Friday, August 7, 2020

VIẾT GIỮA MÙA ÔN DỊCH. GIÀ, RỒI SAO NỮA?

Khuất Đẩu

Liêu xiêu trong chiều

Già rồi chết, chứ trăng với sao gì na!

Ừ, thì chết, nhưng chết ra làm sao, chết rồi đi về đâu?
Cái chuyện này chưa biết à nghen, chưa chết sao biết được, với lại ai mà không sợ chết, nói tới cái bộ xương có cánh tay cầm lưỡi hái, sợ lắm!
Sáng trưa chiều tối, lúc này thấy nó cứ lẽo đẽo đi theo như hình với bóng, cái hơi lạnh của nó tỏa ra mù mịt còn hơn cảnh sát dã chiến thả hơi cay nữa kìa, nhưng mà trước sau gì chẳng chết, thôi thì thử nói một lần này rồi sẽ tịt luôn.

Chết là hết thở, không học trường y ai cũng biết. Chết dể ợt, nhắm mắt xuôi tay thế là xong.
Nhưng cũng chưa xong, còn phải dọn dẹp cái thân tứ đại kia nữa chứ.
Nghe nói, ở vùng núi Hy Mã Lạp Sơn, có một sắc dân, chết không chịu chôn mà lại khiêng lên núi để nuôi lũ chim kền kền.  Cả ngàn con chim trời sinh ra chỉ để ăn xác thối làm sạch môi trường cứ bay lượn trên cao hóng mỏ ra chờ, đợi lũ người sống kia gào khóc chán chê, bỏ ra về, chỉ loáng một cái, chúng phủ thành một đống đen kịt, rồi chỉ trong chớp mắt là lóc sạch cả thịt da phèo phổi, chỉ để lại bộ xương trắng hếu, thêm lưỡi hái và đôi cánh nữa là thành thần…chết.
Một bước thành thần, cũng hay!
Nhưng một vài bộ lạc ở châu Phi còn hay hơn. Những lão già cúp bình thiếc như tui, con cháu không nuôi nổi nữa, thế là cụ được mời leo lên cây, rồi cả bọn cùng nhảy múa loạn xạ, chọc quê hả mồm nhíu mũi, làm đủ cách kể cả cầm gậy thọc đít, miễn sao cho cụ rơi xuống, thì lạy chúa tôi, coi cụ như con nai con hoẵng vừa săn được, cả nhà hay cả xóm được no nê (và ngon miệng) một bữa!
Trường hợp nhảy múa hoài mà cụ không rớt xuống thì lại được đem về nuôi, nhưng hiếm khi lắm, gần như không có bao giờ.
Thực là nhanh gọn và tiện lợi. Người chết không để đức mà để thịt cho con cháu, phụ tử tình thâm của xứ đói là như vậy. Đừng chê cười họ man di mọi rợ. Cái nước Tàu có đến những 5000 năm văn minh kia, trong thời kỳ đại nhảy vọt, nhà này đổi con cho nhà kia, để ăn cho đỡ chết đói. Văn minh ở chỗ họ không nỡ hay không dám ăn thịt con mình mà thôi. Còn ăn kiểu gì thì khỏi phải nói, không ai chế biến thức ăn ngon bằng người Tàu, nhất là món thịt người rất quý hiếm.
Ở nước Nhựt, xứ sở ưa harakiri, trong những làng quê nghèo, người già phải biết chọn cách chết sớm nhất để bớt một miệng ăn cho con cháu. Truyện được một nhà văn Nhựt kể lại cảnh anh con trai cõng mẹ lên núi để mẹ nằm chờ chết. Bà cụ rất can đảm, bảo anh con trai đừng quay đầu nhìn lại để mẹ được chết trong lúc tuyết đang rơi là hạnh phúc. Trong khi một lão cùng làng sợ quá tìm cách xuống núi trong sự khinh ghét của mọi người,
Ở nước ta, chỉ có Lục Vân Tiên cõng mẹ, hết chạy ra đến chạy vô, chạy hoài hụt hơi cũng dám chết lắm đó, nhưng nếu thế thì cũng đáng mặt là trai thời trung hiếu làm đầu! Ở Tàu (lại Tàu!), Quách Cự chôn con để cha mẹ sống cũng được vinh danh trong nhị thập tứ hiếu (tội giết người mà được khen, đúng là luật của Tàu)!.
Còn nhiều cách chết lắm! Chết trong đồn công an bằng sợi dây thun nè, (sợi dây thun mà sao siết được cổ tới chết nhỉ, chắc là chết vì nuốt dây thun kiểu như gà)/ Rồi chết có thưởng của Hồi giáo cực đoan nữa nè! Quấn thuốc nổ quanh người, rồi đến chỗ có đông bọn tư bản rẫy chết kích nổ, sau khi tan xác pháo chẳng những được lên thiên đàng mà còn được thưởng đến những bốn mươi cô con gái Ả rập mắt đen và to, đẹp không chịu được lại còn trinh, thế thì ai mà không ham chết kể cả Tây mũi lỏ!

Còn chết rồi đi về đâu, thì mấy ai mà biết được. Sống gửi thác về, ông bà tôi thường nói chết là về quê kiểng, kiểu như đi xa về thăm nhà, hay Việt kiều yêu nước về thăm quê hương. Cái khúc ruột ngàn dặm đó (dài đến nỗi có thể quấn quanh trái đất mấy chục vòng), giờ không nên hát bài nối vòng tay lớn nữa mà là hát bài “nối khúc ruột dài”, mới hợp lòng dân ý đảng, lâu nay nó đóng cục đóng hòn (như táo bón) vì nhớ nhung, giờ nở bung ra sướng khỏi chê.
Các nhà văn và thơ hậu hiện đại thì bảo là đi về thế giới người hiền, ý chê cái thế giớt này ô trọc và hung dữ quá.
Thực ra, nói thế cũng chỉ là cách nói để bớt sợ khi nghĩ tới cái chết mà thôi. Phật và Chúa còn khôn hơn nữa, các ngài vừa dụ khị vừa đe nẹt. Đứa nào nghe theo lời ta làm điều thiện thì được lên Thiên đàng, đứa nào không chịu nghe, làm điều ác thì phải xuống địa ngục. Thiên đàng, hay cõi trời Đâu Suất, không làm cũng có ăn, còn địa ngục chẳng những phải ăn dòi mà còn bị cưa xẻ, bị lửa thiêu cháy nhưng không chết (sao lọa vậy cà?).
Nói là vậy chứ có ai ở thiên đàng hay địa ngục trở về đâu mà biết rằng láo hay thiệt. Thôi thì nói như Bùi Giáng. Rằng “ngày sẽ hết, tôi sẽ đi dù chưa biết đi đâu”.
Ở cõi trần, ông đã Sài Gòn Chợ Lớn đôi nơi/ đi lên đi xuống đã đời du côn*. Thì chết rồi ông vẫn tiếp tục đi, dù hình hài không nhứt thiết phải là một ông già khùng vác cây đu đủ đeo đủ thứ lon múa nhảy ở cầu chữ Y hay cầu NhịThiên đường. Có thể là một hạt bụi âm thầm nhớ đất quê, cũng có thể là chút ánh sáng lập lòe trên lưng con đom đóm. Đi đâu thì cũng chỉ trên trái đất này mà thôi, nơi có gái mọi, có chuồn chuồn bươm bướm và những em dê trắng dê vàng.
Bi sao? Bi vì ông không thành thần, không thèm gặp cụ Mác cụ Lê, không thèm 40 cô gái trinh, mà chỉ thèm đã đời du côn thôi. Ông chắc chắn sẽ đi vào văn học và ở mãi trong đó chứ không chịu ra. Có điều, ông luôn mang theo cây gậy (du côn mà), các “nhà phê bình” mác xít đứng trên lạp xường giai cấp hay phê bình dóc tổ và láo xược, coi chừng ông phang cho một gậy u đầu!

KHUT ĐU

*chớ nhầm chữ đi này với chử đi khách của các em mà mang họa vào thân!
*Phụ chú chữ già
- già dê, già dịch: già mà cứ láng cháng bên gái trẻ.
- già gân: chỉ cụ Trần văn Hương, cựu thủ tướng VNCH, đi làm bằng xe đạp. Nổi tiếng với câu
thơ: Ngồi buồn gãi háng dái lăn tăn.
- già mồm, già họng: cải bướng, sai vẫn cứ cãi.
   Gái đĩ già mồm
- già khú, già khú đế: quá già
- già si cốc đế, già cúp bình thiết, già hết thuốc chữa, già quá cỡ thợ mộc: đồng nghĩa quá già.
-già mà ham: như già dê, già mắc dịch
-già không chịu chết: rủa sả mấy cs già
-già sao cho sướng: tên tác phẩm của Đỗ Hồng Ngọc
-già rụng răng, già hết răng: tả chân
-già teo chim: tả thực


No comments:

Post a Comment