Wednesday, June 6, 2018

‘NGƯỜI ĐỌC VÀ NGƯỜI VIẾT,’ MỘT TÁC PHẨM MỚI CỦA HAI TRẦU-LƯƠNG THƯ TRUNG


Trần Doãn Nho

Nhà văn Lương Thư Trung

 “Người Đọc và Người Viết” là tác phẩm thứ chín của Hai Trầu-Lương Thư Trung. Hai Trầu và Lương Thư Trung là hai bút hiệu của cùng một tác giả. Khi viết về văn chương, ông lấy bút hiệu Lương Thư Trung; khi viết đời sống ruộng đồng, ông ký là Hai Trầu.

Trong “Lời Nói Đầu,” Lương Thư Trung cho biết “Người Đọc và Người Viết” là sự “gom lại tất cả các cảm tưởng về các trang văn thơ mà tôi đã đọc trong vòng hai mươi năm qua cũng như thêm nhiều cuộc trao đổi mới với các tác giả khác trong vài ba năm trở lại đây.”


Ông khẳng định, “Người Đọc và Người Viết” “không phải là một cuốn sách phê bình văn học gì hết vì tự thân tôi, tôi chỉ là một người đọc bình thường chứ không phải nhà văn nhà chương gì và tôi cũng không có khả năng để làm những công việc cao siêu ấy.”

Tác phẩm rất đa dạng, cho thấy ông là một “người đọc” thực sự, nghĩa là một người “mê” đọc, đọc nhiều, đọc đủ thể loại, đọc đủ loại tác giả, xem đọc là một thú tiêu khiển trong đời sống. Không những thế, ông còn “mê” viết. Nghĩa là thích được bày tỏ cảm nghĩ của mình sau khi đọc.

“Người Đọc và Người Viết” được viết dưới nhiều hình thức khác nhau: Đọc lại, đọc, lá thư văn nghệ, thư trao đổi, mấy ý kiến, vài ghi nhận, trao đổi ngắn, hỏi thăm, trò chuyện, thư gửi… đọc một bài thơ, một truyện ngắn, đọc một tác phẩm, vân vân.

Không chỉ là đọc thơ, đọc văn mà Lương Thư Trung còn đọc các tác phẩm phi-hư cấu như “Nhật Ký Truyền Giáo,” “Vui Đời Toán Học,” hay sách viết về ẩm thực. Không chỉ là nhận định nhiều tác phẩm của một tác giả hay một tác phẩm riêng biệt nào đó, mà còn là những lá thư trao đổi với tác giả để bàn về một vấn đề đời sống nào đó, hay bàn về văn dịch, bàn về chữ nghĩa, bàn về cách dùng chữ ngoài đời và trong tự điển, trao đổi với tác giả về một mục trên báo. Chẳng những thế, đối với một số tác giả, ông còn tìm cách đào sâu hơn bằng cách trực tiếp trò chuyện hay phỏng vấn tác giả và đặt vấn đề về những gì tác giả và tác phẩm nêu ra.

Khác với một số tác phẩm biên khảo khác, qua đó, tác giả thường chỉ viết về một số nhà văn tên tuổi hay có ảnh hưởng trong dư luận, Lương Thư Trung hào phóng và đa dạng hơn. Ông viết về bất cứ tác giả nào ông thích, từ những người rất nổi tiếng cho đến những người chưa có tiếng tăm gì, cả trong lẫn ngoài nước. Và tác giả nào cũng được ông trân trọng đọc, trân trọng nêu ra ý kiến mình. Với ông, bất cứ tác giả nào cũng có cái hay để thưởng thức.

Với một tấm lòng trải rộng như thế, tác phẩm gồm hai cuốn của ông (hơn 1,000 trang) đề cập đến một số lượng tác giả khá lớn: hơn 70 tác giả, dưới dạng này hay dạng khác, cách này hay cách khác. Từ những cây bút nổi tiếng như Hoàng Lộc, Tô Thùy Yên, Song Thao, Ngô Thế Vinh, Hoàng Xuân Sơn, Lâm Chương, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Xuân Vinh, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Ngọc Tư… cho đến khá nhiều những người chưa được biết nhiều trên văn đàn.

Mỗi tác giả, Lương Thư Trung có một nhận định riêng. Khen có, chê có, nhưng Lương Thư Trung không có kiểu đưa người này lên trời hay dập người kia xuống đất. Ông luôn luôn giữ một giọng bình văn chừng mực, chân tình, tin cậy. Xin lướt qua vài tác giả:

-Đọc thơ Phan Nhiên Hạo, Lương Thư Trung nhận xét, thơ Phan Nhiên Hạo “không phải để cảm mà để nhận, không phải để ngâm nga mà để nghiền ngẫm, không phải để ca ngợi cuộc đời mà để nhận dạng cuộc đời” (…) Đó là một “tách trà đắng” làm tê đầu lưỡi dần dần nghe cái “hậu ngọt của trà” (trang 98-101, quyển 1).

-Về Nguyễn Thanh Trúc, Lương Thư Trung cho rằng thơ của Nguyễn Thanh Trúc “không sắc sảo tài tình, không trau chuốc bóng bẩy, không văn chương thời thượng,” mà “là tiếng hót lảnh lót của loài chim chìa vôi giữ rặng tre làng. Tiếng hót ấy sẽ mang đến cho đời một chút hương nội gió đồng, một chút hoa cau hoa bưởi…” (trang 394, quyển 1).

-Đọc “Cánh Đồng Bất Tận” của Nguyễn Ngọc Tư, Lương Thư Trung cho biết, “đọc thì thấy quá xá là hay” khiến ông cảm thấy “nhói nhói bên ngực trái” vì quá thương cho số phận của chị em thằng Điền, hai nhân vật chính trong truyện. Nhưng Lương Thư Trung không chịu được cách cách chấm, phết của Nguyễn Ngọc Tư. “Ở đây tui bị ngộp thở vì mấy chữ ‘và’ và mấy cái dấu chấm phết ào ào như mưa như nắng ở vùng kênh xáng” trong “mùa áp thấp nhiệt đới Tháng Tám” (trang 192, quyển 1).

-Về truyện dài “Đời Thủy Thủ” của Vũ Thất, Lương Thư Trung nhận xét: “Phải là một thủy thủ tài tình với óc quan sát và nhận xét khá tinh xác mới có thể viết chương sách về trận chiến cách nay tròn năm mươi năm (1965) mà đọc lại như mới xảy ra bây giờ” (trang 392, quyển 2).

-Đề cập đến hai tác giả Nguyễn Hiến Lê và Vương Hồng Sển, Lương Thư Trung nêu lên một nhận xét đáng quan tâm: hai học giả Nguyễn Hiến Lê và Vương Hồng Sển có những đóng góp lớn lao cho nền văn học miền Nam, nhưng “dường như bị các nhà viết văn học sử, các nhà phê bình, các nhà diễn thuyết không biết vì vô tình hay cố ý mà thường hay bỏ quên sự có mặt của họ” (trang 374, quyển 2). Chẳng hạn như trong lần hội thảo “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam” (1954-1975) được tổ chức tại nhật báo Người Việt và nhật báo Việt Báo ở Westminster, California, trong hai ngày, 6 và 7 Tháng Mười Hai, 2014, “các diễn giả thuyết trình nhiều đề tài nhưng dường như quý vị ấy bỏ quên những đóng góp to lớn của nhị vị học giả này.” Mà ngay trong bộ Văn Học Miền Nam do Võ Phiến biên soạn, “hai vị này cũng chỉ được tác giả nhắc qua một cách rất sơ lược trong một hai trang giấy ngắn…” (trang 356, quyển 2).

Xen lẫn trong những bài viết về văn chương, Lương Thư Trung cũng có những bài viết bàn về chữ nghĩa khá thú vị. Chẳng hạn như bàn về việc dùng chữ trong sách vở và chữ ở ngoài đời trong “Giữa “Thiệt” và “Thật,” “Cái lợi của bút lục là chắc, nhưng cái hại của bút lục là quá nệ vào sách vở.” (trang 14, quyển 1).

Hay trong bài “Vài chữ dùng ngoài đời và trong tự điển,” đọc bài viết của Lê Mạnh Chiến, Lương Thư Trung nêu ra sự khác biệt của một số cách giải thích từ ngữ giữa các tự điển và giữa tự điển và ngoài đời và từ đó, nêu ra cái sai sót trong cách hiểu của một số từ như: ba đào, âm đức, bồng bột, chúng sinh, bình sinh… (trang 135-141, quyển 1).

Dù Lương Thư Trung khiêm tốn cho rằng ông chỉ ghi lại “cảm tưởng” của ông khi đọc, nhưng thực sự, với 95 bài viết về nhiều tác giả và tác phẩm, “Người Đọc và Người Viết” là một tập tiểu luận nhận định văn học. Dù không dựa trên một trường phái nào hay một quan điểm nào rõ rệt, nhưng khi phân biệt cái hay, cái dở, phê phán điểm này, khen ngợi điểm kia, tác giả cũng phải dựa vào một quan điểm nào đó. Chẳng hạn, Lương Thư Trung nhận xét rằng, văn chương hay văn học tựa hồ như “những dòng nước làm cho một dòng sông luôn đầy và chảy hoài bất tận,” không dễ gì “cắt lìa giữa cổ điển và hiện đại, giữa lãng mạn trữ tình và hiện thực tả chân, giữa triết lý và đời sống thường, giữa người đọc và tác giả.” Còn người đọc thì mê văn chương xưa hay nay miễn nó hay, cái hay tùy thuộc tâm hồn mỗi người. Mê đọc cũng tốn kém nhiều thứ. Tác giả tự nhận mình thuộc “người đọc đại chúng” và ông cho rằng đừng ai khinh thường người đọc đại chúng vì “chính họ là những người thầm lặng đã mang đến cho văn học những nhà văn tên tuổi” (trang 47-57, quyển 1).

Đó cũng có thể xem là một quan điểm văn học. Từ chỗ đứng này, Lương Thư Trung thẳng thắn phê phán sự áp đặt người đọc vào một “nhóm văn chương” nào đó, quy cho họ là không có văn chương. Nhà phê bình văn học, theo Lương Thư Trung, “chỉ là một người ngồi câu ở một bến sông,” là người  “không làm nên văn chương” mà cũng không là “vị thẩm phán cuối cùng ban phát văn chương cho mọi người” (trang 68, quyển 1).

Nhận định đó cho thấy Lương Thư Trung không chấp nhận lối phê bình văn chương độc đoán, nghĩa là chỉ đứng trên một quan điểm nào đó mà họ cho là đúng đắn, rồi sổ toẹt những cách phê bình văn chương khác hoặc là có cái nhìn thiên lệch đối với những tác phẩm không phù hợp với quan điểm mình.

Hai Trầu-Lương Thư Trung, sinh trưởng ở Tân Bình, Sa Đéc. Ông đã xuất bản chín tác phẩm ở Hoa Kỳ: Bến Bờ Còn Lại (2005), Tình Thầy Trò (2005), Lá Thư Từ Kênh Xáng 1 (2005), 14 Tác Giả, Mỗi Người Một Vẻ (2012), Nhớ Về Những Bến Sông (2013), Lá Thư Từ Kênh Xáng 2 (2013), Mùa Màng Ngày Cũ (2011), Một Chút Tình Quê (2015) và Người Đọc và Người Viết (2017).
TRẦN DOÃN NHO



No comments:

Post a Comment