Tạp bút của Nguyễn Âu Hồng
Chim chiền chiện
Con
chim chiền chiện
Nó
liệng trên cao
Nó
kêu làm sao tằng lăng tíu lịu
( Ca dao Khánh Hòa )
Đúng
ra là “đôi chim chiền chiện” nhưng nói đôi thì trái ngược với cách sống tự do
không ràng buộc của nó nên dân gian nói “con chim chiền chiện”, dù biết rằng một
con thì quấn quyện (liệng) sao đẹp, sao hay, sao “tằng lăng tíu lịu” được.
Giống
chim chiền chiện không sống trong rừng cũng không sống trong vườn mà sống ngoài
đồng, lại chọn những vùng đồng đất bán sơn địa nơi nông dân làm lúa một vụ ăn
nước trời hoặc gieo mè, gieo đậu, trồng mía, trồng khoai sắn…Nói cho đúng ra là
chiền chiện sống trên bầu trời của những vùng đồng khô cỏ cháy ấy, vì ít khi thấy
chúng đáp xuống mặt đất. Có lẽ vì màu lông của chim trùng với màu rơm rạ, lại
nhỏ con -chỉ bằng con chim sẻ, nên ngay cả những người sống trong vùng có nhiều
chiền chiện cũng thường nghe tiếng hót chớ ít có dịp nhìn tận mặt, nhìn rõ vóc
dáng của chim. Quen với bầu trời cao rộng, khi phải đáp xuống đi đứng trên mặt
đất, chiền chiện như lạ cảnh, lộ vẻ bơ ngơ, báo ngáo trông đến tội nghiệp.
Chim
chiền chiện không sống từng cặp theo đàn như bồ chao, két, chim sáo, chim cu
hay từng cặp đơn như chích chòe, chim quốc, te te, chèo bẻo…mà sống “độc thân”.
Chiền chiện trống cứ tha hồ nguyệt hoa, tha hồ đa tình lãng mạn, cánh mỏng rộng
đường mây (chiền chiện chỉ bằng chim sẻ nhưng sải cánh rộng gấp đôi chim sẻ) hoàn
toàn độc lập tự do, không một chút ràng buộc gia đình, không một mảy may trách
nhiệm với con cái. Chiền chiện mái cũng không vừa: tự do bay nhảy, tối ngày
“theo trai”. Đã vậy, không phải một trai mà nhiều trai, nay quấn quyện với anh trống
hào hoa này, mai lại tíu lịu với anh cồ phong nhã kia. Điều đặc biệt là, với
anh nào, với ngườ tình nào các cô nàng cũng đều đam mê hết cỡ, say đắm đến tột
cùng.
Các
cô ca sĩ thượng thặng chiền chiện mái cứ sống buông thả, sống hết mình theo cảm
xúc, đến khi sắp sinh nở, quýnh quíu nên quơ quào đại mấy cọng cỏ khô hoặc năm
ba lá rạ nhét vội vào lỗ chân trâu mà đẻ trứng. Rồi cùi củi ấp trứng mình ên,
cùi củi nuôi con mình ên. Chim non lớn lên, con trống không kết bạn đời (không
lập gia đinh) mà tha hồ nguyệt hoa phong tình; chim mái thì (mẹ nào con nấy) “tự
do bay nhảy, tối ngày theo trai”.
Lẻ
loi
Cam
chịu lẻ loi
Đâu
như chiền chiện theo trai tối ngày.
(
Ca dao Khánh Hòa )
Nhân đây bắt qua chuyện chim chèo
bẻo. “ Lẻ loi như con chim chèo bẻo đậu trên cây măng vòi”. Cây măng vòi là cây
măng đã lên cao hết cỡ, phần đọt tức chóp đỉnh của nó cong xuống như vòi voi,
nhưng cành nhánh chưa đâm ra. Khi cành nhánh đã đâm dài ra, bẹ măng rơi rụng cả
rồi thì gọi là cây tre non, không gọi là măng nữa. Cây măng vòi mọc thẳng đứng,
chưa bị cành lá làm cho nghiêng ngả nên chóp đỉnh của vòi voi là đỉnh điểm cao
nhất của bụi tre. Con chim chèo bẻo đậu một mình nơi đỉnh điểm đó. Chèo bẻo có
màu lông đen tuyền bóng mượt, tầm vóc chỉ bằng con quạ nhưng đuôi dài hơn quạ,
thân mình cũng thon thả hơn quạ. Tuy tầm vóc không lớn nhưng mỏ và móng vuốt sắc
nhọn cộng với mưu trí và lòng dũng cảm, mỗi cặp chim chèo bẻo cát cứ một vùng
trời.
Được sự bảo vệ của chim chèo bẻo,
các loài chim khác tự do sinh sống, kể cả tự do nay rượng anh cồ này mai rượng
anh trống kia như chiền chiện, hay mẹ gian con độc như tu hú. (Mẹ gian-đẻ trứng
vào ổ cà cưỡng; con độc-tu hú non vừa nở ra khỏi vỏ, chưa mở mắt, đầu còn dính
máu, đã hất hết cà cưỡng non ra khỏi tổ. Cà cưỡng bố mẹ nuôi tu hú, không biết
đó là giống ngoại lai tàn độc). Tóm lại, tất cả đều tự do. Tự do tình yêu, tự
do thiện ác mà không sợ con ác điểu nào làm hại. Một khi có con chim lạ nào xâm
nhập bầu trời riêng là lập tức chèo bẻo tấn công và đánh đuổi tới cùng. Có đôi
khi, kẻ thù mạnh quá, cuộc chiến đấu ác liệt quá, con chim trống phải hy sinh tức
KIA - bị giết lúc đánh nhau, thì con mái không tái giá, không lấy ai nữa hết, một
mình đậu lẻ loi trên chóp đỉnh của cây măng vòi, tiếp tục sự nghiệp canh giữ bầu
trời mà giờ đây đã trở nên thiêng liêng. Hình tượng chim chèo bẻo đậu lẻ loi
trên cây măng vòi là hình tượng của một liệt nữ anh dũng và cao cả vô ngần
nhưng cũng đơn độc đến quặn lòng.
Lẻ
loi
Như
con chim chèo bẻo đậu trên cây măng vòi
Lẻ
loi
Cam
chịu lẻ loi
Đâu
như chiền chiện theo trai tối ngày.
( Ca dao Khánh Hòa )
Nói học đòi hay đua đòi thì nó có vần với lẻ loi chỉnh hơn, nhưng có lẽ để nhấn mạnh mức độ đam
mê vô chừng mực, say đắm quá cỡ của chiền chiện mái nên dân gian mới nói “theo trai tối ngày”.
Dân gian qua ca dao Khánh Hòa có vẻ coi trọng “chất cao cả” hơn “chất trữ tình”, coi trọng
phẩm giá tiết hạnh hơn tài năng nghệ thuật. Khi nói: “theo trai tối ngày” thì đó là lời
chê bai, mắng nhiếc, có ý moi móc cái xấu của người khác mà bêu ra. Còn nói: “lẻ loi, cam chịu lẻ
loi” thì đó là tiết hạnh trong hoàn cảnh
bị bắt buộc. Bà góa liệt nữ chèo bẻo cắn răng cam chịu số phận, không tái giá
hay theo trai như chiền chiện đã đành mà cũng không một lời than khóc. (Con quốc
lẻ đôi còn hoài than khóc- huống chi vợ với chồng xẻ tóc lìa tơ). Làm nữ anh hùng
cao cả thật đấy, nhưng nghĩa cang thường sao mà lạnh nhạt quá !
Bây giờ luận đến chiền chiện:
-con trống thì tha hồ nguyệt hoa phong tình ; con mái thì tự do bay nhảy, tối
ngày theo trai. Nhưng thử hỏi, nếu không sống hoàn toàn buông thả theo cảm xúc,
nếu không đam mê hết cỡ và say đắm đến tột cùng, liệu chim chiền chiện có cống
hiến được cho đời những lời ca-tiếng hót muôn thuở thánh thót-mãi mãi tuyệt vời,
hay không? Những tiếng hót lảnh lót và dài hơi đến kỳ lạ của chiền chiện không
phát ra từ rừng cây hay từ bờ sông-mép nước mà từ tầng trời cao xanh vời vợi,
rót xuống mặt đất. Tiếng hót như chan như rưới, như ơn mưa móc của đất trời này
lại được miêu tả là : ”Con chim chiền chiện nó liệng trên cao. Nó kêu làm sao tằng
lăng tíu lịu”. Chỉ đúng mỗi chi tiết “liệng trên cao” còn “tằng lăng tíu lịu” là nghĩa làm sao ? Trong tiếng hót mà có chứa
gian tình tằng tịu hay sao? (Tằng lăng tíu lịu nói gọn lại là tằng tịu ).
Cho dẫu chim chiền chiện có cuộc
sống đa tình lãng mạn cỡ nào, thì việc moi móc đời tư để nhằm hạ thấp thành quả
nghệ thuật vẫn là việc làm của một nghệ sĩ thiếu cởi mở. Nhưng thôi, kiếp cầm
ca vốn là “xướng ca vô loài” thì đành cam chịu, vậy thôi!
Điều an ủi duy nhất là: tiếng hót lảnh lót từ
tầng trời cao xanh của chim chiền chiện vẫn như ơn mưa móc, tiếp tục chan rưới xuống mặt đất, vẫn muôn thưở thánh
thót- mãi mãi tuyệt vời…
NGUYỄN ÂU HỒNG
Vancouver, July 22. 2014
No comments:
Post a Comment