yêu, ôm cháu bé trong lòng, và nhìn lại cây hoa Mộc Lan kỷ niệm.  Ngày Giáng Sinh tôi đi làm sớm, tôi mang vào hai ornarments có khắc tên Mike và Jane định treo lên cây Noel nhỏ đặt bên thành cửa sổ của Jane. Khi tôi vào thì cô bạn làm ca đêm cho biết Jane đã lịm thiếp cả đêm, nàng không còn vật vã bởi cơn đau, nàng nằm bất động như đang chờ đợi giờ phút để đi đến một nơi chốn hạnh phúc vĩnh cửu. Hơi thở cuối cùng của Jane nhẹ nhàng, êm ái và dường có một vài chiếc lá đang từ từ rơi rụng từ hàng cây Magnolia qua khung cửa sổ như tiễn đưa nàng vào cõi vĩnh hằng.

Chỉ mấy năm sau khi Jane mất, bệnh viện của tôi làm được mua lại bởi một tư nhân. Chúng tôi đổi qua bệnh viện khác và ngôi nhà thương nhỏ đó cũng bị đập phá để xây thành trường học. Đã hơn hai chục năm, viên gạch lấy từ bệnh viện khi bị phá bỏ khắc tên Holy Cross vẫn nằm yên lành trên lò sưởi trong phòng khách của tôi, hai cái ornaments có tên Mike và Jane mỗi năm đều được trân quí treo lên cây Noel như  một  nhắc nhở về chút hương, chút tình từ Holy Cross và tình cảm ưu ái tôi đã dành cho Jane và Mike. Cho đến bây giờ tôi vẫn băng khoăng không biết hàng cây Magnolia có còn tồn tại sau những đổi thay qua tháng ngày nhưng vẫn không có can đảm trở lại nhìn nơi chốn đã một lần mất mát.
Tháng năm sinh nhật con gái tôi, hoa Mộc Lan nở đầy khu phố mà mỗi sáng tôi lái xe đi làm không quên nhìn ngắm. Vì con bé đi học xa cho nên tôi lái xe lên thăm. Buổi sáng khi chờ con đi thi final về, tôi thường ngồi ngay trên cầu thang phía ngoài condominium và tập yoga trong mùi hương rất nhẹ nhàng của cây Magnolia trồng sát đó.  Tôi đã làm một bài thơ ngắn trong đầu sau khi tập yoga, bài thơ chưa một lần chép xuống nhưng còn mãi trong trí nhớ.

cây Magnolia tươi cười bên cửa sổ
nở rộ hoa Mộc Lan thơm ngát bầu trời
như đón mừng sinh nhật của Nhất Uyên
ơi, con chim bé nhỏ  đầu đời
ơi, con suối nhỏ êm dịu làm mát tâm hồn 
hương Mộc Lan làm mẹ nhớ đến hơi thở
thơm mùi sữa ngày con mới chào đời
cám ơn hạnh phúc tuyệt vời khi được ôm con trong vòng tay
Nhất Uyên ơi
Mẹ yêu con vô cùng

Như một ngẫu nhiên, khi ý nghĩ của tôi vừa dứt thì con tôi vừa lên tới cầu thang ôm hôn mẹ và nói “con mổ đúng rồi mẹ ơi”. Đó là một kỷ niệm rất khôi hài vì con bé lúc đó còn trong trường y khoa, và cái final test phải làm trong phòng thí nghiệm… mổ trên một xác người. Tôi đi từ thế giới lãng mạn của mình để trở về với hiện tại. Tôi hôn lại con và tủm tỉm cười. Có lẽ đến bây giờ con bé vẫn nghĩ tại mẹ mừng cho mình làm bài được thôi. Sau này con gái tôi có hỏi về ý nghĩa của tên mình và tôi đã giải thích Nhất là the first và cũng là the best, Uyên có nghĩa là con chim Uyên nhỏ bé nhưng cũng có nghĩa là con suối nhỏ. Hạnh phúc của tôi đó dù nhỏ nhoi nhưng rất tràn trề. Nhất Uyên học bốn năm ở xa và mỗi lần xuống thăm tôi đều ngồi trên cầu thang ngắm nhìn cây Mộc Lan và cũng có những giây phút nhớ đến cô bé Mộc Lan của một thuở rất xa xăm.

Cách đây mấy tuần, sau buổi họp trở về văn phòng tôi đã ngạc nhiên khi thấy trên cái desk của mình có một đóa hoa magnolia nằm vô tư trong một bình thủy tinh nhỏ. Chưa kịp hỏi thì một giọng nói từ tốn, dịu dàng vọng từ sau lưng “sáng nay còn một đóa hoa sót lại trên cây, chúng tôi nghĩ là con sẽ thích nên đem vào cho con, just for you, we love you”. Tôi quay lại bắt gặp nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt hiền từ của bà Rilda, nói xong bà đến ôm choàng tôi và hôn lên má.  “We” đây là Rilda và Charley, hai vợ chồng  làm volunteer mà mỗi tuần vào ngày  thứ tư  hai ông bà vào giúp trên tầng lầu tôi làm việc. Ông Charley thì giúp tôi sắp thứ tự những chồng hồ sơ trong văn phòng trong khi bà Rilda thì nhanh nhẹn dọn dẹp, kiểm soát những vật liệu mà nhân viên tôi cần. Bà Rilda còn làm nhiếp ảnh viên cho tôi, bà có một cái máy hình Canon chuyên nghiệp nên mỗi lần tôi có nhân viên mới vào làm thì nhiệm vụ của bà là chụp hình, in hình và dán lên tấm bảng mà chính tay bà trang hoàng rất mỹ thuật.

Tôi quen biết vợ chồng bà Rilda đã tám năm và tôi luôn cho đó là căn duyên vì khi hai ông bà vừa vào làm thiện nguyện thì lúc đó tôi đang làm trên tầng lầu thứ ba, chuyên về tim, hai năm sau tôi đảm trách tầng lầu thứ năm thì hai ông bà cũng xin chuyển đi theo tôi. Tôi thường nói đùa là đến khi nào tôi nghỉ hưu thì ông bà mới được retired.  Ông bà cũng hay nói với tôi là “nếu không có con làm đây thì chúng tôi cũng đã nghỉ việc rồi”. Năm nay cả hai ông bà đã tám mươi nhưng còn rất mạnh khỏe và còn hăng hái hoạt động tích cực giúp cho nhà thờ và chuyện cộng đồng. Ở cái tuổi của ông bà, có những người bạn hay đau ốm, ra vào nhà thương thường xuyên thì ông bà hay thăm viếng và cầu nguyện cho họ. Ông Charley còn hay giúp đưa bạn bè đi bác sĩ. Có lần ông lái xe cả ba tiếng đồng hồ đi Houston thăm một thành viên rất trẻ của nhà thờ, chàng thanh niên chỉ mới ba mươi tuổi bị mổ ung thư màn óc. Ông nói với tôi là chàng ta không có gia đình nên ông cần có mặt để nâng đở tinh thần. Trái tim của ông bà thật bao la.  Mỗi thứ tư khi vào ông không bao giờ quên mang đến cho tôi một ly café Starbucks và một cái bánh “scone” vì ông luôn nói “con cần có energy để làm việc”. Tôi có cái thói quen là uống nước nhiều nên cái tủ lạnh nhỏ trong văn phòng lúc nào cũng đầy ắp những chai nước. Bà Rilda thấy tôi khệ nệ mang từ xe mỗi lần vài chai vào vì nặng thế là bà nghĩ thêm một chuyện nữa cho ông Charley làm, đó là cứ cách mỗi tuần ông phải ghé tiệm mua hộ tôi một case nước và dùng cái dolley để mang vào tận văn phòng cho tôi. Tôi cảm thấy mình rất may mắn được ông bà săn sóc như một đứa con cho nên tôi thường giới thiệu hai ông bà là “my work parents”.

Bà Rilda đưa hoa vào một mình vì ông Charley không được khỏe. Thật vậy, mấy tuần gần đây tôi nhận thấy ông Charley không còn sự linh hoạt như mọi lần, ông có vẻ mệt mỏi và cho tôi hay là tim ông đập không được bình thường. Ông đang uống thuốc và lo lắng là sẽ không làm được những chuyện ông thích làm chẳng hạn như cắt cỏ, kéo tàu ra bờ sông đưa bà Rilda đi câu cá, lo chuyện cho nhà thờ và hằng ngàn công chuyện thiện nguyện khác. Tôi khuyên ông nên “slow down” và nên tỉnh dưỡng một thời gian. Vậy mà mấy tuần qua ông cũng ráng vào làm cho đến hôm nay áp suất của ông hơi thấp nên bà bắt ông phải ở nhà. Tôi trách bà sao không ở nhà săn sóc cho ông thì bà cười nhỏ nhẹ nói “hôm nay tôi là Charley, sẽ giúp con sắp sếp hồ sơ trong văn phòng rồi tôi sẽ về ngay”. Tôi rất tôn trọng ông bà vì dù làm chuyện thiện nguyện nhưng cả hai đều giữ trách nhiệm của mình rất chín chắn. Tôi cũng chưa thấy người đàn bà nào có ý chí mạnh như bà Rilda. Chính bản thân bà cũng vừa trải qua một thời gian trị liệu về bệnh ung thư vú. Vậy mà bà vượt qua tất cả những khó khăn. Trong thời gian đó bà nghỉ chỉ hai tuần sau đó lại tiếp tục vào làm. Có thể lòng ngoan đạo và niềm tin mãnh liệt vào đấng linh thiêng đã cho bà sức mạnh vô biên đó chăng?

Hôm tháng tư tôi đã gửi lời chúc tụng kỷ niệm ngày cưới của hai ông bà. Dù lấy nhau đã 61 năm nhưng mỗi lần nói đến Rilda thì tôi nhận thấy tình yêu trong ánh mắt của ông Charley. Ông cho biết hai ông bà lấy nhau khi vừa xong trung học và chưa một ngày nào ông ngừng yêu thương bà. Rilda thì nói với tôi bí quyết yêu thương chồng của bà là bà luôn luôn làm đẹp cho ông hài lòng. Quả thật, nhìn bà lúc nào cũng tươi như bức tranh. Khi nghe Rilda nói như vậy thì Charley nhìn bà tình tứ và hát ngay:
Please do not sit under the apple tree
With anyone else but me
Tôi đổi lại lời hát:
            Please do not sit under the magnolia tree
            With anyone else but me
Vì rằng cả hai ông bà đều yêu hoa Mộc Lan và trước sân nhà cây Magnolia đã gần ba mươi năm là một trong những dấu tích tình yêu của cả hai ông bà.

Ôi, có những chuyện tình lâu dài, êm ái, và lãng mạn biết bao.  Chuyện tình của Mike và Jane, của Rilda và Charley làm tôi nhớ đến chuyện tình của ba má chồng tôi. Hai người lấy nhau 56 năm và tôi vẫn thường ngưỡng mộ tình yêu của ba dành cho má, sự săn sóc chu đáo của ông dành cho bà cho đến khi bà trút hơi thở cuối cùng trong tay ông. Rồi tôi nhớ tới chuyện tình đã một lần đọc đâu đó của một thi sĩ với cây dù đỏ lúc nào cũng có trong xe để che nắng tránh mưa cho người bạn đời, khi bà đã đứng sau làn mây trắng thì cái dù đỏ đó đã không tìm thấy nữa.
Nếu dồn lại những năm tháng yêu thương của những cặp vợ chồng tôi quen biết thì đúng là chuyện tình trăm năm hay nói đúng hơn là có thể ngàn năm. Tình yêu của họ vẫn mặn mà, lâu bền như những cây Mộc Lan mãi tồn tại trong sân nhà.

August 8, 2015
NTHX

No comments:

Post a Comment